SỰ HIỆN DIỆN CỦA THIÊN CHÚA
TRONG CỰU ƯỚC


ÐGM PHAOLÔ BÙI VĂN ÐỌC

I. Hiện Diện Và Vắng Mặt

Thiên Chúa đã, đang và sẽ hiện diện giữa các tạo vật của Người, vì Người là Ðấng Tạo Hóa. Thiên Chúa hiện diện giữa các tạo vật không giống như sự hiện diện của con người, vì con người hiện diện như một-hiện-hữu-ở-đời [In-der-Welt-sein], như một thành phần trong vũ trụ, ăn rễ sâu vào vũ trụ, con người là tạo vật giữa các tạo vật. Thiên Chúa không hiện hữu ở đời vì không thuộc về trần thế, không là thành phần của trần thế.

Thiên Chúa hiện diện trong vũ trụ và lịch sử theo nghĩa ''Người bao trùm vũ trụ và lớn hơn vũ trụ''. Vũ trụ ở trong tay Người và tùy thuộc vào Người. Vũ trụ có do ý muốn của Người. Có thể tạm dung hình ảnh: ''Vũ trụ luôn có trước Nhan Thiên Chúa như tác phẩm trước mặt Người Sáng Tạo''.

Nhưng sự hiện diện của Thiên Chúa cũng không có tính cách hoàn toàn ngoại tại. Người không hiện diện bên ngoài tạo vật. Người nội tại trong tạo vật hơn chính tạo vật [Deus intimior intimo meo]. Dù vậy Người không đồng hóa với tạo vật, vì vượt trên tạo vật. Biện chứng ''nội-tại-siêu việt'' chỉ có thể áp dụng tuyệt đối cho Thiên Chúa.

Giáo lý Kitô-giáo luôn khẳng định là ''Thiên Chúa ở khắp mọi nơi''. Không gì thoát khỏi cái nhìn và tầm ảnh hưởng của Thiên Chúa. Thiên Chúa bao bọc tất cả, ở trong tất cả và ở trên tất cả. Kinh Thánh có nói tới ''mạc khải tự nhiên'' của Thiên Chúa, nhờ đó mà lý trí con người có thể nhận ra Người. Theo lời Thánh vịnh, ''Trời đất kể lại Vinh quang Thiên Chúa'' (Tv 18,2). Nhưng con người có lắng nghe ''Bài ca vũ trụ" hay không? Ðó là vấn đề.

Ngày hôm nay người ta nói nhiều đến sự vắng mặt của Thiên Chúa. Thậm chí có người còn dám tuyên bố rằng ''Thiên Chúa đã chết'' và ''con người đã giết Thiên Chúa''. ''Thần học về cái chết của Thiên Chúa'' (Théologie de la mort de Dieu) là hậu quả của nhiều trào lưu tư tưởng. Hoặc là thuyết Duy lý chủ trương chỉ có thực tại giải thích được mới là thực tại hiện hữu. Hoặc là thuyết Duy Nghiệm không chấp nhận thực tại nào ngoài lãnh vực kinh nghiệm. Cũng có thể là Nhân bản thuyết muốn đề cao con người tối đa. ''Thần học Thiên Chúa chết'' còn là hệ lụy đương nhiên của một thứ thần học phủ định cực đoan: chỉ dùng con đường phủ định và không chấp nhận ý tưởng loại suy. Khuynh hướng ''duy tục'' cũng là một lý do quan trọng đưa tới chủ trương ''Thần học Thiên Chúa Chết''.

Ngoài ra, sự vắng mặt của Thiên Chúa còn là một kinh nghiệm đau thương của con người thời đại. Hoặc vì gặp quá nhiều đau khổ trong cuộc sống; hoặc vì có nhiều khát vọng chưa được thỏa mãn; hoặc vì thấy mình bị tù túng trong một thế giới khép kín; hoặc vì quá nhàm chán với cuộc sống; hoặc vì mỏi mệt không muốn vươn lên khi nhìn thấy cuộc đời quá phức tạp. Hoặc vì đang trở thành cô đơn bởi tội ác đè nặng. Gần hơn nữa, người ta cảm thấy Thiên Chúa càng vắng mặt trong một ''xã hội tiêu thụ'', một xã hội mà không mấy ai còn nghĩ tới hay nói tới Thiên Chúa.

Văn chương và triết học đều có đề cập tới Thiên Chúa thinh lặng và câm nín. Nhưng điều này không phải là vấn đề hoàn toàn mới mẻ. Kinh Thánh cũng đã một phần nào phản ánh kinh nghiệm của Israel nhiều lần cảm thấy bất lực trước câu hỏi khiêu khích của kẻ thù: ''Chúa của ngươi đâu?''; hoặc không trả lời được câu hỏi về những bất công ở đời. Kinh nghiệm của ông Gióp là một kinh nghiệm bi thương của con người mọi thời đại. Và ngay cả Ðức Giêusu cũng đã chết tức tưởi trong khi Thiên Chúa, Cha của Ngài nín lặng: ''Lạy Chúa, lạy Chúa, nhân sao Chúa bỏ tôi?'' (Mc 15,34).

Sự im lặng hay vắng bóng của Thiên Chúa chỉ là mặt trái của huyền nhiệm Thiên Chúa, mà mặt phải chính là ''Lời'', là ''hiện diện''. Mặt trái cần thiết để con người tôn trọng ''huyền nhiệm'', khỏi lẫn lộn Thiên Chúa với thụ tạo, khỏi bị cám dỗ sử dụng Thiên Chúa như ý mình. Mặt này cần thiết để con người nhận ra sự vô biên của Thiên Chúa và không chấm dứt hành trình tìm kiếm Người. Mặt trái còn cần thiết để con người biết phó thác và tin tưởng, biết liều mình đánh cuộc trong lúc chưa thấy hoặc chưa nghe. Và đó là khía cạnh ''bóng tối'', một khía cạnh quan trọng của đức tin.

Thần học hôm nay đặt tên cho mặt trái này là ''vẻ yếu đuối, bất lực của Thiên Chúa'' (la faiblesse de Dieu). Thiên Chúa yếu đuối bất lực để con người tự do hành động. Thiên Chúa nhỏ bé đi để con người lớn lên. Thiên Chúa chết đi để con người được sống. Và khía cạnh này được kiểm chứng rõ rệt cụ thể trong cuộc đời của Giêsu Nazareth.

Nếu mặt trái quan trọng, mặt phải còn quan trọng hơn: Thiên Chúa mạc khải là Thiên Chúa ''hiện diện''. Bắt đầu mạc khải là bắt đàu hiện diện, và sự hiện diện của Thiên Chúa đặc biệt hơn khi mạc khải của Người đặc biệt hơn.

Ý đồ của Môsê khi hỏi Danh Thiên Chúa không gì khác hơn là ý muốn Thiên Chúa luôn ở bên ông, luôn hiện diện, hành trình với dân Israel trong lịch sử của họ.

II. Sự Hiện Diện Của Thiên Chúa Theo Kinh Thánh:

A. Thời Các Tổ Phụ
Trước khi giải phóng Israel ra khỏi Aicập và thiết lập giao ước Sinai, Thiên Chúa đã nhiều lần đến viếng thăm các Tổ phụ của israel.

Sự hiện diện của Thiên Chúa trong thời các Tổ phụ được đánh dấu bằng những lần gặp gỡ nơi này nơi nọ, lúc các Tổ phụ còn đang ''rong ruổi'' với đàn súc vật trong cuộc sống du mục. Có những nơi được nhắc nhở thường xuyên như Sikem, Bêthel, Bơer-Sêba... Ðó là nơi mà các Tổ phụ đã dựng nên bàn thờ kính Chúa.

Thiên Chúa đã hiện ra lần đàu tiên với Abraham ở Sikem, dưới gốc cây sồi Morê và đã ban cho ông lời hứa: "Abram đã ngang qua xứ mà đến thánh địa Sikem, đến cây sồi Morê. Bãy giờ trong xứ có dân Canaan. Và Giavê đã hiện ra cho Abram và phán bảo ông: ''Ta sẽ ban xứ này cho dòng giống ngươi''. Và ông đã xây tế đàn ở đó kính Giavê, Ðấng đã hiện ra cho ông. Bỏ đó, ông qua ngọn núi phiá Ðông Bethel và đã cắm lều, bên Ðoài thì có Bêthel và bên Ðông thì có (thành) Hai. Và ông đã xây tế đàn kính Giavê mà kêu cầu Danh Ðức Giavê'' (St 12,6-7).

Nhưng Thiên Chúa chưa mạc khải cho Abraham Danh Giavê; Tên của Người còn là ''El-Shadday'', nghĩa là Thiên Chúa của núi đồi, Thiên Chúa cao vời, Thiên Chúa siêu việt. Người chưa thiết lập nơi cư ngụ dưới đất. Người ở trên trời và thỉnh thoảng đến viếng thăm con cái loài người. Ở gốc cây sồi Morê, Người xuất hiện giữa hình thái con người. Người là một trong Ba Ðấng mà Abraham tiếp đãi. Người là ''Vị Khách'' qua đường. Nhưng Người cũng đã dừng lại với Abraham hai ngày và Abraham đã được trò chuyện thân mật với Người (St 18,1-33).

Thiên Chúa đã hiện ra với Isaac ở Bơer-Sêba để nhắc lại lời hưá với Abraham, và Isaac đã dựng bàn thờ kính Chúa tại đó:

''Rồi từ đó ông lên Bơer-Sêba. Giavê đã hiện ra cho ông chính đêm ấy và phán: ''Ta là Thiên Chúa của Abraham ,cha ngươi! Ðừng sợ, vì Ta ở với ngươi. Ta sẽ chúc lành cho ngươi, Ta sẽ cho dòng giống ngươi nên đông đảo, vì Abraham tôi tớ của Ta.'' Ông đã xây một tế đàn ở đó. Và kêu cầu Danh Ðức Giavê. Ông đã cắm lều ở đó. Tôi tớ Isaac đã đào ở đó một cái giếng'' (St 26;23-25).

Giacóp gặp Thiên Chúa thường xuyên nhất ở Bêthel, nơi ông nằm mộng nhìn thấy ''chiếc thang nối liền trời và đất'' báo hiệu tương quan mật thiết và bền bỉ giữa Thiên Chúa với con người. Ông đã dùng đá gối đầu dựng bia tưởng niệm giấc mơ kỳ bí và thánh thiện. Theo sách Khởi nguyên, Bêthel là nơi đáng kính sợ, vì là nhà Thiên Chúa và là ''Cửa Thiên Ðàng''. Ðiều đó chứng tỏ rằng Giacóp đã có một cảm nghiệm rất sâu xa về sự hiện diện của Thiên Chúa. Cảm nghiệm này làm nổi bật hai nét chính yếu của sự hiện diện thần linh trong lịch sử cứu độ: siêu việt nhưng gần kề (St 28,10-22).

Sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời Giacóp còn được diễn tả qua một biến cố đặc biệt khác: Ông đã vật lộn với Thiên Chúa đang đêm trên con đường trở về quê nhà. Hình ảnh này cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa bao hàm đòi hỏi và thử thách (St 32,23-33).

B. Thời Xuất Hành
Biến cố Xuất Ai cập đánh dấu một giai đoạn mới trong Lịch sử cứu độ, một dấn thân mới và sâu xa hơn của Thiên Chúa vào lịch sử loài người.

Trong giai đoạn này, gương mặt Môsê chiếu sáng. Kinh nghiệm tôn giáo của Môsê để lại dấu vết sâu đậm trong tất cả lịch sử Dân Chúa. Ông là thủ lãnh hướng đạo Dân Chúa, được Thiên Chúa ban cho cảm nghiệm sâu sắc về sự hiện diện sống động và mạc khải Thiên Chúa. Kinh nghiệm của ông gắn liền với Sinai và sa mạc. Ở Sinai, Môsê tiếp nhận thánh ý và chương trình của Thiên Chúa; nơi sa mạc, ông thường xuyên đối thoại với Thiên Chúa trong Lều Hội và được Thiên Chúa hướng dẫn qua những dấu hiệu như đám mây, cột lửa.

Sự hiện diện của Thiên Chúa gắn liền với con người và vai trò trung gian của Môsê. Qua Môsê, Thiên Chúa cho Dân Người biết Tôn ý, hướng dẫn dân và hành trình với dân:

''Người phán : Ta sẽ ở với ngươi. Và này là những dấu chứng thực là Ta đã sai ngươi : khi ngươi dẫn dân ra khỏi Aicập... Các ngươi sẽ thờ Thiên Chúa trên núi này'' (Xh 3,12).

''Người phán : Nhan Ta sẽ đi, và Ta sẽ cho ngươi được an nghỉ'' (Xh 3,14).

Sự hiện hiện của Thiên Chúa là một sự hiện diện tác động, tạo nên những hậu quả thiết thực, là những kỳ công mà Người đã làm để giải phóng Dân (Xh 15,13.17.19).

Trên con đường sa mạc, sự hiện diện của Thiên Chúa được cụ thể hóa qua các thực tại hữu hình như đám mây, cột lửa, Lều Hội, Hòm bia giao ước...

Trong các bài tường thuật của sách Xuất Hành, hình ảnh đám mây luôn gắn liền với những cuộc thần hiển. Ðám mây là dấu hiệu của sự hiện diện siêu việt của Thiên Chúa: Thiên Chúa đến từ trời, có đám mây bao phủ, vừa tiết lộ, vừa che khuất Vinh quang của Người.

Theo truyền thống Tư tế (p), Lều Hội còn được gọi là Nhà Chúa, Núi Chúa ngự. Lều Hội là nơi cất giữ Hòm bia chứng từ còn được gọi là Hòm bia giao ước, nơi Thiên Chúa biểu lộ Thánh Ý của Người. Chứng từ là Thập giới hay Lề Luật được Thiên Chúa ban và ghi khắc trên bia đá.

So sánh với giai đoạn các Tổ phụ, sự hiện diện của Thiên Chúa trong giai đoạn này đặc bìệt hơn, thường xuyên hơn và tác động mạnh mẽ hơn. Chúng ta có thể nêu ra một số các đặc tính giống và khác với thời các Tổ phụ:

- Sự hiện diện của Thiên Chúa cũng đi qua như đám mây hay như của ăn manna chấm dứt khi vào Ðất Hứa;

- Sự hiện diện của Thiên Chúa vừa ''có vị trí'' vừa ''phi vị trí''. Thiên Chúa hiện diện, nhưng không bị ràng buộc bởi đám mây hay nơi Lều Hội. Người hành động nơi nào Người muốn (hình ảnh ''đám mây di động'' và ''lều trại nhổ đi''). Thiên Chúa không phải là thần sông, thần núi, bị hạn định chốn này chốn nọ. Người là Ðấng Quyền năng và là Ðấng Hiện diện phổ quát. Người có thể sử dụng tất cả các quyền lực của thiên nhiên để thi hành ý định:
- Ở đâu có dân, ở đấy có Chúa. Thiên Chúa hành trình với dân, chăm sóc và huấn luyện dân. Người không cư ngụ một nơi cố định, nhưng ở giữa dân.
- Sự diện diện của Thiên Chúa thánh hiến dân, biến dân thành Dân Tư tế dành riêng cho Người.
- Thiên Chúa hiện diện là Thiên Chúa gần kề nhưng vẫn qua trung gian của Môsê: Môsê nhận lãnh Lề Luật, ông cầu bầu xin Chúa tha tội cho dân, đàm đạo với Thiên Chúa và nhận chỉ thị từ NgườI; ông xét xử nhân Danh Thiên Chúa, đồng thời chăm lo của ăn thức uống cho dân.

C. Thời Vương Quốc
Ðavít đánh dấu một giai đoạn khác trong lịch sử tôn giáo của Israel. Ông đưa Hòm Bia Giao Ước vào Giêrusalem. Hành động của ông có mục tiêu chính trị: thống nhất 12 chi tộc quanh thủ đô duy nhất là Giêrusalem. Nhưng bên dưới hành vi chính trị này còn có tâm hồn tôn giáo sâu thẳm của con người Ðavit.

Ðavít yêu mến Giavê và thích thú trong công việc thờ phượng tôn vinh Giavê. Giavê đã chọn Ðavít, một con người nhiệt tình với phượng tự.

Xét về phương diện xã hội hay nhân văn, cũng như xét về phương diện thuần túy tôn giáo, việc tôn thờ Giavê là nền tảng cho sự duy nhất và phồn thịnh của Israel. Lẽ sống của Israel là Giavê Thiên Chúa. Chính nhờ Giavê mà Israel được sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Nhờ Giavê mà Israel được giải phóng khỏi Aicập, có một mảnh đất làm quê hương, trở thành một quốc gia dân tộc, có một lịch sử riêng biệt... Tâm tình của Ðavít đối với Giavê thật là tế nhị và thắm thiết. Ðavít đã say sưa nhảy múa trước Hòm Bia Thiên Chúa trên đường về Giêrusalem (2 Sm 6,1-23). Với Ðavít, Giêrusalem trở thành ngai toà của Giavê, Thành thánh của Giavê, Sion của ''Ðấng Thánh Israel''.

Ðưa Hòm Bia về Giêrusalem xong, Ðavít vẫn chưa hài lòng và muốn xây dựng một đền thờ thật xứng đáng để Thiên Chúa ngự. Ông ngỏ ý với tiên tri Nathan, nhưng Thiên Chúa đã dùng miệng tiên tri phán với ông: Người không cần được ông ưu đãi, mà chính Người mới là Ðấng ưu đãi ông, chọn ông giữa các kẻ chăn chiên và đặt ông làm thủ lãnh Israel. Thiên Chúa sẽ còn ưu đãi ông hơn nữa, sẽ ban cho ông dòng dõi trường tồn. Thiên Chúa từ chối ''ngôi đền'', vì từ lúc Xuất Aicập, chưa bao giờ Người cư ngụ một nơi cố định. Người vẫn luôn luôn là Thiên Chúa cứu độ, Thiên Chúa hùng mạnh, Thiên Chúa hằng sống; Người không lệ thuộc ai, Người ban ơn lành và sự sống tùy như ý mình. Chính Giavê Thiên Chúa sẽ xây đền thờ cho mình, và đền thờ đó là Dân. Nhà Ðavít là nơi Người thể hiện lòng thương xót đối với dân ( 2Sm 7; 1Sbn 17 ).

Về phương diện tôn giáo, gương mặt Salomon mờ nhạt đối với Ðavít. Ông đã hoàn thành việc xây cất đền thờ và coi đó là hoàn tất lời sấm của tiên tri Nathan (1 V 2,24-33; 8, 15-21; 2Sbn 6, 4-11 ).

Thực ra Lời Hứa của Thiên Chúa không bao giờ hoàn tất trọn vẹn, nhưng luôn luôn khai mở cho những thực hiện mới.

Lời sấm của Nathan quả là một Lời Hưá, một giao ước ký kết giữa Thiên Chúa và Israel xây dựng trên dòng dõi Ðavít. Ðó là Bảo chứng cứu độ, là dấu chỉ phúc lành của Thiên Chúa. Lời chứng này khởi đầu cho một phong trào Thiên sai vương đế (Messianisme royal). Lời Sấm khai mở cho một niềm hy vọng, một sự chờ đợi Vua Thiên Sai Cứu Thế. Các tiên tri sẽ thường xuyên nhắc lại lời Sấm. Dân Thiên Chúa sẽ luôn tưởng nhớ gương mặt Ðavít. Trong những khi bị thử thách, họ thường van nài Thiên Chúa nhớ lại điều đã hứa với Ðavít tôi tớ Người.

Theo lời Sấm của Nathan, có vẻ như Thiên Chúa muốn gắn liền sự hiện diện của Người với vương quốc của Ðavít và dòng dõi ông. Nhưng thực ra vương quốc của Ðavít chỉ là một dấu hiệu báo trước một Vương Quốc mới mà chính Thiên Chúa sẽ thiết lập:

''Phần ngươi, hỡi Bêlem, Ephrata nhỏ bé nhất trong làng các bộ tộc Giuđa. Chính từ nơi ngươi sẽ xuất hiện cho Ta Vị có mệnh thống lĩnh (sơn hà) Israel. Nguồn gốc của Ngài lên đến trước xa, lên tới những ngày thuở xưa'' (Mk 5,1 x. Gr 23,5-6; Ed 34-29-31; Dcr 6, 12-13).

Nếu lời Sấm của Nathan vô cùng quan trọng, việc xây cất Ðền thờ tại Giêrusalem cũng có tầm quan trọng không kém.

Xét về một phương diện, nguồn gốc của đền thờ là do con người: ý định của Ðavít mà Salomon thực hiện. Nhưng chính Thiên Chúa đã chúc phúc cho Ðền thờ như đã chúc phúc cho Vương triều Ðavít (2 Sbn 7, 1).

Với sự đồng ý của Thiên Chúa, Ðền thờ trở thành nguồn mạch mọi phúc lành và là nơi con cái Israel ngưỡng vọng tới. Ðền thờ tượng trưng cho sự thánh thiện của Thiên Chúa ở giữa dân:

''Năm vua Ozya chết, tôi đã được thấy Ðúc Chúa : Người ngự trên ngai cao thăm thẳm. Hoàng bào của Người xóa lấp Ðền thờ. Bên trên Người có những Sêraphim chầu hầu: Mỗi vị có sáu cánh; họ lấy hai cánh phủ mặt, hai cánh phủ chân, và lượn bằng hai cánh. Người hô kẻ đáp mà rằng : ''Thánh, Thánh, Thánh. Giavê các cơ binh, khắp trái đất đầy Vinh quang NgườI'' (Is 6,1-3).

Tương quan với Ðền thờ sẽ xác định sự trung thành hay bất trung của dân đối với Thiên Chúa. Và chính từ đền thờ mà Thiên Chúa phán xét và hướng dẫn dân.

Sáng kiến xây Ðền thờ là của con người, nhưng sáng kiến hiện diện là của Thiên Chúa. Do đó Ðền thờ cũng là Hồng ân của Thiên Chúa.

Hai yếu tố có vẻ trái nghịch gặp gỡ nhau trong việc xây cất Ðền thờ: tính siêu việt của Thiên Chúa được biểu lộ trong một lịch sử thuần túy nhân loại (Thánh ý nhiệm mầu và siêu việt - kế hoặch và công trình thuần túy nhân loại).

Ðền thờ Giêrusalem còn mang một ý nghĩa thứ hai rất phù hợp với nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa: đó là Dấu hiệu của sự Hiện diện không ''thuần túy thiêng liêng'', nhưng hữu hình và cụ thể, một sự cư ngụ trong con người, trong thân xác: ''Bởi chưng có ở trong Ngài tất cả sự Viên mãn của tính Thiên Chúa ở trong thể lý'' (Cl 2,9). Quả thực giai đoạn cuối cùng của lịch sử hiện diện thần linh là một sự hiện diện trong thân xác (Con người của Ðức Giêsu Kitô vàThân thể Huyền nhiệm của Người là Giáo Hội).

D. Thời Tiên Tri
Có khuynh hướng thần học cho rằng ''Tiên tri'' đối lập với ''Tư tế'', Tiên tri chống lại Ðền thờ. Thực ra vấn đề không đơn giản như vậy. Thái độ của tiên tri đối với Ðền thờ vẫn luôn luôn là một thái độ kính trọng và yêu mến. Nhưng các tiên tri không muốn giới hạn việc tôn thờ Thiên Chúa ở những hình thức bề ngoài. Tiên tri đòi hỏi một đời sống tôn giáo nội tâm hơn.

Nếu Ðền thờ, nghi lễ và các tổ chức tôn giáo ''thể chế hoá'' giao ước, thì tiên tri là những người ''thiêng liêng hoá'' giao ước. Trong lịch sử Dân Chúa, hai tiến trình này không đi ngược nhau, nhưng bổ túc cho nhau. Tiên tri lên án sự lạm dụng và sa đọa của thể chế. Nhưng thể chế cho thấy rằng đạo Do thái không phải là đạo thuần túy thiêng liêng, mà còn là bộ mặt hữu hình cụ thể.

Có người nghĩ rằng tiên tri muốn biến tôn giáo phượng tự (monothéisme cultuel) thành tôn giáo luân lý (monothéisme moral). Thực ra tiên tri chỉ khẳng định tôn giáo phượng tự đích thực đòi hỏi một sự thánh thiện cụ thể trong đời sống luân lý. Lời mời gọi của tiên tri Amos: ''Hãy tìm Giavê, các ngươi sẽ được sống'' (Am 5,4) tóm lược sứ điệp tôn giáo của tiên tri.

Thiên Chúa của tiên tri là Thiên Chúa Hằng Sống, can thiệp vào lịch sử, hành động, đòi hỏi, nhổ và trồng: ''Coi, hôm nay, Ta cử ngươi cai các dân tộc và các nước để nhổ và lật đổ, để hủy và để phá, để xây và cấy trồng'' (Gr 1,10).

Người là Ðấng Thiên Chúa đã giải phóng dân ra khỏi Aicập và Người mãi mãi là Ðấng Giải Phóng.

Giavê Thiên Chúa đã chọn Sion làm nơi cư ngụ. Nhưng kinh nghiệm tôn giáo sâu thẳm không phải là kinh nghiệm phượng tự bị ràng buộc vào nơi thờ phượng, mà là cảm nghiệm sự hiện diện tích cực, sống động của ý muốn Thiên Chúa xâm nhập vào lịch sử và đòi hỏi vâng phục.

Các tiên tri đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử tôn giáo của Israel: một giai đoạn thân tình hơn, với nhiều kinh nghiệm thiêng liêng của tâm hồn con người: Cảm nghiệm sự hiện của Thiên Chúa, hiệp thông với Thiên Chúa, trao đổi tâm tình với Thiên Chúa và chỉ hành động theo sự thúc đẩy của Thánh ý Thiên Chúa. Với tiên tri, Giao ước trở thành tương giao và mối dây ràng buộc tình yêu. Nhìn vào đời sống tôn giáo vụ hình thức, các tiên tri ngưỡng vọng một Giao ước mới ghi khắc trong tim hơn là trên bia đá.

Tiên tri vẫn tôn trọng Vương quyền Ðavít, nhưng không muốn ràng buộc sự hiện diện của Thiên Chúa với vương quyền hay dòng dõi Ðavít. Thiên Chúa chỉ bị ràng buộc bởi Vương quyền của chính mình. Các biến cố cùng với giáo huấn của tiên tri giúp Dân nhận ra Vương quyền tối cao của Giavê, cũng là Vương quyền Cứu độ, vượt trên mọi thể chế trần gian:

''Và sẽ xảy ra là khi các ngươi đã sinh sôi nảy nở trong xứ, vào những ngày ấy, người ta sẽ không còn nói đến Khám Giao ước, sẽ chẳng có ai nghĩ đến: và người ta sẽ không còn nhớ tiếc hay làm lại nữa. Thủa ấy, người ta sẽ gọi Giêrusalem là ''Ngai của Giavê'', và các dân tộc hết thảy sẽ đổ về đãy kính Danh Giavê, ở Giêrusalem: chúng sẽ không còn đi theo lòng ngoan cố xấu xa của chúng''( Gr 3,16-17).

''Ðẹp thay trên các núi non, chân người sứ giả, kẻ loan báo bình an, kẻ loan tin mừng, kẻ loan báo ơn cứu độ, kẻ nói với Sion: ''Người đã làm vua, Thiên Chúa ngươi thờ''. Quân canh của ngưoi gióng tiếng, tất cả một trật chúng hò reo, vì chúng thấy tận mắt Giavê trở lại Sion'' (Is 52,7-8).

Với các tiên tri nói chung, và đặc biệt với Ezêkiel, sự hiện diện của Thiên Chúa bắt đầu vượt biên, rời khỏi đền thờ, ra khỏi Giêrusalem, rời bỏ đất Israel để đến Babylon cùng với dân lưu đày (Ed 11, 22-25).

Giêrêmia và Ezêkiel đều loan tin thành Giêrusalem và Ðền thờ sẽ bị tàn phá, và sự kiện đã xảy ra thật là đau thương bi đát. Nhưng chính lúc Dân bị lưu đày, các tiên tri khẳng định mạnh mẽ hơn trước là Giavê sẽ luôn ở với Dân và ở giữa Dân. Dầu vậy, Dân ở Babylon vẫn hướng về Giêrusalem mà than khóc và sầu tủi. Niềm hoài hương vừa là một tâm tình ái quốc, vừa là một tâm tình tôn giáo sâu xa; đó là tâm tình ăn năn thống hối và là sự khởi điểm cho sự trở về với Giavê Thiên Chúa. Chính vì thế mà Thiên Chúa, qua miệng các tiên tri, hứa hẹn sẽ ban một đền thờ mới. Viễn tượng Ðền thờ mới vừa là viễn tượng lịch sử, vừa là viễn tượng cánh chung: vào thời sau hết, Ðền thờ mới sẽ là Israel mới, đã được thanh tẩy đầy tràn Thần khí mới, có con tim cắt bì : Giavê sẽ là Mục tử, là Chúa, là Cung thánh của Ðền thờ.

Nói tóm lại, thái độ của tiên tri đói với Ðền thờ là một thái độ biện chứng, vừa nối kết vừa tách rời sự hiện diện của Thiên Chúa với Ðền thờ Giêrusalem. Nối kết, vì thể chế cần thiết để con người ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa và tôn thờ Người. Tách rời, vì Thiên Chúa vượt trên thể chế, vượt trên Ðền thờ do con người làm ra.

Lời tuyên bố của Ðức Giêsu: Hãy phá đền thờ do tay con người làm ra và Ta sẽ xây dựng lại trong ba ngày nối dài và hoàn tất thái độ biện chứng của tiên tri: Ngài rời bỏ thế gian để về cùng Cha, đồng thời ở lại với các môn đệ mọi ngày cho đến thế. Ðền thờ Thiên quốc là thân xác phục sinh của Ngài.

Nước Hằng Sống là Chúa Thánh Thần chảy ra như dòng suối từ cạnh sườn Ngài sẽ nuôi dưỡng sự sống thần linh trong những ai tiếp xúc với Ngài. Từ Thân thể Huyền nhiệm của Ngài cũng có dòng suối Thánh Linh chảy ra có mãnh lực biến đổi thế giới và tái tạo mọi sự để ngày sau hết Thiên Chúa trở nên tất cả trong mọi sự và mọi người.

III. Tìm Thiên Chúa Và Gặp Thiên Chúa

Thiên Chúa hiện diện, vậy sao con người vẫn phải tìm Thiên Chúa? Và thường khi, trên con đường tìm kiếm, con người quờ quạng, chập choạng, giống như người say rượu không thấy hướng đi.

Chờ đợi Thiên Chúa đến, mong mỏi Thiên Chúa hiện diện không phải chỉ là ước mơ của chúng ta hôm nay, mà xưa kia vẫn là tâm tình cảm động và bi thương của dân Israel, đặc biệt trong những khi họ bị kẻ thù áp bức: ''Lạy Chúa, xin tỏ Nhan Thánh Người cho chúng con... (Tv 30,17; 4,7)

Con người chờ Thiên Chúa và tìm Thiên Chúa vì biết rằng không phải lúc nào Thiên Chúa cũng hiển hiện, hoặc vì ý thức về giới hạn của bản thân: Thiên Chúa có đó, nhưng không gặp được Người.

Con người mãi mãi tìm Thiên Chúa, vì Ngài mãi mãi vượt trên họ và là tương lai cuối cùng của họ. Con người tìm kiếm Thiên Chúa, vì Thiên Chúa muốn, vì Thiên Chúa gọi; tìm Thiên Chúa là Lẽ Sống, gặp Thiên Chúa là được sống: ''Hãy tìm Chúa, các ngươi sẽ được sống'' (Am 5,4). Tìm Thiên Chúa và gặp Thiên Chúa là cơ cấu nhịp hai của đời sống đức tin. Con người tìm Thiên Chúa vì được sự thúc đẩy của Thiên Chúa, và như thế đã là gặp Thiên Chúa một phần. Vì nếu không có sự lôi cuốn của Thiên Chúa, chẳng có ai ước muốn tìm Thiên Chúa. Gặp Thiên Chúa thực ra cũng chỉ là tìm Thiên Chúa trong chính Ngài. Lc 11,9 : ''Ai xin sẽ được, ai gõ sẽ mở cho''. Nhưng sự nhận lời vượt trên lời cầu xin và lôi kéo con người đi mãi, khiến họ có cảm tưởng là phải xin hoài. Ân sủng luôn vượt trên tự nhiên và là sức đẩy con người đi tới, hướng tới Thiên Chúa là gia nghiệp đời họ. Ðiều Thiên Chúa hứa lúc nào cũng lớn hơn niềm hy vọng của con người, và vì thế con người không bao giờ hết hy vọng.

Con người tìm Thiên Chúa vì chính Thiên Chúa là quê hương đích thực của họ. Thiên Chúa là Khởi nguyên, là Nguồn gốc, là Nơi Hiện hữu vĩnh cửu của con người.

Thiên Chúa là Quê hương, nhưng cũng là Ðất lạ. Người là kẻ Thân quen, nhưng cũng là Khách Viễn Lai. Người rất lạ vì không thuộc về thế giới con người.

Con người phải vất vả tìm Thiên Chúa , vì đã xa lìa Ngài khi phạm tội, đã lìa bỏ Nhà Cha đi tha phương cầu thực. Do đó, tìm Thiên Chúa thực ra chỉ là trở về với Thiên Chúa.

Gặp Thiên Chúa là tìm Thiên Chúa không ngừng. Vận hành liên tục này không phải là điều bất toàn, vì tâm hồn hướng về Thiên Chúa bao giờ cũng được lấp đầy. Nhưng sự sung mãn lại nới rộng khả năng con người khiến họ có thể đón nhận hồng ân lớn lao hơn, vì khám phá ra Thiên Chúa mỗi ngày một lớn hơn (Deus semper major).

Nói theo kiểu Henri de Lubac, con người tìm Thiên Chúa không giống như người hà tiện thu góp của cải, hoặc giống như người họa sĩ vẽ đi vẽ lại bức chân dung, mà là một người bơi lội giữa đại dương, mỗi lần tiến tới là đẩy lui một đợt sóng. Bơi lội giữa đại dương làm cho con người khiếp đảm, lo sợ không tới bến. Nhưng Thiên Chúa vừa là Bến bờ, Vừa Là Ðại dương. Ai bơi lội trong đại dương là bơi lội trong Thiên Chúa. Hướng tới Thiên Chúa đã là ở trong Thiên Chúa, và ở trong Thiên Chúa thực ra cũng chỉ là hướng tới Thiên Chúa (x. H. de Lubac, Sur les chemins de Dieu). Con người đi tìm Thiên Chúa triền miên, nhưng ai có tâm hồn trong sạch sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa (Mt 5,8). Do đó hành trình tìm Thiên Chúa cũng là hành trình thanh tẩy (processus de purification). Sự thanh tẩy không thể có được, nếu không phải là thanh tẩy trong Máu Chúa Kitô. Và con người cũng không được thanh tẩy nếu không có tác nhân thanh tẩy là Thần khí Thánh Hoá và Tinh Luyện.

Tìm gặp Thiên Chúa là một hành vi tự do, một hành vi cao thượng, nhưng cũng là một hành vi khiêm tốn của đời sống hằng ngày, một hành vi cụ thể và bình thường; là chống chọi với cám dỗ của thế trần, là thích nghi với hoàn cảnh, là đương đầu với bất ngờ, là đi sâu vào thực tế xã hội, là sử dụng những phương tiện bé nhỏ trong tầm tay.

Không có sự tìm kiếm nào mà không cần phấn đấu, không gặp mâu thuẫn và đau khổ. Nhưng thân phận con người đã được Con Thiên Chúa làm người chia sẻ. Thiên Chúa nâng đỡ con người khi vấp ngã; Thiên Chúa bồi dưỡng khi con người mỏi mệt. Thiên Chúa đến gần con người trong Ðức Kitô và lôi kéo con người với sức mạnh Thánh Thần.