VÀI NÉT LỊCH SỬ
KITÔ- HỌC HIỆN ÐẠI
ÐGM Phaolô Bùi Văn
Ðọc
Trong niềm tin đơn giản
và thường nhật của người Kitô hữu, Ðức Giêsu Kitô đã trở thành rất quen thuộc,
không mấy khi tạo ra khó khăn và thắc mắc. Nhưng thực ra, vấn đề không dễ dàng,
khi chúng ta muốn tìm hiểu sâu hơn về con người Giêsu Kitô. Giêsu là một tên
riêng như các tên Giuse, Gioan, Giacôbê. Kitô là một tước hiệu có ý nghĩa
chuyên biệt: Là Ðấng được xức dầu thiên sai. Vậy nếu Giêsu nói lên khía cạnh cụ
thể và lịch sử của con người Giêsu thành Nazareth, thì Kitô biểu lộ khía cạnh
"siêu lịch sử", sứ vụ thần linh của con người ấy. Ðối với niềm tin
của Giáo Hội, Giêsu Kitô chỉ là một thực tại duy nhất. Chúng ta tuyên xưng
Giêsu là Ðấng Kitô như các Tông Ðồ đã từng làm.
Niềm tin của Giáo Hội
không phải là một niềm tin "yên ổn", thoát khỏi mọi sóng gió. Nhân
vật Giêsu Kitô không phải lúc nào cũng được nhìn như nhau. Câu hỏi của Ðức
Giêsu luôn hiện đại: người ta bảo Con Người là ai? Còn anh em, anh em bảo Con
Người là ai?
Trên bình diện lịch sử
thần học, câu trả lời, hoặc nghiêng về Giêsu, con người lịch sử, hoặc nghiêng
về Kitô, Ðấng Cứu Thế, Ðấng Thánh của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa. Người ta có
khuynh hướng chia cắt Ðức "Giêsu Kitô", hoặc giảm trừ thực tại
"Giêsu Kitô".
Ðiều này không lạ gì, vì
khuynh hướng tự nhiên của lý trí là con đường một chiều.
I. KHUYNH HƯỚNG CHIA CẮT
Ðể đối lập với khuynh
hướng giáo điều của thần học thế kỷ XVII, phong trào "triết lý Ánh
Sáng" không chấp nhận Ðức Kitô, nhưng chỉ muốn nói đến Giêsu thành
Nazareth đã sống và đã chết ở Palestine vào thế kỷ thứ I. Quan niệm này đi song
song với sự chối bỏ giá trị "thần thánh" của các sách Kinh Thánh,
phản ứng chống lại một quan niệm quá chật hẹp và máy móc về tính cách linh hứng
của Kinh Thánh. Sách Thánh cũng giống như mọi sách khác, với những phương pháp
văn chương và sử học.
Triết lý Ánh Sáng muốn để
cho Ðấng Kitô "ở trên trời" và đặt lại cho đúng vị trí ông Giêsu thành
Nazareth, đưa ông trở lại với thế giới loài người. Việc đạp đổ tín điều Kitô là
việc cần thiết để xây dựng lại hình ảnh Giêsu, khả dĩ có thể nhận được vì phù
hợp với lý trí.
Tác giả quan trọng đầu
tiên đã làm công việc này là Hermann Samuel Reimarus trong tác phẩm "Mục
đích của Giêsu và của các môn đệ" (Zwecke Yesus und seiner Jnger).
Reimarus cho rằng có một sự khác biệt cơ bản giữa giáo lý của Ðức Giêsu và
những điều các môn đệ dạy. Trong giáo huấn của Ðức Giêsu, không có mầu nhiệm,
không có các điều khoản đức tin, chỉ có giáo dục luân lý và nhân bản. Việc rao
giảng nước Thiên Chúa của ông Giêsu hoàn toàn giống như quan niệm thiên sai của
Do Thái Giáo đương thời: mong đợi một Vương quốc trần thế phồn thịnh.
Nhận định về tác phẩm của
Reimarus, Schweitzer cho rằng trong đó đã hàm chứa tất cả những vấn đề quan
trọng sẽ tranh luận sau này:
· Sự khác biệt
giữa Giêsu lịch sử và Kitô đức tin.
· Màu sắc cánh
chung của sứ điệp Giêsu và vấn đề trì hoãn ngày cánh chung.
· Chủ đề về
Giêsu chính trị và khuynh hướng thiêng liêng hóa con người và sứ điệp của Ðức
Giêsu trong thần học sau này.
Ðầu thế kỷ XIX, David
Friedrich Strauss, trong tác phẩm "Das Leben Jesu, Kritisch
bearbeitet", phân biệt trong sách Kinh Thánh có "trọng tâm lịch
sử" và có lối giải thích huyền thoại. Ông chủ trương có thể phân biệt
Giêsu lịch sử và Kitô đức tin. Ðức Giêsu lịch sử đã có xác tín thiên sai và
cũng đã biểu lộ xác tín này, nhưng chưa phải là Ðấng Kitô được "tô
điểm" và huyền thoại hóa. Ðức Giêsu lịch sử khác với Ðức Kitô lý tưởng, là
Nguyên Mẫu của con người, là một hình ảnh đẹp hơn, cao hơn, chủ vị hơn, hiện
sinh hơn, nhưng không phải Giêsu mà khoa phê bình lịch sử và các phương pháp
thuần lý khám phá được.
Strauss chống lại lối
giải thích tự nhiên và duy lý của triết lý Ánh Sáng, và chủ trương một cách
giải thích mới đề cao giá trị của huyền thoại. Huyền thoại khác với chuyện
hoang đường theo nghĩa bình dân, nhưng là một cách thức diễn đạt thực tại hay
chân lý của người xưa. Việc làm của nhà thần học, là biết đi từ huyền thoại đến
trọng tâm mà nó muốn trình bày. Ông phân biệt ba loại huyền thoại:
· Huyền thoại lịch sử: cách kể lại những biến cố có thực, còn lẫn
lộn thần thiêng với nhân loại, tự nhiên với siêu nhiên.
· Huyền thoại triết lý: nguyên lý, tư tưởng hay ý niệm được lồng
trong bộ áo "tường thuật lịch sử".
· Huyền thoại thi phú: là sự phối hợp giữa huyền thoại lịch sử và
huyền thoại triết lý, một phần được tô điểm bởi những sự sáng tạo của óc tưởng
tượng.
Khuynh hướng "huyền
thoại hóa" là khuynh hướng của Cộng Ðồng Kitô giáo sơ khai, một phần dựa
trên Cựu Ước, một phần do não trạng thần thiêng lúc bấy giờ. Công việc của các
nhà Kinh Thánh và thần học là phải biết giải thích lại.
Ở đây Strauss báo trước
việc làm sau này của Bultmann mệnh danh là "giải huyền thoại". Quả
thực chính Bultmann cũng đã tự nhận mình là đồ đệ của Strauss.
Suốt hai thế kỷ XVIII và
XIX, các nhà nghiên cứu thần học và Kinh Thánh nghiêng về việc tìm hiểu Giêsu
lịch sử. Nhưng việc làm này phần lớn chịu ảnh hưởng của những định kiến duy sử
(historicisme) và duy khoa học (scientisme), do đó không thể đưa tới kết quả
tốt đẹp. Gương mặt Giêsu cứ dần dần phai nhạt thêm. Ðức Giêsu bị "cắt
xén" cho phù hợp với não trạng của các nhà thần học.
Hậu quả cuối cùng là
nhiều người công nhận sự bất lực không thể nào viết lại tiểu sử của Giêsu thành
Nazareth như tiểu sử các nhân vật Socrate, Khổng Tử.
Ðối ngược với khuynh
hướng duy sử của hai thế kỷ XVIII và XIX, thần học trong thế kỷ XX đã ý thức
giới hạn của các khoa phê bình lịch sử. Thần học gia không chối bỏ giá trị của
các khoa học này, nhưng muốn xác định lãnh vực của từng khoa học. Theo họ, phải
tìm gặp Giêsu Kitô bằng con đường khác phù hợp hơn. Ðó là con đường đức tin.
Karl Barth khẳng định sẽ
không bao giờ chiều theo cơn cám dỗ đi tìm Giêsu lịch sử. Bultmann tuyên bố chỉ
có một Ðức Kitô duy nhất là Ðức Kitô được tuyên xưng trong Lời Rao Giảng. Thần
học của Karl Barth khởi đi từ mầu nhiệm Ba Ngôi và sự hiện hữu của Ðức Giêsu
Kitô, được mệnh danh là thần học biện chứng, vì ông quan niệm phải tách biệt
cái nhìn của con người ra khỏi chương trình của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Ðấng
vượt trên thế giới con người, ở bên ngoài thế giới và khác biệt với thế giới.
Trong thần học, không được để cho yếu tố con người nào chen lẫn vào mạc khải
Siêu Nhiên và mầu nhiệm Ân Sủng của Thiên Chúa. Thiên Chúa không hành động như
con người, hành động của Ngài khác biệt với hành động của con người. Thần học
của ông là thần học qui Kitô học, nhưng Kitô học của ông là Kitô học qui thần.
Bước khởi đầu thần học
của Bultmann một phần là thần học biện chứng. Nếu trước đây, người ta đã đề cao
khía cạnh nội tại của Thiên Chúa trong thế giới và lịch sử, thì nay cần đề cao
khía cạnh siêu việt của Người: Phải làm thế nào để đừng lẫn lộn Thiên Chúa với
con người, đừng lẫn lộn "siêu lịch sử" với lịch sử. Sự lẫn lộn này
thuộc não trạng của người xưa, và khó có thể được thế giới ngày nay chấp nhận.
Nói như vậy không có nghĩa là Bultmann coi thường cuộc sống con người. Ngược
lại, ông luôn luôn bận tâm về ơn cứu độ của con người. Vả lại ông đã chịu ảnh
hưởng rất lớn của triết học Heidegger, nỗ lực phân tích những yếu tố cơ bản của
hiện sinh của con người. Và đức tin theo ông là một lựa chọn cơ bản làm thay
đổi cả cuộc sống.
Theo Bultmann, không nên
bỏ qua Lời Rao Giảng để đi tìm Giêsu lịch sử. Vì như vậy chúng ta chỉ tìm Ðức
Kitô theo xác phàm, mà ngày nay không còn dấu vết. Trái lại chỉ có Ðức Kitô
theo Thần Khí mới ban sự sống. Kitô giáo không khởi đầu với Giêsu, mà khởi sự
với Ðức Kitô được rao giảng. Ông đã đi tới hậu quả này vì một tiến trình
"giản lược".
Chúng ta có thể chia tiến
trình thần học của Bultmann làm ba giai đoạn:
· Trong giai đoạn I (Geschichte der
synoptichen Tradition), ông còn công nhận rằng cả Tin Mừng chứa đựng một yếu tố
lịch sử, mặc dù toàn bộ không phản ảnh Giêsu lịch sử.
· Trong giai đoạn II (Jesus), Giêsu chỉ được
gọi như một ngôn sứ người Do Thái đã thấu hiểu tư tưởng của Thiên Chúa một cách
trọn vẹn, kèm theo những hệ luận thực tế.
· Trong giai đoạn III (Das Urchristentum im
Rahmen der antiken Religionen), sứ điệp của Giêsu chỉ còn là một phần của Do
Thái giáo.
Phương hướng thần học
cũng như phương pháp giản lược đã dẫn đưa Bultmann đến chỗ tách biệt Ðức Kitô
đức tin ra khỏi Giêsu lịch sử, để rồi cuối cùng chỉ còn lại yếu tố đức tin.
Thần học của Bultmann, vì
đã nhấn mạnh quá đáng tới đức tin, đánh mất cả đối tượng của đức tin, cuối cùng
chỉ còn lại con người với những "cấu tố hiện sinh của chính mình".
II. KHUYNH HƯỚNG KHÔNG CHIA CẮT
Ngày nay trong lãnh vực
thần học Kinh Thánh, chúng ta đang bước sang giai đoạn hậu Bultmann, các nhà
thần học và Kinh Thánh không còn quá nhấn mạnh tới "Lời Rao Giảng",
đến nỗi quên cả con người Giêsu cụ thể và lịch sử. Hôm nay người ta không muốn
tách rời Giêsu lịch sử với Kitô đức tin. Trong lãnh vực khoa học Kinh Thánh,
các nhà chuyên môn đã có những khám phá mới, khoa chú giải đã tiến thêm một
bước. Hầu hết giới môn sinh thuộc trường phái Bultmann chủ trương xét lại lập
trường của thầy (Fuchs, Bornkamm, H. Conzelmann, Braun, J. Robins, G. Ebeling,
Marxen). Trên bình diện "phê bình lịch sử" và chú giải Kinh Thánh, ta
không đến nỗi phải thất vọng về sự hiểu biết có thể được về Giêsu lịch sử. Các
Tin Mừng nhất lãm chứa đựng nhiều truyền thống chân thực hơn là Bultmann đã
nghĩ. Các Tin Mừng không cho phép chúng ta đầu hàng hoặc hoài nghi.
Trái lại chúng làm xuất
hiện trước mặt chúng ta một cách rõ ràng con người Giêsu. Mặc dù không giống
như kiểu các sách tiểu sử thực hiện ngày hôm nay. Một điểm cần lưu ý trong cấu
trúc các Tin Mừng là sự nối kết các sứ điệp với bài tường thuật.
Trên bình diện thần học
ngày nay, người ta nghĩ rằng không thể nói tới nhân tính của Ðức Giêsu một cách
trừu tượng và tổng quát hóa như trước đây. Khai 5triển và giải thích từ ngữ
"bản tính nhân loại" của Ðức Kitô chưa đủ để có thể hiểu được con
người Giêsu Kitô. Thần học hôm nay không thích các phạm trù hữu thể học. Vả lại
chỉ nhấn mạnh đến bản tính nhân loại của Ðức Kitô một cách chung chung chưa đủ
để diễn tả một cách sinh động ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập Thể.
Hơn bao giờ hết, thần học
hôm nay có khuynh hướng chống lại "Ảo Thân Thuyết" (Docétisme) đồng
thời muốn tránh thái độ duy tín (fidéisme), thần học muốn vượt khỏi cái chủ
quan của con người. Hơn nữa quan điểm của lịch sử con người hôm nay cũng đòi
hỏi một cái nhìn thực tế và cụ thể đối tượng của đức tin. Vả lại, ơn cứu độ là
ơn nhưng không chúng ta không thể tùy nghi sử dụng dù là qua và nhờ đức tin.
Phải biết nhận ra khía cạnh "ngoại tại" (extra nos) của sứ điệp, phải
biết xuất hành, vượt qua chính mình để đến với biến cố Cứu độ, là sự Hiển Linh
của Thiên Chúa trong lịch sử.
Ngày nay, hơn bao giờ
hết, khoa Kinh Thánh và khoa thần học gặp gỡ nhau và cộng tác với nhau mật
thiết. Cả hai bên đều nghĩ rằng không thể giải quyết vấn đề Giêsu lịch sử, duy
nhất bằng "Lời Rao Giảng" và qua Lời Rao Giảng. Chúng ta có thể gặp
Giêsu lịch sử qua trung gian của các chứng nhân tiên khởi. E. Fuchs đã xác định
rõ ràng phương hướng nghiên cứu Kinh Thánh Tân Ước và Kitô học hôm nay: Nếu
trước đây chúng ta tìm hiểu Giêsu lịch sử nhờ lời rao giảng, thì hôm nay chúng
ta giải thích lời rao giảng nhờ Ðức Giêsu lịch sử. Hai cách thức giải thích và
bổ sung cho nhau (Zur Frage nach dem historischen Jesus, Tbingen 1965).
Nói cách khác, thần học
hôm nay vẫn muốn tìm hiểu Ðức Giêsu trong ánh sáng đức tin của Giáo Hội, nhưng
đồng thời cũng muốn giải thích niềm tin của Giáo Hội khởi đi từ con người Giêsu
lịch sử.
Dường như các nhà thần
học ngày hôm nay muốn hòa giải khoa tín lý của Giáo Hội với khoa phê bình lịch
sử, không phải bằng mọi giá, nhưng bằng một tinh thần khiêm nhu và đối thoại,
với sự can đảm cần phải có và với ánh sáng đức tin chiếu rọi trên thực tế lịch
sử con người.