TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT
NAM
----------------
NHÂN SỰ TRUYỀN GIÁO
VÀO ĐỀ
Chúa Thánh Thần là
Người quyết định thành quả của Công Cuộc Loan Báo Tin Mừng của Giáo Hội. Nhưng
Chúa Thánh Thần không hoạt động một mình cũng như Chúa Giê-su đã không hoạt động
một mình. Trong suốt lịch sử ngàn đời của Dân Chúa, ơn Cứu Độ luôn được đem đến
cho con người bằng/qua những con người và nhờ các phương tiện mà Chúa Quan
Phòng ban cho con người.
Trong bài này
chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề NHÂN SỰ là yếu tố tối cần thiết cho công cuộc
Truyền Giáo. Chúng ta có thể gọi là Cán Bộ Truyền Giáo, và nhấn mạnh đến các
Tông Đồ Giáo Dân.
TRÌNH BÀY
I. SỰ CẦN THIẾT CỦA NHÂN SỰ TRUYỀN GIÁO
1.1 Để tạo ra Ơn Cứu độ, Chúa Giê-su
đã một mình tự hiến trên cây thập giá. Nhưng để ban tặng ơn ấy cho nhân loại,
Ngài đã tuyển chọn và huấn luyện 12 Tông Đồ để rồi sai họ đến với muôn dân.
Chúa Thánh Thần đã kiện toàn công trình đào tạo các Tông Đồ vào ngày Lễ Ngũ Tuần
(xem Cv 2,1-12). Các Tông Đồ đã ra đi như Chúa Giê-su truyền và đã làm nên đại
sự nhờ năng lực Chúa Thánh Thần ban. Sứ vụ Loan Báo Tin Mừng đương nhiên là kéo
dài cho đến tận thế như Đức Giê-su gợi ý: “Thày ở
cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Các Tông Đồ, theo
đúng bài học Thày chí thánh để lại, cũng đã tuyển mộ học trò, huấn luyện họ rồi
sai họ đi.
1.2 Nếư đọc Tông Đồ Công Vụ và lịch sử
của Giáo Hội Công Giáo những thế kỷ đầu, chúng ta sẽ thấy vai trò nổi bật của
giáo dân, nam có nữ có trong việc đem Chúa và Tin Mừng Cứu Độ đến cho dân ngoại.
Lịch sử Giáo Hội Việt Nam cũng có sự đóng góp lớn lao của hàng ngũ giáo dân.
Trong số 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam chúng ta có 96 Thánh là người Việt Nam trong
số đó có 37 linh mục, 14 thầy giảng, một chủng sinh và 44 giáo dân.
1.3 Nhưng chúng ta cũng phải đau buồn mà nhận rằng
trong lịch sử Giáo Hội, đã có một thời gian
khá dài đại đa số người Công
Giáo, kể cả các vị lãnh đạo, đã ngộ nhận
mà hiểu sai rằng: chỉ có các linh mục và tu sĩ nam nữ mới có Ơn Gọi và Sứ Mạng
Truyền Giáo; còn giáo dân thì không có ơn gọi và sứ mạng gì hết, nên cứ việc ngồi
chơi xơi nước, không phải làm gì cả, chỉ cần giữ đạo để khỏi phải sa hỏa ngục
là đủ rồi! Để diễn tả thực trạng tâm lý ấy,
người ta đã mượn hình ảnh một con thuyền để trình bày Giáo Hội. Chất đầy các
khoang thuyền là giáo dân nam nữ, già trẻ, lớn bé. Những người đứng ở mũi thuyền
để lái và đứng đằng sau thuyền cố sức
chèo cho thuyền lướt trên mặt nước là
các linh mục và tu sĩ. Người ta cũng trình bày Giáo Hội như một chiếc xe không
động cơ, trên xe là giáo dân ngồi chen chúc, thái độ tỉnh khô và bất cần; trong
khi hai bên và phía sau xe là các linh mục và tu sĩ dùng hết sức bình sinh để đẩy
chiếc xe tiến về phía trước, mồ hôi nhễ nhại,
1.4 Nhờ ảnh hưởng của phong trào thánh
kinh và nhiều phong trào giáo dân và nhất là của Công Đồng Vatican II (1962-1965) trong thế kỷ XX, Giáo Hội nói
chung và các vị lãnh đạo nói riêng đã quan tâm đến việc huy động giáo dân - là
lực lượng chiếm đại đa số trong Giáo Hội -
vào việc chèo thuyền và đẩy xe
Giáo Hội. Vì thế mới có nhiều người thành tâm thiện chí, nhiệt tâm với sứ vụ cứu
rỗi anh em, đã gia nhập hàng ngũ Tông Đồ. Họ thuộc đủ mọi thành phần dân Chúa:
giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân; đủ mọi lối sống; đủ mọi ngành nghề; thuộc
cả hai phái nam và nữ. Họ được Chúa Thánh Thần ban phát các đặc sủng để mưu cầu
lợi ích cho Giáo Hội và Chúa Giê-su linh hứng ơn gọi truyền giáo trong tâm hồn
từng người. Họ đã cống hiến cuộc đời cho sứ vụ sai đi và đã góp phần mở mang Nước
Chúa mỗi ngày mỗi rộng khắp. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng phần đông
những người giáo dân đã quá quen với cách sống
thờ ơ thụ động của mười mấy thế kỷ nên chưa kịp thích ứng với hoàn cảnh
mới, chưa đóng góp được gì nhiều; trong khi đó một số khá nhiều giáo dân trong
nhiều Giáo Hội Tây Phương, vì không tìm
thấy chỗ của mình trong lòng Giáo Hội Công Giáo, nên đã lẳng lặng ra đi mà
không nói lời từ gĩa.
II. NHẬN DIỆN VỀ NHÂN SỰ TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM HIỆN NAY
Ngoài các linh mục và tu sĩ nam nữ hoạt động trên cánh đồng Truyền Giáo,
nếu quan sát sinh hoạt của bất kỳ giáo xứ hay cộng đoàn Ki-tô hữu nào chúng ta
cũng thấy nổi bật ba hạng người sau đây có công đóng góp lớn nhất vào việc Loan
Báo Tin Mừng và Huấn Luyện Đức Tin. Đó là:
(1) Các Thành Viên Hội Đồng Giáo Xứ và Ban Điều
Hành các Giáo Họ (Khu/Xóm Giáo; (2) Các Giáo
Lý Viên; (3) Các Hội Viên Hội Đoàn Tông Đồ hay Công Giáo Tiến Hành.
2.1 Các Thành Viên của
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ và của Ban Điều Hành các Giáo Họ (Khu/Xóm Giáo):
Dù
thế nào đi nữa thì các thành viên của Hội Đồng Mục vụ Giáo xứ cũng như của Ban
Điều Hành các Giáo Họ hay Khu / Xóm Giáo (tức các chánh phó trương, trùm trưởng
trùm phó theo tiếng gọi ngày xưa) cũng là những người làm việc trực tiếp với
các linh mục và ở nằm giữa thượng tầng của Giáo Xứ là linh mục và hạ tầng của
Giáo Xứ là giáo dân.
Ở một số Giáo Xứ thì những người này
có vai trò khá quan trọng trong việc duy trì, định hướng và phát triển các sinh
hoạt của Giáo Xứ.
Ở
một số Giáo Xứ khác thì họ chỉ thuần túy là những người thừa hành, thậm chí là
người để các linh mục chánh phó xứ sai bảo.
Nhưng dù có như thế thì nếu thiếu họ, nhiều công việc quan trọng không
có ai thực hiện nên cũng không thể coi thường vai trò của những người này.
Nếu các linh mục chính xứ biết noi gương,
học hỏi Chúa Giê-su trong việc tuyển chọn, huấn luyện và đào tạo các Tông Đồ
thì các ngài có thể biến những người này thành các Cán Bộ Tông Đồ Giáo Dân đích
thực tức nhiệt thành và hữu hiệu. Chỉ tíếc là có nhiều linh mục cai quản một
giáo xứ trong vòng 30-40 năm mà không đào tạo được đến một tiểu đội (12 người)
Tông Đồ Giáo Dân đích thực!
2.2 Các Giáo Lý Viên:
Ngoài thành phần giáo dân kể trên, một thành phần khá quan trọng khác
trong sinh hoạt của một Giáo Xứ là các
Giáo Lý Viên. Có thể nói ở hầu hết các Giáo Xứ Việt Nam hiện nay, ở trong nước
cũng như ở hải ngoại, việc dạy Giáo Lý Khai Tâm, Rước Lễ và Thêm Sức... cho trẻ em và thiếu niên là
trăm phần trăm được giao cho Giáo Dân. Các linh mục chỉ còn dạy Giáo Lý
Hôn Nhân và Dự Tòng mà thôi. Nhưng trong
nhiều Giáo Xứ việc dạy Giáo lý Hôn Nhân
và Dự Tòng cũng được giao cho Giáo Dân.
Ở
một số Giáo Xứ thì các Giáo Lý Viên rất được trân trọng, quý mến, từ cha chính
xứ đến bà con giáo dân. Nhưng ở một số
giáo xứ khác thì họ chẳng được ai quan tâm hỏi han. Thậm chí việc tuyển chọn,
huấn luyện thành phần này cũng chẳng được cha xứ ngó ngàng tới. Làm ở Học viện
Mục Vụ Sàigòn, tôi biết có nhiều Giáo Xứ lên danh sách Giáo Lý viên đến Học
viên đăng ký cho các em tham dự các Khóa Đào Tạo về Su Phạm Giáo Lý và đóng tiền
học phí cho các em. Nhưng cũng có nhiều Giáo Xứ chẳng hề bận tâm đến việc này.
Không ít Giáo Lý Viên tự ghi danh và tự
đóng tiền học.
Cũng
nên ghi nhận một nhu cầu thực tế mà nhiều Giáo Xứ, nhất là ở thành thị, chưa biết
giải quyết cách nào, đó là làm sao có các Giáo Lý Viên Gia Đình, nghĩa là Giáo
Lý Viên đến tận các gia đình để dạy Giáo Lý cho những người già cả, bệnh tật
không thể đi xa được hoặc những người còn trẻ nhưng quá vất vả vi cuộc sống khó
khăn không có thời gian theo học các Khóa do Giáo Xứ tổ chức.
Một
hiện tượng khác đang làm nhức đầu các linh mục coi xứ vùng nông thôn: đó là các Giáo Lý Viên, phần
đông là còn trẻ, kẻ trước người sau, theo nhau ra thành phố học hành, kiếm việc,
làm ăn, sinh sống. Giáo Xứ miền quê đã nghèo nay lại nghèo thêm vì mất dần người.
Đây là hệ quả không thể đảo ngược được của nền kinh tế thị trường. Phải chăng
các Giáo Xứ nên nhắm đến các giáo viên trong Giáo Xứ mà vận động họ tham gia
vào công việc giáo dục Đức Tin và Truyền Giáo của Giáo Xứ. Thành phần này có
nhiều thuận lợi: họ vừa có trình độ vàn hóa và sư phạm, vừa có đời sống và nghề
nghiệp ổn định tại địa phương.
2.3 Các Hội Viên Hội
Đoàn Tông Đồ hay Công Giáo Tiến Hành:
Một
thành phần giáo dân khác thuộc Nhân Sự Truyền Giáo đáng được nên lên ở đây là các Hội Viên Hội Đoàn Tông Đồ hay Công Giáo Tiến Hành. Hiện
nay nhiều Hội Đoàn đã hoạt động trở lại và phát triển khá mạnh mẽ. Đó là một điều
đáng mừng và rất đáng khích lệ. Một linh mục chính xứ nói với tôi là ngài chủ
trương và khuyến khích mỗi người giáo dân tham gia vào một Hội Đoàn, để đời sống
tâm linh được trau đồi cao hơn và để cùng anh chị em hội viên làm việc Tông Đồ.
Rất
tiếc là một số Hội Đoàn còn tự khép mình trong giới hạn một hội đạo đức có tính
cá nhân mà chưa phát huy tính môn đệ Chúa Ki-tô của Bí Tích Rửa Tội. Mọi Ki-tô hữu đều là môn đệ Chúa Giê-su Ki-tô
và một khi đã là môn đệ Chúa Giê-su Ki-tô thì phải sống hai chiều kích hay hai
trách nhiệm gắn liền với nhau: Đó là sống gắn bó mật thiết với Chúa và được
Chúa sai đi Truyền Giáo (1).
Có
một điều đáng tiếc khác là nhiều Tông Đồ Giáo Dân không được huấn luyện tương đối
đầy đủ về Truyền Giáo. Có thể nói các Hội Viên Legio Mariae (Đạo Binh Đức Ma-ri-a)
đáng được coi là những Tông Đồ xung kích, dấn thân nhất trong công việc đến
thăm các gia đình. Nhưng không chỉ có thiện chí là đủ. Ngoài lời cầu nguyện và
lòng khát khao giúp các linh hồn gặp được (hay gặp lại) Chúa, người Tông Đồ cũng
cần có kiến thức tối thiểu về tâm lý xã hội, về các tôn giáo tín ngưỡng không
phải là Ki-tô giáo, về giáo huấn của Công Đồng Vatican II liên quan tới con người,
thực tại trần thế, Ơn Cứu Độ cũng như cách Thiên Chúa Cứu Độ. Tiếc rằng nhiều Hội
Đoàn chưa làm được việc này, thậm chí chưa quan tâm đến việc hệ trọng này.
THAY LỜI KẾT
Chúa Thánh Thần là
nhân tố quan trọng nhất trong công cuộc
Truyền Giáo. Nhân sự Truyền Giáo là nhân
tố quan trọng thứ hai. Nhân sự Truyền
Giáo phải được hiểu là những người đã được chuẩn bị cho công cuộc Truyền
Giáo. Bài sau (bài 5) sẽ đề cập đến vấn
đề chuẩn bị hay huấn luyện nhân sự Truyền Giáo, theo biểu đồ năm (5) chữ T:
Tinh Thần, Trình Độ, Tâm Lý, Thời Gian và Tài Chánh.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
Kansas City (MO/USA) ngày 14.08.2006
.........................
Chú
thích
(1)
Xem Mc 3, 13-15: "Rồi Người lên núi
và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập
Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với
quyền trừ quỷ." Trong tông huấn Kitô hữu giáo dân, Đức Giáo Hoàng Gio-an
Phao-lô II đã mượn dụ ngôn những người
làm vườn nho (Mt 20,1-16) để nhắc nhở hết mọi Ki-tô hữu, giáo sĩ cũng như
giáo dân, đều được mời và có trách nhiệm vào làm cho Vườn Nho của Thiên Chúa
(xem Christifideles Laici, số 1-3).