TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM

----------------

 

ĐẨY MẠNH VIỆC TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM

TRONG HIỆN TẠI & TRONG TƯƠNG LAI

 

 

VÀO ĐỀ

Chắc hẳn nhiều người khi đọc bài NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM XƯA VÀ NAY sẽ tự hỏi “Vậy phải làm thế nào để  ĐẦY MẠNH VIỆC TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM TRONG HIỆN TẠI VÀ TRONG TƯƠNG LAI?  Đó là một vấn đề rất hệ trọng đối với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Tiếc là ở trong nước cũng như trong các Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam hải ngoại chưa có hội nghị, hội thảo, toạ đàm nào được tổ chức để các nhà chuyên môn và các thành phần Dân Chúa trao đổi và thảo luận về vấn đế mang tính “sống còn” này.

 

Chính vì vậy mà bản thân tôi càng cảm thấy bị thúc bách phải gióng lên một tiếng nói để mong có nhiều người quan tâm đến vấn đề và dấn thân hơn nữa cho việc truyền bá Phúc Âm trên quê huơng yêu dấu.

 

ĐẨY MẠNH VIỆC TRUYỀN GIÁO BẰNG MỘT SỐ BIỆN PHÁP CƠ BẢN MANG TÍNH QUYẾT ĐỊNH 

          Để  nối tiếp bài NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM XƯA VÀ NAY và nhìn vào thực tế của Giáo Hội tôi thấy, ngoài việc hy sinh hãm mình và cầu nguyện cho việc Truyền Giáo, có ba biện pháp mà tôi cho là cơ bản và mang tính quyết định.

          Thứ nhất là Giáo Hội Việt Nam cần phát huy 5 đặc trưng của việc Truyền Giáo tại Việt Nam;

          Thứ hai là Giáo Hội Việt Nam nên cổ võ mạnh mẽ Ơn Gọi Truyền Giáo trong các dòng tu, giáo xứ, giáo phận; và

          Thứ ba là Giáo Hội Việt Nam nên chọn việc Truyền Giáo cho lương dân làm mục tiêu chính của mọi sinh hoạt của toàn Giáo Hội và thay đổi cách làm việc.

 

1. Giáo Hội Việt Nam cần biết cách phát huy 5 đặc trưng của việc Truyền Giáo tại Việt Nam:

          1.1 Xin phép được nhắc lại 5 đặc trưng của việc Truyền Giáo tại Việt Nam xưa và nay. Đó là:

                   (1o) tính gia đình,

                   (2o) tính làng xã, bộ tộc,

                   (3o) tính mộ đạo,

                   (4o) tính bác ái,  từ thiện, xã hội và

                   (5o) tính giáo dân.

 

          1.2 Muốn phát huy tính gia đình, thì Giáo Hội Việt Nam nên quan tâm hơn nữa đến các gia đình và đến việc giáo dục nhân bản và đức tin của gia đình cho thế hệ trẻ. Đồng thời tích cực đóng góp vào việc lành mạnh hóa môi trường xã hội  (1).

 

          Muốn phát huy tính làng xã, bộ tộc, thì Giáo Hội Việt Nam nên đầy mạnh việc xây dựng ý thức cộng đồng và tinh thần tập thể song song với việc  nâng cao đời sống văn hóa xã hội của các cộng đồng nghèo và bị nhiều thiệt thòi như các thôn làng miền núi và miền nông thôn.

 

          Muốn phát huy tính mộ đạo, thì Giáo Hội Việt Nam nên ưu tiên đầu tư vào việc hội nhập văn hóa và bảo tồn các hình thái đạo đức bình dân phối hợp chặt chẽ với nỗ lực nâng cao trình độ Giáo Lý, Thánh Kinh cho giáo dân.

 

         Muốn phát huy tính bác ái, từ thiện và xã hội, thì Giáo Hội Việt Nam nên giảm bớt hoặc tiết kiệm trong việc xây dựng cơ sở vật chất để dành một ngân khoản lớn cho các hoạt động bác ái, từ thiện và xã hội - cũng là những việc Truyền Giáo - và tổ chức các hoạt động ấy một cách khoa học và công bằng hơn.

 

         Muốn phát huy tính giáo dân, thì Giáo Hội Việt Nam, nhất là hàng giáo sĩ, cần thấm nhuần Tinh Thần và am hiểu Giáo Huấn của Công Đồng Va-ti-can II  nâng cao phẩm giá và vai trò của giáo dân, giao phó công tác cho họ và giúp đỡ họ hoàn thành sứ mạng của người giáo dân trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội (2).

 

          Làm được bấy nhiêu việc là đời sống và bộ mặt của Giáo Hội Việt Nam đã thay đổi rất nhiu rồi!

 

 

2. Giáo Hội Việt Nam nên cổ võ mạnh mẽ Ơn Gọi Truyền Giáo trong các dòng tu, giáo xứ, giáo phận:

 

          Nhờ ơn Chúa thương, Giáo Hội Việt Nam rất dồi dào ơn gọi tu sĩ và giáo sĩ. Chính sách nhà nước càng cởi mở thì việc đi tu của nam nữ thanh niên càng dễ dàng và đông đúc hơn. Nhưng có lẽ Giáo Hội Việt Nam nên lưu tâm hơn nữa đến việc cổ võ ơn gọi truyền giáo trong hàng ngũ các ứng viên linh mục và tu sinh. Người ta có cảm tưởng là các đại chủng viện mới chỉ quan tâm đến việc đào tạo các linh mục triều là để ra "giữ xứ"; các dòng quan tâm nhiều hơn đến dòng của mình mà chưa quan tâm đủ đến lương dân!  Năm 1975 vì hoàn cảnh xã hội, nhiều dòng đã phân tán mỏng thành nhiều cộng đoàn nhỏ, sống gần dân trong các ngôi nhà nhỏ bé đơn sơ, dễ vào. Dường như ngày nay một số Dòng Tu có xu hướng quay trở lại  với các cộng đoàn lớn, với cơ sở vật chất đồ sộ. Xu hướng  này có cần được xem xét lại không?

         

         Mới đây có một bàì báo nói rằng Ba Lan là nuớc xuất cảng các linh mục (3). Theo tôi nghĩ Giáo Hội Việt Nam cũng có thể trở thành một Giáo Hội xuất cảng các linh mục và tu sĩ sang các nước láng giềng, với điều kiện đầu tiên là Giáo Hội Việt Nam, từ cấp toàn quốc cho đến cấp giáo xứ, tổ chức liên tục các đợt cổ võ ơn gọi truyền giáo và đầu tư vào Hội Thừa Sai Việt Nam của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Sau nhiều năm lây lất sống cảnh "con chung không cha mẹ nào lo" Hội Thừa Sai Việt Nam đã được hồi sinh và được giao cho Đức Giám mục Phú Cường chăm sóc. Theo tôi thì Hội Thùa Sai này cần được Hội Đồng Giám Mục và các giáo phận quan tâm nhiều hơn nữa để giúp Hội hoàn thiện qui chế, có chương trình huấn luyện và chiêu sinh thích hợp. Có lẽ cũng nên mở rộng cho người giáo dân tham gia vào đời sống và hoạt động Truyền Giáo của Hội.

                  

3. Giáo Hội Việt Nam nên chọn việc Truyền Giáo cho lương dân làm mục tiêu "ưu tiên số một" của mọi hoạt động của toàn Giáo Hội và thay đổi cách làm việc:

 

          Muốn đầy mạnh việc Truyền Giáo trong hiện tại và trong tương lai,

          Trước hết Giáo Hội Việt Nam cần chọn ưu tiên số một của mọi hoạt động của các cộng đoàn từ giáo xứ đến giáo phận, từ hội đoàn tông đồ đến các ban mục vụ, các ủy ban giám mục là việc loan báo Tin Mừng cho lương dân, cho người Kinh cũng như người sắc tộc thiểu số.

 

          Kế  tiếp là cần có phương pháp làm việc có kế hoạch, chương trình bài bản mà nhiều người, nhiều nơi chưa quen. Tôi nhớ cách đây 5 năm (tháng 3.2001), tại Hội Nghị Giáo Dân Châu Á lần thứ hai tại Bangkok (Thái Lan) khi Ban Tổ Chức đề nghị các đoàn đại biểu tham dự Hội Nghị chuẩn bị  Kế Hoạch Hoạt Động Quốc Gia (Action's National Plan) để trình bày trong Phiên Họp Khoáng Đại của Hội Nghị  thì Vị giám mục trưởng  đoàn (4) nói với chúng tôi rằng:  "Mình có làm được gì đâu mà lên Chương Trình hay Kế Hoạch."  Nhiều vị lãnh đạo cao thấp trong Giáo Hội Việt Nam vẫn còn suy nghĩ như vị giám mục trên.

          Làm việc không kế hoạch, không kiểm điểm, không lượng giá công việc, không rút ưu khuyết điểm thì làm sao mà tiến triển được!

        

          Và sau cùng là có sự cộng tác chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể Công Giáo Tiến Hành, giữa các giáo phận và giữa các giám mục, linh mục và dòng tu.

 

 

THAY LỜI KẾT

        Nếu tất cả những thuận lợi về các mặt và trong các lãnh vực đều được coi là những nén vàng nén bạc Thiên Chúa trao ban, thì Giáo Hội Việt Nam còn chôn giấu rất nhiều nén vàng nén bạc của Thiên Chúa.

        Máu của 117+1 Thánh Tử Đạo và của hàng trăm ngàn Anh Hùng Tử Đạo là những nén vàng nén bạc vô cùng quí giá! 

        Nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ cũng là những nén vàng nén bạc quí giá!

        Nhiều giáo dân hăng say, nhiệt thành, quảng đại  với công việc của Giáo Hội  cũng là những nén vàng nén bạc quí giá!

        Người Công Giáo Việt Nam là một thiểu số, yếu kém cả về số lượng lẫn quyền lực trần gian cũng là những nén vàng nén bạc quí giá!

        Thậm chí cả những khó khăn, cản trở và bách hại mà Giáo Hội Việt Nam phải chịu cũng là những nén vàng nén bạc quí giá!

        Chắc chẳng ai trong chúng ta muốn nghe lời tuyên xử của Chúa Giê-su: "Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng." (5).

 

          Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.                                               

 Kansas City (MO/USA) ngày 01.08.2006

 

 

.....................

Ghi chú:

(1) Xin mời đọc Đề Tài 20:  "ĐỂ GIÚP CÁC GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO VIỆT NAM SỐNG ĐẠO TỐT HƠN"  thuộc Chủ Đề "GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO" trên các websites:  thanhlinh.net, dongcong.net, chungnhanduckito.net và liendoanconggiao.org.

(2) Về mối tương quan giữa Giáo phẩm và giaó dân, xin đọc Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) số 37.

(3) Đó là bài của Lm Trần Công Nghị với những thông tin như sau:  "Hiện nay chừng phân nửa số linh mục thừa sai rời Trung Tâm Truyền Giáo Krakow ra ngoại quốc truyền giáo, thì không đi đây xa hơn là tới các nước láng diềng Châu Âu và tới Bắc Mỹ. Tại Đại chủng viện Tổng giáo phận Krakow, các chủng sinh được khuyến khích học thêm các ngôn ngữ như Anh, Đức, Pháp, Ý cộng thêm các môn môn ngôn ngữ truyền thống tiếng La tinh và các môn thần học tu đức. Sau khi họ được truyền chức thì sẵn sàng lên đường đi ngoại quốc truyền giáo. Tại Ba Lan, linh mục đã trở thành món “xuất cảng” đắt hàng nhất niện nay, nơi mà Giáo Hội Công giáo vẫn còn duy trì được một nền đạo sống động và ơn kêu gọi làm linh mục càng ngày càng tăng, đầu Ba Lan đã phải sống dưới chế độ Cộng Sản lâu năm. Và so với tình trạng các nước Châu Âu, nền đạo vào số linh mục bớt đi quá nhiều thì Ba Lan vẫn là nơi phát huy nếp sống đạo Công giáo mạnh mẽ.


Linh mục Marek Lesniak thuộc Đại Chủng Viện Krakow nói:  “Giáo Hội là hoàn vũ chứ không chỉ là ở Ba Lan”, Ngài cho biết thêm các linh mục xuất thân từ chủng viện này hiện nay cũng làm việc tại Áo, Anh, Đức, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, và ngay tại các quốcv gia như Nga, Ukraine, Congo và Brazil, v.v... Lm Lesniak nói tiếp: "chúng tôi không phải là đại chủng viện truyền giáo, nhưng nếu ai nghe tiếng gọi truyền giáo thì người đó có thể theo tiếng gọi truyền giáo đó”. Đại Chủng Viện Krakow đã được thành lập từ 600 năm qua và tại đây Đức cố Giáo Hoàng John Paul II đã từng theo học, nên cũng là một động lực và cảm hứng cho các sinh viên trẻ đến đây theo học" (VietCatholic News 18/07/2006).

 

(4) Phái đoàn Việt Nam dụ Hội Nghị này gồm một giám mục, một linh mục và ba giáo dân, hai nữ một nam.

(5) Mt 25,26-30.

 


Trở về Trang Mục Lục