ĐỨC GIÊSU KITÔ, ĐẤNG THÁNH CỦA THIÊN CHÚA,
Một Nỗ Lực Trình Bày
Và Sống Mầu Nhiệm Đức Giêsu Kitô
Theo Truyền Thống Của Giáo Hội
.


(JÉSUS CHRIST, LE SAINT DE DIEU - R. Cantalamessa)

Lm. Phêrô Trần Văn Hội . chuyển ngữ.

Tác phẩm của Raniero Cantalamessa (Ofm). Nguyên bản bằng tiếng Ý. M. R. Macina dịch ra tiếng Pháp. MAME xuất bản, tháng 5/1993, sách dày 194 trang.

Đây là một tác phẩm tu đức rất nhiều chất liệu thần học. Trong thực tế, đây là những bài suy tư về mầu nhiệm Chúa Kitô mà tác giả đã trình bày cho các nhân viên giáo triều trong một dịp tĩnh tâm mùa vọng. Qua những suy tư này, tác giả cố gắng trình bày mầu nhiệm Chúa Kitô thông qua những định tính của các công đồng chung đầu tiên. Đặc biệt là công đồng Chalcédoine (451), với ba mầu nhiệm : Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật, là người thật và là một ngôi vị duy nhất.

Tác giả gọi cách tiếp cận mầu nhiệm Chúa Kitô này là "con đường tín điều" (La voie dogmatique). Đây là con đường truyền thống và chắc chắn nhất, vì đã được chính Chúa Giêsu vạch ra - nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội - để đến với chúng ta.

Tín điều không phải là bản tổng hợp các sách Thánh, cũng không có ý giản lược sự phong phú vô tận của Tân Ước vào những công thức khô khan : hai bản tính, một ngôi vị. Tín điều cũng không phải là những cơ cấu đóng kín và loại trừ, nhưng là những "quy luật nền tảng" (loi fondamentale) mà tất cả suy tư về sau phải tôn trọng và quy chiếu về đó như thước đo cho mình. Mỗi thế hệ đều có bổn phận đóng góp phần của mình vào kho tàng còn mở ngỏ, miễn là không đi ngược lại quy luật căn bản đó.

Tín điều hình thành từ việc đọc và suy niệm Kinh Thánh dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Và nếu Chúa Thánh Thần làm sống động mọi sinh hoạt trong Giáo Hội, thì Chúa Thánh Thần cũng, và trước hết phải là hồn sống của các tín điều công giáo. Chính Ngài làm cho các tín điều đó tỏa sáng, được các tín hữu yêu mến vì gần gũi với kinh nghiệm sống đạo của họ. Tín điều không chỉ đem lại những hiểu biết chắc chắn mà còn tràn đầy sinh lực và sức sống cho Giáo Hội. Mong muốn của tác giả là phác họa một khoa Kitô-học mang đặc tính Thánh thần (une Christologie spirituelle). Spirituelle trước hết vì luôn được thúc đẩy, hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, và sau nữa nó phải dẫn đến đời sống mới trong Thánh Thần Thiên Chúa (vie spirituelle).

Tác phẩm gồm 7 chương :

1. Giống chúng ta mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi.
"Sự thánh thiện trong nhân tính Chúa Kitô"

2. Đức Giêsu Kitô - con người mới.
"Thần tính và nhân tính của Chúa Giêsu trong thời đại hôm nay".

3. Con có tin không ?
"Thần tính của Chúa Giêsu theo tin mừng Gioan".

4. Ngài là Thiên Chúa thật và là sự sống vĩnh cửu.
"Thần tính của Chúa Giêsu và lời loan báo về vĩnh cửu"

5. Tri thức tuyệt hảo về Chúa Kitô.
"Đức Giêsu Kitô, một ngôi vị".

6. Con có yêu mến Ta không ?
"Tình yêu đối với Chúa Giêsu".

7. Đừng cứ thần khí nào cũng tin.
"Niềm tin vào thần tính của Chúa Kitô trong thời đại hôm nay".

Vì khởi đi từ những tín điều, nên nhìn vào mục lục và bố cục các chương, tác phẩm có vẻ kinh điển và ít hấp dẫn, nhưng khi đọc lại rất hấp dẫn và mới mẻ. Tác phẩm có thể giúp củng cố kiến thức vừa rất gần với đời sống thiêng liêng và có lợi cho việc giảng dạy. Đúng như lời nhận xét của triết gia Soren Kierkegaard mà tác giả đã nhiều lần trưng dẫn : "Các định thức tín điều (la terminologie dogmatique) của Giáo Hội thời đầu, giống như một lâu đài thần tiên, trong đó các nàng công chúa và những vị hoàng tử đang chìm trong giấc ngủ sâu. Chỉ cần đánh thức là họ sẽ trỗi dậy trong tất cả ánh huy hoàng" (Kierkegaard, Journal II a, 110).

I. GIỐNG CHÚNG TA MỌI ĐÀNG, CHÆ TRỪ TỘI LỖI (Dt 4,15).

"Sự thánh thiện trong nhân tính của Đức Kitô"

Trong Tân Ước, Đức Giêsu Kitô được nhiều lần được xưng tụng là "Đấng Thánh của Thiên Chúa" (Lc 4,34 ; Lc 1,35 ; Kh 3,7). Thánh là gì ?

Trước hết là không vương tội lỗi (2 Cr 5,21 ; Ga 8,46 ; 1 Pr 2,22) : "Ngài là Đấng tội không hề phạm và gian dối không hề gặp nơi miệng Ngài". Vì đâu hay do đâu Đức Giêsu vô tội ?

Các giáo phụ dựa vào những phạm trù hữu thể luận,dùng mầu nhiệm ngôi hiệp để trả lời : Đức Giêsu không thể phạm tội vì ngôi vị của Ngài chính là Ngôi Hai Thiên Chúa.

Nói Đức Giêsu có thể phạm tội chẳng khác nào nói Thiên Chúa có thể phạm tội.

Thần học hôm nay đặt vấn đề : do đâu các Tông Đồ biết được Chúa Giêsu vô tội ? Thưa,nhờ mầu nhiệm Phục Sinh. Chính qua mầu nhiệm Phục Sinh mà Đức Giêsu được chứng minh là người công chính trong Chúa Thánh Thần. Được công bố là người công chính (Cv 17, 31 ; 1 Tm 3,16). Mầu nhiệm Phục Sinh là lúc Thánh Thần kết tội thế gian về sự công chính của Đức Giêsu (Ga 16,10).

Hai cách đặt vấn đề và trả lời đó gắn liền với nhau : mầu nhiệm Phục Sinh chứng tỏ rằng Đức Kitô Giêsu đã không phạm tội. Mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Ngôi Hiệp cho chúng ta biết Chúa Giêsu không thể có tội.

- Sự thánh thiện thực tế trong đời sống (sainteté vécue). Sự thánh thiện của Chúa Kitô không phải là một chân lý được suy luận từ một nguyên tắc. Đọc Tin Mừng, chúng ta bắt gặp sự thánh thiện đó được thể hiện trong từng hành động cụ thể. Nơi Đức Giêsu không có sự cách biệt giữa ràng buộc của lễ vật và việc thực thi Lề Luật. Chúa Giêsu thánh thiện vì Ngài luôn làm theo ý Chúa Cha. "Ta luôn làm những việc đẹp lòng Ngài" (Ga 8,29). Chúa Giêsu thánh thiện, và con người Ngài không những đạt tới cái "phải là" (devoir être) mà còn vươn tới "có thể là" (pouvoir être), không dừng lại ở điều "phải chu toàn" (devoir accomplir) mà còn vương tới điều "có thể chu toàn" (pouvoir accomplir). Tiêu chuẩn hành động của Chúa Giêsu không phải là Lề Luật mà là tình yêu.

Tác giả không ngần ngại trình bày một Chúa Giêsu "đang trên đường hoàn thiện" (Jésus perfectible) mà thời xưa các giáo phụ đã không dám nói đến vì nguy cơ Ariô đe dọa.

Nơi Đức Giêsu có hai sự thánh thiện : một thuộc trật tự ngôi vị (ordre personnel) phát xuất từ mầu nhiệm Ngôi Hiệp (union hypostatique) và một thuộc trật tự sứ vụ (ordre ministériel) hình thành theo thời gian bằng việc thi hành Thánh ý Thiên Chúa.

Chúa Giêsu là Đấng được Cha thánh hiếnsai đi nhưng cũng là Đấng tự thánh hóa (Ga 17,19). Ngài lớn lên trong sự thánh thiện như đã lớn lên trong sự khôn ngoan. Đó không phải là bất toàn nhưng là sự triển nở theo sự trưởng thành của nhân tính.

- Giữa lòng nhân loại chỉ mình Ngài là Đấng Thánh (Tu Solus sanctus). Ngài là đỉnh cao và là cội nguồn sự thánh thiện.

Thánh thiện : (Saint - Qadosh) bao hàm hai ý nghĩa tách biệt (séparation) và khác biệt (altérité). Thiên Chúa thánh thiện vì Ngài là Đấng hoàn toàn khác (totalement Autre), tách biệt khỏi tất cả (absolutus : Ab - Solutus). Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ngài siêu việt trên bình diện hữu thể và hành động (transcendant dans lêtre et dans lagir).

Sự thánh thiện được trao ban qua bí tích Rửa Tội. Chúa Giêsu thông chuyển cho chúng ta không những điều Ngài có mà cả điều Ngài là : Ngài là thánh và Ngài làm cho chúng ta nên thánh, là Con Thiên Chúa và Ngài làm cho chúng ta nên con Thiên Chúa. Ở đây nổi bật nên sự khác biệt giữa Kitô-giáo với các đạo khác : Kitô-giáo là đạo ân sủng.

Đối diện với Chúa Giêsu thánh thiện, chúng ta được mời gọi nên thánh. Việc chiêm ngắm Chúa Giêsu phải kết thúc bằng lời mời gọi vươn tới. Nhưng nếu đã được thánh hóa thì còn nên thánh gì nữa ? Như Đức Giêsu vừa là Đấng được thánh hiến vừa tự nên thánh thì chúng ta cũng thế : có một sự thánh thiện được trao ban và một sự thánh thiện thủ đắc nhờ bắt chước Chúa Giêsu. Công Đồng Vatican II : đây không phải là một sự thánh thiện mới thêm vào sự thánh thiện có được nhờ đức tin mà là "nhờ ơn Thiên Chúa, kitô-hữu duy trì, hoàn thiện sự thánh thiện đã lãnh nhận" (GH. 39).

Kết thúc chương này, Cantalamessa gởi tới chúng ta lời mời gọi nên thánh : "Trong cuộc đời chỉ có một điều thực sự đáng gọi là bất hạnh, đó là không nên thánh" (Léon Bloy), và "cuộc đời của một người kitô-hữu tốt, cốt yếu hệ tại khát vọng thánh thiện" (Augustin), và chẳng có ai nên thánh nếu đã không khát khao mãnh liệt nên thánh.

II. ĐỨC GIÊSU KITÔ, CON NGƯỜI MỚI.

"Niềm tin vào nhân tính của Đức Giêsu Kitô trong thời đại hôm nay".

Trong chương này, tác giả lược sơ lại những khủng hoảng, những vấn đề liên quan đến nhân tính của Chúa Giêsu và dựa vào cách suy nghĩ của con người thời đại, mà trình bày Đức Giêsu như khuôn mẫu của con người, vì Ngài là con người mới.

Trong lịch sử Giáo Hội, niềm tin vào nhân tính của Chúa Giêsu đã trải qua nhiều sóng gió. Thời kỳ đầu, người ta không chối bỏ nhân tính nhưng lại chối bỏ thần tính của Ngài. Một thế kỷ sau, do ảnh hưởng của nền văn minh Hy-hóa, người ta bắt đầu nghi ngờ nhân tính của Chúa Giêsu, và Giáo Hội đã phải từng bước bảo vệ niềm tin của mình. (Lúc đầu chống lại "ảo thân thuyết" bảo vệ thân xác nhân loại và việc sinh ra từ nơi cung lòng Đức Maria, kế đến chống lại "Appollinaire de Laodicée" bảo vệ linh hồn nhân loại của Chúa Giêsu. Đến thế kỷ thứ VII, chống lại thuyết Nhất-ý để bảo vệ ý chí và tự do nhân tính nơi Chúa Giêsu). Đỉnh cao của những nỗ lực là tuyên tín của Chalcédoine (451) : Đức Giêsu có trọn vẹn thần tính và trọn vẹn nhân tính, là Thiên Chúa thật và là người thật, có một linh hồn, có lý trí và một thân xác, đồng bản thể với Chúa Cha về thần tính, đồng bản tính với chúng ta về nhân tính, giống chúng ta mọi đàng trừ tội lỗi.

Giống như ngày xưa nhiều vấn đề nảy sinh khi đức tin chạm mặt với nền văn hóa mới Hy-hóa, ngày nay trong bối cảnh của nền văn hóa hiện đại, nhiều vấn đề mới cũng được đặt ra. Hôm nay người ta không chối bỏ Chúa Giêsu là một con người nữa mà lại dùng nhân tính của Chúa đưa ra như một đối trọng với thần tính. Vì Chúa Giêsu có trọn vẹn nhân tính nên nơi Chúa Giêsu, không kể đau khổ, sợ hãi, cám dỗ, nghi ngờ. còn có khả năng phạm sai lầm nữa. Thế là một vấn đề hoàn toàn mới được đặt ra.

Vấn đề nảy sinh từ chính "ý niệm con người" của nền văn hóa mới. Ý niệm "con người" hôm nay bao hàm sự tự trị, độc lập hoàn toàn. Theo một số luồng tư tưởng hôm nay, Thiên Chúa và con người không thể đi đôi, nơi nào Thiên Chúa giáng sinh thì con người tạ thế. Cái nguy thực sự là ở chỗ người ta cho rằng "con người hoàn toàn thuộc về trần gian" (la radicale appartenance de lhomme au monde). Con người hôm nay là con người trần gian và con người làm chủ chính mình. "Nếu Thiên Chúa hiện hữu thì con người không hiện hữu. mà vì không có Thiên Chúa, vậy hãy vui lên, hãy khóc vì sung sướng. Alleluia. Không còn thiên đàng, không còn hỏa ngục. Chẳng còn gì khác ngoài trái đất" (JP Sartre, le diable et le bon Dieu, Paris, Gallimart, 1951, p.267).

Thời văn hóa Hylạp : tinh thần là thật, thân xác là hư ảo, thế giới khả giác là bóng mờ của thế giới tinh thần. Ngày nay thế giới thần linh là bóng mờ, là phản chiếu. Không phải con người là hình ảnh Thiên Chúa mà Thiên Chúa là hình ảnh con người.

Ngày xưa Tertullien nói : hãy chăm lo bảo vệ nhân tính Chúa Giêsu vì thần tính của Ngài đang an toàn. Ngày nay phải nói ngược lại : hãy bảo vệ thần tính của Chúa Giêsu, vì nhân tính của Ngài đang quá an toàn. Hãy khám phá điều Chúa Giêsu khác với chúng ta vì những gì Ngài giống chúng ta thì quá chắc chắn và không thể bác bỏ. Bên cạnh Đức Giêsu là con người thật, hãy cố khám phá Đức Giêsu là con người mới.

Con người hôm nay không muốn nói đến con người như bản tính bất biến (essence) mà thích trình bày con người trong thực tế hiện sinh cụ thể (existence), họ muốn nói đến con người như một "dự phóng" và vai trò của tự do trong việc thực hiện dự phóng đó. Tác giả dựa vào sự nhạy cảm của con người thời đại đối với tư tưởng này để trình bày quan niệm Kitô-giáo về con người.

Con người là một ơn gọi. Dự phóng căn bản của đời người là đi từ "hình ảnh Thiên Chúa" (image) đến chỗ trở nên "họa ảnh" (ressemblance) của Ngài. Ơn gọi của con người là từ bỏ "con người cũ" trở thành "con người mới". Đức Giêsu Kitô là khuôn mẫu, là lý tưởng cho con người vì Ngài là con người mới đích thực, Ngài không vương tội. Ngài đã chiến thắng tội lỗi. "Chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, mầu nhiệm con người mới sáng tỏ" (MV.22) "Thiên Chúa đã làm người để con người trở thành người, con người trọn vẹn và đích thực là người".

Sự kiện Chúa Giêsu không có tội không làm sứt mẻ nhân tính tràn đầy của Chúa Giêsu. Tội lỗi không phải là nét thiết yếu và gắn liền với bản tính con người. "Không tội lỗi" tạo nên nét nổi bật khác biệt nơi nhân tính của Chúa Giêsu. Điều đáng ngạc nhiên là nhiều người lại coi tội lỗi là điều mang tính người nhiều nhất trong khi nó mang tính phi nhân nhất. Trong cái nhìn của họ, tính từ "người" ám chỉ những gì con người có chung với loài vật hơn là những gì thực sự tách biệt con người với chúng như ý chí, trí tuệ, lương tâm, sự thánh thiện.

Chúa Giêsu làm người không phải "dẫu rằng Ngài vô tội" mà "bởi vì Ngài vô tội".

Nét mới mẻ nơi Đức Giêsu là kết quả của thái độ vâng phục. Con người cũ : bất tuân. Con người mới : vâng phục. Đây cũng là điều mà con người hôm nay khó đón nhận và nhiều khi dị ứng. Ngày xưa Phaolô nói : "người Hylạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Đức Giêsu Kitô bị đóng đinh, là chuyện điên rồ đối với dân ngoại, nhưng đốùi với những ai được kêu gọi, thì lại là sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa" (1 Cr 1,22-24).

Hôm nay, chúng ta phải nói : "Người thời đại hôm nay tìm kiếm tự do và độc lập, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô vâng phục cho đến chết, là sức mạnh và tự do của Thiên Chúa".

III. CON CÓ TIN KHÔNG ?

"Thần tính của Chúa Giêsu trong Tin mừng Gioan".

Trong chương này tác giả khai thác chủ đề trọng tâm của Tin Mừng Gioan, đó là niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Sau khi trình bày những lý do khiến người ta không tin vào Chúa Giêsu : lòng kiêu căng và cuộc sống vô trật tự, tác giả cho thấy đức tin cốt yếu hệ tại việc đón nhận công trình tuyệt hảo Thiên Chúa đã thực hiện nơi Chúa Giêsu. Tin là đón nhận Đấng Thiên Chúa đã sai đến. Chúa Giêsu là tiêu chuẩn phân đôi nhân loại : tin và không tin. Trên bình diện khách quan, Đức Giêsu Kitô là đích điểm công trình của Thiên Chúa, trong đời sống mỗi người, đỉnh cao của đời sống đức tin là tuyên xưng thần tính của Đức Giêsu. Và như lời Chúa Giêsu nói : phúc cho ai không vấp phạm vì Chúa. Cớ vấp phạm ở chỗ : Đấng tự nhận là Thiên Chúa lại là một con người mà ai cũng biết rõ thân thế : "còn người đó thì chúng tôi biết rõ ông tự đâu tới" (Ga 7,22).

Không ai có thể gom góp đủ bằng chứng lịch sử về thần tính Chúa Giêsu để loại trừ cớ vấp phạm, đàng khác niềm tin đích thực không hệ ở bằng chứng bên ngoài mà ở chứng cứ bên trong do Thánh Thần tác động. "Không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa mà lại không do Thánh Thần" (1 Cr12,3). Niềm tin đích thực là niềm tin trào vọt từ thâm sâu lòng mình, khi người ta đối diện với Chúa. Như Chúa đã từng hỏi người mù từ lúc mới sinh, hỏi Martha : "con có tin không ?" (Ga 9,35 ; 11,26). Hôm nay, Chúa cũng hỏi từng người như vậy. Phải tránh trả lời cách hời hợt : niềm tin thật là niềm tin đã chiến thắng thử thách và cớ vấp phạm. Nếu chúng ta nói mình tin mà không thấy rõ được sự lớn lao đáng kinh ngạc của niềm tin, thì đó cũng là một xúc phạm.

Chúng ta được mời gọi tin vào Đức Giêsu Con Thiên Chúa (croire en Jesus) chứ không phải chỉ tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Tin nơi Chúa Giêsu là yêu mến Chúa, là trở nên bạn hữu của Ngài, là đi vào sự thân tình với Chúa, là trở nên chi thể của Ngài. Đó là niềm tin mà Thiên Chúa chờ đợi nơi ta và ta cũng chỉ có được nếu Ngài ban cho ta (Augustin).

Phần cuối của chương, tác giả nói về hoa quả của lòng tin : đó là sự sống vĩnh cửu. Sự sống đó không chỉ bắt đầu sau khi chết mà ngay từ hôm nay, nhờ Thánh Thần mà Đức Kitô đổ vào lòng chúng ta. Người tin cũng là người sẽ chiến thắng thế gian : không chỉ thắng hận thù, bất tín, bắt bớ mà nhất là thắng cả thời gian, sự hư nát, tinh thần thế gian... và đó là lý do tại sao Chúa lại xây dựng Giáo Hội trên nền tảng đức tin của Phêrô.

IV. NGÀI LÀ THIÊN CHÚA THẬT VÀ LÀ SỰ SỐNG VĨNH CỬU.

"Thần tính của Chúa Giêsu và lời loan báo về vĩnh cửu".

Con người hôm nay đang mất dần ý thứùc về vĩnh cửu, người ta vội vàng sống mà không nghĩ mình sẽ phải chết, lại càng không nghĩ có cái gì sau khi chết. Và đối với một người không tin vĩnh cửu thì lời loan báo Tin Mừng hay hạt giống Lời Chúa không thể nảy mầm. Chính trong bối cảnh đó mà niềm tin vào thần tính của Chúa Giêsu có thể là một khai mở phù hợp với nhu cầu sâu xa của con người thời đại, một con người đang đánh mất ý thức về vĩnh cửu và có vẻ bất cần vĩnh cửu thế nhưng sâu xa bên trong vẫn ẩn chứa mối hoài vọng về vĩnh cửu (la nostalgie de léternité).

Khoa Kitô-học hôm nay đã chuyển trọng tâm từ "len-soi" sang "pour moi" tức là từ những suy tư về Chúa Kitô trong chính mầu nhiệm của Ngài sang những suy nghĩ : Ngài có ý nghĩa gì với tôi và cho phần rỗi của tôi.

Cách thức diễn tả tín điều về hai bản tính của Chúa Giêsu đã có những biến chuyển : thoạt đầu, người ta lấy mầu nhiệm Tử Nạn - Phục Sinh của Chúa làm mốc - chia cuộc đời Chúa làm hai giai đoạn (phases) : trước Tử Nạn - Phục Sinh : Chúa sống trong xác phàm. Sau Phục Sinh : Chúa sống theo Thần Khí. Hai giai đoạn này tương ứùng với cách diễn tả hôm nay: thời gian (le temps) và vĩnh cửu (éternité). Chúa Giêsu trải qua hai cách thế hiện hữu khác nhau : một trong thời gian, một ngoàøi thời gian.

Trong các tác phẩm Tân Ước sau này, có bước chuyển tiếp rấùt quan trọng : cũng dùng những từ ngữ "xác phàm" và "thần khí", nhưng thứ tự được đảo ngược lại : "thần khí" trước và "xác phàm" sau. "Lời đã thành xác phàm" (Ga 1,14), "điều chúng tôi đã cung chiêm và tay chúng tôi đã rờ đến về Lời sự sống, và sự sống đã tỏ hiện." (1 Ga 1,2).

Thời các giáo phụ bắt đầu giải thích bằng ý niệm hai bản tính : "thần khí" được thay bằng "thiên tính". "Xác phàm" thay bằng "nhân tính". Đây là một cố gắng hội nhập văn hóa "trở nên Hylạp" để cố gắng rao giảng Tin Mừng.

Chalcédoine tiếp nhận cách giải thích này.

Lời loan báo hôm nay :

Mầu nhiệm Chúa Kitô hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu sâu xa của con người hôm nay và có thể được đón nhận nếu chúng ta tìm ra được cách diễn tả phù hợp. Con người thời nào cũng quan tâm đến những vấn đề cốt lõi của thân phận mình : Tôi là ai ? Ở đâu tới ? Đi đâu ? Đó không gì khác hơn là ơn cứu độ.

Chúa Giêsu được tuyên xưng là Thiên Chúa thật và là sự sống vĩnh cửu (1 Ga 5,20). "Sự sống vĩnh cửu" có nghĩa là nơi Ngài thần tính không những xuất hiện, mà Ngài còn là chính vĩnh cửu. 1 Ga 1,2 : "Sự sống vĩnh cửu đã trở nên hữu hình hay Lời đã thành xác phàm" tương đương với vĩnh cửu đã trở thành thời gian.

Nơi Đức Giêsu Kitô không chỉ có sự kết hợp không lẫn lộn, không phân chia giữa Thiên Chúa và con người, mà còn có sự kết hợp giữa vĩnh cửu và thời gian. Maxime le Confesseur nói : Đức Kitô đã quy tụ lại nơi Ngài hai cách thế hiện hữu tự nhiên và siêu nhiên, Ngài đã nối kết hai điều cực đoan lại nơi bản thân : nội tại (immanence) và siêu việt (transcendance).

Kierkegaard thay phạm trù không gian bằng phạm trù thời gian : "điều nghịch lý chủ yếu nằm trong sự kiện này, là Thiên Chúa, Đấng vĩnh cửu, đã đến trong thời gian như một con người cụ thể". Mầu nhiệm Nhập Thể là điểm giao giữa vĩnh cửu và thời gian và làm thành nét mới mẻ chưa từng có.

Chúa Giêsu là trung gian giữa Thiên Chúa và con người, giữa vĩnh cửu và thời gian. Ngài là nhịp cầu nối đôi bờ. Thật vậy, "Chúa Kitô vẫn ở siêu thời gian nhưng đã bắt đầu hiện hữu trong thời gian".

Chúa Giêsu là hy vọng độc nhất giải thoát con người, Ngài biến đổi con người "sinh ra để chết" thành con người "sinh ra để sống vĩnh cửu" (Etre pour la mort - Etre pour léternité).

Thánh Irênê nói : Thiên Chúa đã làm người để con người trở thành Thiên Chúa. Chúng ta có thể nói : vĩnh cửu thành thời gian để thời gian thành vĩnh cửu. Chúa Giêsu không đến để chỉ cho con người sự sống thần linh mà để ban sự sống đó. Bước nhảy của vĩnh cửu vào thời gian cho phép thời gian cũng có thể nhảy vào vĩnh cửu. Bước nhảy vào vĩnh cửu là khi đối diện với Đức Giêsu - vĩnh cửu thành thời gian - người ta quyết định chọn Ngài.

Con người hôm nay đang mất ý thức về vĩnh cửu - sécularisme - temporalisme - immanentisme. Con người bị giam hãm trong thế giới này. Và hậu quả là "Hãy ăn đi, uống đi vì ngày mai ta sẽ chết" (1 Cr 15,32). Khát khao sống vĩnh cửu biến chất thành khát khao sống thoải mái. Chất lượng đổi thành số lượng... Cuộc sống hôm nay làm chúng ta hình dung ra một chiếc cân mà quả cân đã sai hay đã mất. Lúc đó, dù chỉ là vài hạt cát bỏ lên cũng có thể làm chiếc cân mất thăng bằng. Không có vĩnh cửu, cuộc sống chẳng còn gì nghiêm túc cả.

Giáo Hội là người đưa tin về vĩnh cửu cho một nhân loại u buồn. Con người hữu hạn nhưng lại có khả năng đón nhận vô hạn (Lhomme est un être fini, capable dinfini). Lời hứa vĩnh cửu thật tuyệt vời nhưng những đau khổ và hy sinh của cuộc sống hôm nay cũng rất lớn lao, mà trái trăng của trần gian cũng rất ngọt ngào. Thánh Augustinô đã đặt trên môi miệng những người đương thời lời ca thán này : "Chúng tôi muốn được hạnh phúc trong thân xác này, cuộc đời hiện tại này ngọt ngào quá".

Để đương đầu với những lôi cuốn của thực tại hữu hình, người kitô-hữu bước đi trong niềm tin và chỉ có niềm hy vọng vào thực tại vô hình, để đối lại các hưởng thụ trước mắt, người kitô-hữu chỉ có lời hứa hạnh phúc vĩnh cửu. Người kitô-hữu được mời gọi chống lại sai lầm của thời đại này, đem lại cho họ cái thước đo giá trị cuộc sống bằng lời rao giảng về vĩnh cửu. Và lời rao giảng về vĩnh cửu chỉ đáng tin khi chúng ta cho thấy hoa trái của "vĩnh cửu" trong chính cuộïc đời chóng qua của chúng ta.

V.TRI THỨC TUYỆT HẢO VỀ CHÚA KITÔ.

"Đức Giêsu Kitô, một ngôi vị".

Qua các Công Đồng, Giáo Hội đã cô đọng niềm tin của mình về Chúa Kitô vào ba khẳng định : Chúa Giêsu là người thật, là Thiên Chúa thật và là một ngôi vị. Đỉnh cao của niềm tin - kể cả trên bình diện lịch sử phát triển tín điều - là khẳng định : Chúa Giêsu Kitô là một ngôi vị.

Công đồng Chalcédoine đã diễn tả mầu nhiệm Ngôi Hiệp như sau : "Chúng tôi dạy rằng Đức Kitô phải được nhìn nhận như một ngôi vị, không tách biệt, không phân chia thành hai ngôi vị, nhưng là một ngôi vị duy nhất, là Con Một, là Ngôi Lời và là Chúa, Chúa chúng tôi, Đức Giêsu Kitô".

Mầu nhiệm Ngôi Hiệp này chính là mối dây giữ cho mầu nhiệm Ba Ngôi được toàn vẹn đồng thời liên kết mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi với Kitô-học. Chúa Kitô là một ngôi vị và ngôi vị duy nhất đó chính là Ngôi Hai trong Thiên Chúa Ba Ngôi.

Niềm tin Chúa Giêsu Kitô là một ngôi vị không phải là một chân lý siêu hình thuộc về một thời đã qua, nhưng là chân lý nền tảng cho lời loan báo, là bí mật làm trào vọt sức sống và chân lý này có thể đáp ứng nhu cầu của chúng ta hôm nay, những nhu cầu khác với nhu cầu của thế kỷ thứ V. Vậy tính hiện đại của tín điều ở chỗ nào ?

Ngày nay không ai chối bỏ Chúa Giêsu là "một ngôi vị" nữa. Vấn đề không phải là "một" hay "hai" mà vấn đề là "ngôi vị". Chúa Giêsu là một ngôi vị. Đồng ý. Nhưng ngôi vị thần linh hay nhân linh ? Tiếc rằng rất nhiều người muốn chối bỏ "Chúa Giêsu là ngôi vị thần linh" để khẳng định : Chúa là một ngôi vị nhưng là ngôi vị nhân linh. Do đó, vấn đề tối quan trọng là làm sao khám phá và loan báo Chúa Giêsu không phải là một ý tưởng, một vấn đề lịch sử, thậm chí không chỉ là một nhân vật đã qua nhưng là một ngôi vị, một ngôi vị hằng sống.

Một khám phá như thế về Chúa Giêsu không thể nào có được nhờ tranh cãi thần học hay nghiên cứu sách vở. Kiến thức dù phong phú đến đâu cũng chỉ là những kiến thức phi chủ vị (impersonnelles) về một ngôi vị. Nó rất cần thiết nhưng chưa đủ. Người ta có thể đọc, thậm chí viết nhiều sách về Chúa Giêsu mà vẫn có thể không thực sự biết Ngài trong thực tại sâu xa của Ngài.

Tri thức tuyệt hảo về Chúa Giêsu - tức là khám phá ra Ngài, một ngôi vị (personne) - chỉ có được qua cuộc gặp gỡ đích thân với Ngài (rencontre personnelle). Người ta có thể nghiên cứu về nhân tính và thần tính của Chúa Giêsu như những đối tượïng khách quan, nhưng người ta chỉ thực sự biết về ngôi vị của Ngài khi có tương quan "chủ vị" với Ngài. Ngày nay người ta nói con người là một hữu thể có tương quan (Etre relationel) : chúng ta thực sự biết một người, không phải khi nghe nói về họ, mà khi tự chúng ta có tương quan với họ. Muốn biết Chúa Giêsu là một ngôi vị thần linh thì phải gặp Ngài, phải có tương quan liên vị với Ngài, phải nhận ra Ngài là Cứu Chúa của mình.

Phaolô đã trải qua một kinh nghiệm như thế. Khi bị quật ngã trên đường Damas, Phaolô nghe tiếng gọi : "Saul, Saul, tại sao ngươi bắt bớ Ta ?" và ông đã thưa : "Thưa Ngài, Ngài là ai ?" - "Ta là Giêsu người đang bắt bớ" (Cv 9,1-19). Và từ kinh nghiệm gặp gỡ đó, Phaolô đã biết Đức Kitô. Ông lùng bắt những kẻ tin vào Giêsu, một con người mà dám tự xưng là Thiên Chúa, và sau cuộc gặp gỡ đó, ông biết được con người đó chính là Thiên Chúa, cứu Chúa của ông. Sự hiểu biết đó kỳ diệu đến nỗi ông coi tất cả là phân bón, là thua lỗ trước mối lợi tuyệt vời là được biết Chúa Giêsu Kitô Chúa của ông. Ông đã biết Giêsu là Chúa vì ông đã gặp chính Ngài.

Như vậy những cuộc tranh luận gay go tưởng như bế tắc về ngôi vị cụ thể của Chúa Kitô lại có một lối ra rất nhẹ nhàng, đó là cuộc gặp gỡ đích thân với Ngài. Muốn khám phá ra chân lý về ngôi vị của Đức Kitô thì đừng dừng lại ở những tranh cãi về yếu tính của ngôi vị Ngài mà hãy đi vào cuộc hiện hữu cụ thể của Ngài (passer de lessence de la personne à lexistence de la personne du Christ). Ai có kinh nghiệm về Chúa Giêsu thì sẽ nhận ra chẳng có hai Chúa Giêsu, mà chỉ có một, Ngài là con người mà cũng là Thiên Chúa.

Mầu nhiệm Đức Kitô là trọng tâm của đức tin. Mà như Thánh Tôma nói : đích điểm của đùức tin không phải là các lời phát biểu (énoncé), nhưng là chính thực tại. Đích điểm niềm tin vào Chúa Giêsu không phải là những học thuyết về Ngài dù điều đó quan trọng, nhưng là chính bản thân Ngài.

Kitô-giáo trước hết không phải là một học thuyết nhưng là một ngôi vị cụ thể. Do đó điều quan trọng nhất trong công cuộc loan báo Tin Mừng là khám phá ra ngôi vị đó, loan báo Ngài và dẫn người ta vào tương quan với Ngài. Công việc mục vụ đích thực chính là vun trồng mối tương quan đó. Bằng cách nào ? Bằng cách kêu cầu Thánh Danh Giêsu và tôn sùng Thánh Tâm Ngài, một Thánh Tâm vẫn đang yêu thương và đau khổ vì nhân loại trong cung lòng Thiên Chúa Ba Ngôi.

VI. CON CÓ YÊU MẾN TA KHÔNG ?

"Tình yêu đối với Chúa Giêsu".

Vì Chúa Giêsu Kitô là một ngôi vị nên mối liên hệ nền tảng nối kết chúng ta với Ngài chính là tình yêu. Đối diện với thần tính của Chúa Giêsu, Ngài hỏi chúng ta : "Con có tin không?", còn đối diện với chính ngôi vị của Ngài, Ngài hỏi : "Con có yêu mến Ta không ?". Phận số đời đời của chúng ta tùy thuộc việc chúng ta trả lời hai câu hỏi đó.

Trong lòng lịch sử của Giáo Hội, đã có nhiều lời kết án những sai lầm về Chúa Giêsu. Nhưng có lẽ chúng ta đã không lưu ý đủ là lời kết án đầu tiên mà Thánh Phaolô đã nói là để chống lại những người không yêu mến Chúa Giêsu : "nếu ai không yêu mến Chúa, thì hãy là đồ chúc dữ" (1 Cr 16,22).

Tại sao chúng ta yêu mến Chúa Giêsu ?

Trước hết vì chính Chúa đòi buộc chúng ta yêu Ngài. "Con có yêu mến Ta không ?" là câu hỏi Chúa đặt ra cho từng người và không ai có thể trả lời thay cho người khác.

Thứ đến, chúng ta yêu Chúa Giêsu vì chính Ngài yêu chúng ta trước. Điều đó thúc đẩy chúng ta yêu Ngài vì "tình yêu chỉ có thể đền đáp bằng tình yêu".

Chúng ta yêu Chúa Giêsu vì Ngài đáng yêu, vì ai yêu Ngài sẽ được Chúa Cha yêu mến : "Ai yêu mến Ta, Cha Ta sẽ yêu mến nó" (Ga 14,21-23 ; 16-27). Tình yêu đối với Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu biết Ngài "Ai yêu mến Ta, Ta sẽ yêu mến nó và sẽ tỏ mình ra cho nó" (Ga 14, 21). Thánh Augustinô nói : chúng ta chỉ đạt tới chân lý nhờ tình yêu (on nentre dans la vérité par la charité). Cũng chính nhờ tình yêu đối với Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể tuân giữ Lời Ngài "nếu các ngươi yêu mến Ta, các ngươi sẽ tuân giữ lệnh truyền của Ta". (Ga 14,15-24).

Yêu Chúa Giêsu là gì ?

Không phải là nói : "Lạy Chúa, Lạy Chúa", nhưng là thi hành thánh ý Thiên Chúa và tuân giữ Lời Ngài (Mt 7,21). Yêu ai thì mong muốn và làm điều tốt lành cho người đó. Nhưng liệu chúng ta có thể làm gì tốt cho Chúa ? Điều tốt cho Chúa Giêsu - hay lương thực của Ngài - là thánh ý Chúa Cha. Yêu Chúa Giêsu, chính yếu là cùng với Ngài thi hành thánh ý Thiên Chúa.

Mầu nhiệm Nhập Thể đã mạc khải một khuôn mặt mới của Thiên Chúa và qua đó cũng dạy cho con người một cách thức mới mẻ để yêu mến Thiên Chúa. Yêu mến Chúa Giêsu Kitô trong ngôi vị của Ngài.

Không chỉ yêu mến một con người đáng yêu mà còn là yêu mến chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu vừa là vị Thiên Chúa hoàn toàn khác chúng ta, vừa là người anh em bên cạnh chúng ta, nên Ngài là đặc điểm của cả hai giới răn mến Chúa - yêu người.

Chúa Giêsu là trung gian độc nhất giữa Thiên Chúa và loài người, chỉ mình Ngài mới có thể dẫn con người về với Tuyệt Đối vì Ngài là chính Tuyệt Đối. Ngài không những là đường, nhưng còn là sự thật và là sự sống nữa (Ga 14,6), chúng ta vẫn chẳng thường ca ngợi Thiên Chúa là Chân - Thiện - Mỹ, là nguồn sống đó sao ?

VII. ĐỪNG CÓ THẦN KHÍ NÀO CŨNG TIN. (1 Ga 4,1).

"Niềm tin vào thần tính của Chúa Kitô trong thời đại hôm nay".

Khoa Kitô-học hiện đại đang lâm vào một cơn khủng hoảng. Như đã nói, những biểu thức tín điều Kitô-học của các Công Đồng đầu tiên, đặc biệt là Công Đồng Chalcédoine không phải là những cơ cấu đóng kín và loại trừ, nhưng là quy luật căn bản mà những suy tư tìm kiếm phải quy chiếu. Một số thần học gia cho rằng cách diễn tả đó đã lỗi thời vì thuộc về một nền văn hóa xa xưa, không còn khả năng trình bày mầu nhiệm Chúa Kitô trong bối cảnh văn hóa hiện đại. Do đó họ muốn diễn tả chân lý bằng ngôn ngữ hiện đại hơn. Nhưng khi thành hiện đại, thay vì diễn tả đúng đức tin của Chalcédoine, họ lại rơi vào điều mà Chalcédoine lên án.

Đức tin Kitô-giáo luôn luôn đặt chúng ta trước thế phải chọn lựa giữa hai ngả đường (foi alternative), không phải là chọn lựa giữa mới và cũ, nhưng giữa tin và không tin, chính thốùng hay lạc giáo. Tiêu chuẩn để phân định đã được thánh Gioan nói lên : "Hãy nghiệm xét các thần khí. phàm thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô đã đến trong xác thịt là thần khí thuộïc về Thiên Chúa, thần khí nào không tuyên xưng Đức Giêsu thì không thuộc về Thiên Chúa, đó là thần khí của phản Kitô". (1 Ga 4,1-3).

Các trào lưu thần học này giống nhau ở đặc tính "giảm trừ", cố gắng loại trừ những căng thẳng giữa những chân lý Đức tin. Hai cột trụ của tòa nhà đức tin Kitô-giáo là mầu nhiệm Ba Ngôi : có một Thiên Chúa và Người có ba Ngôi ; và mầu nhiệm Nhập Thể : Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, Ngài là Thiên Chúa thật và là người thật bị giảm trừ thành : có một Thiên Chúa và Đức Giêsu là con người. Khi loại bỏ thần tính của Chúa Giêsu thì cũng làm tan rã mầu nhiệm Ba Ngôi. Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là con người được thay bằng : Ngài hoặc là Chúa hoặc là người.

Vậy đâu là "phiến đá đã bị những người thợ xây loại bỏ" hay người ta đã chối bỏ điều gì nơi Chúa Kitô ?

Bultmann chủ trương rằng : "Đức Giêsu Kitô không phải là Thiên Chúa nhưng nơi Ngài có Thiên Chúa hay Thiên Chúa hành động nơi Ngài".

H. Kung cũng nghĩ như vậy. Đức Kitô là Thiên Chúa theo nghĩa Thiên Chúa hành động ở nơi ngài. Ngài không phải là Thiên Chúa thật nhưng là mạc khải về Thiên Chúa thật, Ngài là vị "ngôn sứ cánh chung".

Schoonenberg thì nói : Đức Giêsu là một ngôi vị, không phải hai, và ngôi vị này là một ngôi vị nhân linh. "Nơi Đức Kitô, không phải là bản tính nhân loại hiện hữu cách bản thể nơi Thiên Chúa, tức là trong Ngôi Lời, nhưng chính là Thiên Chúa hiện hữu bản thể trong ngôi vị nhân loại. Trong Đức Kitô, không phải là nhân tính nhưng chính thần tính mới không có hiện hữu riêng (Anhypostatique : sans existence propre).

Như vậy học thuyết truyền thống về Ngôi Hiệp - hai bản tính trong một ngôi vị của Đức Kitô - được thay bằng : "Sự hiện diện của thần tính" trong nhân vị của Ngài. Thay vì nói Đức Kitô là Thiên Chúa, người ta nói nơi Đức Kitô có Thiên Chúa.

Cả mầu nhiệm tiền hữu của Chúa Kitô cũng bị chối bỏ. Niềm tin chân chính của Giáo Hội : trước khi nhập thể trong lòng Đức Maria, Con Thiên Chúa đã hiện hữu trong tư cách một ngôi vị, bên cạnh Chúa Cha, tức là sự tiền hữu đích thực được thay bằng sự tiền hữu trong ý tưởng : từ muôn đời, Cha đã tiên liệu, đã muốn và đã yêu Đức Giêsu, Đấng một ngày kia sẽ phải sinh ra từ nơi Đức Maria.

Như vậy là mầu nhiệm Ba Ngôi bị phá hủy. Nơi chính Ngài Thiên Chúa không phải là Ba Ngôi, cùng lắm thì Ngài trở thành Ba Ngôi khi Đức Giêsu Kitô đến trần gian. Đức tin truyền thống : Con Thiên Chúa làm người được thay bằng xác phàm trở thành Con Thiên Chúa.

Khi chối bỏ thần tính và sự tiền hữu của Đức Kitô là chối bỏ mầu nhiệm Ba Ngôi. Đúng như lời thánh Gioan nói : "Ai chối bỏ Con thì cũng không có Cha, ai tuyên xưng Con thì có Cha" (1 Ga 2,23).

Hậu quả tất nhiên sẽ là biến "mầu nhiệm tự hủy" của Đức Kitô thành câu chuyện thần thoại. Thiên Chúa cũng chẳng còn là Cha cũng không là tình yêu. Ngài chỉ có thể là tình yêu khi Ngài yêu ai đó không phải là Ngài. Mà nếu Ngài còn có tình yêu thì đó là thứ tình yêu vị kỷ "Narcicisme" chứ không phải là tình yêu trao ban. Khi chối bỏ Đức Giêsu là Con Thiên Chúa làm người, thì xét về mặt giáo lý, đâu là điểm khác biệt giữa Hồi-giáo và Kitô-giáo khi mà Hồi-giáo tuyên xưng : "Allah là Thiên Chúa độc nhất và Mohamet là tiên tri của Ngài" còn Kitô-giáo thì nói : "Giavê là Thiên Chúa độc nhất và Đức Giêsu Kitô là tiên tri của Ngài ?". Và đâu là sự mới mẻ tuyệt đối của Tân Ước so với Cựu Ước ? Như thư Dothái đã nói : "Trong những ngày này Ngài nói với chúng ta qua Người Con".

Thực ra việc chối bỏ mầu nhiệm tiền hữu của Chúa Kitô cũng không phải là điều mới mẻ gì ! Ngay từ những thế kỷ đầu, một lạc giáo phát xuất từ luồng tư tưởng Dothái-giáo - lạc giáo Êbionisme - vì muốn bảo vệ độc thần giáo Cựu Ước, đã chủ trương rằng : Đức Giêsu chỉ là con người bình thường và họ không chấp nhận nơi Đức Kitô có sự kết hợp giữa Thiên Chúa và con người. Nguồn tư tưởng này được tiếp nối bởi Théodote de Byzance và Paul de Samosate. Họ cho rằng Ngôi Lời không phải là một ngôi vị mà chỉ là năng lực hành động của Thiên Chúa. Giêsu là con người hoàn toàn giống chúng ta, dù trổi vượt trên chúng ta về mọi mặt nhờ hoạt động của Thánh Thần. Ngài là vị tiên tri lớn nhất, nhưng trong căn bản vẫn là con người.

Marcel DAncyre và Photin đẩy xa luồng tư tưởng này. Theo họ, Ngôi Lời chỉ trở thành Con Thiên Chúa và thực sự tồn hữu với sự tỏ hiện của con người Giêsu Nazareth. Trước đó, Ngài chỉ là tiềm thể (virtualité) nơi Thiên Chúa.

Để chống lại những sai lầm đó, Giáo Hội đã không cần triệu tập một Công Đồng mới mà chỉ cần viện dẫn giáo lý của Nixê.

Để tránh những sai lầm, trước hết cần ý thức sự bất túc của ngôn ngữ nhân loại trong việc trình bày các mầu nhiệm. Và như thánh Augustinô đã nói, sau khi khẳng định điều gì đó về Thiên Chúa phải nói ngay : "Nhưng Thiên Chúa không phải là như thế".

Tại sao nền thần học tự gọi là Công giáo lại có thể đi đến chỗ sai lạc như thế ? Thánh Gioan giải thích : "họ thuộc về thế gian nên họ nói những chuyện thế gian và thế gian nghe họ" (1 Ga 4,5). Lối giải thích "thế gian" này chủ yếu hệ tại việc không có khả năng phối hợp Thánh Thần và lịch sử, thời gian và vĩnh cửu. Ý thức lịch sử (sens historique) là một trong những đắc thủ to lớn nhất của nền văn hóa hiện đại đã trở nên nghèo nàn và tù ngục khi tỏ ra không có khả năng khai mở cho Thánh Thần (Sens Spirituel). Và như vậy Kerygma đã chỉ còn là Sophia, và lời loan báo Kitô-giáo chỉ còn là sự khôn ngoan nhân loại. Đó là hiệu quả việc sử dụng không cân nhắc khoa Herméneutique. Đó là thứ thuốc tẩy, muốn tẩy sạch những điều họ coi là tì vết trong tấm áo đức tin. Nhưng thứ thuốc tẩy đó quá mạnh, nên khi nhúng tấm áo đức tin vào đó, lấy áo ra, áo không được tẩy sạch mà bị tan rã !

Người ta nói rằng : tội lỗi căn bản của tư tưởng Kitô-giáo hiện đại là lấy Chúa Thánh Thần để thay thế cho sức thuyết phục, tính hợp lý và đáng tin nội tại của việc suy tư khách quan, trong khi điều ngược lại mới đúng : trong một số trào lưu thần học Âu Châu hiện nay, người ta đã lấy sức thuyết phục, sự tán thưởng và tính đáng tin nội tại của lý thuyết - tức là những gì thuần lý - để thay thế Chúa Thánh Thần. Và như vậy là đi ngược lại điều thánh Phaolô đã nói : lời rao giảng của tôi không cốt nơi lời lẽ có sức thuyết phục của khoa khôn ngoan, nhưng nơi việc chứng minh bằng vào Thần Khí và quyền phép, ngõ hầu việc anh em tin không bằng vào sự khôn ngoan của người phàm nhưng bằng vào quyền phép Thiên Chúa ! (1 Cr 2,4-5).

Cơn cám dỗ chạy theo sự khôn ngoan thế gian, tức là lấy lý lẽ thay cho đức tin quả thật rất lớn. Mà sự khôn ngoan thế gian là điên rồ trước mắt Thiên Chúa. Vì vậy cần phải hoán cải, phải rời bỏ sự khôn ngoan thế gian để mặc lấy sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Và chúng ta có thể dựa vào Lời Chúa Giêsu mà nói : "Nếu lý trí con người rơi xuống đất mà không chết đi nó chỉ là lý trí con người. Nếu nó thối đi, nó sẽ sinh nhiều bông hạt".


Trở về Mục Lục Thần Học | Về Trang Nhà
Trở Về Trang Nhà