DỤ NGÔN NGƯỜI CHA
NHÂN HẬU
CHÚA
CHA CHO TA TRỞ THÀNH NGƯỜI TỰ DO
Lm.
Micae Trần Đình Quảng
Đoạn văn Lc 15,11-32 có thể được coi như Tin Mừng về sự tự do, giúp ta
khám phá khuôn mặt của Chúa Cha, Đấng làm cho ta trở thành những người tự do.
Nó cũng giúp ta tìm ra con đường tự do mà chúng ta phải đi qua để có kinh
nghiệm về sự tự do này.
Người ta quen gọi đoạn Tin Mừng trên đây là “dụ ngôn về người con phung
phá”. Nhưng đúng hơn, nên gọi là “dụ ngôn về người cha nhân hậu”. Quả thực, vai
chính trong câu truyện không phải là người con (hoặc các người con, nếu kể thêm
người con cả), mà là người cha.
I. NGƯỜI CHA
Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa qua người cha
mà Luca trình bày. Đặc điểm chính của người cha này là khiêm nhường. Trước hành
vi của đứa con thứ muốn được tự do liệu lý cuộc sống của mình và sử dụng phần
gia sản được chia cho, ông không tỏ dấu phản đối. Ông để con mình ra đi, chấp
nhận quyết định của nó, sau đó chỉ còn biết mong ngóng đêm ngày.
Qua hình ảnh người cha này, ta có thể thấy đặc tính thứ nhất của Thiên
Chúa là khiêm nhường. Chỉ mình Thiên Chúa có thể khiêm nhường thật sự. Ngài xóa
mình đi để làm cho ta hiện hữu. Các nhà thần bí Dothái diễn tả thái độ này của
Thiên Chúa bằng kiểu nói “zim zum”, nghĩa là Thiên Chúa thu mình lại để cho tạo
vật lộ ra. Kiểu nói tuy hơi quá, nhưng lại cho thấy một thực tại phi thường :
Thiên Chúa nhường chỗ cho tạo vật. Nói khác đi, Thiên Chúa muốn tự giới hạn
mình, để ta có thể sống như những con người tự do. Ngài có thể làm mọi sự,
nhưng không thể cứu ta nếu ta không muốn.
Sự khiêm nhường của Thiên Chúa là như thế. Là Đấng Toàn Năng, Vô Biên,
nhưng một cách nào đó đã hạn chế quyền năêng của mình trước mầu nhiệm của con
người đã được Ngài tạo dựng. Không chỉ có con người trụt giầy ra trước mầu
nhiệm Thiên Chúa (vì chỗ con người đứng là chỗ thánh), mà, qua câu truyện dụ
ngôn, chính Thiên Chúa cũng “trụt giầy ra” trước tạo vật, vì tâm hồn con người
là nơi thánh. Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của con người tới cùng. Ngài hành
động như thế vì khiêm nhường. Jean Tauler nói : “Sự khiêm nhường là nhân đức ẩn
tàng nơi sự sâu thẳm của Thiên Chúa”.
Đặc tính thứ hai là hy vọng. Người cha hay Chúa Cha khiêm nhường đó, đã
để cho con mình ra đi sống cuộc đời tự do, lại cũng chính người cha ngày ngày
tựa cửa mong ngóng con trở về. Câu 20 cho biết : “Anh ta còn ở đằng xa, thì
người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta…”. “Anh ta
còn ở đằng xa”, lời này muốn nói lên điều gì ? Muốn nói rằng người cha đã mòn
mỏi đợi con. Nơi Thiên Chúa, chúng ta có thể gọi thái độ này là sự hy vọng của
Thiên Chúa. Hy vọng là danh xưng khác của khiêm nhường. Nếu khiêm nhường là
dành chỗ cho người khác hiện hữu, thì hy vọng là mong muốn cho người đó hiện
hữu.
Thiên Chúa của Đức Giêsu là Thiên Chúa của hy vọng, theo hai nghĩa :
Ngài là Thiên Chúa của lời hứa, và như vậy là cơ sở bảo đảm cho niềm hy vọng
của con người ; Ngài vui sướng và ăn mừng vì một người con trở về. Như vậy dụ
ngôn cho thấy những thái độ của Thiên Chúa, thể hiện qua những hành vi của
người cha, có nguồn gốc sâu xa từ đâu : từ sự khiêm nhường và hy vọng. Những ai
quan niệm về Thiên Chúa theo kiểu Aristote sẽ không hiểu được những thái độ
này, và hẳn không thể chấp nhận vì nghĩ rằng Thiên Chúa làm như thế sẽ là một
Thiên Chúa bất toàn.
Do đâu mà chúng ta có thể nói về sự khiêm nhường và hy vọng của Thiên
Chúa ? Do đâu mà người cha đã chạnh thương và chạy lại gặp con ? – Đó là do tấm
lòng của người cha, của Thiên Chúa. Trong tiếng Dothái, có thể dùng hai từ để
chỉ tình yêu của Thiên Chúa : hesed và rachamim. Hesed nói lên một tình yêu có
màu sắc nam tính, cho thấy một Thiên Chúa uy dũng và tín thành, là sự bảo đảm
cho ta ; rachamim, được Cựu Ước sử dụng, có nghĩa đen là “lòng dạ người mẹ”,
nói lên một tình yêu có màu sắc nữ tính, tình yêu của một người mẹ, không phải
vì công trạng nào của con, nhưng chỉ vì nó là con mình (có thể thấy điều này trong
Is 49,14-16 ; 63,16 ; Gr 31,20 ; Tv 131).
Đặc tính thứ ba của người cha trong dụ ngôn là lòng trắc ẩn
(compassion). Tình yêu phát xuất từ lòng dạ người mẹ là một tình yêu đầy lòng
trắc ẩn. Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn nên hằng chờ mong con cái trở về. Ngài yêu
thương như một người mẹ, bằng một tình yêu nhân từ. Có thể suy nghĩ về tình yêu
của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, để giúp ta hiểu hơn tình yêu của Thiên Chúa như
một người mẹ, vì tình yêu của Mẹ Thiên Chúa là hình ảnh của tình yêu này. Qua
cách diễn tả của Kinh Thánh và thần học về tình yêu của Mẹ Thiên Chúa, ta sẽ
thấy tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu nhưng không và tỏa rộng, một tình
yêu trung thành dù con người bất trung, một tình yêu chờ đợi tạo vật đáp ứng.
Cũng câu 20 còn cho biết đặc tính thứ tư là sự can đảm. Hãy nhìn cảnh
người cha chạy lại gặp con. Theo não trạng Sêmít, hành vi này thật chướng,
không xứng với địa vị của người làm cha. Đúng lý ra, người con chạy lại và quỳ
sụp dưới chân cha mới phải. Đàng này, người cha lại cất công đi gặp con, còn
chạy đến với anh ta nữa, quả là quá đáng. Ở đây, chúng ta bắt gặp một người cha
không sợ mất mặt, thậm chí không ngại bị đàm tiếu hay những điều xấu nào đó có
thể xảy ra cho mình.
Uy tín của người cha không ở chỗ giữ một khoảng cách đối với con cái,
nhưng ở chỗ yêu chúng và biết cách diễn tả tình yêu này. Có thể gọi đặc tính
thứ tư này là sự can đảm. Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu can đảm. Can
đảm phá bỏ mọi thứ an ninh giả tạo để sống trong sự an ninh đích thực duy nhất
do tình yêu mang lại. Can đảm đến với người khác khi biết vượt qua những khoảng
cách thường được tạo ra chỉ vì không có khả năng yêu thương. Quả thực, lắm
người hành xử độc đoán, muốn ra uy, nhất là khi có quyền, thường chỉ là vì
không có khả năng yêu thương, do đó thấy cần phải bảo vệ uy quyền bằng cung
cách hành xử đó.
Đặc tính thứ năm là niềm vui. Khi thấy con trở về, người cha đã sung
sướng như một đứa trẻ. Ông ôm hôn anh ta, bảo đầy tớ mặc cho anh ta áo đẹp
nhất, xỏ nhẫn vào tay anh ta, xỏ dép vào chân anh ta, giết bê béo làm thịt ăn
mừng anh ta. Những việc đó là cách biểu lộ niềm vui của ông, một niềm vui đặc
biệt. Đó chính là niềm vui trên trời dành cho một người tội lỗi hối cải. Đó
chính là niềm vui của Thiên Chúa, một Thiên Chúa biết vui mừng sau khi đã phải đau
khổ, cũng những người cha trong dụ ngôn đã đau khổ vì có tấm lòng của người mẹ
(tuy sự đau khổ này không được nói rõ trong câu truyện). Trong mầu nhiệm thập
giá, sự đau khổ của Thiên Chúa đạt tới tột đỉnh. Chúng ta tin vào một Thiên
Chúa chịu đau khổ, vì Ngài là một Thiên Chúa yêu thương. Do đã đau khổ, người
cha không thể không vui mừng khi thấy con trở về, và trở về chính ngôi nhà mà
anh ta đã tự ý lìa bỏ.
Tất cả những điều trên giúp ta hiểu đặc tính cuối cùng là sự đau khổ
của Thiên Chúa. Người cha trong dụ ngôn là hình ảnh của một Thiên Chúa không
thờ ơ với những thăng trầm và đau khổ của con người, một Thiên Chúa chịu khổ và
biết chịu khổ vì yêu thương tạo vật. Trong dụ ngôn, có một câu rất quan trọng,
cho biết lý do vì sao Thiên Chúa đau khổ và vui mừng. Đó là câu 24, được lặp
lại ở câu 32 : “Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm
thấy”. Quả là những lý do đáng suy gẫm lắm.
Lý do thứ nhất làm người cha đau khổ là vì con ông “đã chết”. Tức là
anh ta đã tự hủy hoại đời mình. Lý do thứ hai là vì con ông “đã mất”, tức là đã
lìa xa ông, đã rời bỏ cha của anh ta. Hãy lưu ý thứ tự trước sau của hai lý do
mà người cha đưa ra. Thiên Chúa đau khổ trước hết vì con người đau khổ, sau đó
Ngài đau khổ vì con người rời bỏ Ngài. Một tình yêu “thật” phải là như vậy.
Tiên vàn không phải là nỗi đau riêng của mình, nhưng là nỗi đau của người khác,
đau vì người đó như “đã chết”.
Chính tình yêu làm cho Thiên Chúa có thể chịu khổ theo cách ấy. Nếu
Thiên Chúa không thể yêu, Ngài cũng không thể chịu khổ. Mầu nhiệm đau khổ của
Thiên Chúa là mầu nhiệm về khả năng yêu thương vô hạn của Ngài. Nếu không như
thế, chúng ta chỉ là những con rối trước mầu nhiệm Thiên Chúa. Jacques Maritain
đã không ngần ngại khẳng định rằng đề tài về sự đau khổ của Thiên Chúa giúp ta
hiểu vì sao Lời Chúa đôi khi bị đánh giá thấp so với lời của Aristote, hơn là
ngược lại. Thiên Chúa của Aristote không thể chịu khổ. Nhưng Thiên Chúa của
Kinh Thánh thì khác. Ngài là một Thiên Chúa đau khổ vì yêu, vì chia sẻ những
tình huống nhân loại của ta, vì đã trở nên nghèo khó do lòng thương ta. Ngài là
một Thiên Chúa không đóng kín cửa lòng để chỉ biết có mình, nhưng đồng hành với
con người trong lịch sử của họ.
II. HAI NGƯỜI CON
Dụ ngôn còn nói đến hai người con, và người con thứ được nói trước. Tội
của người con này, tự cơ bản, là ở chỗ nào ? – Anh ta đã xin với cha : “Thưa
cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”. Và người cha đã chia của cải cho
các con. Lưu ý đến từ Hylạp “tôn bion” được sử dụng để chỉ gia sản : tôn bion
có nghĩa là sự sống. Gia sản là cái giúp anh ta sống. Như vậy, người con phung
phá cương quyết không muốn cha mình xen vào cuộc đời của mình. “Xin cho con
những gì con được hưởng để con sống như con muốn”. Những ai có kinh nghiệm hoán
cải đều biết rõ sống mà coi như không có Thiên Chúa sẽ ra sao. Tội của người
con phung phá, hình ảnh của mọi tội lỗi, là thứ tội muốn tự liệu lý cuộc đời
mình, không muốn phó thác nó cho Thiên Chúa một cách vô điều kiện.
Tội ấy đưa người con này tới đâu ? – Tới chỗ “thu góp tất cả rồi trẩy
đi phương xa… sống phóng đãng, phung phí tài sản”. Trong bản văn Hylạp, những
động từ, trạng từ, tính từ được sử dụng diễn tả sự đi xa của người con, sự
phung phí tài sản cũng như những hệ quả đáng buồn.
Câu 16 cho thấy điều kiện sống tồi tệ của nó. Đọc câu này trong ngữ
cảnh Sêmít, chúng ta mới thật sự cảm thấy ngao ngán. Trước hết, ăn uống với
nhau có nghĩa là hiệp thông sự sống (một yếuu tố rất quan trọng trong bữa Tiệc
ly). Dùng cùng những đồ ăn thức uống là đi vào hiệp thông sự sống với các người
dự tiệc. Hơn nữa, nơi dân Israel, heo được coi là con vật nhơ bẩn nhất, biểu
tượng cho sự dữ, sự tha hóa. Người con phung phá này còn ước ao ăn đậu muồng
dành cho heo nữa, mà chẳng ai cho. Chi tiết này cho thấy anh ta không còn chút
phẩm giá nào, đến nỗi muốn hiệp thông với heo, muốn sống điều kiện của heo.
Cách diễn tả của dụ ngôn bày tỏ sự sâu sắc của bi kịch tội lỗi. Muốn tự liệu lý
cuộc đời của mình là không còn sống nữa, là đánh mất ý nghĩa, vẻ đẹp, sức mạnh
và bản chất của cuộc đời mình. Người con phung phá biết vậy. Rồi điều gì xảy ra
? Anh ta hình dung trong trí lộ trình đi từ giàu có đến nghèo khó. Anh đã chọn
sự giàu có, muốn làm chủ đời sống, thì giờ đây anh đến trước mặt Thiên Chúa như
một người nghèo khó, xưng thú sự hư không của mình. Lộ trình này cũng là lộ
trình của bất cứ một cuộc hoán cải nào, diễn ra trong năm bước được trình bày
vắn tắt dưới đây.
1. Bước đầu của hoán cải là cảm thấy mình đang sống xa cách, không
thoải mái. Cuộc hoán cải nào cũng khởi đầu bằng cách nghĩ tới mình : cảm thấy
mình xấu và đương nhiên muốn được tốt. Cầu lưu ý câu 17 : “Biết bao người làm
công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta…”. Người con phung phá cũng cảm
nghiệm nỗi cơ cực của mình khi đối chiếu với những người làm công ở nhà cha.
Như vậy, bước đầu trở về nhà, trở về với Thiên Chúa, là nhận ra sự xa cách, sự
tha hóa và sự lầm than của mình.
2. Bước thứ hai là nhớ về nhà cha khi thấy sự tương phản giữa cái đói
mình đang phải chịu và cơm dư gạo thừa mà những người làm công, những người
không phải là con cái, đang được hưởng ở nhà.
3. Bước thứ ba là nhận ra sự lưu đày trong chính nội tâm mình. Đây là
kết quả của hai yếu tố : nhận thấy mình khốn khổ và hồi tưởng sự sung túc đã
mất. Nhận ra sự xa cách chưa đủ đâu ! Phải biết rằng cội rễ sâu xa của sự dữ là
xa lìa Thiên Chúa. “Thưa cha, con đã đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn
đáng gọi là con cha nữa”. Lưu đày là xa lìa Đấng yêu thương ta vô vàn, là bỏ
mất nhà cha vì phạm tội.
4. Bước thứ tư là hướng tới tương lai. Khi đã nhận ra sự lưu đày trong
chính nội tâm mình thì quyết định từ bỏ quá khứ và hướng tới tương lai, muốn
làm lại cuộc đời ở nhà cha. Vì sao ? - Vì ở đó có người cha tốt lành và yêu
thương. Hoán cải mà không có bước thứ tư này sẽ không có kết quả. Quả thực, sau
khi đã nhận ra tình trạng của mình, còn phải tin tưởng và hy vọng có thể làm
lại cuộc đời. Bi kịch của Giuđa khác với bi kịch của Phêrô là ở điểm này : cả
hai đều đã phản bội Chúa. Tội của Phêrô thậm chí còn nặng hơn, vì ông đã nhận
được nhiều hơn. Nhưng Giuđa thì dừng lại ở bước thứ ba. Đau đớn vì xa lìa Chúa,
Giuđa đã không dám đi bước tiếp, là tin tưởng và hy vọng vào Chúa. Ngược lại,
Phêrô đã khóc lóc, nhưng còn tin vào ơn tha thứ và thương xót.
5. Bước thứ năm và cũng là bước cuối cùng : đứng lên đi về cùng Cha.
Tất cả những gì nói trong bốn bước trên đây phải được thể hiện bằng một hành
động cụ thể là đi về nhà Cha. Hành động này được gọi là sự giao hòa bí tích,
bày tỏ bên ngoài điều đang xảy ra bên trong tâm hồn. Thiếu quyết định dứt khóat
này, sự hoán cải vẫn chỉ là một ước muốn đạo đức, và sẽ không thể hiện trong
một cuộc sống mới làm thay đổi vận mệnh một con người. Chính nhờ biết quyết
định như vậy mà người con phung phá tìm lại được sự tự do của mình, và trở lại
làm một người nghèo. Người con phung phá đã thực sự hoán cải là ở điểm đó. “Con
chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha
vậy”. Anh ta đã hoàn toàn để cho cha định liệu mọi sự. “Cha muốn làm gì về con
thì làm. Con không muốn liệu lý cuộc đời của con nữa, mà để cha liệu lý cho
con, vì cha là cha của con”. Con đường giải thoát là con đường đi từ giàu có
tới nghèo khó, từ chỗ thoát khỏi Cha để sống cho mình tới chỗ thoát khỏi mình
để sống cho Cha, hướng về Thiên Chúa, hoàn toàn và vô điều kiện.
Sau cùng, chúng ta nhìn tới người con cả, nhân vật thứ ba và cũng là
nhân vật cuối cùng trong dụ ngôn. Anh là người luôn sống ở nhà, gần gũi bên
cha. Nhưng chính sự gần gũi này giúp cho ta thấy ngay một điều : gần gũi bên
ngoài không nhất thiết gần gũi bên trong. Người ta có thể sống cả đời trong một
đan viện mà vẫn không yêu mến Thiên Chúa. Nhà Chúa không phải là chỗ bảo đảm.
Quan trọng là sự gần gũi trong tâm hồn, yêu Chúa trong lòng.
Vậy điều gì đã xảy ra cho người con cả này ? Cũng có bi kịch. Ở ngoài
đồng về gần đến nhà, anh nghe thấy tiếng đàn hát và bắt đầu nghi ngờ, rồi hỏi
han, rồi tức giận, rồi không chịu vào nhà. Anh không chịu làm hòa với người cha
đã tha thứ cho em của anh. Quả là cùng một tội không khác với tội của người em,
tức là muốn tự mình liệu lý cuộc đời mình, coi mình như trọng tài phán xử điều
tốt điều xấu. Đâu có khác việc làm của đứa em phung phá. Cho dù anh vẫn ở bên
Cha, nhưng lại xa cách Cha đến độ thuộc vào số những người đòi xét đoán cuộc
đời và tâm hồn người khác.
Trước thái độ ấy, người Cha đã làm gì ? – Một lần nữa ông lại khước từ
địa vị của mình. Ông ra ngoài, năn nỉ, hầu xin anh bỏ qua cho tình yêu của ông.
Những gì con cả nói với cha đều đúng hết (c. 29-30). Nhưng trước thái độ có
tính chất xét xử này, ông mời gọi anh hoán cải : từ bỏ lôgic của công trạng để
đi vào lôgic của tình yêu. “Em con đây đã chết, nay lại sống, đã mất, nay lại
tìm thấy. Vậy phải ăn mừng hoan hỷ”. Ông cũng mời gọi anh trở về với sự nghèo
khó, vượt qua sự giàu có của người muốn xét xử mọi người và mọi sự để đi tới sự
nghèo khó của người để cho Thiên Chúa hướng dẫn và xét xử mình. Thực ra, người
con cả giúp cho ta hiểu rằng : điều quan trọng là có một người xét xử trong
cuộc đời của ta. Chúng ta đã đánh mất ý thức và vẻ đẹp của một Thiên Chúa xét
xử. Đó là một Đấng có thể cho ta biết ta thật sự là ai và như thế nào.
Chúng ta cần được xét đoán, nhưng chỉ có sự xét đoán của Thiên Chúa mới
nói đúng về ta, chứ không phải sự xét đoán của con người. Người con cả là người
không cần Thiên Chúa làm quan án, vì chính anh làm quan án cho mình. Anh dành
lấy cho mình chỗ của Thiên Chúa. Nhưng cha anh lại mời gọi anh đi vào lôgic của
sự nhưng không (gratuité), đừng xét đoán theo lôgic của lý trí, nhưng đặt ưu
tiên cho tình yêu.
Dụ ngôn chấm dứt ở đây. Và chúng ta bước sang một vấn đề khác, vì dụ
ngôn không cho biết các sự việc kết thúc như thế nào. Chúng ta muốn biết người
con thứ sẽ sống ra sao sau khi trở lại, và điều gì sẽ xảy ra cho người con cả.
Có thể đặt giả thiết như sau : dụ ngôn không nói gì thêm và chấm dứt ở đây, vì
thực ra, nó phải tiếp tục trong cuộc sống của mỗi người chúng ta. Nói cách
khác, chúng ta phải tiếp tục sống điều Tin Mừng đã dạy, điều đã được kể lại
trong dụ ngôn.
Một người đã từ chỗ giàu có đi tới chỗ nghèo khó thì sẽ sống thế nào ?
Ai đã chấp nhận để cho Thiên Chúa hoàn toàn liệu lý cuộc đời mình ?
Đó là điều chúng ta phải tìm kiếm trong kinh nguyện và chiêm niệm.
(Theo Bruno Forte, Dans la mémoire du
Sauveur, Ed. Paulines, 1991, trang 55-68)