CÁC QUAN ĐIỂM CỨU CHUỘC HỌC KHÁC NHAU

TRONG TÂN ƯỚC

 

ĐGM PhaoLô Bùi Văn Đọc

 

 

I. CỨU CHUỘC HỌC TỪ TRÊN.

 

A . ĐỨC KITÔ, ĐẤNG THIÊN KHẢI  (Le Christ Illuminateur).

 

-  Cứu Độ nhờ Mạc Khải :

 

Đức Giêsu là Thầy Dạy Chân Lý và là Đấng Mạc Khải Chúa Cha : "Sự sống dời đời là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa độc nhất và chân thật, và Đấng Cha đã sai là Đức Giêsu Kitô" (Ga 17,3).

 

Được cứu độ đối với loài người chúng ta là được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, được hiệp thông với Thiên Chúa. Và chúng ta không thể nào hiệp thông với Thiên Chúa nếu không biết Thiên Chúa.

 

Mầu nhiệm Vượt Qua là chóp đỉnh lịch sử cứu độ, cũng là chóp đỉnh Mạc Khải Mầu Nhiệm Thiên Chúa. Thiên Chúa tự khải cũng là Đấng Thiên Chúa tự hiến sự sống mình cho nhân loại trong Đức Giêsu Kitô và nhờ Đức Giêsu Kitô :"Người muốn cho mọi người được cứu thoát và được nhìn biết sự thật" (1 Tm 2,4).

 

Chính vì sự sống đời đời là "nhận biết Thiên Chúa", ơn cứu thoát là "nhận biết chân lý", mà thành ngữ "Sự Sáng" được  Kinh Thánh dùng như một hình ảnh, một biểu tượng quan trọng cho "Đấng Cứu Thế", cho "Ơn Cứu Độ", cho "Sự Sống" :"Sự Sống là Sự Sáng cho nhân loại" (Ga 1,3).

 

Trong thánh ca “Benedictus”, Đức Kitô được ví như : “Vầng Đông tự chốn trời cao viếng thăm ta” (Lc 1,78). Trong thánh ca “Nunc dimittis”, Người được gọi là “Ánh Sáng soi đường cho dân ngoại” (Lc 2,32).

Trong bài tựa Tin Mừng Gioan, Ngôi Lời là Sự Sống, mà Sự Sống là Sự Sáng. Có những tác giả coi cả Tin Mừng Gioan là Tin Mừng về Sự Sáng, Tin Mừng về Mạc Khải. Đức Kitô được giới thiệu như là Đấng Mạc Khải trọn vẹn Chúa Cha : "Ai thấy ta là thấy Cha" (Ga 14,9).

 

Đức Kitô là Ngôi Lời đã trở thành xác phàm, mà chức năng của Lời là Mạc Khải. Người là Đấng Mạc Khải Thiên Chúa chân thật và duy nhất. Nhờ Người mà chúng ta có được Ân Sủng và Sự Thật (Ga 1,17). "Thiên Chúa, không ai thấy bao giờ, Con Một, Đấng ở nơi cung lòng Cha, chính Người đã thông tri." (Ga 1,18).

 

Không những lời nói, mà cả những cử chỉ, hành động, cuộc sống và cái chết của Đức Kitô đều có giá trị Mạc Khải, có năng lực Cứu Độ.

 

Đức Kitô không những mạc khải tình yêu của Chúa Cha, mà còn biểu lộ sự đáp trả của Người Con đối với Cha. Chính vì thế mà Người là gương mẫu cho chúng ta.

 

Chính vì Thiên Chúa cứu độ bằng Mạc Khải, mà Đấng Mạc Khải là Đức Kitô, nên ai tin vào Đức Kitô, thì được cứu độ, được có sự sống đời đời. Tin Mừng Gioan được gọi là Tin Mừng về Mạc Khải đồng thời cũng được gọi là Tin Mừng về đức tin.  Người “môn đệ Chúa Giêsu yêu” đã trông thấy và đã làm chứng, để mọi người chúng ta đều tin (Ga 19,35).

 

Tin Mừng Gioan còn trình bày cuộc khổ nạn của Đức Giêsu với cái nhìn chiêm niệm ; những người được cứu độ là những người "trông lên Đấng bị đâm thâu" (Ga 19,37).

 

Tóm lược :   Ơn cứu độ, sự sống đời đời là nhận biết Thiên Chúa. Chúng ta biết được Thiên Chúa nhờ Mạc Khải. Đức Kitô là Đấng Cứu Thế, Đấng Mạc Khải Thiên Chúa ; Người thường tự ví mình với Sự Sáng :

 

"Ta là sự sáng thế gian, Ai theo ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống" (Ga 8,12).

"Ta là Sự Sáng đã đến trong thế gian, để phàm ai tin vào ta, thì khỏi phải lưu lại trong tối tăm"  (Ga 12,46).

 

Được cứu độ là được soi sáng để nhận ra vinh quang của Thiên Chúa tỏ hiện nơi Đức Kitô (2 Cr 4,6). Sự sống của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa (Vita hominis, visio Dei : Irénée)

 

B. ĐỨC KITÔ CHIẾN THẮNG (Le Christ Vainqueur).

 

Ý tưởng "Cứu Chuộc" là gia sản Cựu Ước. Thiên Chúa đã cứu chuộc Israel ra khỏi ách nô lệ Aicập, và đã biến Israel thành Dân riêng của Người.

 

Trong Tân Ước, Đức Kitô là "Cứu Chúa của chúng ta, vì Người đã thí mình vì ta để chuộc ta khỏi mọi tội ác và tẩy rửa lấy cho mình một dân làm sở hữu” (Tt 2,14).

 

Đức Kitô hoàn tất việc cứu chuộc nhờ chiến thắng quyền lực sự dữ, chiến thắng tội lỗi thường được coi như một mãnh lực và được chủ vị hóa (Rm 8,3 ; Ga 12,31 ; 16,11). Đằng sau sự dữ và tội lỗi là "thần dữ", là "thủ lãnh thế gian" ; hậu quả ghê sợ của tội là sự chết. Đức Kitô đã chiến thắng thần dữ, chiến thắng sự chết nhờ sự Phục Sinh của Người. Sự chết không cầm giữ được Người (Rm 6,9-11).

 

Đức Giêsu Kitô là Cứu Chúa của chúng ta, vì Người đã tiêu diệt Tử Thần, tỏ bày Sự Sống, sự Bất Diệt (2 Tm 1,10). Tử thần ở đây không chỉ là cái chết thể lý, mà còn là cái chết đời đời. Đức Kitô đảm nhận cái chết thể lý để chiến thắng cái chết toàn diện bằng sự Phục Sinh.

 

Chúng ta chỉ có thể nói tới cứu chuộc, khi nói tới Phục Sinh. Sau một cuộc chiến quyết liệt, Đức Kitô đã vượt qua sự chết trở về với Sự Sống. Người đã thực hiện hành trình đó vì chúng ta, để chúng ta có thể cùng vượt qua với Người.  Được cứu độ là được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết, lãnh nhận sự sống viên mãn và tối hậu.

 

Nói đến Cứu Chuộc, thì cũng nói đến "giá chuộc". Thành ngữ giá chuộc ứng dụng cho máu Đức Kitô là một cách nói bóng bẩy (Ep 1,7). Mặc dù vài chỗ trong Tân Ước sử dụng các phạm trù của đời sống phượng tự (Rm 3,24... ; 1 Tm 2,5-6 ; Dt 9,12 ; 1 Pr 1,18-20), từ ngữ Máu Đức Kitô nói chung có nghĩa là "vì yêu thương, Đức Kitô đã sẵn sàng hy sinh mạng sống, Người đã trả giá đắt cho tình yêu, giá ấy là sự sống của mình”.

 

Các Tin Mừng Nhất Lãm cũng có dùng thành ngữ "giá chuộc"  (Mt 20,28 ; Mc 10,45). Thành ngữ này chỉ sự hy sinh lớn lao của Đức Giêsu, vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta.

 

Ở đây chúng ta dùng từ ngữ cứu chuộc học từ trên, vì đề cập đến sáng kiến tình yêu của Chúa Cha,Đấng đã không tha cho Con Một, nhưng phó nộp Người vì chúng ta hết thảy (Rm 8,32). Và Đức Kitô cũng tự phó nộp mình vì chúng ta (1 Tm 2,6).

 

Cái chết bi thảm của Đức Giêsu vừa là hậu quả của quyền lực sự dữ, vừa là sự chiến thắng của tình yêu tự hiến của Đức Giêsu. Để kết án tội lỗi và sự dữ nhưng cứu tội nhân, Đức Giêsu đã phải để cho mình bị hủy diệt. Nhưng Tình Yêu mạnh hơn sự chết nơi Đức Giêsu, đã làm cho Người chỗi dậy và sống mãi muôn đời.

 

Tóm lược :  Công việc cứu chuộc của Đức Giêsu là một cuộc chiến gay go và đẫm máu kết thúc bằng sự chiến thắng của tình yêu của Thiên Chúa biểu lộ trọn vẹn nơi Đức Kitô. Chúng ta có thể coi biến cố Phục Sinh như sự chiến thắng của Đức Kitô, Người đã chiến thắng và giải thoát chúng ta bằng chính sự hy sinh mạng sống của mình.

 

C. ĐỨC KITÔ GIẢI PHÓNG (Le Christ Libérateur).

 

Cứu độ là "Giải Thoát", là "Cứu Thoát".

 

Cứu chuộc và giải thoát có quan hệ với nhau mật thiết. Cựu Ước ít dùng từ ngữ giải thoát hơn từ ngữ cứu chuộc, mặc dù biến cố Xuất Hành quả thực là một sự giải phóng triệt để và vĩ đại.

 

Tân Ước sử dụng từ ngữ giải thoát nhiều hơn Cựu Ước, nhưng cũng không nhiều lắm :

 

"Các ngươi sẽ biết sự thật và sự thật sẽ cho các ngươi được tự do" (Ga 8,32).

 

"Nếu Con có cho các ngươi được tự do, thì các ngươi móí đích thực là tự do" (Ga 8,36).

 

Lc 4,18 trích lại Is 61,1 : " Người đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó,... cho kẻ bị áp bức được giải thoát...".

 

Nếu dựa vào các sách Tin Mừng, trước hết chúng ta phải nói đến tự do của Đức Giêsu. Chúng ta không thể nào gặp được ở trần gian này một con người tự do như con người của Đức Giêsu. Chính vì Đức Giêsu là một con người tự do tuyệt đối, mà những ai đi theo Ngài cũng sẽ được tự do như Ngài.

 

Đối với Phaolô, sự tự do của người kitô-hữu thật là cao quý. Ông đã có kinh nghiệm sâu xa về tự do, khi ông được gặp gỡ Đức Kitô. Đức Kitô đã giải thoát, đã làm cho ông trở nên con người tự do thực sự :           " Chính để ta được tự do mà Đức Kitô đã giải phóng ta" (Gl 5,1).

 

Chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi, để thuộc về Đức Kitô, trở nên con cái tự do của Thiên Chúa. Chính Thần Khí của Đức Kitô Phục Sinh giải phóng chúng ta khỏi luật của sự tội và sự chết (Rm 8,2).

 

Sự giải phóng này trước hết là một sự giải thoát ở chiều sâu, giải thoát con người bên trong của chúng ta, để chúng ta không còn nô lệ cho tội, đoòng thời cũng ảnh hưởng sâu đậm đến xã hội và lịch sử, đến cả vũ trụ nữa.

 

Tóm lược :  Đức Kitô giải phóng và chữa lành tự do của chúng ta ; chỉ có con người tự do đích thực mới có thể mang lại tự do cho người khác, giải phóng người khác.

 

Việc Thiên Chúa chiến thắng sự dữ  được mạc khải bằng chiến thắng của sự tự do thánh thiện của Đức Giêsu trên "tự do tội lỗi" của con người. Irénée giải thích ơn cứu chuộc là sự tự do mà Đức Kitô mang đến cho chúng ta, sự tự do mà Người là hiện thân.

 

D. CỨU ĐỘ LÀ THẦN HÓA (Le Christ Divinisateur).

 

Đức Kitô đến thế gian để mang đến cho chúng ta sự sống của Thiên Chúa, chia sẻ cho chúng ta tình yêu và hạnh phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa.

 

Đức Kitô là Sự Phục Sinh và Sự Sống (Ga11,25), vì Người mang trong mình Sự Sống của Thiên Chúa, Thần Khí của Thiên Chúa. Thần Khí của Thiên Chúa cũng là Thần Khí của Người : "Ta sống nhờ Cha" (Ga 6,52).

 

Công việc của Đức Kitô, sứ mạng của Người là thanh tẩy bằng Thần Khí (Mc 1,8) và trong Thần Khí (Ga1,33) Người là Đấng Messia Cứu Thế, vì Người mang đến cho chúng ta sự sống của Thiên Chúa là Thần Khí.

 

Tin Mừng Gioan còn được gọi là Tin Mừng về Sự Sống : Đức Kitô là Sự Sống (Ga 14,6), là Bánh Sự Sống (Ga 6,35-48), vì Người mang trong mình sự sống sủa Thiên Chúa ; Người ban sự sống cho thế gian (6,33) ; ai tin vào Người thì được sống đời đời (Ga 6,35) ; ai ăn thịt và uống máu Người thì có sự sống đời đời (Ga 6,35). Sự Sống đời đời là một từ ngữ tương đương với từ ngữ Nước Thiên Chúa trong các Tin Mừng Nhất Lãm.

 

Trong Tin Mừng Gioan còn có chủ đề Nước Sự Sống (Ga 4,10-15 ; 7,37-39). Đây là một chủ đề rất phong phú về ơn cứu độ mà chúng ta nhận lãnh, khi chúng ta đến với Chúa Giêsu, tin vào Người.

 

Tác giả thư Phêrô thì dùng chữ "bản tính Thiên Chúa" (2 Pr 1,4), được cứu độ là được thông phần bản tính Thiên Chúa (consortes divinae naturae). Tư tưởng này là nền tảng vững chắc cho suy tư cứu chuộc học của các giáo phụ sau này, đặc biệt là các giáo phụ Hylạp.

 

Phaolô nhấn mạnh tới ơn nghĩa tử. Thần Khí nghĩa tử mà chúng ta lãnh nhận khiến chúng ta có thể kêu lên "Abba", và trở thành thừa tự của Thiên Chúa, đồng thừa tự với Đức Kitô

(Rm 8,14-17). Nhờ thông phần mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô, mà chúng ta trở nên đồng thừa tự với Người. Chúng ta được trở nên thừa tự của Thiên Chúa nhờ Đức Kitô

(Gl 4,4-7).

 

Chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa trong Con Yêu Dấu của Người, nhờ được tháp nhập vào Thân Mình độc nhất là Đức Kitô, nhờ Thần Khí độc nhất của Người (1 Cr 12 -13).

 

Tóm lược : Ơn Cứu Độ chính là Sự  Tái Sinh bởi Nước và Thần Khí (Ga 3,5-8) nhờ Đức Kitô : "Sự gì sinh bởi Thần Khí là thần khí" (Ga 3,6). Ngày nay, nhiều người không thích từ ngữ thần hóa, nên chúng ta có thể diễn tả cách mới mẽ hơn cùng một tư tưởng ấy : sự tự hiến của Thiên Chúa cho chúng ta trong Đức Giêsu-Kitô. Sự tự hiến này không làm mất đi nhân cách của chúng ta, mà càng làm cho con người chúng ta triển nở viên mãn (La déification est la véritable et suprême humanisation de l'homme : DC, n.1844, a.1983, p.123).

 

E. ĐỨC KITÔ LÀ CÔNG LÝ CỦA THIÊN CHÚA (Le Christ, Justice de Dieu).

 

Cứu độ là công chính hóa :

 

Công lý của Thiên Chúa không là sự công bằng theo nghĩa loài người, hoặc là công bằng phân phối hay là công bằng giao hoán (justice distributive, justice commutative), mà là công lý cứu độ (Justice salvifique : Lyonnet), là công lý công chính hóa (Justice justifiante : Guillet), lưu tâm đến khát vọng hiện hữu của con người.

 

Trong các sách Tin Mừng, Đức Kitô được gọi là "Đấng Công Chính" : Người hoàn toàn vâng phục Chúa Cha và sống cho người khác, đặc biệt là những kẻ bé mọn. Sự công chính của Người hướng tới những kẻ có tội và dành cho những kẻ có tội (Mt 9,13). Câu chuyện người đàn bà ngoại tình (Ga 8,1-11) là một trường hợp tiêu biểu. Công lý của Đức Giêsu mạc khải công lý của Nước Thiên Chúa dành cho nhân loại. Chính công lý này đã đưa Người đến cái chết (Mt 27,4 - 19 ; Lc 23,47).

 

Sự công chính của các môn đệ phải vượt trên sự công chính của biệt phái và luật sĩ (Mt 5,20). Sự công chính ấy phản ánh công lý của Thiên Chúa (Mt 5,45). Công lý ấy là ân huệ của Thiên Chúa biểu lộ nơi con người Đức Giêsu Kitô, vượt trên công lý của loài người. (Từ ngữ công lý ở đây phải được bổ túc bằng từ ngữ  ân sủng).

 

Phaolô đã thất bại trong việc trở nên công chính nhờ Lề Luật : khi gặp được Đức Kitô, ông mới nhận ra sự công chính đến từ Thiên Chúa. Công chính là một ân sủng. Tất cả chúng ta đều được công chính hóa bằng ân sủng (nhờ Đức Kitô).

 

Kinh nghiệm của Phaolô làm cho ông hiểu sâu xa sự công chính của Thiên Chúa là Đức Kitô : "Tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng, vì đó là quyền năng của Thiên Chúa để cứu thoát mọi kẻ tin..., vì trong đó được mạc khải ra sự công chính của Thiên Chúa" (Rm 1,16-17). -  "Hết thảy đều đã phạm tội và khuyết hẳn vinh quang của Thiên Chúa, nhưng nay thì được công chính hóa cách nhưng không, bởi ân nghĩa của Người, nhờ công việc cứu chuộc trong Đức Giêsu Kitô" (Rm 3,23-24).  -  "Đức Kitô là hiện thân của sự khôn ngoan, sự công chính, sự thánh thiện và ơn cứu chuộc của Thiên Chúa". (1 Cr 1,30).

 

Tóm Lược :  Mọi người chúng ta đều được công chính hóa bằng ân sủng nhờ đức tin. Công chính hóa là việc của ân sủng ; chúng ta được công chính hóa nhờ tin vào ân sủng của Thiên Chúa. Công chính hóa là tách rời tội lỗi ra khỏi tội nhân, mở đường cho cuộc sống mới trong Thần Khí (Rm 8,15). Sự công chính biến đổi con người tận bên trong.

 

II. CỨU CHUỘC HỌC TỪ DƯỚI.

 

A. HY TẾ CỨU CHUỘC (Sacrifice).

 

Trong Cựu Ước, Hy Lễ Vượt Qua là một hy lễ tưởng niệm biến cố Xuất Hành và hiện taị hóa biến cố ấy (Xh 12). Tân Ước nối kết hy tế thập giá của Đức Giêsu với việc sát tế chiên vượt qua. Phaolô đã không ngại nói rằng : " Chiên Vượt Qua của ta, Đức Kitô , đã chịu sát tế" (1 Cr 5,7). Còn theo Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu chịu đóng đinh không bị đập bể ống chân để ứng nghiệm lời Kinh Thánh về chiên vượt qua

(Ga 19,36 = Xh 12,46).

 

Lễ Vượt Qua cử hành hằng năm còn có ý nghĩa là một đáp trả của Dân Chúa với hành vi cứu độ của Thiên Chúa.

 

Trong các hy lễ của Dothái-giáo, hy lễ toàn thiêu là hy lễ hoàn hảo nhất dâng lên cho Thiên Chúa, là một hành vi tôn thờ, tự hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa. Hy lễ đền tội cũng đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt tôn giáo Dothái. Ngoài ra còn hy lễ hiệp thông (sacrifice de communion) vừa là hy tế cảm tạ, ngợi khen Thiên Chúa, vừa có bữa ăn tượng trưng cho sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa.  Nói chung, mục tiêu của hy tế là sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa ; con người tự hiến cho Thiên Chúa, vì ý thức rằng mọi sự đều do Thiên Chúa ban. Chỉ có thể hiểu được hy tế một cách sâu xa và đúng đắn nhất trong tương quan Giao Ước giữa Thiên Chúa với Dân của Người.

 

Khuynh hướng vụ hình thức len lỏi vào đời sống phượng tự của Dân Israel đã bị các ngôn sứ mạnh mẽ đả kích. Các ông kêu gọi nội tâm hóa đời sống phượng tự. Điều quan trọng là tình yêu và sự vâng phục đối với Thiên Chúa. Các hy lễ phải là dấu hiệu của tình yêu và sự trung thành. Chóp đỉnh của giáo lý này là gương mặt "Người Tôi Tớ đau khổ” (Is 52,13 - Is 53,12), Đấng hiến dâng sự sống của mình làm hy lễ.

 

Thời Tân Ước, từ ngữ hy tế ít được dùng bởi các tác giả sách Tin Mừng. Trong các sách Tin Mừng, Đức Giêsu ít nói đến, và khi nói đến, thì hiểu theo nghĩa tiêu cực nhiều hơn :

 

- Mt 9,13 : " Đi mà học lời này là gì : Ta chuộng nhân nghĩa chứ không phải lễ tế."

 

- Mt 12,7 : "Và nếu các ông hiểu được là gì : Ta chuộng nhân nghĩa chứ không phải tế tự, ắt các ông đã không lên án những người vô tội".

 

- Mc 12,33 : " Yêu mến Người hết lòng, và hết trí hiểu, hết sức lực và yêu mến đồng loại như chính mình ắt vượt quá các toàn thiêu và lễ tế hết thảy”.

 

Đối với Đức Giêsu, tình yêu quan trọng hơn hy lễ.

 

Nhưng trên một bình diện khác thì cả cuộc đời của Đức Giêsu là một hy lễ sống động, hiện sinh (sacrifice existentiel) : Người sống hoàn toàn cho Thiên Chúa và cho người khác. Đời sống của Người là một sự tự hiến không ngừng, và tất cả đời sống tự hiến ấy hướng về Giờ Vượt Qua, lúc Người trở về cùng Cha, để cho tất cả anh em Người được giao hòa trở lại và về cùng Cha chung với Người.

 

Khi lập bí tích Thánh Thể, Người biểu lộ ý muốn tự hiến cho Thiên Chúa và cho anh em. Sau đó trong vườn cây Dầu, Người đã tự phó nộp mình. Cuối cùng cái chết trên thập giá hoàn tất hy tế hiện sinh của Người.

 

Các thư thì sử dụng từ ngữ hy tế nhiều hơn, nhưng chủ yếu để diễn tả thái độ sâu xa của Đức Kitô và các kitô-hữu là yêu thương và vâng phục :

 

- Rm 12,1 : "Hãy hiến dâng thân mình anh em làm lễ tế sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là sự thờ phượng thiêng liêng của anh em".

 

- Ep 5,2 : "Hãy sống trong lòng mến, một thể như Đức Kitô đã yêu mến ta và đã phó nộp mình vì ta, làm lễ vật hy sinh, hinh hương dâng lên Thiên Chúa".

 

Phaolô, trong thư Côrintô (1 Cr 11,22-25), giống như trong các bài tường thuật của các Tin Mừng Nhất Lãm về việc thiết lập bí tích Thánh Thể, đã dùng ngôn ngữ phượng tự để diễn tả cách Đức Giêsu nhìn cuộc sống của chính mình. Cuộc đời của Đức Giêsu là một Hy Tế, mà Tư Tế và Lễ Phẩm là một.

 

Thư Dothái dùng ngôn ngữ hy tế nhiều hơn cả, chủ yếu nhằm làm nổi bật sự khác biệt giữ Giao Ước Cũ và Giao Ước Mới, hy lễ cũ và hy lễ mới. Trong trường hợp Đức Kitô, hy tế là hy tế bản thân, chủ vị và hiện sinh, chứ không là "nghi lễ". Câu nói "Người đã tự hiến mình" trong thư Dothái tổng hợp hai ý : giới thiệu Đức Kitô như của lễ hy sinh, đề cao tình yêu và sự tự nguyện của Người trong cuộc Khổ Nạn.

 

Không thể coi cái chết của Đức Giêsu như một sự tự sát nghi lễ, một hành vi phượng tự theo nghĩa nghi lễ, vì Người đã bị giết chết, bị hành hình. Nhưng Đức Giêsu đã dùng chính sự cố này để tự hiến mình làm của lễ hy sinh vô tì tích dâng lên Thiên Chúa (Dt 9,14).  Chính Tình Yêu nơi Người, Thánh Thần trong Người đã thúc đẩy Người tự hiến, và đã biến đổi cái chết đẫm máu thành sự  tự hiến đầy yêu thương và vâng phục. Có sự hiện diện kín đáo và thâm sâu của Thánh Thần trong linh hồn vị Thượng Tế và trong chính Của Lễ.  Sự tự hiến của Người có cả hai chiều kích :

 

- Chiều đứng (vâng phục Chúa Cha , tự hiến cho Cha làm của lễ),

 

- Chiều ngang  (tự hiến cho anh em làm của ăn) .

 

B. CỨU CHUỘC BẰNG VIỆC ĐỀN TỘI (expiation).

 

Trong Cưu Ước, ý nghĩa của việc đền tội nằm trong câu nói của Môsê với dân Isarael, khi dân đã lỡ lầm bất trung với Thiên Chúa : “Các ngươi đã phạm tội, nhưng Ta bây giờ sắp lên với Giavê, có lẽ Ta sẽ xin được Người xá tội cho các ngươi” (Xh 32,30-32 ; Đnl 9,26-27). Thái độ của Môsê rõ ràng là thái độ cầu khẩn. Điều này minh chứng rằng có một tương quan mật thiết giữa “đền tội” và “khẩn cầu” (expiation et intercession). Thánh Jérôme giải thích chữ  “expiare” bằng các chữ rogare, orare và deprecari. Cả ba chữ trên trong tiếng Latinh đều có nghĩa là nài xin, khẩn cầu.

 

Hy tế đền tội (Kippur) mà sách Lêvi mô tả (Lv 16+17) được cử hành mỗi năm một lần, tuy nhấn mạnh đến việc thống hối và đền tội, vẫn làm nổi bật “ân sủng của Thiên Chúa” : chính Thiên Chúa muốn tha tội, và tất cả những gì mà con người dâng lên cho Người đều do Người ban cho, lễ vật mà con người dâng lên cũng là của Người ban (máu bò bị sát tế rảy trên phương xá tội). Hy tế ấy cũng làm nổi bật giá trị của lời cầu nguyện : Dân Chúa cầu nguyện tha thiết, nài xin Thiên Chúa thứ tha tội lỗi (nghi lễ cầu nguyện từ sáng đến chiều).

 

Một số đoạn Kinh Thánh Cựu Ước không ngại nói tới sự “phẫn nộ của Giavê” (Is 30,27-33; Ed.20,33; Gr 25,15-38), và không thiếu những lời khẩn cầu xin Thiên Chúa nguôi giận. Nhưng sự phẫn nộ ấy không đồng nghĩa với bạo lực hay nhu cầu báo thù. Sự phẫn nộ làm nổi bật tình yêu bị xúc phạm, sự nghiêm trọng của tội lỗi, sự dữ mà Dân Chúa phải lánh xa. Thiên Chúa muốn cho dân hoán cải và từ bỏ con đường tội ác để trở về với Người, sống trong ân nghĩa với Người. Làm cho Thiên Chúa nguôi giận có nghĩa là xin Thiên Chúa tha thứ, trở về giao hòa với Người, rời bỏ con đường tội ác. Cơn giận của Thiên Chúa có thể được ví như sự đau buồn của Thiên Chúa Tình Yêu (tristesse de l’amour) ; sự đau buồn ấy dần dần được mạc khải qua sự đau khổ của Người Tôi Tớ, và sau cùng qua cuộc khổ nạn của Người Con.

Bài ca IV của Người Tôi Tớ trong Is II tiến một bước rất xa :

 

- Tư tưởng đền tội trở nên rất sâu đậm, rất thiêng liêng. Hy tế đền tội không còn là một nghi lễ bên ngoài nữa, mà là một hy tế đời sống, là sự dâng hiến bản thân vì một tình yêu sâu thẳm. Sự tự hiến ấy là một lời khẩn cầu thiết tha nhất.

 

- Nhân vật huyền bí “Tôi Tớ Giavê” được giới thiệu như một người vô tội, không chút bạo lực nào, nhưng lại bị chống đối và đem đi giết. Những đau khổ ghê gớm đã làm biến dạng hoàn toàn con người của Ngài. Nếu để ý, chúng ta có thể thấy được cả “ba phía” trong tấn thảm kịch này : những kẻ có tội, Người Tôi Tớ công chính, Thiên Chúa Giavê là Đấng thực hiện một sự hoán chuyển huyền nhiệm ; tội như đổ trên đầu Người Tôi Tớ, ân sủng và bình an được ban cho kẻ có tội (c. 5=11).

 

- Đó là ý nghĩa sự đau khổ của Người Công Chính. Sự đau khổ ấy phong phú lắm, vì nó trở nên một hành vi yêu thương và tự hiến, và sự tự hiến này có thể trở nên ơn giao hòa , ơn công chính cho những kẻ có tội.

 

- Tội lỗi của kẻ dữ biến cái chết của Người Công Chính trở thành hy tế vì : + ý muốn tự hiến của Người Tôi Tớ  + ý muốn của Thiên Chúa đón nhận của lễ . Và hy tế trở thành hy tế đời sống, hy tế hiện sinh. Người Tôi Tớ chấp nhận số phận của mình, không mở miệng than van trách móc. Người không những chịu đựng sức nặng của sự gian ác trong chính bản thân mình, mà còn đảm nhận, còn mang lấy chúng, và để cho mình bị liệt vào hạng tội nhân. Không những Người tự hạ, mà còn hư vô hóa cuộc sống của mình.

 

- Có một sự hoán chuyển mà chỉ tình yêu mới thực hiện được : từ tội chuyển sang đền tội và sữa chữa thay cho người khác. Người Tôi Tớ trở nên Đấng gánh tội của Dân Chúa (nạn nhân trở thành liên đới với tội nhân). Sự trùng hợp, đồng hóa sự công chính và tội lỗi nơi một con người là tiếng kêu thống thiết đến công lý công chính hóa của Thiên Chúa.

 

- Khi tác giả nhìn khía cạnh bên ngoài là sự đau khổ và sự chết, tác giả gọi đó là hy tế đền tội (expiation). Khi muốn diễn tả thái độ bên trong của Người Tôi tớ, tác giả gọi đó là khẩn cầu (intercession). Sự vô tội của Người Tôi Tớ làm cho hy tế của người ấy trở nên tinh tuyền và đẹp lòng Giavê, và Người Tôi Tớ trở nên con người được Giavê sủng mộ .

 

Tân Ước tiếp nối cái nhìn của Isaia II. Trong sách Công Vụ, câu trả lời của Philíp cho viên hoạn quan, dựa vào câu hỏi về Người Tôi Tớ, để loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu (Cv 8,35). Đức Giêsu Kitô hoàn tất ý nghĩa các hy tế đền tội, thể hiện trọn vẹn gương mặt Người Tôi Tớ đau khổ.

 

Đức Kitô là “sự đền tội” (Le Christ, notre expiation), vì Người là Đấng trung gian, Đấng khẩn cầu và Đấng giao hòa. Các tác giả Tân Ước đọc “biến cố Vượt Qua” dưới ánh sáng của Lề Luật và Tiên Tri , đã sử dụng từ “expiation” cho Chúa Kitô. Phaolô là tác giả đầu tiên nói về Đức Kitô như “Đấng Thiên Chúa đã bày ra trước mặt thiên hạ như phương xá tội” (Rm 3,25). Đức Kitô vừa là lễ vật mà máu được hiến dâng, vừa là nơi thánh mà Thiên Chúa hiện diện, nơi duy nhất Thiên Chúa ban ơn tha thứ.

 

Thư Gioan dùng từ ngữ “hy sinh tạ tội“ (1 Ga 2,1-2). Chính Thiên Chúa, vì yêu mến ta, đã sai Con của Người đến làm “hy sinh đền tạ tội lỗi ta” (1 Ga 4,10). Tác giả vừa nhấn mạnh tình yêu của Thiên Chúa, vừa nhắc rõ hy tế lịch sử của Đức Kitô.  Đức Kitô là Đấng bầu chữa nơi Chúa Cha cho chúng ta. Tư cách đó của Người cũng do Chúa Cha ban. “Chiên Con chịu sát tế” vẫn là biểu tượng cho cái chết hy sinh tạ tội của Đức Kitô, ngay cả khi Người đã được siêu tôn (Kh 5, 6).

 

Thư Dothái thì nhấn mạnh tư cách Đức Kitô Thượng Tế hiến dâng hy lễ. Nhiệm vụ của Thượng Tế ấy là lo tạ tội cho dân (Dt 2,17). Việc tiến dâng lễ vật và hy sinh tạ tội nằm trong định nghĩa của chức tư tế.  Đức Kitô được ví như thượng tế, nhờ máu của mình, đã vào thánh điện duy nhất chỉ một lần, là chính Thiên Đàng (Dt 9,11-12).

 

Trong thư Dothái, quan hệ giữa tạ tội và khẩn cầu còn chặt chẽ hơn là trong Cựu Ước : sự tạ tội là lời cầu nguyện thần thiêng và được nhậm lời vì sự chân thực của nó ; và sự khẩn cầu lại trở nên hy tế đời sống (Dt 5,7-10).  Trong hy tế của Đức Giêsu, cầu nguyện, khẩn xin, dâng hiến trong khổ đau lòng vâng phục của mình, tất cả chỉ là một.

 

Hy tế của Đức Giêsu vẫn là hy tế đẫm máu, máu ấy biểu tượng cho sự sống mà Thiên Chúa ban cho Người, và giờ đây Người dâng lại cho Thiên Chúa. Cái chết tủi nhục đã trở thành chất liệu cho hy lễ tình yêu. Bức màn thân xác bị xé ra nhờ cái chết (Dt 10,20) ; sự chiến thắng cái chết mở đường sự sống cho chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Đức Kitô đã công chính hóa, hiến thánh và giao hòa chúng ta cho một giao ước vĩnh cửu với Thiên Chúa.

 

Truyền thống kinh thánh biến “tạ tội” (expiation) thành “khẩn cầu hiện sinh” (intercession existentielle).  Phải hiểu hai câu 2 Cr 5,21 và Gl 3,13 theo chiều hướng này, để khỏi rơi vào những lý luận sai lầm về Thiên Chúa, làm cho người khác không còn hiểu được tình yêu của Thiên Chúa.

 

III. CỨU CHỘC HỌC  HAI CHIỀU.

 

Đức Kitô Giao Hòa (Le Christ Réconciliateur) :

 

“Mọi sự đều do tự Thiên Chúa, Đấng đã giảng hòa ta lại với chính mình Người, nhờ Đức Kitô và đã ban cho chúng tôi được giúp việc giảng hòa” (2 Cr 5,18).

 

Giáo huấn của Phaolô rất rõ : Thiên Chúa là Chủ thể giao hòa và chúng ta là đối tượng, là những người thừa hưởng sự giao hòa. Sáng kiến yêu thương ấy của Thiên Chúa thể hiện, khi chúng ta còn là kẻ có tội, thù nghịch với Thiên Chúa (Rm 5,8-11). Sự giao hòa thể hiện bằng thập giá Đức Kitô.

 

Sự giao hòa với Thiên Chúa lôi kéo theo sự giao hòa giữa Dothái và dân ngoại (Ep 2,14-17). Hơn thế nữa sự giao hòa còn mặc thêm chiều kích vũ trụ (Cl 1,20). Mục tiêu cuối cùng là thâu họp vạn vật dưới một đầu mối trong Đức Kitô (Ep 1,10).

 

Phạm trù giao hòa đáp ứng với phạm trù giao ước sử dụng trong các sách Tin Mừng :

 

“Này là máu Ta , máu Giao Ước đổ ra vì nhiều ngườøi để nên ơn tha tội” (Mt 26,28 ; Mc 14,24 ; Lc 22,20).

 

Sự giao hòa hoàn tất nhờ cái chết của Đức Kitô trên thập giá, còn Giao Ước đựợc ký kết bằng máu của Người đổ ra.

 

Sự giao hòa không thay đổi gì nơi Thiên Chúa vì Thiên Chúa đã quyết ý từ trước, nhưng chỉ thay đổi hoàn cảnh của nhân loại : không còn tương quan thù nghịch giữa nhân loại với Thiên Chúa nữa. Sáng kiến hoàn toàn do Thiên Chúa, nhưng thể hiện nơi Đức Kitô, Con Thiên Chúa Nhập Thể. Đức Kitô vừa hành động với tư cách Con Thiên Chúa đến giao hòa các thù địch của Thiên Chúa, vừa là con ngườøi trở về với Thiên Chúa.

 

Sự giao hòa thể hiện nơi thập giá là một lời mời gọi, một sứ điệp giao hòa, nhưng cũng là ơn giao hòa. Giữa ơn giao hòa và sứ điệp, có thừa tác vụ giao hòa. Đó là nền tảng thần học của thừa tác vụ trong Giáo Hội. Thừa tác vụ này được Đức Kitô giao phó cho các Tông Đồ và toàn thể Hội Thánh.


Trở về Mục Lục | Về Trang Nhà