CHƯƠNG XI :
CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG BÍ TÍCH
ĐGM
Phaolô Bùi Văn Đọc
I.
CHÚA
THÁNH THẦN VÀ SỰ KHAI SINH GIÁO HỘI
Giáo Hội khai sinh từ mầu nhiệm vượt qua
của Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần.
Để trả lời cho câu hỏi Giáo Hội khai sinh lúc nào và như thế nào, có ba
cách trả lời khác nhau, tùy theo quan điểm thần học :
-
Giáo Hội khai sinh dưới chân thập giá (Ga
19,25-37)
-
Giáo Hội khai sinh khi Đức Kitô sống lại hiện ra
với các tông đồ và trao sứ vụ cho họ (Ga 20, 19-23)
-
Giáo Hội khai sinh vào ngày Lễ Ngũ Tuần, lúc Chúa
Thánh Thần hiện xuống (Cv 2,1-44)
A.
GIÁO HỘI KHAI SINH DƯỚI CHÂN THẬP GIÁ CỦA CHÚA
GIÊSU
(Ga 19,25-37)
Quan điểm này nhấn mạnh ơn cứu độ đến từ
thập giá Chúa Giêsu. Thập giá là trọng tâm,
là chóp đỉnh của lịch sử cứu độ. Thập giá là Thánh giá
vinh quang. Giờ Chúa Giêsu chịu chết, chính là giờ Người được siêu tôn,
được giương cao lên để lôi kéo mọi người về với mình (Ga 12,32).
Quan điểm này rất cơ bản và có giá trị,
nhưng chỉ có ý nghĩa khi chúng ta biết đọc ngôn ngữ biểu tượng của Thánh Gioan,
hiểu được các hình ảnh thánh Gioan dùng và nắm bắt được thần học của ngài. Ví dụ khi chúng ta biết “trông
lên con người bị đâm thâu” từ “cạnh
sườn có Nước và Máu chảy ra”. Nước từ cạnh sườn giống như nước từ
bên hông đền thờ chảy ra, và nước ấy chảy đến đâu thì mọi vật đều được sống (Ed
47,1-12). Trong tin mừng Gioan, chính Chúa Giêsu đã tự
ví mình như Đền thờ (Ga 2,9). Chúa Thánh Thần, chính
là Nước từ bên hông Đền Thờ, từ cạnh sườn Chúa Giêsu chảy ra, để thanh tẩy, tái
sinh cho những tín hữu đầu tiên là những con người đứng dưới chân thập giá : một số phụ nữ đạo đức đã đi theo Chúa Giêsu, ông
Nicôđêmô, ông Giuse Arimathia, nhưng đặc biệt là Thánh Gioan và Đức Maria, mẹ
Chúa Giêsu. Phép rửa được thực hiện ngay khi Nước và Máu chảy
ra từ cạnh sườn của Chúa. Từ cạnh sườn của Adam mới
sinh ra Eva mới là Hội Thánh. Những người đứng dưới chân Thập giá là
những người đầu tiên được thanh tẩy trong Thánh Thần. Hội Thánh khai sinh từ
mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô, sinh ra trong Nước Sự Sống chảy từ Cạnh Sườn
của Con Người Vượt Qua.
B. GIÁO HỘI KHAI SINH KHI ĐỨC KITÔ PHỤC SINH
HIỆN RA
VÀ
TRAO SỨ VỤ CHO CÁC TÔNG ĐỒ (Ga 20,19-23
Quan điểm này nhấn mạnh việc gặp gỡ Đức
Kitô Phục Sinh. Dĩ nhiên sự gặp gỡ này do sáng kiến của chính Đức
Kitô Phục Sinh. Sau khi sống lại, Đức Kitô hiện ra với các tông đồ và trao lại
cho họ sứ vụ mà Chúa Cha đã trao phó cho Người : “như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”
(Ga 20,21). Rồi Người thổi hơi trên họ và nói : “Hãy nhận lãnh Thánh Thần, anh em tha tội
cho ai, thì người ấy được tha, anh em cầm tội ai, thì người ấy bị cầm lại”
(Ga 20,23)
Dù quan điểm nàynhấn mạnh việc gặp gỡ Chúa
Phục Sinh, vẫn không quên dấu vết cuộc khổ nạn. Chúa
Phục Sinh đã cho các tông đồ xem tay và cạnh sườn Người (Ga 20,20).
Ngoài ra, những thành ngữ như “ngày
thứ nhất trong tuần”, “Người thổi hơi
trên các ông”… cho thấy tác giả quan niệm Phục Sinh như một Tạo Dựng Mới. Giáo Hội là nhân loại mới khai sinh trong hơi thở thần linh của
Đấng Chúa Phục Sinh là Chúa Thánh Thần.
C. GIÁO HỘI KHAI SINH
VÀO
NGÀY CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG (Cv 2,1-44)
Quan điểm thứ ba này nhấn mạnh việc Đức Kitô được siêu tôn ngự bên hữu
Chúa Cha và đã nhận lãnh Chúa Thánh Thần và đổ xuống vào ngày lễ Ngũ Tuần (Cv
2,1-44). Nhiều hơn các tác giả Tân Ước khác, sách công vụ
nhấn mạnh đến tác động của Chúa Thánh Thần sau khi Chúa Kitô Phục Sinh.
Hơn thế nữa còn nhấn mạnh tương quan mật thiết giữa chứng từ của các tông đồ và
chứng từ của Thánh Thần. Khi chưa có Thánh Thần, các Tông đồ còn sợ hãi, chưa
dám lên tiếng rao giảng, vả lại các ngài chưa hiểu thấu được ý nghĩa của việc
Chúa Giêsu chịu đóng đinh, làm sao họ có thể rao giảng. Mà
chưa có ai rao giảng thì chưa có người tin, chưa có Giáo hội. “Tin bởi nghe”, đó là
điều mà tác giả sách Công vụ cùng với Phaolô xác tín. Các
chi thể của Giáo hội sinh ra nhờ lời rao giảng của các Tông đồ trong quyền năng
của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần.
Chính biến cố Ngũ tuần đã sinh ra một Dân Mới.
Dân này là Dân Tiên Tri vì đã lãnh nhận tràn đầy Thánh Thần :
“Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên mọi xác phàm,
và con trai con gái các ngươi sẽ tuyên sấm,
thanh niên của các ngươi sẽ thấy thị kiến,
kẻ già lão trong các ngươi sẽ chiêm điềm mộng,
và cả trên các tôi trai tớ gái của Ta,
Trong những ngày ấy,
Ta sẽ đổ Thần Khí Ta xuống,
và chúng sẽ nói tiên tri”
(Cv 2,17-18)
Dù quan điểm thứ ba này nhấn mạnh đặc biệt đến vai trò chủ động của
Chúa Thánh Thần và các tông đồ, vẫn không thể nào bỏ qua cuộc khổ nạn của Chúa,
trái lại trọng tâm của lời rao giảng, chính là việc Chúa Giêsu, Đấng đã bị đóng
đinh, đã được Chúa Cha cho sống lại từ trong kẻ chết và đã trở thành Đấng Chúa,
Đấng Kitô tràn đầy Thánh Thần. Giáo Hội là cộng đoàn những người tin vào lời
rao giảng của các tông đồ nhờ tác động của Thánh Thần phục sinh.
II.
THÁNH
THẦN VÀ PHÉP RỬA
Vai trò của Chúa Thánh Thần nổi bật trong
một số định nghĩa phép Rửa trong Tân ước. Chúng
ta chỉ khám phá được điều này dựa vào khoa Thánh Linh học hôm nay. Ngày
nay, dựa vào khoa Kinh Thánh, thần học có thể nói nhiều điều về Chúa Thánh
Thần, mà trước đây không nói, hoặc do dự chưa dám nói. Chúa
Thánh Thần không những là Tình Yêu
của Thiên Chúa, mà còn là Thần lực,
là Sức mạnh của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần là Sự sống của
Thiên Chúa, là Thần Khí của Thiên
Chúa. Người còn là Vinh
quang, là Quyền năng của Thiên
Chúa. Người là sự Thánh
thiện của Thiên Chúa. Tất cả những ưu điểm của Thiên Chúa như cô
đọng lại trong ngôi vị Thánh Thần. Sách giáo lý mới của Giáo hội công giáo xác
nhận điều này và có nói tới rất nhiều hình ảnh Kinh thánh dùng để chỉ Thánh
Thần, mà trước đây chúng ta chưa biết hết : Thánh Thần
là Nước Sự Sống, là Dầu xức, là Lửa Thiêng, là Đám mây và
Cột sáng, là Ấn tín, là Bàn tay, là Ngón tay của Thiên Chúa…
Nhờ những khám phá của khoa kinh
thánh và thần học về Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể hiểu cách sâu sắc và
chính xác hơn các định nghĩa phép rửa của Tân Ước. Chúng ta nên dừng lại một số
định nghĩa quan trọng của Phaolô và Gioan, để có thể hiểu và sống phép rửa một
cách sâu xa :
A.
CHỊU
PHÉP RỬA LÀ “ĐƯỢC TẨY RỬA, ĐƯỢC TÁC THÁNH, ĐƯỢC CÔNG CHÍNH HOÁ NHÂN DANH ĐỨC
GIÊSU KITÔ VÀ TRONG THẦN KHÍ CỦA THIÊN CHÚA” (1Cr 6,11)
Định nghĩa trên đây của Phaolô gần như hoàn hảo, vì bao gồm đầy đủ các
yếu tố :
- Tẩy rửa : Người đã chịu phép rửa trước hết là người đã được tẩy
rửa cách trọn vẹn nhờ Thánh Thần. Nước vật chất được dùng khi rửa tội thực sự chỉ
là biểu tượng, là dấu chỉ hữu hình của thực tại vô hình là Thánh Thần, Đấng có
khả năng thanh tẩy chúng ta cách trọn vẹn, vì Người là sự thánh thiện của Thiên
Chúa, là ơn Tha thứ của Thiên Chúa. Chỉ một mình Người mới có
thể xóa hết mọi tội lỗi của chúng ta.
- Tác Thánh : Người chịu phép rửa là người được hiến thánh dành
riêng cho Thiên Chúa. Người chịu phép rửa là người thuộc trọn
về Thiên Chúa, không còn thuộc về thế gian nữa. Ơn gọi
phép rửa là ơn gọi từ bỏ thế gian để thuộc về Thiên Chúa một cách trọn vẹn, dứt
khóat. Chúng ta được tác thánh trong Thánh Thần có
nghĩa là nhờ Thánh Thần mà ta được thuộc về Thiên Chúa, là sở hữu của Thiên
Chúa. Thánh Thần là tình yêu keo sơn của Thiên Chúa, là dây ràng buộc
chúng ta với Thiên Chúa. Đức Kitô tác thánh chúng ta bằng
Thánh Thần của Người là Tình yêu của Người đối với Thiên Chúa.
- Công
chính hoá : Người chịu phép rửa là người được công
chính hóa nhân danh Đức Kitô và trong Thần Khí của Người. Chúng ta được công chính
hóa, được cứu độ nhờ tin vào Đức Kitô, và chỉ có thể tin vào Đức Kitô nhờ Thánh
Thần. Kinh thánh Tân Ước có chỗ gọi Thánh Thần là Ơn Công chính
: “Người đã bị phó nộp vì các lỗi lầm
của ta, và đã sống lại là để cho ta được ơn công chính” (Rm 4,25). Ơn công chính ở đây là sự sống thần linh, sự sống của Đức Kitô phục
sinh, là Thần Khí phục sinh.
B.
CHỊU
PHÉP RỬA LÀ “ĐƯỢC THÁP NHẬP VÀO THÂN MÌNH ĐỘC NHẤT CỦA ĐỨC KITÔ BỞI THẦN KHÍ
ĐỘC NHẤT CỦA NGƯỜI” (1Cr 12,13)
Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép Rửa (Ep 4,5),
và phép Rửa ấy là phép Rửa của Đức Kitô. Gioan Tẩy Giả chỉ thanh tẩy bằng nước,
còn Đức Giêsu mà Gioan loan báo mới là Đấng thanh tẩy bằng Thánh Thần (Mc 1,8 ; Ga 1,31-34).
Trong thư 1 Côrintô, Phaolô định nghĩa phép Rửa một cách khác, nhấn
mạnh nhiều hơn chiều kích Giáo Hội của phép Rửa : “trong Thần Khí độc nhất, tất cả chúng ta,
nhờ thanh tẩy, mà nhập vào Thân Mình độc nhất, dù Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay
tự do ; và hết thảy chúng ta đều được cùng uống Thần Khí độc nhất” (1Cr
12,13).
Mọi người chúng ta đều nhận lãnh một phép
Rửa duy nhất, đó là phép Rửa của Đức Giêsu Kitô. Đức
Kitô là Đấng ban phép Rửa trong Thánh Thần. Chính vì thế mà tất cả chúng ta đều
chịu phép Rửa trong Thánh Thần duy nhất, đó là Thánh Thần của Đức Kitô. Và Thánh Thần duy nhất ấy tháp nhập chúng ta vào với Chúa Kitô, làm
cho chúng ta trở nên chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Khi đã trở thành
chi thể của cùng một Nhiệm Thể, hết thảy chúng ta cùng uống một Thánh Thần độc
nhất là Nước Sự Sống chảy ra từ Tảng đá là Đức Kitô (1Cr 10,4).
Như xưa trong Cựu Ước, Môsê lấy gập đập vào tảng đá khiến cho nước chảy ra, Đức
Kitô, khi bị treo trên thập giá, bị lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn, tức thì có
Nước và Máu chảy ra (Ga 19,24). Theo các giáo phụ, thì Nước ấy vừa ám chỉ phép
Rửa Kitô giáo, vừa chỉ Chúa Thánh Thần. Chúng ta có thể tổng hợp lại và khẳng
dịnh đó là phép Rửa của Đức Giêsu Kitô bằng Thánh Thần và trong Thánh Thần . Chúng ta uống cùng một Thánh Thần là Nước Sự Sống mà
chỉ một mình Đức Kitô ban cho : “Ai khát hãy đến cùng Ta, hãy uống kẻ tin vào Ta” (Ga 7,37-38).
Thánh Irênê nói : “Ở đâu có Giáo Hội, ở đó có Thánh Thần”. Giáo Hội là môi trường
sinh sống, nơi đó ta được cùng ăn thịt Mình của Chúa,
cùng uống Thần Khí của Chúa. Vế thứ hai trong câu nói của Irêne cũng quan trọng : “Đâu có Thánh
Thần , đó có Giáo Hội”. Sự hiện diện của Thánh Thần làm
phát sinh các chi thể mới cho Nhiệm Thể Chúa Kitô.
C. CHỊU PHÉP RỬA LÀ “ĐỰƠC TÁI SINH BỞI NUỚC
VÀ THẦN KHÍ” (Ga 3,5-6)
Phép Rửa Kitô giáo còn được gọi là phép
Rửa tái sinh. Người Kitô hữu được sinh ra cho sự sống mới bởi
Nước Và Thần khí (Ga 3,5). Sự tái sinh này làm cho con
người không còn thuộc lãnh vực xác phàm nữa, mà thuộc lãnh vực Thần Khí : “Sự gì sinh bởi
xác thịt là xác thịt, và sự gì sinh bởi Thần Khí là Thần Khí” (Ga 3,6). Có sinh
bởi Thần Khí, mới được vào Nước Thiên Chúa, vì đó không phải là Nước thế gian,
mà là Nước Trời, thuộc lãnh vực thần thiêng.
Sự tái sinh này là một sự thay đổi tận gốc
mà chỉ một mình Thánh Thần có thể thực hiện. Chính Thánh Thần chuẩn bị và hoàn tất việc tái sinh.
D. CHỊU PHÉP RỬA LÀ “ĐƯỢC MAI TÁNG VƠI CHÚA
KITÔ ĐỂ CÙNG SỐNG LẠI VỚI NGƯỜI” (Rm 6,4)
Sự sống mới trong phép Rửa có được là nhờ
thông phần với Sự Sống của Đức Kitô phục sinh là Adam mới. Trong
thư Rôma, Phaolô nói rất rõ về phép Rửa : “Hết thảy ta đã được thanh tẩy trong Đức
Kitô Giêsu, thì chính trong sự chết của Người mà ta được thanh tẩy, ta đã được
mai táng làm một với Người trong sự chết, ngõ hầu như Đức Kitô, nhờ bởi vinh
quang của Cha, đã được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi
trong đời sống mới” (Rm 6,3-4)
Phaolô dùng hình ảnh “mai táng”,
vì ngày xưa khi ban phép Rửa Tội, người ta dìm hẳn người dự tòng xuống nước, ám
chỉ sự chết đi đối với thế gian. Người dự tòng phải đóng đinh con người cũ,
phải bị giết chết như Chúa Giêsu để rồi sống lại với Người nhờ Thần Khí của
Thiên Chúa cũng là Thánh Thần phục sinh. Thánh Thần phục sinh
hoạt động nơi Đức Kitô như thế nào, thì cũng hoạt động nơi những người kitô hữu
như vậy. Chịu phép Rửa là “lột bỏ con
người cũ với các hành vi của nó, và mặc lấy con người mới” (Cl 3,9-10).
Trên bình diện khách quan, khi chịu phép Rửa từ lúc nhỏ, chúng ta đã
nhận lãnh sự sống thần linh, được tháp nhập vào Đức Kitô phục sinh, trở thành
chi thể sống của Hội Thánh, trở thành người mà Phaolô gọi là “thánh hữu” (1Cr 1,2). Nhưng trên một
bình diện khác, mỗi người chúng ta đều có tự do, nên khi lớn lên, chính chúng ta
đã tạo cho chúng ta những sợi dây trói buộc khi chúng ta phạm tội, khiến cho sự
sống thần linh, sự sống của Đức Kitô Phục sinh không luân chuyển trong con
người chúng ta. Ngày nay sống ơn gọi phép Rửa là không ngừng
cởi trói cho mình, để Sự Sống của Đức Kitô có thể ùa vào trong ta. Bao lâu còn ở trần gian, ta không thể nào cởi trói cho mình hết
được, nhưng mỗi ngày được cởi trói, được giải thoát hơn nữa, mỗi ngày được thêm
sự sống. Thánh Thần không ngừng thanh tẩy chúng ta khi chúng ta chịu
phép Rửa, và Người vẫn tiếp tục không ngừng thanh tẩy chúng ta
E. CHỊU PHÉP RỬA LÀ ĐƯỢC THIÊN CHÚA XỨC DẦU
THÁNH THẦN TRONG ĐỨC KITÔ
Đức Giêsu được gọi là Kitô, vì đã được
Chúa cha xức dầu Thánh Thần và sai đi rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa. Tư
cách Đấng được Cha xức dầu Thánh Thần biểu lộ nhiều lần, mà quan trọng hơn cả
là lúc Đức Giêsu chịu phép Rửa (Mt 3,13-17 ; Mc 2,9-11 ; Lc 3,21-22). Riêng
đoạn Lc 4,16-21 trích Is 61,1… nói rõ hơn cả sứ mạng của Đấng Messia, tức là
Kitô, Đấng được Thiên Chúa xức dầu Thánh Thần và sai đi rao giảng Tin Mừng cho
người nghèo khó. Tư cách này còn được biểu lộ lúc Đức Giêsu chịu phép thanh tẩy
bằng máu trên thập giá và được Chúa Cha siêu tôn, đặt làm Kitô và làm Chúa (Cv
2,36).
Khi chịu phép Rửa, chúng ta được thông
phần dầu xức của Đức Kitô là Thánh Thần, được hiến thánh và sai đi như Đức
Kitô. Trong Tân Ước, có mọt số chỗ, khi đề cập đến
người Kitô hữu và phép Rửa mà họ lãnh nhận, hoặc Thánh Thần mà họ đã lãnh nhận
qua phép Rửa, dùng danh từ “dầu xức” hay động từ “xức dầu” :
“Về phần anh em, dầu
xức mà anh em đã lãnh nơi Người hiện lưu lại trong anh em, nên anh em không cần
nhờ ai dạy bảo. Như dầu xức của Người dạy anh em về hết mọi sự, và là sự thật,
không phải sự dối trá, nên chiếu theo điều kiện xức dầu đã dạy, anh em hãy lưu
lại trong Ngài” (1 Ga 2,27).
“Đấng đã làm cho chúng
tôi cùng với anh em được kiên cố trong Đức Kitô và đã xức dầu cho chúng ta là
chính Thiên Chúa… chính Người cũng đã niêm ấn của Người trên chúng ta và ban
cho chúng ta bảo chứng Thần Khí của Người” (2Cr 1,21-22).
III. THÁNH THẦN VÀ BÍ TÍCH THÊM SỨC
1. Mỗi người chịu phép Thêm Sức đều nhận lãnh và làm thành sở hữu của
mình ơn Thánh Thần đã được ban cho Giáo Hội. Ngày cử hành Bí tích
Thêm Sức, Thánh Thần của Giáo Hội được chuyển thông cho từng ngừơi nhận lãnh bí
tích.
So với Thần Khí ban đầu hay Thần Lực tái sinh mà người kitô hữu nhận
lãnh khi chịu phép Rửa, thì Thánh Thần được ban cho trong phép Thêm Sức là Thần
Lực hoạt động trong Giáo Hội, Thánh Thần không ngừng phục vụ Chúa Kitô trong
Giáo Hội và làm chứng về Chúa Kitô cho nhân loại.
Chúng ta nhận lãnh Bí tích Thêm Sức, để có
kinh nghiệm về sự hoạt động của Thánh Thần giữa loài người. Giáo Hội không ngừng đào sâu kinh nghiệm này, và chúng ta được chia
sẻ kinh nghiệm trong lòng Giáo Hội. Giáo Hội và mỗi
người chúng ta trong lòng Giáo Hội phải không ngừng lớn lên trong Thần Khí.
Bí tích Thêm Sức là dấu hiệu của sự triển nở của Giáo Hội và của mỗi người kitô
hữu cho đến ngày đạt đến tầm vóc viên mãn của Đức Kitô.
Nhờ Bí tích Thêm Sức mà các kitô hữu dần dần thấu hiểu được rằng Thần
Khí của Thiên Chúa, của Đức Kitô Phục sinh cũng là Thần Khí của Giáo Hội, vì đã
được ban cho Giáo Hội. Thánh Thần lãnh nhận trong Bí tích Thêm Sức, càng ngày
càng giúp cho chúng ta đi sâu vào các kinh nghiệm thiêng liêng, nghĩa là kinh
nghiệm về Thiên Chúa nhờ Thánh Thần và trong Thánh Thần, dựa trên nền tảng vững
chằc là Đức Kitô và Giáo Hội.
2. Theo Giáo lý cổ truyển của Hội thánh, khi chịu phép Thêm Sức, người
kitô hữu lãnh nhận bảy ơn Chúa Thánh Thần. Thật ra con số bảy là một con số
viên mãn, còn các ơn khác nhau thì dựa vào Is 11,1-2, nói về Thần Khí của Giavê
đậu xuống trên Đấng Messia thuộc dòng tộc Đavit.
Chính vì dựa vào đoạn Is 11,1-2 mà thần học về
Bí tích Thêm Sức có được ý nghĩa rất sâu xa. Thánh Thần mà
người kitô hữu nhận lãnh khi chịu phép Thêm Sức là Thánh Thần của Đấng Messia.
Người Kitô hữu như trở thành Messia cùng với Đấng Messia, là
thành viên của dân Messia (peuple messianique). Người kitô
hữu được xức dầu Thánh Thần và sai đi giống như Chúa Kitô.
Thánh Thần trong Bí tích Thêm Sức được nhìn dưới bảy khía cạnh khác
nhau được gọi là bảy ơn :
- Ơn
khôn ngoan : người khôn ngoan là người có nhiều kinh
nghiệm, Bí tích Thêm Sức làm cho chúng ta trở nên một con người có nhiều kinh
nghiệm thiêng liêng, kinh nghiệm về tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa.
- Ơn
hiểu biết : nhờ Thánh Thần mà chúng ta được hiểu biết
sâu xa về Thiên Chúa, nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa bằng đức tin. Thánh
Thần đưa dẫn chúng ta vào tất cả sự thật (Ga 16,13),
nghĩa là vào trong mầu nhiệm Chúa Kitô, Đấng mạc khải Thiên Chúa.
- Ơn
phán đoán : nhờ Chúa Thánh Thần mà người kitô hữu có thể nhận định về các biến
cố xảy ra, về các thực tại lịch sử và nhân văn, về xã hội và con người… đúng
với quan điểm của Thiên Chúa, phù hợp với cái nhìn của Tin Mừng.
- Ơn
tri thức : là ơn biết ứng dụng sự hiểu biết vào các
hành động cụ thể trong đời sống ; là ơn biết sống đạo theo như ý muốn của Chúa
Giêsu.
- Ơn
sức mạnh : Chúa Thánh Thần là sức mạnh cho đời sống kitô
hữu của chúng ta. Nhờ Người mà chúng ta có thể trung thành
với Thiên Chúa đến cùng. Nhờ Người, chúng ta mới có
thể đứng vững trong thử thách. Nhờ Chúa Thánh Thần chúng ta mới có đủ can
đảm làm chứng cho Chúa Kitô trong đời sống.
- Ơn
hiếu thảo : nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta mới trở nên giống Chúa Giêsu, người con
hiếu thảo với Chúa Cha, luôn tin tưởng và yêu mến Chúa Cha, luôn muốn đẹp lòng
Chúa Cha, luôn bận tâm thực hiện ý muốn của Chúa Cha.
- Ơn kính
sợ : chúng ta phải là những con người thờ phượng Thiên
Chúa trong Thánh Thần và chân lý. Theo Cựu Ước, kính sợ là
đầu mối sự khôn ngoan. Kính sợ Thiên Chúa, chúng ta
không bao giờ dám coi thường Thiên Chúa. Kính sợ còn là một cách kinh
nghiệm sự siêu việt và vĩ đại khôn dò của Thiên Chúa.
3. Thành ngữ phép Thêm Sức mà
tiếng việt quen dùng chỉ diễn tả được một trong bảy khía cạnh của ơn Chúa Thánh
Thần trong giáo lý cổ truyền, đó là khía cạnh “sức mạnh”. Dĩ nhiên Bí tích Thêm Sức ban cho chúng ta sức mạnh
siêu nhiên rất cần thiết cho đời sống kitô hữu, nhưng ơn của Bí tích Thêm Sức
không dừng lại ở đây. Ngay cả Fauste de Riez, dù nhấn mạnh tối đa đến ơn sức
mạnh, đã đưa ra ba khía cạnh khá cơ bản của ân sủng bí tích :
- ơn thưởng nếm Thiên Chúa (le gout de
Dieu), nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta mới có thể kinh nghiệm được sự dịu
ngọt của Thiên Chúa ; - ơn khao khát sự
sống đời đời làm cho chúng ta ao ước những sự trên trời ; - ơn trở nên con người thần thiêng giống Đức
Kitô Chúa chúng ta.
Chúng ta còn có thể suy tư về Chúa Thánh Thần được ban trong Bí tích Thêm
Sức một cách khác, cô đọng bảy ơn thành ba tác động chính của Chúa Thánh Thần,
làm nổi bật ba đặc điểm cơ bản của Chúa Thánh Thần. Trước hết, Chúa Thánh Thần
là Thần Chân Lý, Đấng làm cho chúng ta
càng ngày càng đi sâu vào mạc khải, càng ngày càng thể hiện được điều mà Đức
Giêsu cầu xin cho chúng ta : “sự sống đời
đời là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật và duy nhất, và Đức Giêsu
Kitô, Đấng Cha đã sai” (Ga 17,3). Chúa Thánh Thần còn là Sức Mạnh từ trên,
là Quyền Năng của Thiên Chúa, là Thần Lực
của Thiên Chúa làm cho chúng ta được vững mạnh trong đời sống đức tin, là
động lực cho đời sống hàng ngày (1Tx 1,5 ; Gl 5,19-25). Điều cuối cùng cần phải
nhấn mạnh là ơn Thông Hiệp ; Chúa Thánh Thần là Ngôi Vị Yêu Mến luôn nối kết chúng ta
với Chúa Kitô vả Thiên Chúa. Không có Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể nào
gắn bó với Chúa Kitô, nên một với Chúa Kitô để hiệp thông với Thiên Chúa (2Cr
13,13). Chúa Thánh Thần còn là động lực của đời sống
bác ái kitô hữu mà thư 1Cr 13 là hiến chương.
IV.
THÁNH
THẦN VÀ BÍ TÍCH GIAO HÒA
A. TỘI LỖI VÀ SỰ THÁNH THIỆN
Để hiểu sâu xa ý nghĩa của Bí tích Giao
Hòa, thường gọi là Bí tích Giải Tội, trước hết chúng ta phải hiểu tội là gì. Và để
hiểu tội theo định nghĩa kitô giáo, chúng ta phải hiểu
thế nào là thánh thiện theo quan niệm kitô giáo.
Con ngừơi thánh thiện theo nghĩa kitô giáo là “con người đầy Thánh Thần”, nhờ gắn bó với Đức Kitô bằng đức tin và lòng
mến.
Tội lỗi đối nghịch với sự thánh thiện, sự hiệp thông với Chúa và đi
ngược với Thánh Thần. Nói theo kiểu thư Rôma, người tội lỗi “khuyết hẳn vinh quang Thiên Chúa” (Rm 3,23). Vinh quang của Thiên Chúa, chính là
Thánh Thần của Thiên Chúa (SGL 690). Người tội lỗi
không có Thánh Thần của Thiên Chúa là Đấng thánh hóa. Con người tội lỗi
tự đóng kín mình và từ chối hiệp thông, mất nghĩa với Đức Kitô, đọa lạc khỏi
giới ân sủng (Gl 5,4). Giới ân sủng là cảnh vực thần
linh, là thế giới của Thánh Thần, vì Thánh Thần là ngôi vị ân sủng (SGL
733-736). Con người tội lỗi là con người sa đọa khỏi
cảnh vực của Chúa Thánh Thần, rơi vào thế giới của thần dữ. Thế gian không thể
lãnh nhậnThánh Thần (Ga 14,17). Người
tội lỗi thuộc về thế gian, nên không thể lãnh nhận Thánh Thần.
Thiên Chúa giàu lòng thương xót, không
muốn bỏ rơi tội nhân, nhưng luôn muốn cứu vớt họ, đưa họ trở về hiệp thông với
chính mình Người. Người thực hiện điều đó nhờ Đức
Giêsu Kitô. Con người chỉ có thể trở về với Thiên Chúa khi gặp gỡ Đức
Kitô Vượt qua, được tháp nhập vào Đức Kitô và cùng vượt qua với Người. Thiên
Chúa tha thứ tội lỗi khi ban Thánh Thần cho tội nhân, mặc dù tội nhân không
xứng đáng, vì chính Thánh Thần là Ơn tha tội và là sự Thánh Thiện của Thiên
Chúa.
Theo Phaolô, Thánh Thần là quyền năng, là Ân
sủng phục sinh, là Ơn hiệp thông với Đức Kitô Tử Nạn và Phục sinh, là sức mạnh
giúp vượt qua từ lãnh vực xác phàm sang lãnh vực thần khí.
Hoán cải là chỗi dậy và đi về cùng Cha (Lc 15,18),
thông phần hành trình của Đức Kitô đi về cùng Cha (Ga 16,28). Chính Thánh Thần làm cho tội nhân có thể cùng hành trình vượt qua
với Đức Kitô.
B. CHIỀU KÍCH BA NGÔI CỦA BÍ TÍCH GIAO HÒA
Khi nói đến ơn tha tội, trước hết chúng ta
phải nói đến Đấng tha tội là chính Thiên Chúa Cha. Dù ta đã mất tình nghĩa vì bất trung với Người, Thiên Chúa Cha giàu
lòng thương xót lôi kéo chúng ta, đưa chúng ta trở về với Người. Cũng
như sáng kiến cứu độ, sáng kiến tha tội là của Chúa Cha. Cử hành Bí tích Giao
Hòa là cử hành tình yêu của Chúa Cha giàu lòng thương xót, tha thứ cho hết mọi
người, và cụ thể là tha thứ cho chúng ta.
Trong Bí tích Giao Hòa, chúng ta đón nhận
tình yêu của Đấng đã hiến mạng sống vì những ngừơi mình yêu. Chúng ta cử hành tình yêu của Đức Giêsu biểu lộ bằng giá máu cứu chuộc
đổ ra trên thập giá.
Chúng ta cũng cử hành tình yêu của Chúa
Thánh Thần là ơn thông hiệp, kết hiệp chúng ta với Chúa Kitô, giao hòa chúng ta
với Thiên Chúa, hiệp nhất chúng ta với anh em.
Theo sách giáo lý mới của Giáo Hội Công Giáo, thì công thức giải tội
trong Giáo Hội La Tinh diễn tả được hết những yếu tố nòng cốt của Bí tích Giao Hòa : Chúa Cha giàu lòng thương xót là nguồn ơn tha tội ;
Người thể hiện sự giao hòa các tội nhân nhờ mầu nhiệm Vượt qua của Con của Người
và ban Thánh Thần để tha tội, qua lời cầu nguyện và thừa tác vụ của Hội Thánh (SGL
1449) :
“Thiên Chúa là Cha hay
thương xót, Chúa đã dùng sự chết và sự sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế
gian với Chúa, và ban Thánh Thần để tha tội, xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh
mà ban cho con ơn tha thứ và bình an, vậy cha tha tội cho con nhân danh Cha và Con
và Thánh Thần”.
C. CHÚA THÁNH THẦN VÀ HÀNH TRÌNH VƯỢT QUA CỦA
HỐI NHÂN
Bí tích Giao Hòa cũng là dấu chỉ Mầu nhiệm
Vượt Qua của Đức Kitô. Hối nhân phải thực hiện
một cuộc hành trình để có thể cùng vượt qua với Đức Kitô, trở về với Thiên
Chúa. Cuộc hành trình áy gốm một số bước căn bản, mà bứơc nào cũng phải
có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần.
Trước hết hối nhân phải sẵn sàng đón nhận bản án của Chúa Thánh Thần.
theo Ga 16,8, Chúa Thánh Thần là Đấng kết án thế gian.
Thánh Thần sẽ kết án thế gian trong con ngừơi chúng ta.
Nếu chúng ta khiêm nhường nhận bản án của Người, chắc chắn
ta sẽ được Người cứu độ. Bước thứ nhất này có thể gọi là ý
thức tội lỗi. Ý thức tội lỗi là bước đầu tiên không thể thiếu được của
hành trình vượt qua, càng để cho Chúa Thánh Thần tác động trên ta, chúng ta
càng ý thức sâu xa tình trạng tội lỗi của mình, và ý thức này sẽ đưa chúng ta
sang giai đọan thứ hai.
Bước thứ hai là sự ăn năn thống hối. Chính Chúa Thánh Thần thúc dục hốinhân hoán cải từ bên trong.
Sự hoán cải bao gồm ít nhất ba yếu tố : sự hối hận,
ứơc muốn sửa đổi và quyết tâm thi hành. Thánh Thần chính là tình
yêu trong lòng hối nhân, khiến cho hối nhân hoán cải thật lòng. Sự thống
hối đượm tình yêu này được thần học gọi là ăn năn cách
trọn. Nhiều vị thánh được Thánh Thần ban cho ơn khóc tội. Thánh
Thần còn là sức mạnh giúp cho hối nhân có thể thực hiện quyết tâm trở về của mình.
Hối nhân trở về với Thiên Chúa là để được
lãnh nhận ơn tha tội. Ơn tha tội ấy cũng
chính là Thánh Thần, Đấng sẽ thanh tẩy và thánh hoá tội nhân, làm cho tội nhân
trở lại thánh thiện và tinh tuyền như trước. Ơn tha
tội còn là ơn giao hoà chúng ta trở lại với Thiên Chúa và với anh em. Thánh Thần cũng chính là ơn thông hiệp, nối kết chúng ta lại với
Đức Kitô và Thiên Chúa. Ngài cũng là sự sống mà Thiên
Chúa ban lại cho chúng ta sau khi ta đã làm mất.
Điều cuối cùng mà hối nhân phải làm là bù
đắp lại tội lỗi của mình. Dĩ nhiên chính Thiên Chúa
không gắt gao đòi hỏi nơi hối nhân một sư đền bù cân
xứng, vì điều này không thể thực hiện được. Việc đền tội mà hối nhân làm chỉ là
dấu hệu của lòng thống hối ăn năn và quyết tâm chừa
cải. Suy nghĩ sâu xa về việc đền tội, chúng ta sẽ thấy rằng
không gì có thể hàn gắn lại tình yêu đã bị sứt mẻ. Chỉ
có Chúa Thánh Thần là tình yêu tuyệt đối, là tình yêu của Thiên Chúa đổ trong
lòng chúng ta mới có thể khỏa lấp muôn vàn tội lỗi.