TRÀO LƯU MESSIA TRONG CỰU ƯỚC


ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc

I. TRÀO LƯU MESSIA - NGÔN SỨ.

Dân Chúa là dân sinh ra nhờ Lời Chúa. Dân Israel sống lịch sử của mình dưới sự phân xử của Lời Chúa. Israel không thấy Thiên Chúa, nhưng chỉ nghe Thiên Chúa. Ơn gọi của Israel "hiện thân" nơi một con người đặc biệt : con người ấy là Môsê. Đó là con người được Thiên Chúa trao phó cho Danh Giavê (Xh 3,14), là con người được đàm thoại với Thiên Chúa diện đối diện (Đnl 5,4). Đó là con người "đứng giữa" Thiên Chúa và Dân, là tiếng Thiên Chúa nói với con người, và tiếng con người nói với Thiên Chúa (Đnl 5,5).

Môsê là hiện thân ơn gọi của Israel, là dân của Lời, đến nỗi tương lai và niềm hy vọng của Dân này lúc nào cũng qui chiếu về gương mặt của ông : "Ta cho chỗi dậy giữa anh em chúng một tiên tri như ngươi. Ta sẽ đặt lời của Ta nơi miệng nó và nó sẽ nói với chúng mọi điều Ta truyền cho nó" (Đnl 18,18).

Điều đó có nghĩa là bao lâu Israel tồn tại, Israel sẽ luôn luôn là Dân của Lời và sẽ không thiếu sứ ngôn (Am 2,11 ; Gr 7,25).

Nhưng lời nói ấy cũng mang một chiều hướng "chủ vị", biểu lộ sự chờ đợi một "Môsê" mới đánh dấu giai đoạn Xuất Hành Mới và Giao Ước Mới.

Vai trò tiên tri của Môsê hàm chứa cả các chứùc năng tư tế và vương đế, nhưng sau ông, các chức năng đó tách biệt dần, để rồi chỉ còn chức năng tiên tri là đóng vai trò "sứ giả" của Lời, chức năng mạc khải, chức năng của Lời, với tất cả sức mạnh, sự sống động và hữu hiệu của Lời Chúa (Is 55,10-11). Ở giữa lòng vương quốc Israel, các tiên tri luôn luôn là một sức mạnh phê phán đối với giới tư tế và vua chúa, giống như Eâlia là chiến xa và là kî binh của Israel (2 V 2,12), như Giêrêmia được đặt lên để nhổ và phá, để xây và trồng (Gr 1,10). Như Isaia là người luôn khiển trách sự bất trung với giao ước của giới cửa quyền (Is 7,13), luôn chống lại việc phượng tự vụ hình thức do giới tư tế chủ trì (Is 1,13-14).

Khi vương quốc sụp đổ, Dân phải lưu đày và tư tế không còn, lời tiên tri vẫn tồn tại, không bao giờ im tiếng, và chính đóù là điều nuôi dưỡng niềm hy vọng của Israel. Chức năng tiên tri đạt tới cao điểm nơi những bài ca Người Tôi Tớ trong Isaia II (Is 42,1-9 ; 49,1-6; 50,4-9 ; 52,13 - 53,12). Lần đầu tiên, niềm hy vọng tiên tri được diễn tả bằng ngôn ngữ giống như tiên tri Môsê, và Tân Ước sau này sẽ dùng để giải thích công việc và số phận của Đức Giêsu. Các bài ca này diễn tả niềm hy vọng của Israel chuẩn bị đón nhận những lời hứa được loan báo giữa lúc đau khổ và thử thách.

Lời hứa nói về "Người tôi tớ của Giavê", vô tội, được chọn và được sai đi hoàn tất sứ mạng tiên tri trong Israel và đối với dân ngoại : Người sẽ loan báo ơn công chính và lãnh đạo trong cuộc Xuất Hành mới. Bản thân Người trở nên như bản Giao Ước ký kết giữa Thiên Chúa và nhân loại. Người sẽ đau khổ đến mức như bị Thiên Chúa bỏ rơi, và sẽ chết đẫm máu. Nhưng Người chấp nhận tất cả cách kiên nhẫn và dịu dàng, không bao giờ đánh mất lòng tin vô điều kiện vào Thiên Chúa Giavê. Đau khổ của Người như là hậu quả của tội lỗi thế trần, sẽ trở thành nguyên nhân cứu rỗi cho người khác : chịu khổ vì "số đông" và thay cho họ, Người sẽ nhận lãnh cho họ phương dược chữa lành và Người sẽ được Thiên Chúa ban cho vinh quang bất diệt.

Nhân vật Tôi Tớ Giavê giống như một lời giải đáp cho những đau khổ của Dân Lưu Đày, nhằm khơi dậy nơi họ lòng cậy trông vào Thiên Chúa.

Sau này, ngay cả khi "trào lưu tiên tri"gần như tắt hẳn, vẫn còn đó niềm chờ mong Lời xé tan sự thinh lặng của khổ đau và hoàn thành điều Thiên Chúa hứa : "Ước gì Người xé trời Người xuống" (Is 63,19) (so với "trời xé ra" trong Mc 1,10). Người ta chờ mong một tiên tri thời cánh chung, một Êlya mới (Ml 3,23), một Môsê mới sẽ thi hành những dấu lạ, nhữngkỳ công như thời Xuất Hành.

Trào lưu "Messia tiên tri" nảy sinh từ sự gặp gỡ, tiếp xúc giữa lịch sử của Israel với Lời của Thiên Chúa : Lời phê phán và chỉ trích lúc Israel an nhàn và hư hỏng, Lời an ủi vỗ về khi Israel khốn khổ tuyệt vọng. Lời nuôi dưỡng lòng cậy trông của Israel, chờ đợi một tiên tri sẽ tái tạo lại Dân Chúa, đặt Dân dưới quyền phán xử và lòng thương xót của Thiên Chúa. Sấm ngôn Is 61,1-3 mà Đức Giêsu ứng dụng cho mình ở Hội Đường Nazareth diễn tả trọn vẹn sự chờ mong của Cộng Đồng Dân Chúa sau lưu đày (Lc 4,19-19).

II. TRÀO LƯU MESSIA - VUA.

Đối với Israel, lịch sử luôn có một chiều kích tôn giáo, quyền bính cũng thế. Tất cả đều được đọc dưới một cái nhìn tôn giáo, qui chiếu về một số nhân vật nổi bật trong lịch sử Dân Chúa.

Khi suy nghĩ về lịch sử dưới khía cạnh "quyền bính" thì Israel thường qui chiếu về Đavít, vị Thánh Vương đã hoàn tất những lời Thiên Chúa hứa với cha ông, nhưng cũng mở ra cho một thời kỳ hứa hẹn mới, đó là lời Thiên Chúa hứa với Đavít được ghi lại trong lời sấm Natan (2 Sm 7). Lời hứa này được coi như mấu cứ của trào lưu Messia - Vua. Đavít muốn xây cho Thiên Chúa một nhà (c.5), nhưng Thiên Chúa Giavê lại cho Đavít biết là chính Người sẽ xâydựng cho ông một nhà (c.12), một dòng dõi trường tồn (c.16). Như vậy Lời Hứa với Đavít tiếp nối Lời Hứa với tổ phụ, Giao Ước với Đavít tiếp nối Giao Ước Sinai.

Lời hứa với nhân loại về "Dòng Dõi" người phụ nữ (St 3,15) đã thể hiện nơi miêu duệ Abraham, giờ đây thể hiện nơi dòng dõi Đavít. Chính từ đây mà niềm hy vọng của Israel gắn chặt với số phận của dòng dõi Đavít.

Trong các Thánh vịnh ca tụng vương triều, mô tả các lễ đăng quang của nhiều vị vua kế nghiệp Đavít, niềm hy vọng hướng về dòng dõi Đavít lại được khơi dậy (Tv 2 ; 72 ; 110).

Vua được coi là "Thiên Tử", Đấng làm cho công lý ngự trị, Đấng cứu thoát Dân và làm cho vương quyền lan rộng mút cùng trái đất. Vị ThiênTử này tùy thuộc vào Giavê Thiên Chúa, được Giavê xức dầu, nên được gọi là Messia.

Thực ra, không có một Thánh vịnh riêng rẽ nào hướng tới một vì Vua cánh chung, nhưng khi được đặt trong toàn bộ Thánh vịnh, và được sử dụng vào lúc vương quyền đã sụp đổ, thì chúng lại nuôi dưỡng một niềm hy vọng cánh chung.

Nhưng trước khi chế độ quân chủ sụp đổ, trào lưu "Messia - Vua" vẫn có thái độ phê phán với các vương triều cụ thể trong Israel. Các tiên tri phê phán sự bất trung của các vua dựa vào lời Thiên Chúa hứa với Đavít. Vào cuối thế kỷ VIII, Isaia đã chống lại những tính toán của vua Achaz, đòi hỏi lòng "tin tưởng" vô điều kiện vào Thiên Chúa : "Này đây một người nữ sẽ thụ thai và sẽ hạ sinh một con trai, Người sẽ được gọi là Emmanuel" (Is 7,14). Người sẽ là một vị vua lý tưởng khai trương một thời đại mới. Thiên Chúa dùng một người nữ có quan hệ với dòng dõi Đavít.

Is 9,1. 5-6 cũng có một cái nhìn tương tự : "Một trẻ đã sinh cho ta, một con trai được ban xuống cho ta ; vai người đỡ lấy quyền bính và thiên hạ hô tước hiệu Người : Cố Vấn kỳ diệu, Thần anh dũng, Cha đời đời, Vua bình an".

Trong Is 11, trào lưu Messia - Vua luôn phản kháng chống lại hiện tại, loan báo sự khai sinh một thời đại đổi mới : "Một chồi sẽ xuất từ gốc Ysai, và từ rễ nó lộc nó sẽ mọc lên. Trên Người Thần Khí Giavê sẽ đậu xưống" (Is 11,1-2). Người sẽ phân xử công minh cho người hèn yếu, và đoán định ngay chính cho hạng nghèo hèn trong xứ. Miệng Người sẽ là gậy đánh cường bạo, hơi thở nuôi Người sẽ giết chết ác nhân" (c.4). "Bấy giờ sói ở với chiên, heo nằm bên cạnh dê con" (c.6 - 9).

Cũng trong bối cảnh đe dọa của quân Assyrie, tiên tri Mikha đề cập đến một vì vua mới : "Phần ngươi hỡi Bethlem Ephrata nhỏ bé nhất, chính tự nơi ngươi sẽ xuất hiện cho Ta, vị có mệnh thống lĩnh sơn hà Israel." (Mk 5,1 -5).

Tiên tri Giêrêmia, trước nguy cơ sụp đổ của Giêrusalem, đã chống lại giới cầm quyền hư nát thời bấy giờ, và hướng về một vua lai thời, chồi lộc đức hậu của Đavít (Gr 23,5). Êzêkiel, dù hướng về Đền Thờ nhiều hơn, vẫn không quên nhắc tới Đavít mới (Ed 27,22-24 ; 34,23 ;37,24 .).

Sau Lưu Đày, niềm hy vọng này trở thành sự chờ đợi thời đại cánh chung sắp đến, thời vương quốc lý tưởng của Vua - Messia sẽ đến : "Hãy nhảy mừng nữ tử Sion ! Reo hò lên nữ tử Giêrusalem ! Này Vua ngươi đến với ngươi, Ngài, người tiết nghĩa và được độ sinh, khó hèn và cưỡi mình lừa, trên một con lừa, con của lừa mẹ" (Dcr 9,9)...

III. TRÀO LƯU MESSIA - TƯ TẾ.

Hàng tư tế trong Israel gắn liền với truyền thống Lêvi (Đnl 33,8 -11), có nhiệm vụ truyền đạt và giải thích Mạc khải, cử hành hy tế : "Chúng chỉ giáo phán quyết của Người cho Giacóp., chúng thượng hương lên mũi Người" (Đnl 33,10).

Ngoài chi tộc Lêvi, chức năng tư tế còn được thi hành bởi chủ nhà (Bữa ăn Vượt Qua) bởi các lãnh tụ như Môsê, Yôsua, Samuel cho tới khi Vua đảm nhận cả vai trò tư tế : "Giavê đã thề và Người chẳng hề hối tiếc ; Người là tư tế muôn đời theo kiểu Melkisêđê" (Tv 110,4).

Vai trò tư tế này, Đavít đã thi hành khi đưa hòm bia lên Giêrusalem (2 Sm 6), Salomon khi cung hiến Đền Thờ (1 V 8), Ezechias khi hủy bỏ rắn đồng (2 V 18,4), Vua Josias khi "tái lập" Giao Ước bằng cử hành lễ Vượt Qua (2 V 23). Tương quan mật thiết giữa các vương triều dòng họ Đavít và Đền Thờ Giêrusalem, được diễn tả trong "thần học Sion" (Tv 46 ; 48 ;76 ; 87 ; Is 2,1-5 ; Mk 4,1-3).

Sau Lưu Đày, lúc chế độ quân chủ chấm dứt, thì chính hàng tư tế lại "tập trung" đảm nhận vương quyền, nuôi dưỡng một trào lưu Messia tư tế, phản kháng lại hiện tại. Năm 573, Êzêchiel giới thiệu thị kiến về đền thờ cánh chung (Ed 47,7- 9). Khoảng năm 520, Zacharia giới thiệu một gương mặt Thượng Tế là Yôsua (Dcr 3,1-7).

Trước sự suy đồi của hàng tư tế trong Israel, hay trước những thất bại của họ (anh em Machabées), niềm hy vọng của Israel lại hướng về một Messia Tư Tế thời cánh chung. Qua các bản văn Qumran ta thấy niềm hy vọng này khá mãnh liệt vào thời Đức Giêsu.

IV. TRÀO LƯU MESSIA KHẢI HUYỀN.

Thất vọng trước hiện tại, trước tất cả những thực tại trần gian, những tổ chức nhân loại, niềm hy vọng của Israel có lúc được bộc lộ và nuôi dưỡng nhờ trào lưu Khải Huyền.

Niềm hy vọng Thiên Sai không còn dựa vào vua chúa, tư tế hay bất cứ trung gian nhân loại nào nữa, nhưng người ta hướng về sự "can thiệp từ trời", hướng về một Đấng Messia bởi trời.

Trước Lưu Đày, hình ảnh sự can thiệp từ trời là "Thiên Thần của Giavê", có khi đồng hóa với Giavê, có khi phân biệt với Người. Sau Lưu Đày, hình ảnh này trở thành đối tượng của trào lưu Messia và mang màu sắc cánh chung : "Này, Ta sai Thần Sứ của Ta, kẻ sẽ vén đường bạt lối trước nhan Ta. ai chịu đựng nổi ngày Người đến ? Ai đứng vững khi Ngài hiện ra ?" (Ml 3,1-3).

Truyền thống khôn ngoan phát xuất từ sự tiếp xúc giữa Dothái-giáo với thế giới Hylạp. Sự gặp gỡ này giúp đào sâu "trào lưu Messia Khải Huyền". Khôn Ngoan được "chủ vị hóa" trở thành một hình ảnh huyền bí mang nhiều sắc thái : tiên tri (Cn 8,12 - 1,20-33), tư tế (Cn 9,1-6), vương đế (Cn 8,12-36). Khôn ngoan là "trung gian tạo dựng" mang chiều kích "vũ trụ" (Cn 3,19 ; 8,22-31 ; Kn 7,22 ; 8,6).

Trào lưu Khải Huyền chín mùi trong bối cảnh này : kết hợp nhiều "yếu tố tiên tri" với truyền thống khôn ngoan và như muốn đề ra một thần học về lịch sử.

Trào lưu dùng rất nhiều biểu tượng, tìm cách giải thích những khúc quanh lịch sử phù hợp với "chương trình cao hơn của Thiên Chúa". Sự xung đột giữa thiện và ác ở trần gian này chỉ là một khía cạnh, một phần của trận chiến lớn hơn, sẽ kết thúc trong một trận chiến cuối cùng, bấy giờ toàn thể tạo vật sẽ được tái tạo và đổi mới. Vị anh hùng của trận cuối cùng này là Đấng Messia. Thêm vào hình ảnh này, có một hình ảnh rất huyền bí là "Con Người" đến trên mây trời : (Fils de lhomme) (Đn 7,1-19).

Trào lưu Khải Huyền ngoài Kinh Thánh còn nhấn mạnh nhiều hơn đặc tính chủ vị của hoạt động cứu thế của "Con Người". Có lẽ trào lưu này ảnh hưởng nhiều trên các sách Tân Ước. Sách "Hênoc" nói đến "Con Người" trong bốn chương (46,2 ; 48,2 ; 62,5-14 ; 69,26).

Nhiều chủ đề của trào lưu Khải Huyền này nằm trong "bối cảnh tư tưởng" thời Đức Giêsu.

Trào lưu Messia Khải Huyền phát sinh từ sự đối chiếu giữa các lời hứa của Thiên Chúa với hoàn cảnh lịch sử. Trào lưu này nhấn mạnh nhiều hơn đến sự can thiệp của Thiên Chúa để hoàn tất các lời hứa, nó chuẩn bị việc loan báo sự can thiệp tối hậu của Thiên Chúa trong lịch sử loài người, mà các sách Tân Ước diễn tả.

Nếu dừng lại Cựu Ước, Thiên Chúa của Lời Hứa có vẻ như thất bại, vì các niềm cậy trông đều chạm trán với thất bại : thất bại của ngôn sứ, của vương triều, của tư tế, của Đấng Thiên Sai mà người ta chờ đợi.

Nhưng sẽ đến lúc Thiên Chúa chiến thắng, chiến thắng ấy được thực hiện nơi "Biến cố Phục Sinh Đức Giêsu Kitô".


Trở về Mục Lục Thần Học | Về Trang Nhà