MỘT SUY TƯ VỀ ĐẶC SỦNG ĐỜI TU

Thời sự Thần học - số 76, tháng 05/2017, tr. 148-172

_Lê Loan, NVHB_

 

1. Quan điểm của cha Tillard về ‘Charism’ (Đặc Sủng)

2. Quan điểm của cha Tillard về Đặc sủng Đời tu

  2.1. Đời tu là một bậc sống

  2.2. Lời mời gọi dưới tác động của Thánh Linh

  2.3. Lời đáp trả dưới tác động của Thánh Linh

3. “Hãy đến và theo Ta!”

Trong Tông Thư gửi ‘tất cả các Người Tận Hiến nhân dịp Năm Đời Sống Thánh Hiến’, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tu sĩ hãy nhìn lại đời sống mà họ đã được ban tặng để sống.[1] Đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha, chúng ta cùng tìm hiểu về đặc sủng liên quan đến đời tu theo cái nhìn của thần học gia Jean-Marie Roger Tillard, một linh mục Dòng Đa Minh. Cha Tillard đã đóng góp tích cực cho những tiến triển của thần học, trước Vatican II và từ Vatican II, về những vấn đề liên quan đến bản chất và sứ mệnh của đời tu trong đời sống Giáo hội. Sự đóng góp của cha, như cha đã viết, không phải ‘để nói lên điều gì mới lạ, nhưng để đào sâu một lãnh vực quan trọng: về cách thức đời tu đã và đang hiện diện trong mầu nhiệm của Giáo hội.’[2]

Theo cha Tillard, chúng ta không thể hiểu đặc sủng của đời tu bên ngoài bối cảnh của Giáo hội.

Khi Chúa Thánh Thần kêu gọi các cộng đoàn dòng tu và các cá nhân, Ngài dùng họ tất cả cho mục đích chung của Dân Thiên Chúa. Đặc sủng của các dòng tu là đặc sủng của Giáo hội, …, vì Giáo hội. Sứ mệnh của các dòng tu thể hiện một khía cạnh trong sứ mệnh của toàn thể Giáo hội. Giáo hội được sinh ra trong sự hiệp thông của các giáo hội địa phương, mỗi giáo hội địa phương có tính năng cụ thể và nhu cầu riêng của mình. Được ban cho trong một môi trường cụ thể, đặc sủng và sứ vụ của mỗi dòng tu, vì thế, phải được sinh hoa trái và phát triển trong những môi trường mà họ được mời gọi để hiện diện.[3]

Nếu cha Tillard cho rằng đặc sủng của các dòng tu được ban cho Giáo hội, thế thì cha đã hiểu đặc sủng này như thế nào? Trước khi đào sâu quan điểm của cha về đặc sủng liên quan đến đời tu, trước hết chúng ta cần tìm hiểu quan điểm của cha về đặc sủng nói chung.

1. Quan điểm của cha Tillard về ‘Charism’ (Đặc Sủng)

Theo cha Tillard, từ ‘charism’ đã gây nên một số nhầm lẫn. Trong cuốn sách There are Charisms and Charisms của mình, cha giải thích rằng tính từ ‘charismatic’ liên quan đến ân sủng và cảm nghiệm tâm linh: trong ngôn ngữ Hy Lạp charis có nghĩa là ân sủng. Tham chiếu các tác phẩm của thánh Tông Đồ Phaolô, cha cắt nghĩa thêm rằng ‘charisms’ biểu thị quà tặng nhưng không của Chúa Thánh Thần.[4] Đối với cha, từ charism biểu thị cho những ân sủng liên quan đến cả đời sống tâm linh cá nhân lẫn các bậc sống: như cha đã viết, ‘theo thánh Phaolô, bậc sống hôn nhân cũng là một đặc sủng như bậc độc thân.’[5] Hơn thế nữa, khi nghiên cứu văn chương của thánh Phaolô, cha Tillard khám phá ra rằng charism không chỉ là một ân huệ được ban vì lợi ích của cộng đoàn nhưng còn là một ân sủng được ban vì mối tương quan cá nhân của một tín hữu với Thiên Chúa:

Thánh Phaolô đã sử dụng từ charism để diễn tả những cảm nghiệm tâm linh; như ngài đã dùng trong 1 Côrintô 7. Thêm vào đó, bậc sống agamos (không lập gia đình) cũng được thánh Phaolô coi như là một charism (1 Cr 7,7). Bối cảnh của đoạn văn này cho thấy rằng ân huệ của Chúa Thánh Thần ban không chỉ vì lợi ích của cộng đồng, nhưng cho cả mối tương quan cá nhân của người tín hữu với Chúa (xem thêm 7,32-34).[6]

Khi nhận xét về phong trào Canh Tân Đặc Sủng Thánh Linh (the charismatic renewal movement) trong thời của ngài, cha Tillard cho rằng ‘đối với đa số người theo phong trào Canh Tân Đặc Sủng Thánh Linh, phong trào này đơn giản chỉ là để thể hiện một mong muốn chân thành, đó là đổi mới đời sống nội tâm, và đặc biệt hơn, là làm mới lại những cảm nghiệm về Thiên Chúa.’[7] Tuy nhiên, khi ‘phong trào Canh Tân Đặc Sủng Thánh Linh được xem như là một sự tuyệt đối,’ thì những người theo phong trào có thể cho rằng họ được thông dự vào một loại hứng khởi tâm linh (spiritual enthusiasm) mà đối với nó thì mọi thứ khác đều trở thành phụ thuộc.[8] Với mong muốn làm nổi bật vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo hội, một vài nhóm của phong trào đã gây ra những sự nhầm lẫn và thậm chí trình bày sai lạc ý nghĩa của charismatic và charism.

Đối với những nhóm này, đặc sủng được hiểu như ‘một biểu hiện phi thường của ân sủng được ban cho bởi Thánh Thần như: nói tiếng lạ, nói tiên tri, chữa bệnh’ và những ‘phép lạ’. Cha Tillard không tán thành quan niệm này. Đối với cha, cái nhìn cho rằng đặc sủng Thánh Linh chỉ được liên kết với những biểu hiện phi thường và những hiện tượng lạ là ‘một cái nhìn thiển cận’.[9] Nếu hiểu theo đúng ý nghĩa của nó, thì đặc sủng và cảm nghiệm về Thánh Linh bao gồm một ý nghĩa rộng hơn so với những ý nghĩa mà các nhóm ‘quá khích’ của phong trào đã sử dụng.[10] Cha khẳng định rằng đặc sủng không chỉ là những cảm nghiệm phi thường, gây nên những sự ‘tuyệt đối’ và kinh ngạc, nhưng là ân huệ nhưng không của Chúa Thánh Thần ban tặng cho tất cả những ai đã lãnh phép rửa tội. Như cha đã nói,

Mỗi một cuộc sống Kitô hữu đích thực là một cuộc sống trong Thần Khí và là đặc sủng, mặc dù không nói tiếng lạ, không nói những lời tiên tri, hoặc biểu hiện những điều phi thường hay phép lạ. Mỗi buổi tham dự và cử hành Thánh Thể là đặc sủng, ngay cả khi không có những biểu hiện bên ngoài của việc tuôn đổ Thánh Linh. Mỗi lời cầu nguyện Kitô giáo là một lời cầu nguyện trong Thánh Linh, mặc dù không trải qua những cảm nghiệm đầy hứng khởi. Và tôi dám mạo hiểm để thêm rằng mọi đau khổ trong Chúa Kitô là đặc sủng, thậm chí khi những đau khổ đó không phải là đối tượng của sự chữa lành.[11]

Tuy nhiên, cha Tillard tin rằng trạng thái hứng khởi (enthusiasm) cũng đóng một vai trò trọng yếu trong lãnh vực cảm nghiệm tâm linh. Cha đưa ra hai cách giải thích về trạng thái hứng khởi liên quan đến tôn giáo. Một mặt, ‘tương tự như sự hứng khởi về nghệ thuật – trạng thái này làm cho người ta có những lúc như vượt quá lý trí và suy luận bình thường – sự hứng khởi trong tôn giáo, nếu không được kiểm soát, có thể dẫn đến sự thái quá.’ Loại hứng khởi này, nếu kết hợp với sự cuồng tín, có thể dẫn đến những sự tồi tệ nhất. Mặt khác, khi được bắt nguồn từ Thiên Chúa, sự hứng khởi tâm linh là ‘những cảm hứng khôi phục lại trong chúng ta sự siêu việt của Thiên Chúa và niềm khát khao Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta.’[12] Đây là ‘sự hứng khởi phát xuất từ Thánh Linh.’[13]

Khi phân tích về sự hứng khởi phát xuất từ Thánh Linh, cha Tillard phân biệt nó trong hai cấp độ. Cấp độ thứ nhất là một cảm nghiệm ‘hoàn toàn cá nhân và hướng nội’. Cảm nghiệm này làm cho chúng ta cảm nhận quyền năng Thiên Chúa bao trùm trên chúng ta; chúng ta cảm thấy mình đang bị ‘chộp bắt’ bởi Thần Khí và được mời gọi để ‘đặt’ đời sống chúng ta dưới sức mạnh của Thần Khí. Đây là một cảm nghiệm được nhận lãnh trong đức tin; sự hứng khởi phát xuất từ Thánh Linh phải là một sự hứng khởi phát xuất từ và trong đức tin. Cha Tillard đã áp dụng ý nghĩa ‘hứng khởi’ này khi đào sâu những suy tư thần học của mình về đặc sủng liên quan đến đời tu. Cấp độ thứ hai có tính cách ‘hướng ngoại nhiều hơn’. Trong cấp độ này, người ta chỉ cảm thấy ‘gặp gỡ Chúa’ qua các hiện tượng nói tiếng lạ, nói lời tiên tri, những phép lạ và điều phi thường. Cha Tillard nhận xét rằng hầu như những hiện tượng này đều được tìm thấy trong nhiều tôn giáo, và tự trong bản chất chúng không có tính ‘phúc âm’ (evangelical).[14] Trong một số trường hợp, các hiện tượng quá khích này thậm chí biểu lộ một niềm tin cực đoan: con người tự nhận các thành quả là do những nỗ lực của mình và đâm ra tự mãn.[15]

Theo cha Tillard, đặc sủng đích thực được ban cho bởi Thần Khí cần phải được biện phân và nhìn nhận. Cha cho rằng đức ái là một đặc tính thiết yếu của đặc sủng đích thực. Phản ánh những lời của thánh Phaolô trong 1 Côrintô 13, cha viết,

Các tiêu chuẩn trong lĩnh vực này không phải là số lượng hay là những hiện tượng lạ trong cảm nghiệm của một cá nhân hoặc tập thể, nhưng là phẩm chất của một tình yêu đối với Thiên Chúa và đồng loại trong cảm nghiệm đó.[16]

Những hiện tượng xuất chúng và những cảm nghiệm tâm linh không biểu hiện tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân thì không thể được công nhận là những đặc sủng đích thực. Thực vậy, một đặc sủng được ban cho bởi Thánh Thần sẽ giúp chúng ta biết làm vinh danh Chúa và phục vụ anh chị em đồng loại. Như cha đã nói: ‘Đặc sủng của Thánh Thần vượt qua các cấp độ cảm nghiệm bị giới hạn trong một cá nhân hoặc một nhóm người – bao gồm cả những niềm vui và sự bình an được sinh ra từ đó – và dẫn dắt chúng ta đến việc phục vụ cho sự vinh quang của Đức Chúa.’ Cha nhấn mạnh rằng, đặc sủng chủ yếu không phải là đưa người ta vào trạng thái của sự ‘ngây ngất’ nhưng là đến sự chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa. Tương tự như thế, ‘đặc sủng chủ yếu không phải là một “đặc quyền” nhưng là một sự phục vụ (1 Cr 12,5-7).’[17] Đối với cha, sự chúc tụng, ngợi khen, làm vinh danh Thiên Chúa và phục vụ đồng loại được xem như là các dấu chứng của đặc sủng đích thực phát xuất từ Chúa Thánh Thần.

Cha Tillard tin rằng tình yêu, sự chúc tụng, ngợi khen, làm vinh danh Thiên Chúa và phục vụ đồng loại sẽ biểu hiện qua sự hiệp thông (koinonia) – ‘koinonia là hoa trái của Chúa Thánh Thần.’[18] Theo cha, việc làm vinh danh Thiên Chúa và phục vụ tha nhân không thể tìm thấy trong sự loại trừ. Cha cho rằng những người hình thành nhóm quá khích là do sự ‘hứng khởi ngây ngất tự tạo’ hơn là bởi tình yêu, và điều này có thể gây ra một bầu không khí bị xáo trộn trong cộng đồng, và nơi ‘cô lập’ tồn tại thì không có sự hiện diện của Thần Khí. Những thái độ làm suy yếu tinh thần của koinonia không thể đến từ Chúa Thánh Thần.

Như vậy, theo cha Tillard, đặc sủng có thể được hiểu như là một ân huệ nhưng không của Chúa Thánh Thần ban, không chỉ vì lợi ích của cộng đồng, nhưng cũng, và trước hết, cho mối quan hệ cá nhân của các tín hữu với Thiên Chúa. Được sinh ra trong cảm nghiệm về Thần Khí, đặc sủng được coi như là sự hứng khởi bắt nguồn trong đức tin. Đây là ân huệ của Chúa Thánh Thần ban cho tất cả các Kitô hữu và tùy theo bậc sống mà họ được kêu gọi. Dấu chứng của đặc sủng được ban bởi Chúa Thánh Thần là tình yêu và đức ái, biểu hiện qua việc làm vinh danh Thiên Chúa và phục vụ tha nhân trong sự hiệp nhất – koinonia, hoa quả thiết yếu của Chúa Thánh Thần.

2. Quan điểm của cha Tillard về Đặc sủng Đời tu

Cha Tillard cho rằng đời sống Kitô hữu có một liên quan mật thiết với Chúa Thánh Thần và rằng mỗi một cuộc sống Kitô hữu đích thực – độc thân, hôn nhân gia đình, hay tu trì – là một cuộc sống trong Thần Khí và là một đặc sủng.[19] Đặc sủng đời tu, theo cha, được thể hiện trong một bậc sống. Dưới cái nhìn thần học, bậc sống này được cấu thành bởi một mối quan hệ mật thiết được xây dựng trên đức tin, biểu hiện qua một lời mời gọi dưới tác động của Thánh Linh (charismatic call) và một lời đáp trả cũng dưới tác động của Thánh Linh (charismatic response).

2.1. Đời tu là một bậc sống

Cha Tillard đặt trọng tâm những suy tư của mình về đời sống tu trì trong nền thần học hiệp thông (koinonia). Qua bí tích Rửa tội, tất cả các Kitô hữu được hiệp thông với Thiên Chúa và đồng thời được thông hiệp vào đời sống của Giáo hội – chia sẻ trong mầu nhiệm hiệp thông với Chúa Cha và với các tín hữu, trong Chúa Giêsu Kitô nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.[20] Mặc dù được hình thành từ những con người tội lỗi, Giáo hội luôn luôn là thánh; bởi vì Giáo hội thuộc về Thiên Chúa, Đấng thánh duy nhất. Đây là ‘nơi the drama của Giáo hội hình thành’: Giáo hội là thánh trong tình yêu của Thiên Chúa, nhưng tội lỗi bởi sự yếu đuối của con người.[21] Vì thế, các Kitô hữu luôn sống trong tình trạng chiến đấu khi họ bước theo tiếng gọi sống ‘đức ái hoàn hảo’ và ‘mầu nhiệm hiệp thông’ ngay nơi những đòi hỏi và trách nhiệm trong bậc sống của họ.[22]

Chính qua các bí tích và bậc sống khác nhau mà Giáo hội cống hiến cho các tín hữu những phương tiện để đáp trả lời mời gọi mà Thiên Chúa dành cho mỗi người.[23] Lời mời gọi này, đối với mỗi Kitô hữu, ‘hệ tại nơi cuộc sống theo đặc sủng’ mà họ đã nhận được.[24] Các bậc sống không phải là sự hoàn hảo, nhưng là những phương tiện giúp các tín hữu đi đến sự hoàn thiện mà Tin Mừng mời gọi.[25] Cha Tillard định nghĩa đời tu như là ‘một phương thế để đi đến sự hoàn hảo.’[26] Cha viết:

Nhưng sự hoàn hảo của cái gì? Rất đơn giản, của đời sống Kitô hữu. Bởi vì muốn sống mầu nhiệm đức ái một cách hoàn hảo – mầu nhiệm hiệp thông với Thiên Chúa và tha nhân, các tu sĩ không chỉ đơn thuần tuân giữ các giới luật; họ tự nguyện và quảng đại đi vào con đường hẹp với sự tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm; vì mục đích này, các tu sĩ từ bỏ tất cả những gì có thể là vật cản giữa họ và Thiên Chúa ... họ gắn mình vào một bậc sống của sự hoàn hảo (a state of perfection). Từ “bậc sống” (state) ngụ ý ổn định và trong trường hợp này ổn định ngụ ý cho cả một cuộc đời.[27]

Cha Tillard khẳng định rằng đời tu không thuộc cơ cấu phẩm trật của Giáo hội nhưng phát xuất trực tiếp từ Chúa Thánh Thần. Những sáng kiến khai mở ​​cho cuc sng này không đến t các phm trt trong Giáo hi, nhưng đến t các tín hu (thành phn dân Chúa). Đim này, theo cha, là cơ bn và rt quan trng; các hot động ca Chúa Thánh Thn không ch giới hạn trong lãnh vực của các bí tích và phẩm quyền.[28] Được khai sáng từ và bởi Chúa Thánh Thần, đời tu là một lối sống đặc biệt trong đó các phần tử chia sẻ một cảm nghiệm chung về ân sủng qua sự quảng đại đáp trả mà không bao giờ tìm thỏa mãn cho chính mình, nhưng nhằm mục đích làm rõ nét hơn những mầu nhiệm của Giáo hội qua một lối sống riêng biệt với những lời cam kết công khai. Thông thường, đời tu xuất hiện vì một tín hữu, được ‘chộp bắt’ bởi Chúa Thánh Thần, tham gia với các anh chị em khác để cùng nhau tìm kiếm Chúa trong bậc sống đặc biệt này.[29]

Cha Tillard cho rằng nét đặc trưng cơ bản của bậc sống này được thể hiện qua ‘ba lời khấn ... và đời sống chung.’[30] Tuy nhiên, cha nhắc nhở rằng các tu sĩ không ‘khấn khó nghèo, vâng phục, và khiết tịnh để tăng thêm nhân phẩm hoặc để có thêm một “địa vị” mới so với những gì mà mọi Kitô hữu đã được lãnh nhận nơi bí tích Rửa tội.’[31] Các lời khấn đơn thuần chỉ là phương tiện để giúp các tín hữu đạt đến sự viên mãn của hồng ân đã lãnh nhận nơi bí tích Rửa tội.[32] Một Kitô hữu trở thành tu sĩ không phải vì các lời khấn, nhưng vì Tin Mừng. Cha giải thích:

Mặc dù những lời khấn biểu hiện cho các yếu tố riêng biệt của đời tu, và không thể thiếu trong đời sống của bất cứ ai được Chúa Thánh Thần mời gọi bước vào đời tu, nhưng chúng không phải là yếu tố chính yếu của đời tu. Mục tiêu của những lời khấn là để “giải phóng” các Kitô hữu, dẫn họ dần đến đích điểm của các đòi hỏi của Tin Mừng.

Các lời khấn và đời sống chung, như thế, được xem như là ‘các yếu tố riêng biệt’, chứ không phải là ‘các yếu tố chính yếu’, của đời tu. Nhưng thật đáng tiếc, cha Tillard nói, ‘chúng ta có xu hướng nhầm lẫn giữa các yếu tố riêng biệt với các yếu tố chính yếu.’[33]

Điều này gợi lên một câu hỏi: thế thì những yếu tố chính yếu của đời tu là gì? Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng về đời sống tu trì, cha Tillard ghi nhận rằng đời tu đã xuất hiện qua nhiều hình thức khác nhau; dù trong hình thức nào, đời tu luôn có ‘một đặc tính’ (a special feature).[34] Đặc tính đó là gì? Theo cha, chúng ta không thể trả lời câu hỏi này bằng cách nói rằng đời tu là ‘một bậc sống hoàn hảo hơn hay một sự bước theo Chúa Kitô sát sao hơn.’[35] Mọi Kitô hữu đều được mời gọi trở nên hoàn thiện.[36] Đặc tính này, cha nhấn mạnh, ‘không xuất phát từ một hệ thống phẩm trật đạo đức hay luân lý, nhưng từ một sự hiện hữu và tương giao của các tu sĩ với Chúa Kitô.’[37] Nói cách khác, đây là vấn đề của một lối sống với phong cách đặc biệt cho phép một Kitô hữu sống trọn vẹn những đòi hỏi của Tin Mừng.[38]

Dựa vào Tin Mừng, cha Tillard phân biệt hai phương thế mà các Kitô hữu có thể tận hiến bản thân cho Chúa Giêsu. Thứ nhất là ‘cách bình thường’ qua đó các Kitô hữu được kêu gọi sống Tin Mừng, nhưng không từ bỏ lối sống bình thường của họ. Thứ hai là ‘cách đặc biệt’ qua đó các Kitô hữu được mời gọi bước theo Chúa Giêsu, từ bỏ nếp sống bình thường để sống theo Tin Mừng một cách đặc biệt và triệt để hơn.[39] Donald Maldari nhận xét rằng khi phân biệt như thế, cha Tillard không coi nhẹ giá trị của ‘ơn gọi bình thường’, nhưng điều mà cha Tillard muốn nhấn mạnh là ‘cách đặc biệt’ theo Chúa; theo nghĩa đen, đòi hỏi các tu sĩ phải có một thái độ sống ‘từ bỏ’ một cách dứt khoát và rõ rệt mà những người ‘bình thường’ khác thì không bị đòi hỏi như thế.[40]

Cách ‘đặc biệt’ này, cha Tillard giải thích, là sự tìm kiếm ‘một điều cần thiết duy nhất’, đó là Chúa Giêsu Kitô – ‘Đấng duy nhất có thể đong đầy những nguyện vọng và khao khát của các tu sĩ.’[41] So sánh với ‘điều cần thiết duy nhất’ này thì tất cả những thứ khác – điều mà con người đang cố gắng phấn đấu để có được ở đời này – chỉ là những thứ ‘tương đối’. Cha nhấn mạnh rằng trong đời tu, các tu sĩ không được phép đặt nền tảng đời sống của họ vào những thứ tương đối, nhưng vào ‘điều cần thiết duy nhất’ này.[42] Nền tảng sự hiện hữu của đời tu là toàn bộ Tin Mừng. Cha ví toàn bộ điều lệ của Tin Mừng như một tam giác cân mà góc đỉnh của nó biểu hiện các ‘đòi hỏi’ của Bài Giảng Trên Núi. Không phải mọi Kitô hữu đều được mời gọi đặt nền tảng của họ trên những đòi hỏi tuyệt đối.[43] Chúa Thánh Thần mời gọi các Kitô hữu phục vụ và làm chứng cho Nước Trời theo những cách thức khác nhau; các tu sĩ được mời gọi sống một lối sống trong đó có những điều mà mọi tín hữu có thể chỉ phải tuân giữ trong một vài trường hợp lại trở thành luật sống đối với các tu sĩ, và trong đó những đòi hỏi của Nước Trời phải được đặt trên hết và trước hết.[44]

Tóm lại, theo cha Tillard, đời tu là một bậc sống Thiên Chúa ban tặng cho Giáo hội nhờ Thánh Thần của Người. Được sinh ra bởi Chúa Thánh Thần, bậc sống này cùng tham dự vào mầu nhiệm hiệp thông của Thiên Chúa với tất cả các bậc sống khác trong Giáo hội. Khởi đi từ lòng quảng đại của Thiên Chúa, tâm điểm của bậc sống này là sự cam kết của một con người với chính Đức Giêsu Kitô, ‘điều cần thiết duy nhất’, được biểu hiện trong một mối quan hệ xây dựng trên ‘đức tin’. Đức tin này không đến từ một tín điều phải tin, nhưng từ một lời ‘Vâng’ (Yes) ôm trọn lấy trái tim và toàn bộ sự tồn tại của người đó – cũng giống như các cô dâu thưa ‘Em chấp nhận’ (I do) với chồng của mình.[45] Mối quan hệ này được hình thành bởi một lời mời gọi dưới tác động của Thánh Linh (a charismatic call) và một lời đáp trả cũng dưới tác động của Thánh Linh (a charismatic response); chính Chúa Thánh Thần là khởi nguồn của mối quan hệ này.

2.2. Lời Mời Gọi dưới tác động của Thánh Linh (A Charismatic Call)

Theo quan điểm của cha Tillard, từ trong ý nghĩa sâu xa nhất của nó, đời tu là một đặc sủng, bắt đầu với lời mời gọi dưới tác động của Thánh Linh. Đặc sủng ở đây được hiểu là ‘chỉ duy Chúa Thánh Thần là Đấng có thể soi sáng và dẫn đưa một Kitô hữu lựa chọn bậc sống này, một cảm nghiệm như thế vượt xa mọi lý luận của con người.’[46] Để làm rõ ý nghĩa của lời mời gọi này, cha Tillard quay trở về với lời mời gọi của các Tông đồ trong Tin Mừng và liên kết sự khởi đầu của đời tu với lời mời gọi của các Tông đồ đầu tiên.[47] Đối với cha, lời mời gọi của các Tông đồ đầu tiên thật là nhiệm mầu, khó hiểu và rất đòi hỏi, như chúng ta đọc trong Tin Mừng.

Người [Đức Giêsu] bảo các ông: “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người. (Mc 1,17-18; xem thêm Mt 4,19-20)

Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người. (Mc 1,20; xem thêm Mt 4,22)

Sau đó, Đức Giêsu đi ra và trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người. (Lc 5,27-28)

Một môn đệ khác thưa với Người: “Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã”. Nhưng Đức Giêsu bảo: “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ”. (Mt 8,21-22; xem thêm Lc 9,59-60)

Đức Giêsu nhìn thẳng vào anh và đem lòng yêu mến. Người bảo anh: “Anh chỉ thiếu có một điều: hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, và anh sẽ có được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. (Mc 10,21; xem thêm Mt 19,21; Lc 18,22)

Những lời mời gọi này, cha Tillard nhận xét, có “những điểm đặc biệt, khác thường và dường như chẳng phù hợp với những lý luận của con người; những điểm này là những nét đặc trưng cho những gì thuộc về thế giới của Chúa Thánh Thần”.[48]

Chính Chúa Giêsu là người đã khởi xướng cuộc gọi này. Nói cách khác, những người được chọn không cầu xin để được chọn; thay vào đó, chính Chúa Giêsu là người có sáng kiến ​​này. Hơn thế na, nhng người được mi gi không nht thiết phi hoàn ho; h không nht thiết phi tt hơn so vi nhng người khác và thm chí có thể là một tội nhân tai tiếng. Chính Chúa Giêsu đã ‘đột ngột’ bước vào đời sống của một con người. Cuộc gặp gỡ như thế thách đố toàn bộ đời sống của người đó, dẫn họ bước theo Chúa Giêsu để phục vụ Nước Trời. Chỉ trong Thần Khí mà Chúa Giêsu đã đi vào một cuộc gặp gỡ có sức lôi cuốn như thế.[49] Như cha Tillard giải thích,

Nếu chúng ta đồng ý rằng từ “đặc sủng” biểu thị hoạt động của Chúa Thánh Thần chứ không phải của con người, và rằng nó cũng là một biểu hiện những cảm nhận của con người về ân sủng của Thiên Chúa, một ân huệ được ban tặng không phải vì công đức của người nhận, nhưng là một cảm nghiệm bị “chộp bắt” bởi quyền năng của Thiên Chúa, một ý thức được tham dự vào mầu nhiệm cứu chuộc của thời cánh chung, chúng ta phải thừa nhận rằng ơn kêu gọi của các Tông đồ – bao gồm cả của thánh Phaolô – chỉ có thể được hiểu trong mầu nhiệm ân sủng đặc biệt của Thiên Chúa.[50]

Theo cha Tillard, ơn gọi làm tông đồ mà Chúa Giêsu, nhờ Thần Khí của mình, mời gọi các tông đồ sống như những chứng nhân cho Tin Mừng, là lời mời gọi có sức thu hút và lôi cuốn. Ơn gọi vào đời tu được liên kết với ơn gọi làm tông đồ này.[51]

2.3. Lời Đáp Trả dưới tác động của Thánh Linh (A Charismatic Response)

Ơn gọi sống đời tu bao gồm lời đáp trả trong tự do. Cha Tillard mô tả lời đáp trả này như một hành động của đức tin xuất phát từ cuộc gặp gỡ ‘bị thu hút’ bởi Chúa Kitô. Xuyên qua cảm nghiệm bị thu hút như thế, lời mời từ bỏ mọi sự và bước theo Chúa Kitô gợi lên trong tâm hồn người được mời gọi một ‘phản ứng’ mà sau đó nó trở thành thửa đất, rồi từ thửa đất này các quyết định của người đó sẽ đâm rễ. ‘Phản ứng’ này không đến từ một trật tự luân lý và tập luyện; nhưng từ sự hứng khởi nội tâm – một cảm nghiệm phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong tận cõi thâm sâu của con người. Tiềm ẩn của ‘sự hứng khởi này là sự ​​chúc tng, tôn thờ’ và là sc mnh ban cho người được mi gi để h có th đáp tr li mi gi trong đức tin.[52]

Để khám phá ra tại sao sự hứng khởi có thể khiến cho một Kitô hữu đi đến quyết định đáp trả lời mời gọi như thế, cha Tillard trích dẫn hai dụ ngôn trong Tân Ước: kho báu và viên ngọc trai (Mt 13,44-46 ), những dụ ngôn ‘làm sáng tỏ thái độ của con người trong cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô mà định hướng cuộc đời của mình.’[53] Tham khảo các bản chú giải về hai dụ ngôn này, cha Tillard kết luận rằng, ‘bởi vì sức hút của Nước Trời và niềm vui cảm nhận được từ đó,’ mọi thứ khác bị coi như là phụ thuộc.[54] Niềm hứng khởi nhiệm mầu gợi lên từ sự khám phá ra giá trị vô giá của Nước Trời sẽ đem lại ‘niềm vui thật’ cho người tín hữu, khiến họ bỏ lại đằng sau tất cả mọi sự mà đi theo Đức Kitô.[55] Cha trích dẫn Joachim Jeremias để hỗ trợ điểm này,

Khi niềm vui thật “nắm bắt” một người, nó thâm nhập vào tận cõi thâm sâu của người ấy, thuần hóa tâm trí và mang người ấy ra khỏi mình. Tất cả những điều khác dường như vô nghĩa so với giá trị của niềm vui này … . Trọng điểm của hai dụ ngôn không phải là những gì mà hai người đàn ông từ bỏ, nhưng là nguyên do khiến họ đi đến quyết định để từ bỏ: một cảm nghiệm không sao kế xiết về sự vĩ đại mà họ đã khám phá được. Sự vĩ đại của Nước Thiên Chúa. Niềm vui bao phủ họ; nó lấp đầy trái tim và làm cho toàn bộ cuộc sống của họ hướng đến sự viên mãn của cộng đồng Dân Thiên Chúa, và làm nảy sinh trong họ sự tận tụy hy sinh cho Nước Trời.[56]

Cha Tillard cho rằng chính sự hứng khởi phát sinh từ sự hấp dẫn của Nước Trời và niềm vui được cảm nghiệm giúp chúng ta có thể hiểu những đòi hỏi ‘bất thường’ và ‘bất hợp lý’ của Chúa Giêsu, ‘Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi’ (Lc 14,26). Chính sự hứng khởi nhiệm mầu và niềm vui có được bởi sự gặp gỡ với Chúa Giêsu có thể giải thích cho hành động của các Tông Đồ khi họ bỏ lại tất cả mọi sự và đi theo Chúa Giêsu. Ngay cả khi họ không muốn theo Ngài, như trong trường hợp của Phêrô bên bờ hồ (Jn 21,18), hoặc khi họ từ chối và muốn loại bỏ Chúa Giêsu ra khỏi cuộc sống của họ, như trong trường hợp của Phaolô. Một cảm nghiệm thâm sâu trong cuộc gặp gỡ với Ðức Giêsu đã làm cho cuộc sống của họ đảo lộn![57]

Một niềm vui như thế, cha Tillard nhấn mạnh, không thể bị đánh đồng với các loại phấn khích, nhưng là ‘niềm vui trong Chúa Kitô’ (joy en kuriô); nó ‘không chỉ đơn giản là một niềm vui mà đối tượng là Đức Kitô, nhưng là một niềm vui trong đó chúng ta tìm được toàn bộ nguồn gốc và căn tính của nó trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô.’ Hơn thế nữa, niềm vui này không đến từ một kinh nghiệm của lòng đạo đức hay vui sướng tự tạo. Như ‘một biểu hiện của Thánh Linh’, niềm vui này là “một sự hứng khởi sâu thẳm nội tâm, nếu chúng ta được ban cho; sự hứng khởi này không đến từ một niềm vui tạo ra bởi những hân hoan và sung sướng, nhưng từ một niềm vui – mặc dù đau khổ, thất bại và thất vọng – được nảy sinh từ sự hiệp thông với Chúa Giêsu”.

Sự hiệp thông trong đức tin này được ban tặng cho chúng ta xuyên qua cảm nghiệm của một đời sống mới xuất phát từ mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, ‘nếu không nó sẽ không phải là niềm vui chiến thắng lan tỏa quanh đây.’[58]

Liên quan đến đời tu, cha Tillard nhận xét rằng các tu sĩ – những người bị ‘chộp bắt’ bởi Chúa Kitô trong một khoảnh khắc nhiệm mầu (khoảnh khắc quyết định cuộc sống của họ ngay lập tức hoặc dần dần trong ơn gọi ‘bước theo Chúa Kitô’ của họ) – sẽ được nhận chìm vào trong một cảm nghiệm bị lôi cuốn tương tự như của các Tông Đồ. Đối với các tu sĩ, có lẽ không dễ dàng để diễn tả cảm nghiệm hoặc điều đã thu hút họ bước vào đời sống tu trì. Lý do có thể khác nhau từ người này sang người khác, tùy thuộc vào mỗi cá nhân và các nền văn hóa khác nhau.[59] Dù lý do nào đi nữa, chính cảm nghiệm của một sự hứng khởi đối với Chúa Kitô đã làm họ đặt mọi thứ khác sang một bên và quyết định bước đi theo Người.[60] Như ‘một khoảnh khắc kỳ diệu trong và với Chúa Kitô’, cảm nghiệm này truyền cảm hứng và giúp họ khám phá ra động lực hấp dẫn, đồng thời giúp họ đi đến một sự lựa chọn. Động lực này không phải là để ... nhưng là vì ... và đối tượng của cái vì này không là gì khác ngoài Chúa Giêsu Kitô. Một Kitô hữu không trở thành một tu sĩ để làm một điều gì đó, với một cái nhìn hướng đến một điều gì đó; một Kitô hữu bước vào đời sống tu vì Chúa Giêsu Kitô và vương quyền của Ngài. Để làm một điều gì đó, tuy là rất cần thiết, nhưng phải được tính sau, và cái để này phải được thực hiện trong ánh sáng và như là hoa trái của cái vì.[61]

Theo cha Tillard, khoảnh khắc kỳ diệu trong và với Chúa Kitô cũng gợi cảm hứng cho người được mời gọi lựa chọn một cộng đoàn dòng tu cụ thể, hoặc một lối sống đặc biệt cho việc phục vụ Tin Mừng và nhân loại để phát triển thêm tầm nhìn của đấng sáng lập.[62] Qua sự hiểu biết về đặc sủng của một dòng tu cụ thể, các tín hữu có thể nhận ra ơn gọi cá nhân của họ, và nhận ra sự thúc giục của Chúa Thánh Thần, hầu sử dụng các ân sủng cách tốt nhất theo khả năng của mình.[63] Nếu các tu sĩ không nhận thức được điều này, họ sẽ không bao giờ nắm bắt được raison d’être của đời tu, và ngay khi đã tuyên thệ các lời khấn, họ sẽ kéo lê đời mình trong một cuộc sống vô nghĩa.[64]

Ý nghĩa của khoảnh khắc kỳ diệu trong và với Chúa Kitô gắn liền với một khía cạnh quan trọng của một hành động trong đức tin – đó là sự chiêm niệm (sự kết hợp mật thiết với Đức Kitô).[65] ‘Khoảnh khắc chiêm niệm mà từ đó việc “theo Chúa Kitô” được khơi nguồn đặt nền tảng trên một đức tin thuần khiết’ hoàn toàn khác với sự chiêm niệm thuộc về những nỗ lực của con người, một sự nỗ lực dùng trí tuệ để suy niệm và cố tạo yên tĩnh nội tâm để thâm nhập sâu hơn vào mầu nhiệm của Thiên Chúa.[66]

Cuộc gặp gỡ, có thể bắt đầu trong những cảm nghiệm hoặc trong sự hứng khởi của một sự kiện “bị lôi cuốn”, sẽ được đánh dấu như một cảm nghiệm thuần khiết xảy ra duy chỉ trong thinh lặng, một sự thinh lặng trào tràn niềm vui nhưng rất bí ẩn, của một mối quan hệ “I-Thou”. Chính khoảnh khắc của sự nhìn nhận, của sự mở lòng đón nhận sự sống thần linh, là khoảnh khắc của chiêm niệm ... Một khoảnh khắc rất cần thiết đối với đức tin mà, nếu không có nó, đức tin sẽ trở nên vô nghĩa.[67]

Cha Tillard cho rằng ơn gọi sống đời tu thuộc về cảm nghiệm này, một cảm nghiệm trong đức tin. Cảm nghiệm trong đức tin này là phẩm chất chính yếu của đời tu, phụ thuộc vào sự chiêm ngắm Thiên Chúa từ trái tim bởi vì người đó đã ‘bị chộp bắt bởi Chúa Kitô’. Sự chiêm ngắm này ‘thuộc về chiều sâu tâm linh vượt qua mức độ thông minh suy luận của con người.’[68] Cha khẳng định rằng cảm nghiệm ‘bị lôi cuốn’ bởi Đức Kitô trong đức tin, được ân ban bởi Chúa Thánh Thần, là một đặc sủng.

Do đó, trọng tâm của đời tu phải được đặt trên đức tin; nghĩa là, sự gắn bó của các tu sĩ với Thiên Chúa phải được xây dựng trên đức tin.[69] Đức tin phải đến trước nhất. Đức tin phải được xem như là ‘một sợi dây mà từ đó tất cả các thứ khác được đan quyện vào. ... Các điều khác như đời sống độc thân, nghèo khó, cộng đoàn, sự vâng phục và đời sống khắc khổ, không thể đứng vững mà không có sợi dây ấy.’ Nếu sợi dây đức tin bị cắt đứt, ý nghĩa và sự tồn tại của đời tu coi như bị đánh mất.[70] Điều quan trọng là, ‘đức tin đòi hỏi phải được đưa vào cuộc sống cụ thể; chính trong việc sống đức tin mà đời tu được mở ra và đào sâu.’[71]

Tóm lại, đặc sủng của đời tu, theo cha Tillard, là ơn đặc biệt mà Thiên Chúa, qua Thánh Thần của Người, ban cho một số tín hữu. Ơn này được biểu hiện như một cảm nghiệm ‘bị lôi cuốn’ bởi Chúa Giêsu trong đức tin, một khoảnh khắc kết hợp thâm sâu giữa một cá nhân với Chúa Giêsu – ‘an I-thou relationship’, mời gọi họ bước theo Người một cách triệt để qua một lối sống ‘riêng biệt’, đồng thời tạo điều kiện để người đó có thể đáp trả lời mời gọi ấy trong suốt cuộc sống của họ. Ơn này được ban không chỉ dành riêng cho người tiếp nhận nó, nhưng còn vì vinh quang của Thiên Chúa và ích lợi của người khác.

3. “Hãy đến và theo Ta!”

Mỗi đặc sủng đích thực bao gồm sự kết hợp giữa một nét độc đáo và một sáng kiến riêng biệt cho đời sống thiêng liêng của Giáo hội. Đối với các tu sĩ, sống đặc sủng đời tu, thể hiện qua việc bước theo Đức Kitô, phải được liên tục bắt nguồn từ ‘khoảnh khắc chiêm niệm’ trong đức tin – không chỉ trong sự hứng khởi lúc ban đầu của đời tu, nhưng ngay cả trong những lúc, như Simon Phêrô, ngập trong đau khổ và nước mắt, vẫn tiếp tục lặp lại lời thưa ‘Dạ, con đây’ của lúc ban đầu. Đây cũng là cảm nghiệm về sự hứng khởi của các nhà thần bí, vẫn luôn khao khát tìm kiếm Chúa, ngay cả khi bị phủ lấp bởi bóng tối của nghi ngờ và hoang mang.[72] ‘Sự hứng khởi của họ đã chùng xuống và trở nên bình lặng. Nó đã chín mùi. ... Có một biến chuyển, sự hứng khởi của họ dành cho Chúa Giêsu trở nên sâu lắng hơn.’[73] Đời tu ‘không chỉ đơn giản là một việc làm cho mỗi ngày của mình hòa hợp với một mô hình được phác thảo trước, “một lần và cho tất cả”, vào ngày khấn dòng.’ Đức Kitô, Đấng mà các tu sĩ mong muốn bước theo, không thể bị đóng vào một khuôn khổ cố định trong một thời điểm được sắp xếp trước. Hôm nay không phải chỉ đơn giản là một sự lặp lại của ngày hôm qua, mặc dù ngày hôm qua không thể không để lại dấu ấn của nó trên ngày hôm nay. Đã quyết định bước theo Chúa Kitô, các tu sĩ phải liên tục làm mới lại mối tương quan của họ với Người mỗi ngày.[74]

Bắt nguồn từ một khoảnh khắc được chìm ngập trong tình yêu của Thiên Chúa, sự hứng khởi bước theo Chúa Kitô lúc ban đầu phải trưởng thành theo thời gian. Cha Tillard nhắc nhở rằng các tu sĩ cần liên tục ‘khám phá lại’ lời mời gọi thuở ban đầu: ‘Hãy đến và theo Ta!’; đây cũng chính là lời mời gọi họ đi đến quyết định nói lên lời cam kết vĩnh viễn của mình. Như Phêrô bên bờ hồ, các tu sĩ hãy không ngừng nhìn lại chính mình để loại bỏ những ảo tưởng gợi lên trong họ. Cuối cùng, duy chỉ một điều cần được tồn tại là sự hứng khởi của họ, sự hứng khởi đến từ nơi sâu thẳm nhất của một trái tim nghèo nàn. Từ sự nghèo nàn trơ trụi này, sự hứng khởi dành cho Chúa Kitô dần trở nên một đức tin trưởng thành.[75] Các tu sĩ, không phân biệt thuộc dòng chiêm niệm hay hoạt động, hãy không ngừng dừng lại và sống trọn vẹn khoảnh khắc mà họ được chìm ngập trong tình yêu của Thiên Chúa, khoảnh khắc khi họ nhận ra lời mời gọi của Chúa Kitô và quyết định bước theo Ngài.[76]

* Nguyên bản bài chia sẻ này được viết bằng tiếng Anh, đăng trong tạp chí Thần Học The Way (Loan Le, “A Reflection on the Charism of Religious Life”, The Way 55, 1 [2016], 61-77, http://www.theway.org.uk/Back/551Le.pdf). Xin xem thêm Loan Le, Religious Life: A Reflective Examination of its Charism and Mission for Today (Cambridge Scholars Publishing, 2016), Chương II.

[1] ĐGH Francis, Apostolic Letter to all Consecrated People on the Occasion of the Year of Consecrated Life, n.1.

[2] Jean-Marie Roger Tillard, “Religious Life in the Mystery of the Church”, trong The Mystery of Religious Life, biên tập bởi R.F. Smith (St. Louis: Herder, 1967), 3.

[3] Jean-Marie Roger Tillard, “The Paths of Obedience”, Lumen Vitae 31, 3-4 (1976), 282.

[4] Jean-Marie Roger Tillard, There are Charisms and Charisms: The Religious Life (Brussels: Lumen Vitae, 1977), 12.

[5] Jean-Marie Roger Tillard, Devant Dieu et pour le Monde: Le Projet des Religieux, Cogitatio Fidei Series 75 (Paris: Éditions du Cerf, 1974), 147.

[6] Tillard, There are Charisms and Charisms, 67.

[7] Ibid., 16.

[8] Ibid., 17.

[9] Ibid., 13.

[10] Ibid., 13-15.

[11] Ibid., 15.

[12] Ibid., 36.

[13] Ibid., 37.

[14] Ibid., 37.

[15] Ibid., 37-41.

[16] Ibid., 25.

[17] Ibid.

[18] Ibid.

[19] Tillard, There are Charisms and Charisms, 15-16; Jean-Marie Roger Tillard, Religieux Aujourd’hui (Brussels: Lumen Vitae, 1972), 55; Tillard, “Religious Life in the Mystery of the Church”, 21-25.

[20] Tillard, “Religious Life in the Mystery of the Church”, 4-5.

[21] Jean-Marie Roger Tillard, “Religious Life, Sign of the Eschatological Church”, trong The Mystery of Religious Life, biên tập bởi R.F. Smith (St. Louis: Herder, 1967), 61-63.

[22] Tillard, “Religious Life, sign of the Eschatological Church”, 63-66; Tillard, “Religious Life in the Mystery of the Church”, 15-16.

[23] Tillard, “Religious Life in the Mystery of the Church”, 23.

[24] Jean-Marie Roger Tillard, A Gospel Path: The Religious Life, chuyển dịch bởi Olga Prendergast (Brussels: Lumen Vitae), 17.

[25] Tillard, Devant Dieu et pour le Monde, 147.

[26] Tillard, “Religious Life in the Mystery of the Church”, 8.

[27] Ibid., 8-9.

[28] Tillard, Religieux Aujourd’hui, 56-58; Xem thêm Tillard, “Religious Life, Sign of the Eschatological Church”, 64; Jean-Marie Roger Tillard, “Are Teaching Brothers still Needed?” Review for Religious 25, 6 (November 1966), 1019-1022; Jean-Marie Roger Tillard, “Religious Women and Pastoral Work”, Review for Religious 25, 1 (January 1966), 6.

[29] Tillard, Religieux Aujourd’hui, 56-57.

[30] Tillard, “Religious Life in the Mystery of the Church”, 21.

[31] Tillard, “Are Teaching Brothers still Needed?” 1020.

[32] Từ những nghiên cứu của mình, cha Tillard khám phá ra rằng lúc khởi đầu không có ba lời khấn trong đời tu. Mãi đến thế kỷ thứ 12, khi đời tu được thiết lập một cách có quy củ, thì ba lời khấn mới xuất hiện trong đời tu. Xem Tillard, Devant Dieu et pour le Monde, 121; Tillard, A Gospel Path, 85, 94.

[33] Tillard, A Gospel Path, 101.

[34] Tillard, “Religious Life in the Mystery of the Church”, 21. Cha Tillard trình bày những hình thức khác nhau và sự tiến triển của bậc sống tu dòng: ‘the cenobitical life of St. Pachomius in the fourth century, the monastic institution of St. Benedict around the sixth century, mendicant orders in the twelfth century, congregations of clerks regular in the sixteenth century, institutes of simple vows in the following centuries. All of these show that diversity is no stranger to the religious state’ (22).

[35] Jean-Marie Roger Tillard, “Religious in the Workyards of Men”, Lumen Vitae 31, 1 (1976), 85.

[36] Tillard, A Gospel Path, 24.

[37] Tillard, “Religious in the Workyards of Men”, 86.

[38] Tillard, A Gospel Path, 24.

[39] Ibid., 21.

[40] Donald C. Maldari, “The Identity of Religious Life: The Contributions of Jean-Marie Tillard Critically Examined”, Louvain Studies 14 (Winter 1989), 329; xem Jean-Marie Roger Tillard, Les Religieux aux Coeur de l’Église, Cahiers de Communauté Chrétienne 5 (Montréal: Institut de Pastorale, 1967; Paris: Éditions du Cerf, 1969), 11; Jean-Marie Roger Tillard, “Sequela Christi”, Spiritual Life 18 (1972), 76-80; Tillard, Devant Dieu et pour le Monde, 153-169 ; Tillard, A Gospel Path, 19-26.

[41] Tillard, A Gospel Path, 22; Tillard, Devant Dieu et pour le Monde, 193.

[42] Tillard, A Gospel Path, 24.

[43] Tillard, A Gospel Path, 24-25; xem thêm Jean-Marie Roger Tillard, “Le Fondement Évangélique de la Vie Religieuse”, Nouvelle Revue Théologique 91 (1969), 933-953.

[44] Jean-Marie Roger Tillard, “The Theological Viewpoint: Religious Life, a Choice Rooted in Faith”, in Faith and Religious Life, biên tập bởi Jean-Marie Roger Tillard, et al. (Ottawa: Canadian Religious Conference, 1971), 28; xem thêm Tillard, A Gospel Path, 24-25; Jean-Marie Roger Tillard, “Le Fondement Évangélique de la Vie Religieuse”, Nouvelle Revue Théologique 91 (1969), 933-953.

[45] Tillard, A Gospel Path, 20.

[46] Tillard, There are Charisms and Charisms, 35-36.

[47] Ibid., 45.

[48] Ibid., 43-44.

[49] Ibid., 41-43.

[50] Ibid., 43.

[51] Ibid., 44-46.

[52] Ibid., 46.

[53] Ibid., 47.

[54] Ibid., 49.

[55] Ibid., 47-48; xem thêm Tillard, Devant Dieu et pour le Monde, 61-67.

[56] Joachim Jeremias, Rediscovering the Parables (London: SCM Press, 1963), 158; được trích dẫn trong Tillard, There are Charisms and Charisms, 48.

[57] Tillard, There are Charisms and Charisms, 49-50.

[58] Ibid., 50-51.

[59] Ibid., 29.

[60] Tillard, A Gospel Path, 34.

[61] Tillard, There are Charisms and Charisms, 56.

[62] Ibid., 56-57.

[63] Tillard, A Gospel Path, 162.

[64] Tillard, There are Charisms and Charisms, 56-57.

[65] Ibid., 57. Contemplation is not ‘interpreted as a kind of secret attempt to remonasticize the Religious Life, ... not the level of rites, of forms of prayer;’ it is of a wholly different level of existence ... that is, ‘the gaze of the heart, the mysterious presence of Christ in thick of action’ (65).

[66] Tillard, There are Charisms and Charisms, 91-92.

[67] Ibid., 58.

[68] Ibid., 71.

[69] Tillard, “The Theological Viewpoint”, 36.

[70] Tillard, “The Theological Viewpoint”, 22; xem Tillard, A Gospel Path, 26.

[71] Tillard, There are Charisms and Charisms, 71; xem Tillard, A Gospel Path, 49-73.

[72] Tillard, There are Charisms and Charisms, 60.

[73] Tillard, A Gospel Path, 43.

[74] Ibid., 44.

[75] Tillard, A Gospel Path, 44.

[76] Tillard, There are Charisms and Charisms, 65.

 


Trang Chúa Thánh Thần