TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT
NAM
--------------
SỐNG HIỆP THÔNG ĐỂ TRUYỀN GIÁO
VÀO ĐỀ
Mầu
nhiệm trung tâm của Hội Thánh Công Giáo là Mầu Nhiệm Hiệp Thông của một cộng đồng
được gọi là Dân Chúa. Công Ðồng Va-ti-can II đã nhấn mạnh và triển khai ý niệm
này trong các văn kiện, nhất là trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội tức Hiến Chế
“Ánh Sáng Muôn Dân” (Lumen Gen-tium). Khi nói về sứ vụ Loan Báo Tin Mừng, các vị
Giáo Hoàng hậu Công Ðồng cũng dành cho sự hiệp thông một tầm quan trọng đặc biệt.
Chúng
ta có thể khẳng định: sống hiệp thông chính là đường lối Truyền Giáo đẹp lòng
Thiên Chúa và hợp với bản chất của Giáo Hội nhất nên chính thống nhất. Trong bài
9 này chúng ta sẽ tìm hiểu về cách sống hiệp thông ấy để đẩy mạnh hơn nữa việc Truyền Giáo tại Việt
Nam.
TRÌNH BÀY
I. GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI VỀ HIỆP THÔNG.
1.1 Phải hiểu thế nào là hiệp thông?
“Chúng ta lấy lại hình ảnh cây nho và cành nho
trong Kinh Thánh. Hình ảnh này giúp chúng ta nhận định về tính dồi dào và sức sống.
Được tháp nhập vào thân nho, nhận sức sống từ thân
cây, nên các cành nho được kêu gọi trổ sinh hoa trái (Ga 15,5). Đơm
hoa kết trái là một đòi hỏi cốt yếu trong đời sống người Ki-tô hữu cũng như của
Giáo Hội. Ai không sinh hoa trái là không sống trong sự hiệp thông. Hiệp thông với Chúa Ki-tô, và từ đó phát sinh sự hiệp thông
giữa các tín hữu với nhau, là điều kiện không thể thiếu để sinh hoa trái (=
loan báo Tin Mừng): Hiệp thông mang tính truyền giáo và truyền giáo nhằm mục
đích hiệp thông. Luôn luôn cùng một Thánh
Thần duy nhất, Đấng kêu gọi và hiệp nhất Giáo Hội, sai đi truyền giảng Tin Mừng
“cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Về phần mình, Giáo Hội ý thức rằng sự hiệp
thông mà Giáo Hội đã đón nhận như một hồng ân, là được ban cho hết thảy mọi người.
Như thế, Giáo Hội cảm nhận được rằng mình mắc nợ với hết mọi người và với từng
người, về hồng ân đã lãnh nhận từ Chúa Thánh Thần, Đấng gieo rắc nơi trái tim
người tín hữu tình mến của Chúa Giê-su Ki-tô, là sức mạnh nối kết bên trong và
đồng thời phát triển bên ngoài. Sứ vụ truyền giáo của Giáo hội phát xuất từ
chính bản chất của Giáo Hội, như ý định của Chúa Ki-tô, đó là trở thành “dấu chỉ
và khí cụ của sự hiệp nhất nhân loại”. Sứ vụ này nhắm bày tỏ và giúp mọi người
sống sự hiệp thông “mới”, sự hiệp thông đã đến trong lịch sử nhân loại qua Con
Thiên Chúa làm người" (1).
1.2 Hiệp thông với Thiên Chúa.
“Muốn hiệp thông với Thiên Chúa phải trung
thành với việc tìm hiểu và lắng nghe Lời Chúa, phải cầu nguyện và chiêm niệm,
phải cử hành các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể, phải nêu gương sống hiệp
thông thực sự cũng như sống yêu thương liêm chính.”
“Người dân Á châu rất dễ tỏ lòng kính trọng và sẵn
sàng nghe theo những người đạo đức thật sự. Do đó những việc như cầu nguyện, ăn
chay, sống khổ hạnh, từ bỏ, khiêm nhường, đơn giản, trầm lặng …. thường được người
dân Á châu rất quí mến. Tông huấn nhắc nhở rằng: phải
có lửa thì mới chia lửa cho người khác được, nghĩa là phải có mới
cho được. Do đó Ki-tô hữu tại Á châu phải sống theo một linh đạo truyền giáo
trong đó cầu nguyện và chiêm niệm là trọng tâm.”
“Tại Á Châu, quê hương của các tôn giáo lớn qua đó
không những cá nhân mà cả dân tộc bày tỏ lòng khát khao thế giới thần linh,
Giáo Hội được kêu gọi hãy trở thành một Giáo Hội cầu nguyện, hết sức thiêng
liêng, cả khi dấn thân vào các bận tâm nhân bản và xã hội trước mắt. Mọi Ki-tô
hữu cần phải sống một linh đạo truyền giáo lấy cầu nguyện và chiêm niệm làm trọng
tâm…
Tại Châu Á, một người có tôn giáo thật sự sẽ sớm được
kính trọng và được hưởng ứng. Cầu nguyện, chay tịnh và khổ hạnh dưới nhiều hình
thức khác nhau là những điều rất được trân trọng. Từ bi, siêu thoát, khiêm nhường,
giản dị và thinh lặng là những điều mà tín đồ của bất cứ một tôn giáo nào cũng
coi là những giá trị lớn. Các Nghị Phụ Thượng Hội Ðồng lưu ý rằng muốn việc cầu
nguyện không trở nên xa lạ với sự thăng tiến con người, “phải liên kết công tác xây dựng công lý, bác ái và từ thiện với một đời
sống cầu nguyện và chiêm niệm thật sự, và linh đạo này cũng phải là cội nguồn
sinh ra mọi công tác phúc âm hóa” (2).
1.3 Hiệp thông trong nội bộ Giáo Hội.
“Quy tụ chung quanh Đấng kế vị Thánh Phê-rô, cùng cầu
nguyện và làm việc với nhau, các Giám Mục trong Hội Nghị đặc biệt dành cho Châu
Á lần này, đã trở thành hiện thân của sự hiệp thông Giáo Hội giữa các Giáo Hội
địa phương vô cùng khác biệt được lãnh đạo bằng đức ái….. ”
“Mỗi Giáo Hội địa phương phải được xây dựng
vững vàng bằng cách minh chứng tinh thần hiệp thông với Giáo Hội vì đây chính là bản chất làm cho cộng
đoàn ấy là Giáo Hội . Các Nghị Phụ Thượng
Hội Ðồng đã quyết định mô tả giáo phận là sự hiệp
thông của các cộng đoàn chung quanh vị mục tử; trong đó giáo sĩ, tu sĩ, giáo
dân tham gia cuộc “đối thoại bằng đời sống và bằng tâm hồn”, cuộc đối thoại được Chúa Thánh Thần nâng đỡ. Giáo
phận là nơi ưu tiên cho ta thấy cụ thể hình ảnh sự hiệp thông của các cộng đoàn
giữa bao thực tế xã hội, chính trị, tôn giáo, văn hóa, và kinh tế vô cùng phức
tạp của Châu Á. Nói tới sự hiệp thông Giáo Hội là ngụ ý bảo rằng mỗi Giáo Hội địa
phương phải trở thành cái mà các Nghị Phụ Thượng Hội Ðồng gọi là Giáo Hội trong đó mọi người đều có phần và phải góp phần, tức
mỗi người sống đúng ơn gọi riêng của mình và thi hành đúng vai trò riêng của
mình. Muốn xây dựng cộng đoàn “hiệp thông để truyền giáo” và “truyền giáo bằng
hiệp thông”, người ta cần phải nhìn nhận, phát triển và sử dụng hiệu quả đoàn sủng
của mỗi thành phần trong Giáo Hội. Cách riêng, cần cổ võ sự tham gia nhiều hơn
nữa của giáo dân và các người tận hiến trong việc lập kế hoạch mục vụ và quyết
định, thông qua các cơ chế mang tính tham gia như Hội Ðồng Mục Vụ và các Hội Nghị
Giáo Xứ.
“Tại mỗi giáo phận, giáo xứ
vẫn là nơi thông thường cho tín hữu qui tụ lại để được lớn lên trong đức tin, để
sống mầu nhiệm hiệp thông Giáo Hội và tham gia vào sứ mạng của Giáo Hội. Thế
nên, các Nghị Phụ Thượng Hội Ðồng thúc
giục các vị chủ chăn hãy nghĩ ra những phương cách mới mẻ và hữu hiệu để chăn dắt
các tín hữu, làm sao cho mỗi người, nhất là người nghèo, cảm nhận được mình là
một thành phần thực thụ của giáo xứ và của toàn thể Dân Chúa. Cùng với giáo dân lập kế hoạch mục vụ, điều đó phải trở
thành một nét sinh hoạt bình thường của mọi giáo xứ. Thượng Hội Ðồng lưu ý đặc biệt hơn nữa giới trẻ
là thành phần mà “giáo xứ cần phải tạo nhiều điều kiện hơn để họ hiệp thông và
cộng tác…” Không ai bị loại trừ một cách tiên thiên không cho tham gia trọn vẹn
vào sinh hoạt và sứ mạng của giáo xứ chỉ vì gốc gác xã hội, kinh tế, chính trị,
văn hóa hay giáo dục. Nếu mỗi môn đệ Chúa Ki-tô đều có cái để cống hiến cho cộng
đoàn, thì cộng đoàn cũng phải tỏ ra sẵn sàng tiếp nhận và sử dụng sự cống hiến ấy
(3).
1.4 Sự liên đới giữa các Giáo Hội.
“Sự hiệp thông nội bộ trên đây sẽ giúp góp phần xây dựng sự liên đới giữa các Giáo Hội địa phương. Quan
tâm tới các nhu cầu tại chỗ là điều hợp tình hợp lý và cần thiết, nhưng vì sự
hiệp thông, các Giáo Hội địa phương vẫn phải cởi mở tiếp
nhận nhau và cộng tác với nhau, để
dù dị biệt, các Giáo Hội ấy vẫn cho thấy và bảo vệ được mối hiệp thông với Giáo
Hội toàn cầu. Muốn hiệp thông thì phải hiểu nhau và có
sự phối hợp trong việc thi hành sứ mạng, mà
vẫn không làm hại tới sự tự trị và quyền lợi của mỗi Giáo Hội đúng theo truyền
thống của Giáo Hội ấy về thần học, phụng vụ và thiêng liêng” (4).
1. 5 Hiệp thông rất quan trọng đối với các Giáo Hội Á châu, nơi có
nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa và nhiều tôn giáo lớn của nhân loại.
“Sống giữa
nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa, nhiều tôn giáo khác biệt nhau tại Châu Á, Giáo
Hội phải là “Giáo Hội hiệp thông”. Đây là điều tối quan trọng, bởi vì có Hội Thánh
đích thực thì Giáo Hội mới là bằng chứng để dân tộc Á châu thấy mà tin tưởng”
“Một đòi hỏi thiết yếu của cuộc sống trong Chúa Ki-tô
là hễ ai hiệp thông với Chúa thì phải sinh hoa kết quả: ”Ai ở trong Thầy và Thầy
ở trong người ấy, người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5). Như thế, thật là
đúng khi bảo rằng ai không sinh hoa kết quả, thì ấy là người đã không sống
trong sự hiệp thông: “Cành nào không sinh hoa trái thì Cha Thầy sẽ tỉa đi” (Ga
15,2). Hiệp thông với Chúa Ki-tô, và từ đó phát sinh sự hiệp thông giữa các
Ki-tô hữu với nhau, chính là điều kiện cần thiết để sinh hoa kết quả và sự hiệp
thông với người khác, một món quà của Chúa Ki-tô và Thánh Thần, chính là hoa quả
tuyệt vời nhất mà cành cây có thể sinh ra. Hiểu như thế
thì hiệp thông và truyền giáo là hai việc không thể tách rời nhau. Chúng
thẩm thấu và bao hàm nhau, đến nỗi có thể nói “hiệp thông vừa là gốc vừa là trái
của việc truyền giáo: hiệp thông đưa tới truyền giáo và truyền giáo được hoàn
thành trong sự hiệp thông” (5).
1.6 Sự liên đới với các tôn giáo.
“Dựa trên Thần học của sự hiệp thông, Công Đồng
Va-ti-can II đã mô tả Giáo Hội là Dân Chúa đang hành hương, một dân mà không
dân tộc nào không có liên hệ cách này hay cách khác. Trên cơ sở đó, các Nghị Phụ
Thượng Hội Ðồng nhấn mạnh mối liên hệ nhiệm mầu giữa
Giáo Hội và tín đồ các tôn giáo khác của Châu Á, ghi nhận rằng
các tín đồ ấy có liên hệ (với Giáo Hội) bằng nhiều cách và ở nhiều mức độ khác
nhau. Giữa đông đảo các dân tộc, các nền văn hóa và các tôn giáo khác nhau như
thế, “càng thấy sống đời sống Giáo Hội như một sự hiệp thông quan trọng thế
nào”. Thật ra, công tác phục vụ sự hiệp nhất do Giáo Hội thực hiện có một tầm
quan trọng đặc biệt tại Châu Á, vì tại đây có quá nhiều căng thẳng, chia rẽ và
xung đột, do những khác biệt về chủng tộc, xã hội, văn hóa, ngôn ngữ, kinh tế
và tôn giáo gây ra. Chính trong bối cảnh ấy các Giáo Hội địa phương ở Châu Á,
hiệp thông với Đấng kế vị Thánh Phê-rô, cần cổ vũ sự hiệp thông nhiều hơn nữa
trong tâm trí cũng như trong tâm hồn bằng sự cộng tác mật thiết hơn giữa các
Giáo Hội với nhau. Một điều cũng quan trọng không kém đối với sứ mạng phúc âm
hóa của họ là xây dựng các quan hệ với các Giáo Hội và
các cộng đồng Ki-tô khác, cũng như với tín đồ các tôn giáo khác. Bởi đó, Thượng Hội Ðồng nhắc lại sự dấn thân của
Giáo Hội Á châu với công tác cải thiện các quan hệ đại kết cũng như sự đối thoại
giữa các tôn giáo, vì nhìn nhận rằng xây dựng sự hiệp nhất, nỡ lực hòa giải,
thiết lập các dây liên đới, xúc tiến sự đối thoại giữa các tôn giáo và các nền
văn hóa, loại bỏ những thành kiến và gầy dựng sự tin tưởng giữa các dân tộc, đó
chính là những công việc vô cùng quan trọng để Giáo Hội thi hành sứ mạng phúc
âm hóa trên châu lục này. Muốn vậy, toàn thể cộng đồng Công Giáo phải thành thật
xét mình, phải can đảm hòa giải và tiếp tục dấn thân đối thoại. Trước thềm
thiên niên kỷ thứ ba này, ai cũng thấy rõ là muốn có khả năng phúc âm hóa, Giáo
Hội phải ra sức phục vụ cho sự nghiệp hiệp nhất ấy trong mọi chiều kích. Hiệp thông và truyền giáo phải đi đôi với nhau” (6).
II. NGƯỜI & GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM SỐNG HIỆP THÔNG NHƯ THẾ NÀO?
Thật khó cho chúng ta nếu phải trả lời câu hỏi:
“Người và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam sống hiệp thông như thế nào?” Nhưng lại không khó trả lời câu hỏi khác là “Hiệp
thông có là điểm mạnh của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam không?” Chúng ta không ngần
ngại mà khẳng định rằng: hiệp thông chẳng những không phải là điểm mạnh mà trái
lại còn là điểm yếu, thậm chí rất yếu của Giáo Hội
Công Giáo Việt Nam!
Chỉ cần thoáng nhìn vào thực tế, chúng
ta sẽ thấy ngay điều này: trong đời sống của đại đa số giáo dân, của hầu hết các
giáo xứ và các giáo phận cũng như của toàn Giáo Hội Việt Nam,
* việc cầu nguyện, chiêm niệm,
* sự tham gia hay đồng trách nhiệm trong cộng đoàn
(7),
* việc dấn thân cho sự thăng tiến con người và xây
dựng công lý,
* sự liên đới và hợp tác giữa các giáo xứ, giữa các
giáo phận với nhau và giữa Giáo Hội Việt Nam với các Giáo Hội trong vùng,
* sự đối thoại giữa Giáo Hội Việt Nam với anh chị em
Tin Lành và với các tôn giáo và các nền văn hóa khác,
đều là những điểm rất yếu trong nếp sống
của người và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hiện nay.
Vì chưng:
* Ðối với đại đa số giáo dân Việt Nam, cầu nguyện vẫn
chỉ là đọc kinh, lần chuỗi. Ðọc, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện chiêm niệm vẫn
còn là những thực hành xa lạ đối với giáo dân.
* Trong giáo xứ, giáo phận, người giáo dân vẫn ở
trong tư thế thụ động nhiều hơn là chủ động.
* Ðức tin của người tín hữu Việt Nam vẫn thiếu chiều
kích xã hội, chính trị, bênh vực công lý.
* Tinh thần cục bộ, tình trạng bất hợp tác, ít làm
việc chung, phân hóa giữa các tầng lớp vẫn là những điểm nổi trội của người và Giáo
Hội Công Giáo Việt Nam.
* Ðại đa số giáo dân vẫn chưa hiểu biết đầy đủ và chưa
có quan điểm đúng đắn của Công Ðồng Va-ti-can II về các Giáo Hội Ki-tô anh em
và về các tôn giáo không Ki-tô giáo. Hoàn cảnh xã hội lại không thuận lợi cho sự
gặp gỡ, đối thoại, hợp tác giữa các tôn giáo.
THAY LỜI KẾT
Ðúng như Ðức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã nói
trong trong Tông huấn Giáo Hội tại Châu Á (và đã được trích dẫn trong bài này):
“Phải có mới cho (8),
phải có lửa mới chia lửa cho người khác được, phải sống sự hiệp thông mới truyền
giáo được.”
Cũng đúng như như các Nghị Phụ Thượng Hội Ðồng Giám
Mục Á Châu và Ðức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã nhận định trong Tông huấn Giáo
Hội tại Châu Á (và đã được trích dẫn trong bài này):
“Hễ ai hiệp thông với
Chúa thì phải sinh hoa kết quả… Như thế, thật là đúng khi bảo rằng ai không
sinh hoa kết quả, thì ấy là người đã không sống trong sự hiệp thông.”
Vậy thì hết mọi người Công Giáo Việt
Nam, nhất là các Linh Mục và Giám Mục là
những người có trọng trách lãnh đạo, cần nhìn lại cách sống và cách giáo dục Ðức Tin, cách tổ chức, xây dựng
và điều hành Giáo xứ, giáo phận để Sứ Vụ Loan Báo Tin Mừng mà Chúa Giê-su đã giao
cho Giáo Hội Việt Nam được thực hiện một cách đầy đủ hơn.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
Houston (TX/USA) ngày 28.09.2006
.........................
Chú
thích
(1)
Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Người Ki-tô hữu Giáo Dân, số 32.
(2)
Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Giáo Hội tại Châu Á, số 23.
(3)
như trên, số 25.
(4)
như trên, số 26.
(5)
như trên, số 24.
(6)
như trên, số 24.
(7)
Ðồng trách nhiệm có nghĩa là mọi thành phần Dân Chúa đều có một phần trách nhiệm
chứ không có nghĩa là có trách nhiệm bằng nhau.
(8)
Người La Mã xưa có thành ngữ: “Không ai cho cái mình không có” (Nemo dat quod
non habet).