CHÚA CHA TRONG KINH NGHIỆM THIÊNG LIÊNG
CỦA THÁNH PHANXICÔ

 

Lm. Gioan TC Nguyễn Phước

 

Phanxicô không phải là một nhà thần học. Ngài hoàn toàn không có gì gọi là một người trí thức. Sinh thời, ngài đã tự nhận một là kẻ dốt nát, chất phác và vô học (Thư gửi Toàn Dòng 39 ; Di Chúc 19). Nhưng một sự kiện mà chúng ta không thể phủ nhận đó là trực giác đức tin của ngài đã có một ảnh hưởng rất lớn trên con cái của ngài như thánh Bonaventura, Duns Scotus cũng như đối với một trường phái có thể gọi là trường phái triết học và thần học Phan sinh. Etienne Gilson đã viết về triết học Phan sinh như sau : "Nhà sử học nào nghiên cứu một cách kiên trì, bao giờ cũng đi đến chỗ khám phá ra, dưới cái khối những nguyên tắc, những khái niệm và những phương pháp của nền triết học này, một nhà khắc khổ đi theo Chúa Kitô, một nhà tông đồ chinh phục các linh hồn cho Chúa Kitô hay một nhà thần bí say mê Chúa Kitô" (La Philosophie Franciscaine).

 

Ðức Phaolô VI đã viết trong lá thư gởi hàng giáo phẩm Anh Quốc nhân dịp kỷ niệm 700 năm sinh nhật của Duns Scotus : "Tinh thần và lý tưởng của thánh Phanxicô thấm nhập vào các công trình của Jean Duns Scotus ; ở đấy người ta cảm thấy hơi thở nồng cháy của tinh thần Phan sinh ; ở đấy kiến thức phải lệ thuộc sự sống. Duns Scotus đã khẳng định ưu thế của tình yêu trên mọi khoa học, chỗ đứng ưu tiên của Ðức Kitô trong mọi sự, vì Ngài là tuyệt tác của Thiên Chúa, là vinh quang của Chúa Ba Ngôi và là Cứu Chúa của loài người, là Vua của trật tự tự nhiên và siêu nhiên" (Thư Alma Parens).

 

Phanxicô đã đặt hành động trước hiểu biết. Cả hiểu biết lẫn hành động, ngài đều hướng về tình yêu. Ở trung tâm và chóp đỉnh của mọi sự, ngài đặt Ðức Kitô, ngài tôn thờ Ðức Kitô, Ðấng là Con Một Yêu Dấu của Chúa Cha. Kỳ lạ thay, chính những tư tưởng cột trụ ấy đã ghi ấn dấu lên các con cái của ngài chuyên lo việc trí thức và sẽ định hướng công cuộc khảo cứu của họ.

 

Vì thế, có lẽ không uổng công khi ta tìm lại một vài trực giác nguyên thủy của thánh Phanxicô về Chúa Cha để thấy được phần đóng góp tuy nhỏ nhoi nhưng độc đáo của nền thần học Phan sinh vào công trình suy tư thần học về mầu nhiệm Chúa Cha.

 

I. KHỞI ÐIỂM CỦA NIỀM TIN

 

A. PHANXICÔ TRƯỚC KHI HOÁN CẢI

 

Dù bức tranh khá đen tối mà Tôma Celanô đã vẽ ra về thời niên thiếu của thánh Phanxicô Átxidi trong Truyện ký thứ nhất, rất có thể Phanxicô Bernadonê là một kitô-hữu không khác gì những thanh niên đương thời, chẳng tồi tệ cũng chẳng khá gì hơn. Sống trong một xã hội toàn tòng Kitô-giáo, ngài cũng như những người khác, tuân thủ các thực hành tôn giáo, các ngày lễ phụng vụ, tuyên xưng đức tin của Giáo Hội, và chấp nhận toàn bộ những đòi buộc luân lý và xã hội. Vì thế, Phanxicô gọi Thiên Chúa là Cha, như mọi kitô-hữu vẫn làm trong các lời kinh và trong ngôn ngữ thường nhật. và không chắc gì ngài cảm thấy gắn bó với Chúa Cha cách đặc biệt. Có lẽ ngài bằng lòng với một tương quan có tính cách tập thể, trong Giáo Hội, với một Thiên Chúa đôi khi xa vời, đôi khi gần gũi, nhưng Ðấng ấy không có vẻ như đòi hỏi nơi ngài một sự đáp trả hay một dấn thân có tính cách cá nhân. Thiên Chúa là Cha của chúng ta vì Người đã dựng nên chúng ta, bởi vì Người yêu thương mọi người, vì Người cai quản thế giới qua sự quan phòng của Người, và bởi vì tất cả những gì xảy ra cho chúng ta có thể quy hướng về Người như là Ðấng chịu trách nhiệm tối hậu.

 

Khi đời sống có vẻ như thuận lợi cho sự tăng trưởng, tăng tiến và sự sung túc của ta, thỏa mãn khát vọng hạnh phúc của ta, ta rất sung sướng gọi Chúa là Cha và đánh giá cao việc Người cai quản tốt đẹp thế giới. Khi gặp phải những chướng ngại trong các dự tính, hay tệ hơn nữa là khi mọi sự có vẻ như đi ngược lại cái mà ta ước muốn để tìm được hạnh phúc theo cách thế riêng của ta, ta có khuynh hướng đòi hỏi một lời giải thích, và tự hỏi về thực tại tình yêu của Chúa Cha đối với ta. Lẽ dĩ nhiên điều đó không đặt lại vấn đề đức tin về Thiên Chúa, nhưng cũng không khuyến khích chúng ta cách đặc biệt đến việc ước ao sống thân mật với Người. Hình như đó chính là cảm thức của Phanxicô Átxidi trước ngày hoán cải.

 

B. KHÁM PHÁ TÌNH CHA

 

Nhận biết Thiên Chúa là Cha và thiết lập với Người một tương quan hiếu thảo chỉ có thể xảy ra sau một cuộc thanh tẩy bên trong, một sự hoán cải đích thực, đó chính là điều mà Phanxicô đã sống. Với chàng thanh niên đang ôm ấp mộng công danh và ao ước của cải giàu sang và hạnh phúc, cần phải thức tỉnh để thấy được sự lệ thuộc hoàn toàn của mình đối với Thiên Chúa, Ðấng mà mình trao phó tất cả cuộc đời cũng như tương lai, trong niềm tin tưởng tuyệt đối và vâng phục dứt khoát.

 

Ðối với Phanxicô, nhận thức đó chỉ có được trong cầu nguyện, trong cô tịch và suy niệm Tin Mừng. Nhưng đáng lẽ Phanxicô đã có thể trở nên người cộng tác và cạnh tranh với cha ruột của ngài là Phêrô Bernađônê, trong công việc kinh doanh của gia đình, và thay vì giảm bớt mối tương quan lệ thuộc giữa cha và con, như đối với mọi người con khi trưởng thành, Phanxicô lại tự nguyện giao phó trọn vẹn đời mình trong tay Cha trên trời. Sự kiện ra trước Tòa Giám mục Guiđô thành Átxidi có lẽ là một biến cố quan phòng đối với Phanxicô, để chọn lựa và diễn tả nhận thức quyền tối thượng của Thiên Chúa trên cuộc đời ngài : "Xưa nay tôi vẫn gọi ông Phêrô Bernađônê là cha tôi, nhưng từ nay tôi sẽ thong dong mà thốt lên : "Lạy Cha chúng con ở trên trời..." (Truyện ký của ba người bạn, 20).

 

Khám phá nền tảng về Thiên Chúa là Cha dẫn đưa Phanxicô đến kinh nghiệm về sự tự do của con cái Thiên Chúa. Ngài không còn lo lắng sống theo đòi hỏi của thế gian, từ bỏ mọi tìm kiếm của cải, vơ vét tiền bạc, tham vọng địa vị xã hội. Thanh thoát, ngài để cho Chúa Thánh Thần dẫn đưa trên những con đường mới lạ. Sau khi từ bỏ gia đình, làng mạc, sau khi buông mình trong bàn tay của Chúa Cha, ngài tự do rảo khắp đồng bằng Átxidi, ngài nhìn thế giới với con mắt đã được tinh luyện, ngài thỏa thích với những cảnh trí của tạo thành, ngài ca hát và khám phá trong đó vẻ đẹp và sự rộng lượng của Thiên Chúa. Từ công trình tạo dựng ngài hướng về Tác giả và chiêm ngắm Thiên Chúa như một người Cha rộng lượng đã muốn và đã tạo dựng tất cả nhằm lợi ích cho con cái của Người. Phanxicô xem mình như con của Vua, tuy không chiếm hữu gì cho riêng mình, nhưng có thể tận hưởng những hồng ân mà Cha mình đã dựng nên. Sự cao cả, lòng đại lượng, sự hào phóng của Chúa Cha sáng tỏa trong các công trình của Người. Từ nay Phanxicô chiêm ngắm Người như "sự Thiện tuyệt vời, sự Thiện vĩnh cửu, từ nơi Cha phát xuất mọi sự thiện, không có Cha thì không có sự thiện nào cả" (Kinh Lạy Cha quảng diễn, 2).

 

Khám phá về Thiên Chúa là Cha và về tự do của con cái Thiên Chúa điều đó không có gì mới mẻ, nhưng kinh nghiệm đến mức như Phanxicô thì vô cùng mới mẻ !

 

II. CÁC VIỄN TƯỢNG THẦN HỌC

 

Thiên Chúa luôn mang một tên : Người không phải là vị thần trừu tượng, cũng chẳng là Ba Ngôi vô danh. Phanxicô luôn nêu tên các ngôi vị thần linh : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thần học Ba Ngôi được khai triển trong Trường phái Phan sinh, đề cập tới đức tin về Ba Ngôi khởi đi từ các ngôi vị mà mỗi người có thể sống một tương quan thân tình.

 

A. CHÚA CHA TRONG MẦU NHIỆM BA NGÔI

 

1. Từ "Cha" luôn được Phanxicô dùng rõ ràng trong văn mạch Ba Ngôi, hơn 20 lần.

 

Trước tiên đó là những công thức phụng vụ. Ngài mở đầu một vài tài liệu cách long trọng: "Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (lời mở đầu Luật không sắc dụ ; Thư gởi Tín hữu 1.86 ; Thư gởi Toàn Dòng 1).

 

Công thức "Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần" dùng để kết thúc các lời kinh (4 lần), kết thúc bức thư giới thiệu trong Bản Luật không sắc dụ (24,5).

 

Từ đó ta thấy Phanxicô đã chịu ảnh hưởng từ phụng vụ trong niềm tin về Ba Ngôi như thế nào.

Những lần dùng khác có ý nghĩa (chẳng hạn Luật không sắc dụ 23,5 ; Thư Toàn Dòng 52 ; Thư gởi Tín hữu 3) chứng tỏ rằng, đối với Phanxicô, Thiên Chúa luôn luôn là những ngôi vị rất cụ thể và duy nhất trong mối tương quan sống động. Thiên Chúa Cha là Cha của Ngôi lời và là nguồn suối của Chúa Thánh Thần, và chính về Người mà đức tin và tình yêu quy hướng.

 

2. Một chủ đề Ba Ngôi khác : Chúa Cha - Chúa Con - Chúa Thánh Thần ngự trị trong tâm hồn người tín hữu.

 

Trong Di cảo, Phanxicô dùng từ Chúa Cha 89 lần ; Lạy Cha chúng con 8 lần ; Chúa Con 89 lần ; Ðức Kitô 83 lần ; Chúa Thánh Thần 87 lần. Ngoài ra ngài dùng từ Chúa để chỉ lúc thì Thiên Chúa lúc thì Ðức Giêsu Kitô 410 lần ; từ Thiên Chúa 258 lần.

 

Luật không sắc dụ 22,27 : "Chúng ta phải luôn lấy lòng mình làm đền thờ và ngôi nhà Chúa ngự (x. Ga 14,23) : Người là Thiên Chúa toàn năng, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần".

 

Thư gởi Tín hữu 48-56.

 

Ðiệp ca Bộ Kinh thương khó : "Bà là ái nữ và nữ tỳ của Ðức Vua cao cả là Chúa Cha trên trời. Bà là thân mẫu của Chúa chí thánh chúng con, Ðức Giêsu Kitô. Bà là hiền thê của Chúa Thánh Thần".

Như thế, những mối tương quan thiêng liêng thân mật nhất thiết lập giữa Thiên Chúa, Ðức Maria, các kitô-hữu, luôn mang dấu ấn Ba Ngôi.

 

3. Những gì chúng ta nói cho tới nay cũng liên quan đến mỗi một Ngôi vị trong Ba Ngôi và chưa liên hệ đặc biệt tới Chúa Cha. Nhưng một số bản văn quan trọng khẳng định một cách không thể chối cãi đến địa vị độc nhất của Chúa Cha, nghĩa là đến sự kiện Chúa Cha là nguyên lý, nguyên thủy mà mọi sự phát xuất và quy về.

 

Luật không sắc dụ 23,1-5 ; Thư gởi Tín hữu 4-14 ; Huấn ngôn 1,1

 

Thiên Chúa Cha là Ðấng tạo dựng vũ trụ và con người, Ðấng đã cho Chúa Con sinh ra, Ðấng đã cứu chuộc chúng ta qua cái chết của Con Một của Người, Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu sống lại vinh quang, Ðấng đã cho những ai nhận biết, tôn thờ và phụng sự Cha trong đời sống hoán cải được thừa hưởng vương quốc. Vị Cha mà không con người tội lỗi nào xứng đáng xưng tụng danh Người, được xem là ngôi vị khác biệt với Chúa Con và Chúa Thánh Thần ; các Ngôi vị này đến ở vị trí thứ hai và được mời gọi tạ ơn Chúa Cha hợp theo ý Người. Trường phái Phan sinh thừa hưởng cái nhìn nhất quán đó về công trình của Chúa Cha, nguồn gốc vĩnh cửu của thần tính, nguồn gốc tuyệt đối của các thụ tạo, Ðấng khởi xướng ơn cứu độ.

 

Viễn tượng Ba Ngôi vạch ra ở đây vén mở hai trực giác nền tảng nơi Phanxicô : một mặt, Thiên Chúa mà ngài tuyên xưng và cử hành là Thiên Chúa Cha-Con-Thánh Thần, không phải là một Thiên Chúa trừu tượng hoặc không có Ngôi vị ; mặt khác, trong mầu nhiệm Ba Ngôi, trung tâm và cực tuyệt đối, đó là Chúa Cha, nguyên lý duy nhất, vị Chủ tể.

 

B. KINH NGHIỆM VỀ TÌNH CHA NHƯ LÀ NGUỒN MẠCH : ÐỨC GIÊSU VÀ CHA CỦA NGƯỜI

 

Các di cảo còn trình bày cho chúng ta một viễn tượng khác : mối tương quan song đối giữa Chúa Cha và Chúa Con.

 

Thiên Chúa được chúng ta biết đến như là Cha nhờ sự mạc khải của chính Con của Người, mà Phanxicô thường gọi là "Con yêu dấu của Chúa Cha", "Chúa tể của vũ trụ", "Thiên Chúa và Con Thiên Chúa", "Người Con tối cao của Thiên Chúa". Mọi cách diễn tả đều nối kết vinh quang của Ðức Kitô với vinh quang của Chúa Cha. Nhưng nhất là với tư cách là Lời vĩnh cửu của Chúa Cha, và là Lời nhập thể, mà Ðức Kitô mạc khải Chúa Cha cho chúng ta, Ðấng là nguyên thủy của mọi sự thiện, nghĩa là nguyên thủy của tạo dựng và cứu chuộc.

Các thánh vịnh trong Bộ Kinh thương khó, lời kinh hiến tế (Luật không sắc dụ 23,41-55 ; Thư gởi Tín hữu 56-60), sứ vụ của Ngôi Lời và lời kinh của Ngài (Thư gởi Tín hữu 4-14) cho chúng ta chiêm ngắm cuộc đối thoại, sự trao đổi giữa Chúa Cha và Chúa Con. Ở đây vai trò thứ nhất, trung tâm của Chúa Cha được nêu rõ : Thiên Chúa quả thực là Cha của Con Một Người ; Người xuất hiện trước hết như là "Cha của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (2 Cr 1,3). Phanxicô đã khám phá ra tình phụ tử của Thiên Chúa ở ngay chính nguồn gốc : đó không phải là tình cha đối với loài người, nhưng là mối dây duy nhất giữa Thiên Chúa Cha và Con của Người - Ngôi Lời - Ðức Giêsu.

 

C. "KINH LẠY CHA" NHƯ LỜI KINH CỦA LOÀI NGƯỜI

 

Trong di cảo, có khá nhiều lời kinh mà Phanxicô và anh em của ngài mời gọi cầu nguyện với Thiên Chúa hay dâng trực tiếp lên Thiên Chúa. Những lời kinh này, hoặc dưới hình thức một "lời mời gọi", hoặc dưới hình thức một lời kinh trực tiếp, gồm tất cả 15 kinh (5 lời mời gọi, 10 kinh). Trong số này 11 kinh hướng về Chúa Cha, 2 kinh hướng về Ðức Kitô, 2 kinh hướng về Ðức Maria. Trừ lời kinh trước tượng Thánh giá mà người ta nghe thấy tiếng "con" cá nhân, và kinh Kính chào Ðức Trinh nữ Maria không có chủ từ, mọi lời kinh khác đều được thốt lên ở số nhiều, bởi một tập thể, một cộng đoàn.

 

Lời cầu nguyện của Phanxicô ưu tiên hướng về Chúa Cha chí thánh, Chúa Cha rất tốt lành. Bởi vì Phanxicô bị đánh động trước tiên bởi sự cao cả và sự siêu việt của Thiên Chúa mà "không ai đáng gọi danh Người" (Bài ca Anh Mặt Trời). Ðứng trước Người, con người phải im tiếng, phải câm lặng, hoặc thốt lên vô vàn danh hiệu gợi lên sự cao cả và tuyệt hảo của Người. Do đó mà ngài thường xuyên cầu nguyện theo kiểu kinh cầu, liệt kê ra các uy thế của Chúa Cha :

 

"Ngài là Thiên Chúa thánh thiện,

duy mình Ngài làm nên những kỳ công !

Ngài vĩ đại, Ngài cao cả,

Ngài là Vua toàn năng,

Lạy Cha chí thánh, Ngài là Vua thống trị trời đất"

                (Kinh Ngợi khen Thiên Chúa tối cao)

 

Song song với việc thờ phượng Chúa Cha, trong sự vĩ đại, trong mầu nhiệm, trong vinh quang của Người, Phanxicô cùng với toàn thể nhân loại ca ngợi lòng thương xót, lòng khoan dung, sự gần gũi với những người khiêm hạ và bé nhỏ, lòng quan tâm ưu ái đối với các tạo vật.

"Ngài là tình yêu, Ngài là suối nước mát mẻ,

Ngài là sự sống đời đời cho chúng con"

        (Kinh Ngợi khen Thiên Chúa tối cao)

 

III. PHANXICÔ SỐNG MẦU NHIỆM CHÚA CHA

 

A. TÌNH HUYNH ÐỆ CỦA CÁC CON CÁI THIÊN CHÚA

 

Kể từ khi Phanxicô nhận ra trong Ðức Kitô Người Con yêu dấu của Chúa Cha, Ðấng dẫn đưa chúng ta về với Người, những mối giây mới mẻ đan dệt trong một tình huynh đệ phổ quát chung quanh chính Con Một của Thiên Chúa : Cha của Ðức Giêsu là Cha của chúng ta, Cha của mọi người, Cha của mọi tạo vật. Cũng một từ "Anh" mà chúng ta gán cho Con Thiên Chúa, do sự nhập thể của Người, kể từ nay phù hợp với mọi hữu thể phát xuất từ bàn tay Thiên Chúa, và đặc biệt với những người mà Con Chúa mời gọi nhận ra mình là nghĩa tử. Do đó, tình huynh đệ phổ quát nói lên một nguồn gốc chung, một tình yêu chung sản sinh và phong nhiêu đã đưa mọi vật vào trong hiện hữu và ước muốn sự thành toàn và hạnh phúc của chúng.

 

Khẳng định niềm tin mạc khải đó không chỉ gợi lên nơi Phanxicô một sự gắn bó về phương diện trí thức, nhưng hơn thế nữa, một linh đạo huyền nhiệm và tình cảm. Với hết tình âu yếm, Phanxicô nhìn nhận mỗi hữu thể trong mối tương quan với Thiên Chúa, với Ðức Kitô, với con người. Từ sự chiêm ngắm đó tuôn trào bài ca tạ ơn, thán phục và niềm vui của ngài. Cũng chính mối tình huynh đệ đối với mọi người đã làm cho ngài biết kính trọng mỗi nhân vị trong cuộc hành trình riêng của họ, trong lịch sử riêng của họ, cho dù ngài biết rằng lịch sử đó bao gồm nhiều yếu đuối và tội lỗi. Ngoài ra, trái tim của ngài đầy tràn lòng thương xót đối với người tội lỗi, bởi họ gợi lại cho ngài tình yêu cứu chuộc của Ðức Kitô. Thánh Bonaventura đã mô tả khéo léo thái độ thường hằng đó của Phanxicô :

 

"Tình cảm rất tự nhiên của ngài đã làm ngài trở nên anh em của các tạo vật ; ta đừng ngạc nhiên khi thấy lòng yêu mến Ðức Kitô càng làm cho ngài trở nên anh em với những ai mang hình ảnh Ðấng tạo hóa và được cứu chuộc bằng máu của Người. Ngài chỉ coi mình là bạn hữu Chúa Kitô khi ân cần lo cho các linh hồn mà Chúa đã cứu chuộc. Ngài nói không gì quan trọng hơn việc cứu rỗi các linh hồn và ngài nêu lên bằng chứng là Con Một Thiên Chúa đã đoái thương đến chịu treo trên thập giá vì các linh hồn. Vì thế ta mới hiểu tại sao ngài tận tụy cầu nguyện, hăng say rao giảng và hãm mình quá đáng để làm gương" (Ðại truyện 9,4).

B. SỰ TIN TƯỞNG PHÓ THÁC CỦA NGƯỜI CON VÀ ÐỨC NGHÈO

 

Phát xuất từ một thế giới mới của tầng lớp những thương gia trưởng giả và từ một gia đình khá giả, Phanxicô một khi đã hiến thân cho Ðức Kitô, và ngay từ thuở đầu, đã chọn đức nghèo, ngay cả trước khi nghĩ đến đời sống tu trì theo nghĩa cơ chế. Ngài đã rất sớm hiểu rằng, sự sung túc và lòng tham lam của những người giàu có đã làm nảy sinh chủ nghĩa vật chất, hưởng thụ và một khao khát quyền lực trái với Tin Mừng. Ước muốn đi theo Chúa Kitô đã dẫn ngài cách tự nhiên đến việc từ bỏ của cải và sự gắn bó với thế gian ; đó cũng là chủ trương của các nhóm hay các huynh đoàn Tin Mừng của thời ngài. Những người này đã sống chọn lựa đó như là một phản kháng ít nhiều mạnh mẽ chống lại sự giàu có của Giáo Hội và của các giáo sĩ và sự giàu lên của xã hội thành thị mới. Nhưng nếu huynh đệ đoàn Phan sinh, do chính lối sống, đã gây nên một sự phản kháng đối với Giáo Hội và xã hội kinh tế, mục tiêu mà Phanxicô theo đuổi trước tiên không phải thuộc về lãnh vực kinh tế hay xã hội, nhưng thuộc lãnh vực đối thần. Ngài chọn một lối sống nghèo cá nhân, theo nghĩa Tin Mừng và thần bí (mystique).

 

Trước tiên, noi gương Con Thiên Chúa, Ðấng vốn giàu sang đã trở nên nghèo khó ở trần gian, nhưng theo cùng một chuyển động, một sự nhìn nhận lãnh vực chủ quyền của Chúa Cha Sáng tạo, Ðấng mà mọi sự thiện đều thuộc về, đối với Phanxicô, đức nghèo khó Tin Mừng là đòi buộc cho những ai muốn đi theo Ðức Kitô nghèo khó, trong mối tương quan hiếu thảo với Chúa Cha. Cũng chính vì thế mà của bố thí được thánh Phanxicô xem như là phần gia nghiệp và quyền lợi của người nghèo : "Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã thủ đắc cho..." (Luật không sắc dụ 9,8).

Ở đây chúng ta vượt quá một thứ chủ nghĩa quan phòng hơi ngây thơ, nghĩ rằng Thiên Chúa phải luôn đáp ứng những ước muốn cũng như những nhu cầu của chúng ta, ngay cả bằng một vài phép lạ. Trái lại đây là một thần học về tạo thành hoàn toàn đặt nền tảng trên tình yêu tự do của Thiên Chúa Tình yêu, Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần, Ðấng đã tạo dựng tất cả và đã xếp đặt tất cả nhờ Ðức Kitô và cho Ðức Kitô, và Người chờ đợi con người biết chia sẻ cách tự do và quảng đại các của cải đã được dựng nên cho mọi người.

 

IV. KẾT LUẬN

 

Trong các di cảo rất đồ sộ của thánh Phanxicô, Thiên Chúa xuất hiện như là Cha, nhưng tương quan phụ tử đó rất hiếm khi đặt trong liên hệ trực tiếp với loài người. Thiên Chúa là Cha vì bởi mầu nhiệm Ba Ngôi, nhất là vì Con của Người và những mối tương quan giữa Ðức Giêsu với Người. Ðó chính là những mối tương quan mà Phanxicô đề ra, suy niệm và chiêm ngắm, là mẫu gương duy nhất và tối cao của điều mà, nhờ ơn của Chúa Thánh Thần, con người có thể trở thành.

 

Phanxicô khám phá Chúa Cha là như thế nào đối với Con khởi từ lời nguyện hiến tế trong Ga 17 và lời kinh đau thương tại vườn Cây Dầu.

 

Chúng ta cũng lưu ý tới ảnh hưởng quan trọng của thánh sử Gioan trên cái nhìn thần học về Ba Ngôi của Phanxicô.

 

Tóm lại, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, trung tâm của đức tin Kitô-giáo, cũng là trung tâm của cái nhìn của thánh Phanxicô. Ðức Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống, nhưng tất cả đều nhằm đưa chúng ta về với Chúa Cha.

 

(Viết theo : Luc Mathieu ofm., Dieu Père.

Thaddée Matura ofm., Dieu comme Père)