TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM

----------------

 

TUYỂN CHỌN VÀ ĐÀO TẠO NHÂN SỰ TRUYỀN GIÁO 

 

VÀO ĐỀ

         

          Trong bài trước (bài 4) tôi chỉ nêu lên 3 thành phần giáo dân trong hàng ngũ Nhân Sự Truyền Giáo. Thật ra còn rất nhiều Tông Đồ Giáo Dân khác đáng chúng ta nhắc đến và ghi nhớ công lao. Nhưng theo tôi, những người này có một nét cá biệt là họ thực hiện sứ mạng Loan Báo Tin Mừng trong các lãnh vực chuyên môn của họ và họ ít lệ thuộc vào tổ chức giáo xứ. Ví dụ: những anh chị em giáo dân là bác sĩ, y tá hay cán sự xã hội, hay những anh chị em giáo dân làm/viết báo/sách trong số đó phải kể đến những anh chị em thực hiện các trang webs hay viết bài cho các trang webs ấy. Tất cả những giáo dân vừa kể đều thực sự là Nhân Sự Truyền Giáo. 

 

          Trở lại với vần đề Nhân Sự Truyền Giáo, trong bài này chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề TUYỂN CHỌN VÀ ĐÀO TẠO là vần đề chìa khóa. Dựa vào thực tế chúng ta thấy để làm Tông Đồ Giáo Dân một cách tích cực và hiệu quả, các ứng viên cần có 5 (năm) điều kiện, đều bắt đầu bằng chữ T: một là TINH THẦN, hai là TRÌNH ĐỘ, ba là TÂM LÝ, bốn là THỜI GIAN và năm là TÀI CHÁNH. Hẳn nhiên là 5 điều kiện trên không quan trọng như nhau. Có lẽ thứ tự quan trọng của các điều kiện tương ứng với thứ tự vừa được nêu ra.

 

TRÌNH BÀY

I. TINH THẦN CỦA CÁN BỘ TRUYỀN GIÁO

          1.1 Trong 5 (năm) điều kiện người cán bộ truyền giáo phải có thì TINH THẦN là điều kiện quan trọng nhất. Tinh thần được hiểu là tinh thần Ki-tô giáo nói chung, tinh thần Tông Đồ hay Truyền Giáo hay Siêu Nhiên nói riêng. Tinh Thần ấy khác xa với tinh thần tự nhiên hoặc tệ hơn là tinh thần thế gian.

         Người  làm việc Tông Đồ theo tinh thần tự nhiên là người làm theo ý hay sở thích riêng của mình.

         Người làm việc Tông Đồ theo tinh thần thế gian là người tìm kiếm danh vọng thế gian, lợi lộc vật chất, uy tín cá nhân.

         Còn người làm việcTông Đồ theo tinh thần Tông Đồ hay Truyền Giáo hay Siêu Nhiên là người làm việc theo tinh thần của Tin Mừng, của Chúa Kitô, của Hội Thánh tức làm việc nhằm  VINH DANH THIÊN CHÚA và  LỢI ÍCH ĐÍCH THỰC CÚA CON NGƯỜI. Vì thế mà cầu nguyện, hy sinh, hãm mình, bỏ ý riêng, tìm ý Chúa, cộng tác với người khác là những yếu tố then chốt không thể thiếu trong cách hoạt động.

         

         1.2 Muốn làm việc Tông Đồ theo tinh thần Tông Đồ hay Truyền Giáo hay Siêu Nhiên như thế thì người tông đồ giáo dân cần được đào tạo kỹ về  cách  sống ĐứcÁi Ki-tô giáo (kính Chúa yêu người),  về đời sống cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, tìm kiếm thánh ý Chúa. Người ấy cũng cần được rèn luyện về tập quán hy sinh, hãm mình, dẹp bỏ ý riêng, biết cộng tác và phục thiện trong giao tiếp và làm việc với đồng nghiệp.

 

II. TRÌNH ĐỘ CỦA CÁN BỘ TRUYỀN GIÁO

          2.1 Trong 5 (năm) điều kiện người cán bộ truyền giáo phải có thì TRÌNH ĐỘ là điều kiện quan trọng thứ hai. Trình độ được hiểu là trình độ Giáo Lý, Thần Học, Thánh Kinh, Công Đồng Vatican II, Giáo Luật và Giáo Huấn của Giáo Hội. Nói chung là trình độ về Đạo. Nhiều người trong chúng ta cảm thấy e ngại khi nghe nói đến trình độ ấy. Chẳng có gì phải e ngại cả. Trình độ thì có nhiều mức độ khác nhau và không có định mức nào được cho là đủ cả. Trình độ cũng không phải chỉ là lý thuyết mà còn là kinh nghiệm sống, là cảm nghiệm đức tin, cậy, mến của mỗi người. Trình độ thì có thể trau dồi và học hỏi mỗi tháng một ít, mỗi năm một ít, thậm chí tìm tòi, học hỏi suốt đời chẳng bao giờ cùng!

 

2.2 Muốn là người Tông Đồ Giáo Dân có trình độ thì không thể không nói đến việc siêng năng tìm tòi, học hỏi:

* qua những người đi trước hay các cộng sự viên của mình,

* qua sinh hoạt hàng tuần, hàng tháng, hàng năm của hội đoàn Tông Đồ mà mình là hội viên,

* qua các Khóa huấn luyện tổng quát và chuyên đề,

* qua các cuộc hội thảo, tọa đàm hay hội nghị,

* qua các đợt tĩnh tâm, linh thao chung và riêng,

* qua các chuyến hành hương hay công tác xã hội.

          Hiện nay nhiều giáo phận trong nước đã thành lập các Ban Mục Vụ  (Thiếu Nhi, Giới Trẻ, Gia Đình, Trí Thức, Y Xã (Y Tế, Xã Hội), Giáo Chức, Văn Nghệ Sĩ, Di Dân v.v….) và đã xây dựng Trung Tâm Mục Vụ, Học viện Mục vụ hay Nhà Sinh Hoạt Giáo phận, Nhà Chung của Giáo Phận, thì công việc đào tạo cán bộ truyền giáo là trách nhiệm của các Ban Mục Vụ và các Trung Tâm kể trên.

 

III. TÂM LÝ CỦA CÁN BỘ TRUYỀN GIÁO

          3.1 Trong 5 (năm) điều kiện người cán bộ truyền giáo phải có thì TÂM LÝ  là điều kiện quan trọng thứ ba. Tâm lý được nêu lên ở đây không phải là kiến thức lý thuyết về tâm lý cho bằng sự hiểu biết tâm lý con người trong cuộc sống. Trong kinh nghiệm truyền giáo đã có nhiều trường hợp người có cảm tình với Đạo xa lánh, thậm chí ghét bỏ Đạo, chỉ vì người cán bộ truyền giáo không biết cách đối xử với họ "một cách tâm lý". Thật vậy, khi tiếp xúc với các thành phần khác nhau trong xã hội thì người cán bộ truyền giáo cần phải biết người mình tiếp xúc thuộc thành phần nào (đạo ông bà, phật tử, bỏ đạo, nguội lạnh, gia đình rối (1), gốc Miền Bắc, Miền Trung, Miền Nam, cựu cán bộ cộng sản (2), vô thần), vì mỗi thành phần xã hội có tâm lý riêng, có vốn liếng và kinh nghệm sống riêng, có tâm tư, khắc khoải và thắc mắc riêng.

         

          3.2 Sự hiểu biết tâm lý sẽ giúp người cán bộ truyền giáo tiếp xúc một cách dễ dàng, thoải mái, tự tin với từng hạng người, biết dùng phương cách thích hợp để khơi lên vấn đề có liên quan tới nhu cầu và khát vọng thâm sâu về tôn giáo và tâm linh nơi mỗi người. Kiến thức thực dụng (pratical) này là sự kết hợp giữa hiểu biết lý thuyết và kinh nghiệm sống cụ thể.

 

IV. THỜI GIAN CỦA CÁN BỘ TRUYỀN GIÁO

          4.1 Trong 5 (năm) điều kiện người cán bộ truyền giáo phải có thì THỜI GIAN là điều kiện quan trọng thứ bốn. Thời gian chẳng những được hiểu là thời gian rãnh rỗi mà người cán bộ truyền giáo có thể có để dành cho việc Tông Đồ mà còn có nghĩa là người ấy biết cách tổ chức thời gian của mình cho có lợi nhất cho việc truyền giáo. Sống trong một xã hội hiện đại như ở các nước Phương Tây thì thời gian là điều mà người ta có ít nhất. Trong một xã hội chậm phát triển như ở Việt Nam thì người cán bộ truyền giáo có nhiều thời gian hơn; nhưng với đà phát triển hiện nay, nhất là với dân thành thị, thì thời gian cũng dần dần bị thu hẹp lại.

 

          4.2 Muốn có thời gian dành cho việc truyền giáo thì người Tông Đồ Giáo Dân phải chấp nhận hy sinh rất nhiều, kể cả thu nhập và lợi ích vật chất lẫn hưởng thụ văn hóa cách chính đáng. Cũng có nghĩa là người ấy chọn sống theo bậc thang các giá trị của Phúc Âm coi của cải, giầu sang, hưởng thụ là thứ yếu sau các giá trị của Tin Mừng là yêu thương, phục vụ tha nhân, cứu giúp những người nghèo khó, túng thiếu, xa Chúa và chưa biết Chúa. Nếu người cán bộ truyền giáo chờ cho đến khi mình rảnh rỗi mới tham gia việc Tông Đồ, thì e rằng chẳng bao giờ người ấy được rảnh rỗi.

 

V. TÀI CHÁNH CỦA CÁN BỘ TRUYỀN GIÁO

           5.1 Trong 5 (năm) điều kiện người cán bộ truyền giáo phải có thì khả năng TÀI CHÁNH  là điều kiện quan trọng thứ năm.  Nói đến khả năng tài chánh không có ý nói phải là người giầu có, dư ăn dư mặc, mới có thể là cán bộ truyền giáo. Người nghèo cũng có thể là cán bộ truyền giáo. Nhưng tốt nhất là người ấy có được đời sống kinh tế tương đối ổn định vì cán bộ truyền giáo không thể chỉ biết lo cho người khác mà quên nhiệm vụ lo cho gia đình mình. Đây quả là vấn đề gai góc mà nhiều người không biết cách nào để vượt qua.

    

           5.2 Nhưng nếu chúng ta chờ cho đến khi đủ ăn, đủ mặc (biết bao giờ chúng ta mới cho là mình đủ ăn đủ mặc?) mới làm việc Tông Đồ thì cũng là sai lầm. Kinh nghiệm cho thấy những giáo dân nhiệt thành với việc mở mang Nước Trời  mà hy sinh thời gian cho công việc Tông Đồ thường là những người được Chúa Quan Phòng (3) bù đắp một cách đặc biệt, đúng như Chúa Giê-su đã nói  trong Phúc Âm: "Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy." (4). Cho nên vấn đề ở đây là người cán bộ truyền giáo vừa cố gắng lo cho gia đình mình, vừa dám liều với Chúa mà tin tưởng, phó thác cuộc sống của mình và của gia đình cho Chúa.

              

THAY LỜI KẾT

       Cả năm điều kiện trên đều có thể áp dụng cho mọi lứa tuổi, chứ không chỉ cho những giáo dân trưởng thành, cho mọi thành phần chứ không chỉ cho những người có học vấn cao hay nhiều của cải. Mới đây có bản tin đáng chúng ta suy gẫm là Trại hè của Hội Giáo Hoàng Tuổi Thơ Thánh Thiện của Hội Giáo Hoàng Thừa Sai Hàn Quốc tổ chức từ ngày 2-4.8.2006 tại Trung Tâm Giáo Dục và Tĩnh Tâm Hanmaum ở giáo phận Uijeongbu, cách Seoul khoảng 25 kilômét về phía bắc với mục đích là giới thiệu đời sống thừa sai cho các thiếu nhi (5). Nếu các Tòa Giám Mục, các linh mục coi xứ, các Ban Mục Vụ và các Trung Tâm Mục Vụ của các Giáo phận Việt Nam quan tâm hơn nữa đến vấn đề tuyển chọn và đào tạo Nhân Sự Truyền Giáo thì Giáo Hội Việt Nam sẽ có thêm nhiều thợ gặt nhiệt thành và chuyên nghiệp và công cuộc Truyền Giáo tại Việt Nam sẽ tiến trỉển mạnh mẽ hơn nhiều. Đó là điều chắc chắn và đáng mong ước. Hy vọng trong THƯ MỤC VỤ với tựa đề "SỐNG ĐỨC TIN GIỮA LÒNG XÃ HỘI" mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sẽ phổ biến sau Hội Nghị Thường Niên từ 4 đến 8.9.2006 tại Huế, sẽ đề cập đến Vấn Đề Truyền Giáo tại Việt Nam hiện nay và trong tương lai.

       Để kết thúc bài này xin được nêu lên hai đề nghị:

       * Thứ nhất là việc gây qưỹ và sử dụng quỹ Truyền Giáo của mỗi giáo xứ, giáo phận và của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trong đó có phần yểm trợ cho các giáo lý viên, nhất là các giáo lý viên chuyên nghiệp, dành trọn thời gian cho cánh đồng truyền giáo.

       * Thứ hai là việc tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề về truyền giáo ở tất cả các giáo phận.

 

       Ủy Ban Giám Mục về Truyền Giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nên quan tâm đến hai việc này. Chúng ta không nên chờ đến lúc có thể làm tất cả mọi việc thì chúng ta mới làm. Cũng không nên chờ đến ngày có thể tổ chức ở tất cả các nơi chúng ta mới tổ chức. Việc gì làm được lúc này, nơi này thì chúng ta phải mạnh dạn mà làm. Còn việc nào chưa làm được hoặc ở nơi nào chưa tổ chức được thì chúng ta đành chờ vậy! Có thế chúng ta mới không lãng phí cơ hội và thời gian cũng là những nén vàng nén bạc Chúa ban cho Giáo Hội Việt Nam chúng ta.

 

        Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.                                          

        Kansas City (MO/USA) ngày 19.08.2006

 

 

.........................

Chú thích

(1) Trong ngôn ngữ nhà Đạo, gọi là "rối" hay "gia đình rối" là tình trạng hôn nhân không đúng phép Đạo. Ví dụ một người công giáo lấy một người không công giáo mà việc kết hôn không được phép chuẩn (nghĩa là sự chấp thuận) của Giáo Hội.

(2) Hiện nay có nhiều người trước đây là người có đạo trở thành cán bộ cộng sản (bỏ Chúa theo đảng) nay về hưu nhìn lại cuộc đời  và tìm về với Chúa và Hội Thánh.

(3) Về tin tưởng vào Chúa Quan Phòng, xin mời đọc Mt 6,25-34.

(4) Lc 6,38.

(5) Bản tin của  UCA, được Vietcatholic News đăng tải  ngày 15 tháng 8 vừa qua.


Trở về Trang Mục Lục