LỜi Chúa trong đỜi sỐng HỘi Thánh :
viỆc giẢi thích LỜi Chúa.
[1]

 

Lm. PX. Vũ Phan Long OFM.

 

Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa được diễn tả trong ngôn ngữ loài người (I.A.a). Tư tưởng và lời lẽ vừa thuộc về Thiên Chúa vừa thuộc về con người theo cách là toàn bộ Kinh Thánh phát xuất tức khắc từ Thiên Chúa và từ tác giả nhân loại được linh hứng (III.D.2.c).

Chỉ có bản văn chính lục ở giai đoạn cuối cùng mới diễn tả Lời Thiên Chúa (I.A.4.f).[2]

Bởi vì là Lời Thiên Chúa, Kinh Thánh thực hiện một vai trò đặt nền móng, nâng đỡ, và phê bình trong Giáo Hội, cho thần học, cho công việc giảng dạy và cho huấn giáo. Kinh Thánh là một nguồn mạch cho đời sống đức tin, đức cậy và đức mến của Dân Thiên Chúa và là một ánh sáng chiếu soi toàn thể nhân loại (Dẫn nhập B.b).  

I.             Nguyên tẮc 1 :
Khoa chú giẢi công giáo và “khoa hỌc”

Các bản văn Kinh Thánh là công trình của các tác giả nhân loại. Các ngài đã dùng khả năng riêng và những phương tiện mà thời đại và bối cảnh xã hội các ngài đặt ở tầm tay các ngài mà diễn tả. Cách chú giải công giáo tự do sử dụng các phương pháp và các tiếp cận[3] khoa học cho phép nắm bắt tốt hơn ý nghĩa của các bản văn trong bối cảnh văn chương, văn hóa - xã hội, tôn giáo và lịch sử của chúng (III.a).

Cách chú giải công giáo phải được vận dụng sao cho có tính phê bình và khách quan tối đa. 

Khoa chú giải công giáo góp phần tích cực vào việc phát triển các phương pháp mới và vào sự tiến bộ của công việc nghiên cứu (III.a). Trong công việc này, các học giả công giáo cộng tác với các học giả không phải là công giáo (III.C.a). 

I.             Nguyên tẮc 2 :
Chú giẢi công giáo và lỊch s

Khoa chú giải công giáo phải liên hệ với lịch sử do đặc tính lịch sử của mạc khải Kinh Thánh. Mặc dù Kinh Thánh không phải là một sách lịch sử theo nghĩa hiện đại và mặc dù Kinh Thánh hàm chứa nhiều văn thể khác nhau, trong đó có cả truyện hư cấu, Kinh Thánh làm chứng cho một thực tại lịch sử, nghĩa là cho các hành vi cứu độ của Thiên Chúa trong quá khứ mà có những liên hệ với hiện tại.

Muốn giải thích một bản văn Kinh Thánh, phải dựa vào ý nghĩa được diễn tả bởi các tác giả nhân loại (II.B.1.g).  

Công việc nghiên cứu lịch sử đặt các bản văn Kinh Thánh trong bối cảnh cổ xưa của chúng, nhờ đó giúp soi sáng ý nghĩa của sứ điệp của tác giả Kinh Thánh cho các độc giả ở tại nguồn và cho chúng ta.

Mặc dù khoa chú giải công giáo dùng một phương pháp lịch sử, nó không duy lịch sử (historiciste) hoặc duy thực nghiệm (positiviste),[4] khi chỉ chấp nhận là chân lý những gì có thể chứng minh bằng phân tích lịch sử giả thiết là khách quan. 

II.         Nguyên tẮc 3 :
SỬ dỤng phân tích ngỮ hỌc [5] và văn chương

Bởi vì Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa đã được diễn tả trong dạng chữ viết, cần phải có việc phân tích về ngữ học (philologie) và văn chương, để hiểu được tất cả các phương tiện mà các tác giả Kinh Thánh đã dùng để thông tri sứ điệp của các ngài.

Việc phân tích ngữ học và văn chương góp phần xác định những cách đọc xác thực, hiểu từ vựng và cú pháp (syntaxe),[6] phân biệt ra các đơn vị trong bản văn, xác định các văn thể, phân tích các nguồn, và nhận ra được tính mạch lạc bên trong bản văn (I.A.3.c). Thường thường hai công việc phân tích này làm sáng tỏ những gì tác giả nhân loại nhắm truyền đạt.

Việc phân tích văn chương nhấn mạnh trên tầm quan trọng của việc đọc Kinh Thánh theo kiểu đồng đại (I.A.3.c ; Kết luận c-d), của việc đọc các bản văn trong bối cảnh văn chương của chúng, và của việc nhận ra được nhiều ý nghĩa trong các bản văn viết (II.B.d).

III.         Nguyên tẮc 4 :
PhẦn đóng góp cỦa khoa giẢi thích
theo quan điỂm triẾt hỌc
.

Bởi vì giải thích Kinh Thánh bao hàm một hành vi hiểu biết của con người giống như việc hiểu biết bất cứ bản văn viết cổ nào, việc giải thích công giáo nên đón nhận những đóng góp của các lý thuyết giải thích của triết học.

Không thể hiểu bất cứ bản văn viết nào nếu không có “tiền thức”, nghĩa là những tiền giả định để hướng dẫn việc tìm hiểu (II.A.1.a). Hành vi hiểu biết hàm ý có một biện chứng giữa tiền thức của người giải thích và cái nhìn của bản văn (II.A.1.c). Dù sao, tiền thức này cần phải sẵn sàng đón nhận các sửa chữa trong khi đối thoại với thực tại của bản văn (II.A.1.a).

Bởi vì việc giải thích Kinh Thánh bao hàm tính chủ quan của người giải thích, chỉ có thể hiểu Kinh Thánh nếu có một liên hệ sống căn bản giữa người giải thích và đối tượng của ông (II.A.2.c).

Có một số lý thuyết giải thích không thích hợp do những tiền giả định không phù hợp với sứ điệp của Kinh Thánh (Bultmann với thuyết “giải huyền” : II.A.2.d ; cách đọc bảo thủ : I.F [7]).

Khoa giải thích theo quan điểm triết học điều chỉnh một vài khuynh hướng của khoa phê bình - lịch sử vì cho thấy chủ trương thực nghiệm lịch sử là không phù hợp (II.A.2.c), vai trò của độc giả trong việc giải thích, có thể có nhiều nghĩa vượt ra bên ngoài toàn bộ ý nghĩa lịch sử của một bản văn, và các bản văn mở ra với nhiều nghĩa (II.B.c ; Kết luận d).

Bởi vì trong Kinh Thánh, các Kitô hữu tìm ý nghĩa của các bản văn cổ cho hiện tại, công việc phê bình văn chương và lịch sử phải được tháp vào trong một mẫu giải thích vượt lên trên khoảng cách về thời gian giữa nguồn gốc của bản văn và thời hiện đại của chúng ta (II.A.2.a). Chính Kinh Thánh và lịch sử của việc giải thích Kinh Thánh, cả hai cho thấy một cái khung (pattern) cho việc đọc lại các bản văn dưới ánh sáng của những hoàn cảnh mới (II.A.2.b).

IV.       Nguyên tẮc 5 :
MỘt viỆc giẢi thích trong đỨc tin

Tri thức Kinh Thánh không được dừng lại ở các từ ngữ, các khái niệm và biến cố. Tri thức này phải tìm cách đi tới thực tại mà ngôn ngữ muốn nói tới, một thực tại siêu việt, thông giao với Thiên Chúa (II.A.1.d).

Chỉ lý luận mà thôi thì không thể hiểu trọn vẹn các biến cố và sứ điệp được kể lại trong Kinh Thánh. Để thực sự hiểu biết Kinh Thánh, người ta phải đón nhận ý nghĩa được cung cấp nơi các biến cố, và trên hết mọi sự, nơi bản thân Đức Giêsu Kitô (II.A.2.d). Bởi vì là Lời Thiên Chúa, Kinh Thánh phải được đặt dưới ánh sáng của đức tin để có thể được hiểu đúng đắn. Vậy, chú giải là một khoa thần học.

Cần có ánh sáng của Chúa Thánh Thần để giải thích đúng đắn Kinh Thánh. Vì một người lớn lên trong sự sống của Thần Khí, khả năng hiểu biết của họ về các thực tại mà Kinh Thánh nói đến cũng gia tăng (II.A.2.f).   

V.           Nguyên tẮc 6 :
Vai trò cỦa cỘng đoàn đỨc tin

Cộng đoàn đức tin, Dân Thiên Chúa, cung cấp bối cảnh đúng là thích hợp cho việc giải thích Kinh Thánh (I.C.1.g). Kinh Thánh thành hình bên trong các truyền thống đức tin của Ít-ra-en và Giáo Hội sơ khai và cũng góp phần làm phát triển các truyền thống này(III.A.3.f).

Kinh Thánh thuộc về toàn thể Giáo Hội (III.B.3.i) và tất cả các thành viên của Giáo Hội đều có một vai trò trong việc giải thích Kinh Thánh (III.B.3.b). Thể theo chính Kinh Thánh, những con người thân phận hèn kém lại là những thính giả ưu tuyển của Lời Thiên Chúa (III.B.3.f).

Hàng giáo sĩ, các huấn giáo viên, các nhà chú giải và những người khác có vai trò đặc biệt khác nhau trong việc giải thích Kinh Thánh (III.B.3.i). Quyền bính Giáo Hội có trách nhiệm trông coi sao cho việc giải thích được trung thành với Tin Mừng và với Truyền Thống vĩ đại, và Huấn Quyền đóng một vai trò uy quyền tối hậu, nếu có trường hợp cần tới (I.C.a ; III.B.3.i).      

VI.       Nguyên tẮc 7 :
G
iẢi thích dưỚi ánh sáng cỦa TruyỀn thỐng Kinh Thánh, cỦa tính Duy nhẤt cỦa Kinh Thánh và cỦa Thư Quy

Khoa chú giải công giáo tìm cách giải thích Kinh Thánh trong sự tiếp nối với cái khung năng động giải thích mà người ta tìm thấy ngay bên trong Kinh Thánh. Trong Kinh Thánh, các tác phẩm sau thường lệ thuộc những tác phẩm trước khi các tác giả đọc lại những gì đã được viết ra trước dưới ánh sáng của những vấn đề và những hoàn cảnh mới (III.A.1.a). Khoa chú giải Kinh Thánh tìm cách vừa trung thành với cách hiểu trong đức tin được diễn tả trong Kinh Thánh vừa duy trì việc đối thoại với thế hệ hôm nay.

Khoa chú giải công giáo nhìn nhận tính duy nhất cốt yếu của Kinh Thánh (III.A.1.a), thâu tóm nhiều viễn tượng khác biệt nhau (III.A.2.g), nhưng trình bày mọt toàn bộ những chứng từ về một Truyền Thống vĩ đại (I.C.a ; III.A.a).   

Khoa chú giải công giáo giải thích các bản văn riêng lẻ trong ánh sáng của toàn thể Thư Quy của Kinh Thánh (I.C.1.b ; III.D.4.b).

VII.   Nguyên tẮc 8 :
GiẢi thích CỰu ƯỚc
dưỚi ánh sáng cỦa MẦu nhiỆm VưỢt Qua

Giáo Hội coi Cựu Ước như Kinh Thánh (được linh hứng), trung thành truyền đạt mạc khải của Thiên Chúa (III.A.2.a ; III.B.1.b).

Tân Ước giải thích Cựu Ước dưới ánh sáng của Mầu nhiệm Vượt Qua (I.C.1.i). Cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu hoàn tất Cựu Ước (III.A.2.a). Việc Đức Giêsu cũng như việc các tông đồ giải thích Cựu Ước được diễn tả trong Tân Ước dưới sự soi sáng của Thánh Thần là có uy tín, cho dù một vài phương thức giải thích được các tác giả Tân Ước sử dụng phản ánh những đường lối suy tư riêng của một thời đại nào đó (III.A.2.f).

Các Kitô hữu không giới hạn ý nghĩa của Cựu Ước vào những nẻo đường trong đó Cựu Ước chuẩn bị cho Đức Kitô ngự đến. Đúng hơn Giáo Hội đánh giá cao lối giải thích theo Thư Quy của Cựu Ước trước lễ Vượt Qua Kitô giáo như một giai đoạn trong Lịch sử cứu độ (I.C.1.i). Các Kitô hữu tiếp tục rút ra được sự nâng đỡ từ sứ điệp linh hứng của Cựu Ước (III.A.2.e).

VIII.    Nguyên tẮc 9 :
GiẢi thích dưỚi ánh sáng
cỦa TruyỀn ThỐng sỐng đỘng cỦa Giáo HỘi
           

Khoa chú giải công giáo đặt mình một cách ý thức vào trong dòng Truyền Thống sống động của Giáo Hội (III.b) và tìm cách trung thành với mạc khải đã được Truyền Thống vĩ đại truyền đạt, và chính Kinh Thánh đã làm chứng (Kết luận e).

Bên trong Truyền Thống sống động này, các Giáo Phụ có một vai trò nền tảng, vì các ngài đã rút từ toàn thể Sách Thánh những đường hướng căn bản giúp hình thành truyền thống đạo lý của Giáo Hội, và đã cung cấp một giáo huấn thần học phong phú để dạy dỗ và nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng cho các tín hữu (III.B.2.b). Tuy nhiên, cách chú giải công giáo không bị ràng buộc bởi các phương pháp chú giải của các Giáo Phụ (II.B.2.h ; III.B.2.k).

IX.       Nguyên tẮc 10 :
MỤc tiêu cỦa viỆc giẢi thích :
GiẢi thích sỨ điỆp tôn giáo cỦa Kinh Thánh
      

Mục tiêu ưu tiên của lối chú giải công giáo là giải thích sứ điệp tôn giáo của Kinh Thánh, nghĩa là ý nghĩa của nó như là lời mà Thiên Chúa tiếp tục ngỏ với Giáo Hội và toàn thể thế giới (IV.a ; III.C.1.b). Mục tiêu tối hậu của khoa chú giải công giáo là nuôi dưỡng và xây dựng thân thể Đức Kitô với Lời Thiên Chúa.

X.           Nguyên tẮc 11 :
Nghĩa ch

Nghĩa chữ của Kinh Thánh là nghĩa đã được các tác giả nhân loại được linh hứng diễn tả ra trực tiếp. Bởi vì là hoa trái của ơn linh hứng, nghĩa này cũng được Thiên Chúa, là tác giả chính, nhắm tới. Người ta đi tới nghĩa này nhờ phân tích kỹ lưỡng bản văn bên trong bối cảnh văn chương và lịch sử của nó (II.B.1.c).   

Các nghĩa chữ của nhiều bản văn có một khía cạnh năng động khiến ta có thể đọc lại chúng sau này trong những hoàn cảnh mới (II.B.1.e).  

XI.       Nguyên tẮc 12 :
Nghĩa thiêng liêng, Nghĩa tiên trưng

Nghĩa thiêng liêng của Kinh Thánh là ý nghĩa được các bản văn thánh diễn tả ra, khi đọc chúng dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần trong bối cảnh mầu nhiệm Vượt Qua và đời sống mới tuôn trào ra từ đó (II.B.2.b).

Nghĩa thiêng liêng luôn luôn được đặt trên nền tảng là nghĩa chữ. Cần phải có một tương quan liên tục và phù hợp giữa nghĩa chữ và nghĩa thiêng liêng, để cho nghĩa chữ của một bản văn Cựu Ước được hoàn tất ở một cấp độ cao hơn trong Tân Ước (II.B.2.e).

Tiên trưng là một phương diện của nghĩa thiêng liêng (II.B.2.i).

XII.   Nguyên tẮc 13 :
Nghĩa trỌn

Nghĩa trọn / sung mãn (sensus plenior) là một nghĩa sâu hơn của bản văn, được Thiên Chúa muốn có nhưng không được tác giả nhân loại diễn tả rõ ràng (II.B.3.a). Nghĩa này có nền tảng trong sự kiện Chúa Thánh Thần, tác giả chính của Kinh Thánh, có thể hướng dẫn tác giả nhân loại chọn lựa các cách diễn tả sao cho các cách diễn ta này nói lên một chân lý mà chính các tác giả cũng không thấu triệt được trọn vẹn chiều sâu của chúng (II.B.3.c).

Ta có thể nhận ra rằng một bản văn Kinh Thánh có một nghĩa trọn khi ta nghiên cứu bản văn dưới ánh sáng của những bản văn Kinh Thánh khác hoặc những truyền thống giáo lý uy tín đã sử dụng bản văn ấy (II.B.3a). 

XIII.    Nguyên tẮc 14 :
SỬ dỤng phương pháp phê bình – lỊch s

Phương pháp phê bình - lịch sử là dụng cụ cần thiết của việc chú giải khoa học để tìm ra nghĩa chữ theo một cách thức lưỡng sử (I.A.4.g ; I.A.a).

Để làm được công việc này, cần phải có một việc nghiên cứu theo cách tổng sử hình thái cuối cùng của bản văn, là Lời Thiên Chúa được diễn tả ra (I.A.4.f).

Phương pháp phê bình - lịch sử có thể và phải được sử dụng mà không cần các tiền giả định triết học ngược lại niềm tin Kitô giáo (I.A.4.b-c).

Mặc dù quan trọng, phương pháp phê bình-lịch sử không thể hưởng độc quyền, và các nhà chú giải phải ý thức về các giới hạn của nó. Các nhà chú giải phải nhận biết khía cạnh năng động và khả năng phát triển của ý nghĩa (Kết luận d).

 

Giới thiệu phương pháp phê-bình lịch sử (I.A) :

A. Nguyên tẮc

Đây là một phương pháp lịch sử, vì được áp dụng vào các bản văn cổ của Kinh Thánh và nghiên cứu tầm mức lịch sử của các bản văn ấy. Phương pháp này đặc biệt tìm cách làm sáng tỏ các tiến trình lịch sử đưa tới chỗ các bản văn được soạn ra, rồi được gửi tới các thính giả, độc giả sống trong những hoàn cảnh không gian và thời gian khác nhau.

Đây cũng là phương pháp phê bình, vì cố gắng từng bước tuân theo những tiêu chuẩn khách quan tối đa, nhắm giúp độc giả hiện đại đạt tới ý nghĩa của các bản văn.

A. Mô tẢ

   Phương pháp này được tiến hành theo ba bước :

1. Phê bình văn bản (textual criticism)

Công việc phê bình văn bản nhắm khám phá ra những sửa đổi trong một bản văn để mong đi tới bản gốc. Muốn thế, phải phân loại các dị bản trong truyền thống thủ bản, và chọn những dị bản nào nhiều hy vọng đại diện cho bản gốc nhất. Như vậy, sẽ phải phê bình ngôn từ, phê bình ngoại diện và phê bình nội tại.

a. Phê bình ngôn từ (verbal criticism)

   Công việc này nhằm khám phá ra cách thức bản văn đã bị sửa đổi, bởi vì từ bản gốc đến bản chép tay, rồi bản in, có rất nhiều thay đổi.

1/ Những dị bản vô tình :

-  một thặng sao (dittography) : lặp lại thừa một mẫu tự, một vần, một từ, một chi câu.

-  một thoát sao (haplography) : chỉ viết một lần một mẫu tự, một vần, một từ, mà lẽ ra phải lặp lại.

-  một khuyết sao/thất sao (parablepsis) : bỏ sót cả một đoạn do những từ, những dòng hoặc những câu có cùng một phần cuối như nhau (homoðoteleuton), khiến mắt người chép vô tình lướt từ chữ này sang chữ khác.

-  sai lỗi do đọc một bản chữ xấu.

-  sai lỗi do nghe sai : o/ô ; ei/e ; ou/u.             

-  sai lỗi do nhớ sai : thay thế các từ ; đảo lộn thứ tự các từ trong câu ; đổi các con chữ trong một từ (elabon thành eballon hoặc ebalon ; [h]ai martyrousai thành [ha]martanousai)

2/ Những dị bản cố ý :

-  sửa hoặc thêm các từ ngữ cho đúng ngữ pháp : Kh 1,4 (apo ho = tou ?) ; 1,5-6 (liên từ kai nối c. 6 với c. 5 khiến nhiều người chép đã đổi epoiêsen thành poiêsanti) ; 2,20 (hê legousa = tên legousan ?) .

-  dung hoà các bản văn song song hoặc các câu trích bằng cách bỏ đi các khác biệt : đưa Ga 19,20 vào mở đầu cho câu trích Lc 23,38 ; dung hòa
Lc 11,2-4 với bản văn Mt 6,9-13 quen thuộc hơn ; dung hòa Cv 9,5-6 với 26,14-15; dung hòa Ga 2,17 với Tv 69,9 : sửa kataphagetai thành katéphage, aor.) ...

-  thêm vào hoặc sửa đổi để bổ túc : bổ sung Mt 9,13 bằng Lc 5,32 ; Cl 1,23 (thay thế diakonos bằng kêrys kai apostolos, hoặc diakonos kai apostolos) ; Gl 6,17 (thêm vào Iêsou bằng kyriou Iêsou, kyriou Iêsou Christou, kyriou hêmôn Iêsou Christou).

-  sửa cho hợp với lịch sử hoặc giáo lý : Mc 1,2 (thay vì trong sách Ngôn sứ Isaia, thì sửa là trong các sách Ngôn sứ, vì có cả Ml 3,1 và Is 49,3) ; 1Cr 7,14 (“Thật vậy, chồng ngoại đạo được thánh hóa nhờ vợ”, nhiều thủ bản thêm “nhờ vợ có đạo”) ;  Lc 23,32 (“Có hai tên gian phi khác cũng được điệu đi xử với Người”, có người chép đã bỏ từ “khác” đi). 

   Dù được cố ý đưa vào, các dị bản này không nhất thiết do ý xấu của người chép.

b. Phê bình ngoại diện (external criticism)

Công việc này chỉ dựa trên uy tín của các tài liệu chứa dị bản, chứ không quan tâm đến giá trị nội tại của dị bản: cân nhắc kỹ càng tuổi, con số và đặc tính của các thủ bản.

c.  Phê bình nội tại (internal criticism)

Có hai nguyên tắc chính :

-  khi cứu xét bản văn, thì chọn dị bản nào giải thích dị bản khác.

-  khi cứu xét mạch văn, thì chọn dị bản nào phù hợp hơn với khuynh hướng riêng của tác giả. Do đó, không những phải lưu ý tới phương pháp, từ vựng, ngữ pháp, giọng văn, cách trích dẫn, mà cả các dự phóng, các ý tưởng, và cá tính của ông nữa. 

L. Pirot diễn ra thành 7 quy tắc :

(i) Lectio difficilior est potior : Bản văn khó hiểu hơn phải được chọn ưu tiên (trừ khi mạch văn không cho phép).

(ii) Lectio brevior est potior : Bản văn ngắn hơn phải được chọn ưu tiên, bởi vì người chép có khuynh hướng giải thích (Nhưng nguyên tắc này không vững nữa nếu ta ghi nhận có các lỗi trong sao chép).

(iii) Phải chọn bản văn nào có vẻ là ở tại nguồn của các bản văn khác (giải thích bản văn khác).

(iv) Bất cứ dị bản nào có vẻ là một bản văn đã được sửa chữa cố ý đều bị loại bỏ.

(v) Trong các đoạn song song, các kiểu đọc khác nhau đáng được lưu ý hơn là những kiểu đọc giống nhau, bởi vì người chép có khuynh hướng dung hòa.

(vi) Phải ưu tiên chọn bản văn nào phù hợp với ngôn ngữ, tâm thức và thần học của tác giả thánh.

(vii) Trước khi trực tiếp cứu xét một dị bản, cần lưu ý đến các đặc tính của thủ bản trong đó có dị bản kia. Toàn bộ thủ bản cho biết các năng khiếu hoặc những yếu kém của người chép, cái mẫu ông theo, cách trình bày (kích cỡ các dòng chữ; những lời giải thích) và cách thức thủ bản đã được sử dụng.

Ngoài ra, còn một số qui tắc bổ sung như :

-  Dị bản phù hợp với những hình thái diễn tả của người sê-mít.

-  Dị bản không phù hợp với những hình thái hoặc lối sử dụng Phụng vụ.

-  Dị bản không phù hợp với những quan điểm giáo lý ở bên ngoài.

   Vậy, khi đứng trước một bản văn hầu chắc đã bị sửa dù mọi thủ bản đều chép như thế, ta có thể sửa lại, nhưng phải rất cẩn thận. Ví dụ : Ga 19,29 : Các thủ bản quan trọng đều chép là hussôpô (một loại cây nhỏ), nhưng rất có thể từ gốc là hussô (cái giáo).

2. Phê bình văn chương (literary criticism)

   Sau khi đã xác định được bản văn, cần nghiên cứu ý nghĩa và xác dịnh ý nghĩa qua các chặng :

a. Ngôn ngữ

-  nghiên cứu từ vựng, ngữ pháp và lối hành văn của bản văn.

-  ghi những từ ngữ chuyên môn, và lưu ý tới cách sử dụng và ý nghĩa qua các thời đại.

-  lưu ý đến mạch văn.

-  nghiên cứu những đoạn song song.

b. Bố cục

-  phân tích nội dung để tìm ra dàn bài và phương pháp tác giả khai triển tư tưởng (Đừng gán tư tưởng của ta cho ngài !).

-  tìm các nguồn.

-  xác định văn thể để có thể giải thích tốt bản văn.

c. Phê bình lịch sử (historical criticism)

Công việc này nhằm đặt tác phẩm vào trong khung cảnh lịch sử là môi trường đích thực của nó, nhờ các ngôn ngữ, khoa khảo cổ (các nền văn minh cổ xưa, các bản văn, các bi ký...), khoa sử ký, địa lý, thần thoại học...

Sử gia chỉ có thể hiểu các yếu tố trong bản văn nếu nắm được các định luật vẫn điều hành xã hội loài người. Lịch sử không phải là một sưu tập những tài liệu hay những khám phá của khoa khảo cổ. Lịch sử là hiệp thông với đời sống của những con người thuộc một thời đại, rồi tìm ra những điểm thường hằng trong đời sống họ. Ông sẽ làm hai việc : 1/ Nhận biết những định luật bất di bất dịch của quá khứ cũng như hiện tại ; 2/ Tưởng tượng khá nhiều để từ những dữ kiện khách quan đã đạt mà tái lập những hoàn cảnh và vấn đề của một thời đại.

   Trong thực tế, công việc phê bình văn chương và phê bình lịch sử không đi theo nhau cách lô-gích hoặc theo thời gian, mà chúng lồng vào nhau, dựa lên nhau. Đó không phải là một vòng lẩn quẩn, mà là điều kiện của công việc nghiên cứu khoa học về quá khứ: Nhờ các ngành khoa học khác nhau hỗ trợ qua lại, các phương diện khác nhau của quá khứ rạng tỏ dần dần.

XIV.  Nguyên tẮc 15 :
NhiỀu phương pháp và tiẾp cẬn khác

Cách chú giải công giáo có đặc điểm là mở ra với nhiều phương pháp và tiếp cận. Mặc dù phương pháp phê bình - lịch sử có vị trí ưu tiên, các phương pháp và tiếp cận văn chương dựa trên truyền thống, các khoa học xã hội, hoặc các hoàn cảnh hiện đại đặc thù có thể giúp đi sâu vào trong ý nghia của lời Kinh Thánh. Tuy nhiên, giá trị của các giúp đỡ hiểu biết này phải đáp ứng sự hòa hợp của chúng với các nguyên tắc căn bản đang hướng dẫn việc giải thích công giáo.

 

Giới thiệu các phương pháp và tiếp cận khác :

1. Phân tích tu từ học (analyse rhétorique) (I.B.1)

Các nhà chuyên môn vận dụng khoa “tu từ học” để giải thích Kinh Thánh, bởi vì đã nhận thấy các bản văn Kinh Thánh có ngôn ngữ thuyết phục. Tuy nhiên, mỗi ngành “tu từ” đều có những giới hạn, mà nói chung là : vì chỉ có thể miêu tả, phương pháp phân tích này chỉ chú ý đến văn phong thôi ; vì là phương pháp đồng đại, phương pháp này không thể trả lời được những câu hỏi liên hệ đến lịch sử; và có thể không khoa học khi gán cho bản văn những đặc tính tu từ hy-lạp / la-tinh hoặc sê-mít mà nó không có.

2. Phân tích thuật truyện (analyse narrative) (I.B.2)

   Một phần lớn Kinh Thánh có dạng thuật truyện và làm chứng. Do đó, có thể dùng phương pháp phân tích thuật truyện để đi từ ý nghĩa lịch sử của bản văn sang tầm mức của bản văn đối với độc giả hôm nay. Tuy nhiên, vì phương pháp này nhấn mạnh tới tính hữu hiệu của Lời Chúa đối với cuộc sống con người hôm nay nên có thể rơi vào nguy cơ chủ quan khi giải thích bản văn. Do đó, vẫn cần được bổ sung bởi kết quả của các nghiên cứu lịch đại.

3. Phân tích ký hiệu (analyse sémiotique) (I.B.3)

Phương pháp này, trước đây được gọi là phương pháp “phân tích cấu trúc”, chú trọng nhiều đến sự kiện mỗi bản văn Kinh Thánh là một toàn thể mạch lạc, tuân theo những quy luật ngữ học rõ rệt, thiết lập một quan hệ “liên bản văn” với mỗi độc giả. Như thế, phương pháp này góp phần giúp hiểu Kinh Thánh, Lời của Thiên Chúa, được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người. Tuy nhiên, phương pháp này có thể rơi vào hai nguy cơ căn bản :

1/ không nhận biết những gì đã làm phát sinh ra bản văn hoặc không nhận biết tác giả với hoàn cảnh sống của ông ;

2/ rơi vào những nhận xét thuần túy hình thức, chứ không đạt tới nội dung phong phú của chính bản văn. Có lẽ còn có một nguy cơ nữa, đó là thái độ chủ quan khi giải thích và gán cách võ đoán các ý nghĩa cho bản văn. Người ta có thể vượt qua các nguy cơ này nếu ưu tiên quan tâm đến những dấu chỉ ý nghĩa được chính bản văn truyền tải, thay vì gán cho bản văn những mẫu cấu trúc tiền chế.

4. Tiếp cận thư quy (I.C.1)

Tiếp cận này có ba điểm tích cực :

a. Tiếp cận này phản ứng đúng đắn chống lại việc coi trọng quá đáng những gì được coi là nguyên thủy và tiên khởi, y như thể những cái đó mới chân thực. Đặc biệt nó giúp người ta ý thức về tính duy nhất và hình thái vĩnh viễn của các bản văn chính lục.

b. Một quyển sách chỉ trở thành Kinh Thánh dưới ánh sáng của toàn Thư Quy. Do đó khoa chú giải không được ưu tiên chọn một bản văn giả thiết là thuộc nguồn gốc mà bỏ một bản văn thuộc Thư Quy, hoặc bỏ qua mối quan hệ nối kết các sách thánh lại với nhau. Vậy học giả cứ việc tái lập những chặng lịch sử hình thành một quyển sách thánh, nhưng công việc này phải đưa đến chỗ hiểu sứ điệp được ban cho cộng đoàn đức tin hôm nay đang đọc Kinh Thánh trong tính duy nhất của nó.

c. Tiếp cận này đã có lý khi khiến chú ý đến tương quan giữa Thư Quy Kinh Thánh và cộng đoàn tín hữu. Cộng đoàn này là bối cảnh tương xứng để giải thích các bản văn Kinh Thánh. Trong cộng đoàn ấy, đức tin và Chúa Thánh Thần làm cho việc chú giải được phong phú.        

Tuy nhiên, tiếp cận này cũng hàm chứa những phương diện gây vấn đề :

1/ Về xác định “tiến trình Thư Quy”. Kể từ điểm nào ta có thể nói một bản văn thuộc Thư Quy? Dường như có thể nói một bản văn thuộc Thư Quy từ khi cộng đoàn gán cho nó một uy tín mô phạm, ngay cả trước khi nó có hình thức cố định. Mà chúng ta biết rằng Thư Quy của Kinh Thánh Do-thái chỉ được xác định vào đầu tk iii, còn Thư Quy của Giáo Hội Công Giáo chỉ được xác định với CĐ Phirenxê (1442) và Trentô (1546). Như thế, bản văn đã được giải thích “theo Thư Quy” để được đưa vào Thư Quy. Vậy phải có tiến trình đưa tới chỗ thành lập Thư Quy là quy tắc giúp giải thích Kinh Thánh ngày hôm nay?

2/ Đàng khác, Thư Quy Do-thái và Thư Quy Kitô giáo không giống nhau, thì việc “giải thích theo Thư Quy” sẽ không giống nhau, vì mỗi bản văn được đọc trong quan hệ với toàn khối.

3/ Nhất là Giáo Hội chúng ta đọc Cựu Ước dưới ánh sáng của biến cố Vượt qua (cái chết và sự sống lại của Đức Kitô) là biến cố đưa lại một sự mới mẻ tận căn và với một uy tín tối thượng, cung cấp cho Kinh Thánh một ý nghĩa quyết định và chung cuộc. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn Lịch sử cứu độ có giá trị của nó.              

5. Tiếp cận dựa vào những truyền thống giải thích của Do Thái (I.C.2)

Các truyền thống Do Thái cổ giúp hiểu bản LXX hơn. Nền văn chương Do Thái ngoài Thư Quy (Khối Ngụy Thư hay liên ước) là nguồn quan trọng giúp giải thích Tân Ước. Các phương thức chú giải được thực hành bởi các khuynh hướng khác nhau trong Do Thái giáo cũng có trong Cựu Ước. Ngoài ra, các bản targum và midrash, các nhà bình luận, các chuyên gia ngữ pháp và từ điển Do Thái của thời Trung Cổ và gần đây, cũng giúp các nhà chú giải hiểu nhiều đoạn văn tăm tối hoặc những từ ngữ hiếm.

   Tuy nhiên, Văn kiện lưu ý :

a. Không được quên tính chất phức tạp của thế giới Do Thái hoặc không để ý rằng, do những lý do lịch sử ai cũng biết, trong các nguồn Rabbi, khuynh hướng Pharisêu chiếm ưu thế trên các hình thái khác của Do Thái giáo cổ. Bây giờ chúng ta đã có những bổ sung nhờ những nghiên cứu mới đây về phong trào khải huyền và các bản văn Qumrân.

b. Đàng khác, vì các bản văn Do Thái giáo cổ thuộc nhiều thế kỷ, cần phải đặt chúng vào khung thời gian trước khi tiến hành đối chiếu.

c. Nhất là quan trọng là bối cảnh tổng quát của Do Thái giáo và Kitô giáo : tôn giáo Do Thái xác định một dân tộc và một lối sống từ một tác phẩm được mạc khải và một truyền thống khẩu truyền, trong khi cộng đoàn Kitô giáo thì được qui tụ lại do niềm tin vào Chúa Giêsu đã chết, đã sống lại, và hiện đang sống, là Đấng Mêsia và Con Thiên Chúa. Hai khởi điểm ấy, đứng về phương diện giải thích Kinh Thánh, tạo ra hai bối cảnh hoàn toàn khác nhau, mặc dầu có nhiều điểm gạp nhau và giống nhau.  

6. Tiếp cận nhờ lịch sử hiệu quả của bản văn  (I.C.3)

Tiếp cận này dựa trên hai nguyên tắc :

a. Một bản văn chỉ trở thành một tác phẩm văn chương nếu gặp được những độc giả ban sự sống cho nó bằng cách chiếm lấy nó cho mình ;

b. Việc chiếm hữu bản văn như thế, có thể theo cách cá nhân hoặc cộng đoàn và trên những lãnh vực khác nhau (văn chương, nghệ thuật, thần học, tu đức và thần bí) góp phần giúp hiểu bản văn hơn.

Người ta cố gắng đo lường sự chuyển biến của việc giải thích qua dòng thời gian dựa vào những điều được các độc giả quan tâm khi đọc bản văn. Người ta cũng cố gắng đánh giá tầm quan trọng của vai trò của Truyền Thống trong việc soi sáng ý nghĩa của các bản văn Kinh Thánh. Trong khi khoa chú giải lịch sử rơi vào nguy cơ giam hãm bản văn Kinh Thánh trong thời đại và trong hoàn cảnh phát sinh ra nó, và hầu như cấm cản nó nói một điều gì đó trong thời hiện tại, khoa chú giải theo lịch sử  các hiệu quả của bản văn cho độc giả thấy chúng ta đã trở nên cái gì và chúng ta có thể trở nên cái gì khi đi từ các bản văn.        

Tiếp cận này đã mang lại những kết quả phong phú, nhưng cần được sử dụng với óc biện phân, tránh ưu tiên đề cao một giai đoạn nào đó của lịch sử các hiệu quả của bản văn.

7. Tiếp cận theo xã hội học (I.D.1)

Các bản văn Kinh Thánh quan hệ với các xã hội trong đó chúng ra đời. Tiếp cận này nhấn mạnh rằng cần hiểu biết thật chính xác về các môi trường khác nhau trong đó các truyền thống Kinh Thánh được hình thành.

Tiếp cận này mở rất rộng tầm nhìn của nhà chú giải, nhưng cũng có kèm theo những khó khăn, chẳng hạn : các bản văn không cung cấp đủ tài liệu về một thời
đại ; rất dễ chú ý đến những phương diện kinh tế và tổ chức của cuộc sống con người hơn là đến những chiều kích cá nhân và tôn giáo của cuộc sống họ.

8. Tiếp cận nhờ khoa nhân học văn hóa (I.D.2)

Tiếp cận này vận dụng vào chú giải tất cả những hiểu biết về nghệ thuật, ngôn ngữ, tôn giáo, y phục, đồ trang sức, các lễ hội, các vũ khúc, thần thoại, truyền thuyết..., những hạng người, các vai trò xã hội, gia đình, nhà cửa, liên hệ họ hàng, địa vị phụ nữ, sinh hoạt đồng áng...

Lối tiếp cận này giúp phân biệt rõ hơn những yếu tố thường tồn trong sứ điệp Kinh Thánh vì có nền tảng trong bản tính con người, và những yếu tố bất tất vì thuộc về những nền văn hóa đặc thù. Tuy nhiên, cũng như những lối tiếp cận khác, tiếp cận này tự nó không nêu rõ được những đóng góp đặc biệt của Mạc khải.

9. Tiếp cận bằng tâm lý học và phân tâm học (I.D.3)

Các bản văn Kinh Thánh là những kinh nghiệm về cuộc sống và là những qui tắc ứng xử. Lối tiếp cận này giúp hiểu rằng Kinh Thánh rất đa dạng. Tuy nhiên cần có một nỗ lực chung giữa các nhà chú giải và nhà tâm lý, đồng thời phải tôn trọng ranh giới của mỗi bộ môn, cũng như không được tuyệt đối hóa một lập trường nào.

10. Tiếp cận duy giải phóng (approche libérationiste) (I.E.1)

Các nhà chú giải đọc Kinh Thánh theo nhu cầu của dân chúng, để tìm lương thực cho đức tin và đời sống của họ. Tiếp cận này giúp ý thức về chiều kích cộng đoàn của niềm tin, nhưng có thể trở thành thiên vị (vì chỉ chọn một số đoạn).

11. Tiếp cận duy nữ quyền (approche féministe) (I.E.2)

Tiếp cận này vận dụng những phương pháp quen thuộc trong chú giải, đặc biệt là phương pháp phê bình-lịch sử. Tuy nhiên, tiếp cận này dễ thiên lệch, nhất là khi đề cập đến quyền bính.

XV.      Nguyên tẮc 16 :
HiỆn tẠi hóa

Giáo Hội đón nhận Kinh Thánh như là Lời Thiên Chúa vừa ngỏ với Giáo Hội vừa với toàn thể thế giới trong thời đại hiện nay (IV.a). Hiện tại hóa là công việc có thể làm được do bởi ý nghĩa phong phú hàm chứa trong bản văn Kinh Thánh, và là công việc cần thiết, bởi vì Kinh Thánh được sáng tác để đáp ứng những hoàn cảnh trong quá khứ và theo một ngôn ngữ phù hợp với những hoàn cảnh này (IV.A.1.b-c).

Hiện tại hóa giả thiết chú giải đúng bản văn, xác định được nghĩa chữ của bản văn đó (IV.A.2.e). Phương pháp chắc chắn nhất và phong phú nhất để hiện tại hóa Sách Thánh là giải thích Sách Thánh bằng Sách Thánh. Việc hiện tại hóa một bản văn Kinh Thánh vào cuộc sống Kitô hữu tiến hành bằng cách đặt trong tương quan với mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội (IV.A.2.f).

Việc hiện tại hóa gồm ba bước : 1. lắng nghe Lời Thiên Chúa từ trong một hoàn cảnh cụ thể ; 2. xác định những phương diện của hoàn cảnh hiện tại được bản văn Kinh Thánh nêu bật hoặc đặt thành vấn đề ; 3. rút từ kho tàng ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh những yếu tố khả dĩ giúp cho hoàn cảnh hiện tại tiến tới một cách phong phú và hòa hợp với ý muốn cứu độ của Thiên Chúa trong Chúa Kitô (IV.A.2.g).            

XVI.  Nguyên tẮc 17 :
  HỘi nhẬp văn hóa

Nền tảng của việc hội nhập văn hóa là niềm xác tín rằng Lời Thiên Chúa siêu vượt các nền văn hóa trong đó Lời được diễn tả. Lời Thiên Chúa có thể và phải được diễn tả cách nào để tới được với mọi người trong chính bối cảnh văn hóa của họ (IV.B.b).

Giai đoạn thứ nhất của việc hội nhập văn hóa là chuyển dịch Sách Thánh sang một ngôn ngữ khác (IV.B.c). Kế đó là việc giải thích, làm cho sứ điệp Kinh Thánh có tương quan minh nhiên hơn với những cách cảm nghĩ, cách suy tư, cách sống và cách diễn tả riêng của nền văn hóa địa phương. Cuối cùng, người ta bước sang những giai đoạn khác của việc hội nhập văn hóa, đưa tới chỗ hình thành một nền văn hóa Kitô giáo địa phương, thấm nhập vào mọi phương diện của cuộc sống (IV.B.e).

Tương quan giữa Lời Thiên Chúa và các nền văn hóa con người mà việc hội nhập văn hóa đưa tới là một tương quan làm phong phú lẫn nhau. Các kho tàng phong phú được chứa đựng trong các nền văn hóa khác nhau giúp cho Lời Thiên Chúa sinh nhiều hoa trái mới, trong khi ánh sáng của Lời Thiên Chúa giúp biện phân ra những yếu tố tích cực và những yếu tố có hại (IV.B.f).

XVII.   Nguyên tẮc 18 :
ViỆc sỬ dỤng Kinh Thánh trong Giáo HỘi

Việc giải thích xảy đến trong tất cả mọi cách thức Giáo Hội sử dụng Kinh Thánh – trong Phụng vụ, lectio divina, trong công việc mục vụ và đại kết.

Theo nguyên tắc, phụng vụ giúp thực hiện việc hiện tại hóa hoàn hảo nhất các bản văn Kinh Thánh bởi vì chính Chúa Kitô “nói khi người ta đọc Kinh Thánh trong Hội Thánh” (PV 7). Phụng vụ dành một vị trí ưu tiên cho các Tin Mừng, và chu kỳ các bài đọc Chúa Nhật, nối kết một bản văn Cựu Ước với một bài đọc Tin Mừng, thường gợi ra một cách giải thích tiên trưng (IV.C.1.b-c).

Lectio divina là đọc Kinh Tthánh như là Lời Thiên Chúa; nhờ sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần,  việc đọc này đưa tới suy gẫm, cầu nguyện và chiêm niệm (IV.C.2.a).

Công việc mục vụ sử dụng Kinh Thánh trong huấn giáo, giảng thuyết và việc tông đồ Kinh Thánh (IV.C.3.a). Kinh Thánh cung cấp nguồn thứ nhất, nền tảng và quy tắc cho việc dạy giáo lý và giảng thuyết, tại nơi nào mà Kinh Thánh được giải thích dưới ánh sáng của Thánh Truyền (IV.C.3.b). Vai trò của bài giảng là hiện tại hóa Lời Thiên Chúa (IV.C.1.d).             

KẾt luẬn   :

Công việc của nhà chú giải và tương quan của việc chú giải với các ngành thần học khác

Nhiệm vụ của nhà chú giải công giáo vừa là một công việc nghiên cứu vừa là một công việc phục vụ Giáo Hội (III.C.a). Bởi vì việc giải thích vững chắc đòi hỏi có một sự liên hệ sống động với những gì đang nghiên cứu và ánh sáng của Chúa Thánh Thần, cần phải tham gia vào toàn thể đời sống và đức tin của cộng đoàn tín hữu (III.A.3.g) và cầu nguyện cá nhân (Diễn văn 9).

Nhiệm vụ hàng đầu của nhà chú giải là cố gắng xác định thật rõ ý nghĩa của các bản văn Kinh Thánh trong ngữ cảnh của chúng, nghĩa là, trước tiên, trong ngữ cảnh văn chương và lịch sử đặc thù của chúng, rồi kế đó trong ngữ cảnh rọng hơn là Thư Quy của Kinh Thánh (III.D.4.b). 

Các nhà chú giải công giáo chỉ thực sự đạt tới đích khi họ đã giải được ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh xét như Lời Thiên Chúa cho ngày hôm nay (III.C.1.b). Các nhà chú giải cũng phải cắt nghĩa nọi dung Kitô học, thư quy và giáo hội học của các bản văn Kinh Thánh (III.C.1.c).

Chú giải là một môn thần học, nên có một quan hệ đối thoại với các môn thần học khác (Tín lý, Luân lý... : III.D.a).

 

 

MỘt sỐ tác phẨm trình bày văn kiỆn cỦa UBKTGH :

-  Anon., “The Catholic Church & Bible Interpretation”, BRev 10/4 (1994) 32-35.

-  J.A. Fitzmyer, The Biblical Commission’s Document “The Interpretation of the Bible in the Church” – Text and Commentary (Subsidia Biblica 18) PIB, Roma 1995.

-  C. Focant, “L’Interprétation de la Bible dans l’Église”, RTL 25 (1994) 348-54.

-  G. Ghiberti – F. Mosetto (a c. di), L’interpretazione della Bibbia nella Chiesa (Elle Di Ci) Leumann (Torino) 1998.

-  H. Haag, “Bilanz eines Jahrhunderts: Ein Lehrschreiben der Pašpstlichen Bibelkommission”, Orientierung 58/11 (Juni 1994) 129-32.

-  J. Kremer, “Die Interpretation der Bibel in der Kirche: Marginalien zum neuesten Dokument der Pašpstlichen Bibelkommission”, Stimmen der Zeit 212/3 (March 1994) 151-66.

-  A. Vanhoye, “Il nuovo documento della Commissione Biblica”, Osservatore Romano (27-11-1993) 7.

-  P.S. Williamson, Catholic Principles for Interpreting Scripture – A Study of the Pontifical Biblical Commission’s The Interpretation of the Bible in the Church, PIB, Roma 2001. 

 



[1] Nội dung của bài trình bày này được rút ra từ Văn kiện của Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội (nguyên bản tiếng Pháp : L’interprétation de la Bible dans l’Église, 15-4-1993). Các số để trong ngoặc đơn quy chiếu về Văn kiện này.

[2] Thư Quy Cựu Ước được xác định vĩnh viễn với Công Đồng Trentô (1546), và được CĐ Vatican I nhắc lại (1870). Thư Quy Tân Ước được xác định bên Đông phương với thánh Athanasiô (367) và bên Tây phương với “Sắc lệnh của Đức Đamasô” nhu là kết quả của hội đồng Rôma (382). 

[3] “Phương pháp” (méthode) là một toàn bộ những cách thức khoa học được vận dụng để giải thích các bản văn, còn “tiếp cận” (approche) là một công việc tìm tòi nghiên cứu được định hướng theo một quan điểm riêng.

 

[4] Chủ nghĩa thực nghiệm (Positivisme) : Hệ thống triết học coi việc quan sát các sự kiện, coi kinh nghiệm thực tiễn, là nền tảng duy nhất của kiến thức.

[5] Ngữ học (Philologie) : Ngành nghiên cứu một ngôn ngữ hoặc mọt gia đình các ngôn ngữ, dựa trên việc phân tích phê bình các bản văn. Ngôn ngữ học (Linguistique) : Khoa học nghiên cứu về tiếng nói và các ngôn ngữ.

[6] Cú pháp (Syntaxe) : Toàn bộ các quy tắc nhờ đó các đơn vị ngữ học được liên kết thành câu. 

[7] Đọc Kinh Thánh theo cách bảo thủ (lecture fondamentaliste) : Đi từ nguyên tắc Kinh Thánh là Lời Chúa được linh hứng và không có sai lầm, tiếp cận này đòi hỏi đọc và giải thích Kinh Thánh sát mặt chữ trong mọi chi tiết (“nghĩa chữ” [littéral] thành “nghĩa cứ chữ” [littéraliste]). Cách thức này bắt nguồn từ thời Cải Cách, và được nêu bật trong Đại Hội Kinh Thánh Mỹ ở Niagara, NY, 1895. Người ta chống sử dụng phương pháp phê bình-lịch sử cũng như mọi phương pháp khoa học khác. “Tiếp cận này nguy hiểm vì nó hấp dẫn đối với những con người đang tìm kiếm những câu trả lời có sẵn của Kinh Thánh cho những vấn đề của cuộc sống. Nó có thể đánh lừa họ khi đem lại cho họ những cách giải thích đạo đức nhưng lại là ảo tưởng hão huyền” (Giải thích).


Mục Lục | Trở Về Trang Nhà