TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT
NAM
--------------
ĐỐI THOẠI ĐẠI KẾT VÀ LIÊN TÔN
ĐỂ TRUYỀN GIÁO
VÀO ĐỀ
Trách nhiệm
của người và Giáo Hội Công Giáo là phải đối thoại với mọi người và mọi dân tộc.
Trong số các đối tượng chung ấy có hai hạng đối tượng đặc biệt mà Đức Gioan
Phaolô II đã lưu ý:
“Những nỗ lực đối thoại của Giáo Hội, trước hết nhắm
tới những người cùng chia sẻ niềm tin vào Đức Kitô
là Chúa và là Đấng Cứu Tinh.
Nỗ lực đó còn đi xa hơn thế giới Kitô Giáo để đến với
những tín đồ thuộc các Truyền Thống Tôn Giáo khác,
dựa trên căn bản là ai cũng có một tâm hồn khát vọng tôn giáo.
Đối Thoại Đại Kết và Đồi Thoại Liên Tôn
chính là Ơn gọi đích thực của Giáo Hội” (1).
Vậy sau khi đã tìm hiểu về đối thoại với mọi người
và mọi dân tộc trong bài trước (bài 14), nay chúng ta tìm hiểu thêm về đối thoại
với các Kitô hữu không Công Giáo (Đối Thoại Đại Kết) và với các Tín Đồ các Tôn
Giáo ngoài Kitô Giáo (Đối Thoại Liên Tôn).
TRÌNH BÀY
I. GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI VỀ CÁCH TRUYỀN GIÁO BẰNG ĐỐI THOẠI ĐẠI KẾT VÀ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN.
1.1 Đối Thoại Đại Kết:
(a) “Đối Thoại Đại Kết có lý do là các tín đồ cùng
tin Chúa Kitô tại Châu Á chỉ là thiểu số,
muốn đem dân tộc Á châu về với Chúa Kitô như lệnh truyền của Ngài thì cần phải
hiệp nhất, hiệp thông với nhau. Có hiệp nhất thì thế giới mới tin rằng Chúa Cha
đã cử Chúa Con đến, như Đức Giêsu Kitô đã cầu nguyện.”
(b) “Muốn đối thoại đại kết thành công phải có thái
độ sau:
(1o) Bác ái được biểu lộ trong ước muốn sẵn sàng cộng
tác với các tín đồ khi có thể,
(2o) Trung thành với Giáo Hội Công giáo dù biết nhiều
tín đồ Công Giáo có nhiều khuyết điểm,
(3o) Suy xét phân định để biết những cái tốt cái
hay đáng ca ngợi,
(4o) Thành thật muốn gạn đục khơi trong
và đổi mới” (2).
1.2 Đối Thoại Liên Tôn:
(a) “Đối Thoại Liên Tôn không phải chỉ để giúp hai
bên hiểu biết nhau và được thêm phong phú, nhưng là thành tố trong sứ vụ Phúc
Âm hóa. Dẫu biết rằng các tôn giáo khác có những cái chân thật và thánh thiện,
như là phản ảnh sự thật soi sáng muôn dân, Giáo Hội vẫn phải đối thoại để chứng
thực cho các tín đồ bạn biết chỉ có Đức Giêsu Kitô có thể cứu độ trọn vẹn, và
chỉ có Giáo Hội của Ngài là phương thế thông thường để được cứu độ.”
(b) “Muốn đối thoại liên tôn thành công phải có mấy
điều kiện sau đây:
- Trong tiến
trình đối thoại liên tôn, không được từ bỏ các nguyên tắc truyền thống đức tin
và xác tín tôn giáo, cũng không được hòa hoãn giả tạo, nhưng phải chứng tỏ cho
nhau thấy mỗi bên muốn cho nhau được tiến bộ hơn về tôn giáo mình, và xóa bỏ đi
những thành kiến, bất khoan dung và hiểu lầm.
- Kitô hữu còn phải có một đức tin
trưởng thành và chắc chắn, phải sống hạnh phúc trong cộng đoàn đức tin của
mình. Vì thế cần phải được đào tạo để đối thoại.
- Phải đối thoại “bằng cuộc sống và bằng tấm
lòng”, một tấm lòng khiêm tốn dịu dàng, không tự phụ cũng không trịch thượng
trong khi gặp gỡ nhau” (3).
1.3 Hình thức hay phương cách đối thoại:
(a) Đối thoại bằng cuộc
sống: mỗi người cố gắng sống tinh thần cởi
mở và sống với nhau như láng giềng tốt, cùng nhau chia vui sẻ buồn, chia sẻ các
vấn đề và lo âu của con người.
(b) Đối thoại bằng cộng
tác với nhau
trong công việc phát triển con người toàn diện, và giải phóng con người trọn vẹn.
(c) Đối thoại bằng trao
đổi thần học:
các nhà chuyên
môn tìm cách đào sâu kiến thức về các gia sản tôn giáo của nhau và thẩm định
các giá trị siêu nhiên nơi các tôn giáo.
(d) Đối thoại bằng chia
sẻ kinh nghiệm tôn giáo: đi sâu vào chính truyền thống tôn giáo của mình, chia sẻ những giá trị
siêu nhiên phong phú của mình, chẳng hạn những giá trị liên quan đến cầu nguyện
và chiêm niệm, đến đức tin và những con đường tìm đến Thiên Chúa hoặc Đấng Tuyệt
Đối (4).
II. ĐỐI THOẠI ĐẠI KẾT VÀ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN ĐỐI VỚI GIÁO HỘI VIỆT
NAM HÔM NAY
2.1 Đối Thoại với Anh Chị Em Tin Lành Việt Nam:
Ở Việt Nam, ngoài các tín hữu Công
Giáo dường như chỉ có các anh chị em Tin Lành (thuộc nhiều hệ phái) là
Kitô hữu, tức cùng tin nhận Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ như người
Công Giáo.
Nhưng cũng phải thành thật mà nhìn
nhận rằng giữa Công Giáo và Tin Lành Việt Nam còn nhiều xa cách và thành kiến từ
thượng tầng cơ cấu Giáo Hội cho đến hạ tầng cơ sở là các tín đồ. Những cuộc gặp
gỡ thân tình để trao đổi, học hỏi lẫn nhau, chia sẻ cho nhau về cách sống và
loan truyền Niềm Tin còn rất hiếm.
Trước ngày chiến tranh kết thúc
vào cuối tháng 4.1975, tại Miền Nam đã có một số nỗ lực đại kết giữa Công Giáo
và Tin Lành mà cụ thể nhất là kế hoạch cùng dịch Thánh Kinh để có bản dịch
chung có thể sử dung cho cả Công Giáo lẫn Tin Lành. Nhưng kế hoạch tốt lành ấy
đã chết ngấm với ngày 30.4.75.
Trong lãnh vực này Giáo Hội Việt
Nam còn thua xa Giáo Hội Kampuchia là một Giáo Hội nhỏ bé vì họ đã có bản dịch
Đại Kết Thánh Kinh năm 1999 (5).
Có hai điều mà người Công Giáo Việt
Nam thua xa Anh Chị Em Tin Lành và thẳng thắn mà nói thì người Công Giáo phải
bái phục Anh Chị Em Tin Lành:
Đó là việc các tín hữu Tin Lành
siêng năng hỏi hỏi Thánh Kinh và rất nhiệt thành và tin tưởng phó thác vào Chúa
trong công cuộc Truyền Đạo. Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn đã đặt vấn đề cho
mình và cho cả Giáo Hội Việt Nam nhân dịp Đại Hội Truyền Giáo Á Châu đang diễn
ra ở Chiang Mai (Thái Lan) như sau:
"Nhìn vào Giáo Hội Việt Nam
trong suốt 45 năm qua, tỷ lệ người có đạo ngày càng giảm so với dân số cả nước:
vào năm 1960, tỷ lệ đó là 7,17%, cuối năm 2005 chỉ còn 7,04%. Chúng ta sống đạo
như thế nào mà không làm tăng thêm được 1% dân số Công giáo?"
"Trong khi đó công cuộc truyền
giáo của anh em Hội Thánh Tin Lành lại đáng cho chúng ta suy nghĩ. Ở Việt Nam từ
400.000 tín hữu vào năm 1999 đã tăng lên 1.200.000 vào năm 2005, nghĩa là tăng
gấp 3 lần chỉ trong vòng 6 năm" (6).
2.2 Đối Thoại Liên Tôn:
"Nước tôi có 6 tôn giáo chính
là Phật Giáo, Công Giáo, Phật Giáo Hoà Hảo, Cao Đài, các hệ phái Tin Lành và Hồi
Giáo.
“Ngoài ra, rất nhiều người theo đạo ông bà thờ cúng
tổ tiên và cũng có nhiều người vô thần ....
“Phật giáo có khoảng gần 10 triệu người trên tổng số
84 triệu dân, chiếm khoảng 12% dân số. Người Công giáo chúng tôi có gần 6 triệu
người, chiếm khoảng 7% dân số.
"Trong dòng lịch sử dân tộc, các
thế lực ngoại xâm suốt gần 12 thế kỷ đã dùng chính sách chia để trị tìm mọi
cách chia rẽ đồng bào các tôn giáo vì sợ họ hợp nhất thành một lực lượng chống
đối chính quyền, khiến cho đồng bào theo các tôn giáo có cái nhìn không mấy thiện
cảm về nhau và hầu như rất ít khi cộng tác với nhau trong hoạt động từ thiện,
bác ái xã hội." (7).
Nhưng mối
tuơng quan giữa Công Giáo và các tôn giáo ngoài Kitô giáo tại Việt Nam không thể
nói được là khá hơn từ 31 năm nay. Chính quyền Cộng Sản miệng nói là “đoàn kết,
đoàn kết, đại đoàn kết...” nhưng lại chủ trương không để các lãnh đạo tôn giáo
gặp gỡ, trao đổi riêng và cộng tác với nhau, cũng chỉ vì sợ các tôn giáo liên kết
chống lại hoặc lật đổ họ.
Vì thế mà cuộc đối
thoại liên tôn chỉ có thể thực hiện được ở mức cá nhân hay tập thể nhỏ và cũng
chỉ trong những vụ việc bác ái, từ thiện hay hữu nghị cụ thể và ngắn hạn. Khó
mà có được những kế hoạch chung và lâu dài nhằm phục vụ lợi ích đích thực của
dân chúng và của các tôn giáo trong nước.
THAY LỜI KẾT
"Kể về Chúa Giêsu tại Việt Nam" (Telling the story of Jesus in
Viet Nam) thì đáng lẽ dễ nhất đối với người và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam là kể
về Chúa Giêsu với anh chị em Tin Lành, anh chị em Phật Tử, Hòa Hảo, Cao Đài và
Hồi Giáo. Rồi với các anh chị em đạo Ông Bà. Khó nhất là với anh chị em vô thần
duy vật.
Với anh chị em Tin Lành thì chúng
ta đã có chung một Niềm Tin vào Chúa Kitô và một Phép Rửa.
Với các tín đồ các tôn giáo ngoài
Kitô giáo thì chúng ta đã có chung một tâm tình tôn giáo và lòng khát khao Đấng
Siêu Việt cũng như một đời sống luân lý tương đối đậm nét.
Thế nhưng dường như với tất cả mọi
hạng người, hữu thần hay vô thần, thuộc Kitô giáo hay không Kitô giáo…thì người
và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn trong đối thoại.
Tại sao vậy?
Phải chăng tại vì người Công Giáo
Việt Nam chưa được chuẩn bị cho một công
việc lớn lao như vậy?
Mặt khác ngay giữa nội bộ chúng ta
với nhau còn chưa có cuộc đối thoại thì làm sao chúng ta có khả năng đối thoại
với người bên ngoài? Cứ đọc lại những
bài của các người / các bên liên quan tới việc phổ biến Nghi Thức Thánh Lễ mới
đây thì thấy điều quả quyết trên không phải là hồ đồ hay mang tính vu khống!
Giêrônimô Nguyễn Văn
Nội
Atlanta (GA/USA) ngày 21.10.2006
.........................
Chú
thích
(1)
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á, số 29,3.
(2)
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á, số 30,2.
(3)
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Thế”; Tông Thư “Khi
ngàn năm thứ ba tới”
và
Công đồng Vaticanô II, Tuyên Ngôn “Vào thời đại chúng ta” được ban hành ngày 28
tháng 10 năm 1965.
(4)
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Đối thoại và Rao Truyền, số 42.
(5)
Năm 1999 tôi được tổ chức Food for the Hungry International mời dự một Hội Nghị
Quốc Tế về chủ đề "Sự Phát Triển Con
Người Toàn Diện theo Thánh Kinh" tại thủ đô Phnom-Penh. Có gần 200
đại biểu, phần đông là tín hữu Tin Lành người bản xứ, tham dự Hội Nghị này và
cuốn Thánh Kinh bản dịch Đại Kết của Công Giáo và Tin Lành Kampuchia đã được giới
thiệu tại Hội Nghị này.
(6)
Lm Nguyễn Ngọc Sơn, trích bài "Xuất
phát lại từ Chúa Kitô."
(7)
Lm Nguyễn Ngọc Sơn, trích bài "Niềm Vui
của Sự Liên Đới."