ĐẶC
SỦNG THÁNH LINH THEO TÂN ƯỚC VÀ CÁC VĂN KIỆN HỘI THÁNH
Thời sự
Thần học - số 76, tháng 05/2017, tr. 107-147
_Giuse
Nguyễn Trị An, O.P._
I.
Những ý niệm nền tảng
1. Nguồn gốc và ý nghĩa của thuật ngữ “đặc sủng”
a. Tổng quan
b. Charisma trong văn hóa đương đại
c. Charisma theo thần học
2. Vài điểm cần phân biệt
a. Charisma: “đặc sủng” hoặc “đoàn sủng”
b. Đặc sủng Thánh Linh và các ơn Chúa Thánh Linh
II.
Charisma trong các bản văn Tân Ước
1. Tổng quát
2. Phaolô
a. Thư gởi tín hữu Rôma
b. Thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô
c. Các thư mục vụ
3. Charisma trong thư thứ nhất của thánh Phêrô
III.
Charisma trong các văn kiện Hội thánh
1. Từ thời Giáo hội sơ khai đến thế kỷ XX
2. Công đồng Vatican II và việc tái xác định chiều kích charisma trong Giáo hội
3. Các giáo huấn hậu Công đồng nhắc đến charisma
a. Ba xu hướng thần học về charisma sau Công đồng
b. Charisma trong đời sống thánh hiến
c. Charisma trong Giáo hội học
Dẫn
nhập
Phong
trào đặc sủng (charismatic movement) nổi lên vào đầu thế kỷ XX, thôi thúc Giáo
hội nhìn lại nhiều khía cạnh trong đời sống của mình. Giáo hội không đơn thuần
là một tổ chức xã hội, với hàng ngũ phẩm trật và cơ chế pháp lý. Giáo hội còn
mang chiều kích thiêng liêng cao quý, vì là đoàn dân được quy tụ bởi Lời Chúa
và được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Nhưng, trong một thời gian dài, Giáo hội
ra như đã phớt lờ hay lãng quên chiều kích thiêng liêng của mình.
Giáo
hội là một cộng đoàn đặc sủng (a charismatic community). Đấy là chân lý được
mặc khải từ Kinh Thánh. Nhiều bản văn Tân Ước nhắc đến các ân huệ thiêng liêng
mà Thánh Thần không ngừng tuôn đổ trên cộng đoàn Dân Thánh. Những ân huệ ấy
giúp cho người tín hữu có đủ sức mạnh và khả năng chu toàn sứ mạng được trao phó,
hầu xây dựng và tô điểm Thân Thể Nhiệm Mầu của Chúa Kitô.
Hơn bao
giờ hết, ngày nay chúng ta cần phải tái khám phá các đặc sủng Thánh Linh, để
nhận ra tiếng nói và sự hướng dẫn của Thánh Thần trong đời sống hiện tại. Sự
tái khám phá đó khởi đi từ việc trở về nguồn, nhìn lại giáo huấn của các thánh
Tông Đồ về các charisma. Nhờ thế, chúng ta có cơ hội hiểu biết tốt hơn, đạt
được khả năng phân định đúng đắn và thực hành hiệu quả các đặc sủng đã thụ
lãnh, ngõ hầu sinh nhiều hoa trái thiêng liêng cho bản thân và cho Giáo hội.
I.
Những ý niệm nền tảng
1.
Nguồn gốc và ý nghĩa của thuật ngữ “đặc sủng”
a. Tổng
quan
Thuật
ngữ “đặc sủng” trong tiếng Việt được dịch từ một thuật ngữ Hy Lạp là χάρισμα
“charisma” (Tiếng Anh là “charism”, tiếng Pháp là “charisme”, và tiếng Latinh
giữ nguyên từ Hy Lạp “charisma”, tuy nhiên, bản dịch Kinh Thánh Vulgata diễn
nghĩa bằng nhiều từ khác nhau). Từ điển Tiếng Việt phổ thông không có từ “đặc
sủng”, xem ra đây là thuật ngữ mang tính chuyên môn, dùng trong lãnh vực thần
học, và hiểu nôm na theo chiết tự là “ân ban đặc biệt” (đặc biệt + sủng ái).
Tuy nhiên, chúng ta có thể xác định gốc gác và ý nghĩa căn bản của thuật ngữ
này khi tra cứu từ điển Webster’s New WorldTM College Dictionary (Third
Edition)[1]
Nguyên
gốc: xuất phát từ động từ “charizesthai”, nghĩa là “tỏ ra ưu ái” (to show
favour); hình thức danh từ “charisma” nghĩa là “ân huệ” hay “quà tặng”
(“favour” / “gift”).
Có ba ý
nghĩa: (1) trong Thần học Kitô giáo, chỉ về ân huệ hay tài năng được Thiên Chúa
ban, như nói tiên tri, chữa lành bệnh tật …; (2) một phẩm chất đặc biệt của nhà
lãnh đạo, thu hút tâm trí đám đông, khiến họ trung thành gắn bó và dấn thân;
(3) một nét đẹp kiều diễm có sức truyền cảm, lôi cuốn (ví dụ, một minh tinh
điện ảnh thu hút khán giả).
Từ
những nội dung căn bản trong từ điển, chúng ta tiếp tục tìm hiểu sâu hơn ý
nghĩa của thuật ngữ charisma trong lãnh vực khoa học cũng như thần học.
b.
Charisma trong văn hóa đương đại
Charisma
xuất hiện từ khi nào? Có lẽ, trước đây thuật ngữ này chỉ phổ biến trong đạo lý
Kitô giáo, khởi đi từ thánh Phaolô Tông đồ, hiếm thấy xuất hiện trong các bản
văn khoa học, dân sự. Đến năm 1922, lần đầu tiên nhà Xã Hội Học người Đức, Max
Weber, sử dụng thuật ngữ charisma để bàn về thẩm quyền và uy tín của vài nhà
lãnh đạo.
Theo
ông, có ba loại thẩm quyền (Authority) khác nhau nơi người lãnh đạo. Loại thứ
nhất là thẩm quyền chính thức, đúng theo luật pháp: Legitimate Authority. Loại
thứ hai được hiểu theo mẫu truyền thống cổ xưa: Traditional Authority. Loại thứ
ba xem ra rất nổi bật và có khả năng tác động đến người khác: Charismatic
Authority. Khi sử dụng thuật ngữ charisma ở loại thứ ba, Weber giải thích, đó
là một phẩm chất được xem như khác thường nơi nhà lãnh đạo, và quần chúng nhận
phẩm chất ấy là siêu nhiên, hoặc siêu phàm.[2]
Tác
phẩm và quan niệm của Weber đã gây tiếng vang lớn trong khoa học. Từ đó trở đi,
thuật ngữ charisma được nhiều người biết đến và sử dụng. Các từ điển ngoại quốc
bắt đầu ghi nhận, khái quát ý nghĩa, xác định charisma là khả năng đặc biệt của
một ai đó thu hút sự chú ý và niềm tin của đám đông, thường áp dụng cho những
nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo, những người có khả năng thể hiện thẩm quyền
và uy tín của mình. Ngày nay, người ta cũng sử dụng từ ngữ này để chỉ về những
diễn viên điện ảnh hoặc ca sĩ nổi tiếng, là những minh tinh lôi kéo được nhiều
người hâm mộ, quý mến.
Như
vậy, trong ngôn ngữ ngoại quốc, từ charisma hiện này cũng được sử dụng phổ
thông với những ý nghĩa có thể rất khác so với lãnh vực thần học mà chúng ta
nghiên cứu ở đây.
c.
Charisma theo thần học
Trước hết, cần phải nói thêm rằng, có một
thuật ngữ khác nữa cũng được sử dụng trong Thần học, hình thức gần giống với
“charisma” (χάρισμα), đó là “charis” (χάρισ).[3] Nguyên nghĩa, “charis” là
“duyên dáng” (tiếng Anh: “grace”; tiếng Latinh: “gratia”), khác với “charisma”
là “quà tặng” (gift). Nhưng, trong các bản văn Kinh Thánh Tân Ước, cả hai từ
này đều được sử dụng để ám chỉ ân ban của Thiên Chúa cho con người.
Trong
Tân Ước, thuật ngữ charisma xuất hiện trước tiên nơi các bản văn của thánh
Phaolô. Vì thế, các nhà thần học cố gắng phân tích các lá thư để tìm hiểu chủ ý
của thánh nhân, khi ngài nhắc đến các charisma trong đời sống Giáo hội thời sơ
khai. Tuy nhiên, rất khó đưa ra một định nghĩa chung, khát quát, bởi vì thánh
Phaolô sử dụng thuật ngữ này trong nhiều bối cảnh, với đa dạng các loại khác
nhau.
Một
trong những tác giả bàn về charisma nhiều nhất là nhà thần học Tin Lành Max
Turner. Sau khi nghiên cứu danh sách các đặc sủng của Phaolô, ông kết luận như
sau: “Rõ ràng các bản danh sách ở đây chỉ có tính hiện thời, không đầy đủ, và
chúng cho thấy, bất cứ thứ gì được xem là ơn Chúa ban để giúp con người đủ khả
năng xây dựng Giáo hội thì đều có thể được gọi là một charisma, vì mục đích của
thánh Phaolô là nhấn mạnh đến bản chất của charisma: được Thiên Chúa ban tặng”.[4]
Trong
tập khảo cứu Thần Học Hệ Thống, một tác giả Tin Lành nữa là Wayne Grudem, cũng
đưa ra định nghĩa về charisma như sau: “Một ân huệ thiêng liêng (hay đặc sủng)
là bất cứ khả năng gì được Thánh Thần tăng cường và được sử dụng trong bất kỳ
tác vụ nào của Giáo hội”.[5] Wayne nói rõ, đây là một định nghĩa rất rộng và
không giới hạn charisma chỉ là những khả năng siêu nhiên, bao gồm cả những năng
lực tự nhiên nữa.
Về phía
Công Giáo, Đức Hồng Y Leo Jozef Suenens, một trong những tác giả hàng đầu
nghiên cứu về lãnh vực Giáo hội Học, cũng đưa ra một nhận xét tổng quát về
charisma như sau: “Chủ yếu là những biểu hiện đa dạng và hữu hình của một thực
thể độc nhất: đó là sự sống của Thánh Thần tuôn trào vào tâm hồn các tín hữu.
Những ân huệ ấy được ban là để xây dựng Giáo hội; chúng bổ sung lẫn nhau”.[6]
Hồng y
Yves Congar O.P., một chuyên gia trong lãnh vực thần học về Chúa Thánh Thần,
khi nghiên cứu các đặc sủng Thánh Linh trên khía cạnh những nguyên lý cấu trúc
Giáo hội, đã đưa ra một nhận định khái quát: “Các charisma là những năng lực tự
nhiên và siêu nhiên được trao ban nhằm hoàn trọn sứ mạng của cộng đoàn Giáo
hội”.[7]
Từ
những định nghĩa trên đây, chúng ta thấy hầu hết các tác giả đều chung nhau về
đặc tính, nguồn gốc và mục đích của charisma. Về đặc tính, nó biểu hiện là một
khả năng, tài khéo nơi con người (khả năng tự nhiên hoặc siêu nhiên). Về nguồn
gốc, do Thiên Chúa ban hoặc Thiên Chúa tác động (thường gắn liền với hoạt động
của Ngôi Ba). Về mục đích, được sử dụng trong tác vụ của Giáo hội, nhằm xây
dựng Giáo hội. Những khía cạnh này của charisma xuất hiện trong tư tưởng Phaolô
thế nào, sẽ được phân tích rõ hơn ở chương II.[8]
2. Vài
điểm cần phân biệt
Mọi ân
huệ người Kitô hữu lãnh nhận đều đến từ Thiên Chúa, hay nói cụ thể hơn là quà
tặng của Chúa Thánh Thần. Người ta thường phân biệt các loại ân huệ Thánh Thần
khác nhau, tuỳ theo cách hiểu và để tiện cho việc nghiên cứu. Tuy nhiên, không
phải luôn đạt được sự phân biệt hoàn toàn, có lúc chồng chéo.
a.
Charisma: “đặc sủng” hoặc “đoàn sủng”
Thuật
ngữ charisma thường được chuyển dịch sang tiếng Việt là “đặc sủng”, đôi khi còn
gọi là “đoàn sủng”. Lý do, tuỳ vào khía cạnh nhắm tới mà gọi tên khác nhau. Khi
nói “đặc sủng”, thường nhắm đến cá nhân, hiểu là ân huệ của Chúa Thánh Thần ban
cho một ai đó, mà những người khác không có hoặc có ở mức độ thấp hơn. Khi nói
“đoàn sủng”, thường nhắm đến khía cạnh cộng đoàn, bởi lẽ, ân huệ Thánh Thần ban
cho cá nhân không phải để làm phong phú cuộc sống của riêng người đó mà thôi,
nhưng mục đích là xây dựng và củng cố cộng đoàn Hội thánh mà cá nhân thuộc về.
Thực tế, cá nhân có thể không sở hữu một đặc sủng nào đó luôn mãi, mà chỉ trong
một giai đoạn nhất định, lúc Hội thánh cần đến.
b. Đặc
sủng Thánh Linh và các ơn Chúa Thánh Thần
Thần
học cũng phân biệt các ơn thông thường của Chúa Thánh Thần với các charisma
(đặc sủng Thánh Linh), xét trên khía cạnh: nền tảng Kinh Thánh, đối tượng thụ
lãnh và mục đích.
Các ơn
Chúa Thánh Thần thì vô số, nhưng thường được gói gọn trong con số 7 và gắn liền
với hồng ân của bí tích Thêm sức. Nền tảng Kinh Thánh của những ơn này phải kể
đến một bản văn Cựu Ước, trích từ sách Ngôn sứ Isaia 11,2-3a nói về những ân
huệ của Thần Khí đổ xuống trên một vị lãnh đạo xuất thân từ nhà Đavít: “Thần
Khí của Đức Chúa sẽ ngự xuống trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn,
thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa. Lòng
kính sợ Đức Chúa làm cho Người hứng thú”. Sau này, truyền thống Kitô giáo đã áp
dụng bản văn này để nói đến 7 linh ân xếp theo thứ tự: khôn ngoan, thông minh,
lo liệu, can đảm, hiểu biết, đạo đức và kính sợ Thiên Chúa. Các ơn này phổ biến
nơi mọi tín hữu, mục đích là giúp họ thực hành nhân đức đến mức trọn hảo và mau
mắn vâng nghe sự chỉ dạy của Chúa Thánh Thần.
Charisma
cũng thuộc ân huệ Chúa Thánh Thần nhưng không gói gọn số lượng vào con số cụ
thể. Nền tảng Kinh Thánh của charisma là các bản văn Tân Ước, có trong thư của
thánh Phaolô (15 lần) và thư thứ nhất của thánh Phêrô (1 lần). Từ các bản danh
sách trong Kinh Thánh, đếm được có khoảng 20 charisma khác nhau. Nhớ rằng, đây
là những ơn đặc biệt, không phổ quát cho mọi tín hữu đã lãnh nhận bí tích Rửa
tội và Thêm sức. Có thể nói, charisma là những ơn bổ trợ, ngoại thường, được
phú ban cho một vài người nhằm phục vụ một sứ mạng đặc biệt nào đó trong Giáo
hội, bên cạnh những ân huệ thông thường như bảy linh ân đề cập trên.[9]
II.
Charisma trong các bản văn Tân Ước
1. Tổng
quát
Trong
các bản văn Tân Ước, thuật ngữ charisma xuất hiện 16 lần và chỉ có một trường
hợp không thuộc các thư của Phaolô, đó là 1Pr 4,10. Còn lại, 15 lần thuật ngữ
này được sử dụng với những hình thức khác nhau (số ít, số nhiều, chủ cách,
thuộc cách), trong các thư gởi tín hữu ở Rôma, Côrintô, và gởi ông Timôthê.[10]
Lưu ý,
số lần xuất hiện thuật ngữ “charisma” không đồng nghĩa với số lượng các đặc
sủng được kể ra. Thực vậy, có bốn bản danh sách charisma,[11] số lượng như sau:
Rm
12,6-8: Ngôn sứ, phục vụ, dạy bảo, khuyên răn, phân phát, chủ toạ, làm
việc bác ái (7 ơn)
1 Cr
12,4-10: Khôn ngoan, hiểu biết, lòng tin, chữa bệnh, làm phép lạ, nói
tiên tri, phân định thần khí, nói tiếng lạ, giải thích tiếng lạ (9 ơn)
1Cr
12,28-30: Tông đồ, ngôn sứ, thầy dạy, làm phép lạ, chữa bệnh, giúp đỡ
người khác, quản trị, nói tiếng lạ, giải thích tiếng lạ (9 ơn)
Ep
4,11-12: Tông đồ, ngôn sứ, loan báo Tin Mừng, coi sóc -dạy dỗ (4 ơn)
Từ bảng
thống kê này, có thể rút ra vài điểm:
Không
có sự đồng nhất về số lượng, thứ loại và thứ tự charisma trong những lần liệt
kê: đếm được khoảng 22 thứ đặc sủng khác nhau.
Vấn đề
đặc sủng được nhắc đến nhiều nhất ở Cộng đoàn Côrintô (số lần và số lượng).
Thư gởi
tín hữu Êphêxô không xuất hiện thuật ngữ charisma, nhưng lại liệt kê vài đặc
sủng tiêu biểu. Trong khi đó, hai thư gởi cho Timôthê (và thư thứ nhất của
Phêrô) có sử dụng thuật ngữ này mà lại không liệt kê (hoặc không rõ ràng lắm).
Những
đặc sủng được nhắc đến nhiều nhất là ngôn sứ, tông đồ, dạy dỗ, làm phép lạ, nói
tiếng lạ và giải thích tiếng lạ. Dường như, đây là những ân huệ mà các tác giả
muốn cộng đoàn tín hữu chú ý nhiều nhất.
Có lẽ,
thánh Phaolô không có chủ ý liệt kê một danh sách đầy đủ các charisma, nhưng
chỉ muốn khẳng định, có rất nhiều ân huệ cao quý Thiên Chúa ban cho cộng đoàn.
Đồng thời, thánh nhân cũng không phân loại các charisma, chỉ đơn thuần liệt kê
như thấy rõ trước mắt. Công việc phân loại là của các thần học gia sau này. Để
thuận tiện cho việc nghiên cứu, người ta đề ra nhiều lối phân loại:
Theo
đặc tính thời gian: đặc sủng có tính vĩnh viễn trong Hội thánh và đặc sủng có
tính tạm thời.[12]
Theo
đối tượng gắn liền: hoạt động của Thần Khí (nói tiếng lạ, làm phép lạ, …), tác
vụ của Hội thánh (tông đồ, thầy dạy,…), hướng về tha nhân (việc bác ái, phục
vụ,…).[13]
Theo
tính chất: ngoại thường (miraculous: nói tiếng lạ, làm phép lạ, …) và thông
thường (non-miraculous: ngôn sứ, thầy dạy,…).[14]
Theo
hình thức hoạt động: trí thức (khôn ngoan, hiểu biết, phân định thần khí,…) và
thực hành (làm việc bác ái, hướng dẫn,…).[15]
2.
Charisma trong các thư của thánh Phaolô
a. Thư
gởi tín hữu Rôma
Từ ngữ
charisma xuất hiện ngay phần mở đầu, khi thánh Phaolô viết lời chào thăm cộng
đoàn và bày tỏ tấm lòng quý mến các tín hữu: “Thực vậy, tôi rất ước ao được gặp
anh em, để chia sẻ với anh em phần nào ân huệ (charisma) của Thánh Thần, nhờ đó
anh em vững mạnh” (Rm 1,11). Hẳn nhiên, charisma ở đây không được liên kết với
hoạt động của Thần Khí nơi cộng đoàn Hội thánh ở Rôma, mà chỉ là đặc sủng mà
thánh Phaolô đã lãnh nhận, đã cảm nghiệm và muốn thông chia cho người khác. Có
thể khẳng định trong trường hợp này, charisma ám chỉ chức vụ Tông Đồ, vì ngay
trước đó, thánh Phaolô đã chủ ý giới thiệu chức phận của mình: “Chúng tôi đã
nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục
Tin Mừng hầu danh Người rạng rỡ” (Rm 1,5).
Tuy
nhiên, khi đến chương 6 cũng trong lá thư này, charisma không còn được hiểu là
đặc sủng hay tác vụ cho một cá nhân được ưu tuyển nữa. Nhưng theo một nghĩa
rộng nhất, charisma tương đương với ơn cứu độ dành cho tất cả mọi người: “Lương
bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết; còn ân huệ (charisma) Thiên Chúa
ban không, là sự sống đời đời trong Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 6,23).
Sử dụng thuật ngữ “charisma” chứ không phải “charis” trong bối cảnh này, xem ra
thánh Phaolô muốn nhấn mạnh ở mức cao nhất ân huệ sự sống của Thiên Chúa, đối
chọi hoàn toàn với hậu quả tội lỗi của Ađam. Vì nguyên tổ sa ngã, muôn loài
phải chết, nhưng nhờ Đức Kitô, Ađam mới, muôn loài được sống đời đời. Như vậy,
cùng một ân huệ sự sống (nghĩa là cùng một charisma như nhau) sẽ được ban cho
tất cả những ai có lòng tin.
Chúng
ta sẽ thấy một quan niệm khác nữa về charisma nơi thánh Phaolô ở chương 12:
không phải tất cả mọi người thụ hưởng cùng một đặc sủng, nhưng có đa dạng
charisma dành cho đa dạng các thành phần.
Có
những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được
ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì
phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai
phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ toạ, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc
bác ái thì vui vẻ mà làm (Rm 12,6-8).
Những
lời khuyên nhủ này có hai điểm đáng lưu ý. Thứ nhất, về bản chất của charisma:
là những khả năng Chúa ban để con người hoạt động, chứ không đồng hoá với ơn
cứu độ cho linh hồn. Thứ hai, về việc vận dụng charisma: mỗi người phải sử dụng
đặc sủng mình đã thụ lãnh sao cho xứng hợp và biết tôn trọng ân tứ của nhau.
Tóm
lại, thánh Phaolô đã du nhập một từ ngữ không mấy thông dụng trong văn chương
Hy Lạp vào tác phẩm của mình và sử dụng nó khá “linh động”. Bằng chứng là, có
sự biến đổi trong nội hàm của “charisma”, tuỳ theo chủ đích muốn diễn tả: có
khi rất hẹp (chỉ một ân ban đặc biệt), nhưng có khi cũng rất bao quát (chỉ về
hồng ân cứu chuộc nói chung). Đồng thời, cũng có sự biến đổi về đối tượng thụ
lãnh charisma nữa: khi thì phổ biến cho hầu hết mọi người, khi thì ban cho một
số người nào đó, để họ đảm trách sứ mạng cao cả.
b. Thư
thứ nhất gởi tín hữu Côrintô
Đây là
văn phẩm nổi bật nhất về chủ đề đặc sủng Thánh Linh trong Tân Ước. Vì thế, tất
cả những ý nghĩa và cách thức sử dụng thuật ngữ charisma ở thư Rôma đều xuất
hiện trong thư Côrintô. Hơn thế, trong lá thư này, thánh Phaolô còn diễn tả
thêm nhiều nét phong phú nữa của thực tại đặc sủng trong đời sống Giáo hội, ở
các chương từ 12 đến 14.
Hai bản
liệt kê dày đặc các đặc sủng cho thấy một cách hiểu về charisma theo nghĩa hẹp:
những biểu hiện cụ thể có tác động của Thánh Thần. Tuy nhiên, điều mà thánh
Phaolô nhấn mạnh ở đây không phải là tính đa dạng của đặc sủng, mà là nguồn gốc
của chúng: “Có nhiều đặc sủng (charisma) khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí.
Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác
nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người” (1Cr 12,4-6).
Ba lần
lặp lại cụm từ “nhưng chỉ có một”,[16] rõ ràng tác giả đang tô đậm tính duy
nhất trong nguồn gốc của các charisma. Thánh Phaolô muốn dân thành Côrintô trên
hết phải ghi nhớ: mọi ân ban đều xuất phát từ một Thiên Chúa mà thôi. Điều này
có nhiều hệ luận và ý nghĩa:
Thứ
nhất, nói đến đặc sủng là đánh vào tâm lý của dân thành, để thu hút sự chú ý
của họ. Vì đây là vùng đất dân ngoại mới trở lại, họ sính chuộng bề ngoài, học
thói đua đòi, ưa thích dấu lạ, quan tâm đến charisma, đến những gì trổi vượt
khác thường trong cộng đoàn.
Vậy
nên, thánh Phaolô nhắc họ phải nhớ về Thiên Chúa, với tâm tình cảm tạ, vì mọi
charisma đang thấy đều xuất phát từ nơi Người. Điều này cũng đồng nghĩa với
việc tín hữu Côrintô phải từ bỏ các tà thần gắn bó xưa kia, chỉ tin tưởng, thờ
lạy Thiên Chúa mà thôi.
Tiếp
đến, dân thành được mời gọi sống tinh thần hiệp nhất (của Thần Khí) trong đa
dạng (các charisma nơi mỗi thành phần), chống lại những chia rẽ, bè phái, nhất
là thái độ kỳ thị, loại trừ nhau trong các buổi cử hành Phụng vụ. Phải nhớ
rằng: “Tất cả chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên
một thân thể” (1Cr 12,13).
Cuối
cùng, đặc sủng được ban không nhằm tô điểm cá nhân, nhưng mục đích của charisma
là vì ích chung, hướng tới sự thăng tiến của toàn thể cộng đoàn Hội thánh:
“Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách là vì ích chung” (1Cr 12,7).
Trong
khi ở thư Rôma, việc liệt kê các charisma chỉ nhằm diễn tả mức độ phong phú của
các ân huệ Thiên Chúa, thì ở lá thư này, dường như thánh Phaolô lại nhấn mạnh
đến thứ bậc các đặc sủng khác nhau: “Trong Hội thánh, Thiên Chúa đã đặt một số
người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy,
rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để
giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ” (1Cr 12,28). Điều này
phản ánh mối quan tâm của thánh Phaolô đối với vấn đề hiện đang nổi cộm của
cộng đoàn Côrintô.
Không
phải ngẫu nhiên mà ở cả hai bản danh sách, ơn nói tiếng lạ và giải thích tiếng
lạ được xếp cuối cùng. Thánh Phaolô muốn nhắc nhớ rằng, chỉ ít người thực sự
được thụ lãnh ơn này, và điều quan trọng hơn là phải sử dụng chúng cách thích
hợp. Thực tế, rất nhiều tín hữu ở Côrintô xem đây là đặc ân tỏ tưởng nhất cho
thấy có sự tác động của Thần Khí nơi con người [như đã nói, dân thành này sính
chuộng hình thức bề ngoài], nhưng nó lại là đặc ân bị lạm dụng nhiều nhất, khi
không được sử dụng để xây dựng Hội thánh, mà chỉ huênh hoang, tự đắc.
Ngược
lại, đặc sủng tông đồ được xếp hàng đầu trong danh sách. Phải chăng thánh
Phaolô muốn diễn tả, ai thụ hưởng đặc sủng này thì nhận được nhiều sức mạnh của
Thần Khí hơn hoặc có vị trí trổi vượt hơn những người khác? Không thể kết luận
vội vã như thế.[17] Có lẽ thánh Phaolô muốn tận dụng bối cảnh này để khẳng định
thẩm quyền của mình, một Tông Đồ đích thực, để mạnh dạn can thiệp vào những
chuyện bê bối đang xảy ra ở cộng đoàn Côrintô. Thêm vào đó, rất có thể thánh
Phaolô muốn chứng tỏ, bản thân mình sử dụng charisma nhận được để củng cố, xây
dựng cộng đoàn Hội thánh và đó là cách thức sử dụng charisma đúng đắn mà các
tín hữu cần học theo. Đồng thời, cũng không thể phủ nhận, đối với cảm nghiệm
riêng của thánh Phaolô, được làm Tông Đồ là một ân huệ trọng đại vô cùng, vì đó
là sứ mạng Chúa uỷ thác cho ngài để ra đi loan báo Tin Mừng cho các dân ngoại
(Ga 1,11-2,10). Nói khác đi, đặc sủng Tông Đồ giữ vị trí nền tảng trong việc
hình thành các cộng đoàn Hội thánh, và cụ thể, nhờ charisma tông đồ mà xuất
hiện cộng đoàn Côrintô.
Với
cùng một cách thức diễn tả như đặc sủng tông đồ, đặc sủng ngôn sứ và thầy dạy
được tách riêng theo thứ bậc, liệt kê ngay sau đó. Hẳn nhiên, thánh Phaolô muốn
các tín hữu phải đặc biệt ghi nhớ ba đặc sủng này, vì chúng là những charisma
liên quan trực tiếp đến sứ mạng rao giảng Tin Mừng, sứ mạng trọng yếu của cộng
đoàn Hội thánh. Đặc sủng ngôn sứ là ơn lãnh hội và truyền giảng Lời Chúa. Đặc
sủng thầy dạy là ơn giải thích Lời Chúa, giúp mọi người hiểu đúng chân lý Lời
Chúa. Mặc dù cả hai cùng chia sẻ một mối quan tâm với tông đồ, nhưng có sự phân
biệt và hỗ tương: thầy dạy sẽ giữ cho lời ngôn sứ không rơi vào quá khích, vô
chừng mực, còn ngôn sứ, mở ra cho phong trào Thần Khí, đập tan sự cứng ngắc đến
chai lì của thầy dạy.[18]
Nếu ba
charisma đầu tiên gắn liền với sứ mạng thiêng liêng của người tín hữu, thì
những charisma tiếp theo dường như lại gắn liền với trách nhiệm cụ thể trong
đời sống thực tế. Đặc sủng làm phép lạ và chữa bệnh không thấy đề cập trong thư
nào khác, có lẽ chúng là những hồng ân rất riêng, dành cho dân thành Côrintô
lúc bấy giờ, và cũng là những thách thức cho sự hiệp nhất của cộng đoàn. Liền
sau đó, đặc sủng giúp đỡ và quản trị được đề cập như một lời khuyên nhủ các tín
hữu hãy sử dụng ơn thiêng Chúa ban, để điều hành, cai quản mọi việc, sao cho có
sự hài hoà, đoàn kết trong Hội thánh.
Như
vậy, nhìn tổng thể, chúng ta thấy rằng, trong thư thứ nhất Côrintô, thuật ngữ
charisma được sử dụng theo một nghĩa tương đối hẹp chứ không ám chỉ một ơn ích
chung chung. Tác giả không nhắm tới số lượng và đối tượng thụ lãnh charisma cho
bằng nguồn gốc phát xuất của chúng: ân huệ đến từ Thiên Chúa. Cần ghi nhớ: ân
huệ đi kèm với trách nhiệm và sứ mạng lớn lao, vậy nên charisma không phải là
điều kiện để ai nấy tự hào về bản thân. Điều quan trọng hơn hết là sống xứng
hợp với đặc sủng đã thụ lãnh, bằng cách góp phần xây dựng Hội thánh.
Ai nấy
phải đón nhận charisma với lòng biết ơn và tôn trọng ân tứ của mỗi người. Thái
độ ấy chỉ có thể đạt được trên nền tảng đức mến (agape). Nói cách khác, đức mến
là đặc sủng cao trọng hơn hết: không có đức Mến mọi charisma chẳng có lợi ích
gì cả, không có đức Mến, thân thể Hội thánh sẽ bị phân mảnh và xé nát bởi vô
vàn các đặc sủng theo những hướng khác nhau. Đức Mến là dây hiệp thông và liên
kết tất cả, để mọi charisma đều hướng về việc xây dựng và thăng tiến cộng đoàn.
Thánh Phaolô đã khẳng định như thế trong Bài ca Đức Mến, ngay sau phần liệt kê
các charisma (1Cr 12,31-13,13).
c. Các
thư mục vụ
Thuật
ngữ charisma trong hai thư gởi cho Timôthê được sử dụng với cùng một cách thức
và ý nghĩa. Tác giả khuyến nghị vị mục tử sống gương mẫu, và “đừng thờ ơ với
đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ,
khi hàng kỳ mục đặt tay trên anh” (1Tm 4,14). Tác giả chân thành khuyên bảo,
đừng bao giờ quên lãng hay dập tắt những ân huệ Chúa ban:
Anh
phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt
tay trên anh. Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho
chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức
mạnh, tình thương, và biết tự chủ. (2Tm 1,6-7).
So với
những trường hợp trước, ở đây charisma bao hàm những nội dung hoàn toàn mới,
khiến chúng ta phải lưu ý.
Thứ
nhất, tác giả liên kết charisma với nghi thức đặt tay, truyền chức. Từ đấy, có
thể hiểu charisma gắn liền với một chức vụ cụ thể, một hàng ngũ lớn trong cộng
đoàn, kiểu như ‘ân sủng đi kèm chức vụ’.
Thứ
hai, charisma không còn được dùng để mô tả về những khả năng hay chức năng đặc
biệt nơi người tín hữu.
Thứ ba,
thậm chí charisma gần như được đánh đồng với Thánh Thần vì Thần Khí chính là
đặc sủng được thông ban qua việc đặt tay.
Lý do
cho những sự khác biệt này, có những hướng giải thích khác nhau. Theo dòng thời
gian, quan niệm về charisma của các tác giả Tân Ước cũng có ít nhiều thay
đổi.[19] Hoặc chăng, trong các thư mục vụ này, tác giả chủ ý nhấn mạnh đến vai
trò quan trọng của những người đứng đầu trong cộng đoàn đức tin, tách biệt với
hàng ngũ giáo dân, vì được đặt tay ‘truyền chức’. Cũng có thể, tác giả chủ
trương, charisma tổng quát nhất và bao hàm tất cả là chính Thánh Thần, mà chỉ
những người được đặt tay mới có mà thôi.
Tuy
vậy, điều không thể chối bỏ là có một khoảng cách khá lớn về ý nghĩa của
charisma ở trường hợp này so với những lần trước: là chính hữu thể Thiên Chúa
chứ không phải là năng lực của Thiên Chúa. Thậm chí, cả đối tượng thụ lãnh
charisma, ở đây gần như tác giả cũng muốn thu gọn rất nhiều: chỉ những thành
phần cao cấp (Kỳ Mục) trong Giáo hội mới có. Đồng thời, nảy sinh thêm một nghi
vấn: chức vụ có thể thông truyền từ hàng Kỳ Mục cho một người khác, mà charisma
đi kèm với chức vụ, vậy phải chăng charisma cũng được thông truyền từ người này
qua người khác?
3.
Charisma trong thư thứ nhất của Phêrô
Đây là
trường hợp ngoại lệ duy nhất trong Tân Ước, vấn đề charisma được nhắc đến ngoài
các văn phẩm Phaolô. Tác giả thư 1Pr sử dụng thuật ngữ charisma trong bối cảnh
hướng về cánh chung, đợi chờ Đức Kitô quang lâm: “Thời cùng tận của vạn vật đến
rồi… Ơn riêng (charisma) Thiên Chúa ban cho mỗi người trong anh em phải dùng mà
phục vụ kẻ khác. Như vậy anh em mới là người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn
trạng của Thiên Chúa”. (1Pr 4,7-10).
Trong
trường hợp này, xét về ý nghĩa (ơn riêng), đối tượng (nhiều người) xem chừng
tác giả quan niệm rất gần với tư tưởng của Phaolô như đề cập trên. Còn khía
cạnh mục đích của charisma thì có khác biệt. Trong khi, thư Phaolô nhấn mạnh
mục đích của charisma nhiều hơn về phía cộng đoàn, phục vụ lẫn nhau để giúp
nhau thăng tiến, thì thư Phêrô lại quy hướng trực tiếp về Thiên Chúa, mục đích
charisma là thi hành vai trò quản lý, nhằm tôn vinh Thiên Chúa. Tuy vậy, khác
biệt này không lớn, vì suy cho cùng tất cả ân huệ đều nhằm trực tiếp lợi ích
của con người, rồi qua đó, tôn vinh Thiên Chúa, Đấng dựng nên con người.
Tới đây
xin được tóm kết vài điều về charisma trong các văn phẩm Tân Ước sau khi đã
lược qua những đoạn văn điển hình đề cập đến vấn đề này.
Ý nghĩa
chung, nói về ân huệ Chúa ban, nhưng nội hàm của nó biến chuyển tuỳ theo tác
giả sử dụng trong từng bối cảnh, nhằm một mục đích cụ thể.
Mục
đích căn bản của charisma là vì ích lợi chung cho toàn thể Hội thánh.
Có lẽ,
mối bận tâm xuyên suốt của các tác giả là phân định và sử dụng charisma. Phân
định, xét xem đấy có đúng là ân huệ Thần Khí ban hay không; sau đó, vận dụng,
nếu đúng thì đừng dập tắt Thần Khí, nhưng hãy khơi dậy và thực hành với lòng
bác ái (trên phương diện cá nhân cũng như cộng đoàn).
III.
Charisma trong các văn kiện Hội thánh
1. Từ
thời Giáo hội sơ khai đến thế kỷ XX
Trong
giai đoạn này, dường như không có văn kiện chính thức nào nhắc đến charisma
trong đời sống Giáo hội, chỉ thấy nơi tác phẩm của các vị Giáo phụ ở những thế
kỷ đầu.
Thánh
Clemente, trong thư gởi tín hữu Côrintô chương 38, đặc biệt đề cập đến những ân
huệ thiêng liêng (charisma) Chúa ban, gợi nhắc lại những lời giáo huấn trước
đây của thánh Phaolô Tông đồ: “Ai nấy hãy giúp đỡ người lân cận với charisma đã
thụ lãnh”. Dân Côrintô được khích lệ ý thức mình là thành phần trong một thân
thể rộng lớn, và phải cộng tác với nhau vì lợi ích chung.
Thánh
Inhaxio thành Antiôkia sử dụng thuật ngữ charisma trong hai hoàn cảnh. Thư gởi
tín hữu Êphêsô, ngài nhấn mạnh với câu hỏi: “Tại sao chúng ta lại hành động dại
dột, không nhận biết charisma Chúa thực sự gởi đến?” (17,2). Trong lá thư gởi
Giám mục Polycarp, thánh nhân thôi thúc: “Anh hãy cầu xin để những điều không
thấy nay sẽ được tỏ lộ, và rồi anh sẽ không thiếu gì cả, nhưng dư tràn các
charisma” (2,2). Lời này dường như vọng lại tư tưởng của thánh Phaolô xưa kia
khi ngài khuyên: hãy khát khao những ơn trọng đại nhất (1Cr 12,31).
Thánh
Justino tử đạo, nhà hộ giáo, có liệt kê một danh sách đặc sủng:
Người
thì được đặc sủng hiểu biết, người khác được ơn khuyên bảo, người khác nữa được
ơn sức mạnh, rồi có người được ơn chữa lành, người khác có ơn tiên tri, người
khác nữa thì giảng dạy, kính sợ Thiên Chúa (Đối thoại với Trypho, ch. 39).
Danh
sách này gần giống với bản có trong 1Cr, bao gồm các khả năng siêu nhiên và tự
nhiên, nhưng thêm vào ơn kính sợ Thiên Chúa. Đặc biệt, thánh Justinô còn khẳng
định: “Đặc sủng ngôn sứ vẫn còn cho đến thời hiện nay” (ch. 82) và “rất có thể
chúng ta sẽ thấy trong số chúng ta những người nam nữ sở hữu ân huệ của Thần
Khí” (ch. 87).[20]
Văn sĩ
Tertulliano trong tác phẩm On Baptism
(bàn về Phép Rửa) được viết vào đầu thế kỷ thứ III, giáo huấn cho những anh chị
em mới lãnh nhận Phép Rửa, gia nhập một cộng đoàn, ở đó mọi người cùng cử hành
Thánh Thể:
Anh chị
em, những người thật diễm phúc, …, khi lần đầu tiên dang đôi tay trong ngôi nhà
mẹ của anh chị em cùng với bao người khác, hãy cầu xin Chúa Cha và hãy cầu xin
Chúa Kitô cho được ân huệ đặc biệt dành cho những kẻ thừa kế, xin ngài ban phát
các charisma, vốn là ân huệ được thêm vào cùng với Phép Rửa. Chúa đã nói, cứ
xin thì sẽ được. Anh chị em cứ tìm kiếm và charisma sẽ được ban cho.
Thánh
Hilariô (315-367) viết về kinh nghiệm các đặc sủng như sau:
Chúng
tôi bắt đầu nhận thức các mầu nhiệm đức Tin, chúng tôi có thể nói lời ngôn sứ
và nói với sự khôn ngoan. Chúng tôi ngày càng trông cậy vững vàng và thụ hưởng
đặc ân chữa lành … những đặc ân này đi vào tâm hồn chúng tôi như cơn mưa dịu dàng.
Dần dần chúng trổ sinh hoa trái.[21]
Bắt đầu
từ thế kỷ V trở đi, theo nhận định của thánh Gioan Kim Khẩu (347-407), trong
cộng đoàn Hội thánh ít xuất hiện những cảm nghiệm về tác động của Thánh Linh:
Các
charisma đã đi xa …. Giáo hội hiện nay tựa như một phụ nữ đã đánh mất những
ngày huy hoàng trước đây của mình. Trên nhiều phương diện, Giáo hội giữ lại chỉ
là những biểu tượng của thời kỳ vàng son xưa kia. [22]
Cũng từ
đây kéo dài tới 15 thế kỷ, hầu như không thấy các Giáo phụ và các Công đồng
nhắc đến charisma trong cộng đoàn Hội thánh.
Tuy
nhiên, người ta lại thấy, vào thời Trung Cổ, Thánh Tôma Aquinô có nhắc đến thực
tại đặc sủng bằng một cách diễn đạt và tên gọi khác. Thánh Tôma phân biệt hai
loại ân sủng (gratia) khác nhau: một là ơn thánh hoá có tính cách thường xuyên
(gratia gratum faciens – ơn làm cho trở nên đẹp lòng Chúa), hai là ơn trợ giúp
tuỳ theo hoàn cảnh (gratia gratis data – ơn được ban nhưng không). Loại thứ
nhất nhắm tới bản thân người thụ lãnh, dẫn đưa họ vào sự sống thần linh của Thiên
Chúa. Loại thứ hai còn gọi là ơn hiện sủng hay đoàn sủng, vì là ơn huệ được ban
nhằm thiện ích của cộng đoàn.[23]
Đến
giữa thế kỷ XX, mới xuất hiện thông điệp đầu tiên của Huấn quyền nhắc đến
charisma trong đời sống Giáo hội. Đó là Thông điệp “Mystici corporis”, ngày
29.06.1943, của đức giáo hoàng Piô XII. Trước Công đồng Vatican II, đây là
thông điệp quan trọng nhất bày tỏ quan điểm của Huấn quyền về bản chất Giáo
hội. Có ba khía cạnh căn bản mà Thông điệp đề tới: (1) Giáo hội Công giáo được
xác định là Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô; (2) Điều kiện phải có cho những
ai muốn thật sự làm thành viên của Giáo hội; (3) chiều kích cơ chế và chiều
kích đặc sủng của Giáo hội (số 105). Thông điệp khẳng định sẽ là sai lạc nếu ai
đó tưởng rằng Giáo hội chỉ như một thực thể không ai nhìn thấy được, chỉ có
tính chất thiêng liêng, hay chỉ gồm những ai được ơn đặc sủng (charisma) mà
thôi.
Như
vậy, thực tại đặc sủng bắt đầu được tái nhắc đến trong Huấn quyền, tuy vẫn còn
theo một nghĩa rất giới hạn, chỉ là những năng lực kỳ diệu xuất hiện trong các
thành viên của Giáo hội. Nhưng Thông điệp này là bước chuẩn bị để Công đồng
Vatican II sẽ bàn về charisma một cách bao quát, sâu rộng hơn.
2. Công
đồng Vatican II và việc tái xác định chiều kích charisma trong Giáo hội
Công đồng
Vatican II được sánh ví như Lễ Ngũ Tuần của thời hiện đại. Chính từ đây, Giáo
hội đón nhận luồng gió canh tân của Thần Khí Thiên Chúa và bước vào một giai
đoạn mới. Giáo hội tái xác định khía cạnh đặc sủng trong đời sống của mình, vốn
ít được nhắc đến trong một thời gian khá dài.
Lý do
vì sao lúc này Giáo hội tái nhắc lại khía cạnh charisma? Alister E. McGrath
giải thích rằng, Công đồng Vatican II diễn ra vào một thời điểm mà phong trào
đặc sủng đã lan rộng. Giáo hội Công giáo ở nhiều nơi đã cảm nhận sức ảnh hưởng,
tác động của phong trào này. Vì thế nhiều vị Hồng y mạnh mẽ kêu gọi Công đồng
phải tham chiếu đến phong trào này khi suy tư về bản chất của Giáo hội.[24] Và
quả thực, các nghị phụ đã chính thức lên tiếng đáp lại kêu gọi ấy, qua việc
nhận thức tầm quan trọng của charisma trong đời sống Giáo hội.
Bản văn
Huấn quyền đầu tiên của Công đồng nhắc đến charisma là Hiến chế Lumen Gentium, số 12, phần nói về vai
trò của Thánh Thần trong cộng đồng Dân Thiên Chúa: thánh hoá và dạy dỗ, xây
dựng và tô điểm, phân phát các charisma. Riêng về các charisma, Hiến chế xác
định những 8 điểm sau đây:
- Nguồn
gốc: Chúa Thánh Thần ban phát;
- Đối
tượng thụ hưởng: các tín hữu thuộc mọi cấp bậc;
- Điều
kiện: tuỳ theo ý Người muốn;
- Mục
đích: làm cho họ trở nên thích hợp và sẵn sàng đảm nhận các công việc và chức
vụ khác nhau để canh tân và xây dựng Hội thánh;
- Chủng
loại: ơn đặc biệt hay ơn thật đơn sơ;
- Cách
thức lãnh nhận: với lòng tri ân và niềm an ủi;
- Khuyến
dụ: không cầu mong những ân huệ ngoại thường và không tự mãn kỳ vọng việc Tông
đồ nhờ đó sẽ sinh hoa kết quả;
- Phân
định: thuộc về trách nhiệm của các vị lãnh đạo trong Giáo hội.
Một bản
văn nữa nhắc đến charisma trong đời sống Giáo hội là Sắc lệnh Tông đồ giáo dân Apostolicam Actuositatem, số 3, phần nói
về sứ mạng người tín hữu. Ngoài những điểm bàn về charisma có trong Lumen Gentium, số 12, ở đây, Huấn quyền
còn nhắc thêm về: quyền lợi của người thụ lãnh: sử dụng tất cả những đoàn sủng
mình có, dù là những đoàn sủng thông thường nhất; và cách thức sử dụng: hiệp
thông với anh em của mình, nhất là hiệp thông với các vị chủ chăn.
Với 10
điểm kể trên, có thể nói, Công đồng Vatican II đã đề cập đến mọi khía cạnh căn
bản và quan trọng nhất của các đặc sủng Thánh Linh, dựa trên những nền tảng
chắc chắn có trong Kinh Thánh và kinh nghiệm về việc xây dựng Hội thánh trên
trần gian.[25] Theo Công đồng, thực tại về charisma trong đời sống Giáo hội là
điều tất yếu, vì đó là tác động của Chúa Thánh Thần (LG 4). Nhưng quan trọng
hơn hết, chúng ta “phải phân định về tính cách xác thực và phương thức sử dụng
thích đáng những ân huệ này, đó không phải là dập tắt Thần Khí, nhưng cân nhắc
mọi sự để giữ lại những điều tốt lành” (LG 12).
Với
những lối diễn tả về charisma như thế, quả thực Công đồng Vatican II đã rất chú
trọng đến phương diện thiêng liêng của Giáo hội. Đây là một bước chuyển mình
rất lớn, chuyển từ thế đứng một chân, quá nghiêng về mặt cơ cấu, tổ chức trần
thế, đến thế đứng hai chân, vừa có cơ cấu vừa có đặc sủng. Bước chuyển này cho
thấy một lối nhìn về bản chất Giáo hội quân bình hơn, bao quát hơn, hợp với nền
tảng Kinh Thánh và Truyền Thống từ thời các Tông đồ.[26]
3. Các
giáo huấn hậu Công đồng nhắc đến charisma
a. Ba
xu hướng thần học charisma sau Công đồng
Từ
những giáo huấn của Công đồng Vatican II, nảy sinh ba xu hướng khác nhau liên
quan đến vấn đề charisma trong đời sống Kitô hữu trên toàn thế giới: bất cập,
thái quá và áp dụng.
– Năm
1967, các phong trào canh tân đặc sủng Công giáo phát triển mạnh mẽ. Sau những
buổi họp nhau cầu nguyện, người ta cảm nghiệm sự tuôn trào Thánh Thần như thời
Giáo hội sơ khai. Chỉ có hai đặc sủng được chú tâm là chữa bệnh và nói tiếng
lạ. Đúng hệt như tình trạng sôi nổi của Cộng đoàn Côrintô xưa kia. Người ta có
xu hướng sính chuộng bề nổi, tìm kiếm những tài năng biểu hiện sự tác động rõ
ràng của Thánh Thần. Tạm gọi xu hướng này là thái độ bất cập, vì quá giới hạn ý
nghĩa của charisma so với những gì Lumen Gentium trình bày. Xu hướng này có thể
dẫn đưa người Kitô hữu xa rời thực tế cuộc sống, không chu toàn trách vụ thường
nhật.
– Xu
hướng thứ hai xem ra ngược lại, giải thích thái quá thần học về charisma của
Công đồng khi cho rằng nó đối chọi với “cơ chế”. Quả thực, so với Tông huấn
Mystici Corporis (còn nặng về phẩm trật, đặc sủng cũng chỉ để phục vụ phẩm
trật), Công đồng Vatican II đã nhấn mạnh chiều kích thiêng liêng của Giáo hội
(trình bày các charisma trước khi phân tích hàng ngũ phẩm trật Hội thánh). Tuy
nhiên, Công đồng không hề phủ nhận hay muốn phá bỏ thể chế của một Giáo hội lữ
hành dương thế. Chính Lumen Gentium cũng nói tới phẩm trật như một đoàn sủng và
Giám mục đoàn hiệp thông với nhau có đặc ân bất khả ngộ (số 25). Ai nại vào đạo
lý về charisma, chủ trương tách lìa hai chiều kích này của Giáo hội, là đi quá
xa và lệch lạc với Giáo huấn của Giáo hội Công giáo.
– Xu
hướng thứ ba tạm gọi là áp dụng charisma. Sau Công đồng, xảy ra một cơn ‘khủng
hoảng’ về đời sống thánh hiến trong Giáo hội. Nhiều người từ bỏ đời tu, trở về
lối sống gia đình. Có nhiều lý do, trong đó có lý do liên quan đến đạo lý
charisma. Dựa vào Kinh Thánh, Công đồng khẳng định: các chức vụ cai quản và
lãnh đạo là những charisma thực thụ, đồng thời mọi Kitô hữu Giáo dân cũng được
đầy tràn charisma tuỳ Thánh Thần ban cho. Vậy thử hỏi, còn tu sĩ thì sao? Họ
thụ lãnh charisma gì và thuộc vào hàng ngũ nào trong phẩm trật Hội thánh? Thêm
nữa, nếu sống bậc giáo dân, cũng thụ lãnh vô vàn charisma như bao người khác,
vậy có lẽ không cần thiết phải đi tu làm gì? Nói khác đi, phải giải thích hoặc
áp dụng charisma thế nào cách riêng cho đời sống thánh hiến?
Từ
những nhu cầu thực tiễn ấy, Huấn quyền phải đưa ra nhiều văn kiện, giải thích
hoặc định hướng áp dụng đạo lý charisma vào những hoàn cảnh khác nhau. Ở đây,
xin chia các văn kiện về charisma (thời hậu Công đồng) thành hai nhóm, đáp ứng
lại các hiện trạng cấp thiết của đời sống Giáo hội:
nhóm I,
vấn đề charisma trong đời sống thánh hiến. Nhóm này có ba văn kiện: Tông huấn
Evangelica Testificatio của Đức Phaolô VI, (số 11 và 32), Tài liệu của Thượng
Hội Đồng Giám mục 1994 (số 42), và Tông huấn Vita Consecrata của Đức Gioan
Phaolô II (15-36).
nhóm
II, vấn đề charisma trong Giáo hội học, chống lại xu hướng thái quá và bất cập
trong thần học về charisma. Nhóm này có hai văn kiện: Tông huấn Christifideles
Laici (số 24) của Đức Gioan Phaolô II, và văn thư mới đây của Bộ Giáo Lý Đức
Tin, Iuvenescit Ecclesia, ngày 15.05.2016.
b.
Charisma trong đời sống thánh hiến
Trước
hết phải ghi nhận rằng, thuật ngữ charisma chưa được Công đồng Vatican II áp
dụng cho đời sống thánh hiến. Chỉ từ Tông huấn Evangelica Testificatio của Đức
Phaolô VI, ngày 29.06.1971, Huấn quyền mới bắt đầu dùng charisma để diễn tả
nhiều khía cạnh của đời tu:
Ở số
11, có hai điểm liên quan: thứ nhất, charisma chỉ về đoàn sủng của Đấng sáng
lập; thứ hai, khẳng định đời tu là một charisma được ban bởi Chúa Thánh Thần.
Ở số
32, Huấn quyền khuyên dạy mọi tu sĩ phải trung thành với đoàn sủng của Dòng,
hầu đón nhận một sự trợ lực quý giá và củng cố con người nội tâm.
Từ đây,
có thể rút ra hai nhận định sơ khởi về vấn đề charisma có trong Tông huấn này:
(1), Huấn quyền nhìn nhận đời sống thánh hiến đích thực là một đoàn sủng Chúa
Thánh Thần ban cho Hội thánh, dù rằng điều này không được các bản văn Tân Ước
nhắc đến một cách trực tiếp.[27] (2), Huấn quyền chỉ nhắc đến mà không phân
biệt giữa đoàn sủng của Dòng và đoàn sủng của Đấng Sáng Lập. Trên thực tế, đoàn
sủng của Dòng rộng hơn đoàn sủng của Đấng Sáng Lập, bởi chưng nó bao hàm cả một
sự tiến triển của Dòng theo thời gian chứ không dừng lại ở thời đại của vị Tổ
phụ mà thôi. Tuy nhiên, charisma mà vị Tổ phụ lãnh nhận vẫn luôn là xương cốt
cho lý tưởng của Dòng.
Tiếp
đó, năm 1994, Đức Gioan Phaolô II triệu tập Thượng Hội Đồng Giám mục bàn về đời
sống thánh hiến trong Giáo hội. Hai năm sau, tổng hợp thành quả của Thượng Hội
Đồng, Đức Thánh Cha ban hành Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến cho toàn thể cộng
đồng dân Chúa. Trong Tông Huấn này, rất nhiều khía cạnh về charisma trong đời
tu được nhắc tới ở nhiều số khác nhau. Có thể tóm kết thần học về đặc sủng đời
sống thánh hiến như sau:
Đoàn
sủng của đời tận hiến nói chung và của mỗi Hội Dòng nhận được qua vị sáng lập
nói riêng (các số 19, 32, 36).
Nguyên
tắc trung thành sáng tạo với đoàn sủng tự ban đầu của Hội Dòng (số 36, 37, 74).
Không
ngừng canh tân việc huấn luyện (số 68) và hoạt động tông đồ sao cho vừa hợp với
thời đại và vừa hợp với đoàn sủng (Các số 48, 63, 72).
Ở đây,
có một nguyên tắc chắc chắn mà Tông Huấn đưa ra: lấy đoàn sủng tự ban đầu của
Hội Dòng làm gốc và phải luôn trung thành trong sáng tạo. Điều này có thể hiểu
theo nhiều cách: a/- Trung thành là trở về nguồn, tái khám phá charisma của
Đấng Sáng Lập; sáng tạo là tìm cách vận dụng charisma ấy để đáp ứng những nhu
cầu của thời đại hôm nay. b/- Trung thành là giữ lấy nội quy và cơ chế do các
bậc cha anh thời ban đầu để lại; sáng tạo là tiếp nhận các charisma hiện có nơi
các thành viên hôm nay. Dù giải thích thế nào, cũng không được tách biệt hai
khía cạnh truyền thống và tân thời, hay cơ chế và đặc sủng. Thánh Thần tác động
trong quá khứ nơi các Đấng Sáng Lập, cũng chính là Thánh Thần đang thôi thúc
các thành viên hôm nay. Vậy, trung thành trong sáng tạo cốt yếu là sống theo sự
hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
c.
Charisma trong Giáo hội học
Trong
lãnh vực này, trước hết cần phải kể đến Tông huấn Christifideles Laici của đức
giáo hoàng Gioan Phaolô II, bàn về sứ mạng của người Kitô hữu Giáo dân trong
Giáo hội và thế giới hôm nay. Ở chương II, Tông huấn nói về sự hiệp thông giữa
các thành phần trong ‘một thân thể’. Nguyên lý nền tảng: Giáo hội được xây dựng
và thánh hoá bởi Chúa Thánh Thần, cả tác vụ và đoàn sủng đều là ân huệ của Ngôi
Ba Thiên Chúa.
Tiếp
đến, Tông huấn dành riêng số 24 để nhắc lại đạo lý của Công đồng Vatican II về
những khía cạnh khác nhau của charisma trong đời sống Giáo hội, thể hiện phong
phú nơi người giáo dân. Điểm nhấn mạnh ở đây là người giáo dân, với phong phú
các charisma đã lãnh nhận, có trách nhiệm dùng những ân huệ đó để xây dựng Hội
thánh, trong tinh thần hiệp thông và cộng tác với các vị chủ chăn.
Giáo
hội cơ chế hay đoàn sủng? Đây là vấn đề nhức nhối bấy lâu và Giáo hội thường
xuyên bị chất vấn. Người ta đoán rằng, sẽ có nhiều văn kiện sau Công đồng bàn
về charisma và tiếp nối đường hướng nhấn mạnh charisma của Lumen Gentium. Nhưng
mãi tới nửa thế kỷ sau Công đồng, Huấn quyền mới chính thức lên tiếng mạnh mẽ
về vấn đề này.
Văn
kiện "Iuvenescit Ecclesia" của
Bộ Giáo Lý Đức Tin gửi các Giám mục ngày 15.05.2016, bàn về mối tương quan giữa
cơ chế và đặc sủng đối với đời sống và sứ vụ của Giáo hội. Điểm tập trung của
văn kiện này là trình bày một ‘Giáo hội trẻ hoá’, ra như trả lời cho những ai
đang trách vấn về tính cơ chế nặng nề bấy lâu của Giáo hội. Có thể nói, đây là
văn kiện đầu tiên của Giáo hội trực tiếp và tập trung vào vấn đề charisma.
Ngoài phần Dẫn nhập và Kết luận, văn kiện gồm năm chương:
Chương
1, trình bày nền tảng Kinh Thánh của các đặc sủng. Tuy nhiên, văn kiện chỉ nhắc
lại cách khái quát các khía cạnh của charisma mà Tân Ước trình bày, và cố gắng
làm sáng tỏ tương quan với cơ chế, hàng ngũ phẩm trật.
Chương
2, trình bày mối liên hệ giữa cơ chế và đặc sủng theo Huấn quyền hiện nay. Mục
đích là muốn khẳng định hai chiều kích này của Giáo hội Công giáo gắn bó chặt
chẽ và không thể tách rời.
Chương
3, trình bày nền tảng thần học cho mối tương quan giữa cơ chế và đặc sủng.
Chương
4, mối tương quan giữa cơ chế và đặc sủng trong đời sống và sứ vụ của Giáo hội.
Chương
5, việc thực hành mối tương quan giữa cơ chế và đặc sủng.
Nhìn
chung, văn kiện này muốn khẳng định rằng Giáo hội không đối chọi giữa cơ chế và
đặc sủng, cả hai đều là ân huệ Chúa Thánh Thần. Đồng thời, hiệu chỉnh lại những
suy nghĩ lệch lạc cho rằng Công đồng Vatican II nhấn mạnh charisma hơn cơ cấu,
thể chế trong Giáo hội. Cuối cùng, khuyến khích mọi Kitô hữu học hiểu và thực
hành cho hợp lý mối tương quan giữa hai chiều kích này của Giáo hội.
Tuy
nhiên, cần lưu ý, charisma không xuất hiện vì cơ chế của Giáo hội, và mối tương
quan với cơ chế của Giáo hội cũng không phải là khía cạnh duy nhất của thần học
về charisma. Văn kiện này chỉ là tiếng nói của Huấn quyền trả lời cho những ai
có tư tưởng thái quá (cho rằng charisma quan trọng đến độ không cần cơ chế) chứ
không phải là bản tổng hợp thần học về các đặc sủng Thánh Linh. Thiết nghĩ, một
bản tổng hợp thần học về vấn đề này cũng cần thiết, giúp người tín hữu thêm
hiểu biết rõ hơn về các hồng ân Chúa Thánh Thần ban cho Hội thánh.
Kết
luận
Charisma
là thực tại chắc chắn trong đời sống Giáo hội, vì Chúa Thánh Thần hằng luôn xây
dựng và thánh hoá Dân Thiên Chúa trên bước đường lữ hành dương thế. Nếu hoàn
toàn chối bỏ hay lãng quên các đặc sủng Thánh Linh, Giáo hội sẽ trở thành một
cơ chế xơ cứng, một bộ xương không hồn. Vì thế, Giáo hội phải không ngừng canh
tân phương diện thiêng liêng, nhờ các ân huệ của Thiên Chúa.
Tuy
nhiên, về phía người tín hữu, nếu nại vào các charisma mà chống lại phẩm trật
Hội thánh, thì không phải là sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đặc
sủng được ban là để xây dựng ích chung, chứ không phải để mưu cầu tư lợi. Ai
chủ trương tranh chấp và chia rẽ, người đó đang sống theo tà khí thế gian chứ
không phải Thần Khí Thiên Chúa.
Thiết
nghĩ, chúng ta cũng phải nhìn vấn đề charisma một cách bao quát hơn, đừng quá
chăm chú hay chỉ giới hạn trong mối tương quan giữa cơ chế và đặc sủng, dù rằng
trong lịch sử nó được tái khám phá từ những phong trào đặc sủng phản ứng lại
phẩm trật Hội thánh. Thực tế, charisma còn được áp dụng vào những lãnh vực
khác, điển hình như: đời sống thánh hiến, những ơn gọi khác nhau của các thành
phần dân Chúa, và sự phân biệt đa dạng các loại ân sủng (như thời Trung Cổ đã
có).
Tìm
hiểu charisma là cơ hội và là động lực giúp chúng ta khám phá các ân huệ cao cả
của Chúa Thánh Linh. Từ đó, chúng ta biết sống tâm tình cảm tạ, khiêm tốn và
nhiệt thành hiến dâng, vì ý thức rằng charisma mình đã thụ lãnh là quà tặng
nhưng không của Thiên Chúa, giúp ta đủ sức thi hành sứ mạng lớn lao là phục vụ
và xây dựng Giáo hội lữ hành của Chúa Kitô. Đừng lạm dụng hay lãng phí các ân
huệ của Thiên Chúa, trái lại, chúng ta được mời gọi hết lòng cộng tác để các ân
huệ ấy trở nên hữu ích cho tất cả mọi người.
Tài
liệu tham khảo
I. Tài
liệu Việt Ngữ
- Phaolô
Bùi Văn Đọc (và một số Linh Mục khác). Chúa Thánh Thần Trong Kinh Thánh. Hà
Nội: Tôn Giáo, 2009.
- Trần
Hùng Lân, S.J.. Thư Phaolô – Học Hỏi Thư Côrintô Thứ Nhất. Antôn Đuốc Sáng,
2009.
- Tihon,
P.. Lịch Sử Tín Điều, phần II – Giáo hội. Tủ sách Thần Học, 2009.
- Phan
Tấn Thành, O.P.. Đời Sống Tâm Linh, tập VI. Rôma, 2006.
- Phan
Tấn Thành, O.P.. Mầu Nhiệm Thiên Chúa. Tp.HCM: Học viện Đa Minh, 2012.
- Suenens,
L.J.. Thánh Thần, Hơi Thở Sống Động Của Giáo hội, quyển I. Định Hướng Tùng Thư,
2003.
II. Tài
liệu Anh ngữ
- Weber,
Max. The Theory of Social and Economic Organization. trans. A.M.Henderson and
Talcott Parsons. New York: the Free Press, 1968.
- Grudem,
Wayne. Systematic Theology – an Introduction to Biblical Doctrine. Grand
Rapids, Michigan: Zondervan Publishing House, 1994.
- Walvoord,
John F.. The Holy Spirit. Grand Rapids, Michigan: Zondervan Publishing
House,1991.
- Potts,
John. A History of Charisma. Hamsphire: Palgrave Macmillan, 2009.
- Groppe,
Elizabeth Teresa. Yves Congar’s Theology of the Holy Spirit. USA: the American
Acedamy of Religion and Oxford University Press, 2004.
- McGrath,
Alister E.. Historical Theology - An introduction to the History of Christian
Thought, second edition. West Sussex: Blackwell Publishers, 2013.
- Collins,
Raymond F.. First Corinthians, Sacra Pagina, Volume 7. Collegeville, Minnesota:
The Liturgical Press, 1999.
- Byrnes,
Brendan, S.J.. Romans, Sacra Pagina, Volume 6. Collegeville, Minnesota: The
Liturgical Press, 1996.
- Montague,
George. and McDonell, Killian. Fanning The Flame: What Does Baptism In The Holy
Spirit Have To Do With Christian Innitiation?. Collegeville, Minnesota: The
Liturgical Press, 1999.
- Most,
William G., S.J.. The Thought of the St. Paul: A Commentary on the Pauline
Epistles. Chrisendom Press, 1994
III. Từ
điển và trang web
- Neufeldt,
Victoria (editor in chief); Guralnik, David B. (editor in chief emeritus).
“Charism”. In Webster’s New WorldTM College Dictionary (Third Edition).
Macmillan, USA: Library of Congress Cataloging-in-Publication Data, 1997.
- Hawthorne,
Gerald F.; Martin, Ralph P.; Reid, Daniel G.. “Charisma”. In Dictionary of Paul
and His Letters. Leicester England: Inter Varsity Press, 1993.
- Rittel,
Gerhard; Friedrich, Gerhar. “Charisma”. In Theological Dictionary of The New
Testament. Trans. Bromiley, Geoffrey W.. Michigan: Grand Rapids, 1974.
- Turner,
Max. “Spiritual Gifts Then and Now”. Vox Evangelica 15 (1985): 7-64. Truy cập
28.03.2017, https://bible.org/illustration/charisma
- Martin,
Ralph. “Charisms: What are they? Who are they for? What does church teach?”
Truy cập 28.03.2017, https://www.renewalministries.net
Thư
tịch bổ sung (Ban biên tập)
Thư mục
về charisma rất phong phú. Chúng tôi chỉ giới hạn vào vài tựa đề căn bản, chia
làm ba mục: Kinh Thánh - Giáo hội học - Đời sống thánh hiến
Tổng
quát: Lịch sử
- González
Fernández, Fidel. “Charisms and Movements in the History of the Church”. In The
Ecclesial Movements in the Pastoral Concern of the Bishops, 71-103. Vatican
City: Pontifical Council for the Laity, 2000.
- Potts,
John. A History of Charisma. Hamsphire: Palgrave Macmillan, 2009.
Xem thêm
các khảo luận về Thánh Linh, chẳng hạn như Yves Congar, Je crois en l’Esprit
Saint, tome II, Cerf, Paris 1979. Hoặc: Credo in Spiritum Sanctum. Atti del
Congresso teologico internazionale di pneumatologia, Citta del Vaticano, Roma
1983.
Kinh
Thánh
- Conzelman,
H. “Charism” In Theological Dictionary of the New Testament, vol. IX. 402-406.
Grand Rapids: Wm. B. Eerdmans 1974.
- Vanhoye,
Albert. “The Biblical Question of "Charisms" After Vatican II”. In
Vatican II: Assessment and Perspectives: Twenty-Five Years After (1962-1987),
edited by René Latourelle, 439-468. New York: Paulist Press, 1988.
- ID.,
“Charism” In Dictionary of Fundamental Theology, 103-108. New York: Crossroad
Pub. Co., 1994.
Giáo
hội học
- Boff,
Leonardo. Church, Charism and Power: Liberation Theology and the Institutional
Church. New York: Crossroad, 1985.
- Donnelly,
Doris, ed. Retrieving Charisms for the Twenty-First Century. Collegeville, MN:
Liturgical Press, 1999.
- Duquoc,
Christian, and Casiano Floristan, eds. Charisms in the Church. Concilium 109.
New York: Seabury Pr, 1978.
- Duquoc,
Christian, and Casiano Floristan, eds. Discernment of the Spirit and of
Spirits. Concilium 119. New York: Seabury Press, 1979.
- Pontifical
Council for the Laity, ed. Movements in the Church: Proceedings of the World
Congress of the Ecclesial Movements, Rome, 27-29 May, 1998. Vatican City:
Vatican Press, 1999.
- Pontifical
Council for the Laity, ed. The Beauty of Being a Christian: Movements in the
Church. Proceedings of the Second World Congress of the Ecclesial Movements and
New Communities, Rocca Di Papa, 31 May-2 June 2006. Vatican City: Libreria
Editrice Vaticana, 2007.
- Pontifical
Council for the Laity, ed. The Ecclesial Movements in the Pastoral Concern of
the Bishops. Vatican City: Pontifical Council for the Laity, 2000.
- Đời
sống thánh hiến
- Ciardi,
F. I Fondatori uomini dello Spirito. Per una teologia del carisma di fondatore,
Roma 1982.
- Id.
“Indicazioni metodologiche per l’ermeneutica del carisma dei Fondatori”, in:
Claretianum 30 (1990), 5-47.
- Midali,
M. Identità carismatica e spirituale degli istituti di vita consecrata
(Teologia pratica IV), Roma: LAS 2002.
- Garcia
Castro, F. “Los carismas: Centro de un gran debate conciliar y su repercusión
en la vida religiosa”, in: “Claretianum” 41 (2001) 11-103.
- Rocca,
G. “Il carisma del fondatore”, in: Claretianum 34 (1994) 31-105.
- Romero,
Antonio. “Carisma”. In Diccionario Teologico de la Vida consagrada, Madrid:
Publicaciones Claretianas 1989, 142-157.
- Tillard,
J. -M.-R. There Are Charisms and Charisms: The Religious Life. Bruxelles: Lumen
Vitae, 1977.
- Union
of Superiors General, The Consecrated Life Today. Charisma in the Church for
the World, Milano: Paoline Milano 1994.
Ngoài
ra có thể tham chiếu các thư tịch được trích dẫn trong các bài đăng trong số
báo này, đặc biệt là Văn kiện của Bộ Giáo lý Đức tin (các tài liệu Huấn quyền)
và “Phép Rửa trong Thánh Thần” (phong trào charismatic).
[1] Victoria Neufeldt (editor in chief), David B.
Guralnik (editor in chief emeritus), Webster’s New WorldTM College Dictionary
(Third Edition), Macmillan, USA: Library of Congress Cataloging-in-Publication
Data, 1997, p. 236.
[2] xc. Max Weber, The Theory of Social and Economic
Organization, trans. A.M.Henderson and Talcott Parsons, New York: the Free
Press, 1968, pp. 324 – 382; Cần lưu ý: trong loại thẩm quyền thứ nhất, Weber
lại chia ra thành ba loại khác nhau (Three Pure Types of Legitimate Authority).
[3] Rõ ràng trong tiếng Anh, từ “gift” và “grace”
hình thức khác nhau hoàn toàn. Nhưng trong tiếng Hy Lạp, hai từ này có hình
thức rất gần nhau: χάρισμα chính là χάρισ được thêm hậu tố -μα. Quyển từ điển
về các Thư Phaolô còn khẳng định luôn, χάρισμα được hình thành từ χάρισ,
charisma chỉ một ân ban cụ thể, xc. Gerald F. Hawthorne, Ralph P. Martin,
Daniel G. Reid (Editors), Dictionary of Paul and His Letters, Leicester
England: InterVarsity Press, 1993, p. 340. Cũng cần lưu ý thêm, tuy bản văn
Kinh Thánh dùng cả hai từ này để nói về ơn ban của Thiên Chúa, nhưng về mặt
thần học, người ta phân biệt rõ charis (ân sủng) và charisma (đặc sủng). Về sự
phân biệt này, xin xem thêm: Phan Tấn Thành, O.P., Đời Sống Tâm Linh, tập VI,
Rôma, 2006, p. 227.
[4] Max Turner, “Spiritual Gifts Then and Now”, Vox
Evangelica 15 (1985): 7-64, truy cập 28.03.2017,
https://bible.org/illustration/charisma
[5] Wayne Grudem, Systematic Theology – An
Introduction to Biblical Doctrine, Grand Rapids, Michigan: Zondervan Publishing
House, 1994, p.1016. Ở bộ Thần Học Hệ Thống này, tác giả phân tích các charisma
trong phần VI, Giáo lý về Giáo hội (the Doctrine of the Church), và ngay từ
phần nhập đề, trước khi đi vào chi tiết bản văn, Wayne đã đưa ra một định nghĩa
mở rộng về charisma để độc giả có những ý niệm ban đầu, từ đó dễ đi vào tư
tưởng của Thánh Phaolô.
[6] L.J. Suenens, Thánh Thần, Hơi Thở Sống Động Của
Giáo hội, Quyển I, Định Hướng Tùng Thư, 2003, pp. 36-39. Ấn bản đầu tiên của
quyển sách này ra đời vào tháng 07.1974, do Nhà Xuất Bản Desclée de Brouwer.
[7] Elizabeth Teresa Groppe, Yves Congar’s Theology
of the Holy Spirit, USA: The American Acedamy of Religion and Oxford University
Press, 2004, p.105. Khi viết những lời này Congar đang phê bình phong trào đặc
sủng đã giới hạn rất nhiều ý nghĩa của thuật ngữ “charisma”, khi chỉ lưu ý đến
những năng lực khác thường như nói các tiếng lạ. Theo Congar, Thần Khí đánh
thức những tài năng tự nhiên, chẳng hạn như dạy dỗ, chữa bệnh, hoà giải, âm
nhạc,…, và thăng tiến chúng tới một mức độ mới quy hướng về Thiên Chúa trong
lòng mến và tinh thần phục vụ tha nhân. Congar còn cho rằng đặc sủng được trao
ban cho tất cả các thành viên của Giáo hội, dưới nhiều hình thức khác nhau.
[8] Ở đây, xin trích lại định nghĩa chính thức của
Giáo hội có trong sách GLHTCG (số 799): “Các đặc sủng, hoặc ngoại thường hoặc
đơn giản và khiêm tốn, là những ân sủng của Chúa Thánh Thần, đều hữu ích cho
Hội thánh cách trực tiếp hoặc gián tiếp, theo mức độ các đặc sủng đó quy về
việc xây dựng Hội thánh, về việc mưu ích cho con người và những nhu cầu của
trần gian”.
[9] Về tương quan giữa bảy ơn Chúa Thánh Thần và các
nhân đức theo thánh Tôma Aquinô, xem: Phan Tấn Thành, O.P., Các nhân đức Kitô
giáo (Đời sống tâm linh), tập XII, Hà Nội: Tôn giáo, 2014, pp. 67-73.
[10] Danh từ charisma hình thức số ít, chủ cách,
được sử dụng 8 lần (Rm 1,11; 5,15; 5,16; 6,23; 1Cr 7,7; 2Cr 1,11; 2Tm 1,6; 1Pr
4,10). Danh từ charismatos, hình thức số ít, thuộc cách, được sử dụng 1 lần
(2Tm 4.14). Danh từ charismata, hình thức số nhiều, chủ cách, được sử dụng 6
lần (Rm 11,29; 12,6; 1Cr 12,9.28.30.31). Danh từ charismatôn, hình thức số
nhiều, thuộc cách, được sử dụng 1 lần (1Cr 12,4).
[11] Có tác giả cho rằng có đến sáu bản danh sách
Charisma, nếu tính thêm cả 1Cr 7,7 (có hai đặc sủng: hôn nhân, độc thân) và 1Pr
4,11 (có hai đặc sủng: nói lời Thiên Chúa, phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa).
Xc. Wayne Grudem, Systematic Theology – An Introduction to Biblical Doctrine,
Grand Rapids, Michigan: Zondervan Publishing House, 1994, p.1020.
[12] John F.Walvoord, The Holy Spirit, Grand Rapids,
Michigan: Zondervan Publishing House,1991, pp. 169-188. Đây là một quyển sách
về chủ đề Thánh Linh học của một thần học gia Tin Lành. Tác giả dành ra chương
V để bàn về tác động của Thần Khí nơi người tín hữu, trong đó có charisma. Tác
giả phân các charisma thành hai nhóm: nhóm I, có tính vĩnh viễn, gồm 9 ơn (dạy
dỗ, phục vụ, quản trị, rao giảng, mục tử, khuyên bảo, ban tặng, bác ái và đức
tin); nhóm II, có tính tạm thời, gồm 7 ơn (tông đồ, ngôn sứ, làm phép lạ, chữa
bệnh, nói tiếng lạ, giải thích tiếng lạ, phân định thần khí); tác giả tách
riêng từng đặc ân để phân tích.
[13] Gerald F. Hawthorne, Ralph P. Martin, Daniel G.
Reid (Editors), Dictionary of Paul and His Letters, Leicester England:
InterVarsity Press, 1993, pp. 345-347. Nhóm các học giả Công giáo này phân chia
charisma thành 3 nhóm, trong mỗi nhóm lại có sự phân chia nhỏ hơn nữa, rồi giải
thích sơ lược ý nghĩa của những charisma được liệt kê.
[14] William G. Most, S.J., The Thought of the St.
Paul: A Commentary on the Pauline Epistles, Christendom, 1994, p. 143.
[15] Phan Tấn Thành, O.P., Mầu Nhiệm Thiên Chúa,
Tp.HCM: Học viện Đa Minh, 2012, p.510. Trong quyển này, tác giả chỉ nhắc đến có
sự phân chia theo nhóm các charisma, nhưng không phân tích hay diễn giải cụ
thể.
[16] Ở đây, Thánh Phaolô xây “tháp ba tầng” trong
cách diễn đạt, để nhấn mạnh Thiên Chúa là nguồn mạch của tất cả đặc sủng. Tầng
ba: Thần Khí là nguồn gốc của đặc sủng; tầng hai: Đức Kitô là nguồn gốc của mọi
việc phục vụ; tầng một: Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi hoạt động. xc. Trần
Hùng Lân, S.J., Thư Phaolô – Học Hỏi Thư Côrintô Thứ Nhất, Antôn Đuốc Sáng,
2009, p.124.
[17] xc. Raymond F. Collins, First Corinthians,
Sacra Pagina (Volume 7), Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 1999,
p. 468. Theo phần chú giải của tác giả quyển sách này, thánh Phaolô thường sử
dụng những từ ngữ để chỉ về một thành phần thấp kém (đầy tớ, công nhân, trợ tá,
quản lý) để diễn tả chức năng của chính ngài. Rồi chính ngài cũng khẳng định
mình chỉ là kẻ thấp kém nhất trong số các Tông đồ. Do vậy, không thể kết luận ở
đây, đặc sủng tông đồ làm cho một ai đó trở nên trổi vượt hơn trong cộng đoàn.
[18] Lưu ý, ở đây nói về chức năng hơn là địa vị hay
chức vụ cụ thể trong cộng đoàn. Xc. Gerald F. Hawthorne, Ralph P. Martin,
Daniel G. Reid (Editors), Dictionary of Paul and His Letters, Leicester
England: InterVarsity Press, 1993, p. 347.
[19] Lá thư này ra đời khoảng 90-100 A.D, không phải
là của Thánh Phaolô Tông đồ viết, nhưng được xếp vào số các văn phẩm của thánh
nhân. Bài viết này chú ý đến vấn đề charisma nói chung trong Tân Ước, chứ không
chỉ của riêng tư tưởng Thánh Phaolô.
[20] Chính sự phong phú của các đặc sủng trong Giáo
hội thời kỳ này, nhất là đặc sủng ngôn sứ, là lý do giải thích tại sao rất
nhiều người đã có thiện cảm đi theo Montanus, Albiciade, Theodote, bởi người ta
tin họ có đặc sủng Thánh Linh, nói tiên tri và giảng dạy những điều của Thần
Khí. Từ đó, xuất hiện những nhóm quá khích và chống lại Giáo hội (cho rằng Giáo
hội cơ chế đã thoả hiệp với trần thế). xc. Phaolô Bùi Văn Đọc (và một số Linh
Mục khác), Chúa Thánh Thần Trong Kinh Thánh, Hà Nội: Tôn Giáo, 2009, pp. 85-86.
[21] Những lời của Tertullianô và Hilariô được trích
lại trong một bài viết của Giáo sư Ralph Maritn có tựa đề: “Charisms: What are
they? Who are they for? What does church teach?”, truy cập ngày 28.03.2017,
https://www.renewalministries.net
[22] Fr. George Montague and Fr. Killian McDonell,
Fanning The Flame: What Does Baptism In The Holy Spirit Have To Do With
Christian Initiation?, Collegeville: The Liturgical Press, pp. 16-18. Lý do
giải thích cho hiện tượng này, thánh Gioan Kim Khẩu đưa ra: có lẽ Giáo hội
nguyên thuỷ cần được ưu đãi như thế để tạo một cái đà cho việc truyền giáo.
Nhưng thực ra, đây là một câu trả lời gượng ép và đầy lúng túng. Phải ghi nhận
rằng, sau thời kỳ bách hại, từ đầu thế kỷ thứ V, Giáo hội chính thức được hoạt
động tự do trên toàn đế quốc Rôma. Khi ấy, Giáo hội bắt đầu chú ý quá nhiều đến
việc xây dựng hàng ngũ, tổ chức hữu hình (chiều kích cơ chế), mà ít nhắc đến
khía cạnh charisma (chiều kích đoàn sủng). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là
Chúa Thánh Thần không còn hoạt động trong đời sống Giáo hội nữa. Thánh Thần
luôn tác động mạnh mẽ trong mọi giai đoạn, kể cả khi đời sống đức tin xem chừng
như sa sút, bằng chứng là có sự xuất hiện của rất nhiều vị thánh, góp phần canh
tân đời sống Giáo hội. Các vị được xem là những người đã thụ lãnh một charisma
nào đó, hữu ích cho một giai đoạn đặc biệt của Giáo hội. xc. L.J. Suenens,
Thánh Thần, Hơi Thở Sống Động Của Giáo hội, Quyển I, Định Hướng Tùng Thư, 2003,
p. 39.
[23] Summa Theologiae II-II, qq.171-178.
[24] xc. Alister E. McGrath, Historical Theology -
An Introduction to the History of Christian Thought (second edition), West
Sussex: Blackwell Publishers, 2013, p. 251. Một trong những Hồng y có thế giá
lên tiếng mạnh mẽ nhất, thúc đẩy Công đồng chú trọng đến khía cạnh đặc sủng nơi
các phong trào Thánh Linh đang xảy ra là Leo-Josef Suenens. Sau Công đồng, vị
Hồng y người Bỉ này đã viết nhiều tác phẩm về hoạt động của Thánh Thần trong
đời sống Giáo hội, tiếp tục làm nổi bật chiều kích đặc sủng. Bài viết này cũng
tham khảo các tác phẩm của ngài.
[25] Tất cả những điều Công đồng Vatican II nói về
charisma sẽ được tóm lại trong sách GLHTCG tứ số 799 đến 801.
[26] Nên lưu ý, trong Lumen Gentium, các nghị phụ
quyết định dành ưu tiên cho hình ảnh “Dân Thiên Chúa”, nghiên cứu hình ảnh này
trong một chương riêng biệt, đặt ngay sau chương thứ nhất (vốn đề cập mầu nhiệm
Giáo hội bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi), đặt ngay trước chương thứ ba (vốn đề cập
đến việc thiết lập phẩm trật Giáo hội). Đây là quyết định quan trọng, vượt qua
một Giáo hội học vốn đặt trọng tâm nơi uy quyền và vai trò của hàng giáo sĩ.
Quyết định này dường như đã nhìn nhận ưu thế của chiều kích thiêng liêng so với
thể chế, đồng thời cho phép khơi lại những chân lý đã bị lu mờ nhiều thế kỷ:
chân lý về các charisma, chân lý về “cảm thức đức tin” của Dân Thiên Chúa. xc.
Paul Tihon, Lịch Sử Tín Điều, phần II – Giáo hội, Tủ sách Thần Học, 2009,
p.202.
[27] Tuy rằng trong Tân Ước, từ charisma chưa được
áp dụng cho hàng ngũ tu trì, nhưng chúng ta có thể tìm thấy ít là hai đoạn văn
đặc biệt nói đến vấn đề độc thân vì Nước Trời, xem đấy là charisma được ban cho
một số người mà thôi: Mt 19,11-12; 1Cr 7,7. Nhưng thử hỏi, nếu Tân Ước không
nói đến, thì việc áp dụng thuật ngữ charisma vào đời sống tu trì có cần thiết
không? Giáo sư Phan Tấn Thành đã giải thích ba ý nghĩa của việc áp dụng như
sau: a/ Nó làm sáng tỏ tác động của Chúa Thánh Linh qua những sáng kiến thánh
thiện của các Đấng Sáng Lập; b/ Nó liên kết chặt chẽ đời sống tu trì với Hội
thánh, bởi vì là charisma được ban để phục vụ Hội thánh; c/ Nó thúc đẩy người
tu sĩ khám phá ra căn tính của mình. Xc. Phan Tấn Thành, O.P., Đời Sống Tâm
Linh, tập VI, Rôma, 2006, p. 230.