ĐỨC GIÊSU TẠI THẾ
ĐGM Phaolô Bùi văn
Đọc
I. ĐỨC GIÊSU TẠI THẾ
Trong những năm gần đây, theo kết quả mới nhất của
khoa chú giải Kinh Thánh chung quanh vấn đề Đức Giêsu lịch sử, sự xuất hiện
công khai và việc rao giảng của Đức Giêsu nổi lên rõ ràng và chắc chắn hơn.
Người ta đã khám phá một khuôn mặt Giêsu đặc biệt và rõ nét. Nhưng tình trạng
các nguồn tài liệu vẫn chưa cho phép viết tiểu sử về cuộc đời Đức Giêsu.
Bối cảnh lịch sử được nói đến thoáng qua trong các
bài tường thuật Tân Ước. Vóc dáng bên ngoài của Đức Giêsu, cũng như tâm lý và
tính tình của Ngài không được các sách Tin Mừng ghi lại. Các sách Tin Mừng ít
chú trọng đến các nhân vật lịch sử ; diễn tiến của các biến cố lịch sử, nhưng
chú trọng đến sự thực hiện chương trình của Thiên Chúa trong lịch sử. Các tác
giả nhìn sự thực hiện này dưới những quan điểm khác nhau, bổ sung cho nhau.
Theo Tin Mừng Nhất Lãm, môi trường hoạt động của
Đức Giêsu là miền Galilê, các thị trấn chung quanh Biển Hồ Ghenésareth. Trong
thời gian hoạt động công khai, các Tin Mừng Nhất Lãm chỉ ghi lại có một lần Đức
Giêsu lên Giêrusalem, ở đó Ngài đã bị bắt và kết án tử hình. Nếu chỉ dựa vào
các Tin Mừng Nhất Lãm, chúng ta có thể nghĩ rằng cuộc đời công khai của Đức
Giêsu chỉ kéo dài hơn một năm. Tin Mừng Gioan thì lại nhắc đến ba lần Đức Giêsu
dự lễ ở Giêrusalem (Ga 2,13 ; 6,4 ; 11,55), và có tất cả bốn chuyến đi từ
Galilê lên Giêrusalem (Ga 2,13 ; 5,1; 7,10 ; 12,12). Đối với Tin Mừng Gioan,
Giêrusalem chính là nơi các biến cố quan trọng xảy ra. Giai đoạn hoạt động của
Đức Giêsu kéo dài từ 2 đến 3 năm. Các lần Đức Giêsu đến ở Giêrusalem đều tạo
nên sự thù nghịch của giới lãnh đạo Dothái.
Nếu dung hòa các Tin Mừng Nhất Lãm với Tin Mừng
Gioan, chúng ta có thể nói đến một giai đoạn khá thành công của Đức Giêsu ở
Galilê. Sau đó, vì sự thù nghịch của giáo quyền Dothái, Đức Giêsu thu hẹp phạm
vi sinh hoạt vào nội bộ các môn đệ, cho đến khi Ngài bị bắt lúc đến Giêrusalem
lần sau cùng.
Trên bình diện lịch sử, hai điểm khá chắc chắn là
khởi đầu cuộc đời công khai của Đức Giêsu ở sông Giođan với phép rửa của Gioan
và kết cuộc bi thảm của Đức Giêsu trên thập giá tại Giêrusalem.
Phép rửa Đức Giêsu lãnh nhận đều được cả 4 Tin Mừng
ghi lại. Không nên coi các bài tường thuật này chỉ thuần túy là những "bài
thần học", không có một nội dung lịch sử nào. Chắc chắn Đức Giêsu biết
hoạt động rao giảng và làm phép rửa của Gioan. Theo Tin Mừng Matthêu, Gioan rao
giảng giống như Đức Giêsu sau này : "Hãy hối cải, vì Nước Trời đã gần
đến" (Mt 3,2). Nhưng cũng theo Matthêu, Đức Giêsu hoạt động độc lập, sinh
hoạt của Ngài đã làm cho Gioan ngạc nhiên và bối rối (Mt 11, 2.).
Cả hai đều rao giảng "Nước Thiên Chúa".
Đối với Gioan, Nước Thiên Chúa đến với dấu hiệu phán xử và trừng phạt. Đối với
Đức Giêsu, Nước Thiên Chúa đến với dấu hiệu lòng thương xót và tình yêu dành
cho tội nhân. Sứ điệp của Đức Giêsu là tin vui về "Hồng Ân Cánh
Chung" của Thiên Chúa.
Sự mới mẻ bất ngờ của sứ điệp Đức Giêsu biểu lộ rõ
ràng hơn trong cách cư xử của Ngài. Những quan hệ giữa Đức Giêsu với những con
người tội lỗi, những con người "dơ bẩn" theo luật phượng tự (Mc
2,16.). Việc Đức Giêsu vi phạm giới luật Sabbat (Mc 2,23.) và những quy định về
điều dơ sạch (Mc 7,1...) là những điều đã xảy ra trong cuộc đời công khai của
Ngài. Vì những quan hệ này, mà thiên hạ đã sớm gán cho Ngài tiếng xấu : con
người mê ăn chè chén, bạn bè với quân thu thuế và tội lỗi (Mt 11,19).
Người ta chỉ hiểu được thái độ của Đức Giêsu, nếu
chấp nhận sứ điệp của Ngài về Nước Thiên Chúa và về thánh ý của Thiên Chúa. Cốt
lõi của thánh ý Thiên Chúa là "yêu mến Thiên Chúa và yêu mến con
người". Các phép lạ "chữa bệnh và trừ quỷ" của Đức Giêsu theo
cùng một hướng. Đối với Đức Giêsu, "Nước Thiên Chúa đến gần" có nghĩa
là ơn cứu độ đang được Thiên Chúa cống hiến cho con người cả về phần hồn lẫn
phần xác, được ban cho mỗi người và mọi người một cách vô điều kiện, chỉ đòi
hỏi hoán cải và tin.
Như vậy, sự xuất hiện của Đức Giêsu ngay từ đầu đã
tạo ra niềm ngưỡng mộ, phấn khởi và thậm chí say mê nơi một số người, nhưng
cũng tạo ra sự hoài nghi, cớ vấp phạm và sự thù ghét nơi một số người khác.
Người ta chưa từng nghe thấy xảy ra như thế bao giờ.
Đối với một người Dothái đạo đức theo nghĩa truyền
thống, cách cư xử và rao giảng như Đức Giêsu là một cớ vấp phạm, thậm chí còn
là một tội phạm thượng (Mc 2,7t). Đối với giới lãnh đạo Dothái-giáo, sứ điệp và
cách xử sự lạ lùng của Đức Giêsu chứng tỏ Ngài là một tiên tri giả. Kết cuộc bi
thảm của Đức Giêsu là hậu quả đương nhiên, do thái độ của Ngài (Đnl 18,20).
Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là điều chắc
chắn khác thuộc về lịch sử cuộc đời Đức Giêsu. Không thể nghi ngờ bảng viết gắn
trên thập giá mà cả 4 sách Tin Mừng đều nói đến. Đức Giêsu đã không tự tuyên bố
Ngài là Đấng Messia. Vả lại tự xưng là Messia, theo luật Dothái, không là tội
phạm đáng chết. Có lẽ sự "sôi động" mà Đức Giêsu đã khơi dậy là
nguyên do chính làm cho giới lãnh đạo Dothái dựa vào đó mà làm hại Ngài. Có
người kết luận rằng Đức Giêsu đã có ý đồ chính trị. Điều này hoàn toàn sai và
không phù hợp chút nào với sứ điệp Tình Yêu của Đức Giêsu, đặc biệt là đòi hỏi
yêu thương kẻ thù (Mt 5,39-48). Đức Giêsu không hề chọn con đường bạo lực,
nhưng đã chọn con đường phục vụ như một người tôi tớ. (Tình Yêu của Ngài vượt
quá sự dữ, chiến thắng sự dữ và tạo ra một khởi điểm mới). Cuộc cách mạng mà
Đức Giêsu đưa tới là một tình yêu không biên giới trong một thế giới đã in dấu
quyền lực của sự vị kỷ.
Giêsu Nazareth là ai ? Dường như trong dân chúng có
những dư luận khác nhau về Ngài. Có người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, người thì
bảo là Êlya, người khác bảo là một tiên tri thời cánh chung (Mc 6,14-16 ;
8,28)... Đó là những dư luận tích cực. Còn có dư luận tiêu cực. Hêrôđê chế nhạo
Ngài và coi Ngài như một người điên (Lc 23,6-12). Một số thân nhân của Ngài coi
Ngài như mất trí (Mc 3,21).
Đức Giêsu khác với Gioan Tẩy Giả. Ngài không sống một
cuộc đời khổ hạnh, xa lánh thế gian. Ngài cũng không sống đời tu trì như các
thầy dòng phái Esséniens. Ngài đến với tha nhân và sống ở giữa họ. Ngài là một
con người thực tình cởi mở, nhưng không sống bừa bãi phóng túng. Không ai có
thể trách Ngài đã phạm tội.
Đức Giêsu như bị ám ảnh hoàn toàn bởi thánh ý Thiên
Chúa. Những lời lẽ của Ngài như diễn tả một kỳ vọng vô biên, một điều hệ trọng
mà không gì có thể so sánh. Ngài đã từ bỏ tất cả, gia đình, quê quán (Mt 8,20).
Nhưng Ngài không là một kẻ cuồng tín. Ngài cũng không giống những người biệt
phái. Ngài không đạo đức theo kiểu họ. Ngài không dạy một loại "kỹ thuật
tôn giáo" hay các luật về luân lý ứng dụng. Ngài gọi Thiên Chúa là Cha.
Tình yêu của Ngài đối với Cha vượt mọi khuôn khổ, làm cho Ngài trở nên một con
người tự do, không băn khoăn lo lắng về ngày mai (Mt 6,25-34).
Đức Giêsu không thuộc về một tổ chức nào. Ngài xuất
thân từ một gia đình đạm bạc, nhạy cảm với những nhu cầu và âu lo thường nhật
của những con người phận nhỏ. Trong một thời đại như thời của Ngài, thái độ
kính trọng mà Ngài dành cho giới phụ nữ là một điều đặc biệt. Đối với Ngài, tai
họa, sự nghèo khổ và bệnh tật không là hình phạt của Thiên Chúa. Điều gây xúc
động nhiều hơn cả là "tình yêu nồng nhiệt" Ngài dành cho các tội nhân
và những người sống ngoài lề xã hội. Ngài đứng về phía những kẻ thiệt thòi,
nhưng không bao giờ ác cảm hay thù ghét những người quyền thế và giàu có.
Đức Giêsu không chiến đấu chống lại quyền bính tôn
giáo hay chính trị. Ngài chỉ chống lại quyền lực của Satan và sự dữ. Ngài không
hề nêu ra một chương trình cải cách xã hội, cũng không chữa bệnh cho mọi người.
Ngài không có kế hoạch hay chương trình riêng. Ngài chỉ thi hành thánh ý Thiên
Chúa theo như Ngài nhận thức. Tất cả những gì khác, Ngài đều phó thác trong tay
Thiên Chúa. Nền tảng nội tâm của Ngài là đời sống cầu nguyện, đối thoại thân
mật và kết hiệp với Thiên Chúa (Mc 1,33-36).
Xét bề ngoài, Đức Giêsu hơi giống một thầy Rabbi có
một số môn đồ vây quanh. Ngài cũng tranh luận về cách giải thích Lề Luật. Nhiều
người hỏi ý kiến Ngài về những vấn đề luật pháp. Ngài không có điều kiện để làm
"luật sĩ" một cách chính thức. Ngài không học ở trường thần học hay
Kinh Thánh (Ngài không có bằng cấp). Ngài giảng dạy một cách đơn sơ, cụ thể,
ngay thật.
Dân chúng nhận ra dễ dàng sự khác biệt giữa Đức
Giêsu và các luật sĩ chuyên nghề. Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền (Mc
1,22.27).
Có lẽ danh từ "ngôn sứ" phù hợp cho Ngài
hơn. Dân chúng và các môn đệ của Ngài đều nghĩ như vậy (Mc 6,15 ; 8,28 ; Lc
24,19). Bản thân Đức Giêsu cũng tự coi mình thuộc thành phần Ngôn sứ (Mc 6,4 ;
Lc 13,33 ; Mt 23,31-39).
Nhưng rồi ngay cả danh từ "ngôn sứ" cũng
không đủ để nói lên cương vị đích thực của Ngài, Ngài còn lớn hơn Giona, lớn
hơn Salômôn (Mt 12,41t). Kỳ vọng của Ngài không phát xuất từ sự kiêu căng,
nhưng biểu lộ khía cạnh cánh chung trong vai trò của Ngài. Ngài không là một
trong số các ngôn sứ, nhưng là ngôn sứ cuối cùng, tối hậu, vượt trên các ngôn
sứ. Ngài mang đến lời nói sau cùng và ý muốn tối hậu của Thiên Chúa. Ngài là
tiên tri có đầy Thần Khí của Thiên Chúa (Mc 3,28 ; Mt 12,28).
Với con người và sứ điệp của Đức Giêsu, thời đen
tối và vắng bóng Thiên Chúa đã chấm dứt. Thiên Chúa không còn nín lặng nữa ;
Người lên tiếng trở lại nơi Đức Giêsu. Thời gian ân sủng đã khởi đầu. Khởi điểm
ấy thật lạ lùng, khác với những điều người ta chờ đợi. Một nhóm người vô học tụ
tập quanh một con người "lạ lùng" so với môi trường và thời đại.
Người ta thắc mắc về Ngài. Và những ý kiến khác nhau : người khen, kẻ chê ;
người bênh, kẻ chống... Nhưng điều này không quan trọng. Đối với Ngài, chỉ có
một điều quan trọng là "Nước Thiên Chúa đang đến trong tình yêu".
Ngài chỉ có một bận tâm : quan hệ giữa Thiên Chúa và con người. Nhìn theo góc
độ này, chúng ta mới hiểu được một phần nào con người và sứ điệp của Đức Giêsu.
II. SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÊSU TẠI THẾ.
A. TRỌNG TÂM CỦA SỨ ĐIỆP.
1. Marcô tóm lược nội dung chủ yếu
của Tin mừng Đức Giêsu trong câu : "Thời buổi đã mãn, Nước Thiên Chúa
đã gần bên. hãy hoán cải và tin vào Phúc Âm" (Mc 1,15).
Theo đa số các nhà Kinh Thánh hiện đại, đó không là
câu nói nguyên văn của Đức Giêsu, nhưng là câu tóm lược của tác giả. Nhưng câu
tóm này diễn tả chính xác trọng tâm sứ điệp của Đức Giêsu.
Tác giả Matthêu dùng thành ngữ "Nước
Trời" là một cách nói tương đương với Nước Thiên Chúa (Mt 4,17).
Không có chỗ nào, Đức Giêsu nói rõ Nước Thiên Chúa
là gì. Ngài chỉ công bố Nước Thiên Chúa đã gần bên. Ngài giả thiết nơi người
nghe một sự hiểu biết hay chờ đợi đó khác nhau tùy người, hay tùy giới. Giới
biệt phái coi Nước Thiên Chúa là vương quốc nơi mà Lề Luật Thiên Chúa được thi
hành trọn vẹn. Giới "kháng chiến" (Zélotes) coi Nước Thiên Chúa như
một vương quốc thần quyền, mà họ ước mong tái lập bằng vũ lực.
Giới "thần bí, khải huyền" thì chờ mong
một thời đại mới, trời mới đất mới. Chúng ta không thể xếp Đức Giêsu vào hạng
nào trong ba hạng người này. Cách giảng dạy của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa
rất cởi mở và linh động.
2. Có lẽ não trạng con người hôm
nay khó hiểu được thành ngữ "Nước Thiên Chúa". Nhưng thời Đức Giêsu,
đó là một thành ngữ quen thuộc. Người Dothái luôn mơ ước đất nước họ có được
một minh quân, một vì vua lý tưởng, đại diện cho Thiên Chúa. "Công
lý", theo quan niệm của vùng Trung Đông thời bấy giờ, không phải là
"công bằng pháp lý", mà là sự che chở, phù hộ, trợ giúp những người
nghèo khổ và cô thế cô thân. Nói chung Nước Thiên Chúa được mong chờ như một sự
giải thoát khỏi "quyền lực bất công" và thiết lập "công lý"
của chính Thiên Chúa. Vương quyền của Thiên Chúa đồng hóa với ơn cứu độ - với
Hòa Bình Viên Mãn giữa chư dân, giữa loài người và toàn thể vũ trụ (Isaia).
Thay vì thành ngữ "Nước Thiên Chúa"
trong các Tin Mừng Nhất Lãm, Phaolô và Gioan đã thế vào đó các thành ngữ "sự
công chính của Thiên Chúa, sự sống đời đời". Và như vậy là các ông
cũng hiểu đúng ý của Đức Giêsu. Sứ điệp của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa là một
lời mời gọi đón nhận Ơn Bình An, Ơn Cứu Thoát (tự do), Ơn Công Chính và Ơn Sự
Sống từ Thiên Chúa và Đấng Người sai đến.
3. Để hiểu quan hệ giữa khát vọng
sâu xa của nhân loại và lời hứa ban Nước Trời, chúng ta phải thấy được quan
điểm của Kinh Thánh là : con người không thể tự mình mà có bình an, công lý, tự
do và sự sống đích thực. Sự sống con người không ngừng bị đe dọa, tự do không
ngừng bị áp bức, công lý thường xuyên bị chà đạp. Con người không thể tự mình
ra khỏi tình trạng khốn quẫn này. Nguồn gốc của sự tha hóa là tội lỗi và thần
dữ. Trật tự tạo dựng đã bị xáo trộn trầm trọng, cần một sự thay đổi toàn diện,
một sự khởi đầu mới mẻ mà chỉ một mình Thiên Chúa có thể làm được, vì Người là
Đấng cầm quyền sinh tử, Người là Đấng làm chủ thế giới và lịch sử. Sự mới mẻ ấy
cuối cùng là chính Thiên Chúa. Do đó có thể kết luận đối tượng hay nội dung
trọng tâm của ý niệm Nước Thiên Chúa là chính Thiên Chúa với tình yêu khôn tả
của Người đang được biểu lộ nơi hành động, lời nói và bản thân con người Đức
Giêsu.
B. ĐẶC TÍNH CÁNH CHUNG CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA.
1. Trong Kinh Thánh, sự chờ đợi
Nước Thiên Chúa bắt đầu từ kinh nghiệm lịch sử của dân Israel. Lịch sử Dân
Thiên Chúa là lịch sử giao ước, là lịch sử tình yêu và tội lỗi của Dân Chúa
trong quan hệ với Thiên Chúa.
Với biến cố Xuất hành, Thiên Chúa đã tỏ ra là
"Cứu Chúa vĩ đại và quyền năng", là Đấng có toàn quyền trên vũ trụ và
lịch sử. Kinh nghiệm Xuất hành đã khai sinh cho niềm tin Xuất hành. Niềm tin
Xuất hành làm cho Dân Thiên Chúa không ngừng ca tụng, tôn vinh và đầu phục
Thiên Chúa. Đón nhận giao ước của Thiên Chúa là một hình thái đầu phục Thiên
Chúa. Từ đó Thiên Chúa là Chúa của dân, và dân là dân riêng của Người. Lời
tuyên tín căn bản và vắn tắt nhất của Dân Thiên Chúa là : "Giavê là
Chúa", "Giavê yêu thương đặc biệt dân Israel, nhưng vương quyền của
Người là Vương quyền phổ quát" (Tv 47,6-9; Tv 96,10; 99,1;145,3). Dĩ
nhiên, đây không phải là vấn đề địa dư, mà là sự nhận biết chủ quyền của Thiên
Chúa đối với con người và lịch sử.
2. Niềm tin của dân Israel vào
vương quyền của Thiên Chúa không ngừng bị thử thách và được thanh luyện. Trải
dài hàng ngàn năm lịch sử, Dân Chúa va chạm những thực tế phủ phàng tương phản
với lòng tin và niềm hy vọng của họ. Vì lý do đó, dưới sự hướng dẫn của các
ngôn sứ, Dân Chúa vượt qua hiện tại, nhìn về tương lai. Ý thức về vương quyền
của Thiên Chúa trở thành ý thức về thời đại cánh chung. Người ta trông đợi
những kỳ công của Thiên Chúa tái diễn trong tương lai cách lạ lùng và kỳ diệu
hơn trước. Người ta mong chờ một giao ước mới, một biến cố xã hội mới. Vương
quyền Thiên Chúa được chờ đợi như điều sẽ xảy đến trong tương lai. Chiều hướng
tương lai này được truyền thống khải huyền "siêu - việt - hóa",
đặc biệt là trong sách Đaniel : bốn đế quốc nối tiếp nhau sụp đổ, thay vào đó,
Thiên Chúa cho chỗi dậy một vương quốc đời đời không bị hủy diệt (Đn 2,44).
3. Sứ điệp của Đức Giêsu loan báo
"Niềm Hy Vọng Cánh Chung" của Dân Thiên Chúa giờ đây đang thể hiện : "Thời
buổi đã mãn, và Nước Thiên Chúa đang gần kề" (Mc 1,14t ; Mt 4,17 ;
10,7 ; Lc 10,9). Giờ mà muôn thế hệ trông chờ đã đến (Lc 4,21). Lời Thiên Chúa
đã hứa qua miệng các tiên tri đang thể hiện (Is 35,5 ; Mt 11,5), trong lời nói
và hành động của Đức Giêsu. Phúc cho ai không bị vấp phạm vì Ngài (Mt 11,6).
Cớ vấp phạm không phải là không có : một con người
vô danh tiểu tốt, đến từ một ngôi làng nhỏ bé xa xôi, với một nhóm môn đồ dốt
nát, kéo theo một lũ người tội lỗi, ngoại tình, thu thuế, mà tự coi mình là
khúc quanh của lịch sử, là biểu hiện của "Nước Thiên Chúa".
Thực tại bên ngoài dường như không cho phép tin vào
điều Đức Giêsu rao giảng. Từ đầu đã có những người tỏ vẻ không tin. Ngay cả
những thân nhân của Đức Giêsu cũng coi Ngài là điên rồ (Mc 3,21). Trong bối
cảnh ấy, Đức Giêsu phải dùng dụ ngôn để rao giảng Nước Thiên Chúa. Nước Thiên
Chúa là một hạt cải bé nhỏ gần như vô hình, với thời gian trở thành cây cổ thụ
(Mc 4,30-32), là một chút men làm dậy 3 đấu bột to (Mt 13,33). Nước Thiên Chúa
đến trong âm thầm và thất bại bên ngoài, như hạt giống rơi vào mảnh đất đầy sỏi
đá, gai góc và khô cằn. Nhưng thế nào cũng có chỗ cho hạt giống nảy sinh hoa
trái (Mc 4,1-9).
Theo quan niệm của người xưa, hạt giống không tự nó
làm nảy sinh hoa trái theo định luật tự nhiên. Người ta coi đó là công việc kỳ
diệu Thiên Chúa làm. Nguyên nhân thật là nhỏ, mà hậu quả lại vô cùng lớn.
Nước Thiên Chúa là công việc của Thiên Chúa, công
việc rất lớn lao vĩ đại, nhưng tiềm ẩn trong thực tại nhỏ bé của đời sống hằng
ngày. Nước Thiên Chúa là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm đó là sự thống trị âm thầm
của Thiên Chúa giữa lòng thế giới, mà không có dấu hiệu tỏ lộ bên ngoài. Nước
Thiên Chúa hiện nay còn "giấu ẩn", vừa là thực tại hiện diện, vừa như
một thực tại cánh chung sẽ đến, và hiện giờ mọi người đang chờ mong và hoàn toàn
tùy thuộc vào ý muốn của Thiên Chúa (Mt 6,10 ; Lc 11,2).
4. Biện chứng hiện tại và tương
lai, rồi và chưa, được Đức Giêsu làm nổi bật trong sứ điệp của Ngài về Nước
Thiên Chúa.
Ngoài ra dường như còn có trương lực giữa tương lai
gần và tương lai cuối cùng, còn xa vô tận. Có kẻ cho rằng Đức Giêsu chờ đợi
ngày tận thế gần kề, và đó cũng là quan điểm và sự mong chờ của những người
thuôïc thời đại của Ngài.
Thực ra sự trì hoãn thời quang lâm đã là một vấn đề
của Cựu Ước. Lịch sử cứu độ là lịch sử đối thoại giữa Thiên Chúa với con người.
Lời hứa của Thiên Chúa luôn mở ra cho con người những khả thể mới. Ơn sủng của
Thiên Chúa, ngay cả đến thời điểm tối hậu hay cánh chung vẫn hướng về quyết
định tự do của con người. Khi Israel bất trung và từ khước, lời hứa của Thiên
Chúa mới thể hiện bằng con đường Tử nạn Phục Sinh của Đức Giêsu.
C. ĐẶC TÍNH "QUY THẦN" CỦA NƯỚC THIÊN
CHÚA.
1. Trong truyền thống Cựu Ước,
"Nước Thiên Chúa" đều có ý nghĩa là Thiên Chúa đến. "Ngày của
Giavê do Thiên Chúa Giavê ấn định, và hoàn tất, là ngày mà Thiên Chúa trở nên
"mọi sự trong mọi người".
Khi Đức Giêsu loan báo "Nước Thiên Chúa đã đến
gần bên", điều này có nghĩa là Thiên Chúa đã gần bên. Nước Thiên Chúa là
sự biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa, chủ quyền của Thiên Chúa, là sự tôn vinh
Thiên Chúa làm Chúa, làm bá chủ.
2. Niềm tin vào Thiên Chúa Tạo Dựng
làm nổi bật vương quyền tuyệt đối của Thiên Chúa. Dothái-giáo nhấn mạnh tính
siêu việt của Thiên Chúa, Đấng có quan hệ với con người qua trung gian của Lề
Luật, Đức Giêsu không khai triển giáo lý về Tạo Dựng, nhưng lại nhấn mạnh khía
cạnh Thiên Chúa gần kề. Thiên Chúa đầy tình yêu thương chăm sóc đối với các tạo
vật. Ngài chăm sóc hoa đồng nội (Mt 6, 30), nuôi dưỡng chim trên trời (Mt
10,31).
Trong lời rao giảng của Đức Giêsu, ý tưởng Thiên
Chúa gần kề vừa sống động, vừa sâu sắc. Cái nhìn mới của Đức Giêsu về vương
quyền của Thiên Chúa đó là sự thống trị của Thiên Chúa Tình Yêu. Thiên Chúa đến
gần có nghĩa là tình yêu của Người đang được biểu lộ, được cống hiến cho nhân
loại. Đức Giêsu có kinh nghiệm bản thân về tình yêu và sự gần gũi của Thiên
Chúa, Ngài gọi Thiên Chúa là Cha và dạy các môn đệ cũng gọi như vậy. Cách thức
Đức Giêsu gọi Thiên Chúa kết hợp quyền bính tuyệt đối của người Cha trong thế
giới cũ với sự thân tình trong quan hệ Cha - Con thuộc thời đại mới. Trong các
sách Tin Mừng, Thiên Chúa được gọi là Cha không dưới 170 lần. Dưới cái nhìn của
Đức Giêsu, thái độ "trẻ thơ" của người con hoàn toàn tin tưởng vào
Thiên Chúa như người cha là đặc thái của Nước Trời (Mt 18,3).
Tuyên xưng Thiên Chúa là Cha không phải là coi
thường, đặt Thiên Chúa ngang hàng với con người, nhưng là tỏ lòng yêu mến và
kính trọng, ước mong cho Thiên Chúa được vinh danh, Thánh ý của Thiên Chúa được
thực hiện (Mt 6,9t ; Lc 11,2). Sự Cao Cả và Vương quyền của Thiên Chúa trong
Cựu Ước vẫn được tôn trọng, nhưng được hiểu cách mới mẻ : vương quyền của Thiên
Chúa được biểu lộ bằng tình yêu và ơn tha thứ. Sự hoàn hảo của Thiên Chúa là
"lòng thương xót" (Lc 6,36). Tình phụ tử của Thiên Chúa hướng tới
những người con đã hư mất, và phục sinh những gì đã chết (Lc 15,24). Nơi nào
Thiên Chúa khai mạc vương quyền làm Cha của Người, nơi ấy xuất hiện một công
cuộc tạo dựng mới.
3. Nước Thiên Chúa là công việc của
Thiên Chúa, nên không tự nhiên mà có, hoặc do cố gắng về phương diện luân lý
hay tôn giáo, hoặc do tính toán hay tranh đấu trên bình diện chính trị. Không
thể ra kế hoạch, tổ chức, xây dựng, cũng không thể hình dung hay tưởng tượng
Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa được ban cho như một hồng ân (Mt 21,43 ; Lc
12,32). Chúng ta chỉ có thể lãnh lấy làm cơ nghiệp (Mt 25,34). Điều đó không có
nghĩa là con người hoàn toàn thụ động trước vương quyền của Thiên Chúa. Đức
Giêsu mời gọi con người "hoán cải và tin vào Phúc Âm" (Mc 1,15). Tin
vào Thiên Chúa là từ bỏ, không cậy dựa vào việc làm của mình, thú nhận sự bất
lực của mình, nhận rằng mình không thể đưa lại cho bản thân ơn cứu độ, mà chỉ
biết trông cậy vào Thiên Chúa. Tin là "để cho Thiên Chúa hành động",
là để cho Thiên Chúa làm Chúa và saün sàng tôn vinh Người, là công nhận vương
quyền của Người.
D. CHIỀU KÍCH CỨU ĐỘ CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA.
Đức Giêsu không những nhấn mạnh hay làm nổi bật
thực tại "Nước Thiên Chúa", Ngài còn coi đó như là trọng tâm,
là cốt tủy của ơn cứu độ.
1. Khác với những ý niệm về hạnh
phúc trong văn hóa Hylạp, nguồn gốc các mối phúc thật mà Đức Giêsu rao giảng
không là sự khôn ngoan thế gian hay là kinh nghiệm ở đời. Các mối phúc thật là
những lời có đặc tính ngôn sứ, vừa mời gọi, vừa an ủi. Mọi của cải trần gian và
giá trị thế trần đều phai nhạt trước hạnh phúc đích thực được thông phần vào
Nước Thiên Chúa. Rõ ràng là có sự đảo ngược các giá trị trần gian. Những người
bị thế gian ruồng bỏ và khinh thường thì được chúc phúc. Theo Tin Mừng Luca,
trong bài rao giảng đầu tiên, Đức Giêsu đã lấy lại lời ngôn sứ Isaia (61,1) và
tự nhận rằng mình được sai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ cho những người nghèo
khó, sự giải thoát cho những kẻ bị giam cầm, ánh sáng cho những kẻ đui mù, tự
do cho những kẻ bị áp bức, và loan báo năm Hồng Ân của Thiên Chúa (Lc 4,18).
2. Sự "thiên vị" của Đức
Giêsu dành cho người nghèo hoàn toàn phù hợp với Cựu Ước : gợi lại những lời
tiên tri Amos lên án bất công xã hội và sự áp bức (Am 2,7 ; 4,1 ; 5,11) ; hay
lời Thánh vịnh kêu cầu Giavê Thiên Chúa như Đấng phù hộ và giải thoát những người
yếu ớt và bị bách hại.
Đức Giêsu, yêu những người nghèo, nhưng không thành
kiến với người giàu có, cũng không coi khinh của cải vật chất. Khi tuyên bố
"phúc cho người nghèo", Đức Giêsu không nhắm một giai cấp, hay đưa ra
một chương trình cải cách xã hội. Quan điểm của Ngài là một quan điểm tôn giáo
: người nghèo là người hoàn toàn chờ đợi từ Thiên Chúa và tín thác trọn vẹn vào
Thiên Chúa.
Cách xử thế của Đức Giêsu đi đôi với lời rao giảng
của Ngài. Ngài tỏ ra có cảm tình và liên đới với những người phận nhỏ. Ngài
thường lui tới với những hạng người bị xã hội thời bấy giờ khinh rẻ : hạng thu
thuế, người tội lỗi, đĩ điếm hay ngoại tình... Ngài giao du và dạy dỗ những
người thất học, những người bị coi thường vì không biết hay không thuộc Lề
Luật. Các người Dothái đạo đức coi nếp sống của họ như là bất hạnh là vô phúc.
Đức Giêsu thì tuyên bố ngược lại : phúc cho họ.
3. Đức Giêsu "kết tinh"
sự khao khát chờ đợi ơn cứu độ vào việc thông phần Nước Thiên Chúa. Nước Thiên
Chúa đồng nhất với sự sống đời đời (Mc 9,43-45 ; 10,17 ; Lc 18,18). Đó không
chỉ là phần thưởng hứa ban trong tương lai dành cho những người thiện chí.
Nhưng ngay bây giờ, Nước Thiên Chúa, hay thời gian cứu độ đang biểu lộ, thể
hiện bằng những điềm thiêng dấu lạ của Đức Giêsu. Các dụ ngôn "hai người
mắc nợ" (Lc 7,41-43), người đầy tớ gian ác (Mt 18,23-35), người con hoang
đàng (Lc 15,11-32) cho thấy nội dung chủ yếu Tin Mừng cứu độ là ơn tha thứ và
niềm vui được thừa hưởng lòng nhân hậu vô bờ của Thiên Chúa.
Cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa là thấy được
Thiên Chúa tiếp nhận cách nồng nàn. Ơn cứu độ là niềm vui trong Thiên Chúa,
niềm vui sống với Thiên Chúa ở giữa tha nhân.
4. Ơn tha thứ của Thiên Chúa làm
cho chúng ta có khả năng tha thứ luôn mãi (Lc 17,3-4).Lòng quảng đại là thái độ
mà Thiên Chúa đòi hỏi nơi con người để lãnh nhận ơn tha thứ (Mt 6,12 ; Mc
11,25). Hạnh phúc được hứa ban cho người có lòng xót thương (Mt 5,4). Phải biết
chấp nhận nhau, tha thứ cho nhau không trì hoãn vì cứu độ hay phán xử đang rất
gần (Lc 12,58-59). Tình yêu cứu độ là tình yêu không chống trả (Mt 5,39 ; Lc
6,29). Chỉ có tình yêu ấy mới có khả năng bẻ gãy gọng kìm của tội ác và bạo
lực. Yêu thương là bắt đầu lại cách hoàn toàn mới mẻ, ra khỏi quỹ đạo của sự cũ
kỹ già nua. Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa đưa đến tương giao mới mẻ và tự do
giữa con người với nhau, mang lại tình huynh đệ biết chia vui sẻ buồn.
Những điều này chỉ có giá trị thực sự, khi con
người biết rằng "Nước Thiên Chúa đến" có nghĩa là quyền lực của thần
dữ đã thua trận (Mt 12,28-29 ; Lc 11, 20-22).
Vương quốc Tình Yêu của Thiên Chúa đến, mang ơn cứu
độ cho toàn thể nhân loại, và cho từng người. Mỗi người đều có hy vọng tình yêu
là thực tại, là tiếng nói cuối cùng, tình yêu mạnh hơn sự chết, mạnh hơn hận
thù và bất công. Sứ điệp về vương quốc của Thiên Chúa là một lời hứa cứu độ cho
tất cả những gì thực hiện với tình yêu trong thế giới này.
III. CÁC PHÉP LẠ CỦA ĐỨC GIÊSU.
Đức Giêsu không những chỉ rao giảng bằng lời nói,
mà còn qua cách sống, cách xử thế, những hành vi cử chỉ và cả những dấu lạ Ngài
làm.
1. Vì thế giới khoa học không thích
những chuyện phép lạ, nên nhiều nhà Kinh Thánh đã nỗ lực dùng khoa "phê
bình sử học" phân tích bản văn Kinh Thánh, để tìm ra cốt tủy lịch sử của
truyền thống về các phép lạ. Cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, người ta có
khuynh hướng chối bỏ hoàn toàn sử tính của các phép lạ, cho đó là những chuyện
hoang đường.
Nhưng hiện nay, người ta có một quan điểm quân bình
hơn. Các nhà Kinh Thánh nghĩ rằng, chắc chắn Đức Giêsu đã làm một số phép lạ,
bằng không, người ta không thể giải thích nổi tại sao lại có cả một truyền
thống về các phép lạ được ghi lại đậm nét trong tất cả các sách Tin Mừng. Thậm
chí Tin Mừng Marcô dường như xếp đặt chất liệu về thời gian hoạt động công khai
của Đức Giêsu chung quanh các phép lạ (Mc 5,21-43).
Những phép lạ chữa lành bệnh trong ngày Sabbat, và
những tranh luận phát sinh từ đó, gay gắt đến nỗi tạo ra sự xung đột giữa Đức
Giêsu và giới lãnh đạo Dothái. Những phép lạ trừ quỷ của Đức Giêsu chắc chắn đã
làm cho dư luận bàn tán về Ngài, và khiến cho nhiều người Dothái tức giận, dùng
ngụy biện để phá uy tín của Đức Giêsu.
2. Các bản văn Kinh Thánh dùng chữ "việc
làm quyền phép" (.....) và "dấu lạ" (semeion) để chỉ
các phép lạ Đức Giêsu làm. Đó là những biến cố lạ lùng, bất ngờ làm cho nhiều
người ngỡ ngàng hay ngưỡng mộ.
Chẳng ai đặt vấn đề luật thiên nhiên, nhưng phần
đông đều hướng lòng lên cùng Thiên Chúa, khi được chứng kiến những điềm thiêng
và dấu lạ. Vấn đề phép lạ trong Kinh Thánh, không là một vấn đề khoa học, mà là
một vấn đề tôn giáo và thần học. Nó tùy thuộc vào đức tin và nhằm làm sáng danh
Thiên Chúa.
3. Marcô ghi lại các phép lạ đầu
tiên của Đức Giêsu ngay sau khi tóm lược sứ điệp của Ngài về Nước Thiên Chúa.
Các phép lạ của Đức Giêsu là dấu chỉ Nước Thiên Chúa đang đến, và quyền lực của
Satan bị tiêu diệt. Các phép lạ cho thấy rằng ơn cứu độ không thuần túy
"thiêng liêng" mà có quan hệ tới toàn diện con người, kể cả phương
diện thân xác.
Giống như "Nước Thiên Chúa", các phép lạ
của Đức Giêsu có chiều kích cánh chung, là buổi hừng đông của thời đại mới.
Chúng chỉ có ý nghĩa cho những ai trông chờ thời cứu độ, mong ước một thế giới
mới, một trật tự mới.
Các phép lạ còn là dấu chỉ sức mạnh và quyền bính
của Đức Giêsu : Đức Giêsu khai trương Nước Thiên Chúa bằng lời nói và hành
động. Cũng chính vì thế, mà Đức Giêsu không muốn phô trương, không muốn cho dân
chúng lẫn lộn Nước Thiên Chúa với vương quốc trần gian.
4. Có thể tóm lược ý nghĩa thần học
về các phép lạ Đức Giêsu làm :
a. "Hoàn tất" những điều
Cựu Ước loan báo (Mt 11,5), đó là những hành vi nằm trong chương trình cứu độ
của Thiên Chúa, thể hiện sự vâng phục của Đức Giêsu đối với Thiên Chúa.
b. Qua các phép lạ của Ngài, quyền
năng Thiên Chúa được biểu lộ cùng với sự tầm thường, tăm tối và hàm hồ của
những thực tại xảy ra ở trần gian (Mt 11,6).
c. Giải thoát con người để họ có
thể bước theo Ngài. Việc trừ quỷ nhằm trục xuất thần dữ, để con người có khả
năng thông phần vào "Nước Thiên Chúa".
5. Các phép lạ của Đức Giêsu là
những dấu chỉ dành cho đức tin. Các chữ niềm tin, đức tin, tin tưởng được nhắc
đi nhắc lại thường xuyên trong các bài tường thuật phép lạ. Các bài ấy thường
kết bằng câu : "đức tin của ngươi đã cứu ngươi" (Mc 5,34 ;
10,52 ; Mt 9,22 ; Lc 17,19). Nơi nào Đức Giêsu không thấy có đức tin, nơi ấy
Ngài không thể làm phép lạ (Mc 6,3 ; Mt 13,58).
Giữa đức tin và phép lạ có tương quan hai chiều :
a. Phép lạ thường dẫn tới niềm tin.
Phép lạ làm cho người ta ngạc nhiên và đặt vấn đề"Ông Giêsu là ai
?" (Mc 1,27 ; 4,41 ; Mt 12,23). Nhưng phép lạ không là những điều lạ
lùng đến nỗi bó buộc người ta phải tin. Phép lạ khai mở tâm hồn con người và
chờ đợi sự đáp trả tự do.
b. Việc nhận ra giá trị và ý nghĩa
các phép lạ của Đức Giêsu đòi hỏi phải có đức tin. Dĩ nhiên Đức Giêsu tại thế
không đòi hỏi một đức tin trọn vẹn như niềm tin Phục Sinh, nhưng một sự tin
tưởng nào đó vào con người và sứ điệp của Ngài, tin Thiên Chúa có thể ra uy
hành động nơi Đức Giêsu.
Trong các sách Tin Mừng, các phép lạ của Đức Giêsu
thường được trình bày như sự việc mà qua đó Ngài nhận lời van xin đầy tin tưởng
của con người.
Tin vào phép lạ của Đức Giêsu không phải là tin ở
điều lạ xét là điều lạ, nhưng là tin tưởng ở quyền năng và tình yêu quan phòng
của Thiên Chúa. Đối tượng của niềm tin không là những hiện tượng lạ mà là chính
Thiên Chúa. Ý nghĩa sâu xa nhất của phép lạ là : Thiên Chúa hành động nơi Đức
Giêsu nhằm cứu
rỗi con người và thế giới.
IV. KỲ VỌNG CỦA ĐỨC GIÊSU (PRÉTENTION).
A. KỲ VỌNG ẨN KÍN NƠI ĐỨC GIÊSU.
1. Nước Thiên chúa là một thực tại
"ẩn giấu", chỉ có thể đề cập bằng dụ ngôn. Thiên Chúa là "huyền
nhiệm" mắt phàm không thể nhận ra, được biểu lộ bằng mạc khải vào thời đại
cánh chung. Việc Nước Thiên Chúa đến thể hiện bằng lời nói và việc làm của Đức
Giêsu. Đức Giêsu đến thế gian có nghĩa là Nước Thiên Chúa đến. Chính con người
Đức Giêsu là "huyền nhiệm" Nước Thiên Chúa. Xác tín về điều đó, Đức
Giêsu dám khẳng định : "Phúc cho mắt được thấy điều các ngươi thấy"
(Lc 10,23).
Khi bắt đầu cuộc đời rao giảng công khai, Đức Giêsu
tuyên bố "thời Thiên Sai cánh chung" đã đến, lời ngôn sứ Isaia về Vị
Thiên Sai cánh chung hôm nay thể hiện nơi Ngài (Lc 4,17-22). Nước Thiên Chúa
cũng đến gần, vì Đức Giêsu đã nhờ Thần Khí Thiên Chúa mà trừ quỷ (Mt 12,28 ; Lc
11,20). Ngày của Giavê Thiên Chúa mà các ngôn sứ nhiều lần nói tới, hiện đang
đến, vì những điều được loan báo đang thể hiện nơi con người và việc làm của
Đức Giêsu (Mt 11,2-6).
2. Nước Thiên Chúa đến cách âm thầm
với sự xuất hiện của Đức Giêsu. Nơi Ngài, bản chất của Nước Thiên Chúa được
biểu lộ : nơi sự vâng phục tuyệt đối, sự từ bỏ hoàn toàn, nơi cuộc sống
"nay đây mai đó" của Ngài. Cuộc đời Ngài là lời giải thích cụ thể
"thánh ý" của Thiên Chúa. Nhìn ngắm Ngài, chúng ta sẽ nhận ra thần
tính của Thiên Chúa và nhân tính của con người. Nơi Đức Giêsu, không thể tách
rời sứ mạng với con người. Ngài đồng hóa với sứ mạng. Ngài là hình thái
"chủ vị" và cụ thể của Nước Thiên Chúa. Do đó, tất cả những lời rao
giảng của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa, cùng với những hoạt động của Ngài đều
hàm chứa một thứ Kitô-học mặc nhiên và tiềm tàng, là điều sẽ được tuyên xưng
cách trực tiếp và minh nhiên sau biến cố Phục Sinh. Tất cả đều do Thiên Chúa
khởi xướng và chờ đợi đáp trả bằng đức tin. Trước và sau Phục Sinh, có hai hình
thái xuất hiện của Nước Thiên Chúa : hình thái "thấp hèn" tăm tối, và
hình thái vinh quang bất diệt. Cả hai đều do thánh ý tốt lành của Thiên Chúa.
3. Lúc Đức Giêsu còn "tại
thế", có nhiều điều có thể được giải thích như một "Kitô-học" ẩn
tàng trong lời nói và hành động của Đức Giêsu. Bình thường, Đức Giêsu vẫn chu
toàn bổn phâïn của một người Dothái đạo đức : Ngài cầu nguyện không ngừng và
đến hội đường Dothái vào ngày Sabbat. Nhưng Ngài cũng vi phạm giới luật Sabbat
hiểu theo nghĩa Dothái (Mc 2,23 ; 3,6), giới luật chay tịnh (Mc 2,18-22) ;
những qui định về dơ và sạch theo luật Dothái (Mc 7,1-23). Ngài ăn uống với
những người tội lỗi và thu thuế (Mt 11,19). Cách cư xử của Ngài là lời phê phán
gián tiếp đối với môi trường xã hội, nhưng đó không phải là điều chính yếu. Ý
nghĩa tròn đầy của cách sống của Đức Giêsu chỉ sáng tỏ dựa vào sứ điệp của Ngài
về Nước Thiên Chúa đang đến bằng tình yêu và trong tình yêu. Đồng bàn là
"chia sẻ đời sống" bao hàm sự tha thứ và hòa giải, lòng tin tưởng và
tình huynh đệ. Đồng bàn là "thông hiệp" với nhau trước mặt Thiên
Chúa, là dấu chỉ của "bữa tiệc cánh chung", của sự hiệp thông cánh
chung với Thiên Chúa. Cùng ăn uống với người tội lỗi là một cách thức diễn tả
sứ mạng thiên sai của Đức Giêsu (Mc 2,17 ; 2,19). Cho những người tội lỗi tham
gia vào "cộng đồng cứu thế" nhờ hiệp thông cùng bàn ăn là cách diễn
tả rõ ràng và dứt khoát nhất sứ điệp tình yêu cứu thế của Thiên Chúa. Đức
Giêsu, khi tiếp đón những người tội lỗi ngồi cùng bàn với mình, thì cho họ được
hiệp thông với Thiên Chúa. Ngài tha thứ tội lỗi cho họ, Ngài bị lên án là
"phạm thượng" do "ý nghĩ kỳ lạ" này của Ngài, vì chỉ một
mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội (Mc 2,6-7).
4. Lời rao giảng và cách rao giảng
của Đức Giêsu cũng hàm chứa một Kitô-học "tiềm tàng". Mới nghe Đức
Giêsu, người ta có thể coi Ngài như một Rabbi hay một ngôn sứ. Nhưng khi phân
tích kỹ càng, chúng ta nhận ra một số khác biệt cơ bản. Những người đồng thời
của Đức Giêsu cũng đã nhận ra điều đó (Mc 1,22). Đức Giêsu không dừng lại việc
giải thích luật Môsê. Ngài đặt lời lẽ của mình lên trên quyền bính Dothái-giáo,
trên lời lẽ của Môsê. Đức Giêsu xác tín rằng mình là người có tiếng nói
"cuối cùng" về Thiên Chúa, đưa lời mạc khải trong Cựu Ước đến chỗ
hoàn thành viên mãn.
Đức Giêsu cũng không lên tiếng theo kiểu ngôn sứ.
Ngài không phân biệt lời của mình với lời của Thiên chúa (các ngôn sứ : sấm
Giavê, Thiên Chúa Giavê phán như thế). Dù Đức Giêsu không minh nhiên sử dụng từ
ngữ "Messia" cho chính mình, nhưng chỉ có phạm trù ấy diễn tả được kỳ
vọng của Ngài. Đạo Dothái cũng chờ đợi Đấng Thiên Sai, sẽ đến không phải để bãi
bỏ Lề Luật, nhưng để kiện toàn. Đức Giêsu đáp lại sự chờ mong này, nhưng theo
một kiểu quá lạ lùng, chưa từng ai có thể nghĩ như vậy, vượt quá mọi khuôn khổ
cũ gán cho Đấng Messia. Chính vì thế, mà phần đông theo đạo Dothái chống lại kỳ
vọng của Ngài (Người Dothái coi Kitô-giáo như một nhánh, một phái ly khai và
lạc giáo). Đức Giêsu đã tự coi mình là "Miệng của Thiên Chúa" (bouche
de Dieu). "Tiếng nói" của Thiên Chúa (voix de Dieu). Những người
đương thời với Ngài biết rõ kỳ vọng của Ngài, nên nghĩ rằng Ngài "phạm
thượng" (Mc 2,7).
5. Còn một con đường thứ ba để
trình bày một Kitô học tiềm tàng nơi con người Giêsu Nazareth : lời kêu gọi của
Đức Giêsu, hoặc yêu cầu phải quyết định, hay mời gọi bước theo Ngài.
Đức Giêsu đã đặt dân của Ngài trước một đòi hỏi
phải quyết định tối hậu. Quyết định đón nhận hay từ khước Nước Thiên Chúa gắn
liền với con người, lời nói và việc làm của Ngài. (Nội dung cốt yếu do Đức
Giêsu phát biểu).
Quan hệ giữa các môn đệ với Đức Giêsu khác hẳn quan
hệ giữa các học trò với một thầy Rabbi. Không phải ai cũng được nhận vào số 12
môn đồ. Đức Giêsu đã lựa chọn một cách hoàn toàn tự do những ai Ngài muốn (Mc
3,13). Lời kêu gọi "hãy theo Ta" như là một mệnh lệnh (Mc 1,17), là
một lời có sức sáng tạo biến những người được kêu gọi trở nên những môn đồ.
Các sách Tin Mừng không hề ghi lại những "tranh
luận thần học" giữa Giêsu và các môn đồ, như thường thấy xảy ra giữa các
Rabbi và học trò của họ. Vai trò của các môn đệ không phải là trao lại một
truyền thống tôn giáo cho hậu thế, mà là tham dự vào việc loan báo Tin Mừng
Nước Thiên Chúa, thông phần quyền bính của Đức Giêsu, công bố với uy quyền và
sức mạnh Nước Thiên Chúa đang gần kề, xua trừ ma quỷ và chữa bệnh tật (Mc 6,7).
Quan hệ giữa các môn đồ và Đức Giêsu không phải là quan hệ nhất thời giữa trò
và thầy, cho đến khi nào trò trở nên một vị thầy khác, nhưng là một quan hệ
chặt chẽ và trường cửu. Họ chỉ có một vị thầy duy nhất là Đức Giêsu (Mt 23,8).
Ngài coi các môn đệ như bạn hữu. Các môn đệ còn chia sẻ hành trình lang thang
của Đức Giêsu, chấp nhận sống không nhà không cửa. Họ chấp nhận liều lĩnh, chờ
đón một số phận nguy hiểm. Đó là một sự chung sống toàn diện, sống chết có
nhau. Quyết định theo Đức Giêsu là cắt đứt mọi quan hệ khác, vì phải bỏ hết mọi
sự (Mc 10,28), liều mất mạng sống mình (Mc 8,34). Dấn thân cách triệt để và
trọn vẹn theo Đức Giêsu. Do đó, không những có sự liên tục về đối tượng đức
tin, mà còn có sự liên tục của chủ thể đức tin : nhóm người theo Đức Giêsu tại
thế cũng là nhóm người loan báo Đức Kitô Phục Sinh.
B. KẾT LUẬN.
Kitô-học tiềm tàng của Đức Giêsu tại thế chứa đựng
một kỳ vọng chưa từng thấy, vượt quá mọi khuôn khổ truyền thống. Người ta có
thể gặp nơi Ngài chính Thiên Chúa và vương quốc của Thiên Chúa ; ơn cứu độ hay
sự phán xét của Thiên Chúa, vì Ngài đến thế gian không phải để kết án, mà là để
cứu độ thế gian. Chính Ngài là vương quốc của Thiên Chúa, là tình yêu của Thiên
Chúa hiện thân. Kỳ vọng của Đức Giêsu lớn hơn, cao hơn mọi tước hiệu vinh dự mà
người ta có thể gán cho Ngài, khi Ngài còn tại thế. Đức Giêsu dè dặt với các
tước hiệu, không phải vì Ngài nghĩ rằng Ngài không xứng đáng. Trái lại những
tước hiệu ấy không xứng đáng với Ngài, chưa diễn tả được chân tính và sứ vụ của
Ngài. Trong trường hợp của Ngài, có chăng là dùng dùng thể so sánh : lớn hơn
Giona, lớn hơn Salomôn (Mt 12,41).
Điều lạ lùng là kỳ vọng tối cao của Đức Giêsu không
mang một chút màu sắc khoe khoang, kiêu ngạo hay tự mãn. Đức Giêsu không hề
muốn gây ấn tượng trên người nghe, không muốn biểu lộ uy quyền, không lưu tâm
đến ảnh hưởng cá nhân. Ngài vẫn là một người nghèo và vô gia cư. Ngay cả đối với
môn đệ, Ngài sống như một người phục vụ (Lc 22,27). Vậy Ngài là ai, mà lạ lùng
như thế !