Đức Chúa Thánh Thần và đời sống con người
Trong nếp sống đức tin đạo Công giáo chúng ta mừng kính ba
ngày lễ lớn trọng đại trong năm: lễ Chúa Giêsu giáng sinh làm người, lễ phục
sinh mừng kính mầu nhiệm Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, và lễ Đức Chúa Thánh
Thần hiện xuống, Đấng là thần linh của Thiên Chúa nguồn sức sống cho vũ trụ
cùng con người.
Đâu là nguồn gốc cùng ý nghĩa ngày lễ này, và có liên quan
gì tới đời sống con người?
1. Hai ngày lễ nhắc nhớ đến những biến cố lịch sử
Lễ mừng kính Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống được mừng kính
50 ngày sau lễ Chúa Giêsu phục sinh. Với ngày lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống
mùa phục sinh mừng lễ Chúa Giêsu sống lại chấm dứt. Lễ này còn gọi là lễ Ngũ
tuần (Pentecoste)
Cả hai ngày lễ trọng này đều có nguồn gốc liên quan với
thiên nhiên. Lễ phục sinh, còn gọi là lễ Vưọt qua, khởi đầu mùa Xuân, sức sống
mới nẩy mầm vươn lên trong trời đất. Lễ Ngũ tuần (lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện
xuống) khởi đầu mùa thu hoạch lúa mạ mùa màng.
Với người Do Thái, hai lễ này mang sâu đậm ý nghĩa lịch sử
cứu độ. Lễ Vượt qua (lễ phục sinh) nhắc nhớ lại biến cố họ được cứu độ thoát
khỏi vòng nô lệ bên Ai Cập trở về quê hương đất nước Do Thái, mà Thiên Chúa hứa
ban cho họ. Lễ Ngũ tuần nhắc nhớ lại Thiên Chúa ngày xưa trên núi Sinai đã trao
cho họ qua Thánh Tiên tri Maisen 10 Điều Răn của Chúa.
Với người tín hữu Chúa Giêsu Kitô, lễ phục sinh là lễ mừng
mầu nhiệm Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết mang ơn cứu độ cho linh hồn con
người.Và lễ Ngũ tuần là lễ mừng kính Thiên Chúa gửi sai Thánh Thần, thần linh
sức sống của Người từ trời cao xuống trên vũ trụ cùng con người.
Mỗi lễ đều mang sắc thái liên quan đến đời sống con người
giúp họ đổi mới đời sống, cùng trở nên vững mạnh. Lễ ngũ tuần (50), hay lễ Đức
Chúa Thánh Thần hiện xuống, trong tiến trình đời sống tuổi tác một con người, còn
có ý nghĩa là chặng giai đoạn đỉnh cao bước sang chặng đường chín mùi với tuổi
đời 50.
2. Lễ ngũ tuần và đời sống con người
Theo tập tục nếp sống dân gian, tuổi đời 50 của con người,
như là ngưỡng cửa bước sang một giai đọan tuổi đời sống của một người đi vào
hàng lão niên. Không chỉ mầu tóc đang dần ngả biến sang mầu bạc trắng, nhưng
tâm trí họ đã gặt hái thu lượm có nhiều kinh nghiệm. Vì đã sống trải qua nhiều
chặng đường đạt tới mức chín mùi khôn ngoan suy tính cẩn trọng hơn nhiều.
Trong Kinh Thánh nơi sách Levi (25, 8-12) năm 50 là năm kỷ
niệm mừng vui, là thời gian được miễn trừ tha nợ, người nô lệ được trả tự do,
và vào thời kỳ tuổi đi nghỉ hưu. Mục đích Kinh Thánh nói đến năm 50 là năm kỷ
niệm mừng vui muốn khơi dậy đến trật tự cơ hội đồng đều đã có từ khởi đầu cho
mọi con dân
Theo luật lệ thời Roma ai đạt tới tuổi 50 được về nghỉ hưu
chấm dứt nhiệm vụ quân dịch trong quân đội.
Thánh Augustino đã có suy tư về ý nghĩa số 50 ( lễ Ngũ
tuần): “Ngày thứ 50. này còn mang một ý nghĩa mầu nhiệm bí ẩn khác nữa. Bảy lần
bảy là bốn mươi chín. Khi ta trở về khởi đầu và cộng thêm vào ngày thứ tám, đó
là ngày thứ nhất, như thế sẽ tròn đầy thành thứ năm mươi. 50 ngày sau lễ mừng
Chúa Giêsu phục sinh không còn mang hình ảnh ý nghĩa của sự cực nhọc, nhưng là
hình ảnh ý nghĩa của thanh bình và niềm vui”.
Lễ Đức Chúa Thánh
Thần hiện xuống ( lễ Ngũ tuần) theo nguyên thủy với người Do Thái là lễ tạ ơn
cầu mùa.
50 ngày, từ lễ Phục sinh tới lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện
xuống, là thời gian muốn nói lên con người chúng ta như trong thiên nhiên, tâm
trí tinh thần phát triển trở nên chín mùi vững mạnh. Con đường chỗi dậy khỏi
nấm mồ sống lại giữa đời dòng sống hằng ngày, con đường đi xuống vào tận trong
đời sống riêng mỗi người, tới điểm nơi trời cao nằm tiềm ẩn trong con người. Đó
là con đường, Đấng đã sống lại cùng đồng hành với chúng ta, hướng dẫn, nói với
chúng ta trong thâm tâm như Người Thầy.
Đức Chúa Thánh Thần, là ngôi ba Thiên Chúa, xuống trong tâm
trí con người, đánh thức khơi dậy sức sống niềm phấn khởi trong ta cho bừng
lên, cũng tựa như nụ hoa tự bung mở nở cánh hoa tươi đẹp vươn ra ngoài thiên
nhiên.
Lễ Đức Chúa Thánh Thần là lễ sức sống năng động. Khi tạo
thành vũ trụ trời đất, Thánh Thần Thiên Chúa bay lượn trên không gian đổi mới
mặt địa cầu. Ngày lễ hiện xuống, Thánh Thần Thiên Chúa đáp xuống vào tận tâm
trí làn da thớ thịt tầng thần kinh cảm gíac con người làm đổi mới đời sống. Như
thế, con người chúng ta được đụng chạm gần gũi với nguồn gốc khởi đầu trong
sáng tạo, với hình ảnh nguyên thủy mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người bằng
chính hơi thở thần linh của Ngài.
Vì thế trong đời sống người tín hữu Chúa Kitô luôn sống
trong chờ đợi kêu mời Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống trong con người của mình.
3. Tuần chín ngày trông chờ Đức Chúa Thánh Thần
Ngày xưa các Thánh Tông đồ, sau khi Chúa Giêsu lên trời, đã
cùng với Đức Mẹ và những người phụ nữ đạo đức, tụ tập trong nhà tiệc ly cầu
nguyện chờ đợi Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, ban ơn sức mạnh như lời Chúa
Giêsu Kitô đã hứa (Cv 1, 8-14).
Theo cung cách đạo đức này, từ thế kỷ thứ 12. đã có tập tục
nếp sống đạo đức tuần chín ngày (novis) trước ngày lễ mừng kính Đức Chúa Thánh
Thần hiện xuống, chờ đợi ơn Đức Chúa Thánh Thần. Tập tục đạo đức tuần chín ngày
này rất thịnh hành được yêu chuộng thực hành sống động trong nếp sống đức tin
Kitô giáo.
Số chín (9) mang đặc tính sự biến đổi. Một thai nhi sống ở
trong cung lòng mẹ mình chín tháng trước khi ra chào đời. Trong thời gian chín
tháng đó, thai nhi dần biến dạng thành hình hài một con người.
Hình ảnh nguyên thủy của tuần chín ngày Kitô giáo là chín
ngày sau khi Chúa Giêsu về trời các Tông đồ cùng với Đức Mẹ Maria cùng với các
người phụ nữ khác đã theo Chúa Giêsu tụ họp cầu nguyện chờ đợi Đức Chúa Thánh
Thần ngự xuống trong nhà tiệc ly.
Ngày nay khi sống thực hành tuần chín ngày chờ đón mừng
ngày lễ kính Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống chúng cầu nguyện xin sức sống đổi
mới làm tươi trẻ trong Giáo Hội, cho sự thay đổi mới nơi đời sống mỗi người.
Chúng ta cầu xin trông mong chờ đợi sức năng động nhiệt
thành hăng say trong đời sống đã bị tiêu hao mòn mỏi hay đã mất đi. Với gánh
nặng đời sống, ta cảm thấy như mình không còn đủ sức lực tương xứng cho một đời
sống chân thực, mức độ đà vươn lên như chùng chìm giãn ra nhiều cần phải kéo
lên cao, làm cho trong sáng phấn khởi trở lại. Thiên Chúa đã qua Thần Linh sức
sống của Ngài đã tạo dựng nên vũ trụ, xin Ngài thổi Thánh Thần vào đổi mới làm
tươi trẻ nơi con người mệt mỏi đang khô cằn chùng giãn chìm sâu xuống.
Trong tuần chín ngày ta khẩn cầu xin Chúa Thánh Thần, Đấng
là nguồn suối cuộn vọt chảy sức tươi mát cho mạnh sức trở lại; Đấng là ngọn
lửa, ánh sáng chiếu tỏa hơi nồng ấm và sự sáng trong tâm hồn; Đấng là chất dầu
thuốc chữa lành những vết thương đau khổ của ta, và củng cố cho ta được mạnh
khoẻ làm nhiệm vụ sinh sống ở đời.
Như thế Đức Chúa Thánh Thần là hình ảnh, là sức đà của sự
sáng tạo mới. Hình ảnh này đã có trong kinh thánh còn viết để lại: núi thánh
Sinai.
4. Núi thánh Sinai xưa và nay
Với người Do Thái, mừng lễ Ngũ Tuần 50 ngày sau lễ Vượt
muốn qua nhắc nhớ lại biến cố Thiên Chúa trao ban 10 điều Răn cho Thánh Tiên
Tri Maisen trên núi thánh Sinai. Đó là lễ Sinai, lễ Giao ước
Và khi Thiên Chúa hiện ra mạc khải cho dân Israel, cùng ký
kết vói họ giao ước từ trên đỉnh núi thánh Sinai, có sấm chớp gió bão và lửa
xuất hiện thổi tới cùng mây mù giăng bay khắp bầu trời không gian.
“Thánh sử Luca đã thuật lại ngày lễ Ngũ tuần khi Đức Chúa
Thánh Thần hiện xuống cũng với gió to, hình ngọn lửa, nhắc nhớ đến giông bão,
lưỡi lửa giống như lúc Thiên Chúa hiện ra trên núi Thánh Sinai ngày xưa.
Thánh Luca nói đến lưỡi như hình ảnh về Đức Chúa Thánh Thần
có ý nói đến Giao ước lề luật mà dân Israel đã tiếp nhận trên núi thánh Sinai -
Lề luật điều răn đó như ánh sáng soi đường trong đời sống hành trình có nhiều
cám dỗ thử thách làm sai lạc hướng trên trần gian. Cũng thế, Thánh Luca vẽ diễn
tả ngày lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống như một núi thánh Sinai mới, như hoa
trái qủa của giao ước mới. Giao ước mới này từ dân
Lề luật mới mở rộng và đơn giản làm thành một giáo ước mới,
trong đó Thánh Thần Thiên Chúa làm cho trọn vẹn đầy đủ mầu nhiệm bí ẩn của Chúa
Giêsu Kitô. Sự mở ra lan rộng của Giao ước mới tới mọi dân tộc như thánh sử
Luca đã trình bày thể hiện một bảng liệt kê các sắc dân về mừng lễ Ngũ tuần ở
Giêrusalem. Với bảng liệt kê các sắc dân tộc như thế, Thánh Luca muốn nói lên
điều rất quan trọng: Giáo Hội ngay từ giây phút đầu tiên này là công giáo. Giáo
Hội công giáo không từ từ do những cộng đồng khác nhau liên kết hợp lại mà
thành hình. Đức Chúa Thánh Thần đã tạo lập nên Giáo Hội công giáo và trong giây
phút đầu tiên đó đã giới thiệu Giáo Hội thành hình cho mọi dân tộc… Giáo Hội đã
ngay từ đầu là công giáo, tông truyền từ các Tông đồ và là một.
Giáo Hội thánh thiện không do sự chăm chỉ cần mẫn của các
thành phần Giáo Hội, nhưng do Đức Chúa Thánh Thần tạo dựng nên, cùng luôn luôn ban ân đức sức mạnh thánh hóa đổi mới Giáo
Hội chống lại những sa ngã yếu đuối của bản tính con người”.
(Joseph Ratzinger Benedictk XVI., Über den Heiligen Geist,
sankt Ulrich, Auburg 2012, tr. 70)
Và trong suốt dọc lịch sử đời sống, Giáo Hội cũng đã hằng
cảm nghiệm cùng chứng kiến tác động, phải phép lạ của Đức Chúa Thánh Thần hay
lễ hiện xuống, xảy ra trong lòng đời sống con người.
5. Phép lạ lễ Hiện Xuống
Năm 1990 chuyến Tông du lần thứ 46. từ 21. April - 22.
April 1990 – ở nước Tschechoslowakei, Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ
nhị, lúc còn sinh tiền đã đến thăm viếng mục vụ quốc gia Tiệp Khắc vừa mới
thoát ra khỏi chế độ Cộng sản cai trị từ mấy chục năm qua. Cố Tổng Thống Valav
Havel đã chào mừng đức Giáo Hoàng bằng những lời thấm đượm tin tưởng về phép lạ
lễ Hiện Xuống đã đang xảy đến cho quốc gia đất nước của Ông ở thủ đô Praha.
“Chúng ta đang sống trải qua một phép lạ. Tôi không biết có
phải và thế nào là một phép lạ, dẫu vậy tôi cũng cả dám nói lên tâm tình rằng,
trong giây phút này tôi đang sống trải qua một phép lạ. Một người trước đây 06
tháng đã bị bắt giam cầm như một kẻ thù của quốc gia đất nước, hôm nay trong tư
cách là Tổng Thống của đất nước đó đón tiếp chào mừng vị Giáo Hoàng lần đầu
tiên trong lịch sử của Giáo Hội Công giáo, bước chân trên phần đất nước này đến
thăm viếng quốc gia chúng tôi.
Tôi không biết có phải và thế nào là một phép lạ, dẫu vậy
tôi cũng cả dám nói lên tâm tình rằng, trong giây phút này tôi đang sống trải
qua một phép lạ. Trên công trường này, tại chỗ này trước đây 5 tháng tương lai
của quốc gia đất nước chúng tôi đã được quyết định, hôm nay vị Thủ lãnh Giáo
Hội Công giáo cử hành dâng Thánh lễ. Có lẽ nhờ lời bầu cử của Thánh nữ Agnes xứ
Bohemen, người mới đây năm 1989 đã được tôn phong lên hàng các Thánh trong Giáo
Hội Công giáo, đã giúp cho những sự việc bí ẩn nhiệm mầu được xảy ra tốt đẹp.
Xin cám ơn Thánh nữ.
Tôi không biết có phải và thế nào là một phép lạ, dẫu vậy
tôi cũng cả dám nói lên tâm tình rằng, trong giây phút này tôi đang sống trải
qua một phép lạ. Đất nước quốc gia chúng tôi đã bị ý thức hệ hận thù nghi kỵ
gây nên thảm trạng tàn phá đổ nát, hôm nay đây được một sứ gỉa tình yêu thương
đến thăm viếng.
Đất nước chúng tôi đã bị tàn phá đổ nát vì hệ thống cai trị
bởi những người thiếu giáo dục, giờ đây bừng lên hình ảnh dấu hiệu sống động
của nền giáo dục đào tạo lành mạnh.
Đất nước chúng tôi trước đây không lâu đã bị xâu xé phân
tán do ý thức hệ về đối đầu và phân chia, giờ đây một sứ gỉa hòa bình, sứ gỉa
của đối thoại đến thăm viếng mang lại bầu khí sự khoan dung giữa nhau, sự kính
trọng thông hiểu trong quan hệ thông thương với nhau. Vị sứ gỉa đó là người
loan tin về sự hợp nhất giữa những khác biệt.
Từ hàng chục năm nay Thần Linh bị đuổi loại bỏ, không có
chỗ đứng trong quê hương đất nước chúng tôi. Thật là một vinh dự cho tôi hôm
nay lúc này trở thành một nhân chứng, được đón tiếp chào mừng đầy tình thắm
thiết ôm hôn vị Sứ Gỉa của các Tông Đồ, của Thánh Thần và của linh hồn”.
(Diễn văn chào mừng Đức Giáo Hoàng của Tổng Thống Tiệp Khắc
Dr. Valav Havel).
Đức Chúa Thánh Thần hoạt động trong những biến cố đời sống
con người. Tuy âm thầm lặng lẽ không ồn ào, nhưng gây ra hiệu qủa lớn lao tạo
ra sự thay đổi biến chuyển cho mọi sinh hoạt trong đời sống chung cũng như cá
nhân giữa lòng xã hội thế giới.
***************
Chúa Thánh Thần là sợi dây nối kết tới Chúa Giêsu. Hình ảnh
làn sóng phát thanh, phát hình từ trung tâm phát lan truyền qua mọi không gian
đi vào tới tận mọi căn phòng ngóc ngách, là hình ảnh diễn tả sự nối liền nơi
này với nơi khác, mà con mắt thường không thấy có đường dây nào nối với nhau.
Cũng vậy, qua nhờ Chúa Thánh Thần, không nhìn thấy bằng con mắt, chúng ta được
nối liền với sức sống tình yêu, với ý muốn của Thiên Chúa, vào đại gia đình của
Chúa. Trong đó Chúa Thánh Thần là động cơ sức sống, một mầu nhiệm thâm sâu ẩn
dấu, cho vạn vật cùng con người.
Chúa Thánh Thần là thửa đất cấy trồng nuôi dưỡng, là khí hậu
cho hoa trái phát triển tươi tốt nơi cây đời sống của con người chúng ta. Cây
cối rau cỏ ngoài vườn luôn cần có phân đất mầu mỡ , nước cùng ánh sáng cho phát
triển đơm bông sinh sản hoa trái. Cũng vậy âm thầm trong tâm trí, Chúa Thánh
Thần khơi động thúc đẩy cho trí khôn ta vươn lên đi học hỏi tìm tòi, phát triển
khả năng tiềm tàng luôn ẩn chứa nơi thân thể trí óc của ta.
Chúa Thánh Thần là làn gió gợi hứng ý tưởng mới cho tâm
trí. Và vì thế Ngài gìn giữ cho tâm trí con người trước sự cứng nhắc ngủ quên,
nhất là trong lãnh vực đức tin. Có những vấn đề, những thắc mắc được đặt ra vào
từng giai đoạn đời sống hôm nay cùng tương lai ngày mai, đòi hỏi phải có câu
trả lời cho đổi mới, thích ứng. Vì đời sống xã hội như dòng sông luôn biến
chuyển thay đổi.
Giáo Hội và mỗi người cần sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần
tìm ra câu trả lời thích hợp cho những thách đố mới của thời đại về lãnh vực
bảo vệ sự sống, bảo vệ gía trị luân lý, gia đình, bảo vệ đức tin và lý luận
khoa học.
Gìn giữ bảo vệ và mềm dẻo thích ứng là khả năng Chúa Thánh
Thần luôn ban cho tâm trí con người trong đời sống.
Lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, 27.05.2012
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long (www.songductin.de)