ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN

 

Lm. Gêrađô Trần Công Dụ ,CM

 

Trong Giáo Hội ngày nay, người ta bắt đầu khám phá lại ngôi vị và vai trò của Chúa Thánh Thần, không những trong suy tư thần học và trong phụng vụ, nhưng còn chính trong sinh hoạt thường ngày của Giáo Hội và của các kitô-hữu. Một luồng gió đang thổi mạnh trong Giáo Hội, đem lại niềm hy vọng lớn lao nhất cho các cộng đồng kitô-hữu.

 

Một trong những điểm có thể ghi nhận là hoạt động của Chúa Thánh Thần muốn hàn gắn vết thương của sự chia rẽ và chuẩn bị tái lập sự hiệp nhất có liên hệ trực tiếp đến Đức Maria. Trong suy tư thần học sau Công Đồng, sự chú tâm mới đến Chúa Thánh Thần cũng liên hệ đến khoa Thánh-Mẫu-học. Người ta đi từ Giáo Hội đến Đức Maria chứ không theo chiều ngược lại như trước kia (từ Đức Mẹ đến Giáo Hội). Một Giáo Hội tái khám phá mình được Thần Khí linh hoạt tìm kiếm cách tự phát khuôn mẫu của mình nơi Đức Mẹ, Đấng do quyền năng tác động của Chúa Thánh Thần đã thụ thai và sinh hạ Đầu và Cứu Chúa của mình.

 

Mối tương quan giữa Đức Mẹ và Chúa Thánh Thần là một khía cạnh mới trong suy tư thần học của Giáo Hội Tây phương cũng như Đông phương. Các Giáo phụ cũng như các bậc thầy thời Trung cổ chỉ lặp lại một vài dữ kiện hiếm hoi trong Tân Ước, nghĩa là việc Đức Mẹ thụ thai do tác động của Chúa Thánh Thần, với vài lời bình giải không có hệ thống. Ngày nay, ta thấy có nhiều nỗ lực hệ thống hóa để xác định cách chính xác và diễn tả theo thần học mối tương quan giữa Đức Mẹ và Chúa Thánh Thần.

 

Thế nhưng, trước tiên chúng ta cần lưu ý đến một vấn nạn có liên quan đến vấn đề đại kết.

 

I. ĐỨC MARIA HAY CHÚA THÁNH THẦN ?

 

Trong thời kỳ sau Công Đồng, người ta nhận thấy có sự giảm sút lòng sùng kính đối với Đức Mẹ, nơi các tín hữu cũng có, nhưng nhất là trong các giới trí thức, linh mục, tu sĩ ... Đã có một phản ứng chống lại một thứ thần học về Đức Mẹ quá trừu tượng, dựa trên những suy luận về các đặc ân của Đức Mẹ ngoài bối cảnh Kitô-học ; chống lại một cách sùng mộ Đức Mẹ đứng bên ngoài cuộc canh tân phụng vụ, quá dựa vào những mạc khải riêng tư và xa rời những dữ kiện Kinh Thánh.

 

Hơn nữa, mối quan tâm về vấn đề hiệp nhất các kitô-hữu (đại kết) nơi các nghị phụ Công Đồng đã đưa đến việc nhấn mạnh những điểm chung cho mọi kitô-hữu và gạt sang một bên các kiểu nói gây tranh luận. Tất cả những yếu tố trên đã góp phần đưa đến một thái độ rất dè dặt đối với Đức Mẹ.

 

Đối với phần đông người Tin Lành, lập trường Công Giáo xem ra coi nhẹ vai trò của Chúa Thánh Thần và do đó, coi nhẹ vai trò trung gian duy nhất của Đức Kitô. Họ đặc biệt khó chịu khi thấy chúng ta gán cho Đức Mẹ điều mà theo họ là vai trò của Chúa Thánh Thần. Họ thường nghĩ rằng chúng ta hầu như đã đặt Đức Mẹ thay chỗ của Chúa Thánh Thần và điều này gây trở ngại cho cuộc đối thoại đại kết và ngăn chặn con đường tiến đến hiệp nhất.

 

Rất nhiều người kitô-hữu ngoài Chúa Giêsu có cảm giác không thoải mái trước một vài cách trình bày và kiểu diễn đạt của chúng ta về Đức Mẹ. Ngôn từ này xem ra có một khuyết điểm chung là đặt Đức Mẹ thay thế cho Chúa Thánh Thần, gắn cho Đức Mẹ điều thuộc về Chúa Thánh Thần.

 

Những công thức như : “Per Mariam ad Jesum”, “Maria, Mater boni consilii” (Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành), “Consolatrix” (Đấng yên ủi), “Mediatrix” (Đấng trung gian), “advocata” (trạng sư) ... gợi lên chính vai trò của Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Kitô, hình thành Chúa Kitô trong chúng ta, cộng tác với một danh nghĩa độc nhất vào công trình cứu chuộc, là trạng sư (parakletos) biện hộ cho chúng ta, Đấng an ủi chúng ta (consolator) ...

 

Đưa ra nhận xét trên không phải để khẳng định rằng những công thức đó hoàn toàn sai lạc và phải loại trừ. Chúng diễn tả một cách nào đó vai trò của Đức Trinh Nữ trong mầu nhiệm hiệp thông các thánh. Vấn đề là vai trò tương tự và chủ yếu hơn của Chúa Thánh Thần bị quên lãng, tạo nên một sự mất quân bình. Tại sao có nhiều tác phẩm biện hộ cho vai trò đồng công cứu chuộc của Đức Mẹ trong khi đó người ta không hề nói đến vai trò đồng công cứu chuộc cơ bản hơn của Chúa Thánh Thần ?

 

Vấn đề là không loại bỏ mọi công thức gán cho Đức Mẹ nhưng những công thức này áp dụng cách chính yếu và sâu xa hơn đối với Chúa Thánh Thần. Những lời phê bình trên không nhằm đả phá hay kêu gọi chúng ta loại bỏ Đức Mẹ để thay thế bằng Chúa Thánh Thần, nhưng định vị vai trò riêng của Đức Trinh Nữ trong tương quan với Chúa Thánh Thần. Đây là một công việc khó khăn nhưng hữu ích và phong phú.

 

Chúng ta xác tín rằng trước hết phải làm nổi bật vai trò ưu tiên tuyệt đối của Chúa Thánh Thần, Thần Khí thánh hóa, trước khi minh chứng Đức Mẹ là Đấng được thánh hóa cách tuyệt hảo, Đấng đã được Chúa Thánh Thần viếng thăm và, trong lời đáp trả với thiên thần, đã tỏ cho thấy Ngài được Chúa Thánh Thần linh động ở một mức độ sâu xa độc nhất vô nhị. Bởi lẽ, đức tin của Đức Mẹ đón nhận quà tặng của Thiên Chúa chính là một tác động ưu biệt của Chúa Thánh Thần, vì Chúa Thánh Thần là nguồn mạch của mọi niềm tin. Sự cộng tác tự do và tích cực của Đức Mẹ được nuôi dưỡng bởi Chúa Thánh Thần và thấm đượm Thánh Thần, Đấng tác động nơi Mẹ cả ý chí lẫn hành động (Pl 2, 13). Đức Mẹ không có sáng kiến trước, chính Chúa Thánh Thần mời gọi và ban cho Mẹ ân sủng để hoàn toàn tận hiến cho Ngài.

 

II. ĐỨC MARIA DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN.

 

Ngày nay một luồng sáng mới chiếu rọi vào mối tương quan giữa Đức Mẹ và Chúa Thánh Thần, chủ yếu nhờ hiểu biết sâu sắc hơn mạc khải về Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh, cách riêng trong Tân Ước. Để tìm hiểu mối tương quan giữa Chúa Thánh Thần và Đức Mẹ vào lúc Ngôi Lời nhập thể và trong ngày lễ Hiện Xuống, chúng ta có Tin Mừng và sách Tông Đồ Công vụ của thánh Luca, còn thánh Matthêu thì chỉ nói về biến cố Nhập Thể. Chúng ta sẽ tìm hiểu Chúa Thánh Thần tác động thế nào trên một con người hay trên Giáo Hội, nhờ đó khám phá ra Chúa Thánh Thần đã thực hiện điều gì nơi Đức Mẹ, theo thánh Luca. Sau hết, chúng ta cũng sẽ tìm theo thánh Gioan có bổ túc gì thêm trong Tin Mừng của Ngài, khả dĩ giúp chúng ta hiểu sâu hơn về mối tương quan giữa Chúa Thánh Thần và Đức Mẹ.

 

A. ĐỨC MẸ VÀ CHÚA THÁNH THẦN THEO THÁNH LUCA.

 

1. Tin Mừng.

 

1, 28 : Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng !

 

Niềm hân hoan của thời Đấng Messia mà các ngôn sứ thường mời gọi thiếu nữ Sion (Xp 3, 14-17 ;     Dcr 2, 14 ; 9, 9) tràn ngập tâm hồn Đức Mẹ. Đây là niềm vui của Chúa Thánh Thần (Gl 5, 22), niềm vui của Thiên Chúa sinh ra Chúa Con trong trần gian. -Aân sủng mà Đức Mẹ được đổ đầy chính là ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng đã chuẩn bị Đức Mẹ bằng ân sủng của Ngài. Vì thế các giáo phụ thuộc truyền thống Đông phương gọi Mẹ Thiên Chúa là Đấng Toàn Thánh (Panaghia) và ca mừng Mẹ là “Đấng không vương nhiễm tỳ vết tội lỗi, như một tạo vật mới do Chúa Thánh Thần nhào nắn và tác thành” (GH 56), là nơi Chúa Cha tìm được chỗ cư ngụ cho Con và Thần Khí của Người (x. SGL 490-493; 721-722). Đào sâu hơn đạo lý về Chúa Thánh Thần, các giáo phụ còn hiểu được rằng Chúa Thánh Thần là nguồn mạch từ đó phát xuất sự đầy tràn ân sủng nơi Đức Mẹ và sự dư dật các ân huệ trang điểm cho Mẹ (TH Marialis Cultus số 26).

 

1, 35 : Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà...

 

Thánh Luca trình bày Đức Mẹ như là Đấng đã được Chúa Thánh Thần ngự xuống. Có những yếu tố gợi lên một sự song song chặt chẽ giữa việc Chúa Thánh Thần đến trên Đức Mẹ vào lúc Truyền Tin và việc Ngài đến trên Giáo Hội vào ngày Hiện Xuống. Thánh Thần được hứa ban cho Đức Mẹ như là quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ đến trên Ngài (Thánh Thần cũng được hứa ban cho các Tông Đồ như một quyền năng từ trên ban xuống, Lc 24, 49 ; Cv 1, 8). Đức Mẹ, sau khi lãnh nhận Thánh Thần , bắt đầu tán dương những việc cao cả Chúa làm ; các Tông Đồ, sau khi lãnh nhận Thánh Thần, cũng bắt đầu công bố các kỳ công của Thiên Chúa (Cv 2, 11). Công Đồng Vatican II nối kết hai biến cố này : trong nhà Tiệc Ly, “Đức Mẹ cũng tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, là Đấng đã bao phủ lấy Ngài trong ngày Truyền Tin” (GH 59). Sau khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Mẹ, tất cả những ai Đức Mẹ được sai đến, thì đến lượt họ đều được tác động bởi Thánh Thần (x. Lc 1, 41 ; 2, 27). Chắc chắn sự hiện diện của Đức Kitô chiếu toả Thánh Thần, nhưng Đức Kitô ngự trong lòng Đức Mẹ và hoạt động qua Ngài. Đức Mẹ xuất hiện như là hòm bia Thiên Chúa ngự hay là dền thờ của Chúa Thánh Thần ; điều này được gợi lên qua hình ảnh “đám mây rợp bóng trên Mẹ” (đám mây cũng là một biểu tượng của Chúa Thánh Thần), nhắc nhớ lại đám mây sáng trong Cựu Ước là dấu chỉ sự hiện diện hay ngự đến của Thiên Chúa trong lều hội ngộ (Xh 13, 22 ; 19, 16) hoặc trên khám Giao Ước (Xh 40, 35).

 

Vậy, Chúa Thánh Thần tác động trong việc thụ thai đồng trinh của Đức Mẹ (câu 35a) và dường như cả trong việc sinh hạ đồng trinh nữa (35b). Nếu ta hiểu việc “hài nhi sẽ sinh ra là thánh” (quod nascetur sanctum) có nghĩa là một cách thánh : vô tì tích, nguyên vẹn, tinh tuyền theo nghĩa nghi thức của truyền thống Lêvi (và do đó, là một cuộc sinh hạ đồng trinh).

 

Giáo Hội đã đón nhận dữ kiện mạc khải này và đã đưa rất sớm vào trung tâm của Kinh Tin Kính (Kinh Tin Kính các Tông Đồ và của Công Đồng Nixê-Constantinope năm 381) : “Incarnatus est de Spiritu Sancto et ex Maria Virgine”. Do đó, Đức Mẹ được nối kết với Chúa Thánh Thần bằng một mối dây liên kết khách quan, ngôi vị và không thể hủy diệt : đó là bản thân Đức Kitô trong mầu nhiệm Nhập Thể. Nếu muốn tách rời Đức Mẹ ra khỏi Chúa Thánh Thần thì phải phân ly chính Đức Kitô.

 

Trong cuốn “Khái luận về việc tôn sùng chân thật đối với Đức Trinh Nữ (Traité de la Vraie dévotion à la Sainte Vierge), ở số 20, thánh Louis-Marie Grignon de Montfort (1673-1716) đã gọi Đức Mẹ là Hiền Thê của Chúa Thánh Thần (Epouse du Saint-Esprit), nghĩa là Chúa Thánh Thần hoạt động cùng với Đức Mẹ, nhờ Mẹ mà phát sinh Đức Kitô và các chi thể của Người. Hình ảnh này có điểm bất tiện là gợi lên hai đối tác ngang hàng với nhau và bổ túc cho nhau như trong hành vi giới tính, còn đây lại là hoạt động thiêng liêng thuộc một lãnh vực khác hẳn. Để bổ khuyết cho hình ảnh này, thánh Grignon de Monfort còn dùng một thuật ngữ trong triết học kinh viện : Chúa Thánh Thần chuyển sang hiện thể (réduit à l’acte) khả năng sinh sản của Đức Mẹ, nghĩa là khơi dậy từ bên trong những tiềm năng làm mẹ của Đức Mẹ. Đặc điểm của Chúa Thánh Thần là hoạt động từ bên trong.

 

Theo thánh Luca và các sách Tin Mừng Nhất Lãm, Chúa Thánh Thần là sức mạnh của Thiên Chúa làm cho con người có khả năng nói lên những lời và thực hiện những hành động mà con người tự sức mình không thể làm được. Chúa Thánh Thần còn là quyền năng thánh hóa, chiếm hữu con người, thay đổi tâm hồn và biến đổi trở nên một tạo vật mới. Ta gặp thấy cả hai cách thế biểu hiện này của Chúa Thánh Thần nơi Đức Mẹ.

 

Sau Đức Kitô, Đức Mẹ là người được đặc sủng cao vời nhất trong lịch sử cứu độ, không phải vì Ngài đã được nhiều đặc sủng, thực hiện nhiều phép lạ, nhưng vì nơi Ngài, Chúa Thánh Thần đã thực hiện công việc kỳ diệu hơn hết mọi kỳ công của Ngài : làm cho xuất hiện, không phải một lời khôn ngoan, một sấm ngôn, một thị kiến nhưng chính là sự sống của Đấng Thiên Sai, Ngôi Lời hằng hữu của Thiên Chúa.

 

Khi dặt Đức Mẹ trong một tương quan hết sức mật thiết với Chúa Thánh Thần, thánh Luca trình bày cho thấy Đức Mẹ như là tạo vật đầy Thánh Thần hơn hết, luôn hành động dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần và là nơi Chúa Thánh Thần biểu lộ quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Đức Mẹ không chỉ là một “nơi” cho Thiên Chúa hoạt động, vì Thiên Chúa không đối xử với con người như những “nơi chốn” hay dụng cụ, nhưng như những ngôi vị, những cộng sự viên, những đối tác.

 

1, 46-55 : bài ca Magnificat.

 

Cũng như Đức Giêsu một ngày kia, được Chúa Thánh Thần tác động, hớn hở vui mừng cất tiếng ngợi khen Chúa Cha (Lc 10, 21) ; các Tông Đồ đầy Thánh Thần cũng cao rao những kỳ công của Thiên Chúa (Cv 2, 11) ; Đức Mẹ, sau khi được Thánh Thần ngự xuống, cũng vội vã lên đường đến viếng thăm bà Elisabeth và cất lên bài ca Magnificat tuyệt vời, nói lên niềm hớn hở vui mừng của Mẹ (Lc 1, 46). Chính Luther cũng gán bài ca của Đức Mẹ cho tác động của Chúa Thánh Thần. Oâng viết : “Muốn hiểu cho đúng bài thánh ca ngợi khen này, phải ghi nhận rằng Đức Trinh Nữ Maria nói về kinh nghiệm riêng của Ngài, sau khi đã được soi sáng và dạy dỗ bởi Chúa Thánh Thần”. Đức Phaolô VI, trong Tông huấn Marialis Cultus ở số 26, cũng viết : “Trong bài ca đượm màu sắc tiên tri của Đức Mẹ, các giáo phụ ghi nhận có một ảnh hưởng đặc biệt của Chúa Thánh Thần”.

 

2. Sách Công Vụ Tông Đồ.

 

1, 14 : Đức Maria trong biến cố Hiện Xuống.

 

Thánh Luca trình bày Đức Mẹ chuyên cần cầu nguyện với các Tông Đồ, một số phụ nữ và các môn đệ khác trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Luca chỉ nói đến Đức Mẹ một cách rất vắn gọn, không thuật lại một cử chỉ hay lời nói nào của Mẹ. Tuy nhiên, ta ghi nhận Đức Mẹ hiện diện vào lúc khởi đầu Giáo Hội cũng như Mẹ đã hiện diện ở đầu Tin Mừng, ở đầu đời sống ẩn dật, ở đầu và ở cuối đời sống công khai của Đức Kitô. Vai trò của Đức Mẹ trong biến cố Hiện Xuống không dựa trên địa vị gia đình, vì đây là giai đoạn sau hết của công trình cứu chuộc qua đó Giáo Hội sẽ được khai sinh. Đức Trinh Nữ can thiệp với tư cách là người cộng sự viên trong kế hoạch cứu độ.

 

Thánh Luca đã cho thấy mối liên hệ độc nhất nối kết Đức Mẹ với Chúa Thánh Thần, chóp đỉnh của lời Truyền Tin của sứ thần Gabriel là loan báo Chúa Thánh Thần đến thực hiện việc thụ thai đồng trinh. Nếu ta đem so sánh biến cố Nhập Thể với biến cố Hiện Xuống, sự tương đồng dường như đòi hỏi có sự cộng tác của Đức Mẹ trong cả hai trường hợp. Nếu Đức Trinh Nữ đã được mời gọi cộng tác trong việc sinh hạ Đức Kitô, thì sự hiện diện của Đức Mẹ trong nhà Tiệc Ly có mục đích cộng tác vào sự can thiệp kỳ diệu của Chúa Thánh Thần trong việc hình thành Giáo Hội là điều rất hợp lý.

 

Mầu nhiệm Thăm Viếng củng xác nhận vai trò này. Bà Elisabeth được đầy Thánh Thần khi Đức Mẹ cưu mang Đức Kitô dến viếng thăm. Do đó, ta có cơ sở để nghĩ rằng, nếu Đức Kitô muốn tuôn đổ Thánh Thần xuống trên toàn thể Giáo Hội thì Người cũng thực hiện điều đó nhờ một sự cộng tác của Đức Mẹ.

 

Tư cách cộng sự viên trong hy tế cứu chuộc cũng đem đến một lý do chính yếu cho sự hợp tác của Đức Mẹ vào mầu nhiệm tuôn đổ Thánh Thần. Thực vậy, việc tuôn đổ Thánh Thần này là kết quả của hy tế thập giá. Đức Mẹ đã kết hợp mật thiết một cách vô song vào hy tế này, từ khi nói lời Fiat, lúc dâng Chúa trong đền thờ và giờ đây hoàn tất sứ mạng của mình trong mầu nhiệm Hiện Xuống.

 

Sau hết, do việc kết hợp với hy tế cứu chuộc trên thập giá, Đức Mẹ đã lãnh nhận phẩm chức làm Mẹ các kitô-hữu. Sứ mạng này bao hàm một vai trò đặc biệt của Mẹ trong việc hình thành và phát triển đời sống Kitô-giáo nơi mỗi người, mà hồng ân Thánh Thần lại là ơn huệ cơ bản nhất từ đó phát sinh đời sống Kitô-giáo, nghĩa là đời sống trong Thánh Thần. Chức làm mẹ thiêng liêng của Đức Mẹ là làm mẹ theo Thánh Thần.

 

Do đó, chúng ta có thể khẳng định, trong ngày Hiện Xuống, Đức Mẹ là Mẹ của Giáo Hội đang hình thành.

 

B. ĐỨC MẸ VÀ CHÚA THÁNH THẦN THEO THÁNH GIOAN.

 

Ga 19, 25-27 : Đức Maria dưới chân thập giá - Nước và Thần Khí (Ga 31-37).

 

Trong dịp lễ Lều (7, 37-39), Đức Giêsu đã long trọng tuyên bố : “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống ! Như Kinh Thánh đã nói : từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống”. Những lời này ám chỉ tảng đá trong sa mạc mà ông Môsê đã dùng gậy đập vào. Tảng đá là hình bóng Đức Kitô, trở nên nguồn phúc lộc thần linh. Để giải thích rõ hơn, thánh Gioan đã thêm vào những lời này : “Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ được lãnh nhận. Thật thế, bây giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh”. Nếu thánh Gioan nhấn mạnh đến sự kiện ngay sau khi Đức Giêsu sinh thì, “nước đã chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thủng” (19, 34), thì chắc chắn ngài muốn gán cho hiện tượng này một giá trị biểu tượng. Theo diễn ngữ thông thương trong Tin Mừng, nước tượng trưng cho Thần Khí, tuôn chảy từ thân mình Đức Kitô Tử Nạn và Phục Sinh.

 

Quyền năng lôi kéo Thánh Thần đến trong con cái.

 

Khi máu và mước chảy ra từ cạnh sườn của Đấng Cứu Thế, thì người môn đệ, chứng nhân tận mắt, và Mẹ Đức Giêsu còn đứng đó. Chúng ta có thể kết luận rằng cả hai là những người đầu tiên đã nhận được dòng suối.

 

Thánh Thần tuôn đổ xuống, vì là những người đầu tiên đến với Đấng Cứu Thế trong lòng tin. Vậy khi nước hằng sống tuôn chảy như dòng sông từ trên đồi Camvê, thì Đức Mẹ là người đứng sát bên thập giá đã nhận được một đợt tuôn đổ Thánh Thần mới. Ta cũng được phép suy đoán rằng Đức Mẹ đã tiến lại gần xác Đức Giêsu mà lấy tay hay vạt áo để lau lằn nước rỉ xuống từ vết thương mở rộng. Nếu sự việc đã diễn ra như thế, thì khi đó Đức Mẹ đã nhận được một dấu chỉ hữu hình hoa trái đầu mùa (hay khai ân) của Thánh Thần. Sau khi gục đầu, Đức Giêsu “trao lại Thần Khí của Người” (Ga 19, 30). Đức Mẹ đứng gần bên thập giá đã tiếp nhận sinh khí ấy, đại diện cho Giáo Hội, là Evà mới, sinh ra từ cạnh sườn của Ađam mới, dưới chân cây thập giá là cây đem lại sự sống mới, sự sống của Thần Khí. Ta có thể nói, chính Đức Mẹ là người đầu tiên được thanh tẩy trong Thánh Thần, như là người đại diện cho toàn thể Giáo Hội, là hình ảnh của Giáo Hội, là Nữ tử Sion cánh chung, là Dân Mới của Thiên Chúa. Lễ Hiện Xuống theo thánh Gioan (Pentecôte johannique) có thể nói đã bắt đầu từ cây thập giá, trên đồi Canvê. Cần ghi nhớ rằng, cũng từ giờ này, Đức Mẹ đảm nhận vai trò làm mẹ những kẻ được cứu chuộc. Vì thế, ta không thể nghi ngờ rằng, một cách nào đó, Đức Mẹ đã nhận được quyền năng lôi kéo Thánh Thần xuống trong tâm hồn con cái của Mẹ, không phải theo kiểu của các Tông Đồ, nghĩa là nhờ quyền thừa tác của hàng tư tế (vì lẽ đó, Mê không có mặt trong nhà Tiệc Ly chiều ngày Phục Sinh), nhưng theo cách riêng của Mẹ, như một người mẹ và theo những yêu cầu do sứ mạng của Mẹ.

 

Trong bút tích của thánh Gioan và Thánh Phaolô, Chúa Thánh Thần như là nguyên lý hay ngôi vị thần linh đến lập cư trong tâm hồn con người mới. Đó là Thần Khí thánh hoá, hơn là Thần Khí thực hiện những việc lạ lùng. Thánh Thần, được liên kết ở đây với nước, tỏ hiện như là nguyên lý của sự đổi mới nội tâm, làm cho con người có khả năng tuân giữ luật của Thiên Chúa và, tựa như nước hằng sống, làm nảy sinh một mầm sống mới.

 

Thánh Phaolô tổng hợp hai quan điểm về Thần Khí : Thần Khí phân phát các đặc sủng và Thần Khí tuôn đổ lòng mến trong các tâm hồn. Cả hai đều là những biểu hiện của cùng một Thần Khí, nhưng cách thứ hai thì cao trọng và đáng quý hơn (1Cr 12, 31). Vì lòng mến không bao giờ qua đi (1Cr 13, 8) và trỗi vượt trên các đặc sủng mà có ngày sẽ mất (1Cr 12-13). Vậy, Đức Mẹ đứng bên thập giá đã lãnh nhận hoa quả đầu mùa của Thần Khí này.

 

III. TỔNG HỢP : ĐỨC MẸ VÀ CHÚA THÁNH THẦN.

 

Kitô-giáo là một giao ước giữa hai tình yêu trong Đức Kitô : tình yêu của Thiên Chúa đến với chúng ta là Chúa Thánh Thần và tình yêu nhân loại tinh tuyền nhất vươn lên Thiên Chúa là Đức Mẹ. Sự gặp gỡ giữa hai tình yêu này hay là cái gút của giao ước giữa Chúa Thánh Thần và Đức Mẹ là Đức Giêsu Kitô. Bàn về mầu nhiệm thụ thai đồng trinh, một nhà thần học người Nga (S. Boulgakov) đã viết : “Hành vi này xem ra như một sự dồng hóa giữa Chúa Thánh Thần và Đức Mẹ trong việc thụ thai Con Thiên Chúa”. Có lẽ ta nên ghi nhớ diễn ngữ này (đồng hóa) tuy phải dứt khoát gạt bỏ ý tưởng điên rồ muốn biến Đức Mẹ (hay Giáo Hội) thành một hiện thân của Chúa Thánh Thần. Từ “đồng hóa” có lợi điểm là biểu thị cách thế hành động của Chúa Thánh Thần : Chúa Thánh Thần tác động từ bên trong bằng cách phát huy nơi chính bản thân con người mà Ngài hoàn toàn tôn trọng sự triển nở và thực hiện của riêng người đó.

 

Dĩ nhiên, sự đồng hóa bí nhiệm này của tạo vật, được sát nhập vào Đức Kitô và được nâng lên trong tình nghĩa thiết với Thiên Chúa, hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa siêu việt.

 

Để kết thúc phần tìm hiểu về mối tương quan của Đức Mẹ với Chúa Thánh Thần, chúng ta thử gợi lên một vài điểm tương đồng giữa Đức Trinh Nữ và Chúa Thánh Thần tuy vẫn luôn luôn phải ghi nhớ sự phụ thuộc biệt loại.

 

A. VAI TRÒ TỪ MẪU.

 

Kinh Thánh nói đến một người Cha ở trên trời và một người Con, nhưng để nói về Chúa Thánh Thần thì không hề dùng những hình ảnh rút ra từ sự khác biệt giới tính hay những quan hệ gia đình. Từ Dothái được dùng để chỉ Thần Khí là “Ruah” thuộc giống cái nhưng thực tại nó biểu thị như hơi thở, khí hay gió thì lại vô ngã. Trong Cựu Ước, sức mạnh hay thần lực là đặc tính chủ yếu của Thần Khí nhưng không gợi lên một hình dung nào mang hình thái người nữ hay người mẹ. Tân Ước thì dùng từ “Pneuma”, thuộc giống trung (neutre), cũng không biết đến một kiểu hình dung nào như thế.

 

Tuy nhiên, những hoạt động của Thần Khí, nơi Thiên Chúa và trong lịch sử, có những nét tương đồng lạ lùng với vai trò của một người mẹ.

 

Các kitô-hữu là con Thiên Chúa trong sự hiệp thông với Chúa Con ; nhưng sự hiệp thông và chức làm con này được thực hiện trong Thánh Thần. Chúa Cha sinh ra con cái giống hình ảnh mình, nhưng con cái được sinh ra trong Thánh Thần, lớn lên và sống tình con thảo trong Thánh Thần, như trong cung lòng một người mẹ, được dắt dìu, dưỡng dục như bởi một người mẹ. Trong phụ tính vĩnh hằng của Người, Chúa Cha không ngừng nuôi dưỡng Chúa Con trong cung lòng Chúa Thánh Thần là sự sống thần linh, quyền năng và sự thánh thiện vô biên. Dưới trần gian, Chúa Con đã được nuôi dưỡng trong cung lòng Đức Mẹ. Vai trò giáo dục mọi con cái Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần trước tiên đã chu toàn đối với Chúa Giêsu và nhờ Đức Mẹ. Chúa Thánh Thần dạy chúng ta cầu nguyện ; Đức Mẹ đã dạy Con Ngài cầu nguyện, gợi cho con những cử chỉ, thái độ và lời nói. Người Mẹ nói bên tai con và Chúa Thánh Thần làm thức tỉnh tâm hồn, làm thốt lên tiếng gọi thân thương đầy tin tưởng của trẻ thơ : “Abba !” khiến bà mẹ phải hết sức ngạc nhiên. Và như vậy, sự cộng tác chặt chẽ giữa Chúa Thánh Thần và người mẹ trong công trình nhập thể được tiếp diễn.

 

B. CHỨNG TÁ.

 

Chúa Thánh Thần là chứng nhân của Thiên Chúa (1Ga 5, 6 ; Ga 15, 26), một chứng nhân kín đáo, ẩn mình trong chứng tá của mình, trên bình diện siêu việt. Đức Mẹ là chứng nhân đầu tiên của công trình Chúa Thánh Thần. Ngài có sự khiêm nhường của người chứng. Ngài quy hướng mọi sự về Thiên Chúa trong bài ca Magnificat (Lc 1, 46-55). Chứng tá của Ngài không phải là chứng tá bên ngoài, chính thức, bằng lời rao giảng, như chứng tá của các Tông Đồ, nhưng là chứng tá sống động và nội tâm, tựa như chứng tá của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn các tín hữu và là một chứng tá trong Thánh Thần. Cảnh Thăm Viếng minh chứng điều này (Lc 1, 39-45) : trong dịp này, Đức Mẹ không nói trước, thế mà bà Elisabeth vẫn được đầy Thánh Thần.

 

C. MỐI DÂY LIÊN KẾT.

 

Có lẽ đây là điểm tương đồng sâu sắc nhất giữa Đức Mẹ và Chúa Thánh Thần : Đức Mẹ đã là mối dây nhân loại đầu tiên nối kết Ngôi Lời với loài n. Chính Mẹ đã làm cho Ngôi Lời có thể hội nhập vào xã hội loài người. Việc Thiên Chúa đến hòa nhập với con người đã được thực hiện nhờ Mẹ và với Mẹ : Mẹ chính là mầm mống của Giáo Hội. Nhà thần học Tin Lành Luther, Hans Asmussen, đã nhận thức rõ điều này và gọi Đức Mẹ là một “chi thể gắn kết” (Bindeglied : un membre liant). Chức năng này tương tự chức năng của Chúa Thánh Thần là mối dây liên kết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và trong Giáo Hội. Vai trò liên kết của Đức Mẹ trên bình diện nhân loại, nhờ sự ưng thuận và việc làm Mẹ của Ngài, Chúa Thánh Thần thực hiện vai trò ấy trên bình diện thần linh và siêu việt. Chúa Thánh Thần làm phát sinh nơi Mẹ lời ưng thuận của lòng tin nói lên nhân danh loài người, cũng như việc thụ thai và sinh hạ đồng trinh là sự tiếp nối sự ưng thuận bên trong thể xác.

 

KẾT

 

Để kết thúc, chúng ta có thể tóm tắt mối liên hệ giữa Chúa Thánh Thần và Đức Mẹ bằng ba thuật ngữ sau đây :

 

Đức Mẹ là nơi ưu tuyển.

 

Đức Mẹ là đền thờ, là cung thánh sống động của Chúa Thánh Thần, cũng như các kitô-hữu và Giáo Hội là đền thờ Chúa Thánh Thần. Đức Mẹ một cách ưu việt là nơi Chúa Thánh Thần ngự, phát sinh ra Đức Kitô. Sự hiện diện năng động của Chúa Thánh Thần thiết lập nơi Mẹ nguyên lý cho sự cư ngụ của Chúa Thánh Thần nơi con người, lan rộng đến hết mọi người và được thực hiện cách trọn vẹn trong ngày cánh chung.

 

Đức Mẹ là dấu chỉ của Chúa Thánh Thần.

 

Đức Mẹ là dấu chỉ, biểu tượng của Thánh Thần cách riêng qua mầu nhiệm thụ thai đồng trinh bởi Thánh Thần mà các bản văn Kinh Thánh gợi lên. Trước hết có lời sấm về Đấng Emmanuel (Is 7, 14) được Mt 1, 23 lặp lại : “Đức Chúa sẽ cho các ngươi một dấu : Này cô nương ẽ thụ thai và sinh con và sẽ gọi tên con là ‘Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta’”. Từ này được lập lại trong Kh 12, 1 để chỉ Mẹ Đấng Messia và Giáo Hội là cộng đoàn các kẻ tin : “Một dấu lạ vĩ đại hiện ra trên trời : một người phụ nữ...”. Đức Mẹ là bản sao của Chúa Thánh Thần trên bình diện nhân loại (“la doublure humaine de l’Esprit” theo kiểu nói của cha Durwell trong “l’Espeit Saint de Dieu” p. 168). Đức Giêsu sinh ra bởi Thiên Chúa Cha, được thụ thai trong Thánh Thần và trong một thiếu nữ Dothái. Việc làm mẹ của Đức Mẹ là sự chuyển vị trên bình diện nhân loại hành động của Chúa Thánh Thần bên trong mầu nhiệm Thiên Chúa. Hơn hết mọi tạo vật khác, Đức Mẹ đã được đảm nhận trong vai trò từ mẫu và giáo dục của Chúa Thánh Thần, Ngài là bản sao trên bình diện nhân loại của Chúa Thánh Thần, Đấng là hiện thân lòng từ bi thương xót của Chúa Cha (2Cr 1, 3).

 

Đức Mẹ là hình ảnh của Chúa Thánh Thần :

 

Thật vậy, Đức Mẹ là dấu chỉ - hình ảnh (icône) của Chúa Thánh Thần chứ không phải là dấu chỉ – dụng cụ, dấu chỉ để chiêm ngắm hơn là để xử dụng, vì Ngài trước hết là mẫu mực. Vì thế, chúng ta có thể gọi Đức Mẹ là “ảnh thánh” của Chúa Thánh Thần , thực hiện sự kết hợp giữa Con Thiên Chúa và loài người, việc nhập thể của Ngôi Lời giữa lòng thế giới, khuôn mẫu của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người, một sự hiệp thông lan rộng đến hết mọi người  và cho đến muôn đời, trong sự hiệp thông của các thánh. Mẹ là dấu chỉ hoàn hảo tại thế của Chúa Thánh Thần, Đấng hình thành Đức Kitô nơi bản thân con người và tập hợp con người trong sự duy nhất của Đức Kitô. Chính trong đường hướng này mà Đức Mẹ được gọi là “hình ảnh cánh chung của Giáo Hội” hay “sự thực hiện tối cao của Giáo Hội”, Hiền Thê của Đức Kitô. Khuôn mặt “Maria” phô diễn khía cạnh nội tâm và thâm sâu của mầu nhiệm Giáo Hội hơn khuôn mặt “Phêrô”. Vì thế, sau ngày Hiện Xuống, Đức Mẹ rút vào nơi thanh vắng, thinh lặng, sống ẩn giấu với Đức Kitô trong Thiên Chúa (Cl 3, 3). Mẹ khai sáng trong Giáo Hội ơn gọi sống đời ẩn dật và cầu nguyện, bên cạnh đời sống Tông Đồ và hoạt động. Khác với các Tông Đồ, có thể nói, Đức Mẹ ở lại trong nhà Tiệc Ly để cầu nguyện, chỉ cho ta thấy, trong Giáo Hội, hoạt động, co dù là vì Nước Trời, chưa phải là tất cả, Giáo Hội còn cần đến những tâm hồn cầu nguyện để lãnh nhận ơn Thánh Thần, trước khi lao mình vào thế giới. Đức Mẹ là nguyên mẫu của Giáo Hội cầu nguyện này.

 

Tất cả con người và cuộc đời của Đức Trinh Nữ Maria trong lịch sử cứu độ là một sự biểu lộ và thực hiện mẫu mực của Chúa Thánh Thần là Đấng, có thể nói, mở rộng cộng đoàn Ba Ngôi bằng việc thần hóa con người, bằng sự hiệp thông của các thánh trong Đức Giêsu Kitô. Chúa Thánh Thần là nguyên lý siêu việt và thiêng liêng của công trình ân sủng này, đã thiết lập nơi Đức Mẹ nguyên lý nhân loại và thể chất của công trình yêu thương đó trong các thụ tạo. Trong hết mọi sự, từ việc thụ thai Vô Nhiễm đến lời Xin Vâng trong biến cố Nhập Thể, từ dấu lạ đầu tiên của Đức Giêsu cho đến cái chết của Ngài do Chúa Thánh Thần cảm hứng và qua đó Đức Giêsu trao ban Thần Khí (Ga 19, 30) ; từ lễ Hiện Xuống cho đến ngày cánh chung ; Đức Mẹ, trong sự lệ thuộc hoàn toàn, là nơi chốn và là hình ảnh của Chúa Thánh Thần, là kiểu mẫu hữu hình và là sự thể hiện lý tưởng của sự hiệp thông thần linh mà Ngài làm phát sinh và thực hiện trong Giáo Hội. Đức Mẹ hoàn toàn tuỳ thuộc vào Đức Kitô và hoàn toàn tuỳ thuộc vào Chúa Thánh Thần. Ngài thực là kiệt tác của Chúa Thánh Thần. Vì thế, việc chiêm ngắm Đức Mẹ, hình ảnh tuyệt vời của Chúa Thánh Thần, không làm thiệt hại điều gì cho Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần. Ngược lại Chúa Thánh Thần muốn dùng kiệt tác đó để dạy chúng ta noi theo Đức Kitô. Không một nghệ sĩ, một danh hoạ nào lại nghĩ rằng mình bị xúc phạm khi thấy đám môn sinh ngồi chung quanh kiệt tác của mình tấm tắc ca ngợi và ngây ngất chiêm ngưỡng lâu giờ để cố bắt chước hoạ lại, thay vì chỉ đọc những gì thầy viết về nghệ thuật hội hoạ. Vì thế, người kitô-hữu mong ước uốn nắn đời sống mình theo hình ảnh của Đấng đã đón nhận Đức Kitô và trao tặng Đức Kitô cho thế giới, rồi họ cầu nguyện với Mẹ để sự đồng hóa này được thực hiện nơi họ. Xác tín rằng Đức Mẹ cộng tác với hành động của Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần, với tư cách là khuôn mẫu và là Đấng chuyển cầu. Mầu nhiệm đời sống Kitô-giáo sẽ thiếu mất một chiều kích quan trọng nếu loại bỏ hay coi thường vai trò của Đức Mẹ. Người ta có lý mà phủ nhận việc gán ghép cho Đức Mẹ điều thuộc riêng về Chúa, nhưng thật là một sai lầm nghiêm trọng và tai hại nếu cố tình tự khép kín trước ảnh hưởng thầm kín của Đức Mẹ đối với đời sống trong Đức Kitô và Thánh Thần của Người.


Trở về Mục Lục | Về Trang Nhà