CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI VÀ THẾ GIỚI
(Giáo huấn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về Chúa Thánh Thần)
Lm. Phêrô Trần Văn Hội
PHẦN NHẬP ĐỀ (1-2)
Trong Kinh Tin Kính, Giáo Hội tuyên xưng "Chúa
Thánh Thần là Chúa và là Đấng ban Sự Sống". Niềm tin đặt
nền tảng trên mạc khải của Chúa Giêsu : "Ai khát hãy đến với Ta, vá hãy
uống, kẻ tin vào Ta. Như lời Kinh Thánh đã nói : tự lòng Ngài có những sông
tuôn chảy nước sự sống", và Thánh Gioan giải thích : "Ngài nói về
Thánh Thần mà những kẻ tin vào Ngài sẽ lãnh lấy" (Ga 7, 37-39).
Niềm tin này không ngừng được tuyên xưng trong Giáo
Hội, nó cần được làm sống lại và đào sâu trong ý thức của Dân Chúa.
Trong bối cảnh thế giới hôm nay, niềm tin của Giáo
Hội mời chúng ta nghiên cứu và trình bày về Chúa Thánh Thần như là Đấng ban sự
sống.
Trong chiều hướng này, Giáo Hội có được sự đồng
cảm, khích lệ và trợ lực từ các Giáo Hội Đông phương. Các Giáo Hội này đang gìn
giữ kho tàng rất phong phú, cũng là tài sản chung của Giáo Hội, đó là giáo huấn
của các giáo phụ về Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần phải là nguồn mạch, là
Đấng khai mở những con đường dẫn tới sự hiệp nhất các kitô-hữu.
Thông điệp này cũng là lời đáp lại khát vọng sâu xa
của các tâm hồn : một khám phá mới mẽ về Thiên Chúa trong thực tại sâu xa của
Ngài là Thần Khí vô biên, một nhu cầu tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và
chân lý, một hy vọng tìm gặp nơi Thánh Thần bí mật của Tình Yêu và sức mạnh của
một cuộc sáng tạo mới.
I. THÁNH THẦN CỦA CHÚA CHA VÀ CHÚA CON TRAO BAN CHO
GIÁO HỘI (3-26).
A. LỜI HỨA VÀ MẠC KHẢI CỦA ĐỨC GIÊSU TRONG BỮA
TIỆC VƯỢT QUA (3-7)
Trước khi rời bỏ thế gian, Chúa Giêsu hứa ban cho
các môn đệ một "Đấng Bầu Chữa khác". Ngài là Thánh Thần chân lý (Ga 14,
13-16). Parakleitos có nghĩa là "Đấng An Uûi" (Consolateur), Đấng cầu
bầu (Intercesseur), hay Đấng bảo vệ (Défenseur).
Khác, tức là vị thứ hai, vì Chúa
Giêsu là Đấng bầu chữa thứ nhất. "Hỡi anh em, tôi viết điều này để anh em đừng
phạm tội, nhưng nếu ai trót phạm tội thì này ta có Đấng Bầu Chữa nơi Cha, Đức
Giêsu Kitô, Đấng Công Chính (1Ga 2, 1).
Khi Đấng Bầu Chữa đến, Ngài sẽ dạy dỗ và nhắc
nhở (Ga 14, 26). Ngài khơi dậy công cuộc rao giảng Tin Mừng , giúp các môn
đệ hiểu đúng sứ điệp của Chúa Kitô, duy trì tính liên tục và đồng nhất của chân
lý, để sứ điệp của Giáo Hội cũng là sứ điệp của Đức Giêsu Kitô.
Các môn đệ - tức là Giáo Hội - làm chứng về Chúa
Giêsu, nhưng chứng của Giáo Hội đặt nền tảng trên chứng từ của Thánh Thần, vì
Thánh Thần mới là chứng nhân thứ nhất : Ngài sẽ làm chứng về Ta và các ngươi
cũng sẽ làm chứng (Ga 15, 26-27)
Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn đưa các môn đệ vào
trong chân lý toàn vẹn về Mầu Nhiệm Thập Giá (Scandalum Crusis) và về tất cả
những gì mà Chúa Giêsu đã nói và đã làm (Mysterium Christi). Chúa Thánh Thần là
Đấng khơi dậy lòng tin để đón nhận lời rao giảng. Ngài là vị lãnh đạo tối cao,
là vị Thầy nội tâm, là ánh sáng cho tâm trí con người. Sứ mạng của Thánh Thần
tuôn trào từ sứ mạng của Chúa Kitô.
Mối liên hệ giữa Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần rất
sâu xa. "Ngài sẽ lấy của Ta mà loan báo cho các ngươi" (Ga 16,
14). Mà những gì Chúa Giêsu có là do lãnh nhận từ nơi Cha : "Mọi sự Cha
có hết thảy là của Ta" (Ga 16, 15). Thánh Thần lãnh nhận từ nơi Chúa
Kitô cũng là lãnh nhận từ nơi Cha. Sự duy nhất của Mạc khải phát nguồn từ sự
duy nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi.
B. CHÚA CHA, CHÚA CON VÀ CHÚA THÁNH THẦN (8-10).
Trong diễn từ sau bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu mạc khải
mối liên hệ sâu xa giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đây là đỉnh cao
của mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi.
Thánh Thần là Đấng Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa
Con (14, 26). Chúa Con xin Cha sai Thánh Thần, nhưng chính Ngài cũng sai Thánh
Thần. "Nếu Ta ra đi, Ta sẽ sai Ngài đến với các ngươi" (16, 7).
Mối liên hệ giữa Chúa Kitô và Thánh Thần không chỉ là tương quan thời gian :
Thánh Thần đến sau khi Chúa Giêsu ra đi, mà sâu xa hơn nhiều : Thánh Thần đến
vì Chúa Giêsu "ra đi", vì công trình cứu chuộc Đức Giêsu đã hoàn tất.
Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4, 8), Tình yêu là bản
chất chung của Ba Ngôi Vị. Với tư cách là Thánh Thần của Chúa Cha và Chúa Con,
Thánh Thần là Tình Yêu có tính ngôi vị. Vì là Tình Yêu, là Quà Tặng Thần Linh
(Don Incrée) nên Ngài "dò thấu cả những chiều sâu thẳm nơi Thiên Chúa"
là Tình Yêu (1Cr 2, 10). Sự sống thẳm sâu của Thiên Chúa trở thành quà tặng,
thành cuộc trao đổi tình yêu giữa các ngôi vị Thần Linh nơi Chúa Thánh Thần.
Nhờ Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa hiện hữu dưới hình thức một quà tặng. Thiên
Chúa tự hiến trong Chúa Thánh Thần. Ngài là Ngôi Vị-Hồng Aân (Personne-Don). Vì
đồng bản tính Thiên Chúa với Cha và Con, nên Ngôi vị Tình Yêu và Hồng Aân này
là nguồn suối từ đó tuôn tràn mọi ân huệ (doncrée) cho tạo vật. Nơi mầu nhiệm
Tạo Dựng, ân huệ đó là sự hiện hữu ; trong công cuộc cứu độ, ân huệ đó là ân
sủng. "Tình Yêu của Thiên Chúa tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần
được ban cho chúng ta" (Rm 5, 5).
C. THIÊN CHÚA TỰ HIẾN TRONG THÁNH THẦN ĐỂ CHÚNG TA
ĐƯỢC CỨU ĐỘ (11-14).
Việc Chúa Giêsu ra đi là điều kiện để Thánh
Thần được sai đi (envoi) và đến (venue). Đó cũng là lúc khởi đầu một "Aân
huệ mới" (nouveau don) : Thiên Chúa tự trở nên quà tặng trong Thánh Thần
để muôn loài được cứu độ.
Đó là khởi đầu mới so với khởi đầu thứ nhất khi
Thiên Chúa tự hiến trong công cuộc sáng tạo. Sách Sáng Thế minh chứng rằng : "Khởi
thủy, Thiên Chúa đã dựng nên trời và đất ... và Thần Khí là là trên mặt
nước" (St 1, 1). Như vậy, Thánh Thần Thiên Chúa đã hiện diện trong
công trình sáng tạo, khi Thiên Chúa tự hiến. Và Thiên Chúa tự trở nên quà tặng
cho con người khi tạo dựng nên họ giống hình ảnh và hoạ ảnh Chúa (St 1,
26).
Việc Khí Thần bay là là trong công cuộc sáng tạo
được đối chiếu với việc Thánh Thần đến khi công việc cứu chuộc được hoàn tất.
Cần có một khởi đầu mới vì tội lỗi đã xen vào. Tội lỗi chống lại sự hiện diện
của Thánh Thần, đặc biệt chống lại và khước từ việc Thiên Chúa tự hiến trong
công cuộc sáng tạo. Từ ngày có tội lỗi, "tạo vật bị lệ thuộc sự hư ảo
... và cho đến nay đang quằn quại ở cữ" và "ngong ngóng đợi
trông thấy con cái của Thiên Chúa được hiển dương" (Rm 8, 20-22.19).
Cuộc ra đi của Chúa Giêsu có sức cứu độ, điều này
cũng có nghĩa là bắt đầu một hiện diện mới của Thánh Thần trong toàn thể, tạo
thành một khởi đầu mới của việc Thiên Chúa tự hiến trong Thánh Thần. Kết quả là
"Thiên Chúa đã sai Thần Khí Con của Người vào lòng anh em, (Thần Khí)
kêu lên Abba, lạy Cha" (Gl 4, 6). Như vậy, bằng việc sai Thánh Thần
của Cha và cũng là Thánh Thần của Con vào lòng chúng ta, điều "tạo vật
ngong ngóng đợi chờ", đã được thực hiện. Qua việc cứu chuộc, do Chúa Con
thực hiện, Thiên Chúa lại tự hiến ban trong Chúa Thánh Thần.
D. ĐỨC MESSIA, ĐẤNG ĐƯỢC XỨC DẦU THÁNH THẦN (15-18)
Messia - Kitô - có nghĩa là được xức dầu. Trong
lịch sử cứu độ, Messia có nghĩa là được xức dầu Thánh Thần. Trong nhà ông
Corneliô, Thánh Phêrô gọi Đức Giêsu Nazareth là Người "được Thiên Chúa
xức dầu bằng Thánh Thần và quyền năng" (Cv 10, 38). Mạc khải Tân Ước
đồng hóa Chúa Giêsu với nhân vật bí ẩn của Is 11, 1-2 : "Một chồi sẽ
xuất từ gốc Isai, và từ rễ nó lộc sẽ mọc lên. Trên Ngài Thần Khí Giavê sẽ đậu
xuống, Thần Khí khôn ngoan và trí tuệ, Thần Khí mưu lược và anh dũng, Thần Khí
hiểu biết và kính sợ Giavê". Đức Giêsu chính là Đấng Messia thuộc dòng
Đavít mà Thánh Thần đậu xuống.
Xức dầu là biểu tượng bên ngoài của hồng ân Thần
Khí. Đấng Messia, được xức dầu, có nghĩa là Ngài trán đầy Thần Khí, là trung
gian phân phát ân huệ cho toàn dân (Is 61, 1-2), là Đấng được sai đi cùng với
Thần Khí (Is 48, 16) là Người tôi tớ Thiên Chúa, Người tôi tớ đau khổ, có sứ
mạng đem hoa quả cứu độ đến cho cả nhân loại (Is42,1-6; 49,6)
Được đầy tràn Thần Khí kéo theo nhiều ân huệ. Những
ân huệ đó trước tiên dành cho người nghèo và người đau khổ, nhất là cho những
ai có thái độ nội tâm saün sàng đón nhận.
Thần Khí đậu lại trên Đấng Messia trước hết là cho
chính bản thân Ngài, Người tôi tớ. Nhưng Ngài không phải là người hành động đơn
độc, mà hành động theo ý Thiên Chúa, theo quyết định và sự chọn lựa của Thiên
Chúa.
Dù rất sâu sắc, nhưng trong mạc khải Cựu Ước, sự
phân biệt các ngôi vị như trong mạc khải Tân Ước vẫn chưa được gợi ra. Tính
ngôi vị của Chúa Thánh Thần vẫn còn giấu ẩn.
Vào buổi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã áp dụng
cho Ngài lời tiên tri Isaia : Thánh Thần Chá ngự trên tôi ... "Hôm nay
đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai các ngưoi vừa nghe" (Lc 4, 18. 21).
Qua đó, Chúa Giêsu công bố Ngài là Đấng được xức dầu, là Messia. Thánh Thần
Chúa đậu lại trên Ngài, Ngài tràn đầy Thần Khí, là Đấng đánh dấu một khởi đầu
mới.
E. ĐỨC GIÊSU NAZARETH XUẤT HIỆN TRONG THÁNH THẦN
(19-21)
Khi Đức Chúa Giêsu xuất hiện công khai, Gioan Tẩy
Giả đã giới thiệu sứ mạng Thiên Sai của Ngài cho dân chúng. Oâng làm chứng :
"... Ngài sẽ rửa anh em trong Thánh Thần" (Lc 3, 16). Gioan loan
báo một Đấng Messia không những đầy Thánh Thần mà còn là người mang Thánh Thần
đến. Khi giới thiệu Chúa Giêsu : "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội
trần gian" (Ga 1, 29), ông làm chứng lời tiên tri Isaia đã ứng nghiệm :
"Chiên Thiên Chúa" cũng đồng nghĩa với "Người tôi tớ Thiên
Chúa" (x. Is 53, 7).
Chứng của Gioan về Đấng Messia được chứng của Thiên
Chúa xác nhận : "Trời mở ra và Thánh Thần đã hiện xuống trên Chúa Giêsu
dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời : "Đây là Con Ta yêu dấu,
đẹp lòng Ta mọi đàng" (Mt 3, 16-17).
Cuộc thần hiển Ba Ngôi này không khẳng định chứng
của Gioan mà nhất là mạc khải chân tính của Đức Messia - Giêsu : Ngài chính là
Con chí ái của Thiên Chúa.
Chân lý này về Chúa Giêsu được tỏ lộ dần dần qua
đời sống và sứ vụ của Ngài. Theo Tin Mừng Luca, Ngài là Đấng tràn đầy Thánh Thần,
được Thánh Thần dẫn vào trong sa mạc, được Thánh Thần đậu lại và sai đi ... và
cũng là Đấng "hoan lạc trong Thánh Thần" (Mt 11, 25-26). Trong
niềm hoan lạc của Thánh Thần, Ngài dâng lời chúc tụng Cha, và mạc khải cho biết
: "Tất cả đã được Cha Ta trao phó cho Ta, và không ai biết Con là ai
trừ ra Cha, và không ai biết Cha là ai trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải
cho" (Lc 10, 22).
Sự thật mà ở sông Giođan được mạc khải từ bên
ngoài, từ trên cao, giờ đây phát xuất từ thẳm sâu tâm hồn Chúa Giêsu. Ở đây, tuy
Chúa Giêsu không minh nhiên nói về Chúa Thánh Thần, nhưng những gì Ngài mạc
khải về Cha và bản thân Ngài, là kết quả sự tràn đầy Thánh Thần, Đấng sống và
hoạt động nơi Ngài. Niềm hoan lạc đó là bằng chứng, là kết quả sự kết hợp giũa
Chúa Giêsu va Thánh Thần Thiên Chúa.
F. ĐỨC KITÔ PHỤC SINH NÓI : "HÃY NHẬN LẤY
THÁNH THẦN" (22-24).
Chúa Giêsu được Tin Mừng trình bày như là Đấng đem
Chúa Thánh Thần đến và phân phát cho các môn đệ. Mạc khải về Thánh Thần đã trải
qua nhiều giai đoạn : như hơi thở ban sự sống (Sáng thế), như ân huệ dành cho
Đấng Messia và hướng dẫn các hoạt động của Ngài từ bên trong (Isaia) là Đấng
đến trên Đức Giêsu và là nguồn mạch bên trong của cả đời sống và hoạt động của
Chúa Giêsu (Luca) ... Trong diễn từ Tiệc Ly của Tin Mừng Gioan, Chúa Thánh Thần
được mạc khải cách mới mẻ và đầy đủ hơn : Ngài là một Ngôi Vị - Hồng Aân
(Persone - Don), là "Đấng Bầu Chữa khác" sẽ dẫn đưa các môn đệ vào
chân lý trọn vẹn.
Thánh Thần phát xuất từ nơi Chúa Cha và do Chúa Cha
sai đến. Trước hết, Ngài đến như ân huệ dành cho Chúa Con, Đấng nhập thể làm
người để hoàn tất các lời tiên tri. Sau khi Chúa Giêsu ra đi, Thánh Thần lại
đến trong sứ mạng mới, đó là hoàn thành công trình Chúa Con đã thực hiện. Chính
Ngài là Đấng hoàn thành giai đoạn mới của lịch sử cứu độ.
Mầu nhiệm Vượt Qua chính là lúc Thánh Thần đến một
lần nữa, như Đấng Bầu Chữa và như Thánh Thần Chân Lý. Đó là lúc bắt đầu khởi
điểm mới. Khi trao ban Con Một, bản chất sâu xa của Thiên Chúa được diễn tảnhư
nguồn suối tình yêu không cạn kiệt, vô cùng hào phóng. Còn trong hồng ân mà
Chúa Con trao ban, tức là Thánh Thần, thì Mạc khải và sự hào phóng của Thiên
Chúa được hoàn tất. Ngôi Vị - Hồng Aân được trao ban cho các môn đệ và cho Giáo
Hội một cách mới mẻ, và qua đó cho cả nhân loại.
Chính trong ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu đã đến và
nói với các môn đệ : "Hãy nhận lấy Thánh Thần !" (Ga 20, 22).
Đấng đã "phó thác Thần Khí" (Ga 19, 30) trên Thánh Giá như Con
Người và Chiên Thiên Chúa, giờ đây khi "được đặt làm Con Thiên Chúa,
trong quyền năng, theo Thánh Khí" (Rm 1, 4) đã đến thổi trên môn đệ
hơi thở thần linh. Và nỗi buồn của các môn đệ đã trở thành niềm vui (x. Ga 16,
20). Sứ mạng của Con hoàn tất nơi ơn cứu chuộc, còn sứ mạng của Thánh Thần tuôn
tràn từ ơn cứu chuộc. Ơn cứu chuộc được hoàn tất trọn vẹn một lần nhờ Chúa Con,
Đấng được xức dầu, đến và hành động trong sức mạnh Thánh Thần, hiến thân mình
làm của lễ trên thập giá. Ơn cứu độ này được hoàn tất liên tục trong các tâm
hồn và lương tâm con người, tức là trong lịch sử, nhờ Chúa Thánh Thần là Đấng
Bầu Chữa khác.
G. CHÚA THÁNH THẦN VÀ THỜI GIAN CỦA GIÁO HỘI
(25-26).
Giáo Hội được khai sinh vào ngày lễ Ngũ Tuần. Điều
trước kia diễn ra trong nhà Tiệc Ly đóng kín cửa, nay diễn ra trước mắt thiên
hạ vào ngày lễ Ngũ Tuần. Lúc Thánh Thần đến, là lúc các cửa được mở toang, và
các Tông Đồ ra đi làm chứng về Chúa Giêsu trong sức mạnh Thánh Thần, sứ mạng
của Giáo Hội khai sinh vào ngày Thánh Thần đến. Đúng như lời Chúa Giêsu nói : "Thánh
Thần làm chứng về Ta, nhưng các ngươi, các ngươi cũng sẽ làm chứng" (Ga,
15, 16t). Nhờ ơn Thánh Thần, những người trước kia cảm thấy bơ vơ như trẻ mồ
côi, giờ đây được tràn đầy sức mạnh và cảm thấy đủ khả năng thi hành sứ mạng
được trao phó.
Nguồn sức mạnh các Tông Đồ đã lãnh nhận được truyền
lại qua việc đặt tay trong Bí Tích Truyền Chức, đặc biệt truyền chức Giám Mục.
Chúa Thánh Thần ở trong Giáo Hội và trong các tâm
hồn tín hữu như đền thờ của Ngài. Ngài cầu nguyện nơi họ và chứng thực địa vị
làm Con Thiên Chúa của ho. Giáo Hội được Thánh Thần dẫn đưa vào trong chân lý
toàn vẹn, được Ngài hiệp nhất. Thánh Thần ban cho Giáo Hội những phương thế
hoạt động để chu toàn sứ mạng, điều khiển Giáo Hội bằng những ân huệ khác nhau,
và làm cho Giáo Hội thêm xinh đẹp nhờ hoa quả của Ngài. Bằng sức mạnh của Tin
Mừng, Thánh Thần làm cho Giáo Hội tươi trẻ lại và không ngừng đổi mới Giáo Hội.
Thời đại của Giáo Hội đang tiếp tục và Thánh Thần
cũng đang làm việc trong Giáo Hội. Một trong những hoa quả đặc biệt của Thánh
Thần trong thời đại chúng ta là Công Đồng Vatican II.
Đây là lúc phải cố gắng thực thi những giáo huấn
của Công Đồng, bởi đó cũng chính là đón nhận hoa quả của Thánh Thần. Nhưng
trong bối cảnh Giáo Hội đang rộng mở trước một thế giới mang nhiều dấu ấn tội
lỗi, cũng cần tỉnh táo xét xem điều gì do Thánh Thần và điều gì do "cha
đẻ sự dối trá" (x. Ga 8, 44).
II. THÁNH THẦN ĐẤNG LUẬN TỘI THẾ GIAN (27-48).
A. TỘI, CÔNG CHÍNH, ÁN XỬ (27-29).
Đấng Bầu Chữa, Thánh Thần Chân Lý, là Đấng dạy dỗ,
nhắc nhở, làm chứng, dẫn đưa vào trong chân lý toàn vẹn, nhưng cũng là Đấng đến
"bắt lỗi thế gian về tội, về sự công chính và về án xử" (Ga
16, 8). Và chính Chúa Giêsu giải thích : về tội vì họ không tin vào Thầy ; về
sự công chính vì Chúa Giêsu đi vào trong vinh quang nơi Chúa Cha ; về án xử vì
đầu mục thế gian đã bị lên án ... (x. Ga 16, 9-11).
Ý nghĩa của Lời này chỉ sáng tỏ khi quy chiếu về
mầu nhiệm Vượt Qua : Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu.
Đức Giêsu Kitô đến không phải chỉ để xét xử hay
luận phạt, nhưng để cứu thế gian. Việc luận tội thế gian chính là để cứu thế
gian. Chỉ có đầu mục thế gian là Satan, kẻ đã lừa dối và làm hư hỏng công trình
sáng tạo, đã chối bỏ mầu nhiệm cứu độ nên đã bị xử án và luận phạt. Còn Chúa
Thánh Thần có luận tội thế gian chính là để tiếp tục công cuộc cứu độ của Chúa
Giêsu trong thế gian. Việc luận tội luôn quy chiếu về đức công chính, về ơn cứu
độ nơi Thiên Chúa, và việc hoàn tất chương trình cứu độ mà trọng tâm là mầu
nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô. Ai tin vào mầu nhiệm cứu độ này thì thoát
khỏi án phạt dành cho Satan.
Chỉ khi quy chiếu về Thập giá, về ơn cứu độ, tội
mới lộ rõ bộ mặt thật và chiều kích thâm sâu của nó.
Thánh Thần đến luận tội thế gian. Tội thế gian đây
vừa hiểu theo nghĩa chặt là tội của những kẻ đã từ chối sứ mạng của Con Thiên
Chúa và đóng đinh Ngài, vừa hiểu là tất cả mọi tội lỗi đã ghi dấu trong lịch sử
nhân loại. Vì Thập Giá mang đến ơn cứu độ phổ quát nên mọi tội ở mọi thời và
mọi nơi đều được đặt trong tương quan với Thập Giá Đức Kitô, và như vậy, đều có
liên quan đến tội của những kẻ đã lên án tử Đức Giêsu.
B. CHỨNG TỪ CỦA NGÀY LỄ HIỆN XUỐNG (30-32).
Sau khi đã lãnh nhận Thánh Thần, Phêrô thay mặt các
Tông Đồ can đảm đứng ra làm chứng về Đức Giêsu Kitô Tử Nạn - Phục Sinh. Anh em
đã từ chối Đức Giêsu Kitô và đã đóng đinh Ngài (x. Cv 2, 14-36). Đó là chứng
của Giáo Hội mà cũng là chứng của Thánh Thần.
Việc luận tội thế gian trước hết được đặt trong
tương quan với Đấng Tử Nạn và Phục Sinh. Lời luận tội không chỉ nhằm tố
cáo, lại càng không phải để lên án, vì Đức Giêsu không đến để xét xử và luận
phạt nhưng để cứu thoát (x. Ga 12, 47). Vì vậy lời rao giảng - luận tội kết
thúc bằng lời hoán cải. Trước kia họ khước từ Đức Giêsu, bây giờ họ được mời
gọi đón nhận Ngài : "Hãy hối cải và mỗi người hãy chịu phép Rửa nhân
danh Đức Giêsu Kitô để được ơn tha thứ tội lỗi và các người sẽ được lĩnh ơn
Thánh Thần" (Cv 2, 33). Như vậy việc luận tội đã trở thành dịp biểu lộ
ơn tha tội cho kẻ sám hối, hoán cải.
Ơn hoán cải đòi một nhận thức rõ ràng về tội. Nó
bao hàm sự xét xử của lương tâm trong thâm sâu con người. Đó chính là tác động
của Thánh Thần chân lý trong con người. Việc luận tội hay xét xử của Thánh Thần
bao hàm một ơn sủng kép : lương tâm nhận biết sự thật và niềm tin chắc chắn
được cứu chuộc.
Việc luận tội cũng được đặt trong tương quan với sức
mạnh cứu độ của mầu nhiệm Tử Nạn - Phục Sinh. Con người đã phạm tội vô cùng
lớn lao là giết Con Thiên Chúa. Nhưng mầu nhiệm Phục Sinh đã chứng tỏ sức mạnh
của tình yêu đã chiến thắng sức mạnh của tội lỗi. Cái chết của Con Thiên Chúa
đã chiến thắng cái chết của con người ; chiến thắng hậu quả mọi tội lỗi khác.
Đáp lại tội lỗi vô cùng lớn của con người, trong trái tim Đấng Cứu Thế có của
lễ tình yêu vượt qua mọi lầm lỗi của con người.
Chân lý siêu vời đó con người với tâm lý giới hạn
của mình không thể nào lĩnh hội được nếu không ơn của Thánh Thần chân lý. Để
hiểu chiều sâu của tội phải đi vào chiều sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa. Chính
Thánh Thần là Đấng dò thấu các chiều sâu nơi Thiên Chúa và đã rút ra được câu
trả lời của Thiên Chúa cho tội lỗi con người. Lời luận tội kết thúc bằng lời
yêu thương.
Chỉ trong ánh sáng của mầu nhiệm chân đạo, mọi tội
lỗi - mầu nhiệm vô đạo - mới lộ ra hết sự ác độc nó chứa đựng. Nhưng tình yêu
Thiên Chúa vượt qua mọi lỗi lầm.
C. CHỨNG TỪ CỦA THUỞ BAN ĐẦU: THỰC TẠI NGUYÊN THỦY
CỦA TỘI (33 -38).
Nguyên tội là cội rễ mọi tội lỗi. Đó cũng là cội rễ
của " mầu nhiệm vô đạo ", nhưng cũng qua tội này mà sức hùng cứu độ
của mầu nhiệm chân đạo được tỏ hiện.
Theo sách Sáng Thế, tội trước hết diễn ra trong
lương tâm, trong ý chí con người. Đó là ý muốn con người chống đối lại ý muốn
Thiên Chúa.
Thái độ bất tuân giả thiết sự khước từ hay ít là xa
lánh chân lý chứa đựng trong lời Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa nói đây chính là
Ngôi Lời, Đấng từ khởi thủy đã ở nơi Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Ngôi Lời là
Luật Vĩnh cửu cho vũ trụ và con người. Thái độ không tin ở đồi Golgotha giả
thiết thái độ không tin ở vườn địa đàng.
Từ chối đưa đến bất tuân. Cả hai là sản phẩm của
cha sự dối trá. Gốc rễ của tội lỗi con người là một sự dối trá; đó là sự khước
từ tận căn sự thật nơi Lời của Cha, Lời Toàn năng yêu thương của Đấng Tạo Hóa.
Thánh Thần hiện diện trong công trình sáng tạo.
Ngài không những là chứng nhân của tình yêu mà còn là chính Tình Yêu. Ngài dò
thấu chiều sâu nơi Thiên Chúa tình yêu trong công trình sáng tạo và biết rõ sự
thật về co người từ thuở ban đầu. Con người được Thiên Chúa trao ban một ân huệ
đặc biệt là dựng nên theo hình ảnh và họa ảnh Chúa. Điều đó có nghĩa không
những con người có lý trí và tự do, nhưng còn có khả năng đi vào tương quan cá
vị với Thiên Chúa, có khả năng kết ước và sống trong tình bạn với Thiên Chúa,
tham dự vào chiều sâu vô biên của Thiên Chúa.
Dò thấu chiều sâu nơi Thiên Chúa và biết rõ sự thật
về con người, nên chỉ mình Thánh Thần mới có thể phơi bày ra ánh sáng thực chất
của tội ban đầu, mẹ của mọi tội lỗi: nó cốt ở sự dối trá, khước từ ân sủng và
tình yêu, từ đó dẫn đến bất tuân.
Sự bất tuân diễn tả qua hành động vi phạm lệnh cấm
Thiên Chúa đặt ra. Con người dù có phẩm gía cao quý, tự bản chất vẫn là tạo vật
và phải phụ thuộc vào Thiên Chúa. Cây biết tốt xấu là để nhắc nhở con người về
giới hạn mà tạo vật không được qua. Nhưng con người đã nghe theo cha của sự dối
trá và đã vượt qua giới hạn.
Thiên Chúa là nguồn mạch duy nhất và tối hậu cho
trật tự luân lý trong thế giới do Ngài tạo dựng. Ngài làđiểm quy chiếu đầu tiên
và tối hậu cho quyết định về tốt xấu. Con người được ban một hồng ân, đó là
lương tâm, để với tư cách là hình ảnh, nó phản chiếu một khuôn mẫu của mình.
Bất tuân là từ khước nguồn lề luật khôn ngoan để tự mình độc lập quyết định tốt
xấu. Thánh Thần, Đấng dò thấu lòng tốt của Thiên Chúa, đồng thời cũng là ánh
sáng cho lương tâm con người và nguồn mạch của trật tự luân lý, Ngài hiểu rõ
tầm vóc đích thực của tội.
Con người được tạo dựng để kết ước với Chúa và đi
sâu vào sự sống của Chúa là chân lý -tình yêu. Bất tuân là quay lưng lại với
Chúa, là khép cửa lòng với Ngài đồng thời là mở cửa cho sự dối trá. Chọn lựa tự
do này bao hàm việc gắn bó với động cơ ban đầu đã thúc đẩy con người phạm tội.
Động cơ đó là "chống lại Ngôi Lời",
"chống lại Chân lý" (anti- Verbe, anti- Vérité). Sự thật về con người
bị bóp méo. Đó là hậu quả việc "bóp méo sự thật về Thiên Chúa". Thiên
Chúa sáng tạo bị con người nghi ngờ và tố cáo. Con người tìm cách xuyên tạc
chính sự tuyệt đối được biểu lộ qua công trình sáng tạo như là sự Thiện luôn luôn
trao ban ( Bonum diffusivum sui), như Tình Yêu sáng tạo.
Chỉ mình Thánh Thần mới phơi bày được động cơ phạm
tội của con người. Bất chấp lòng tốt mà Thiên Chúa đã thể hiện khi tạo dựng,
thần tăm tối, cha đẻ sự dối trá vẫn có thể xuyên tạc hình ảnh Thiên Chúa như
" kẻ thù của tạo vật", đặc biệt của con người, là mối hiểm nguy và đe
dọa đối với con người. Satan thúc đẩy con người trở nên địch thù với Chúa.
Do tác động của Satan, trong lịch sử nhân loại vẫn
luôn có một áp lực làm cho con người khước từ, thậm chí ghét bỏ Chúa. "Yêu
mình đến độ khinh Chúa" (St. Augustinô). Con người nghiêng về việc nhìn
Chúa như sự giới hạn chứ không phải như nguồn tự do và là sự thiện viên mãn.
Những chủ trương "cái chết của Thiên
Chúa", lý thuyết hay thực hành, sẽ đe doạ chính con người, vì tạo vật sẽ
tan biến nếu không có Tạo Hóa và việc lãng quên Thiên Chúa sẽ làm cho tạo thành
nên tối tăm.
D.THÁNH THẦN, ĐẤNG BIẾN ĐỒI ĐAU KHỒ THÀNH TÌNH YÊU
CỨU ĐỘ (39-41).
Khi đưa tội thế gian ra ánh sáng, Thánh Thần cũng
bộc lộ nỗi đau khôn cùng nơi Thiên Chúa. Tội lỗi là sự xúc phạm đến tình yêu và
tấm lòng người Cha nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đau khổ vì tội lỗi con người,
đến nỗi "hối tiếc vì đã dựng nên con người" (St 6,7) (theo
cách nói nhân hình hoá của Kinh Thánh).
Nhưng Thánh Thần cũng đồng thời và thường xuyên
hơn, mạc khải một Thiên Chúa đầy lòng chạnh thương con người. Nỗi đau khôn tả
của Thiên Chúa đã làm phát sinh tình yêu cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, để làm
chứng rằng tình yêu mạnh hơn tội lỗi: Thánh Thần là tình yêu đã làm cho việc
xét tội thế gian trở thành sự hào phóng của tình yêu. Khi từ chối tình yêu, tội
lỗi đã sinh ra đau khổ, và đau khổ đã lan tràn trong thế gian. Thánh Thần đi
vào giữa long đau khổ bằng tình yêu tuôn tràn mạnh mẽ hơn để chuộc lại thế
gian.
Mối đau khổ tột cùng nơi Thiên Chúa được kết tụ nơi
nhân tính của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế. Vì chìm ngập trong đau khổ, trên
môi Ngài thoát ra tiếng nói bộc lộ tấm lòng của Thiên Chúa : "Ta xót
thương" (Mt 15,32 ; Mc 8,2)
Hiến lễ tính yêu đã chiến thắng tội lỗi.
Hiến lễ trên Thập Giá là hiến lễ được hiến dâng nhờ
Chúa Thánh Thần. Ngài là Thánh Thần luận tội những cũng là Thánh Thần được ban
để tha tội. "Hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì tội họ
được tha ..." (Ga 20, 22-23). Thánh Thần hiện diện trong hiến lễ của
Chúa Giêsu như đã hiện diện trong suốt cuộc đời Ngài. Trên đường đến núi Canvê,
Chúa Giêsu hoàn toàn khai mở cho tác động của Thánh Thần và đã làm cho từ trong
đau khổ tột cùng xuất hiện tình yêu cứu độ. "Dẫu là Con, Ngài đã học
cho biết vâng phục nhờ những đau khổ Ngài chịu" (Dt 5, 7-8). Nhân loại
chịu luî phục tội lỗi nơi con cháu Ađam, đã trở nên hoàn toàn vâng phục Thiên
Chúa nơi Đức Giêsu Kitô (cũng như trong mầu nhiệm Nhập Thể, toàn nhân loại được
nâng cao nơi nhân tính của Đức Giêsu Kitô). Nơi Thập Giá, Chúa Thánh Thần đã
làm phát sinh một nhân loại mới.
Đức Giêsu Kitô, xét như một con người, bằng lời cầu
nguyện tha thiết trong cuộc khổ nạn, đã để cho Thánh Thần biến đổi cuộc khổ nạn
trở nên hiến lễ tình yêu. Trong nhân tính của mình, Chúa Giêsu xứng đáng trở
nên của lễ tình yêu tinh toàn không tỳ vết. Đó là của lễ được hiến dâng nhờ
Thánh Thần. Chính Thánh Thần đã hành động cách đặc biệt trong thâm sâu của lễ
hiến dâng để biến đau khổ nên tình yêu cứu độ.
Chính Thánh Thần là Lửa từ trời xuống thiêu đốt từ
trong thâm sâu của lễ hy sinh trên Thập Giá. Đến từ nơi Cha, Thánh Thần làm cho
của lễ của Con cũng hướng về Cha.
Trong mầu nhiệm Thập Giá, có nghịch lý của tình yêu
: trong Đức Giêsu, có vị Thiên Chúa đau khổ vì bị tạo vật của mình ruồng bỏ,
nhưng cùng lúc đó và trong đau khổ đó, Thánh Thần đã làm cho tình yêu tự hiến
mà Thiên Chúa dành cho con người và tạo thành đạt tới mức viên mãn. Trong mầu
nhiệm Thập Giá, tình yêu hoạt động và dẫn đưa con người tham dự vào sự sống nơi
Thiên Chúa.
Chúa Thánh Thần được mạc khải và hiện diện trong
mầu nhiệm Thập Giá như là tình yêu hoạt động trong thâm sâu mầu nhiệm Thập Giá,
chính Ngài là nguồn sức mạnh cứu độ của Thập Giá Đức Kitô, là ân huệ trao ban
sự sống mới. Trong tột cùng đau khổ trên thập giá, Thánh Thần tình yêu đến với
Chúa Giêsu và rồi từ trên thập giá, Chúa Giêsu đã trao ban Thánh Thần tình yêu
đó.
E. MÁU TẨY SẠCH LƯƠNG TÂM (42-45).
Chúa Thánh Thần hiện diện ở trung tâm mầu nhiệm Vượt
Qua trong tư cách là một chủ vị thần linh. Ngài tiếp tục công trình cứu rỗi
bằng cách hoạt động nơi những người đã được Chúa ủy thác tiếp nối sứ mạng của
Ngài. Qua họ và trong họ, Ngài hiện diện khắp nơi. Thánh Thần như gió muốn thổi
đâu thì thổi.
Khi trao ban Thánh Thần cho môn đệ, Chúa Giêsu cũng
trao cho các vị quyền tha tội. Chúa Thánh Thần là ánh sáng các tâm hồn, Ngài
phơi bày tội lỗi, tức là làm cho con người nhận biết tội mình và đồng thời quy
hướng họ về sự thiện. Nhờ có Thánh Thần mới có sự hoán cải nội tâm là điều kiện
không thể thiếu của ơn tha tội. "Máu Chúa Giêsu tẩy sạch tội lỗi" (Dt
9, 13-14), máu đó mở đường cho Thánh Thần đi vào các tâm hồn để họ thống hối và
được tha thứ.
Lương tâm là nơi sâu xa nhất của con người, là
Thánh điện nơi con người hiện diện với Chúa và lắng nghe Ngài. Nhờ lương tâm
con người có khả năng phân biệt lành dữ. Nhưng lương tâm con người không độc
lập và tự quyết, nó phải tuân theo lề luật khách quan, là nền tảng và điểm quy
chiếu cho quyết định của con người. Chính lương tâm là nơi Thánh Thần
"luận tội thế gian". Nếu lương tâm con người ngay thẳng, nó sẽ giúp
con người tìm ra những giải pháp cho các vấn đề theo ánh sáng chân lý.
Hoa quả đầu tiên của Thánh Thần là gọi đích danh
điều xấu - điều tốt. Tội lỗi và sự dữ vẫn tiếp tục hiện hữu trong thế giới và
Thánh Thần đang luận tội thế gian. Chính trong lúc luận tội thế gian mà Thánh
Thần gặp gỡ tiếng nói lương tâm con người.
Cuộc gặp gỡ này cho thấy cội rễ tội lỗi nằm trong
chính lương tâm con người. Sự mất quân bình đang hoành hành trong thế giới là
hậu quả sự mất quân bình sâu xa hơn trong chính tâm hồn con người. Những xung
đột trong cuộc sống phản ánh cuộc tâm chiến của con người, nơi con người phải
không ngừng chọn lựa và từ chối. Thánh Thần nâng đỡ con người trong cuộc chọn
lựa bằng cách soi sáng cho con người về mầu nhiệm tội lỗi và nhắc nhở cho con
người chân lý về bản thân : một tạo vật, phải tuỳ thuộc Chúa cả trên bình diện
hữu thể và đạo đức. Thánh Thần nâng đỡ những cố gắng của lương tâm và chỉ cho
thấy con đường hoán cải : quay lưng lại với tội lỗi để tái tạo tình yêu và chân
lý trong tâm hồn con người.
Lương tâm không chỉ ra lệnh hay cấm đoán mà lương
tâm còn xét xử, dày vò, cắn rứt. Nỗi đau khổ vì lương tâm cắn rứt chính là
tiếng vọng lại nỗi đau của Thiên Chúa, được diễn tả qua mầu nhiệm Thập Giá. Khi
nỗi đau này được tham dự vào nỗi đau của Thiên Chúa nó sẽ trở nên sâu xa và có
giá trị cứu độ. Đó là thống hối, là Métanoia.
Thánh Thần tình yêu đã làm cho nỗi đau của Thiên Chúa
thành tình yêu cứu độ, thì cũng chính Ngài làm cho nỗi đau cắn rứt của lương
tâm trở nên lòng thống hối nhờ đó con người được lãnh ơn tha tội.
F. TỘI CHỐNG LẠI CHÚA THÁNH THẦN (46-48).
Tin Mừng ghi lại lời Chúa Giêsu : "Mọi tội lỗi
và lộng ngôn sẽ được tha cho người ta, còn lộng ngôn đến Thần Khí thì sẽ không
được tha" (Mt 12, 31-32).
Lộng ngôn đến Thánh Thần là gì ?
Thánh Tôma nói :đây là tội tự bản chất không tha
được vì nó loại trừ mọi yếu tố nhờ đó được ban ơn tha tội.
Lộng ngôn đến Thánh Thần không cốt ở lời nói xúc
phạm, nhưng ở việc từ chối không đón nhận ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho con
người nhờ Chúa Thánh Thần. Đó là sự từ chối triệt để ơn tha tội mà Thánh Thần
ban phát tự sâu xa tâm hồn nhờ lòng thống hối chân thực Ngài khơi lên. Tội phạm
đến Thánh Thần không được tha vì không có lòng thống hối. Đó là từ chối hướng
về nguồn ơn cứu độ luôn luôn khai mở trong nhiệm cục cứu độ, nơi Thánh Thần
hoàn tất sứ mạng của Ngài.
Chúa Thánh Thần là Đấng hoàn tất trong các tâm hồn
ơn cứu độ Chúa Giêsu đã thực hiện. Tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội của
người khước từ sự luận tội và xét xử của Thánh Thần, đòi cho được quyền ở lì
trong tội và qua đó từ chối ơn cứu độ. Người phạm đến Thánh Thần là người khép
kín trong tội, không chịu hoán cải nên không được tha thứ. Thực chất đó là
không mở lòng ra với ơn cứu độ.
Người phạm đến Thánh Thần là người có sự phản kháng
nội tâm mà Kinh Thánh gọi là sự cứng lòng. Trong thời đại chúng ta, đó là thái
độ mất ý thức về tội (Piô XI), nó đi đôi với việc mất ý thức về Thiên
Chúa.
Giáo Hội luôn cầu nguyện cho con người có một lương
tâm ngay thẳng và sự nhạy cảm trước điều tốt - điều xấu, đó là những hoa quả
của Thánh Thần. Vì vậy Giáo Hội kêu gọi chúng ta đừng dập tắt Thần Khí (1Tx
5, 19), hãy để chỗ cho Thánh Thần đi vào cuộc đời, để Ngài dạy chúng ta sự thực
về tội, khơi lên trong chúng ta lòng thống hối, để chúng ta dứt khoát cắt đứt
với mầu nhiệm vô đạo và đi vào trong sự công chính được tỏ hiện nơi Đức Giêsu
Kitô, sự công chính mà Ngài đã nhận lấy nơi Thiên Chúa, phản ánh sự thánh thiện
và vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi.
III. THÁNH THẦN LÀ ĐẤNG BAN SỰ SỐNG.
A.ĐỨC KITÔ ĐÃ NHẬP THỂ BỞI PHÉP ĐỨC CHÚA THÁNH
THẦN.
Vào cuối thiên niên kỷ II, trong viễn cảnh của
thiên niên kỷ III, hướng về năm Toàn Xá, ý nghĩ và tấm lòng Giáo Hội hướng về
Chúa Thánh Thần.
Theo cái nhìn thông thường, người ta nói Chúa Giêsu
giáng sinh đã 2000 năm. Trong cái nhìn đức tin của kitô-hữu, thời đại chúng ta
đang sống là "thời viên mãn" Thiên Chúa đã ghi dấu trong lịch sử nhân
loại bằng sự "hiện diện siêu việt trong giây phút hiện tại" (La
présence tran scendante dans le nunc), ngày hôm nay của chúng ta là "hôm
nay vĩnh cửu" (laujour dhui éternel). "Khi đến thời viên mãn,
Thiên Chúa đã sai Con của Ngài, sinh bởi người phụ nữ ... ngõ hầu ta được chịu
lấy quyền nghĩa tử" (Gl 4, 4) và Con Chúa, Ngôi Lời đã nhập thể nhờ
Chúa Thánh Thần. Đấng là "Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh
sáng" ... đã làm người, mang lấy xác thịt của Đức Trinh Nữ Maria "bởi
phép Chúa Thánh Thần". Năm Thánh Toàn Xá mà Giáo Hội chuẩn bị vừa mang
sắc thái Kitô-học, vì cử hành việc Đức Giêsu Kitô giáng sinh, vừa mang sắc thái
Thánh-Linh-học, vì mầu nhiệm Nhập Thể được hoàn thành nhờ quyền năng của Chúa
Thánh Thần.
Mầu nhiệm Nhập Thể là đỉnh cao của việc Thiên Chúa
tự hiến thông ban. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng hoàn tất mầu nhiệm Ngôi Hiệp :
nối kết thần tính và nhân tính trong Ngôi Vị duy nhất của Chúa Con. Qua việc
"trở thành người" của Ngôi Lời, sự tự hiến của Thiên Chúa đạt tới mức
viên mãn trong lịch sử tạo dựng và cứu độ. Mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Con có
nghĩa là bản tính nhân loại được nâng lên kết hiệp với Thiên Chúa, nhưng ở đây,
bản tính đó hàm chứa tất cả những gì là "xác phàm" (chair) nghĩa là
cả nhân loại, cả vũ trụ hữu hình vật chất. Như vậy mầu nhiệm Nhập Thể mang
chiều kích vũ hoàn (dimension cosmique).
Tất cà những điều đó được thực hiện nhờ Chúa Thánh
Thần, nên Giáo Hội chỉ có thể mừng Năm Thánh trong Chúa Thánh Thần.
Giáo Hội cũng không thể quên Đức Maria "kẻ đã
tin" (Lc 1, 45). Mẹ Maria đã đi vào lịch sử cứu độ thế giới nhờ sự vâng
phục của lòng tin. Mà trong bản chất sâu xa nhất, tin chính là khai mở trái tim
nhân loại trước hồng ân, hồng ân Thiên Chúa tự hiến trong Chúa Thánh Thần. Đâu
có Thánh Thần, đó có tự do. Khi Thiên Chúa tự khai mở cho con người trong Chúa
Thánh Thần, sự khai mở đó vừa mạc khải cho con người về Chúa, vừa ban cho con
người sự tự do tròn đầy. Mẹ Maria là người tự do trọn vẹn nhờ sự "vâng
phục của lòng tin".
B. ÂN SỦNG ĐÃ TỎ BÀY (52-54).
Khi cử hành Năm Thánh, bên cạnh chiều kích Kitô-học,
cần thêm chiều kích Thánh-Linh-học. Trước hết cần nhìn lại 2000 năm qua trong
ánh sáng đức tin, đó là thời gian mà Thánh Thần chân lý đã hoạt động. Theo dòng
thế gian, Ngài đã kín múc nơi kho tàng cứu chuộc của Chúa Kitô, trao ban cho
con người sự sống mới, thực hiện nơi con người ơn nghĩa tử trong Con duy nhất,
thánh hoá họ để họ có thể nói : chúng tôi đã lãnh nhận Thánh Thần của Thiên
Chúa.
Nhưng chúng ta không thể dừng lại ở đó. Cần phải đi
ngược xa hơn nữa, phải nghĩ đến hoạt động của Thánh Thần cả trước khi Chúa sinh
ra, từ thuở ban đầu, trong toàn thế giới và cách riêng trong nhiệm cục Cựu Ước.
Thật vậy, hoạt động của Thánh Thần, ở mọi nơi, mọi thời và trong mọi người, đều
được thực hiện theo chương trình vĩnh cửu của Thiên Chúa, trong đó hoạt động của
Thánh Thần được nối kết chặt chẽ với mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc ; mầu
nhiệm này ảnh hưởng trên những ai tin vào Đấng Kitô sẽ đến.
Nhưng trong viễn tượng của Năm Thánh, chúng ta cũng
phải mở rộng tầm nhìn, và biết rằng : "Gió muốn thổi đi đâu tùy ý"
(Ga 3, 8). Công Đồng Vatican II nhắc chúng ta : "Thánh Thần cũng hoạt
động, ở ngoài thân thể hữu hình của Giáo Hội" (x. MV 22). Công Đồng có ý
nói đến những người có lòng ngay, mà ân sủng đang hoạt động cách vô hình trong
lòng họ. Vì Chúa Giêsu đã đến cho mọi người, và ơn gọi tối hậu của mọi người
thực sự chỉ là một, nên chúng ta phải tin rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi
người, theo cách mà chỉ một mình Chúa biết, khả năng được thông dự vào mầu
nhiệm Vượt Qua.
"Thiên Chúa là Thần Khí và những ai tôn thờ thì
phải tôn thờ Ngài trong Thần Khí và trong sự thật" (Ga 4,
24).
Năm Thánh Toàn Xá này phải là một lời mời gọi mạnh
mẽ gởi đến tất cả những ai tôn thờ Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật. Đây
phải là cơ hội đặc biệt để tất cả chúng ta suy niệm về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba
Ngôi. Ngài tuyệt đối siêu việt trên thế giới. Ngài là Thần Khí theo nghĩa tuyệt
đối. Đồng thời Ngài cũng không chỉ rất gần, mà còn hiện diện nội tại trong thế
giới, Ngài đi sâu vào thế giới và làm cho nó sống động từ bên trong.
Đối với con người điều đó có nghĩa là : Thiên Chúa
hiện diện trong thâm sâu hữu thể con người, trong tư tưởng, trong lương tâm,
trong trái tim con người : "Interior intimo meo" - như thánh
Augustinô nói. Thiên Chúa hiện diện sâu thẳm trong ta hơn cả chính ta vì Ngài là
Thần Khí.
Nhưng nơi Đức Giêsu Kitô, sự hiện diện vô hình thẳm
sâu đó đã biểu lộ cách hữu hình. "Aân sủng đã tỏ bày". Tình yêu của
Chúa Cha, hồng ân vô tận, nguyên lý sự sống, đã trở nên hữu hình nơi Đức Kitô,
và qua nhân tính của Đức Kitô, tình yêu đó đã trở nên thành phần của thế giới,
của nhân loại, của lịch sử. Sự "tỏ bày ân sủng" này được thực hiện
nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng là nguyên lý mọi hoạt động cứu độ của Thiên Chúa
trong thế giới ; Ngài, "Vị Thiên Chúa ẩn giấu", Đấng như là Tình Yêu
và Aân Sủng, đã tràn đầy thế giới. Cuộc sống của Giáo Hội trong Năm Thánh toàn
xá, phải là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa vô hình và Thánh Thần ban sự sống.
C. CHÚA THÁNH THẦN TRONG CUỘC TÂM CHIẾN CỦA CON
NGƯỜI. XÁC THỊT CÓ NHỮNG ƯỚC MUỐN CHỐNG LẠI THẦN KHÍ, VÀ THẦN KHÍ CHỐNG LẠI XÁC
THỊT (55, 57).
Lịch sử cứu độ cho thấy sự gần gũi và hiện diện của
Thiên Chúa cũng như sự "hạ cố" của Thánh Thần trong thế giới gặp
nhiều phản kháng và chống đối. Sự chống đối Thiên Chúa, Đấng là Thần Khí vô
hình, phát xuất trước hết từ sự khác biệt tận căn của thế giới đối với Ngài :
hữu hình và vật chất so với vô hình và Thần Khí theo nghĩa tuyệt đối, bất toàn
tự bản chất so với tuyệt đối hoàn hảo. Sự chống đối này trở thành xung đột,
phản loạn trên bình diện đạo đức vì tội chiếm lấy trái tim con người, nơi đó,
"xác thịt chống lại Thần Khí".
Trong thư Galat (5, 16), Thánh Phaolô khuyên nhủ : "Hãy
bước đi theo sự thúc đẩy của Thần Khí và anh em sẽ không chiều theo đam mê xác
thịt nữa". Con người là một phức hợp (être composé) có xác, có hồn, Nơi
con người có sự căng thẳng, và cuộc đấu tranh giữa "Thần Khí" và
"xác thịt".
Việc làm của xác thịt là "dâm bôn, ô uế, phóng
đãng..." đối lại với hoa quả của Thánh Thần là "lòng mến, niềm vui,
bình an..." (x. Gl 5, 19-25).
Thánh Phaolô không có ý khinh thị hay lên án thân
xác, là yếu tố cùng với linh hồn, làm thành bản tính và nhân vị con người. Ngài
muốn đề cập đến những công việc tốt hay xấu về mặt luân lý, vốn là hoa quả của
sự tuân phục hay phản kháng lại tác động cứu độ của Chúa Thánh Thần.
Sự đối lập giữa cuộc sống theo Thần Khí và sống
theo xác thịt dẫn tới sự đối lập giữa : sự sống và sự chết : "Nếu anh
em sống theo xác thịt, anh em sẽ chết, nhưng nếu nhờ Thánh Thần anh em tiêu
diệt các việc làm của xác thịt, anh em sẽ sống" (Rm 8, 13).
Đó chính là lời khuyên hãy sống theo chân lý, tức
là theo những đòi hỏi của một lương tâm ngay thẳng, đồng thời đó cũng tuyên
xưng đức tin vào Thánh Thần chân lý, Đấng ban sự sống.
Trong tư tưởng của Thánh Phaolô các chiều kích hữu
thể - đạo đức và Thánh-Linh-học giao thoa với nhau. Sự căng thẳng, cuộc đấu
tranh diễn ra trong con người giữa một bên là khai mở cho tác động của Thần Khí
và bên kia là chống lại Người. Đứng giữa một bên là giới hạn, yếu đuối và tội
lỗi, còn một bên là mầu nhiệm của hồng ân Thiên Chúa, người nào biết đón nhận
hồng ân sẽ chiến thắng.
Bất hạnh thay, cuộc tâm chiến mang tính cá nhân đó,
trong thời đại chúng ta đã phát triển ra bên ngoài, trên bình diện xã hội, thấm
vào các nền văn hoá và văn minh, cụ thể hoá qua các hệ thống triết lý, ý thức
hệ và chương trình hành động, với biết bao hậu quả đau thương ... Nhưng gió vẫn
tiếp tục thổi và này đây "Thánh Thần đến nâng đỡ sự yếu đuối của chúng
ta" (Rm 8, 26).
D. THÁNH THẦN ĐẾN CỦNG CỐ "CON NGƯỜI NỘI
TÂM" (58-60).
Nơi mầu nhiệm Phục Sinhcủa Đức Kitô, Thánh Thần
được mạc khải như là Đấng ban sự sống. Nhân danh mầu nhiệm Phục Sinh của Đức
Kitô, Giáo Hội loan báo sự sống và đồng thời loan báo Đấng ban sự sống, trong
sự hiệp thông mật thiết với Thánh Thần và khiêm tốn phục vụ Ngài.
Qua việc phục vụ Thánh Thần, con người trở thành
"con đường của Giáo Hội" theo một cách thức luôn luôn mới mẻ.
Kết hiệp với Thánh Thần hơn ai hết, Giáo Hội ý thức về thực tại của con người
nội tâm mà khía cạnh sâu xa và thiết yếu nhất của thực tại đó là "thần
thiêng" và "bất hoại" (spiritueels et incorruptibles). Chính
Thánh Thần đã đặt nơi con người nơi Thiên Chúa.
Dưới ảnh hưởng của Thánh Thần, con người nội tâm,
tức là "thần thiêng" (spirituel), trưởng thành và thêm mạnh mẽ. Chỉ
Thánh Thần mới biết rõ sự thật về con người. Trong Thánh Thần, Đấng là hồng ân
vĩnh cửu, Thiên Chúa khai mở cho con người, và hơi thở thầm kín của Thánh Thần
lại làm cho tinh thần con người mở ra với Thiên Chúa, Đấng đã tự khai mở cho
con nguời để cứu độ và thánh hóa con người. Nhờ ân sủng Thánh Thần, con người
đi vào trongsự sống mới, được dẫn vào trong thực tại siêu nhiên của đời sống
thần linh, thành "nơi ở của Thánh Thần" và "đền thờ
của Thiên Chúa Ngôi Ba" (x.Rm 8,9; 1 Cr 6,19). Nhờ hiệp thông ân sủng
với Thiên Chúa, "môi sinh" (lespace vital) của con người được mở
rộng, được nâng cao đến mức siêu nhiên: con người sống trong Chúa và nhờ Chúa,
"sống theo Thánh Thần" và "ước muốn những gì thuộc về Thánh
Thần".
Nhờ mối tương quan thân mật với Thiên Chúa trong
Chúa Thánh Thần, con người hiểu mình, hiểu chính nhân tính của mình. Con người
là hình ảnh, là họa ảnh của Thiên Chúa. Sự thật này cần được không ngừng tái
khám phá dưới ánh sáng của Đức Kitô, là khuôn mẫu cho mối tương quan với Thiên
Chúa. Là hình ảnh của vị Thiên Chúa luôn trao ban, con người chỉ nhận chân được
mình và hoàn thành bản thân khi biết tự trao ban và hiệp thông với người khác.
Sự trưởng thành của con người bên trong bao hàm sự khám phá đầy đủ ý nghĩa của
nhân tính. Khi sự thông ban cho con người trong Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa
biến đổi thế giới của con người từ bên trong nơi trái tim và lương tâm con
người. Khi lãnh nhận và tham dự vào hồng ân thần linh, "thế giới ngày
càng có nhiều nhân tính và nhân tính sâu xa hơn" (plus humain et
profondément humain) - (x. MV 38.40).
Dưới tác động của Thánh Thần, cần thực hiện một
tiến trình trưởng thành đích thực trong nhân loại, trong đời sống cá nhân cũng
như cộng đoàn "để tất cả nên một...như Chúng Ta là một" (Ga
17,21-22): Chúa Giêsu gợi ý cho chúng ta về một sự hiệp thông của các ngôi vị
thần linh và sự hiệp nhất của con cái Thiên Chúa trong Chân Lý và Tình Yêu.
Con người là con đường của Giáo Hội, Con đường đó
đi qua Mầu Nhiệm Chúa Kitô, khuôn mẫu thần linh, và trên con đường đó, Thánh
Thần củng cố trong mỗi chúng ta con người nội tâm và làm con người ngày càng
khám phá ra mình đầy đủ hơn nhờ việc hiến thân vô vị lợi.
Dưới tác động của Thánh Thần, con người khám phá ra
chiều kích thần linh của mình để có thể thóat khỏi những ràng buộc hay những
"giảm trừ", "cắt xén" phát xuất từ việc tuyệt đối hoá vật
chất. Nhờ Thánh Thần, con người mới hoàn thành người trọn vẹn và có thể sống
trong tự do của con cái Chúa.
Như vậy, Năm Thánh 2000 bao hàm sứ điệp giải phóng
nhờ Thánh Thần. Ở đâu có Thánh Thần, ở đó có tự do và có phẩm giá đích thực của
con người.
Bằng việc vâng theo Thánh Thần, các Kitô-hữu minh
chứng cho phẩm giá đích thực của con người, góp phần "đổi mới mặt địa
cầu".
E. GIÁO HỘI, BÍ TÍCH CỦA SỰ KẾT HIỆP SÂU XA VỚI
THIÊN CHÚA ( 61-64).
Bản chất của Giáo Hội là một cơ chế vừa thần linh vừa
nhân loại, và sứ mạng của Giáo Hội là tham dự vào sứ mạng thiên sai của Đức
Kitô.
Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Kitô không chỉ loan báo
việc Ngài ra đi, mà còn loan báo việc Ngài đến "Thầy sẽ không để các
con mồ côi, Thầy sẽ đến với các con" (Ga 14,18) và "Thầy sẽ ở
cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20). Việc Chúa Giêsu đến
diễn ra trong khung cảnh việc sai Thánh Thần, nội tại trong sứ vụ của Thánh
Thần. Nơi mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa Giêsu đã ra đi trong tình yêu của Thánh
Thần. Nơi các bí tích, Chúa đến hiện diện và hành động trong sức mạnh của Thánh
Thần. Qua bí tích, Giáo Hội sống, hoạt động và lớn lên cho đến tận thế, tất cả
nhờ Thánh Thần.
Việc Chúa đi và Chúa đến được diễn tả
cách trọn vẹn trong Bí tích Thánh Thể. Qua Bí tích Thánh Thể, Thánh Thần củng
cố con người nội tâm, dạy con người biết ơn gọi của họ là cho đi chính mình và
sống hiệp thông với Chúa và với anh em. Chính vì vậy mà Giáo Hội thuở ban đầu
rất siêng năng "bẻ bánh". Đấng đã lên trời, giờ đây đến với họ
trong cộng đoàn Thánh Thể. Được Thánh Thần hướng dẫn, ngay từ thuở ban đầu,
Giáo Hội tự diễn tả và củng cố mình trong Bí tích Thánh Thể.
Sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể
giúp Giáo Hội khám phá sâu xa hơn mầu nhiệm của mình. Trong Đức Kitô, Giáo Hội,
cách nào đó, là một bí tích, vừa là dấu chỉ vừa là phương thế cho sự hiệp nhất
sâu xa với Thiên Chúa và sự hiệp nhất với nhân loại. Xét như là bí tích, Giáo
Hội hình thành và phát triển từ sự ra đi của Chúa nơi biến cố Vượt Qua
và sống mầu nhiệm "dến nhờ Thánh Thần" luôn luôn mới mẻ của
Chúa.
Sức mạnh của mầu nhiệm Cứu Độ tiếp tục và phát
triển trong thế giới nhờ sứ mạng của Chúa Con, nhưng cũng nhờ sứ mạng của Chúa
Thánh Thần. Vì Chúa Con ra đi, Chúa Thánh Thần đã đến, và không ngừng đến như
Đấng Bầu Chữa và như Thánh Thần chân lý. Trong sứ mạng của Thánh Thần, Chúa
Con, Đấng đã ra đi trong mầu nhiệm Vượt Qua, hôm nay đang đến và không ngừng
đến trong mầu nhiệm Hội Thánh. Tất cả những điều này diễn ra trong bí tích, nhờ
tác động của Thánh Thần, Đấng không ngừng kín múc nơi sự sung mãn của ơn cứu
chuộc và không ngừng ban sự sống.
Theo ý muón của Chúa Giêsu, Giáo Hội nhờ các bí
tích khác nhau mà chu toàn thừa tác vụ ban ơn cứu độ. Các bí tích vừa biểu thị
vừa trao ban ơn thánh, vừa diễn tả sự sống vừa trao ban sự sống. Giáo Hội là
người phân phát hữu hình các dấu chỉ thánh, còn Thánh Thần hoạt động
trong bí tích như Đấng vô hình phân phát sự sống mà bí tích biểu thị. Nơi đó,
trong sự kết hợp với Thánh Thần, Đức Giêsu Kitô hiện diện và hành động.
Giáo Hội là dấu chỉ và phương thế cho sự hiệp nhất
với Thiên Chúa, vì Giáo Hội là dấu chỉ và khí cụ cho sự hiện diện và tác động
của Thánh Thần. Đồng thời Giáo Hội cũng là "bí tích của sự hiệp nhất nhân
loại". Đó là sự hiệp nhất mà nhân loại nhận từ Thiên Chúa và có nơi Thiên
Chúa.
Con người được sáng tạo theo hình ảnh và họa ảnh
Chúa (chung một cội nguồn) ; dưới tác động của Thánh Thần, con người và nhờ con
người, toàn thể tạo thành, được chuộc lại nhờ Đức Kitô, đang cùng tiến tới cùng
đích của mình nơi Thiên Chúa (chung vận mệnh và đích điểm).
Giáo Hội là "Bí tích cho sự hiệp nhất nhân
loại" vì Giáo Hội là "Bí tích cho sự hiệp nhất giữa con người với
Thiên Chúa". Nhờ nên một với Chúa mà loài người nên một với nhau.
F. THẦN KHÍ VÀ TÂN NƯƠNG NÓI : "XIN HÃY
ĐẾN" (65-66).
Thánh Thần được diễn tả và đi vào đời sống con
người qua lời cầu nguyện. Nơi nào có cầu nguyện, nơi đó có Thánh Thần. Chính
Thánh Thần khơi lên tâm tình cầu nguyện nơi tâm hồn con người. Lời cầu nguyện
bộc lộ chiều sâu của tâm hồn con người, chiều sâu đó đến từ Thiên Chúa và chỉ
có Thiên Chúa mới lấp đầy. Thánh Thần là Hồng Aân đến trong tâm hồn con người,
để nâng đỡ sự yếu hèn của con người khi cầu nguyện.
Thời đại khó khăn của chúng ta đặc biệt cần đến
đời sống cầu nguyện. Nhiều người dành cho cầu nguyện vị trí hàng đầu và tìm
kiếm nơi đó sự canh tân đời sống nội tâm. Thánh Thần là Đấng khơi lên đời sống
cầu nguyện cũng là Đấng khơi dậy khát vọng sống thánh thiện.
Bất chấp tất cả tiến bộ chóng mặt của nền văn minh
khoa học kỹ thuật, con người đang bị đe doạ. Chúng ta đang đối diện với sự suy
thoái thực sự về đời sống tâm linh của con người. Cầu nguyện là phương thế ban
sức mạnh vực dậy con người, vì chính trong đời sống cầu nguyện, Thánh Thần đến
nâng đỡ sự yếu đuối của chúng ta.
Giáo Hội luôn luôn trung thành với mầu nhiệm khai
sinh Giáo Hội. Xét về mặt thiêng liêng, biến cố ngày Hiện Xuống không chỉ thuộc
về quá khứ. Giáo Hội vẫn luôn ở trong nhà Tiệc Ly. Giáo Hội kiên trì cầu nguyện
cùng với Đức Maria, chờ đợi Thánh Thần đến. Khi chiêm ngắm sự thánh thiện kỳ
diệu của Đức Mẹ và bắt chước đức ái của Người, Giáo Hội trở thành Mẹ. Thần
Khí và Tân Nương nói : Xin hãy đến ... (Kh 22, 17). Giáo Hội luôn hy vọng
và chờ đợi ngày nước Chúa hiển trị. Thánh Thần là Đấng giữ gìn và làm cho niềm
hy vọng đó được sống động trong lòng Giáo Hội.
KẾT LUẬN.
Con đường của Giáo Hội đi qua trái tim con người,
vì đó là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ cứu độ với Thánh Thần, với vị Thiên Chúa ẩn
giấu, là nơi mà Thánh Thần trở nên nguồn trào vọt sự sống vĩnh cửu. Thánh Thần không
ngừng là Đấng gìn giữ niềm hy vọng trong trái tim con người.
Thánh Thần không ngừng kết hiệp với Đấng Cứu Chuộc
loài người, nhận lãnh nơi Ngài và ban lại cho con người. Ngài không ngừng đi
vào trong thế giới bằng cách đến trong trái tim con người. Không có sức mạnh
của Thánh Thần, nơi con người chẳng còn chi thanh khiết. Ngài phơi bày tội lỗi
thế gian để tái lập sự thiện trong con người và thế giới, để đổi mới mặt địa
cầu.
Con người sống nhờ Chân Lý và Tình Yêu, hướng về
Đấng Bầu Chữa là Thánh Thần Chân Lý và Tình Yêu.
Giáo Hội ôm ấp trong trái tim mình mọi trái tim
nhân thế, Giáo Hội cầu xin Thánh Thần ban niềm vui không ai cướp đi được, niềm
vui đó là hoa quả của Tình Yêu cũng là hoa quả của Thiên Chúa là Tình Yêu. Bình
an cũng là hoa quả của Tình Yêu. Vì con đường bình an cũng đi qua Tình Yêu và
hướng đến xây dựng một nền văn minh Tình Yêu, nên Giáo Hội hướng về Đấng là
Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con,hy vọng và không ngừng khẩn cầu, đồng thời
phục vụ cho bình an của con người trên trái đất.