CHÚA THÁNH THẦN VÀ
GIÁO HỘI TRONG PHỤNG VỤ
(theo
Sách Giáo Lý Công Giáo Số 1091-1109)
Lm. Micae Trần Đình Quảng
Đề tài nói đến vai trò của Chúa Thánh Thần và Giáo Hội trong phụng
vụ, vì ''phụng vụ là công trình chung của Chúa Thánh Thần và Giáo Hội" (SGL
l091), là sự hợp tác giữa Thiên Chúa và con người. Để chỉ công việc này, các giáo
phụ thường đùng từ synergie (co-action). Hạn từ synergie muốn nói
lên nét mới mẻ tuyệt đối trong sự kết hợp giữa Thiên Chúa và con người trong Đức
Kitô, hay đúng hơn, nét mới mẻ trong hành động của Chúa Thánh Thần thấm nhiễm hành
động của con người. Khi hành động được thăng hoa này của con người hợp tác với
hành động của Thiên Chứa thì có synergie, và synergie này cấu
thành phụng vụ.
Tuy phụng vụ là công trình chung, hành động chung của Thiên Chúa và
con người, nhưng sáng kiến khởi đầu là từ Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn là Đấng đi
bước trước. Từ "liturgie, xét theo nguyên ngữ Hy lạp (ergon +
leitos) tiên vàn có nghĩa là công việc làm cho dân, chứ không chỉ là công việc
của dân. Ở đây là việc Thiên Chúa làm cho Dân Người.
Tưởng cũng nên nhấn mạnh lại điều cơ bản trên, mà thực tế lắm khi
người ta không biết hay quên đi. Phụng vụ trước hết không phải là nơi con người
gặp gỡ Thiên Chúa, nhưng là nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người để tác động vào lịch
sử nhân loại. Điều Thiên Chúa làm thì chủ yếu hơn điều con người làm. Cần nhớ
như vậy để tránh một quan niệm quá thuần lý hay quá mang tính chất "đạo đức"
vụ phụng vụ.
Có thể lấy hai câu chuyện Emmau và phó tế Philip ở Samarl làm ví dụ
cho thấy sáng kiến là từ Thiên Chúa. Cả hai có liên hệ với phụng vụ : một biểu
thị cử hành Thánh Thể, một về phép Rửa. Trong câu chuyện Emmau, sáng kiến là do
Chúa Giêsu. Còn trong câu chuyện ở Samari, chính Chúa Thánh Thần gợi ý cho
Philip đến gặp viên thái giám nước Êthiopi (x Lc 24,13t ; Cv 8,26t).
Đề tài của chúng ta nói về cả hai tác nhân là Chúa Thánh Thần và
Giáo Hội, nhưng, trong phần quảng diễn, Sách Giáo Lý nhấn mạnh vai trò của Chúa
Thánh Thần, tác nhân quan trọng nhưng vồ hình mà ta thường hay quên lãng. Có thể
thấy sự lãng quên này ngay cả trong những văn kiện chính của Giáo Hội về phụng
vụ, chẳng hạn : câu định nghĩa phụng vụ trong thông điệp Mediator Dei, số 7 của
Hiến chế về Phụng Vụ thánh, khoản 834 § l của Bộ Giáo Luật 1983.
Những hoạt động chính của Chúa Thánh Thần trong phụng vụ được Sách
Giáo Lý tóm tắt như sau : chuẩn bị cộng đoàn gặp gỡ Đức Kitô ; nhắc lại và bày
tỏ Đức Ki tô cho niềm tin của cộng đoàn ; hiện tại hóa công trình cứu độ của Đức
Kitô bằng quyền năng biến đổi ; làm cho ơn hiệp thông sinh hoa kết quả trong
Giáo Hội (SGL l092 và 1112).
Chúng ta lần lượt khai triển những điểm trên.
I.
CHÚA THÁNH THẦN CHUẨN BỊ CHÚNG TA ĐÓN NHẬN ĐỨC KITÔ
Chúng ta đón nhận Đức Kitô bằng tri thức và bằng tâm hồn. Chúa
Thánh Thần chuẩn bị chúng ta trong cả hai phương diện đó.
Để có thể tham dự phụng vụ, phải có đức tin. Đòi hỏi này là do
chính bản chất của phụng vụ và của các dấu chỉ phụng vụ. Phụng vụ chuyển đạt và
áp dụng ơn cứu độ của Thiên Chúa cho con người. Nhưng muốn được ơn cứu độ, cần
thiết phải có đức tin (Rm l0,9 ; GH 14). Phụng vụ cũng là hành vi của con người
gặp gỡ và phụng thờ Thiên Chúa. Việc này cũng chỉ có thề được thực hiện trong đức
tin. Chính đức tin làm ta nhận biết Thiên Chúa, sự cao cả của Ngài, những việc
kỳ diệu Ngài làm cho con người, xưa cũng như nay, để từ đó chúng ta bày tỏ tâm
tình tôn phục, ca ngợi, cảm tạ, cầu xin. Vì vậy mà Công đồng Vatican II đã
Viết : “con người cần phải được mời gọi để tin và hoán cải trước khi có thể
đến tham dự phụng vụ : Làm sao họ có thể kêu lên Đấng mà họ không tin ?
(Rm 10,14)" (PV 9).
Đàng khác, khung cảnh phụng vụ tràn ngập những dấu chỉ và biểu tượng.
Trong phụng vụ, những dấu chỉ này có ý nghĩa siêu nhiên, chỉ nhờ đức tin mới có
thể biết được ý nghĩa siêu nhiên nầy. Ngay cả ý nghĩa này vừa bày tỏ vừa đồng
thời che giấu. Nó không cho thấy tất cả mầu nhiệm, không diễn tả hành động của
Thiên Chúa cho cân xứng và đầy đủ. Phụng vụ sử dụng các dấu chỉ là để thích ứng
với quy luật của mạc khải, với bản tính của con người gồm cả hồn lẫn xác, chứ
không miễn cho ta khỏi tin.
Riêng về các bí tích, là những dấu chỉ quan trọng do Đức Kitô thiết
lập và chiếm phần lớn nội dung của cử hành phụng vụ, Công đồng Vatican II nói
đó là những ''bí tích đức tin" (PV 59). Vì là bí tích đức tin nên
giả thiết phải có đức tin để cử hành hay lãnh nhận.
Đức tin quan trọng cho phụng vụ như vậy nên cần được chuẩn bị.
Công việc chuẩn bị đức tin thuộc về cả Chúa Thánh Thần lẫn Giáo Hội.
Giáo Hội hoạt động bên ngoài. Chúa Thánh Thần hoạt động bên trong tâm hồn. Từ
đó ''ân sủng của Chúa Thánh Thần sẽ khơi dậy đức tin, sự hoán cải tâm hồn và
sẽ gắn bó với thánh ý Chúa Cha" (SGL l098). Đây là cả một quá trình đức
tin, từ chỗ manh nha, hình thành đến chỗ được củng cố và vững mạnh, với những
việc làm cụ thể đi kèm. Quá trình này diễn ra cách khác nhau, tùy như đó là người
không tin hay chưa tin, hoặc đã bắt đầu tin, hoặc đã là tín hữu. Đây là cách
làm của Chúa Thánh Thần, vì Ngài là ''nhà sư phạm về đức tin của Dân
Chúa" (SGL l091).
[Ta có thể thấy rõ nhất mối liên hệ giữa Chúa Thánh Thần và đức tin
ngay sau ngày Phục Sinh. Sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã làm cho Đức Giêsu sống
lại, thì cũng ban đức tin cho các môn đệ để họ tin vào Đấng đã sống lại. Hành động
của Chúa Thánh Thần đưa Đức Kitô lên làm Chúa, thì cũng giúp họ tôn Phục Chúa
mình bằng sự vâng phục đức tin. Cứ xem trường hợp của tông đồ Tôma : Đức Giê su
thực sự trở thành Chúa và Thiên Chúa của ông sau khi ông bày tỏ lòng tin. Ông
tin là nhờ Thánh Thần, vì ''không ai có thể nói rằng Đức Giêsu là Chúa, nếu
người ấy không ở trong Thần Khí" (lCr 12,3).
Theo thư thứ nhất Gioan, sự hiện diện của Thần Khỉ trong tâm hồn là
bảo đảm cho lòng tin vào Đức Giê su.
Thế nên chúng ta không lạ khi thấy sách Công Vụ đặt gần nhau hai từ
''Thánh Thần'' vầ ''đức tin''. Chẳng hạn Têphanô, Barnaba được mô tả là những
người đầy lòng tin và Thánh Thần (Cv 6,5 ; l l,24).
Chúa Thánh Thần đã chuẩn bị đức tin cho người xưa thế nào, thì cũng
tiếp tục làm như vậy cho chúng ta ngày hôm nay].
Cộng đoàn phụng vụ không phải là một tập hợp tự nhiên, nhưng là một
mầu nhiệm, một dấu chỉ thánh, dấu chỉ của dân Giao Ước, bày tỏ cách hữu hình và
thể hiện trong lịch sử việc quy tụ những người đã được cứu. Nó biểu thị chính
Giáo Hội Chúa Kitô. Cộng đoàn được Lời Chúa triệu tập, để nghe lời giáo huấn, cầu
nguyện và cử hành Giao ước mới.
Vì là dấu chỉ Giáo Hội, cộng đoàn là mầu nhiệm hiệp nhất giữa các
tín hữu tụ họp lại với nhau, một sự hiệp thông trong đức tin (SGL 1102), như
các chi thể hiệp nhất với nhau và với Đầu. Sự hiệp nhất này được thực hiện giữa
mọi người trong cộng đoàn, bất kể chủng tộc, quốc gia, phái tính, tuổi tác, nghề
nghiệp, địa vị xã hội..., không phân biệt cũng không thiên vị, vì tất cả đã được
thanh tẩy trong cùng một Thần Khí, để làm nên một Thân Thể (x. 1Cr 12,13 ; GI
3,28).
Cộng đoàn phụng vụ có được sự hiệp nhất của mình là nhờ sự hiệp
thông của Chúa Thánh Thần, vì ''Thánh Thần là nguyên lý quy tụ và hiệp nhất''
(GH 13), Đấng ''tập họp các con cái Thiên Chúa trong Thân Thể độc nhất của
Chúa Kitô” (SGL l097). Là sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Ba
Ngôi, Thánh Thần làm cho cộng đoàn phụng vụ được hiệp nhất, và nhờ Đức Kitô mà
kết hợp nó với Chúa Cha.
Hình bóng có liên hệ với thực tại, loan báo thực tại. Hình bóng
trong Cựu Ước là những sự kiện, những biến cố, những lời nói, những biểu tượng
loan báo thực tại là Đức Ki tô và thời Tân ước.
Để hiểu mối hên hệ giữa hình bóng và thực tại, xem đâu là ý nghĩa
tiêu biểu của hình bóng, tức hình bóng muốn ám chỉ thực tại nào, người ta sử dụng
khoa Kiểu mẫu song đối (typologie). Kiểu mẫu song đối Thánh Kinh căn cứ
vào tương quan loại suy giữa hai thực tại trước và sau trong lịch sử cứu độ,
mà, theo ý định của Thiên Chúa, có tác dụng cụ thể hóa cùng một khía cạnh của mầu
nhiệm Đức Kitô. Thực tại trước gọi là biểu mẫu (type), như hình thức
phác họa cho điều mà thực tại sau, tức đối mẫu (antitype), sê thực hiện cách
hoàn hảo hơn. Biểu mẫu chỉ có thể hiểu được khi quy chiếu về đối mẫu. Cách này
cũng gọi là loại suy thần học.
Thực ra, ngay từ thời Cựu Ước, các tiên tri được Chúa Thánh Thần
linh hứng cũng đã từng giải thích nhiều biến cố đã qua, nhằm phục vụ cho những
biến cố sẽ tới. Hai biến cố Xuất Hành và vào Đất Hứa được nói đến nhiều nhất.
Theo tinh thần ấy, và cũng nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn,
Giáo Hội đọc lại Cựu ước và khám phá ra những gì hình bóng muốn nói. Giáo Hội thấy
rằng điều được loan báo trong Cựa Ước thì từ đây được thực hiện nơi con người Đức
Kitô và trong đời sống người kitô hữu. Chẳng hạn : Ađam là hình bóng của Đức Kitô,
trận Hồng thủy hay cuộc vượt qua Biển Đỏ là hình bóng của phép Rửa Tội, manna
là hình bóng của Thánh Thể ; Xuất Hành là hình bóng của đời sống Kitô giáo.
Giáo Hội áp dụng những khám phá này vào phụng vụ, giúp chúng ta biết
mầu nhiệm Đức Kitô đã được tiên báo trong Cựu Ước, để chúng ta sẵn sàng đón nhận
Ngài trong cử hành phụng vụ.
II. CHÚA THÁNH THẦN NHẮC LẠI
VÀ HIỆN TẠI HÓA MẦU NHIỆM ĐỨC KITÔ.
A. CHÚA THÁNH THẦN NHẮC NHỚ MẦU NHIỆM ĐỨC KITÔ.
(SGL 1099-1102).
Trong lời cáo biệt sau bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ
: "Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó
sẽ dạy anh mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh
em" (Ga 14,26). Theo như lời trên đây Chúa Thánh Thần không những sẽ dạy
các môn đệ tất cả những gì các ông phải biết mà Đức Giêsu chưa nói, giúp các
ông hiểu ý nghĩa sâu xa của lời rao giảng và các dấu lạ của Đức Giêsu mà trước
đây các ông chưa nắm được, không những thế, Thánh Thần còn nhắc lại cho các ông
nhớ những gì Đức Giêsu đã nói và làm. Thánh Thần chính là trí nhớ sống động của
các môn đệ. Điều Thánh Thần làm cho các môn đệ, Ngài cũng làm cho Giáo Hội.
Ngài cũng là "trí nhớ sống động của Giáo Hội".
Trong phụng vụ, Chúa Thánh Thần nhắc lại biến cố cứu độ của Đức
Kitô, nhờ đó chúng ta được giải thoát. Nhắc bằng cách nào ? Đặc biệt bằng Lời
Chúa trong Kinh Thánh, được xếp đặt riêng trong phần Phụng vụ Lời Chúa.
Qua Lời Chúa được công bố, Chúa Thánh Thần nhắc cho cộng đoàn những
biến cố của Cựu ước quy chiếu về Đức Kitô, hoặc những gì chính Đức Kitô đã làm
cho con người. Đây cũng là bày tỏ Đức Kitô. Cũng qua Lời Chúa được công bố và
được diễn giảng, Chúa Thánh Thần soi sáng cho cộng đoàn hiểu biết hơn ý nghĩa của
mầu nhiệm Cứu Độ.
Sau khi đã nghe, hiểu, đón nhận, tin và vâng phục Lời Chúa, cộng
đoàn được Chúa Thánh Thần thúc đẩy bày tỏ hành vi đáp trả bằng những lời ca ngợi,
cầu xin. Điểm đặc biệt là họ còn dùng chính Lời Chúa để đáp lại Lời Chúa, như
thấy rõ trong Thánh vịnh Đáp ca.
[Điều này thật có ý nghĩa, vì khi ta cầu nguyện bằng lời của Kinh
Thánh, là lời do Thần Khí linh hứng, ta làm cho lời cầu nguyện của Thánh Thần
thành lời cầu nguyện của ta].
Trong cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người này, Chúa Thánh
Thần đưa ta vào trong "một sự liên lạc sống động với Đức Kitô''. Và nếu
Thánh Thần là Đấng đã chuẩn bị, ban đức tin và sự hiệp nhất cho các tín hữu,
thì qua việc họ tham dự phụng vụ, đức tin và sự hiệp nhất của họ còn được Ngài
củng cố và làm cho tăng trưởng.
B.
CHÚA THÁNH THẦN GIÚP CỘNG
ĐOÀN TƯỞNG NIỆM
VÀ HIỆN TẠI HÓA MẦU NHIỆM ĐỨC KITÔ (SGL 11031107).
– Trong cử hành phụng vụ, nhất là Phụng vụ Thánh Thể, Giáo Hội nhớ
đến các việc kỳ diệu của Thiên Chúa bằng hình thức tưởng niệm (anamnèse,
memoria), mà trọng tâm là mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Mầu nhiệm này lại được
biểu thị bằng Mình và Máu Thánh là chính Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện dưới hình
bánh rượu. Dựa vào lời Đức Giêsu căn dặn trong bữa Tiệc Ly (''hãy làm việc
này mà nhớ ơn Thầy"), chúng ta không còn nhớ đến lễ Vượt Qua cũ, nhưng
là nhớ đến Chúa, Con Chiên đích thực của lễ Vượt Qua mới.
Nói đến tưởng niệm trong phụng vụ Kitô giáo, chúng ta cần ghi nhận
ý nghĩa đặc biệt và mới mẻ của nó. Theo quan niệm thông thường, tưởng niệm là từ
hiện tại hướng về quá khứ. Triết học Tây phương gọi là extensio animi ad
praeterita, một hoạt động thuần túy của tâm trí hướng tới quá khứ. Tưởng niệm
trong phụng vụ thì khác. Nó là quá khứ trở thành hiện tại. Trong tưởng niệm, biến
cố Vượt Qua của Đức Kitô trở thành hiện tại, tác động và làm biến đổi chúng ta.
[Biến cố Vượt Qua quả đã xảy ra trong quá khứ, nhưng là biến cố xảy
ra một lần thay cho tất cả (x. Rm 6,10). Những biến cố nơi ta xảy ra một lần,
nhưng không bao giờ thay cho tất cả. Chúng qua đi và thuộc về quá khứ. Còn biến
cố Vượt Qua của Đức Kitô không ở trong quá khứ, nếu không, Chúa không bao giờ
chiến thắng cái chết của ta. Là vì cái chết của Chúa là cái chết chiến thắng sự
chết. Chiến thắng này không thể thuộc về quá khứ nếu không, sự chết sẽ không bị
đánh bại. Bao lâu thời gian còn qua đi, nó còn làm tôi cho sự chết. Nhưng một
khi được giải thoát, nó không qua đi nữa. Đó là thời gian mới mà Chúa đã khai
mào bằng Giờ của Ngài. Giờ ấy đã đến, phá tan sự chết, làm phát sinh sự sống,
và chúng ta đã ở trong đó rồi. Những biến cố khác đã chết và chết mãi, chỉ
riêng biến cố Vượt Qua của Chúa vẫn còn. Nó không ở sau ta, nhưng ở trong thời
gian của ta. Đây là biến cố độc nhất của lịch sử ghi dấu tất cả lịch sử].
Vậy tưởng niệm là tưởng niệm về phía ta, còn biến cố được tưởng niệm
thì không ở trong quá khứ, nhưng ở trong hiện tại, ở đây và lúc này của cử hành
phụng vụ. Việc tưởng niệm của Giáo Hội trở thành một biến cố hiện tại.
Một sự tưởng niệm hoàn toàn mới mẻ như vậy có được là do Thánh Thần
và Ba Ngôi. Chính Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần, làm cho Chúa Kitô hiện diện.
Chính Chúa Cha, khi sai Chúa Thánh Thần đến, làm cho mầu nhiệm Tử Nạn và Phục
Sinh của Chúa Kitô trở thành hiện tại cho chúng ta hôm nay. Do đó, Sách Giáo Lý
viết : ''Phụng và Kitô giáo không những nhắc lại những biến cố đã cứu vớt
chúng ta, mà còn hiện tại hóa chúng, làm cho chúng trở thành hiện tại. Mầu nhiệm
Vượt Qua của Chúa Kitô được cử hành, chứ không được lập lại ; chính là các
cử hành được lập lại. Nơi mỗi cử hành này, Chúa Thánh Thần được đổ xuống, Đấng
hiện tại hóa mầu nhiệm độc nhất" (SGL l l04).
Như vậy biến cố cứu độ là một ơn không bao giờ được lập lại trong
thời gian và không gian, nhưng luôn là dấu chi nói lên sự thăm viếng tự do của
Chúa Thánh Thần, cùng với ân huệ dồi dào và luôn mới mẻ của Ngài.
- Trong phụng vụ Thánh Thể, Chúa Thánh Thần thánh hóa các lễ vật hiến
dâng và cộng đoàn tham dự, vì Ngài là Đấng Thánh, là Thần Khí thánh hóa. Hành động
này của Thánh Thần là nội dung của lời kinh ''épiclèse" (appel sur),
được đưa vào trong phụng vụ, vì nó là "trọng tâm của mỗi cử hành bí
tích, nhất là Thánh Thể" (SGL 1106).
vì sao là trọng tâm ? Là vì ơn cứu độ của Thiên Chúa, đã được Đức
Kitô thực hiện, giờ đây được áp dụng cho ta trong Thánh Thần. Từ nay, Thánh Thần
là nguyên lý tối hậu của mọi hoạt động thần linh nơi ta, trong đó có hoạt động
qua cử hành phụng vụ. Do đó, phải nại tới Ngài bằng lời kinh Épiclèse.
Épiclèse là gì ? Là “lời kêu cầu trong đó linh mục nài xin Chúa
Cha sai Thần Khí là Đấng thánh hóa, để các lễ vật trở thành Mình và Máu Đức
Kitô, và để khi lãnh nhận Mình và Máu Thánh này, chính các tín hữu trở thành một
lễ vật sống động dâng lên Thiên Chúa " (SGL l l05).
Như vậy épiclèse nhằm hai mục đích : thánh hiến lễ vật (épiclèse de
consécration) và thánh hóa người tham dự lễ vật (épiclèse de communion).
Có thể nói épiclèse làm cho anamnèse có ý nghĩa, giúp cho việc tưởng
niệm không chỉ hướng về quá khứ, như rơi vào một thứ nostalgie nào đó, nhưng
đưa ta hướng về phía trước, tới eschatologie, nhờ đó mà ta có một thực tại và một
đời sống luôn mới.
Quyền năng thánh hóa của Chúa Thánh Thần chính là quyền năng biến đổi
: biến những lương thực tự nhiên thành lương thực thánh ; biến những con người
tội lỗi lãnh nhận lương thực thánh này thành những con người thánh ; biến những
con người thánh này thành lễ vật sống động dâng lên Thiên Chúa. Tất cả trở nên
thánh, vì được Thánh Thần đưa vào bầu khí thiêng thánh, cho tham dự vào sự
thánh thiện của Thiên Chúa.
Quyền năng thánh hóa của Chúa Thánh Thần cũng là quyền năng làm cho
sống, vì Thánh Thần là ''Thần Khí ban sự sống'' (Kình Tin Kính). Lương thực được
Thánh Thần biến đổi trở thành lương thực ban sự sống. Ai lãnh nhận lương thực
này trở thành người có sự sống đời đời.
III.
CHÚA THÁNH THẦN LÀM CHO ƠN HIỆP THÔNG SINH HOA KẾT QUẢ
TRONG GIÁO HỘI
Như đã nới ở trên (I,B), Chúa Thánh Thần là Thần Khí hiệp thông.
Ngài thực hiện nơi chúng ta sự hiệp thông mà Ngài đã thực hiện giữa Chúa Cha và
Chúa Con. Trước hết là sự hiệp thông giữa các tín hữu với nhau. Điều này không
chỉ xảy ra ở cộng đoàn phụng vụ, mà còn trong đời sống ngoài phụng vụ, trong đời
sống Giáo Hội. ''Vì tất cả đã lãnh nhận cùng một Thần Khí duy nhất, nên
chúng ta, một cách nào đó, kết hợp cách thâm sâu với nhau và với Thiên Chúa. Chỉ
có một Thần Khí bất khả phân chia, Đấng quy tụ nơi mình những tinh thần tách biệt
nhau do sự hiện hữu duy nhất nơi Ngài, nếu có thể nói được như thế” (Cyrille
d'alexandrie). Công Đồng Vatican II, dựa vào Kinh Thánh và các giáo phụ, cũng
nói : ''Tất cả những ai thuộc về Đức Kitô và lãnh nhận Thánh Thần của
Người, đều họp thành một Giáo Hội duy nhất và liên kết với nhau trong Người (GH
49). Như vậy, Giáo Hội trở thành ''bí tích lớn của sự hiệp thông thần linh
quy tụ các con cái tản mác của Thiên Chúa" (SGL 1108). Và nếu Giáo Hội
là dấu chỉ của hiệp thông, thì về phần mình, mỗi phần tử của Giáo Hội cũng là
như thế.
Thánh Thần làm cho các tín hữu hiệp thông với nhau thì cũng làm cho
họ hiệp thông với Đức Kitô : trong phụng vụ, cách riêng khi họ hiệp thông với
Mình và Máu Chúa ; trong đời sống, để cùng với Đức Kitô làm nên một Thân Thể,
trong dó ''Chúa Thánh Thần là như nhựa sống của cây nho của Chúa Cha, sinh
hoa kết quả nơi các ngành nho" (SGL 1108). Chính trong Đức Kitô, nhờ
ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần, mà họ hiệp thông với Chúa Cha, tham dự vào sự
hiệp thông của Ba Ngôi.
Đây là những hoa quả nối dài những gì đã lãnh nhận trong cử hành phụng
vụ. Phụng vụ được thực hiện do ta trong cử hành, để được thực hiện nơi ta trong
đời sống. Mầu nhiệm Đức Kitô mà chúng ta cử hành cũng chính là mầu nhiệm Đức
Kitô mà chúng ta sống. Hoa quả có hay không, nhiều hay ít, lâu hay mau là do sự
cộng tác của mỗi người với hoạt động của Chúa Thánh Thần. Synergie trong
phụng vụ nhất thiết phải được tiếp nối bằng synergie ngoài phụng vụ.
Tuy nhiên, cũng như trong phụng vụ chúng ta nài xin Chúa Thánh Thần
giúp ta, thì trong đời sống hàng ngày, chúng ta cũng phải làm như vậy, không thể
khác. Epiclèse phải là một kinh nguyện thường xuyên của các tín hữu. Và
như ta đã thấy, ơn Chúa Thánh Thần đã đổ tràn trong Epiclèse bí tích,
chính ơn ấy tiếp tục hoạt động trong đời sống, nếu ít nhất ta cộng tác vào đó.
“Chúng ta cầu xin Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần đến, để Ngài làm cho
đời sống các tín hữu trở thành một lễ vật sống động dâng lên Thiên Chúa bằng sự
biến đổi thiêng liêng theo hình ảnh Đức Kitô, bằng mối quan tâm lo cho sự hiệp
nhất của Giáo Hội và bằng việc tham dự vào sứ mệnh của Giáo Hội bằng chứng từ
và phục vụ bác ái. (SGL 1109).
Như vậy hoa quả của sự hiệp thông, mà chúng ta phải cộng tác với
Chúa Thánh Thần để phát huy, vừa liên hệ tới từng người vừa liên hệ tới Giáo Hội
và thế giới. Chúa Thánh Thần biến đổi ta trong Đức Kitô, cả trong mối tương
quan của ta đối với Thiên Chúa lẫn trong mối tương quan của ta đối với người
khác.
Chúng ta xin Chúa Thánh Thần giúp cho đời sống ta trở nên lễ vật sống
động, để ca tụng vinh quang Chúa, nối dài điều đã xin trong cử hành phụng vụ
(nhất là trong các Kinh Nguyện Thánh Thể).
Lễ vật ấy trước hết là nhờ sự biến đổi của Chúa Thánh Thần, chúng
ta được biến hình, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki tô, "theo
hình ảnh của Đức Kitô", ''mặc lấy Đức Kitô" (Rm 13,14) để có thể
nói được như Phao lô : ''Tôi sống, nhưng không còn phi là tôi, mà là Đức
Kitô sống trong tôi" (GI 2,20). Đức Kitô sống trong ta, vì Thần Khí cư
ngụ nơi ta, và làm biến đổi ta trong Ngài. Ta phải là một pneumatophore (mang
Thần Khí) (Athanase) để có thể là một christophore (mang Đức Kitô). Đức
Kitô đã là lễ vật thánh thiện, tinh tuyền, hoàn hảo dâng lên Chúa Cha. Đời sống
của Giáo Hội và của mỗi người mỗi ngày cũng phải trở nên lễ vật như thế để làm
đẹp lòng Cha. Nói như một tác giả (P. Olivaint) : ''Ban sáng, khi tôi cử hành
thánh lễ, thì chính tôi là linh mục và Đức Giêsu là là vật ; còn trong suốt ngày
sống, chính Đức Giêsu là linh mục và tôi là lễ vật".
[Có thể dựa vào chính sự hiệp thông để thấy rõ hơn việc làm trên
đây. Nếu ý nghĩa đầu tiên của communio là chia sẻ cùng một công việc và
trách nhiệm với người khác (cum + munus), thì Giáo Hội là hiệp thông vì chia sẻ
mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, tức hy tế của Ngài, trong tất cả hữu thể của
mình. Chia sẻ là biến đời sống của mình trở thành hy tế].
Khía cạnh thứ hai của một lễ vật sống động là quan tâm tới sự hiệp
nhất của Giáo Hội. Sự hiệp nhất này đã thể hiện trong phụng vụ : cộng đoàn là
hình ảnh của Giáo Hội hiệp nhất trong cùng một đức tin, đức cậy, đức mến, tham
dự vào cùng một hy tế của Đức Kitô. Chúng ta đã hợp tác với Chúa Thánh Thần góp
phần kiến tạo và chia sê sự hiệp nhất này trong phụng vụ, để có thể trở nên lễ vật
sống động, thì càng phải làm như thế trong đời sống. Một trong những hành vi
quan trọng nói lên mối quan tâm đó, và thường xuyên được mời gọi thi hành, là cầu
nguyện cho sự hiệp nhất của Giáo Hội (HN 8).
Khía cạnh cuối cùng của một lễ vật sống động là tham dự vào sứ mệnh
của Giáo Hội bằng chứng từ và phục vụ bác ái. Giáo Hội có sứ mệnh làm lan tỏa
tình yêu của Thiên Chúa, tiếp tục công trình cứu độ mà, vì yêu thương, Chúa Kitô
đã thực hiện cho Giáo Hội và cho mọi người. Tình yêu này, chúng ta đã lãnh nhận
đặc biệt trong cử hành phụng vụ hiện tại hóa mầu nhiệm cứu độ ''Thiên Chúa
đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho
chúng ta" (Rm 5,5). Hoa quả chính của Thánh Thần là tình yêu. Thế thì
cùng với Giáo Hội, chúng ta phải phát huy hoa quả này, cho thấy tình yêu cứu độ
vẫn tiếp tục được đổ xuống, đang hiện diện và hoạt động giữa lòng thế giới. Chúng
ta thể hiện tình yêu đó trong chính đời sống và hành vi yêu thương cụ thể của
ta, bằng tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu ta.