LỊCH SỬ VÀ THẦN HỌC VỀ BÍ TÍCH THÊM SỨC

 

ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc

 

 

Mục vụ về bí tích Thêm Sức là một trong những điều quan trọng trong công việc mục vụ của một xứ đạo. Thế nhưng hiểu biết của chúng ta về bí tích Thêm Sức thường rất giới hạn. Trong phạm vi thường huấn về Chúa Thánh Thần, thiết nghĩ cũng nên dành cho thần học về bí tích Thêm Sức một chỗ đứng. Đó là lý do của bài nghiên cứu này, vừa dựa trên các bản văn Kinh Thánh, vừa làm nổi bật lịch sử của bí tích Thêm Sức. Có dựa trên hai cơ sở vững chắc ấy, chúng ta mới có thể thấy rõ ý nghĩa thần học của bí tích Thêm Sức và tương quan mật thiết của bí tích ấy với bí tích Rửa Tội.

 

I. NỀN TẢNG KINH THÁNH CHO GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH VỀ PHÉP THÊM SỨC.

 

Dù người ta có hiểu thế nào đi nữa về tương quan giữa phép Rửa và phép Thêm Sức, thì cũng phải công nhận rằng ngay từ thời kỳ đầu của Giáo Hội đã có việc “đặt tay” sau phép Rửa, như bổ sung cho phép Rửa và thông ban Thánh Thần.

 

A. VIỆC ĐẶT TAY THÔNG BAN THÁNH THẦN (SÁCH CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ).

 

Khi rao giảng Nước Thiên Chúa và Danh Đức Giêsu Kitô (Cv 8, 12) thì phó tế Philíp đã bam phép Rửa nhân danh Chúa Giêsu. Các Tông Đồ nghe nói đến việc những người xứ  Samari  đón  nhận Lời  Chúa  (8, 14), đã cử Phêrô và Gioan đến đó. Hai vị này cầu nguyện cho những người Samari để họ lãnh nhận Thánh Thần, vì họ mới chỉ được thanh tẩy nhân danh Chúa Giêsu. Phêrô và Gioan đã đặt tay trên họ và họ đã lãnh nhận Thánh Thần (8, 15-17). Tương quan giữa ơn Thánh Thần và việc đặt tay của các Tông Đồ càng nổi bật hơn khi Simon ‘dâng tiền’ cho Phêrô và Gioan với hy vọng mua chuộc được quyền đặt tay và ban Thánh Thần (8, 18-19).

 

Trong Cv 19, 1-7 Thánh Phaolô đã hỏi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả xem các ông có chịu Thánh Thần chưa, thì họ cho biết không hề nghe nói tới Thánh Thần vì họ chỉ chịu phép rửa của Gioan. Phaolô đã nói thêm cho họ về Đức Giêsu, và họ đã được thanh tẩy nhân danh Ngài. Sau đó Phaolô đã đặt tay trên họ, và Thánh Thần đã đến trên họ.

 

Đoạn thư Dt 6, 1-6 tối nghĩa hơn một chút. Nhưng cũng có thể nối kết “việc đặt tay” được nhắc đến trong câu 2 với sự “thông hưởng Thánh Thần” được kể ra trong câu 4. Trước đó có ghi lại hiệu quả quan trọng nhất của phép Rửa là “được sáng soi” (câu 4).

 

“... việc đặt tay, sự kẻ chết sống lại, và cuộc phán xét đời dời. Đó là điều ta sẽ làm nếu Thiên Chúa ban phép.

 

Vì chưng thật là vô phương cho những kẻ đã một lần được sáng soi, được thưởng thức ân lộc thiên đài, đã thông hưởng Thánh Thần, cùng đã thưởng thức lời tốt đẹp của Thiên Chúa, và những mãnh lực lai thời, rồi lại sa đoạ... (Dt 6, 2-5).

 

Cv 2, 38 thì được giải thích nhiều cách. Có người cho rằng câu này có ý phân biệt phép Rửa nhân danh Đức Giêsu với phép rửa của Gioan Tẩy Giả. Phép Rửa này ban xuống cho kẻ tin ơn Thánh Thần (x. chú thích của Cha Nguyễn Thế Thuấn và Nhóm phiên dịch CGKPV). Người khác cho rằng câu này nhắc tới việc ban phép Rửa và việc đặt tay thông ban Thánh Thần của các Tông Đồ. Cũng có thể là cả hai, vì phép Rửa Kitô-giáo quả thật thông ban Thánh Thần. Nhưng liền sau phép Rửa có việc đặt tay của các Tông Đồ như để hoàn tất nghi thức “nhập đạo”.

 

Một số học giả “Tin Lành tự do”, vì khuynh hướng duy lý, đã phủ nhận giá trị của những đoạn sách Công Vụ trên, đặc biệt hai đoạn quan trong nhất là đoạn 8 và đoạn 19. Họ cho rằng Tác Giả sách Công Vụ pha trộn hai quan niệm trái ngược nhau : một quan niệm có nguồn gốc Hylạp, coi Thần Khí (Pneuma) như một sức mạnh, một nguyên lý nội tại nơi hữu thể tự do, là nền tảng cho đời sống luân lý và tôn giáo ; quan niệm thứ hai có nguồn gốc Kitô-Dothái-giáo, nhấn mạnh khía cạnh chủ vị của Thánh Thần là Đấng không ngừng can thiệp, không ngừng tác động bằng các đặc sủng, các ơn tiên tri và các phép lạ chữa bệnh.

 

Thực ra hai ý nghĩa này không đối ngược nhau, nhưng bổ túc cho nhau. Thánh Thần cũng như hoạt động của Người rất đa dạng, không thể nào diễn tả hết được. Trong sách Công Vụ, tùy trường hợp mà chúng ta có thể hiểu theo nghĩa khác nhau : trong phần đầu, tác giả mô tả sinh hoạt tôn giáo của các kitô-hữu đầu tiên, nên nhấn mạnh nhiều hơn đến những “kết quả” của tác động Chúa Thánh Thần trong đời sống kitô-hữu ; còn trong những đoạn tường thuật các hoạt động của Tông Đồ Phaolô, thì tác giả nhấn mạnh nhiều hơn đến sự can thiệp của Chúa Thánh Thần như một “Chủ-vị” hướng dẫn, an ủi, giúp đỡ, soi sáng, chỉ đạo, thậm chí còn ra lệnh.

 

B. VIỆC THANH TẨY TRONG NƯỚC VÀ VIỆC ĐẶT TAY NHỮNG THÀNH PHẦN CỦA “NGHI THỨC

    NHẬP ĐẠO”.

 

Dựa trên chứng từ của sách Công Vụ, chúng ta có thể khẳng định là có “việc thanh tẩy” (bain baptismal) và việc đặt tay. Đó là hai hành vi khác nhau, bổ sung cho nhau. Việc thanh tẩy nhân danh Đức Giêsu đã khởi đầu ban Thánh Thần ; hành vi đặt tay hoàn tất việc thông ban Thánh Thần. Cả hai nhằm “Kitô-hóa” hoàn toàn người tín hữu, đưa họ vào đời sống Kitô-giáo cách hoàn toàn.

 

Sự khai tâm trọn vẹn này đáp ứng lòng tin của Cộng Đồng Giáo Hội tiên khởi vào Chúa Thánh Thần như Hồng Aân thời Messia cánh chung. Các Ngôn Sứ đã loan báo việc đổ tràn Thánh Thần, dưới hình ảnh một dòng suối trào vọt mang đến ơn cứu độ (Ga 7, 37 ; Ed 39, 29 ; Dcr 12, 10 ; Ge 3, 1-2). Theo nhiều giáo phụ, lời tiên tri đó ứng nghiệm lần đầu vào việc Thánh Thần xuống trên con người Đức Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan. Thánh Thần đến sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa. Marcô và Matthêu nói rõ : “Chịu thanh tẩy xong, Đức Giêsu liền lên khỏi nước ; và này : trời mở ra và Ngài thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim câu mà đến trên Ngài” (Mc 1, 10 ; Mt 3, 16). Đó là “mẫu mực” báo trước việc Thánh Thần sẽ xuống trên các môn đệ sau khi Đức Giêsu được tôn vinh (Cv 1, 8). Nó thể hiện cách “lạ thường” vào ngày lễ Ngũ Tuần. Khi Cornêliô hoán cải và muốn theo đạo, Thánh Thần cũng xuống cách đặc biệt trên gia đình ông còn là ngoại giáo, và điều đó trở nên dấu hiệu đối với Phêrô để ban phép Rửa cho họ, để họ hoàn toàn thuộc về Cộng Đồng kitô-hữu (Cv 10, 47).

 

Phaolô, trong các thư, như không phân biệt rõ hai hành vi này. Chữ “phép Rửa” (Baptismos) trong các thư của ông, chỉ nghi thức gia nhập Kitô-giáo gồm hai hành vi chính là việc rửa và việc đặt tay. Theo Phaolô, trở thành kitô-hữu và lãnh nhận Thánh Thần luôn đi đôi với nhau (Rm 8, 9 ; Gl 4, 6).

 

C. VIỆC XỨC DẦU TRONG TÂN ƯỚC VÀ PHÉP THÊM SỨC.

 

Việc xức dầu được nhắc đến rất nhiều trong Tân Ước. Tân Ước cho rằng chính Đức Giêsu đã được xức dầu (Cv 10, 38 và 4, 27 ; Lc 4, 18 ; Dt 1, 9). Chữ “xức dầu” được lấy từ Cựu Ước và ứng dụng cho Chúa Kitô theo nghĩa “biểu tượng”.

 

Những chỗ khẳng định về việc “xức dầu” cho người kitô-hữu gần giống như việc Đức Kitô được xức dầu (2Cr 1, 21 ; 1Ga 2, 20-27). Dựa vào Cựu Ước, Tân Ước có thể nói đến cương vị tư tế và vương giả của người kitô-hữu do việc xức dầu (1Pr 2, 9 ; Kh 1, 6 ; 5, 10 ; 20, 6 ; 22, 5).

 

Nhưng chúng ta không thể căn cứ vào những câu Kinh Thánh đã được liệt kê để đồng hóa việc xức dầu ấy với bí tích Thêm Sức. Khách quan mà nói : mặc dù Phaolô có đề cập đến “ấn tín” và việc xức dầu Thánh Thần, không có gì minh chứng rằng Phaolô coi đó là một nghi thức riêng, phân biệt với toàn bộ bí tích Rửa Tội.

 

Chỉ từ thế kỷ III, người ta mới thấy rõ hơn vai trò của “cử chỉ xức dầu” trong toàn bộ nghi thức gia nhập Kitô-giáo.

 

 

II. LỊCH SỬ BÍ TÍCH THÊM SỨC.

 

A. VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC NGHI THỨC TRONG NGHI LỄ GIA NHẬP KITÔ-GIÁO.

 

1. Việc đặt tay.

 

Trong Giáo Hội Đông phương, xuất hiện vào thế kỷ III ở Antiôkia và Tiểu Á (Didascalie des Apôtres). Nghi thức này được cử hành hoằc chính lúc dội nước (hay nhận xuống nước) hoặc trước đó. Theo Théodore de Mopsueste, đến thế kỷ V vẫn vậy.

 

Ở miền Đông Syrie thì nghi thức này có chỗ đứng quan trọng hơn. Ở Ai-cập, việc đặt tay được cử hành giữa những nghi thức nối dài việc dội nước (Copte).

 

Trong Giáo Hội Tây phương, nghi thức có vào thế kỷ III ở Phi Châu (tertullien, Cyprien) và ở Rôma (Tradition Apostolique). Vào thế kỷ IV, không cò trong Giáo Hội Milan của Ambrôsiô, nhưng ở xứ Gaule (Hilaire de Poitiers), ở Tây-ban-nha (Elvire) và ở Rôma (Jérôme). Đầu thế kỷ V, Augustinô cử hành trong Giáo Hội của ngài. Sau đó, nghi thức dần dần bị lãng quên và được thay thế bằng nghi thức “xức dầu” hay “ghi dấu”.

 

Cần lưu ý là trong Giáo Hội Tây phương, chỉ đặt một tay thay vì hai tay. Việc đặt hai tay chỉ có vào thế kỷ XIII (Durand de Mende). Việc đặt một tay không thể lẫn lộn với nghi thức đặt hai tay trong bí tích Truyền Chức. Hơn nữa, việc đặt tay không nhằm cá nhân, mà nhằm “nhóm người” nhận lãnh phép Rửa. Tới thế kỷ IX mới có khuynh hướng cá nhân hóa. Sau nghi thức đặt tay cho tập thể, có nghi thức đặt tay lên đầu từng người. Vào thế kỷ XIII, giám mục Durand de Mende thay thế tất cả bằng việc đặt hai tay trên toàn thể những người chịu phép Rửa. Nghi lễ Latinh hôm nay còn giữ lại dấu vết này.

 

2. Việc xức dầu.

 

Đây cũng là một nghi thức quan trọng ở Đông phương cũng như Tây phương.

 

+ Miền tây xứ Syria, vào thế kỷ IV mới có nghi thức “xức dầu” sau khi dội nước (Constitutions Apostoliques, Cyrille de Jérusalem). Miền Đông Syria chỉ áp dụng vào thế kỷ VII.

 

+ Ở Tây phương, người ta làm thường xuyên hơn. Nghi thức đã được Hippolyte, Tertullien, Cyprien nói đến vào thế kỷ III ; thế kỷ IV bởi Pacien ở Tây-ban-nha và Ambrôsiô ở Milan ; thế kỷ V bởi Augustinô, Rufino, Innocent I, Léon, Gelasio ; thế kỷ VI bởi “Liber Pontificalis” và “Sacramentaire Gélasien”.

 

+ Giáo Hội Tây phương có nhiều cách cử hành nhgi thức này. Thường Giám mục cử hành (Tertullien, Ambrôsiô, Sacramentaire Gélasien). Nhưng nếu giám mục không có mặt thì linh mục có thể xức dầu, ngay cả phó tế. Việc xức dầu có thể hai lần, lần sau do giám mục. Như vậy, có việc xức dầu của linh mục và lần xức dầu của giám mục trong cùng một buổi cử hành, hay vào hai buổi khác nhau (Innocent I,

 Hippolyte).

 

+ Giáo Hội Đông phương không “xức dầu” hai lần ; nếu linh mục rửa tội thì chính ngài xức dầu (Constitutions Apostoliques).

 

+ Thường chỉ xức dầu trên trán (Constitutions Apostoliques , Cyprien, Ambrôsiô, Augustinô) ; ở Đông phương, có khuynh hướng xức nhiều chi thể (trán, tai, mũi, ngực, tay, chân) - hơi giống bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân bên Tây phương. Ở Rôma, để phân biệt, linh mục xức dầu trên đỉnh đầu và Giám mục xức trên trán (Hippolyte, Innocent I).

 

+ Ở Đông cũng như Tây phương, dầu xức đều do Giám mục “hiến thánh”.

 

 

 

3. Việc ghi dấu Thánh Giá (Signatio).

 

Thế kỷ III ở Rôma (Cornêliô, Hippolyte), ở Phi châu (Tertullien , Cyprien) ; thế kỷ IV ở Milan (Ambrôsiô) ; thế kỷ V bởi Lêô Cả. Sau đó, ở Tây phương, nghi thức này gắn liền với nghi thức xức dầu.

 

Trong Giáo Hội Đông phương, chỉ có chứng từ của Théodore de Mopsueste.

 

Ngoài những nghi thức trên được cử hành sau hành vi rửa tội, Cộng Đồng kitô-hữu còn làm một số nghi thức khác như : “rửa chân”, “mặc áo trắng”, “hôn bình an”, “trao nến sáng”. Nhưng những nghi thức này không quan trọng,, nên càng ngày càng vắn đi, và có phần về sau không còn nữa.

 

B.THAY ĐỔI CHI TIẾT TRONG NGHI THỨC.

 

1. Việc đặt một hay hai tay.

 

Việc đặt tay thường có ý nghĩa ban ơn Thánh Thần cho người kitô-hữu. Có khi kê khai bảy ơn Thánh Thần dựa vào Is 11, 2. Hai đoạn Công Vụ (8, 9-24 ; 19, 1-7) nói đến việc dặt tay để ban Thánh Thần cũng thường được ghi rõ.

 

“Người ta đặt tay trên chúng tôi trong khi kêu cầu, lôi kéo Thánh Thần xuống trên chúng tôi nhờ lời cầu nguyện kèm theo những nghi lễ thánh ấy. Lúc bấy giờ Thần Khí rất thánh xuất từ Chúa Cha xuống trên các thân thể đã được thanh tẩy và chúc lành : Người đáp xuống trên nước rửa tội như nhận ra ngai tòa của Người ; Người là Đấng đã xuống trên Chúa chúng ta dưới hình chim bồ câu... Người đáp xuống trên chúng ta, mang đến cho chúng ta hình ảnh của Thiên Chúa” (Tertullien, Traité du Baptême 8).

 

“Những ai đã chịu phép Rửa trong Giáo Hội được trình diện với các Lãnh Đạo của Giáo Hội để nhận lãnh Chúa Thánh Thần qua lời cầu nguyện và việc đặt tay của chúng ta” (Cyprien, Lettre 73, 9).

 

“Trong khi đặt tay, Giám mục cầu nguyện : “Lạy Chúa là Thiên Chúa, Đấng đã làm cho những người này trở nên xứng đáng nhận lãnh ơn tha tội bởi phép Rửa tái sinh, xin Ngài hãy làm cho họ xứng đáng được tràn đầy Chúa Thánh Thần, xin đổ xuống trên họ ân sủng của Ngài, để họ phụng sự Ngài theo như ý Ngài” (Tradition Apostolique 21, 4).

 

“Chúa Thánh Thần chỉ đến trên một người nào đó qua việc đặt tay” (Augustinô, Sermon 266, 6).

 

“Lạy Thiên Chúa toàn năng, Cha của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, Ngài là Đấng làm cho các tôi tớ được tái sinh bởi nước và Thánh Thần và đã ban cho họ ơn tha thứ mọi tội lỗi ; xin hãy sai đến với họ Thánh Thần của Ngài là Đấng “Bênh Vực”. Xin hãy ban cho họ “Thần Khôn Ngoan và Hiểu Biết, Thần Khuyên Bảo và Sức Mạnh, Thần Tri Thức và Đạo Đức. Xin cho họ đầy Thần Kính Sợ Thiên Chúa” (Sacramentaire Gélasien).

 

Qua các đoạn văn trên chúng ta có thể cô đọng lại :

 

+ Điều nổi bật là sự quy chiếu về Chúa Thánh Thần.

 

+ Ơn ban Thánh Thần lấy lại những ý nghĩa chính của phép Rửa : sự liên kết với Chúa Kitô ; ơn tha tội ; đời sống trong Giáo Hội.

 

+ Vài dấu nhấn : việc trung thành phụng sự Thiên Chúa ; chiều hướng cánh chung ; vai trò của thừa tác vụ Giám mục.

 

2. Việc xức dầu.

 

 Nghi thức này có ý nghĩa giống như việc đặt tay, dù nhấn mạnh hơn khía cạnh “triển nở” và sức mạnh mà sự sống do phép Rửa phải có.

“Khi thụ nhân lên khỏi nước, thụ nhân phải được một linh mục xức dầu đã hiến thánh, đọc những lời sau đây : “Ta ghi dấu ngươi bằng dầu thánh nhân danh Đức Giêsu Kitô”. Sau khi Giám mục đã đặt tay, đổ dầu hiến thánh, xức lên đầu thụ nhân và nói : “Ta ghi dấu ngươi bằng dầu thánh, nhân danh Thiên Chúa Cha Quyền Năng trong Đức Kitô-Giêsu và Chúa Thánh Thần” (Hippolyte, Tradition Apostolique 21, 4-5)

 

“Khi chịu phép Rửa cứu độ xong, người ta xức dầu thánh cho chúng tôi... Danh  xưng “Kitô” của chúng tôi phát xuất từ dầu ấy, việc xức dầu cũng đã đưa tới cho Chúa chúng ta danh xưng “Kitô” vì Ngài đã được Chúa Cha xức dầu Thánh Thần... Như vậy, chúng ta được xức dầu trên thân xác, nhưng kết quả của nó đổ trán trong tâm hồn” (Tertullien, Traité du Baptême 7).

 

“Anh em đã được xức dầu và lãnh nhận dấu hiệu của Thánh Thần... Được xức dầu thánh, anh em được gọi là kitô-hữu, và sự tái sinh của anh em làm cho cái tên ấy nên đúng. Trước khi nhận lãnh ân sủng, anh em không xứng đáng có tên ấy, anh em bấy giờ mới đang trên đường trở thành kitô-hữu” (Cyrille de Jérusalem, Catéchèse mystagogique III, 1. 5).

 

“Dầu là bí tích của Thánh Thần” (Augustinô, Sermon 227).

 

“Việc xức dầu trên trán dành riêng cho các Giám mục khi các ngài thông ban Thánh Thần” (Innocent I , Lettre à Decentius).

 

“Việc xức dầu Thánh Thần hiến thánh những người đã chịu phép Rửa như là tư tế, đến nỗi mọi kitô-hữu xứng với Danh xưng ấy đều công nhận họ thuộc dòng vương đế và thông phần chức năng tư tế” (Léon, Sermon 4, 1).

 

“Những ai đã được rửa tội... nhận lãnh như một ấn tín vương đế việc xức dầu thiêng, và dưới hình thái biểu tượng là dầu, họ nhận lãnh ân sủng vô hình của Chúa Thánh Thần” (Théodoret de Cyr - 5e s. -, Commentaire sur le Cantique 61).

 

Tóm lại, ý nghĩa của việc xức dầu như sau :

 

+ Quy về Chúa Thánh Thần ; việc xức dầu của linh mục có lẽ không minh nhiên mang ý nghĩa này.

 

+  Lấy lại các ý nghĩa của phép Rửa và nhấn mạnh việc “nội tâm hóa” mà đức tin phép Rửa đòi hỏi, sức mạnh mà đời sống kitô-hữu phải bày tỏ, khía cạnh tuyển chọn cho sự sống đời đời, tương quan với các thừa tác viên có chức thánh.

 

Như vậy, xức dầu có cùng tầm quan trọng với việc đặt tay.

 

3. Việc ghi dấu (signatio).

 

“Sau khi thoát khỏi bệnh tật, Novatien không có nhận lãnh những điều phải nhận theo quy luật của Giáo Hội và không có nhận ‘việc ghi dấu’ của Giám mục. Không nhận những điều ấy, làm sao hắn có thể nhận lãnh Thánh Thần” (Lettre de Corneille, - 3e sìecle).

 

“Những ai đã chịu phép Rửa trong Giáo Hội được trình diện với các thủ lãnh Giáo Hội... để được ‘hoàn tất’ bởi dấu (signe) của Chúa” (Cyprien, Lettre 73, 9).

 

“Sau đó thì tới ấn tín thiêng liêng... Vì chưng, sau phép Rửa trong dòng suối, còn phải làm cho hoàn tất : Thánh Thần được đổ xuống qua lời cầu nguyện của Giám mục. Thánh Thần khôn ngoan và hiểu biết, khuyên bảo và sức mạnh, tri thức và đạo đức, Thánh Thần kính sợ : giống như bảy ‘nhân đức’ của Thánh Thần” (Ambroise, Des sacrements III, 8).

 

“Lúc bấy giờ ngươi còn phải được ghi dấu trên trán... Bằng lời kêu cầu Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, người ta ban cho ngươi ‘dấu’, đó là dấu hiệu Chúa Thánh Thần cũng đến trên ngươi, là ngươi đã được xức dầu Thánh Thần, ngươi đã lãnh nhận Thánh Thần cách nhưng-không, ngươi sở hữu Thánh Thần và Thánh Thần ở trong ngươi” (Théodore de Mopsueste, Homélies catéchétiques XIV, 27).

“Dấu Thánh Giá làm cho những ai đã tái sinh trong Đức Kitô trở nên những vì vua” (Léon I, Sermon 4, 1)

 

“Được tái sinh bởi Nước và Thánh Thần, các ngươi đã nhận lãnh ấn tín sự sống đời đời” (Léon I,    Sermon 24, 6).

 

Ý nghĩa chung :

 

+ Thiết lập tương quan với Đức Kitô và Thánh Thần.

 

+ Biểu tượng diễn tả sự sống phép Rửa, mà việc cử hành bí tích có chiều hướng cánh chung, quy về sự sống đời đời.

 

C. TIẾN TRIỂN PHÂN BIỆT.

 

Dù lấy lại các ý nghĩa của nghi thức rửa tội, các nghi thức sau dần dần mặc một ý nghĩa riêng, khác nghi thức rửa tội.

 

“Tôi không muốn nói rằng chúng ta nhận lãnh Thánh Thần trong nước. Nhưng, nhờ được rửa sạch tội lỗi trong nước, chúng ta được chuẩn bị ... đón nhận Thánh Thần” (Tertullien, Traité du Baptême 6).

 

“Không phải người ta sinh ra lúc lãnh nhận Thánh Thần nhờ việc dặt tay, nhưng sinh ra trong phép Rửa ; và một khi đã được sinh ra, người ta lãnh nhận Thánh Thần” (Cyprien, Lettre 24, 7).

 

“Phép Rửa được ban trước và còn phải đắc thủ Thánh Thần sau phép Rửa” (Grégoire de Nazianze,  Discours 31, 29).

 

“Ai đã chịu phép Rửa trong nước mà chưa nhận lãnh Thánh Thần, người ấy không có ‘đầy đủ’ ân sủng” (Cyrille se Jérusalem, Catéchèse III, 4).

 

“Sau giếng nước, còn phải làm cho đầy đủ, khi, nhờ lời kêu cầu của Giám mục, Thánh Thần được đổ xuống” (Ambroise, Des sacrements III, 8).

 

“Nhờ phép Rửa, các tội lỗi được thanh tẩy ; nhờ dầu xức, Thánh Thần được đổ tràn” (Pacien de    Barcelone, -4e s.).

 

D. BA LÝ DO GIẢI THÍCH.

 

1. Khuynh hướng nối dài nghi thức Rửa tội bằng cử chỉ nhấn mạnh ơn Thánh Thần.

 

Người ta đi dần từ “nhấn mạnh” đặc biệt, sang một loại “hậu quả chuyên biệt” : Thánh Thần gắn liền đặc biệt hơn với các nghi thức ghi dấu, đặt tay hay xức dầu.

 

Nhưng đừng nghĩ rằng trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội, nghi thức Rửa tội không còn quy chiếu về Thánh Thần.

 

“Nước, được thánh hiến bởi Chúa Thánh Thần, đã nhận lãnh sức mạnh thánh hóa con người trong bí tích” (Tertullien, Traité du Baptême 4).

 

“Không phép Rửa nơi nào không có Thánh Thần, vì phép Rửa không thể có nếu không có Thánh Thần” (Basile, Traité du Saint Esprit 15, 132a).

 

“Nước không thể rửa một linh hồn, nếu tiên vàn không được thanh tẩy bởi Thánh Thần... Phép Rửa đích thực là phép Rửa nhờ đó mà Thánh Thần đến” (Jérôme, Dialogue contre les lucifériens 6).

 

“Sự tái sinh nhờ đó mọi tội lỗi được tha, được thể hiện trong Chúa Thánh Thần” (Augustin, Sermon 71,12)

 

2. Những vấn đề cụ thể về hiệp nhất trong Giáo Hội.

 

Đặc biệt từ thế kỷ III, Giáo Hội Tây phương đã phải đương đầu với những nhóm ly khai, làm nảy sinh hai vấn đề :

 

+ Nghi thức gia nhập Kitô-giáo trong các Giáo Hội ly khai có giá trị gì không ?

 

+ Các kitô-hữu ly khai muốn trở về với Giáo Hội phải hòa giải thế nào ?

 

Về vấn đề này, Giáo Hội Bắc Phi và Giáo Hội Rôma có hai lập trường đối chọi nhau : - Tertullien theo Giáo Hội Bắc Phi (Cyprien) đòi rửa tội lại ; - Giáo Hội Rôma chỉ yêu cầu tuyên xưng niềm tin Ba Ngôi, sau đó có nghi thức hòa giải bằng việc Giám mục “đặt tay”.

 

Vào thế kỷ IV, cách giải quyết của Rôma thắng thế.

 

Việc hòa giải các người theo bè rối có tầm quan trọng theo hai nghĩa :

 

+ Một là, việc thực thi hòa giải nhấn mạnh các nghi thức sau nghi thức Rửa tội :

 

·         Ở Rôma, người ta hòa giải bằng nghi thức đặt tay (Cyprien, Lettre 72, 1 và 74, 1).

 

·         Liền sau việc đặt tay, có lẽ là cử chỉ “ghi dấu”.

 

+ Hai là tranh luận này làm nổi bật một trong những ý nghĩa của phép Rửa : chiều kích Giáo Hội.

 

“Lời tuyên tín của chúng ta và lời hứa cứu độ, vì nhằm Ba Ngôi Thiên Chúa, vậy phải nói tới Giáo Hội. Vì chưng, nơi nào có Cha, Con, Thánh Thần : nơi đó có Giáo Hội là ‘Thân thể của Ba Ngôi Thiên Chúa’”(Tertullien, Traité du Baptême 6).

 

“Như người kitô-hữu được sinh ra từ phép Rửa ; sự sinh ra và hiến thánh do phép Rửa xảy ra nơi Hôn Thê duy nhất của Đức Kitô, người duy nhất có khả năng sinh ra cách thiêng liêng những con cái cho Thiên Chúa, vậy thì những kẻ không là con cái Giáo Hội, sinh ra ở đâu và cho ai ? Để có Thiên Chúa là Cha, phải có Giáo Hội là Mẹ” (Cyprien, Lettre 74, 7).

 

Trong Giáo Hội, Giám mục được coi như bảo đảm khách quan và chắc chắn sự duy nhất :

 

“Về việc “ghi dấu” cho các trẻ em, không ai có thể làm ngoài Giám mục... Khi các linh mục rửa tội, có mặt Giám mục hay không, các ông có quyền xức dầu do Giám mục hiến thánh, nhưng không có quyền ghi trên trán bằng dầu ấy, vì điều đó dành riêng cho Giám mục khi các Ngài thông ban Thánh Thần”  (Innocent I, Lettre à Decentius).

 

3. Sự phát triển của Giáo Hội.

 

Càng ngày càng phải rửa tội cho nhiều trẻ em và có thêm nhiều nơi thờ phượng. Giám mục không thể chủ sự trong mọi buổi cử hành phép Rửa. Trong thực tế, có hai đường lối giải quyết :

 

+ Nhiều trường hợp, linh mục và ngay cả phó tế hoàn tất nghi thức gia nhập Kitô-giáo (Giáo Hội Đông phương từ thế kỷ IV ; vài nơi trong Giáo Hội Tây phương) ;

 

+ Trong vài trường hợp khác, càng ngày càng thường xuyên hơn ở Rôma và trong cả Giáo Hội Tây phương, các nghi thức gia nhập Kitô-giáo được tách làm hai :

 

·         Linh mục làm phép Rửa và thêm một số nghi thức diễn ý như xức dầu trên đỉnh đầu, trao áo trắng, trao nến sáng ;

 

·         Giám mục, khi có thể được (hay khi có dịp), can thiệp bằng một buổi cử hành khác : đặt tay, xức dầu trên trán và nói rõ đến Thánh Thần, ghi dấu. Có nơi ngài còn rửa chân và hôn bình an. Nghi thức mà Giám mục cử hành được gọi là “Confirmatio” từ thế kỷ V.

 

“Giám mục đi thăm những người ở xa thành phố, đã được các linh mục rửa tội, để đặt tay trên họ cầu xin Thánh Thần” (Jérôme, Dialogue contre les lucifériens 9).

 

Từ thế kỷ V, việc xức dầu và ghi dấu trở thành một cử chỉ duy nhất : người ta gọi là “consignatio” rồi “Chrismatio”.

 

Sự phân chia nghi thức cho linh mục và Giám mục có lẽ có nhiều nguyên do sau :

 

+ Nghi thức “Rửa tội” đòi hỏi được “bổ sung” ; dù hướng về bí tích Thánh Thể, nhu cầu bổ sung vẫn còn, nhất là khi Giám mục không thể hiện diện trong mọi phép Rửa. Vậy cần cử chỉ nào để bổ sung ? hay chọn ‘việc xức dầu”, việc đặt tay dành riêng cho Giám mục...?

 

+ Do đòi hỏi của những người chịu phép Rửa ; họ sợ chết trước khi Giám mục đến nơi họ ở.

 

+ Nhưng đó là cho từng cá nhân, còn vấn đề là làm sao nhấn mạnh khía cạnh tập thể, nối kết cộng đoàn với các cộng đoàn khác, đề cao Giám mục là dấu chỉ hiệp nhất. Có lẽ đó là lý do khiến cho nghi thức “Confrmatio” dần dần trở nên độc lập.

 

Có thể tóm lược sự biến chuyển tập trung vào ba nguyên do :

 

+ Đòi hỏi nhấn mạnh về Chúa Thánh Thần ;

 

+ Bận tâm duy trì sự hiệp nhất ;

 

+ Kinh nghiệm về sự phát triển của Giáo Hội.

 

E. LÝ THUYẾT VÀ THỰC HÀNH THỜI TRUNG CỔ.

 

Trong giai đoạn đầu của thời Trung cổ, người ta còn cử hành cả hai nghi thức : đặt tay trước, rồi sau đó xức dầu bằng cách ghi dấu Thánh giá. Đối với Bède le Vénérable và Isidore de Séville, thì hai nghi thức này gắn liền với nhau mật thiết.

 

Có khi người ta coi “việc dặt tay” hàm chứa trong việc ghi dấu bằng dầu hiến thánh.

 

Trong  thần học kinh viện thời sau, người ta nhấn mạnh đến việc xức dầu đến nỗi không còn bàn đến việc đặt tay nữa. Có biến chuyển khá rõ từ Công Đồng Lyon II năm 1274 đến Công Đồng Florence khẳng định : “Các Giám mục ban bí tích Thêm Sức, bằng cách xức dầu Chrisma cho những người mới được tái sinh” (D. 465). Sắc lệnh gửi cho người Arméniens thì viết : “Thay vì đặt tay, người ta ban phép Thêm Sức trong Giáo Hội bằng việc xức dầu Chrisma kèm theo công thức hiện hành : “Ta ghi dấu cho ngươi” (Signo te...).

 

Theo Pierre Lombard, mô thức bí tích là lời mà Giám mục đọc khi xức dầu trên trán thụ nhân. Chỉ Giám mục mới có quyền ban phép Thêm Sức. Hiệu quả bí tích là thông ban Thánh Thần để người kitô-hữu được mạnh sức, so với phép Rửa tội ban Thánh Thần để tha tội. Giống như trường hợp phép Rửa và bí tích Truyền Chức, không được Thêm Sức lại. Nhưng chỉ với thánh Tôma, phép Thêm Sức mới được coi là bí tích với đầy đủ ý nghĩa : “Dấu chỉ hữu hiệu ban ân sủng do Đức Kitô thiết lập”. Lúc đầu thánh Tôma cho rằng Đức Giêsu lập phép Thêm Sức khi Người đặt tay trên đầu các trẻ em (x. Mt 19, 15). Về sau, ông bỏ ý kiến này ; theo ông, Đức Kitô lập bí tích này khi hứa ban Thánh Thần (x. Ga 16, 7). Mà Thánh Thần chưa được ban trọn vẹn khi Đức Kitô chưa được tôn vinh.

 

Đối với Tôma, chất thể cốt yếu của bí tích là dầu Chrisma. Ngài không đề cập đến việc đặt tay trong tác phẩm “Opusculum de articulis fidei et Ecclesae sacramentis”, và cho rằng việc Thêm Sức (confimatio) thay thế việc đặt tay. Khẳng định này của Tôma đã được Huấn Quyền lấy lại từng chữ trong Sắc lệnh gửi người Arméniens (D. 697).

 

Bonaventura coi “dầu xức” như chất thể thiết yếu, nhưng có kèm theo việc đặt tay (Breviloquium p.6,c.8).

 

Mô thức bí tích là lời đọc của Giám mục khi ghi dấu trên trán bằng dầu Chrisma : “Ta ghi cho ngươi dấu Thánh Giá, và ta củng cố ngươi bằng dầu cứu rỗi”. Trong Giáo Hội Latinh, công thức này có từ thế kỷ X. Trong Giáo Hội Đông phương, với công thức “Aán tín hồng ân Chúa Thánh Thần”.

 

Mục đích của phép Thêm Sức là củng cố, thêm sức mạnh cho người đã chịu phép Rửa, để họ có can đảm tuyên xưng Danh Chúa Kitô. Trong Tổng luận thần học (III, q. 72, a. 5), Tôma cho rằng nhờ phép Thêm Sức mà chúng ta có khả năng thực hiện cuộc chiến thiêng liêng chống lại các kẻ thù của đức tin. Ơn phép Thêm Sức không phải để tha tội, mà để tăng thêm và củng cố sự công chính.

 

Giáo Hội  không cho phép Thêm Sức lại lần thứ hai. Dựa vào đó, thần học kinh viện đã suy ra “ấn tín không phai mờ”, bắt đầu với Guillaume d’Auxerre và Hugues de Saint Cher. Pierre Lombard coi điều đó là chắc chắn, không thể nghi ngờ được. Nhưng có điều khó khăn là nghi thức người theo lạc giáo trở lại rất giống phép Thêm Sức : có nơi thì “đặt tay”, có nơi thì xức dầu sau khi thanh tẩy lại cách tượng trưng. Chính vì lý do này mà Photius đã tố cáo Giáo Hội Latinh ‘thêm sức lại’.

 

Các thần học gia kinh viện coi Giám mục là thừa tác viên ban bí tích Thêm Sức. Đó là truyền thống của Giáo Hội Latinh. Theo như Hippolyte, sau lần xức dầu của linh mục, Giám mục đặt tay và xức dầu. Đức Thánh Cha Innocent I cấm các linh mục ban phép Thêm Sức, dựa vào thói quen của Giáo Hội và cách thực hành của các Tông Đồ (Cv 8, 14-17).

 

Nhưng trong truyền thống của Giáo Hội cũng có luật trừ : nơi nào không có Giám mục thì các linh mục được phép xức dầu trên trán những người đã chịu phép Rửa (Grégoire le Grand, Ep. 16 : ad Januarium).

 

Trong Giáo Hội Đông phương, linh mục được công nhận là thừa tác viên bí tích Thêm Sức rất sớm. Các văn kiện cổ chỉ nói rằng Giám mục, nếu rửa tội cho ai thì cũng xức dầu và đặt tay trên người ấy. Cách thực hành này của Giáo Hội Đông phương được Giáo Hội Rôma công nhận. Nhưng ngay cả trong Giáo Hội Đông phương, chỉ có Giám mục mới được hiến thánh dầu để thêm sức.

 

F. TỪ SAU THỜI TRUNG CỔ CHO TỚI NAY.

 

Từ thế kỷ XVI, phong trào Cải-cách (Tin lành) không coi phép Thêm Sức là bí tích. Đối với họ, phép Thêm Sức chỉ là một trong những nghi thức mà cha ông để lại, nhưng không phải do lệnh truyền của Chúa, cũng không có bảo đảm ân sủng (Appologia confessionis 1-2, DS 1628-1629).

 

Sau Công Đồng Trentô, để chống lại người Tin lành, nhiều người trong Giáo Hội Công Giáo đã nỗ lực minh chứng tính bí tích của phép Thêm Sức, dựa vào Kinh Thánh. Thánh Bellarmin có công lớn trong việc làm này, nhưng cũng chưa xây dựng được một thần học về bí tích Thêm Sức. Vấn đề là làm sao minh chứng là Chúa đã hứa cho mọi kitô-hữu thuộc mọi thời đại, hồng ân Thánh Thần khác với ơn Thánh Thần trong phép Rửa ; Thánh Thần được ban nhờ việc đặt tay thời Giáo Hội sơ khai không chỉ là đặc sủng ; và việc đặt tay ban Thánh Thần phải có tương quan nào đó với Đức Kitô. Thần học còn phải nỗ lực nhiều để làm công việc này.

 

Ngày nay, phong trào canh tân phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo góp phần rất nhiều vào việc xây dựng thần học về bí tích Thêm Sức.

 

Điều quan trọng thứ nhất là người ta nhận ra rõ hơn chỗ đứng của bí tích Thêm Sức : bí tích Thêm Sức bổ sung cho phép Rửa, hoàn tất phép Rửa, cần thiết để xây dựng một đời sống kitô-hữu trưởng thành.

Việc canh tân phụng vụ cũng làm cho hiểu sâu hơn ý nghĩa lễ Phục Sinh và lễ Hiện Xuống. Nhờ đó, ta cũng hiểu hơn bí tích Thêm Sức gắn liền với phép Rửa như Hiện Xuống gắn liền với Phục Sinh. Phép Thêm Sức là bí tích của Thánh Thần Viên Mãn thời Messia. Chính vì thế mà bí tích ấy mang người kitô-hữu lên địa vị rất cao : hiến thánh họ thành tư tế, tiên tri, vương đế trong Vương Quốc của Thánh Thần. Và vì Thánh Thần Chúa đến bao phủ địa cầu, phép Thêm Sức làm cho những người kitô-hữu thành những người tuyên xưng đức tin và Tông Đồ rao giảng Nước Chúa Kitô.

 

Điều thứ hai cũng khá quan trọng, ảnh hưởng đến thần học về bí tích Thêm Sức, là quyết định của Đức Piô XII năm 1946, cho phép linh mục cử hành bí tích Thêm Sức khi cần thiết (Sacra Congregatio de Disciplina Sacramentorum, Decretum 14.9.1946 : AAS 38 (1946), 349-354). Quyết đinh này được coi như hành vi “cởi trói”, đưa cách thực hành của Giáo Hội Latinh xích lại gần cách thực hành của Giáo Hội Đông phương, nhờ đó mà Giáo Hội Latinh tiếp thu những điều tích cực và phong phú trong truyền thống Đông phương, đặc biệt từ khoa Thánh-Linh-học của Đông phương.

 

Đặc biệt hơn cả là trong Nghi thức gia nhập Kitô-giáo của người lớn, do Thánh Bộ Phụng Tự công bố năm 1972, ở giai đoạn III cử hành các bí tích nhập đạo, nối kết mật thiết các bí tích Rửa tội - Thêm Sức- Thánh Thể. Mô thức của bí tích Thêm Sức là mô thức của Giáo Hội Đông phương, được áp dụng từ thế kỷ IV-V : “T... Hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần” (N... Accipite signaculum Donum Spiritus  Sancti).

 

III. THẦN HỌC VỀ BÍ TÍCH THÊM SỨC.

 

A.     THÁNH THẦN VÀ PHÉP RỬA TRONG THẦN HỌC CỦA TÂN ƯỚC.

 

1. Sự nối kết cụ thể, sinh động và hữu hiệu với Đức Giêsu Kitô Phục Sinh.

 

Kitô-hữu chịu phép Rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô (Cv 2, 38), để cho Đức Giêsu Kitô tác động và biến đổi, được đưa vào sự Phục Sinh cánh chung của Ngài.

 

Chân lý này có thể diễn tả bằng nhiều cách. Nhờ phép Rửa, ta đã được mai táng làm một với Ngài trong sự chết ... , ta cũng bước đi trong đời sống mới (Rm 6, 4 ; Cl 2, 12) ; Trong Thần Khí độc nhất, hết thảy ta nhờ thanh tẩy mà nhập vào “Thân Mình độc nhất” (1Cr 12, 13) ; Phàm ai được thanh tẩy trong Đức Kitô (Gl 3, 27) ; Anh em đã lột bỏ con người cũ với các hành vi của nó, và đã mặc lấy con người mới được canh tân (Cl 3, 10 ; Ep 4, 22-24).

 

Người chịu phép Rửa đã tiếp nhận Lời của Đức Giêsu cách sâu xa(Cv 2, 41 ; 8, 35-36), chia sẻ tư cách làm con của Ngài (Gl 3, 26 ; 4, 7), nhận lãnh Thánh Thần của Ngài (Gl 4, 6), thông phần “cuộc sống hiện tại” của Ngài, được ghi dấu thời viên mãn cánh chung (Cl 3, 1-4).

 

Vậy phép Rửa được coi như một Tin Vui (Cv 2, 14-41 ; Mc 1, 4). Phép Rửa niêm ấn sự liên kết với Đức Kitô. Đức Kitô đã chịu phép rửa trong nước (Lạy Chúa, 3, 21-22), nhưng phép thanh tẩy thực sự của Ngài (Mc 10, 38 ; Lạy Chúa, 12, 30) không phải là phép rửa bằng nước, mà là cái chết đẫm máu vì nhân loại. Phép Rửa Kitô-giáo làm cho chúng ta gặp gỡ, “qua nước”, Đấng đã chết và sống lại, làm cho ta gắn bó với Đức Kitô nơi “cao điểm” hay “trọng tâm” cuộc sống của Ngài.

 

2. Sự hoán cải và ơn tha tội.

 

Phép Rửa trong Dothái-giáo và phép rửa của Gioan đã có ý nghĩa hoán cải để được phép tha tội. Phép Rửa  Kitô-giáo nối  kết sự hoán cải  để  được tha tội với mầu nhiệm Tử Nạn - Phục Sinh của Đức Kitô (Cv 2, 38).

 

Khi còn tại thế, Đức Giêsu cũng đã chịu thanh tẩy. Đó cũng là một cách tự biểu lộ mình, làm chứng cho Chúa Cha. Ngài đã chống lại tội lỗi bằng lời nói (Mc 2, 10-12 ; Ga 15, 3),bằng cách cư xử (Mt 12, 22-32; Ga 4, 8), bằng những cử chỉ đặc biệt : phép lạ chữa bệnh, thanh tẩy đền thờ, rửa chân cho môn đệ...

 

Qua cái chết, công trình cứu thế của Ngài đạt tới cao điểm. Phép Rửa mang lại các kết quả của công trình cứu thế  trải dài trong lịch sử (1Cr 6, 11 ; 1Pr 3, 21).

 

Sự thanh tẩy và ơn tha thứ tội lỗi hướng tới ý nghĩa tròn đầy của phép Rửa là “thánh hóa”, kết hiệp với Thiên Chúa Hằng Sống và Thánh Thiện (Ep 5, 26 ; 1Cr 6, 11).

 

3. Ơn Thánh Thần.

 

Theo Tân Ước, ơn Thánh Thần trong phép Rửa có quan hệ mật thiết với Đức Kitô Phục Sinh và với ơn tha tội :

 

a. Quan hệ với Đức Kitô.

 

“Anh em được tẩy rửa, được tác thánh, được giải án tuyên công, nhân danh Đức Giêsu Kitô và trong Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta (1Cr 6, 11).

 

“Trong Thần Khí độc nhất, hết thảy ta được nhờ thanh tẩy mà nhập vào Thân Mình độc nhất” (1Cr 12,13)

 

Đức Giêsu là Đấng được Chúa Cha ban Thần Khí viên mãn (Ga 3, 34). Chúng ta thấy điều đó ngay trong cuộc đời tại thế (phép Rửa : Lc 3, 22 ; sứ vụ : Lc 4, 14. 18 ; Cv 1, 2) ; (cuộc chiến chống thần dữ : Mt 4, 1 ; 12, 28 ; việc cầu nguyện : Lc 20, 2), cũng như khi Ngài đã Phục Sinh (Cv 2, 33 ; Ga 7, 39 ; 15,26 ; 16, 7. 14-15).

 

“Thiên Chúa đã sai Thần Khí Con của Người đến trong lòng anh em” (Ga 4, 6).

 

Chính vì thế mà đức tin phép Rửa hướng về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (2Cr 1, 21-22 ;  Ep 1, 13 ; Mt 28, 19).

 

Ơn Thánh Thần cho thấy Đức Kitô là Chúa, khai mạc thời cánh chung. Các ngôn sứ Cựu Ước đã loan báo ngày Thiên Chúa đổ tràn Thánh Thần (Is 32, 15 ; Ed 36, 26 ; Ge 3, 1). Biến cố Ngũ Tuần thể hiện lời loan báo đó (Cv 2, 16-21). Từ nay, toàn thể Dân Chúa “mang Thánh Thần”. Nhưng giai đoạn phổ quát này có một ý nghĩa cánh chung. Hiện nay chúng ta chỉ có bảo chứng (2Cr 5, 5 ; Ep 1, 14), khai ân của Thần Khí (Rm 8, 23). Phép Rửa hướng tới ngày cứu độ (Ep 4, 30). Những người chịu phép Rửa được làm con và thừa tự (Ga 4, 7). Họ phục vụ trong sự mới mẻ của Thần Khí (Rm 7, 6), bước đi trong Thần Khí (Ga 5, 16), mang lại hoa quả của Thần Khí (Ga 5, 22).

 

b. Đức Kitô Phục Sinh ban Thánh Thần để tha tội (Ga 20, 22-23).

 

Điều này, đã được báo trước trong cuộc sống tại thế của Ngài. Ngay cả trước Phục Sinh, Đức Giêsu đã dấn thân vào cuộc chiến chống lại ác thần với sức mạnh của Thần Khí (Mt 12, 28). Ngài hứa ban cũng Thần Khí ấy cho các tín hữu bị bách hại hoặc còn thiếu hiểu biết (Mc 13, 11 ; Ga 16, 8-11).

 

Có hai cách nhận ra sự can thiệp của Chúa Thánh Thần trong phép Rửa :

 

(1). Trước hết phải có một cái khung nhìn rất rộng rãi.

 

Ơn Thánh Thần không gắn liền cách toàn diện và tất yếu với nghi thức Rửa tội. Luca nhấn mạnh điều này, ghi nhận việc  thông  ban Thánh  Thần có  thể đi  trước phép  Rửa  (Cv 10, 44)  hay  theo sau      (Cv 8, 15-26 ; 19, 6).

 

Cv 2, 38 nối kết việc nhận lãnh Thánh Thần với phép Rửa cách mềm dẻo (subordination - succession) : “Mỗi người hãy chịu thanh tẩy nhân danh Đức Giêsu Kitô để được tha tội, và các người sẽ được lĩnh ơn Thánh Thần”.

 

Tân Ước còn dùng cách nói “thanh tẩy trong Thánh Thần” (Ga 1, 33 ; Mt 3, 11), không những chỉ khi nào có phép rửa bằng nước (1Cr 12, 13), mà cả khi Thánh Thần tự biểu lộ (Cv 1, 5 ; 11, 16).

 

Ơn Thánh Thần có nhờ phép Rửa, nhưng không gắn liền với phép Rửa như điều kiện duy nhất và tất yếu. Việc ban Thánh Thần có một sự độc lập nào đó đối với nghi thức. Nhưng thường thì truyền thống Kinh Thánh nối kết Nước và Thần Khí như những yếu tố cấu tạo phép Rửa Kitô-giáo (Ga 3, 5 ; Tt 3, 5).

 

(2). Ơn Thánh Thần trong phép Rửa phải được hiểu dưới nhiều khía cạnh khác nhau, qua những từ ngữ và hình ảnh khác nhau, bổ sung cho nhau.

 

- Từ ngữ : Phaolô liệt kê những danh sách các ơn và các đặc sủng của Thần Khí (Gl 5, 22 ; Rm 12, 14).

 

Cách hiện diện và tác động của Thánh Thần cũng được nhìn bằng nhiều cách. Trước hết, có một từ ngữ chung : “Thánh Thần được ban cho” (Cv 2, 38 ; 8, 20 ; 11, 17 ; 15, 8). Nhưng còn nhiều từ ngữ khác nhau nhấn mạnh “chiều sâu” của tác động Thánh Thần : “Được đổ đầy Thần Khí” (Cv 2, 4), “Được uống (giải khát) cùng Thần Khí” (1Cr 12, 13), “Thần Khí cư ngụ trong...” (Rm 8, 11), Thánh Thần “lưu lại” và “ở trong” (Ga 14, 17).

 

- Hình ảnh (biểu tượng). Có ba loại biểu tượng chính :

 

+ Nước : - Thánh Thần được đổ tràn (Cv 2, 17-33 ; Tt 3, 6).

            

               - Thánh Thần “giải khát” (Ga 7, 37-39 ; 1Cr 12, 13).

 

               - Ta được “chôn vùi” trong Người.

 

+ Dầu xức : Việc xức dầu ban cho hương thơm và thêm sức mạnh (2Cr 1, 21 ; 1Ga 2, 20-27).

 

+ Aán tín (con  dấu) : (2Cr 1, 22 ; Ep 4, 30 ; Kh 7, 4 ; 9, 4).

 

Các biểu tượng có thể nối kết với nhau, nhưng vẫn có ý nghĩa riêng :

 

+ Nước Rửa tội là biểu tượng cho sự thanh tẩy và là nguyên lý sự sống.

 

+ Dầu xức là biểu tượng của tác động thấm nhập và làm cho mạnh mẽ của Thần Khí.

 

+ Aán tín là biểu tượng cho sự bền bỉ và chân thật.

 

Cả ba loại biểu tượng ấy đều phù hợp để nối kết sự hiện diện sống động của Thánh Thần với lời nói và tác động của Đức Kitô :

 

“Tự lòng Ngài có những sông tuôn chảy Nước Hằng Sống” (Ga 7, 38).

 

Đức Kitô là Tôi Tớ Thánh của Thiên Chúa, được Thiên Chúa xức dầu (Cv 4, 27 ; 10, 38).

 

Đức Kitô là Đấng được Chúa Cha niêm ấn (Ga 6, 27).

 

4. Sự sống trong Giáo Hội.

 

Trong Tân Ước, phép Rửa không phải là việc cá nhân, mà là hành vi Thiên Chúa dùng để “hình thành” Giáo Hội.

 

Ý nghĩa và bối cảnh phép Rửa Kitô-giáo đều có chiều kích Giáo Hội.

 

- Chúng  ta không thể tự thanh tẩy, nhưng  nhận lãnh phép Rửa từ một người khác (Cv 8, 38 ; 1Cr 1, 14-16). Ta chịu phép Rửa vì đã đón nhận Lời Chúa (Tin Mừng) từ một nhân chứng (Cv 8, 12 ;   16, 14-15 ; 18, 8).

 

- Thời  kỳ đầu trong Giáo  Hội,  phép  Rửa được cử hành trong cả nhóm : gia đình, gia tộc (Cv 10, 47 ;  

   16, 15. 33).

 

- Phép Rửa khôngchỉ liên hệ tới người nhận lãnh, mà là hành vi nhờ đó các chi thể mới gia nhập vào  

  Giáo Hội  (Cv 2, 41. 47).

 

Giáo Hội là Giáo Hội phép Rửa, vì ba ý nghĩa của phép Rửa được thể hiện trong Giáo Hội :

 

+ Thân Mình độc nhất của Đức Kitô Phục Sinh (1Cr 12, 13a) ;

 

+ Môi sinh thông truyền ơn tha tội ;

 

+ Dân Chúa mà Thánh Thần linh hoạt (1Cr 12, 13b).

 

Các kitô-hữu sơ khai rất xác tín về những điều này :

 

+ Những người xứ Samari được thanh tẩy nhân danh Đức Giêsu nhìn thấy phép Rửa của họ được hoàn tất và bao gồm ơn Thánh Thần khi các Tông Đồ đến với họ (Cv 8, 14-17).

 

+ Sự “duy nhất cơ bản” giữa các kitô-hữu phát xuất từ giá trị tập thể của phép Rửa : một phép Rửa duy nhất (Ep 4, 5), cử hành một lần duy nhất, đồng nhất cho mọi người ; kết hợp với cùng một Thân Mình Duy Nhất của Đức Kitô (1Cr 12, 13), các tín hữu rất khác nhau và thuộc về nhiều thế hệ (Gl 3, 27-28 ;  1Cr 12, 13 ; Cl 3, 11).

 

B. THÁNH THẦN VÀ GIÁO HỘI TRONG BÍ TÍCH THÊM SỨC.

 

1. Thánh Thần trong bí tích Thêm Sức.

 

Thánh Thần trong bí tích Thêm Sức vừa là Thánh Thần của Giáo Hội, vừa là Thánh Thần của mỗi kitô-hữu.

 

Mỗi người chịu phép Thêm Sức đều nhận lãnh và làm thành của riêng mình ơn Thánh Thần đã được ban cho Giáo Hội.

 

Như ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần được ban cho tất cả và từng người, ngày Thêm Sức, Thánh Thần được chuyển thông cho từng người lãnh nhận.

 

Cách hiểu này đưa tới những hệ luận :

 

a.Trong phép Rửa, Giáo Hội nhận lãnh và thông chuyển một Thần Khí ban đầu, một Năng Lực tái sinh. Trong phép Thêm Sức, Giáo Hội thông ban một Thần Khí đã được vận dụng để phục vụ Đức Kitô. Cùng một Thánh Thần, nhưng dưới hai khía cạnh khác nhau, bổ sung cho nhau.

 

b. Sự triển nở cá nhân của kitô-hữu gắn liền với việc phát triển của Giáo Hội là “Thân Mình Đức Kitô”. Giáo Hội xây dựng trên Đức Kitô Phục Sinh là Trọng Tâm tối hậu và duy nhất. Phát xuất từ Sự Sống của Giáo Hội, sự triển nở cá nhân không là một hành vi lệ thuộc, nhưng là gắn bó với Đức Kitô ; công nhận rằng Ngài biểu lộ, không những trong sự kết hợp thân mật giữa người kitô-hữu với Ngài, mà cả trong sự thiết lập và biến chuyển của các “Cộng Đồng kitô-hữu” (= Giáo Hội địa phương).

 

Hơn thế nữa, được rửa tội và thêm sức, không phải là theo cách máy móc một số “tiêu chuẩn”, nhưng là đón nhận vào tâm hồn mình Thánh Thần của Thiên Chúa và dần dần khám phá Thánh Thần trong mỗi người là Thánh Thần mà Thiên Chúa ban cho Giáo Hội.

 

c. Khi lãnh nhận phép Thêm Sức, các thụ nhân thể nghiệm - nhờ Giáo Hội và trong Giáo Hội - sự hiện diện của Thánh Thần giữa loài người. Nhưng chính Giáo Hội cũng được mời gọi đào sâu kinh nghiệm Thánh Thần.

 

Nhờ hồng ân “mới” đối với một số người, phép Thêm Sức phải làm sống lại hồng ân trước đây đã ban cho những người khác. Mỗi lần cử hành bí tích Thêm Sức, “củng cố” các kitô-hữu, chính Giáo Hội cũng được “củng cố”.

 

d. Trách nhiệm của Giáo Hội trở nên “rõ ràng” : đối với Giáo Hội, triển nở không phải chỉ là vấn đề số lượng, mà còn là triển nở trong Thần Khí ; - cử hành Thêm Sức là lúc Giáo Hội “biện biệt” Thần Khí, đồng thời để cho Thần Khí biện biệt ; - Thêm Sức là một “hành vi” nghiêm chỉnh mà Giáo Hội cần để thể nghiệm sự triển nở của mình và cảm nghiệm sự hiện diện của Thần Khí. Đó là một hành vi phục vụ, giúp những người đã chịu phép Rửa khám phá cách thức mà Thánh Thần cư ngụ trong họ, nhận ra từ sự triển nở của Giáo Hội những nẻo đường cho đời sống thiêng liêng của họ.

 

e. Bí tích Thêm Sức ghi một ấn tín mới trên những người đã chịu phép Rửa. Aán tín ấy có nghĩa như sau : người chịu phép Thêm Sức là người đã chịu phép Rửa, và trên nền tảng phép Rửa ấy, họ thể nghiệm trong Thần Khí “Giáo Hội là đời sống của họ, và tương quan giữa họ với Thiên Chúa”. Người chịu phép Rửa hiểu cách tích cực Thánh Thần của Thiên Chúa cũng là Thánh Thần của Giáo Hội, và “kinh nghiệm Giáo Hội ” là môi trường kinh nghiệm Thánh Thần.

 

Nhờ Thánh Thần, kitô-hữu hiểu cách thâm sâu Giáo Hội là gì. Người chịu phép Thêm Sức khám phá “trong mình” Thánh Thần nuôi sống Giáo Hội, đón nhận Ngài - Đấng không ngừng linh hoạt các Cộng Đồng Giáo Hội - vào trong cuộc sống. Chúa Thánh Thần “nội-giới-hóa” Giáo Hội nơi người chịu phép Thêm Sức.

 

2 Thánh Thần do phép Thêm Sức giúp đào sâu kinh nghiệm thiêng liêng của người kitô-hữu.

 

+ Kinh nghiệm thiêng liêng thực sự là kinh nghiệm Thánh Thần. Kinh nghiệm thiêng liêng là một kinh nghiệm chiều sâu, rất riêng tư, không thể vay mượn được, nhưng chính vì thế lại trở thành nơi “thiết lập” những tương quan sâu xa nhất với tha nhân.

 

+ Kinh nghiệm thiêng liêng không bao giờ hoàn tất, không gì hoàn toàn cố định trong ấy, dù dần dần kinh nghiệm ấy hình thành những “trục căn bản” làm cho có một cơ cấu.

 

+ Kinh nghiệm thiêng liêng trong Kitô-giáo như thế nào?  -  Quy chiếu về kinh nghiệm thâm sâu nhất là kinh nghiệm về Thiên Chúa : Thiên Chúa ban cho con người Thần Khí của Người, (nhưng đòi hỏi hoán cải, vì đường lối của Thiên Chúa không là đường lối con người) ;  - Nhưng có một điểm quy chiếu lịch sử rõ rệt : Đức Giêsu Kitô và Giáo Hội.

 

+ Ơn gọi của toàn thể nhân loại không những là “sống theo Thần Khí”, mà còn là “nhận biết Chúa Thánh Thần”.

 

+ Phép Rửa là “bước vượt qua quyết định” đưa một người đến chỗ nhận những điểm quy chiếu của Giáo Hội để sống trong Đức Kitô và Thánh Thần, hướng về Chúa Cha. Phép Thêm Sức nhấn mạnh khía cạnh “tiệm tiến”, đào sâu, làm sáng tỏ (seuils, reprises et maturations) mầu nhiệm Vượt Qua trong đời sống kitô-hữu.

 

 

 

 

3. Thần Khí Thêm Sức biểu lộ dưới ba khía cạnh (Nội dung Ơn Chúa Thánh Thần).

 

Từ thế kỷ IV, nghi lễ Latinh đã kê khai bảy ơn Chúa Thánh Thần, từ bản văn Is 11, 2 nói về các phẩm tính của Đấng Messia. Bản dịch Vulgata cũng như bản LXX đều thêm vào một ơn cho đủ con số 7, biểu tượng cho sự viên mãn.

 

Nghi lễ Latinh hiện nay vẫn giữ lại cách kê khai ấy. Thánh Thần của phép Thêm Sức là Thần Khí Khôn Ngoan, chỉ “kinh nghiệm thiêng liêng” xét toàn diện ; là Thần Khí Hiểu Biết, làm cho chúng ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong đúc tin ; là Thần Khí Phán Đoán (conseil), làm cho chúng ta có thể thẩm định các hoàn cảnh ; Thánh Thần  Sức Mạnh Can Đảm, giúp chúng ta “trung thành” trong cuộc sống thường nhật ; Thánh Thần Tri Thức (Science), “xác định chuyên biệt hơn” ơn hiểu biết để đưa tới hành động ; Thánh Thần “Hiếu Thảo” (piété), làm cho chúng ta yêu mến và tin tưởng Thiên Chúa ; cuối cùng là Thánh Thần “Kính Sợ”, làm cho chúng ta biết “tôn thờ và kính trọng” Thiên Chúa.

 

Con số 7, cho thấy sự phong phú của Thánh Thần, giúp ta thấy rõ những nét chính trong “tác động” của Thánh Thần nơi chúng ta, tuy nhiên đó là một con số hơi lớn. Chính vì thế mà trong lịch sử thần học đã có những cố gắng sắp xếp. Một mình thánh Tôma đã đưa ra bốn cách sắp xếp khác nhau, hầu hết đều nhấn “ơn Sức Mạnh”. Quan điểm này của thần học Tây phương phát xuất từ Fauste de Riez (thế kỷ V) :

 

“Cả cuộc đời chúng ta phải là một chiến thắng không ngừng, trong thế gian mà chúng ta phải đi tới giữa muôn vàn hiểm nguy tạo nên những kẻ thù vô hình. Nhờ phép Rửa, chúng ta được tái sinh để sống, sau đó chúng ta được “củng cố” để chiến đấu. Trong phép Thánh Tẩy, chúng ta được rửa sạch ; trong phép Thêm Sức, chúng ta được làm cho vững mạnh. Nếu chúng ta phải chết ngay sau khi chịu phép Rửa, ơn tái sinh đã đủ. Nhưng để chiến đấu trong cuộc đời sau đó, chúng ta cần thêm phép Thêm Sức... Phép Thêm Sức “trang bị cho những ai phải đương đầu với những trận chiến ở trần gian”

 

Dấu nhấn trên ơn Sức Mạnh không là điều mới lạ. Cyrille de Jérusalem cũng đã làm như vậy. Nhưng trong thần học Tây phương, nó dần dần trở thành “độc chiếm”. Từ thế kỷ IX đến thế kỷ XII, nó được khai triển theo hai hướng : hướng 10 nhằm sự can đảm làm chứng cho Chúa và tuyên xưng đức tin trước mặt người đời ; hướng 20  nhằm sự khổ chế trong đời sống hàng ngày.

 

Thánh Tôma đúc kết hai chiều hướng ấy thành một : “Phép Rửa giống như sự tái sinh thiêng liêng cho đời sống Kitô-giáo. Phép Thêm Sức như một thứ ‘triển nở thiêng liêng’, đưa con người tới chỗ trưởng thành trong đời sống đạo” (Sum. Theol., tertia pars. Qu. 72, a. 5).

 

Thần học này được Công Đồng Vatican II xác nhận :

 

“Nhờ bí tích Thêm Sức, những người đã chịu phép Rửa được trang bị một sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần” (GH 11).

 

“Giáo dân có bổn phận và quyền làm tông đồ do chính việc kết hiệp với Chúa Kitô là Đầu. Họ được chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ, vì phép Rửa sát nhập họ vào Nhiệm Thể Chúa Kitô, phép Thêm Sức làm cho họ nên mạnh mẽ nhờ Quyền Năng của Chúa Thánh Thần” (TĐ 3).

 

“Mọi kitô-hữu, dù sống ở đâu, đều phải lấy gương mẫu đời sống và chứng tá lời nói để biểu dương con người mới mà họ đã mặc lấy nhờ phép Rửa, và biểu dương sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà họ được củng cố nhờ phép Thêm Sức, để những người khác nhìn thấy những việc lành của họ mà ngợi khen Chúa Cha” (GH 11).

 

“Xin hãy gìn giữ trong tâm hồn các tín hữu Ngài những ơn của Thánh Thần, để họ hãnh diện tuyên xưng trước mặt thế gian Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, thi hành các giới răn với lòng mến và quảng đại” (Nghi thức Thêm Sức 1971, Lời khuyên Nhập lễ).

 

CaÙch giải thích trên đúng, nhưng còn thiếu sót. Vì nếu căn cứ bảng liệt kê các ơn Thánh Thần trong phụng vụ thì còn nhiều khía cạnh khác không thể đồng hóa với “Sức Mạnh”, đặc biệt là khía cạnh “tri thức”, “phán đoán”... Dựa vào các bản văn khác của Nghi thức, chúng ta còn có thêm khía cạnh “hoàn tất đời sống Kitô-giáo” (Cyprien, Cyrille de Jérusalem), khía cạnh “cánh chung” (Ambroise, Const. Apost., Théodore de Mopsueste). Ngay cả bài giảng của Fauste de Riez, dù nhấn “Sức Mạnh” của Thánh Thần, vẫn cho thấy rằng trong bí tích Thêm Sức, cũng một Thánh Thần ấy thông ban cho chúng ta “ơn thưởng nếm Thiên Chúa” (gôut de Dieu), ơn khao khát sự sống đời đời, ơn trở nên những  “ con người thiêng liêng”.

 

Ngoài bảy ơn Thánh Thần, còn có kinh nghiệm về sự triển nở và hiệp nhất của Giáo Hội :

 

“Ước gì Con Duy Nhất của Chúa Cha chúc lành cho anh chị em, vì Người đã hứa Thánh Thần Chân Lý sẽ luôn cư ngụ trong Giáo Hội của Người ... Sau khi đã quy tụ anh chị em trong một Thân Mình, Người sẽ dẫn đưa anh chị em đến niềm vui Nước Trời” (Nghi thức Thêm Sức 1971, Lời chúc lành cuối lễ).

 

Ít nhất, chúng ta phải ghi nhận ba chức năng của Chúa Thánh Thần được thông ban qua phép Thêm Sức:

 

a. Trong kinh nghiệm Kitô-giáo, Thánh Thần là Thánh Thần Chân Lý (Ga 14, 17 và 16, 13). Người là nguồn Tri Thức và Thông Hiểu. Người làm cho chúng ta nên sáng suốt để giải thích các biến cố và kiểm nghiệm sự trung thành của chúng ta (Cv 5, 3 ; Ga 5, 19-23). Người mạc khải Thiên Chúa, giúp chúng ta thấm nhuần lời Kinh Thánh, linh hoạt kinh nguyện của chúng ta (Ep 6, 18), nuôi dưỡng trong chúng ta “linh tính đức tin” (sens de Dieu, GH 12), làm cho chúng ta nhạy cảm với những tiêu chuẩn mà Giáo Hội đề xuất cho đời sống đạo.

 

 b. Thánh Thần là “Sức Mạnh” (Cv 1, 8 ; Lạy Chúa, 24, 49), là Năng Lực thiêng liêng theo hai hướng :

 

+ Giáo Hội và Thánh Thần Truyền Giáo (Cv 13, 4 ; 16, 6 ; 1Tx 1, 5 ; GH 17 và 24).

 

+ Sức Mạnh và động lực cho cuộc sống hàng ngày (Gl 5, 19-25). Năng Lực của Thánh Thần còn hướng về Tương Lai, Người là Nguồn Hy Vọng (Ep 1, 3 ; Lạy Chúa, 24, 49 ; Cv 1, 4 ; Gl 5, 5 ; Kh 22, 17).

 

c. Thánh Thần là Nguồn Hiệp Thông và Duy nhất (2Cr 13, 13) : sự Duy Nhất phát xuất từ Chân Lý và sự Triển Nở. Sự Hiệp Thông mà Thánh Thần phát triển nhằm liên kết các nhóm và cá nhân. Các đặc sủng khác nhau nhằm một sự Hiệp Thông tích cực và chân thật (1Cr 12, 14). Thánh Thần tiêu diệt tội lỗi và các mãnh lực chia rẽ (Ga 20, 21-23), Người dẹp các chống đối (Cv 10 và Ga 4). Người là Thánh Thần Phổ Quát.

 

4. Phép Thêm Sức cho thấy đời sống phép Rửa có chiều kích Kitô và Thánh Thần.

 

Giáo Hội Tây phương thấy cần duy trì thùa tác vụ Giám mục trong việc “gia nhập Kitô-giáo” ; điều này đưa tới sự độc lập của phép Thêm Sức.

 

Giáo Hội Đông phương kết thúc nghi lễ Rửa tội bằng phép Thêm Sức, dùng dầu được Giám mục hiến thánh.

 

Theo cả hai bên, phép Thêm Sức mang tới cho người kitô-hữu ơn Thánh Thần ; hai bên đều công nhận một tương quan mật thiết giữa Giáo Hội và Thánh Thần trong bí tích Thêm Sức :

 

+ Phép Thêm Sức mời gọi các kitô-hữu thể nghiệm Giáo Hội mà họ là thành viên ; Giáo Hội cần phải được khám phá chiều sâu.

 

+ Giáo Hội  nhận thức rằng Thánh Thần linh hoạt chính mình, cũng là Thánh Thần phán xét chính mình. Giáo Hội không là sở-hữu-chủ, nhưng chỉ là chứng nhân. Khi hướng các kitô-hữu về với Thánh Thần, Giám mục cho thấy rằng ngài cũng tuỳ thuộc “Hồng Aân Thiên Chúa” : ngài ‘trao ban’ vì ngài đã ‘đón nhận’.

 

+ Trong Giáo Hội, Thánh Thần không bao giờ độc lập với Chúa Kitô. Chính Thần Khí của Đức Giêsu Kitô được thông ban cho chúng ta. Giáo Hội vừa là “Kitô”, vừa là “Thánh Thần”.

 

+ Đức Kitô là “Hồng Aân Thiên Chúa” dưới khía cạnh khách quan, lịch sử và xã hội. Ngài là Ngôi Lời mạc khải Chúa Cha, là Đầu của Giáo Hội. Tác Giả đầu tiên của các bí tích.

 

+ Thánh Thần là “Hồng Aân Thiên Chúa” dưới khía cạnh nội giới, khôn tả, vượt trên ngôn từ và hình thái. Chính vì thế, Đức Kitô vẫn coi Thánh Thần như “thiết yếu”, nếu chúng ta muốn đi sâu vào mầu nhiệm Vượt Qua.

 

Trong thực tế, đời sống kitô-hữu thống nhất sự quy chiếu về Chúa Kitô và Thánh Thần. Lời Chúa vừa là ngôn ngữ, vừa là linh hứng nội tâm. Bí tích vừa là hành vi của Đức Kitô, vừa là sự can thiệp của Thánh Thần. Cả việc Tin-Mừng-hóa cũng thế, đời sống huynh đệ của các kitô-hữu, việc chờ đợi Nước Chúa. Thừa-tác-vụ vừa là phục vụ Đức Kitô, vừa là phục vụ Thánh Thần ; phục vụ cho sự hiện diện của các Ngài trong Giáo Hội và thế giới. Tương quan của chúng ta với Thánh Thần “qua Đức Kitô” ; quan hệ giữa chúng ta với Đức Kitô là “quan hệ Thần Khí”.

 

Không thể coi thường Thánh Thần để làm nổi bật Đức Kitô ; cũng không thể coi thường Đức Kitô dể làm nổi bật Thánh Thần. Chúng ta đều có cùng Cha nhờ cả Hai - Đức Kitô và Thánh Thần -, và chúng ta không thể lựa chọn một trong hai con đường.

 

+ Không có Thánh Thần, Tin Mừng của Đức Giêsu chỉ còn là “chương trình hay luật lệ”. Không có Thánh Thần, Cộng Đồng Giáo Hội sẽ được tổ chức theo các quy tắc hiệu năng xã hội. Phải có Thánh Thần để cho đời sống Kitô-giáo gìn giữ cho Danh Giêsu sức mạnh Phục Sinh, và cho Thân Mình Giáo Hội những kinh nghiệm thiêng liêng đích thực.

 

Ngược lại, không có Đức Kitô, Thánh Thần bị phó nộp cho ngộ nhận hay ngây ngô, thậm chí cho cả đam mê... Chính Đức Giêsu ban Thánh Thần, trong cuộc sống và trong mầu nhiệm của Ngài, và bằng một cách khác, trong Thân Mình xã hội của Ngài, nơi cụ thể và duy nhất để biện biệt và làm chứng. Điều đó không có nghĩa là đóng khung Thánh Thần trong các giới hạn của cơ chế Giáo Hội, hay muốn kiểm soát hoạt động của Người.

 

Chúng ta có thể kết luận rằng phép Thêm Sức là một bí tích làm cho chúng ta có khả năng thực hành “lối sống của phép Rửa, vừa Kitô, vừa Thánh Thần”. Dĩ nhiên, những bí tích khác cũng thế, nhưng không có bí tích nào cho thấy rõ tương quan giữa Thánh Thần và Giáo Hội cho bằng phép Thêm Sức.

 

 


Trở về Mục Lục | Về Trang Nhà