Ý NGHĨA CỨU CHUỘC
CỦA CÁI CHẾT CỦA ĐỨC
GIÊSU
ĐGM
Phaolô Bùi Văn Đọc
I. ĐỨC KITÔ CHẾT VÌ TỘI LỖI CHÚNG TA
(1 Cr 15,3).
Cái chết trên thập giá của Đức Kitô là cớ vấp phạm cho người Dothái, và
là sự điên rồ đối với dân ngoại (1 Cr 1,23), Nhưng đối với những kẻ được tuyển
chọn, đó là quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1 Cr 1,24).
Cái chết đã xảy ra theo như lời Kinh Thánh và để cho lời các tiên tri
được nên trọn (Lc 24,26...). Tân Ước nhắc lại nhiều nhất lời tiên tri về “Đầy
Tớ Giavê”, gương mặt gắn liền với Đấng Messia, dù trong truyền thống
Dothái-giáo chính tông về Đấng Messia, gương mặt Đầy tớ Giavê, cái chết đền tội
hầu như không có một vai trò nào.
Có rất nhiều bản văn Tân Ước đồng hóa Đức Kitô với Đầy tớ Giavê :
“Con Người sẽ bị nộp trong tay người đời, và họ sẽ giết Ngài, và bị
giết rồi, sau ba ngày Ngài sẽ sống lại” (Mc 9,31).
“Con người không đến để được hầu hạ, nhưng là để hầu hạ, và thí mạng
sống mình làm giá chuộc thay cho nhiều người” (Mc 10,45).
“Này là Chiên Thiên Chúa, Đấng khử trừ tội của thế gian” (Ga 1,29. 36).
Đầy tớ Giavê tự nguyện gánh tội trên mình, Ngài không phản ứng gì, như
“con chiên được đưa tới lò sát” (Is 53,7).
“Người công chính, tôi tớ Ta sẽ giải án tuyên công nhiều người, và
chính Ngài sẽ vác lấy tội vạ của chúng” (Is 53,11).
Những ý tưởng trên được lập đi lập lại trong bữa Tiệc Ly (Mc 14,4 ; Mt
26,8 ; Lc 22,20 ; 1 Cr 11,24) : “Máu sẽ đổ ra để cho nhiều người được tha tội”.
Theo Phaolô, cũng như theo Phúc Âm nhất lãm, chính Đức Giêsu đã gán cho
mình vai trò của Đầy tớ Giavê.
Từ ngữ : ”Đầy tớ Giavê” còn trở thành trở thành một tên riêng gán cho
Đức Giêsu :
“Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã vinh thăng đầy tớ Ngài là Giêsu”
(Cv 3,13). Cullmann cho rằng có một Kitô-học rất cổ xưa gọi Đức Giêsu là Ebed
Jahvé.
Phaolô cũng nhắc lại Isaia trong Pl 2,6-11 : Đức Kitô trở thành đầy tớ
và đã hạ mình vâng phục để thi hành sứ mạng. Cái chết của Đức Giêsu có giá trị
là vì “vâng phục”, chứ không phải là vì “đau khổ”.
Rm 5,12t cũng nhắc lại giá trị
của sự vâng phục của Đức Kitô, đối ngược lại với sự bất tuân của Adam.
Theo Gioan, cái chết của Đức Kitô là cái chết tự nguyện, và vì lẽ đó mà
Chúa Cha yêu mến Ngài (x. Ga 10,17-18). Chính sự vâng phục tự nguyện đem lại
giá trị cho sự đau khổ và cái chết của Đức Kitô.
Hơn nữa, tình yêu đến cùng của Ngài đối với Cha, mạc khải tình yêu đến
cùng của Thiên Chúa đối với nhân loại, bất chấp mọi giới hạn, trở lực do hận
thù của loài người. Khi tình yêu đối với Chúa Cha bắt phải đương đầu với sự
chết, Ngài vẫn tiếp tục vâng phục ; Ngài đã yêu đến cùng, nghĩa là đã bày tỏ
đến cực điểm tình yêu của Ngài. Tình yêu của Ngài đã chiến thắng hận thù ; Ngài
đã chiến thắng tội lỗi và sự chết bằng cái chết ; trong chính cái chết, tình
yêu đã thắng vượt để rồi sống lại, ân sủng phát xuất từ tình thương được biểu
lộ liên lỉ, ngay cả trong cái chết.
II. CÔNG HIỆU CỦA CÁI CHẾT CỦA ĐỨC GIÊSU THEO
THẦN HỌC THÁNH PHAOLÔ.
Nhìn thoáng qua, cái chết của Đức Giêsu dường như không có vai trò gì
đối với cuộc sống chúng ta, vì đó là “tiêu hủy”, chứ không phải là “tái tạo”.
Thế nhưng, nếu suy tư từ bản chất của sự sống phát xuất từ sự Phục Sinh của
Chúa Kitô, chúng ta sẽ thấy cái chết của Ngài có một ý nghĩa thực sự.
Nhìn dưới khía cạnh phủ định, cái chết
của Đức Giêsu hủy diệt những yếu tố chống lại Thiên Chúa trong thế giới
hiện tại. Dưới khía cạnh tích cực, cái chết ấy, nhờ loại bỏ những ngăn trở, đưa
con người đã xa lìa lại gần với Thiên Chúa.
Cái chết của Đức Giêsu tạo nên cho chúng ta “một trạng thái chết và
chia lìa đối với thế gian”.
Phép Rửa là biểu tượng và là thể hiện “tác động” của cái chết của Đức
Giêsu trên mỗi một người chúng ta (xóa bỏ con người cũ, thiết lập con
người mới). Bàn tiệc Thánh Thể cũng là
một Hy tế như cái chết của Đức Giêsu (1 Cr 10,16-21). Thánh Thể liên kết các
kitô-hữu lại với nhau, nhờ nối kết họ với thân thể Đức Kitô.
CÁI CHẾT CỦA ĐỨC GIÊSU VÀ TỘI LỖI CHÚNG TA.
“Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta” là một công thức cổ điển lấy từ
Isaia 53. Phaolô lập lại chính những từ ngữ của tiên tri : “Ngài đã bị phó nộp
vì các lỗi lầm của ta ...”(Rm 4,25).
Tư tưởng của Phaolô được biểu lộ rất rõ qua những công thức khác
như “chúng ta chết cho tội” (Rm 6,2)
hay “con người cũ của chúng ta đã chịu đóng đinh vơiù Đức Kitô, để thân xác tội
lỗi bị phế hủy” (Rm 6,6).
Phaolô không nói các tội ở số nhiều, nhưng nói “tội lỗi” ở số ít.
Tội lỗi không là những hành vi riêng rẽ, nhưng là “cách thế hiện hữu”,
là “quyền lực sự dữ” chi phối hành động con người. Tội lỗi là tình trạng thù
nghịch của nhân loại đối với Thiên Chúa.
Cái chết của Đức Giêsu hủy bỏ tình trạng tội lỗi :
a. Giải phóng.
“Chúng ta đã làm nô lệ cho tội” (Rm 6,7). “Chúng ta bị trói buộc bởi lề
luật của tội lỗi” (Rm 7,23). “Tội lỗi thống trị chúng ta” (Rm 6,14), nhưng
chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi nhờ cái chết của Đức Giêsu (Rm
6,18.20.22), để sẵn sàng phục vụ cho công lý và cho Chúa.
“Tự do”là hoa quả của công chính, ân sủng và đời sống Kitô- giáo. Từ
ngữ tự do tương đương với từ ngữ “sống lại”. Cái chết của Đức Giêsu giải thoát
ta, biến ta thành những con người tự do đích thực.
b. Cứu chuộc.
Đức Kitô đã trả một giá rất đắt để chuộc những người Kitô-hữu (1 Cr
6,20 ; 7,23), vì ta đã bị bán làm tôi cho tội (Rm 7,14). Chúng ta được giải án
tuyên công cách nhưng không bởi ân nghĩa của Người, nhờ công việc cứu chuộc
trong Đức Giêsu Kitô (Rm 3,24-25).
Theo 1 Cr 1,30, Đức Kitô là giá cứu chuộc chúng ta, đồng thời cũng là
sự khôn ngoan, công chính, thánh thiện
của chúng ta.
c. Giao hòa.
Cái chết của Đức Giêsu giao hòa nhân loại với Thiên Chúa.
“Vì nếu là nghịch thù, mà ta được giảng hòa với Thiên Chúa bởi cái chết
nơi Con của Người” (Rm 5,10-11).
Sáng kiến giao hòa là của Thiên Chúa, nhưng cái chết của Đức Giêsu “đưa
ta xích lại gần Thiên Chúa” (Ep 2,13), khiến ta “đạt tới Thiên Chúa” (Rm 5,2),
ban cho ta “bình an với Thiên Chúa” (Rm 5,1).
Gắn liền với sự giao hòa cùng Thiên Chúa, còn có sự giao hòa giữa dân
ngoại và Dothái và sự giao hòa với vũ trụ vạn vật (Cl 1,20).
d. Đền tội.
Tội lỗi làm mất lòng Thiên Chúa. Sáng kiến tha thứ đến từ Thiên Chúa và
ơn tha thứ được ban cho ta nhờ cái chết của Đức Giêsu. Sự chết đóng vai trò “Hy
tế đền tội”.
Trong tư tưởng Phaolô, “Hy tế đền tội” có chiều kích thiêng liêng sâu
xa. Cái chết có giá trị đền tội, không phải vì là cái chết đẫm máu, nhưng vì là
hành vi yêu thương và vâng phục (Pl 2,6-11).
“Hết thảy đều phạm tội và khuyết hẳn vinh quang Thiên Chúa, nhưng nay
thì được giải án tuyên công một cách nhưng không bởi ơn nghĩa của Người, nhờ
công việc cứu chuộc trong Đức Giêsu Kitô, Đấng Thiên Chúa bày ra trước mắt
thiên hạ như phương xá tội” (Rm 3,23-25).
III. Ý NGHĨA THẦN HỌC CỦA BẢN ÁN TỬ HÌNH CỦA ĐỨC GIÊSU.
Truyền thống cổ nhất về cái chết của Đức Giêsu đã coi cái chết của Ngài
như trường hợp các tiên tri bị sát hại : những người Dothái đã giết chết Ngài,
nhưng Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại. Ý tưởng Đức Giêsu phải chịu cùng một số
phận với các tiên tri, có lẽ chính Đức Giêsu cũng đã có. Hơn nữa, cái chết của
Đức Giêsu đã được ấn định bởi chương trình huyền nhiệm của Thiên Chúa (Cv 2,23
; 4,28) vì thế người ta nói nhiều đến bằng chứng của các tiên tri. Người ta đã
tìm trong Kinh Thánh ý nghĩa của biến
cố : Ngài đã chết để đền tội cho chúng ta.
1 Cr 15,3 phối hợp hai chủ đề độc lập :
- Giá trị đền tội của đau khổ và sự chết.
- Cái chết của Con Người do ý muốn của Thiên Chúa và được Thánh Kinh
tiên báo.
Ngoài gương mặt “đầy tớ đau khổ”của Is 53,10, Tân Ước còn dùng nhiều
hình ảnh khác : - Đức Giêsu là của lễ đền tội (Rm 3,25), máu Ngài đổ ra vì
chúng ta (ý tưởng này liên quan đến hình ảnh Đức Giêsu, Chiên Vượt Qua của thời
cánh chung) ; - Ý tưởng hy tế Giao Ước
(1 Cr 11,25 ; Lc 22,20) (Tân Ước đã được Giêrêmia loan báo, thể hiện
bằng máu Đức Giêsu).
Phaolô còn thấy trong cái chết của Đức Giêsu “điểm kết thúc của lề
luật” (Cl 2,13 ; Ep 2,14-16).
Lý do sâu xa của sự xung đột đưa tới bản án Đức Giêsu, là cách cư xử
của Ngài, tự đặt mình trên lề luật, và tự nhận có uy quyền như Thiên Chúa :
“Tội phạm thượng”. Đức Giêsu “phạm thượng” đối với lề luật được coi như tiêu
chuẩn tuyệt đối của ơn cứu độ ; xúc phạm đến lề luật là xúc phạm đến Thiên Chúa.
Phục sinh đã chiếu giải trên vấn đề một ánh sáng hoàn toàn mới : nếu
Đức Giêsu bị loại trừ nhân danh Lề Luật, thì với việc Ngài sống lại, Lề Luật
không còn là ý muốn tuyệt đối của Thiên Chúa nữa (nền tảng Dothái-giáo sụp đổ).
“Hoặc Đức Giêsu phạm thượng, hoặc Lề Luật Cựu Ước không còn giá trị”.
Sự sống lại của Đức Giêsu làm sáng tỏ những hành vi tiền Phục Sinh của
Ngài.
Một vấn đề khác cần đặt ra : Đức Giêsu xung đột với chính Lề Luật hay
với sự lạm dụng Lề Luật ? Theo Phaolô, Đức Giêsu xung đột với chính truyền
thống Lề Luật của Israel thành hình từ sau biến cố Lưu Đày.
Lề Luật không còn là sự “ưu đãi Thiên Chúa dành cho Israel” khi Đức
Giêsu xuất hiện, đặt nền tảng mới cho giới luật bác ái trên sứ điệp cách chung
về Nước Trời.
Và chính Thiên Chúa của Israel đã xác nhận việc giải phóng khỏi Lề Luật
bởi sự Phục Sinh của Đức Giêsu.
Từ sự Phục Sinh của Đức Giêsu, không phải chỉ những kẻ xử án Ngài,
nhưng mọi người Dothái sống dưới Lề Luật đều trở thành những kẻ phạm thượng.
Hình phạt cái chết mà Đức Giêsu phải chịu đáng lẽ ra dành cho toàn dân còn gắn
bó với quyền bính Lề Luật.
Nếu minh chứng được là Đức Giêsu, khi chết đã bị Thiên Chúa bỏ rơi vì
sự kiêu căng của con người tự xa lìa Thiên Chúa, thì bấy giờ hành động của
Philatô có thể coi là tiêu biểu cho nhân loại.
Cái chết của Đức Giêsu trở thành ngưỡng cửa cho dân ngoại bước vào lịch
sử “tuyển chọn”. Chủ đề Ađam giúp Phaolô khai triển ý tưởng này. Đối với
Phaolô, phải nối kết định mệnh của Đức Giêsu với định mệnh của loài người : “Vì
tội lỗi mà sự chết đã xâm nhập thế gian” (Rm 5,12).
Điều chúng ta có thể giữ lại nơi thần học Phaolô là tương quan giữa tội
lỗi và sự chết áp dụng cho toàn thể nhân loại. Nói theo kiểu hiện đại, con
người đóng kín “làm mồi cho sự chết”.
Kẻ nào kết hợp với Đức Giêsu chắc chắn cũng sẽ chết, nhưng trong niềm
hy vọng được sống lại như Đức Giêsu : cái chết của Đức Giêsu hàm chứa cái chết
của chúng ta và vinh thăng nó, biến nó thành cái chết đầy hy vọng.
Chỉ có một mình Đức Giêsu bị bỏ rơi hoàn toàn ; ngược lại với cái chết
của chúng ta có chỗ “trú ngụ” trong chính sự hiệp thông với Ngài : “Kitô-hữu
cùng chết với Đức Giêsu và cùng sống lại với Ngài”.
Trong cái chết, Đức Giêsu đã chấp nhận hậu quả sự xa lìa Thiên Chúa và
hình phạt dành cho tội, không những thay thế cho dân Ngài, nhưng còn cho cả
nhân loại nữa. Nhờ Ngài, Thiên Chúa không còn bỏ rơi nhân loại trong sự chết.
Không ai còn phải chết trong đơn độc và thất vọng, vì ơn hiệp thông với Đức
Giêsu là nền tảng cho niềm hy vọng thông phần sự sống mới, sự sống được biểu lộ
trong Đức Giêsu, sự sống nối kết chúng ta với chính Thiên Chúa.
IV. CÁC HỌC THUYẾT VỀ GIÁ TRỊ CỨU ĐỘ CỦA CÁI
CHẾT CỦA ĐỨC GIÊSU.
A. HỌC THUYẾT GIÁ CHUỘC .(Giá chuộc khỏi tội lỗi và ma quỷ).
Ý tưởng giá chuộc có trong Mathêu, Marcô, thư Phaolô, thư Dothái, thư
Phêrô, Khải Huyền ... nhưng chỉ
có ý nghĩa tượng trưng.
Những giải thích theo nghĩa đen bắt đầu có từ thế kỷ II :
Irénée nói đến sự giải thoát khỏi “vương quốc bội phản”.
Tertullien cho rằng Thiên Chúa cứu chuộc loài người khỏi các thần minh
đã cai trị thế giới.
Origène, khi giải thích đoạn Phúc âm Mt 20,28, nói đến giá chuộc trả
cho ma quỷ.
Augustin cũng cho rằng máu Đức Giêsu đã chuộc chúng ta khỏi quyền lực
Satan.
Anselmo là người đầu tiên bác bỏ ý tưởng này, vì cho rằng như thế là
chấp nhận ma quỷ có quyền trên chúng ta, và điều đó không đúng, vì chỉ có một
mình Thiên Chúa có quyền trên con người.
Ngày hôm nay, lời giải thích không còn quá nhấn mạnh đến chữ “chuộc”
nữa mà là đến “cái giá”, “giá” của tình thương. Đức Giêsu, vì yêu ta đã trả một
giá rất đắt. “Cái giá” biểu lộ ý nghĩa và mức độ tình thương của Ngài. (Mt
21,33-39 ; Mc 12,2-12 ; Ga 3,16 ; 15,13 ; Rm 8,32 ; 1 Cr 6,20).
B. HỌC THUYẾT TRỪNG PHẠT . (Thiên Chúa trừng phạt Đức Kitô thay cho nhân
loại)
Luther coi thập giá như “hành động của Thiên Chúa trên và qua Đức
Giêsu”.
Thập giá là “phần số” Đức Giêsu phải gánh chịu.
Thần học cổ điển cũng cho rằng thập giá là hình phạt Đức Giêsu chịu
thay cho nhân loại, nhưng chỉ lướt qua, vì đặt trọng tâm ở mầu nhiệm Nhập Thể.
Luther đào sâu hơn học thuyết này : “Chính Đức Giêsu ý thức mình bị
Thiên Chúa chúc dữ” (“A Deo se maledictum sentiat in conscientia”).
Chúng ta phải nhìn Đức Giêsu bị bao trùm bởi tội lỗi chúng ta, bởi án
chúc dữ và sự chết. (“Tu sis omnium hominum persona, qui feceris omnium hominum
peccata”). Do đó ta không thể coi Đức Giêsu là một cá nhân vô tội. (“Non
debemus ergo fingere Christum innocentem et privatam personam quae pro se
tantum sit sancta et justa”). Phải nhìn Đức Giêsu gắn liền với nhân loại ; Ngài
mang trên mình tội lỗi của nhân loại như tội lỗi riêng của mình, vì thế Ngài
chịu thay cho chúng ta khổ hình thập giá như một án phạt cân xứng. (“... ipsum
fuisse passum pavorem horroremque conscientiae perturbatae et iram aeternam
gustantis”).
Nói tóm lại, theo Luther, án phạt tội lỗi chúng ta, đã được thi hành
trên Đức Giêsu, trong cái chết của Ngài.
Karl Barth cũng coi thập giá là dấu hiệu của “tình trạng phản loạn” của
con người đối với Thiên Chúa và là án
phạt do cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.
C. HỌC THUYẾT ĐỀN BÙ. (Anselmo) : satisfactio.
Từ ngữ “đền bù” được Tertullien
đưa vào thần học. Tertullien là một luật gia, nên ông nhìn tương quan giữa
Thiên Chúa và con người dưới con mắt của một nhà luật pháp. Ông coi Thiên Chúa
như một nhà làm luật, đồng thời là một Đấng thẩm phán đòi buộc con người phải
thi hành Lề Luật. Phạm tội là lỗi luật Chúa, và do đó xúc phạm tới Thiên Chúa.
Làm điều thiện là thi hành Lề Luật của Chúa, và như thế làm đẹp lòng Chúa.
Trong trường hợp tội nhân, cần phải lãnh án phạt để đền bù điều mình đã
vi phạm.
Ambrosio và Augustino áp dụng ý niệm này cho cái chết của Đức Giêsu :
Ngài đã đền bù, Ngài đã chấp nhận hình phạt dành cho tội lỗi loài người. Thánh
Anselmo đã tựa trên truyền thống này để xây dựng cả một “cứu chuộc học”. Con
người là hữu thể hữu hạn đã phạm tội xúc phạm tới Thiên Chúa là Đấng vô hạn. Lẽ
ra con người phải chịu phạt để đền bù tội lỗi. Nhưng con người, vì là hữu hạn,
không thể đền bù một sự xúc phạm có chiều kích vô hạn, vì đã động đến Đấng Vô
Hạn. Vì thế, trong chương trình vừa yêu thương, vừa công thẳng của Thiên Chúa,
Chúa Con đã nhập thể làm người để đền bù tội lỗi cho nhân loại. Vì là người,
Đức Giêsu có thể đền bù tội lỗi thay cho nhân loại. Vì là Thiên Chúa, hành vi
của Ngài có giá trị vô hạn. Do đó sự đền bù của Ngài thật là cân xứng và nhờ
Ngài, Thiên Chúa đã tha án phạt đời đời cho nhân loại.
Đây là một cái nhìn có màu sắc pháp lý có thể làm cho nhiều người khó
chịu và không hiểu được mầu nhiệm Tử Nạn Phục Sinh của Đức Kitô. Quả thật, nếu
xét trên bình diện tĩnh, cái nhìn này không mấy phù hợp cho con người thời đại,
đồng thời cũng không lột được hết ý nghĩa rất phong phú của cái chết của Đức
Giêsu, và đôi khi đưa chúng ta vào những “bế tắc” khó giải.
Nhưng nếu chúng ta có một cái nhìn động, và một quan niệm mới mẻ hơn về
tội, thì quan niệm của Anselmo vẫn có giá trị.
Theo Kinh Thánh, lịch sử là nơi biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa. Nhân
loại được mời gọi để làm chứng cho vinh quang ấy, nhân loại có sứ mạng phản ánh
tình yêu của Thiên Chúa trong thời gian và lịch sử. Tội lỗi đã làm méo mó hình
ảnh của vinh quang Thiên Chúa, và như thế đã gây nên một tình trạng hỗn độn,
khiến vinh quang Thiên Chúa không được biểu lộ. Vì thế, tội lỗi, về phương diện
này, không thể tẩy xóa được.
Tình thương của Thiên Chúa khiến cho nhân loại có thể thoát khỏi sự hủy
hoại của tội lỗi, thay đổi cuộc sống và biến cuộc sống mình thành hình ảnh vinh
quang Thiên Chúa. Ý nghĩa hiện đại của đền bù phải là : đưa những hành vi quá khứ của mình, đã làm lu mờ vinh quang
Thiên Chúa, trở lại quỹ đạo của tình yêu Thiên Chúa.
Đức Giêsu, vì đã chiến đấu cho sự công chính và tình yêu, vì tình yêu
thâm sâu của Ngài đối với Thiên Chúa, đã thay đổi thân phận con người, đã biến
cải hoàn cảnh bất hạnh của nhân loại, khiến cho nhân loại có thể viết lại lịch
sử của mình.
Trong thế gian là cảnh vực của khốn cùng và chết chóc, Đức Giêsu đã mở
một con đường tình yêu. Ngài không “đóng ngoặc” lịch sử nhân loại, nhưng đã đảm
nhận lịch sử bất hạnh và đầy tội ác đó. Sự đảm nhận này đã đưa đến cái chết bi
đát. Thân phận con người, hoàn cảnh lịch sử đã trở thành “chất liệu” của tự do
và tình yêu của ngài. Vì Đấng đảm nhận sống trong tình yêu của Thiên Chúa, mà
thân phận được đảm nhận mới có thể trở về với tình yêu của Thiên Chúa. Phục
Sinh là sự “chân nhận” tình yêu của Đức Kitô và sức mạnh của tình yêu ấy.
D. HỌC THUYẾT CÔNG NGHIỆP.
Học thuyết đền bù, dưới hình thức mới mẻ nhất của nó, nhấn mạnh đến vai
trò của con người Giêsu trong chương trình cứu thế, đồng thời cũng làm nổi bật
hậu quả của tội là cái chết. Nhưng tương quan giữa cái chết và cuộc sống Đức
Giêsu thì chưa được rõ. Chính ý tưởng “công nghiệp” lồng cái chết đó vào toàn
bộ sinh hoạt của Đức Giêsu.
Từ ngữ công nghiệp luôn bao hàm “nỗ lực”.
Ý tưởng công nghiệp luôn giả định một tương quan, đòi hỏi sự hiện diện
của một chủ vị khác. Ngoài ra còn giả thiết một tương quan “tùy thuộc”.
Cùng đích của con người, sự sống đời đời, sự sống viên mãn, sự sống
thần linh, là chính Thiên Chúa. Con người, tự mình, không thể nào đạt tới cùng
đích đó, nhưng chỉ có thể chờ đợi từ Thiên Chúa. Con người không chờ đợi cách
thụ động, ngược lại cần sống và hành động hướng về cùng đích. Nói một cách đơn
sơ hơn, con người không có công gì, không có quyền gì để đòi hỏi ơn vĩnh phúc.
Nhưng dù sao, vẫn có một tương quan giữa cuộc sống dương thế và ơn vĩnh phúc,
cùng đích của cuộc sống. Tương quan này xây dựng trên chính sự sống của Thiên
Chúa ở trong chúng ta, sự sống mà các nhà thần học gọi là “ân sủng” hay “đức
ái”. Chính đức ái đưa chúng ta vào thế giới thần linh. Đó là kết quả của một
“quà tặng tiên khởi” tạo nên quan hệ giữa “đời sống hiệp thông vĩnh cửu của Thiên
Chúa” và những kẻ yêu mến Ngài.
Thiên Chúa không ban cho chúng ta sự sống thần linh như một thực tại
ngoại lai, nhưng là một sự sống có liên hệ mật thiết và đích thực với con
người. Nếu hành vi của chúng ta không bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa, thì
không có một giá trị công nghiệp nào. (Ân sủng không gì khác hơn là khả năng
thông hiệp với Thiên Chúa).
Nền tảng của công nghiệp là đức ái, chứ không phải là nội dung của hành
vi. Công nghiệp chỉ có ở trong một hiệp thông cơ bản, kết quả của tình thương
của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành bạn thiết nghĩa với Ngài.
Công nghiệp là một cách xác nhận con người có tham gia vào việc xây dựng phần
số vĩnh cửu của mình.
Đức Giêsu là Đấng cộng tác trọn hảo nhất với Thiên Chúa. Ơn cứu độ
chúng ta là kết quả của hành vi của Ngài. Chết vì tình yêu, Ngài xứng đáng lãnh
nhận ơn sống lại cho mình và ơn cứu độ cho nhân loại.
Nếu Đức Giêsu không từ khước vinh quang, để rồi đạt tới vinh quang qua
con đường đau khổ của cuộc sống dương thế, chúng ta sẽ không được giải thoát.
Một người đã giải thoát con người : điều này biểu lộ lòng thương xót bao la của
Thiên Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ, khi con người được vinh
thăng. Sự cộng tác của con người vào công trình cứu độ không làm giảm sáng kiến
của Thiên Chúa và ân sủng nhưng không của Ngài, trái lại, biểu lộ sự siêu việt
khôn tả của Thiên Chúa.
Học thuyết công nghiệp nối kết sự Phục Sinh và cái chết của Đức Giêsu,
hơn thế nữa, nó còn lồng cuộc sống dương thế của Ngài vào chương trình cứu độ
của Thiên Chúa.
E. Ý NGHĨA SỰ ĐAU KHỔ VÀ CÁI CHẾT CỦA ĐỨC
GIÊSU THEO THẦN HỌC GIA K. BARTH.
Tất cả sự chú ý của cộng đoàn Kitô-giáo tiên khởi đều tập trung vào Đức
Kitô chịu đóng đinh và sống lại. Điều này không có nghĩa “khai trừ”, nhưng có ý
nghĩa “bao hàm” : sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu tóm kết tất cả cuộc sống
của Ngài. Câu “Ngài đã chịu đau khổ” bao trùm toàn diện cuộc sống của Đức
Giêsu...
Đời sống của Đức Giêsu nhục nhã nhiều hơn khải hoàn, thất bại nhiều hơn
thành công, đau khổ nhiều hơn vui sướng. Như thế cuộc sống của Đức Giêsu làm
nổi bật sự phản loạn của con người chống lại Thiên Chúa và sự phẫn nộ của Thiên
Chúa đối với con người. Nhưng đồng thời cuộc sống ấy cũng để cho Thiên Chúa
biểu lộ tình thương của Ngài, lòng thương xót đảm nhận định mệnh của con người,
sự tủi nhục, những thất bại và những đau khổ của con người để giải thoát con
người.
Đức Giêsu đã chịu đau khổ, đã lột mặt nạ sự dữ ; Ngài vạch trần bản
chất của sự phản loạn của con người chống lại Thiên Chúa. Chính ở trong con
người bị lên án, bị trừng phạt, mà thân phận chúng ta trước mặt Thiên Chúa được
phơi bày ra ánh sáng.
Lịch sử cuộc đời Đức Giêsu từ Bethléem đến Golgotha là cuộc đời của một
kẻ bị bỏ rơi, bị khai trừ và bách hại bởi những người chung quanh mình, và cuối
cùng bị tố cáo, bị lên án và bị đóng đinh. Con Thiên Chúa bị loài người xua
đuổi...
Chính khi Thiên Chúa đến gần tạo vật của mình nhất, lúc ấy càng nổi bật
khoảng cách vô hạn giữa con người và Thiên Chúa. Lúc ấy, bộ mặt “thực” của tội
lỗi được biểu lộ : từ khước ân sủng của Thiên Chúa, lúc ân sủng đến gần và cư
ngụ giữa chúng ta...
Con Thiên Chúa làm người để cho thấy con người đang sống dưới sự phẫn
nộ của Thiên Chúa. Con Người phải chịu đau khổ, chịu nộp cho kẻ ngoại và chịu
đóng đinh. Chính trong sự đau khổ này hiện rõ mối liên hệ giữa tội lỗi vô hạn
của con người và sự đền bù phải có. Từ khước ân sủng đương nhiên đẩy “con người”
vào chỗ khốn cùng. “Thiên Chúa làm người vén màn” cho thực tại bi đát của “hiện
hữu nhân sinh” : đau khổ cùng tận là
giá phải trả cho tội lỗi đã “xoáy mòn” con người đến tận căn.
Cái tên Philatô gắn liền với cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu.
Tên của nhân vật lịch sử ấy làm nổi bật một thực tại không thể chối cãi được :
cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, biểu lộ sự phản loạn của con người và sự phẫn nộ
của Thiên Chúa, đồng thời cũng mạc khải lòng thương xót của Thiên Chúa, không
phải xảy ra trên trời, hoặc trên một hành tinh nào khác, hoặc trong một thế
giới ý tưởng nào đó, nhưng đã xảy ra trong lịch sử loài người chúng ta.
V. CỨU CHUỘC HỌC THEO SÁCH GIÁO LÝ MỚI CỦA
GIÁO HỘI CÔNG GIÁO.
Ý nghĩa cứu chuộc của cái chết của Đức Giêsu được sách giáo lý mới của Giáo
Hội Công giáo xuất bản năm 1992 trình bày cách rất sống động và sâu xa. Ý nghĩa
cứu chuộc được đặt trong toàn bộ lịch sử cứu độ, hơn thế nữa, còn bám rễ vào
mầu nhiệm Ba Ngôi sâu thẳm, nhưng không vì vậy, mà tách rời con người Giêsu cụ
thể đã bị đóng đinh. Trước khi nói đến việc cứu chuộc, Sách Giáo Lý đã đề cập
đến bản án tử hình của Đức Giêsu, và sau đó lồng cái chết của Ngài trong chương
trình cứu độ của Thiên Chúa.
A. CÁI CHẾT CỨU CHUỘC CỦA ĐỨC KITÔ TRONG
CHƯƠNG TRÌNH CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA.
1. Đức Kitô chết vì tội lỗi chúng ta.
Ý định cứu độ nhiệm mầu bằng cái chết của Người Tôi Tớ Công Chính (Is
53,11) đã được loan báo trước trong Kinh Thánh như một mầu nhiệm Cứu Chuộc phổ
quát, giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Trong một lời tuyên xưng đức
tin (1 Cr 15,3), Phaolô tuyên xưng rằng Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta
theo lời Kinh Thánh. Cái chết của Đức Giêsu đã hoàn tất cách đặc biệt sấm ngôn
về Người Tôi Tớ đau khổ. Chính Đức Giêsu đã trình bày cuộc sống và cái chết của
mình dưới ánh sáng “Người Tôi Tớ đau khổ”. Sau Phục Sinh, Ngài đã giải thích
Kinh Thánh cho các môn đệ Emmau theo kiểu đó, rồi cho các Tông Đồ cũng vậy. (Số
601).
2. Thiên Chúa làm cho Ngài thành “sự tội” vì
chúng ta.
Thánh Phêrô trình bày niềm tin của các Tông Đồ vào chương trình cứu độ
của Thiên Chúa : “không phải bằng những của hư nát, bạc hay vàng mà anh em đã
được mua chuộc khỏi cảnh sống phù phiếm tổ truyền của anh em, nhưng là nhờ máu
châu báu của con chiên vô tật, vô tì, Đức Kitô, Đấng đã được tiền định từ trước
tạo thiên lập địa, và đã tỏ hiện vào thời cánh chung vì anh em” (1 Pr 1,18-20).
Tội của con người tiếp theo tội nguyên tổ, phải chịu hình phạt sự chết. Khi sai
Con Một Người trong thân phận nô lệ, thân phận làm người sa đọa và phải chết vì
tội, “Đấng không hề biết tội, thì vì ta, Thiên Chúa đã làm cho thành sự tội,
ngõ hầu trong Ngài ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa” (2 Cr 5,21)
- (Số 602).
Đức Giêsu đã không bị trừng phạt như thể chính Ngài đã phạm tội. Nhưng
trong tình yêu cứu độ kết hiệp Ngài với Chúa Cha, Ngài đã đảm nhận chúng ta,
những người xa lìa Thiên Chúa vì tội lỗi, đến mức độ có thể nói nhân danh chúng
ta trên thập giá : “Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, sao Người bỏ tôi” (Mc
15,33) ; Tv 22,1). Khi cho Ngài liên đới với chúng ta là những tội nhân, “Thiên
Chúa đã không tha Con Một Người, nhưng đã phó nộp Ngài vì chúng ta hết thảy”
(Rm 8,32) để chúng ta được giao hòa với Người nhờ sự chết Con của Người (Rm
5,10) - (Số 603).
3. Thiên Chúa có sáng kiến tình yêu cứu độ
phổ quát.
Khi phó nộp Con của Người cho chúng ta, Thiên Chúa biểu lộ chương trình
của Người đối với chúng ta, là chương trình tình yêu nhân hậu đi trước mọi công
trạng của chúng ta : “Nơi điều này mà đó là lòng mến : không phải là vì ta đã
yêu mến Thiên Chúa, nhưng là Người đã yêu mến ta, và sai Con của Người đến làm
hy sinh đền tạ tội lỗi ta” (1 Ga 4,10), “Còn Thiên Chúa thì lại thi thố lòng
yêu mến của Người đối với ta : là Đức Kitô đã chết vì ta, ngay lúc ta còn là
tội nhân” (Rm 5,8) - (Số 604).
Tình yêu ấy không khai trừ, Đức Giêsu đã nhắc lại khi kết thúc dụ ngôn
con chiên lạc : “Nơi Cha các ngươi, Đấng ngự trên trời, không hề có ý để hư đi
một người nào trong những kẻ nhỏ này” (Mt 18,14). Và Ngài đã tuyên bố thí mạng
sống làm giá chuộc nhiều người (Mt 20,28). Chữ nhiều người không có nghĩa giới
hạn : Người đối lập toàn thể nhân loại với Con Người Duy Nhất của Đấng Cứu Thế
thí mạng sống để cứu thoát nhân loại. Giáo Hội, theo các Tông Đồ, dạy rằng Đức
Kitô đã chết vì mọi người không trừ ai. “Không có, đã không và sẽ không có ai
mà Đức Kitô không chịu khổ nạn vì người ấy” (Ds 624) -
(Số 605).
B. ĐỨC KITÔ
TỰ HIẾN CHO CHÚA CHA VÌ TỘI CHÚNG TA.
1. Cả cuộc sống Đức Giêsu là “lễ vật” dâng
lên Cha.
Con Thiên Chúa, “đã từ trời xuống thế, không phải để làm theo ý mình,
mà là ý Đấng đã sai Ngài” (Ga 6,38) ; Ngài đã nói khi vào thế gian : “Này đây
Con đến ... để làm theo thánh ý Ngài, ôi lạy Thiên Chúa ... Vì thánh ý ấy mà
chúng ta được hiến thánh nhờ hy tế của Đức Giêsu Kitô chỉ hiến dâng có một lần”
(Dt 10,5-10). Từ lúc đầu tiên của Nhập Thể, Chúa Con đảm nhận chương trình cứu
độ của Thiên Chúa trong sứ vụ cứu thế của Ngài : “Lương thực của Ta là làm theo
ý Đấng đã sai Ta và chu toàn công việc của Người” (Ga 4,34). Hy tế của Đức
Giêsu “vì tội lỗi của toàn thể nhân loại “ (1 Ga 2,2) diễn tả hiệp thông tình
yêu của Ngài đối với Chúa Cha : “Cha yêu mến Ta vì Ta hiến mạng sống” (Ga
10,17). “Để cho thế gian biết là Ta yêu mến Cha ...” (Ga 14,31) - (Số 606).
Ao ước đảm nhận chương trình tình yêu cứu độ của Chúa Cha tác động trên
cả cuộc đời của Đức Giêsu, từ “Nhập Thể” cho đến khi hoàn tất : “Lạy Cha, xin
cứu Con khỏi giờ này” (Ga 12,27). “Chén Cha đã trao lẽ nào Ta không uống” (Ga
18,11). Trên thập giá, trước khi “mọi sự hoàn tất” (Ga 19,30), Đức Giêsu nói
“Ta khát” (Ga 19,28) - (Số 607).
2. Chiên Con xóa tội trần gian.
Sau khi chấp nhận làm phép rửa cho Đức Giêsu theo sau những “tội nhân”,
Gioan Tẩy Giả đã nhận ra và chỉ cho thấy Đức Giêsu là “Chiên Con của Thiên
Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29). Ông cho thấy, Đức Giêsu, vừa là “Người
Tôi Tớ đau khổ” bị đem đi giết (Is 53,7) và là Đấng gánh tội trần gian. Chiên
Vượt Qua đã là biểu tượng ơn cứu chuộc đối với Israel từ lễ Vượt Qua đầu tiên
(Tl 12,3-14). Tất cả đời sống của Đức Kitô diễn tả sứ vụ của Ngài : “Hầu hạ và
thí mạng sống làm giá chuộc nhiều người” (Mc 10,45) - (Số 608).
3. Đức Giêsu đã đảm nhận cách tự do tình yêu
cứu thế của Chúa Cha.
Đón nhận trong trái tim nhân loại của mình tình yêu của Chúa Cha đối
với loài người, Đức Giêsu đã yêu họ đến cùng (Ga 13,1), vì “không có tình yêu
nào lớn hơn là thí mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13). Trong đau khổ và sự
chết, nhân tính của Đức Giêsu trở nên dụng cụ tự do và hoàn hảo của tình yêu
thần linh của Ngài muốn cho mọi người được cứu. Ngài đã tự do chấp nhận cuộc
khổ nạn và cái chết vì yêu Chúa Cha và loài người mà Chúa Cha muốn cứu : “Không
ai cất mạng sống Ta được ; nhưng chính Ta tự thí mạng sống Ta” (Ga 10,18). Con
Thiên Chúa hoàn toàn tự do đi đến cái chết. (Số 609).
4. Trong bữa Tiệc Ly,Đức Giêsu đã hiến mạng
sống mình trước.
Đức Giêsu đã diễn tả cách tuyệt hảo sự tự hiến của Ngài trong bữa ăn
cùng với Nhóm 12, trong đêm Ngài bị nộp (1 Cr 11,23). Hôm trước ngày chịu nạn,
khi còn tự do, Đức Giêsu đã làm cho bữa Tiệc Ly với các Tông Đồ thành “Lễ Tưởng
Niệm” sự tự hiến của Ngài để cứu độ nhân loại : “Này là Mình Ta thí ban vì các
người” (Lc 22,19) “Này là Máu Ta, Máu Giao Ước, sẽ đổ ra cho nhiều người được
tha tội” (Mt 26,28) - (Số 610).
Bí tích Thánh Thể mà Ngài thiết lập vào lúc ấy sẽ là “Lễ Tưởng Niệm” Hy
tế của Ngài (1 Cr 11,25). Đức Giêsu bao hàm các Tông Đồ trong Lễ Dâng của Ngài,
và yêu cầu họ làm cho trường tồn. Bởi đó Đức Giêsu đã thiết lập các Tông Đồ làm
tư tế Giao Ước Mới : “Vì chúng, Con xin hiến thánh mình Con, ngõ hầu chúng được
tác thánh cách chân thật” (Ga 17,19) - (Số 611).
5. Hấp hối ở vườn cây Dầu.
Chén Giao Ước Mới Đức Giêsu đã “dùng trước” trong bữa Tiệc Ly khi tự
hiến mình, sau đó, Ngài đón nhận từ tay Chúa Cha trong cơn hấp hối ở vườn cây
Dầu, học vâng phục cho đến chết (Pl 2,8 ; Dt 5,7-8). Đức Giêsu cầu nguyện :
“Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho Con được khỏi chén đắng này”
(Mt 26,39). Ngài diễn tả sự sợ
hãi trước cái chết do bản tính nhân loại. Cũng giống như chúng ta, bản tính
nhân loại của Đức Giêsu có mục tiêu là “sự sống đời đời”. Khác với chúng ta,
bản tính nhân loại nơi Ngài không có tội là nguyên nhân gây ra sự chết ; mà
nhất là đã được ngôi vị thần linh “khơi nguồn sự sống” (Cv 3,15), Đấng sống (Kh
1,7), đảm nhận. Khi chấp nhận trong ý muốn nhân loại của mình, cho ý muốn của
Chúa Cha thể hiện, Ngài chấp nhận cái chết cứu chuộc để gánh tội lỗi chúng ta
trong thân xác bị treo cây gỗ (1 Pr 2,24) - (Số 612).
6. Cái chết của Đức Giêsu là hy tế duy nhất
và tối hậu.
Cái chết của Đức Giêsu vừa là “hy lễ Vượt Qua” hoàn tất sự cứu chuộc loài người bởi “Chiên
Con Đấng gánh tội thế trần” (Ga 2,18) vừa là Hy Tế Giao Ước Mới, cho con người
hiệp thông trở lại với Thiên Chúa, giao hòa con người với Thiên Chúa bởi “Máu
đổ ra cho nhiều người được tha tội” (Mt 26,28) - (Số 613).
Hy tế của Đức Kitô là “Duy Nhất”, nó hoàn tất và vượt qua mọi hy tế.
Trước hết, đó là “Hồng Ân” của Chúa Cha : Chúa Cha phó nộp Con mình để giao hòa
chúng ta lại với Người. Đó cũng là sự dâng hiến của Con Thiên Chúa làm người,
Đấng đã tự nguyện và vì yêu thương dâng hiến sự sống mình cho Chúa Cha nhờ Chúa
Thánh Thần (Dt 9,14), để sửa chữa sự bất tuân của ta. (Số 614).
7. Đức Giêsu đã vâng phục thay cho sự bất
tuân của ta.
Vì như do sự bất tuân của một người, nhiều người đã bị liệt vào hàng
tội nhân, cũng vậy, vì sự vâng phục của một người, nhiều người sẽ được liệt vào
hàng công chính (Rm 5,19). Vì vâng phục cho đến chết, Đức Giêsu đã hoàn thành
“sự thay thế” của người Tôi Tớ đau khổ hiến mạng sống làm hy lễ đền tội, vì
Người gánh lấy tội lỗi nhân trần, mà Người “công chính hóa” bằng cách chịu khổ
vì tội của họ (Is 53,10-12). Đức Giêsu đã sửa chữa các lỗi của ta và đền bù các
tội của ta. (Số 615).
8. Trên thập giá Đức Giêsu hoàn thành hy tế.
Chính “tình yêu đến cùng” (Ga 13,1) mang lại cho hy tế của Đức Kitô giá
trị cứu chuộc, sửa chữa, đền tội, bù đắp. Trong hy lễ tự hiến, Ngài đã biết
chúng ta và yêu chúng ta tất cả : “Lòng mến của Đức Kitô thúc bách chúng ta,
bởi đã được xác tín rằng : một Đấng đã chết vì mọi người, vậy thì mọi người đều
đã chết” (2 Cr 5,14). Không ai, dù là người thánh thiện nhất có thể gánh mọi
tội lỗi của mọi người và tự hiến làm hy
lễ vì mọi người. Đức Kitô vì là ngôi vị thần linh (Ngôi Con) vượt trên, đồng
thời bao trùm mọi nhân vị, và làm đầu của toàn thể nhân loại, nên hy tế của
Ngài là hy tế cứu chuộc mọi người. (Số 616).
“Vì cuộc khổ nạn trên thập giá, Ngài đã có công nghiệp, đưa lại sự công
chính hóa cho ta”, như công đồng Trentô dạy : nhấn mạnh tính độc nhất của hy tế
Đức Kitô là nguồn ơn cứu rỗi đời đời (Dt 5,9). Và Giáo Hội tôn kính Thánh Giá :
“Kính chào Thánh Giá, Nguồn Hy Vọng Duy Nhất của chúng ta”. (Số 617