ĐỨC GIÊSU TRƯỚC
KHI CÓ KITÔ-GIÁO
MỘT NỖ LỰC HIỆN ĐẠI TRỞ VỀ
VỚI ĐỨC GIÊSU LỊCH SỬ.
(JESUS BEFORE
CHRISTIANITY - Albert Nolan)
LM Micae Trần Đình Quảng
I. TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM.
Đây là một tác phẩm được in đi in lại nhiều lần kể
từ ấn bản đầu tiên năm 1976 (Ấn bản chúng ta khảo sát là ấn bản năm 1992 đã
được sửa chữa). Nhà thần học Harvey Cox coi đây là một "sự tái tạo vắn tắt
chính xác nhất và quân bình nhất về cuộc đời của Đức Giêsu lịch sử".
Tác giả là một linh mục dòng Đa Minh sống ở Nam
Phi. Vào thời điểm tác phẩm được xuất bản, Nam Phi là quốc gia giàu có nhất
Châu Phi, nhưng chỉ có một thiểu số da trắng nắm giữ toàn bộ quyền lực kinh tế
và chính trị. Đây cũng là quốc gia duy nhất trên hành tinh thực hiện chế độ
phân biệt chủng tộc (apartheid), hợp thức hóa sự phân chia bất công giữa các
chủng tộc và thành phần xã hội về tất cả các lãnh vực đời sống. Nhà nước dùng
bạo lực giải tán hoặc dẹp tan bất cứ hình thức nổi dậy đấu tranh nào.
Chính trong bối cảnh này mà tác phẩm "Đức
Giêsu trước khi có Kitô-giáo" ra đời. Tác giả muốn gửi sứ điệp cho các
nước thuộc thế giới thứ ba (như ông đề ở trang đầu sách), là những nước có
những điều kiện ít nhiều giống như trên. Ông nói cho chúng ta về một thế giới
thường xuyên cảm nghiệm đến giới hạn cuối cùng sự kinh hoàng và phi lý của các
mâu thuẫn xã hội.
Nhưng tác giả cũng muốn nhấn mạnh rằng đã có một
người nhân danh Thiên Chúa lên tiếng giải phóng cho con người đương thời và cho
cả nhân loại. Người đó là Giêsu Nazareth, một Giêsu có trước và ở trên
Kitô-giáo. Dựa vào hoàn cảnh ông sống và vào kết quả của khoa chú giải hiện
đại, tác giả giúp ta nhìn Đức Giêsu bằng con mắt của người đồng thời với Ngài.
Ông muốn giới thiệu Đức Giêsu trong thực tế làm người trước khi Ngài trở thành đối
tượng của niềm tin Kitô-giáo. Trong một hoàn cảnh có nhiều bất công và tai họa
thời ấy, Đức Giêsu đã chọn lựa thế nào, đấu tranh thế nào, tâm tình của Ngài
đối với Thiên Chúa và con người ra sao.
Tìm hiểu một Đức Giêsu như thế để làm gì ? Như tác
giả nói trong phần dẫn nhập, tác phẩm của ông không nhằm đi tìm sự thật lịch sử
về Đức Giêsu. Điều ông quan tâm là những nỗi khổ đau hằng ngày của biết bao
nhiêu người. Thế nên ông muốn đề ra một cách đáp ứng. Như vậy, tác phẩm có một
mục đích rất thực tiễn.
II. NỘI DUNG TỒNG QUÁT.
Ngoài phần dẫn nhập, sách gồm 4 phần. Sau phần nói
về tai họa của thời đại là 2 phần trình bày hành động và lời rao giảng của Đức
Giêsu. Phần cuối bàn về sự đụng độ giữa Đức Giêsu và quyền lực đương thời.
Trong phần I, trước hết tác giả cho biết cách ông
tiếp cận với Đức Giêsu lịch sử : không dựa trên ý kiến tiên thiên, nhưng căn cứ
vào hoàn cảnh lịch sử hôm nay để tìm hiểu sự thật về Đức Giêsu (hoặc, nói
chung, sự thật của quá khứ). Vậy hoàn cảnh hiện nay như thế nào ? Có những tai
họa lớn đe dọa sự sống còn của cả hành tinh. Và người ta lo sợ không có cách
giải quyết chúng. Đức Giêsu cũng đã từng phải đương đầu với một vấn đề như thế,
tuy ở một tầm mức nhỏ hẹp hơn. (Ở thời đại Ngài, người ta nghĩ rằng tận thế sắp
đến nơi). Trong bối cảnh đại họa đó, Đức Giêsu đã dấn thân, hướng về cuộc giải
thoát toàn diện và sự hoàn thành vận mệnh của con người. Vậy chính hoàn cảnh
đầy tai họa hiện nay cho phép ta nhìn về Đức Giêsu một cách thật mới mẻ và bất
ngờ, để có thể biết Ngài muốn nói gì với ta lúc này (ch.I).
Đức Giêsu đã dấn thân ra sao ? Đã chọn lựa và quyết
định làm gì ?
Điều quan trọng là cần biết chính những lời Đức
Giêsu nói và những việc Ngài làm (ipsissima vox et facta). Nhưng điều
quan trọng hơn là khám phá ra ý định nguyên thủy của Ngài (ipsissima
intentio). Biết các lời nói và việc làm, việc đó chỉ có giá trị trong mức
độ chúng cũng giúp ta khám phá ra những ý định nguyên thủy của Đức Giêsu (tr.14).
Tác giả lấy ngay sự kiện khởi đầu cuộc đời công
khai của Đức Giêsu : Ngài đã chọn để Gioan làm phép rửa cho mình. Sự kiện này
ít ra cho thấy Đức Giêsu quyết định đi với Gioan Tẩy Giả hơn là với bất cứ nhân
vật hay phong trào nào khác của thời ấy. Và hiểu được Gioan khác những người
đương thời ở chỗ nào tức là nắm được đầu mối giúp định hướng tư tưởng của Đức
Giêsu. Gioan khác với mọi hạng người đương thời. Ông là một ngôn sứ, cảnh cáo
về tai họa sắp đến, tuyên bố có một người sắp nhân danh Thiên Chúa xét xử
Israel, nhưng cũng loan báo ơn Thiên Chúa cứu độ. Lời cảnh cáo cũng như lời hứa
hướng tới toàn dân và từng người. Họ phải hối cải thật lòng, qua việc lãnh nhận
phép rửa của Gioan.
Lúc ấy Gioan là nhân vật duy nhất gây ấn tượng mạnh
nơi Đức Giêsu. Thế nên Ngài đã hưởng ứng lời ông, và để ông làm phép rửa cho
mình. Cũng như Gioan, Ngài ý thức một cuộc tàn phá sẽ xảy ra cho người Dothái,
vì họ đụng độ với người Rôma.
Có những lần Đức Giêsu tiên báo thảm họa sẽ xảy đến
cho Giêrusalem (Lc 19,43-49 ; 21,20-24...). Nhiều nhà chú giải không mấy
quan tâm tới những đoạn văn về lời tiên báo này, vì cho rằng chúng chỉ được
viết thêm vào, sau khi thảm họa đã xảy ra năm 70 (vaticinia ex eventu).
Nhưng những nghiên cứu mới đây cho thấy không phải như thế. C.H.Dodd (trong
cuốn The fall of Jerusalem and the abomination of desolation, Journal of Roman
studies, 1947, pp. 47-75) dẫn chứng rằng không thể nói các đoạn văn đó đã
được viết sau biến cố năm 70, vì chúng mô phỏng những lời tham chiếu của Thánh
Kinh về cuộc sụp đổ của Giêrusalem năm 586 trước Công Nguyên, chứ không ám chỉ
tới biến cố năm 70 (tr.22-23).
Cuộc tàn phá này được coi như sự xét xử của Thiên
Chúa. Viễn ảnh đó khiến Đức Giêsu phải rơi lệ (Lc 19,41). Vậy Ngài làm gì ?
(ch.II).
Sang phần II, tác giả nói đến hành động này của Đức
Giêsu. Ở đây, sự lựa chọn của Ngài khác với của Gioan : Không làm phép rửa,
nhưng đi tìm các chiên lạc nhà Israel. Những người này thuộc thành phần hạ đẳng
trong xã hội, gọi chung là những người nghèo khổ và bị áp bức, mà Tin Mừng quen
gọi là đám đông.
Sự đau khổ của người nghèo không ở chỗ thiếu thốn,
đói khát cho bằng phải chịu xấu hổ và nhục nhã. Càng nhục nhã, vì ở Trung Đông,
danh giá vinh dự quan trọng hơn cái ăn, hơn ngay cả sự sống. Người nghèo là
người phải lệ thuộc người khác, không danh giá, không vinh dự. Cuộc đời của họ
vô nghĩa. Đó là lý do tại sao trong Tin Mừng, "nghèo" có thể
hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tất cả những ai bị áp bức, những người lệ thuộc
vào sự thương hại của người khác. Đó cũng là lý do tại sao "nghèo"
có thể bao gồm tất cả những ai hoàn toàn cậy dựa vào lòng thương xót của Thiên
Chúa, gọi là người có tinh thần nghèo khó (Mt 5,3 - tr. 29). Đặc biệt
người nghèo khổ và bị áp bức lại dễ mắc bệnh. Mà bệnh tật là do thần dữ gây ra,
được coi là tai họa Thiên Chúa gửi đến để phạt vì tội lỗi của đương sự, hoặc
của một ai trong gia đình hay tổ tiên của đương sự (tr.32).
Tác giả mô tả khá chi tiết những hạng người này,
những người làm nên đại đa số dân chúng, nhưng thường ra lại không được lịch sử
biết đến. Điều đáng nói là, tuy xuất thân từ giai cấp trung lưu, không phải
chịu những thiệt thòi đáng kể, nhưng Đức Giêsu lại trà trộn với giai cấp hạ
đẳng, đồng hóa mình với họ. Ngài chọn làm một người sống ngoài lề như họ, vì
thương xót nuốn giúp đỡ và cứu vớt họ (ch.III).
Khi chữa lành các bệnh tật, Đức Giêsu làm khác với
các thày thuốc hay phù thủy. Không bao giờ Ngài dùng bùa chú. Chủ yếu là dựa
vào đức tin nơi bệnh nhân.
Đức Giêsu không nói, hoặc ít nhất không minh nhiên
nói rằng người bệnh đã được Thiên Chúa chữa lành, nhưng nói : "Đức tin
của ngươi đã chữa ngươi" (Mc 5,34). Lời quả quyết này thực sự làm
người ta phải ngạc nhiên. Như bất cứ một người Dothái đạo đức nào, Đức Giêsu
biết rằng "Mọi sự đều có thể cho người tin". (Mc 9,23). Người
có đức tin trở nên giống Thiên Chúa, làm gì cũng được. Đối với Đức Giêsu, đức
tin là một quyền năng tuyệt vời, một quyền năng có thể làm điều không thể làm.
Đức tin là một sự xác tín tốt và thật, xác tín rằng một điều gì đó có thể và sẽ
xảy ra, vì nó tốt và thật, xác tín rằng cái tốt có thể và sẽ chiến thắng cái
xấu. Nói khác đi, là xác tín rằng, Thiên Chúa tốt với con người, rằng Ngài có
thể và sẽ chiến thắng mọi sự dữ. Quyền năng của đức tin chính là quyền năng của
sự thiện và sự thật. Mà đây lại chính là quyền năng của Thiên Chúa (tr.38-39).
Đức Giêsu làm nhiều phép lạ chữa bệnh cho dân.
Phép lạ thường được coi là những sự kiện xảy ra
ngược với các định luật của thiên nhiên, và vì vậy không thể giải thích chúng
dựa vào khoa học hay lý trí. Nhưng đây hoàn toàn không phải là điều Thánh Kinh
muốn nói qua phép lạ. Định luật của thiên nhiên là một khái niệm khoa học ngày
nay. Thánh Kinh không nói đến tự nhiên và những định luật của thiên nhiên. Thế
giới là tạo thành của Thiên Chúa. Mọi điều xảy ra trên thế giới, bình thường
hay khác thường, đều do Thiên Chúa quan phòng. Thánh Kinh không phân chia biến
cố thành tự nhiên và siêu nhiên. Cách này hay cách khác, Thiên Chúa ở đàng sau
mọi biến cố. Hơn nữa, những định luật của thiên nhiên tuy quan trọng nhưng
không phải là tiêu chuẩn để quyết định điều gì là phép lạ hay không là phép lạ.
Rất có thể những sự tích phép lạ trong Tin Mừng bao gồm cả những điều khởi thủy
không phải là phép lạ hay hiện tượng lạ lùng gì cả. Tuy vậy, điều chắc chắn là
Đức Giêsu đã làm những phép lạ, đã trừ quỷ, đã chữa bệnh một cách hoàn toàn
khác thường (tr.40-43).
Thế nhưng các tác giả Tin Mừng, dù thích tìm cho
được khía cạnh lạ lùng có thể có trong các sự việc, vẫn ghi nhận rằng Đức Giêsu
rất dè dặt trong việc làm phép lạ, và từ chối khi người ta đòi hỏi nó. Ngài coi
đòi hỏi như thế là thiếu lòng tin và là đòi hỏi của ma quỉ (ch.IV).
Khi đứng về phía người nghèo, Đức Giêsu đã thực sự
chung đụng với họ, đồng bàn với họ. Qua cử chỉ này, Ngài giúp họ thoát khỏi mặc
cảm xấu hổ, nhục nhã, tội lỗi. Khi tỏ cho họ biết rằng, đối với Ngài, họ là
những con người được tôn trọng, thì Ngài giúp họ ý thức về phẩm giá con người.
Về phía họ, vì thấy Đức Giêsu được người ta coi như một người của Thiên Chúa và
một ngôn sứ, họ có thể giải thích cử chỉ thân tình của Ngài như một cử chỉ
chứng tỏ chính Thiên Chúa chấp nhận họ, gián tiếp tha thứ tội lỗi của họ. Hành
vi đồng bàn của Chúa, sự kiện các bệnh tật được chữa lành, họ đều hiểu như dấu
chỉ của ơn tha tội. Do đó mà họ vui, vui cùng với Đức Giêsu là người giải thoát
họ (ch.V).
Trên đây là hành động của Đức Giêsu đối với người
nghèo khổ và tội lỗi. Trong phần III, tác giả đề cập đích danh lời rao giảng
Tin Mừng của Ngài : về Nước Thiên Chúa, đối chiếu nó với những quyền lực của
thế gian như tiền bạc, danh giá, quyền hành.
Loan báo Tin Mừng cũng là một thành phần của công
trình giải thoát. Nội dung của nó là Nước Thiên Chúa đã đến, đến cho người
nghèo khổ và bị áp bức. Nền tảng của nó là các mối phúc (Lc 6,20). Nước Thiên
Chúa này ở ngay giữa thế gian, khi người nghèo không còn nghèo, người bị áp bức
thoát ách khốn khổ.
Lời rao giảng của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa làm
cho người ta hy vọng. Nhưng lúc ấy, niềm hy vọng này không liên quan gì đến cõi
trời, ít nhất được hiểu như một cõi hạnh phúc ở đời sau. Vì sao ? Vì trời là
của Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa ngự. Con người không thể tới đó được. Sau khi
chết, người ta phải vào Shéol, thế giới dưới mặt đất. Nơi đây chia thành 2 khu
vực, một dành cho người tốt, một dành cho người xấu (x. Lc 16,23-26).
Niềm tin của Kitô-giáo vào cõi trời chỉ bắt nguồn từ sau cái chết của Đức
Giêsu, vì nghĩ rằng Ngài đã được đưa lên ngự bên hữu Thiên Chúa.
Vậy Nước Thiên Chúa mà Đức Giêsu rao giảng không
phải là một thực thể ở trên trời, nhưng là một tình trạng tương lai ở thế gian,
khi người nghèo không còn nghèo, người áp bức không còn bị áp bức. Nó được biểu
thị bằng một ngôi nhà hay một đô thị có tường thành bao quanh (Mc 3,23-25.
37 ; Mt 12,25).
Qua những cách nói này, chắc hẳn Đức Giêsu đã nghĩ
về một xã hội có cơ cấu chính trị, theo chế độ quân chủ, ngay trên mặt đất này.
Lời Ngài nói "Nước của tôi không thuộc thế gian" không có
nghĩa là nước đó hiện hoặc sẽ không ở trong thế gian này. Phải hiểu lời đó theo
cách sử dụng từ của Gioan. Trong Gioan (17,11-14.16), Đức Giêsu nói Ngài
và các môn đệ đều ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Cũng phải
hiểu như vậy về Nước Thiên Chúa : Nước Thiên Chúa ở giữa thế gian, nhưng không
thuộc về thế gian, vì các giá trị của nó khác và ngược với các giá trị của thế
gian (tr.57-60).
Đối lập với Nước Thiên Chúa là các nước thiên hạ,
và nhất là nước của Satan. Satan dùng tay chân là những nhà cầm quyền tàn ác để
thống trị người nghèo. Đức Giêsu coi hành động giải thoát của Ngài như một việc
chiến đấu giành quyền, chống lại Satan. Ngài cũng xác tín rằng Nước Thiên Chúa
sẽ có ngày chiến thắng nước Satan, thay thế nó ngay trên mặt đất này. Thay là
đem các giá trị tốt thế vào các giá trị xấu. Vậy đâu là các giá trị xấu của thế
gian phải được thay thế bằng các giá trị tốt của Nước Thiên Chúa ? (ch.VI).
(Từ chương VII đến chương X, tác giả nói lên sự
khác biệt giữa Nước Thiên Chúa và nước thế gian).
Thế gian coi tiền bạc là chủ. Nếu muốn tìm kiếm
Thiên Chúa và Nước của Ngài thì phải loại trừ chủ này. Người giàu chỉ có thể
vào Nước Thiên Chúa nếu họ biết từ bỏ của cải (Mc 10,17tt). Nói đúng ra, của
cải phải từ bỏ hay bán đi là những cái thặng dư và không được coi sự gì là của
riêng (Cv 4,32 ; 44-46). Hơn nữa, phải biết chia sẻ chứ không thuần túy bố thí
(ch.VII).
Thế gian coi trọng danh giá. Ở Đông Phương, danh
giá còn được coi trọng hơn cả tiền bạc. Người không có địa vị danh giá là người
cùng đinh trong xã hội, bị khinh miệt. Đức Giêsu tố giác sự phân biệt giai cấp
này, cho thấy phải đặt lên hàng đầu phẩm giá con người, chứ không phải danh giá
hay địa vị. Có thể thấy thí dụ trong việc Ngài lên án người Biệt phái tìm danh
giá nơi dân chúng. Đó là hạng người đạo đức giả. Không có chỗ cho họ trong Nước
Thiên Chúa, nơi không còn phân biệt đẳng cấp, nơi mỗi người được yêu thương tôn
trọng trong tư cách con người, nơi dành cho những ai hoán cải nên như con trẻ,
tức những người không địa vị, không thế giá, trong đó cụ thể là những người
nghèo khổ và bị áp bức.
Khi dạy người ta hoán cải nên như con trẻ để có thể
vào Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu không có ý đề cao trẻ em vì chúng ngây thơ, vô
tội, thật thà. Ngài hiểu chúng cũng có những lúc ngang bướng, điều mà Ngài có
lần nhắc đến trong một dụ ngôn, trong đó nhóm Biệt phái được so sánh với những
đứa trẻ chơi ngoài công trường, không biết múa theo tiếng sáo, không biết khóc
theo tiếng than van (Lc 7,31-32). Trẻ em ở đây là hình ảnh sống động về
sự nhỏ bé, thấp kém, trái với cao sang, địa vị, danh giá, nên là biểu tượng của
tất cả những ai có địa vị thấp kém nhất trong xã hội, và của những người biết
từ bỏ mọi tham vọng về danh giá, địa vị (tr.69).
Vậy cũng như việc từ bỏ của cải, người ta cũng phải
từ bỏ ước muốn được danh giá, địa vị, saün sàng làm tôi tớ mọi người (ch.VIII).
Thế gian có biết đến sự liên đới, yêu thương, nhưng
là sự yêu thương cục bộ trong phạm vi quốc gia, chủng tộc, phe nhóm, nhất là
gia đình họ hàng. Nhưng trong Nước Thiên Chúa, sự liên đới yêu thương này phải
được thực hiện với mọi người và từng người, bất kể là ai, thậm chí với cả kẻ
thù. Liên đới với cả nhân loại là một thái độ cơ bản, vượt lên trên bất cứ hình
thức yêu thương hay liên đới nào khác.
Luca có ghi lại lời Đức Giêsu nói : "Kẻ nào
đến với Ta mà không ghét cha mẹ, vợ, con cái, anh chị em mình, và cả mạng sống
mình nữa, ắt không đáng làm môn đệ của Ta" (Lc 14,26). Các nhà chú
giải luôn cho rằng, vì ngôn ngữ Dothái Aram nghèo nàn, nên tiếng "ghét"
được sử dụng để chỉ tất cả những thái độ không phải là yêu. Nó có thể có nghĩa
là ghét, thờ ơ, dứt bỏ, không yêu một người nào hơn. Chúng ta biết, theo mạch
văn, Đức Giêsu đòi hỏi sự dứt bỏ, tức là không được yêu gia đình hay người thân
thuộc hơn. Điều này không sai, nhưng nếu chỉ hiểu như thế, chúng ta không đánh
giá đúng cách suy nghĩ của Đức Giêsu và của các người đương thời.
Nếu như yêu có nghĩa là liên đới thì ghét là không
liên đới. Đức Giêsu đòi sự liên đới gia đình phải được thay thế bằng một sự
liên đới cơ bản hơn với mọi người. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là phải
khai trừ người thân. Họ cũng được kể vào sự liên đới mới vì họ cũng là những
con người. Cũng không có nghĩa là phải yêu người thân ít hơn yêu người khác. Ở
đây, cái phải thay đổi chính là nền tảng của tình yêu. Người thân được yêu
không phải vì họ là gia đình họ hàng của mình, nhưng vì họ cũng là những con
người (tr.76).
Riêng thái độ yêu thương kẻ thù là một khía cạnh
triệt để nhất, cách mạng nhất. Chính Đức Giêsu đã thực hiện một sự liên đới yêu
thương như vậy (ch.IX).
Xã hội thế gian cần có quyền hành, luật lệ. Nhưng
Satan đã biến quyền hành thành phương tiện thống trị và áp bức con người. Trong
Nước Thiên Chúa, quyền hành là để phục vụ và giúp con người có thể sống tự do.
Đối với lề luật (và truyền thống), được coi là phương tiện để các nhà lãnh đạo
Dothái thi hành quyền, Đức Giêsu muốn giải thoát người ta khỏi nó, không phải
bằng cách hủy bỏ hay sửa đổi, mà bằng cách đánh đổ cái ngai thống trị của nó,
vì nó đã trở thành gánh nặng, trong lúc lẽ ra nó phải phục vụ con người (ch.X).
Đức Giêsu công bố Nước Thiên Chúa đến. Để hiểu kiểu
nói "Nước Thiên Chúa đến", tác giả giải thích cách người Dothái hiểu
về thời gian, khác với chúng ta hôm nay, để cho thấy rõ thời của Đức Giêsu, tuy
trùng với thời của Gioan Tẩy Giả, nhưng là một thực tại hoàn toàn mới, khác hẳn
thời của Gioan (ch.XI).
Chúng ta quan niệm thời gian như một khoảng cách có
thể đo được bằng giờ phút tháng năm, không cần lưu ý đến nội dung của nó. Có
thể gọi nó là thời gian số lượng (quantitative time). Còn người Dothái
xưa nói và nghĩ về thời gian như một chất lượng (quality). Phải có nội
dung. Phải biết nó là loại thời gian nào : thời của tiếng cười hay tiếng khóc,
thời chiến hay thời bình... Thí dụ rõ ràng nhất là đoạn sách Giảng Viên 3,1-8.
Thời của Gioan Tẩy Giả và thời của Đức Giêsu, xét như là thời gian số lượng thì
kể như trùng với nhau, nhưng xét như là thời gian chất lượng thì khác hẳn nhau,
như giữa cũ và mới, buồn và vui, phán xét và cứu độ. Tuy nhiên, hai thời đó
không đối nghịch nhau. Cả Gioan lẫn Đức Giêsu đều cho thấy hành động của Thiên
Chúa, nhưng các Ngài nói về những thời gian và hoàn cảnh khác nhau.
Tác giả khai triển khá dài quan niệm của người
Dothái về thời gian, để giúp ta hiểu, chẳng hạn, vì sao Nước Thiên Chúa, thời
cánh chung, vừa đang có lại vừa sẽ đến. (Xin đọc chính bản văn).
Sau đó, tác giả minh giải thêm ít điều về Nước
Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa không phải được xây dựng nên, ngay cả do Đức Giêsu,
nhưng chỉ có thể đến, vì nó là hồng ân Thiên Chúa ban. Điều kiện làm cho nó có
thể đến một cách cụ thể là hoán cải, tin, cậy, thương xót. Như vậy, hoặc Nước
Thiên Chúa đến, hoặc thế vào đó là tai họa đến. Tất cả là do sự lựa chọn của
con người. Nhưng dù tai họa có đến như đã xảy ra cho người Dothái năm 70, thì
Nước Thiên Chúa cũng vẫn sẽ đến, bởi vì Thiên Chúa có tiếng nói cuối cùng
(ch.XII).
Trong phần IV, tác giả cho thấy sự đụng độ của Đức
Giêsu với các quyền lực chính trị và tôn giáo.
Một câu hỏi được đặt ra : Đức Giêsu có mưu lật đổ
chính quyền Rôma không ? Thực sự, Ngài muốn Israel được giải thoát khỏi đế quốc
Rôma, cũng y như tâm trạng của những người Zêlốt, Biệt phái, Essêni hay bất cứ
ai khác. Theo các học giả, nhiều đoạn Tin Mừng trong Luca (đặc biệt kinh
Benedictus) đã được chép lại từ một nguồn nguyên thủy gọi là Luca nguyên
thủy (Proto-Luke) viết trước năm 70. Không giống với phần nhiều nguồn
khác, Luca nguyên thủy này luôn ám chỉ cuộc giải phóng Israel về phương diện
chính trị. Đây là niềm hy vọng của toàn dân. Đức Giêsu đáp ứng, nhưng chắc chắn
không theo cách bạo động của phái Zêlốt. Ngài muốn giải phóng Israel bằng cách
khuyên họ cải hóa nội tâm, khuyên họ quan sát những dấu chỉ thời đại (trong
hoàn cảnh bấy giờ, những dấu chỉ này là dấu chỉ của một đại họa sắp xảy đến, x.
Lc 12,54 ; 19,43 ; 17,37). Vì không thể thắng người Rôma bằng quân sự, nên
cách duy nhất để được giải thoát khỏi kẻ thù là yêu thương kẻ thù. Đây không
phải là chuyện cam lòng để người Rôma đô hộ. Đức Giêsu muốn nhắm tới nguyên
nhân tận căn của mọi áp bức và thống trị, tức là không có lòng thương xót (tr.115-116).
Đụng độ chủ yếu là đối với giai cấp lãnh đạo
Dothái-giáo. Không phải vì giới này cộng tác với đế quốc Rôma, nhưng vì họ
thiếu lòng thương xót đối với các thành phần nghèo khổ. So với sự áp bức của
quyền lực Rôma đang thống trị, sự áp bức của giới này còn tệ hại hơn (ch.XIII).
Ngoài những lời phê phán của Đức Giêsu dành cho họ,
có một hành động cho thấy rõ hơn sự đụng độ này. Đó là việc Ngài đuổi các con
buôn ra khỏi đền thờ. Các đầu mục coi sóc nhà Thiên Chúa hẳn có dính dấp vào
việc buôn bán và đổi chác tiền bạc này, bằng cách cho phép hoặc có thể đồng
lõa, để trục lợi. Việc xua đuổi con buôn chính là một hành vi tố cáo mạnh mẽ
giới lãnh đạo Dothái-giáo. Nhưng cũng từ sau biến cố này, một số người tìm cách
mưu hại Đức Giêsu, khiến Ngài không thể công khai hoạt động ở vùng Giuđêa
(ch.XIV).
Trong giai đoạn này, có thể Đức Giêsu bị cám dỗ
dùng bạo lực nắm lấy quyền hành, để mọi người nhận Ngài là Đấng Cứu Thế, Vua
dân Dothái.
Tác giả nêu ra 2 sự kiện để biện minh cho ý nghĩ
trên : sự kiện 5000 người đàn ông tụ họp ở một nơi vắng vẻ để gặp Đức Giêsu và
các môn đệ (Mc 6,30tt) ; sự kiện Phêrô muốn chống lại những điều Đức
Giêsu tiên báo về số phận của Ngài (Mc 8,31t). Thực ra, Đức Giêsu có bị
cám dỗ dùng bạo lực nắm lấy quyền hành đi nữa cũng không phải chuyện lạ. Ngài
đã từng bị cám dỗ tương tự trong hoang địa. Thế nhưng, cũng như trong hoang
địa, Ngài đã thắng cám dỗ của đám đông và của Phêrô (tr.132-134)
Đức Giêsu không phải là con người chủ hòa trên
nguyên tắc. Ngài không bác bỏ bạo lực bất cứ dưới hình thức nào hay trong bất
cứ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, đối với Ngài, trong hoàn cảnh thực tế lúc đó, dùng
bạo lực để chiếm quyền là tự sát, là tai hại cho dân và vì thế trái với ý muốn
của Thiên Chúa. Hơn nữa chấp nhận làm vua trên một dân không thi hành bổn phận
của mình đối với Nước Thiên Chúa, và đưa dân ấy vào cuộc chiến, đó là làm công
việc của Satan (Mt 4,8). Nhất là không thể dùng bạo lực thiết lập một vương
quốc trong đó mọi người được giải phóng toàn diện (ch.XV).
Cũng như các ngôn sứ, Đức Giêsu thấy trước mình sẽ
phải chịu khổ và chịu chết. Tuy nhiên, theo Ngài, cả đau khổ lẫn cái chết gắn
liền với sự kiện Nước Thiên Chúa đến. Ngài tự nguyện chấp nhận đau khổ và cái
chết là để phục vụ ơn cứu rỗi của mọi người. Chết là lối thoát duy nhất để theo
đuổi công cuộc phục vụ này.
Vì sao lại là lối thoát duy nhất ? Không còn cách
lựa chọn nào khác sao ? Chắc chắn Đức Giêsu biết rõ những nguy hiểm do những
điều Ngài nói và làm mang lại. Hêrôđê đang tìm giết Ngài (Lc 13,31). Sau
sự cố thanh tẩy Đền Thờ, nhiều người trong giới lãnh đạo cũng mưu hại Ngài (Ga
7,1). Ngài phải lựa chọn : hoặc sống lén lút hoặc xuất đầu lộ diện. Nếu
sống lén lút, Ngài không thể gây cho người ta niềm tin vào Nước Thiên Chúa, như
Ngài đã từng làm. Còn xuất đầu lộ diện để tiếp tục sứ vụ thì chắc chắn phải
chết. Đức Giêsu đã chọn giải pháp thứ hai, và quả cảm đi lên Giêrusalem (Lc
9,51), bởi vì đó là cách duy nhất để tiếp tục phục vụ nhân loại, cách duy
nhất để ngỏ lời với thế gian (Ga 7,2-4), cách duy nhất để làm chứng cho
Nước Thiên Chúa. Việc làm nói nhiều hơn lời nói, nhưng cái chết còn nói nhiều
hơn việc làm. Đức Giêsu đã chết để Nước Thiên Chúa có thể đến (tr.140-141)
(ch.XVI).
Trước khi nói đến cái chết của Đức Giêsu, tác giả
có một nhận định chung về Ngài, trong tư cách một con người, như một dung mạo
vượt hẳn lên trên mọi nhân vật trước đó cũng như đồng thời, một con người có sự
độc lập phi thường, sự dũng cảm tuyệt vời, sự trung thực vô song, rao giảng và
hành động mà không cần quyền bính buộc người ta theo.
Khi giảng dạy, Đức Giêsu muốn cho người ta thấy điều
Ngài đã thấy, tin điều Ngài đã tin. Nhưng Ngài xác tín về chân lý của những
điều Ngài đã thấy và đã tin. Chính điều này làm cho người ta có cảm tưởng lời
Ngài giảng dạy có thế giá, có quyền. Khác với các ký lục, Ngài không bao giờ
nại tới thế giá của truyền thống rabbi, ngay cả thế giá của chính Thánh Kinh.
Ngài cũng không dựa vào quyền bính của một ngôn sứ, là quyền bính trực tiếp do
Thiên Chúa. Quyền bính duy nhất mà Ngài nại tới là quyền bính của chân lý. Và
nếu quyền bính của Thiên Chúa được coi là quyền bính của chân lý thì quả Đức
Giêsu đã nại tới quyền bính của Thiên Chúa, và có quyền bính này. Đức Giêsu
không mong người ta vâng lời Ngài, nhưng mong họ vâng phục chân lý, sống theo
sự thật (tr.150-151) (ch.XVII).
Cuối cùng, con người ấy đã bị bắt và xử tử. Như tác
giả lập luận, không phải tòa án tôn giáo Dothái mà chính tòa án Rôma đã ra lệnh
bắt và kết án Đức Giêsu, vì cho Ngài là mối đe dọa nghiêm trọng trong lãnh vực
chính trị. Còn vai trò của các nhà lãnh đạo Dothái chỉ là bắt nộp Ngài cho
người Rôma (ch.XVIII).
Kết thúc cho tác phẩm của mình, tác giả hướng người
đọc tới chỗ tin vào Đức Giêsu. Tin vì những gì đã cảm nhận về Ngài, như các
Kitô-hữu sơ khai đã tin qua những gì họ cảm nhận về Ngài. Tin là chọn Đức Giêsu
làm Chúa và loại bỏ những chúa khác. Chọn Ngài làm Chúa tức là lấy Ngài làm
nguyên ủy cho những gì chúng ta biết về Thiên Chúa. Qua Đức Giêsu, chúng ta
biết Thiên Chúa chúng ta là một "Deus humanissimus" (Schillebeeckx).
Lòng tin phải được diễn tả bằng việc làm trong đời sống. Khởi đầu là cố gắng
đọc những dấu chỉ của thời đại, để thấy sự dữ đang hoạt động chống lại con
người. Thế nhưng tai họa đang đe dọa ấy lại là cơ may độc nhất cho Nước Thiên
Chúa đến, nếu ta có lòng tin và thương xót. Điều quan trọng là phải quyết định
và hành động (ch.XIX).
III. Ý TƯỞNG CHỦ LỰC.
Ý tưởng chủ lực của tác phẩm là lòng thương xót
(compassion) mà Đức Giêsu đã tỏ ra đối với con người nghèo khổ và bị áp bức. Ý
tưởng ấy như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm. Đây là thực tế khách quan, nếu
khảo sát những lời nói và việc làm của Đức Giêsu. Đây cũng là thâm ý chủ quan
của tác giả muốn làm nổi bật thái độ này của Đức Giêsu, nhằm mời gọi con người
ngày hôm nay cũng biết thể hiện một thái độ như vậy đối với người nghèo khổ và
bị áp bức còn thấy nhan nhản ở chung quanh, nhất là trong các nước thuộc thế
giới thứ ba.
Các sách Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu chạnh lòng
thương xót đám đông và chữa lành các bệnh nhân trong họ (Mt 14,14). Ngài chạnh
lòng thương họ, vì họ bơ vơ vất vưởng, như chiên không người chăn giữ (Mt 9,36
; Mc 6,34). Ngài chạnh lòng thương trước những giọt nước mắt của bà góa thành
Naim, nên nói với bà : "Đừng khóc nữa" (Lc 7,13). Ngài chạnh lòng
thương một người phong cùi (Mc 1,41), hai người mù ở Giêricô (Mt 20,34). Ngài
xót thương dân chúng đi theo mà không có gì ăn (Mc 8,2). Ngài đã làm những phép
lạ cứu họ.
Có người nghĩ rằng Đức Giêsu làm những phép lạ như
thế nhằm minh chứng mình là Mêsia hoặc Con Thiên Chúa hay một Đấng quyền năng.
Họ hoàn toàn hiểu sai về Ngài. Động lực duy nhất khiến Đức Giêsu chữa lành
người ta chính là lòng thương xót. Hơn nữa, trong hầu hết các trường hợp này,
Đức Giêsu còn muốn mời gọi dân chúng chung quanh cũng biết tỏ lòng thương xót
(và lòng tin) như Ngài (tr.43-44).
(Bản dịch của Cha Thuấn cũng như của Nhóm PVGK dùng
từ "chạnh lòng thương" lột tả khá tốt từ Splagchnizomai của
tiếng Hy Lạp. Gốc của từ này là Splagchnon có nghĩa là ruột, lòng, quả tim, tức
phần bên trong con người, từ đó phát tiết ra những xúc động mạnh mẽ. Vì vậy,
động từ splagchnizomai diễn tả một chuyển động hoặc một sức thúc đẩy vọt lên từ
lòng dạ, một phản ứng từ tận tâm can).
Ngay cả khi từ "chạnh lòng thương"
không được trực tiếp sử dụng đi nữa, thì nhiều lần các sự việc cũng cho ta thấy
tình cảm này của Đức Giêsu. Chẳng hạn những lần Ngài nói : "Đừng khóc",
"Đừng lo", "Đừng sợ" (Mc 5,36 ; 6,5 0 ; Mt 6,25 ; Lc
10,41...). Hoặc khi đứng trước đền thờ Giêrusalem, chẳng phải vẻ huy hoàng của
nó làm Ngài xúc động, nhưng chính là hành vi của một bà góa bỏ đồng xu cuối
cùng của mình vào hòm tiền đền thờ (Mc 12,41-44). Lúc mọi người đang kinh ngạc
khi con gái của ông Giairô được Đức Giêsu cho sống lại, thì Ngài lại chỉ nghĩ
đến chuyện bảo người ta cho nó ăn (Mc 5,42-43).
Điều làm cho người Samari tốt bụng trở thành khác
người, chính là lòng thương xót của ông ta trước một nạn nhân bị bỏ nằm bên
đường, nửa sống nửa chết (Lc 10,33). Điều làm cho người cha già trong dụ ngôn
về tình phụ tử trở thành khác người chính là lòng thương xót quá mức của ông
đối với đứa con hư đốn (Lc 15,20). Điều làm cho Đức Giêsu trở thành khác người
chính là lòng thương xót vô biên của Ngài đối với những người nghèo khổ và bị
áp bức.
Như đã thấy trên, lòng thương xót của Đức Giêsu
không phải là một thái độ mơ hồ, trừu tượng đối với nhân loại nói chung. Yêu
mọi người chung chung là chẳng yêu ai cả. Nhưng Đức Giêsu yêu từng người mà
Ngài gặp gỡ hay nghĩ đến. Yêu vì chính họ chứ không vì lý do nào khác. Không
một ai bị loại trừ (chỉ có những người tự loại mình ra khỏi tình yêu của Ngài).
Và nếu Đức Giêsu có thương xót những người cùng đinh hơn thì đó là một cách cụ
thể nhất thể hiện sự liên đới với cả nhân loại. Chính sự đau khổ và sự chết mà
Ngài vui lòng chấp nhận nói lên lòng thương xót của Ngài đối với mọi người
(kiểu nói "nhiều người" trong câu "thí mạng sống mình làm
giá chuộc cho nhiều người" : Mc 10,45, theo tiếng Dothái và Aram,
thường có nghĩa là "mọi người") (tr.140).
Muốn cho Nước Thiên Chúa có thể đến ngày hôm nay,
như ta vẫn xin trong Kinh Lạy Cha, điều kiện cần thiết là, cùng với lòng tin và
lòng cậy, phải có lòng thương xót. Nước Thiên Chúa mà Đức Giêsu muốn cho người
ta tin, là nước tình yêu và phục vụ, nước của tình huynh đệ (tỉ muội) nhân loại
(human brotherhood and sisterhood), trong đó mỗi người được yêu thương và tôn
trọng vì là con người. Chúng ta không thể tin tưởng và hy vọng sẽ có một nước
như vậy, nếu không tập có lòng thương xót đối với người đồng loại. Ngày nay
Thiên Chúa tỏ mình là một Đấng thương xót. Quyền năng của Thiên Chúa là quyền
năng của thương xót. Sự thương xót của con người đối với nhau làm lan tỏa quyền
năng của Thiên Chúa trên thế giới, là quyền năng duy nhất có thể làm phát sinh
phép lạ Nước Thiên Chúa (tr.101-102).
Để dẫn chứng cho những điều mình trình bày, tác giả
dựa vào nhiều đoạn văn Tin Mừng, được ông chú giải theo một chiều hướng mới
(đúng hơn, dựa vào một số nhà chú giải có uy tín), hoặc chú giải nhằm biện minh
cho ý tưởng muốn nhấn mạnh là lòng thương xót.
Ngoài những lời dạy hay dụ ngôn rõ ràng nói đến
tình yêu và lòng thương xót, mà nổi bật nhất có lẽ là dụ ngôn về tình phụ tử
(Lc 15,11t), tác giả còn dẫn chứng nhiều đoạn văn khác hàm chứa ý tưởng thương
xót. Dấu chỉ Giona chẳng hạn, được Matthêu coi là ám chỉ việc Chúa sống lại (Mt
12,40) ; còn Luca thì nghĩ rằng, cũng như Giona là dấu chỉ báo cho dân Ninivê
ngày xưa, Đức Giêsu là dấu chỉ báo cho thế hệ bấy giờ (Lc 11,30). Thế nhưng
chắc chắn có một điều đặc biệt trong câu truyện này. Giona ngày xưa cũng như
nhóm Biệt phái thời Đức Giêsu, đã nổi giận khi nghĩ rằng Thiên Chúa đã tỏ ra
yếu đuối khi không còn quyết giáng họa cho Ninivê như Ngài đã đe dọa. Giona
cũng như nhóm Biệt phái không nghĩ rằng có một Thiên Chúa xót thương kẻ có tội.
Nhưng Thiên Chúa nói với Giona : "Ngươi nổi giận, thế có phải không?...
Ta lại không mủi lòng trên Ninivê được sao... trong đó có những người không
biết phân biệt giữa tay mặt với tay trái?" (Gn 4,4.11). Vậy qua dấu
chỉ Giona, Đức Giêsu cũng muốn nói với nhóm Biệt phái : Ta lại không thể thương
xót những người nghèo khổ và bị áp bức hay sao ? (tr.97-98).
Một thí dụ khác : câu truyện chàng thanh niên giàu
có đến gặp Đức Giêsu xin làm môn đệ, nhưng không đáp ứng được điều kiện Ngài
đưa ra (Mc 10,17-22). Khi Ngài bảo anh về bán hết của cải, thì không phải vì
một nguyên tắc luân lý nghiêm nhặt và trừu tượng nào đó, mà chính vì Ngài
thương xót kẻ nghèo. Sách Tin Mừng của người Dothái (ngụy thư) cũng thuật lại
câu truyện này, có thể giúp ta hiểu rõ hơn ý của Đức Giêsu. Sau phần đầu câu
truyện, tác giả viết tiếp : Nhưng anh chàng giàu có gãi đầu gãi tai. Điều đó
(bán gia sản) không làm anh ta hài lòng. Và Đức Giêsu nói : "Sao ngươi
có thể thưa là đã giữ lề luật và các tiên tri ? Vì lề luật chép rằng : ngươi
hãy yêu mến tha nhân như chính mình. Nhiều anh em ngươi, là con cái Abraham,
phải rách rưới đói khát, mà nhà của ngươi lại đầy dẫy của cải và ngươi lại
không hề đem chúng cho họ" (tr.65-66).
Trong dụ ngôn về những người làm vườn nho (Mt
20,1t) và dụ ngôn về tình phụ tử, phần cuối (Lc 15,25-32), vấn đề cũng là con
người không biết thương xót con người, ngay cả trong những quan niệm thông
thường về cái gọi là quyền lợi, công bình. Những người làm từ đầu ngày phàn nàn
vì những người đến sau, làm ít giờ, cũng được trả công như họ. Trả lương theo
kiểu đó phải chăng là một hành vi bất công ? Không phải đâu. Tiền họ nhận được
là tiền trả đúng cho một ngày làm việc, và họ đã thỏa thuận với chủ.
Nhưng ông chủ, cũng như Thiên Chúa, đã tỏ lòng
thương xót những người thất nghiệp ngồi đợi ở công trường. Vì quan ngại cho gia
cảnh của họ, ông đã nhận họ vào làm lúc cuối ngày. Ông không chiếu theo công
việc họ làm để trả lương, mà chiếu theo nhu cầu của họ và gia đình.
Những người làm đầu ngày đã phản đối vì không có
lòng thương xót như ông chủ. Thứ công bình của họ, giống như của nhóm Biệt
phái, là thứ công bình không có tình thương. Họ ganh tî khi thấy người khác
được may mắn. Như Giona, họ lấy làm tiếc về lòng thương xót và quảng đại của
Thiên Chúa đối với người khác. Họ cũng giống như người con trai cả trong dụ
ngôn về tình phụ tử, trung thành cần mẫn làm việc cho cha, không bao giờ trái
lệnh, đã tức giận khi biết cha mình bày tiệc ăn mừng đứa em tội lỗi trở về. Anh
ta không biết chia sẻ lòng thương xót của cha, nên thấy việc cha làm là bất
công (tr.119).
Câu truyện phép lạ Đức Giêsu làm cho bánh và cá hóa
ra nhiều (Mc 6,35-44), có liên hệ với lòng thương xót, được tác giả giải thích
theo một quan điểm mới, cho rằng Đức Giêsu muốn dạy người ta biết chia sẻ của
cải.
Câu truyện này được các sách Tin Mừng coi là một
phép lạ. Tuy nhiên trước các phép lạ, thường ra Tin Mừng ghi nhận phản ứng của
dân chúng là sửng sốt. Nhưng ở đây không có phản ứng đó. Marcô chỉ nói là các
môn đệ không hiểu (6,52 ; 8,17-18.21). Còn Gioan cho biết dân chúng coi Đức
Giêsu là tiên tri và muốn tôn Ngài lên làm vua (Ga 6,14-15). Theo tác giả
Nolan, câu truyện này có một ý nghĩa sâu sắc hơn, song chính biến cố không phải
làm một phép lạ hóa bánh ra nhiều, mà là một ví dụ nổi bật về sự chia sẻ.
Sau lúc giảng dạy là lúc nghỉ để ăn. Chắc hẳn trong
đám đông có người mang theo lương thực, có người không. Nhóm của Đức Giêsu có 5
cái bánh và 2 con cá. Các môn đệ gợi ý giải tán dân chúng, để họ đi mua đồ ăn.
Nhưng Đức Giêsu lại bảo : "Các ngươi hãy cho họ ăn". Họ lấy
làm thắc mắc. Nhưng Ngài truyền cho họ bảo dân chúng ngồi xuống thành từng
nhóm. Cầm lấy bánh và cá, Ngài bảo các môn đệ đem chia cho hết. Lúc này, hoặc
Đức Giêsu yêu cầu ai đã đem theo lương thực thì chia sẻ cho người cùng nhóm,
hoặc chính dân chúng, khi thấy Đức Giêsu và các môn đệ chia sẻ của ăn, cũng tự
động mở giỏ của mình và chia bánh cho nhau.
"Phép lạ" chính
là ở chỗ bao nhiêu người đột nhiên không giữ lương thực làm riêng của mình, và
bắt đầu chia sẻ. Phép lạ chỉ ở chỗ khám phá ra rằng đã chia nhau ăn mà vẫn còn
thừa. Tác giả Tin Mừng ghi nhận số còn thừa là 12 thúng. Sự vật có khuynh hướng
bội tăng khi ta biết chia sẻ chúng. Cộng đồng tín hữu sơ khai đã nhận ra điều
đó khi họ chia sẻ cho nhau những cái mình có, vì sau đó, "giữa họ không
có ai phải túng thiếu" (Cv 4,34).
Chia sẻ để không một ai còn thiếu thốn. Đó là thâm
ý của Đức Giêsu, không chỉ trong một trường hợp, một cộng đồng nhỏ, nhưng là
trong cả thế giới. Và lý do thúc đẩy Ngài mong muốn như thế là sự thương xót vô
biên của Ngài đối với người nghèo khổ và người bị áp bức (tr.64-65).