TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT
NAM
--------------
TIẾP XÚC CÁ NHÂN LÀ CÁCH TRUYỀN GIÁO
ĐƠN SƠ VÀ DỄ THỰC HIỆN NHẤT
VÀO ĐỀ
Theo các tài liệu của Giáo Hội thì TIẾP XÚC CÁ NHÂN
được xem là một trong những Đường Lối Truyền Giáo đơn sơ và dễ thực hiện nhất.
Thật vậy nếu việc Đối Thoại Đại Kết hay Đối Thoại Liên Tôn đòi người Công Giáo
phải có một số điều kiện về kiến thức, tâm lý và một hoàn cảnh nào đó thì Tiếp
Xúc Xá Nhân là chuyện thường ngày và dường như chẳng đòi hỏi gì nhiều ở người
Giáo Dân.
Đại Hội Truyền Giáo Á Châu lần thứ nhất vừa được tổ
chức tại Chiang Mai (Thái Lan) từ ngày 18 đến ngày 22 tháng 10 vừa qua, với chủ
đề “Kể chuyện Chúa Giêsu Kitô tại Á Châu” (Telling the story of Jesus in Asia)
càng làm cho cách Truyền Giáo bằng Tiếp Xúc Cá Nhân này trở thành quan trọng,
vì kể chuyện về Chúa Giêsu giả thiết phải có người kể và người nghe tức là có Sự
Tiếp Xúc Cá Nhân.
TRÌNH BÀY
I. GƯƠNG CỦA CHÍNH CHÚA GIÊSU KITÔ VÀ CỦA CÁC TÔNG
ĐỒ.
1.1 Trong Sứ Điệp của Đại Hội Truyền Giáo Á
Châu lần thứ nhất vừa được nhắc đến ở trên có đoạn văn này: "Chúa Giêsu được mệnh
danh là một người kể chuyện. Là một Sư Phụ (Rabbi), một vị Thầy (teacher), Ngài
thích nhất là sử dùng phương pháp kể các Dụ Ngôn, để giải thích những Mầu Nhiệm
sâu kín của Nước Trời. Có ai mà chưa nghe về câu chuyện của người Samaritanô
nhân hậu hay câu chuyện người con hoang đàng? Những dụ ngôn của Chúa Giêsu kêu
gọi chúng ta thiết lập một quan hệ mật thiết với Thiên Chúa và với những người
anh chị em chung quanh chúng ta.”
1.2 Đọc lại các
Sách Phúc Âm, Sách Tông Đồ Công Vụ và các Thư của các Tông Đồ, chúng ta khám
phá ra rằng Chúa Giêsu và các Tông Đồ chuyên dùng cách tiếp xúc cá nhân để rao
giảng Tin Mừng. Sau đây là một vài cuộc tiếp xúc nổi bật của các ngài được ghi
lại trong Thánh Kinh Tân Ước:
(a) Chúa Giêsu:
* Chúa Giêsu tiếp
xúc với Gioan Tẩy Giả bên bờ sông Giócđan (Mt 3,13-15).
* Chúa Giêsu mời gọi bốn môn đệ đầu
tiên (Mt 4,18-22).
* Buổi gặp gỡ trao đổi của Chúa Giêsu với
ông Nicôđêmô (Ga 3,1-21).
* Cuộc trò chuyện của Chúa Giêsu với
người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp (Ga 4,1-26).
* Chúa Giêsu giảng dậy và chữa bệnh (Mt
4,23-25; Lc 6,17-19).
(b) Thánh Phêrô, Tông Đồ Trưởng:
* Thánh Phêrô tiếp xúc với dân chúng và
giảng giải cho họ về hoạt động của Thiên Chúa trong Ngày Lễ Ngũ Tuần (Cv
2,14-41).
* Thánh Phêrô chữa lành một người què
bên cửa Đền Thờ (Cv 3,1-10).
* Thánh Phêrô tiếp xúc, trò chuyện với
ông Cornêliô. Sau đó ngài giảng dậy và rửa tội tại nhà ông (Cv 10,1-48).
(c) Thánh Phaolô, Tông
Đồ Dân Ngoại:
* Thánh Phaolô nổi tiếng
với các Hành Trình Truyền Giáo và xây dựng các cộng đoàn ở các nơi, nhờ tài tiếp
xúc cá nhân và tài rao giảng của ngài. Sau đây là một đoạn của Sách Tông Đồ Công
Vụ minh chứng sự tiếp xúc cá nhân có tầm quan trọng như thế nào:
"Khi tới
Giêrusalem, ông Saolô tìm cách nhập đoàn với các môn đệ. Nhưng mọi người vẫn
còn sợ ông, vì họ không tin ông là một môn đệ. Ông Banaba liền đứng ra bảo lãnh
đưa ông Saolô đến gặp các Tông Đồ, và tường thuật cho các ông nghe chuyện ông ấy
được thấy Chúa hiện ra trên đường và phán dạy làm sao, cũng như việc ông ấy đã
mạnh dạn rao giảng nhân danh Đức Giêsu tại Đamát thế nào. Từ đó ông Saolô cùng
với các Tông Đồ đi lại hoạt động tại Giêrusalem. Ông mạnh dạn rao giảng nhân
danh Chúa. Ông thường đàm đạo và tranh luận với những người Do Thái theo văn
hóa Hy Lạp. Nhưng họ tìm cách giết ông. Các anh em biết thế, liền dẫn ông xuống
Xêdarê và tiễn ông lên đường về Tácxô." (Cv 9, 26- 30).
II. ĐIỀU KIỆN ĐỂ TIẾP XÚC CÁ NHÂN ĐEM LẠI KẾT QUẢ CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO.
Tiếp xúc cá nhân, tuy
rằng là Đường Lối Truyền Giáo đơn giản và dễ thực hiện nhất, nhưng cũng đòi một
vài điều kiện tối thiểu. Có bốn điều kiện cơ bản, cốt yếu nhất mà tôi xin nêu
ra đây:
2.1 Một tấm lòng chân
tình:
Trước hết
là một tấm lòng chân tình trong khi giao dịch, tiếp xúc với bất cứ người nào. Tấm lòng chân tình sẽ tạo
được sự tin tưởng và quý mến nơi những người chúng ta
tiếp xúc. Người giả trá, gian xảo sẽ làm cho người ta sợ sệt, nghi ngại, cảnh
giác và lánh xa.
2.2 Một thái độ thân
thiện, cởi mở:
Thái độ thân thiện, cởi
mở là điều kiện thứ hai trong tiếp xúc cá nhân. Người thân thiện, cởi mở sẽ khiến
đối tác cũng thân thiện, cởi mở để đối lại. Còn thái độ dửng dưng và khép kín sẽ
chỉ tạo nên những người đối thoại thờ ơ và khép kín mà thôi.
2.3 Một ngôn ngữ thích
hợp:
Điều kiện thứ ba giúp
cho các cuộc tiếp xúc cá nhân thành công là sử dụng một ngôn ngũ thích hợp: với
người bình dân thì chúng ta nói năng một cách bình dân, dễ hiểu; Với người trí
thức thì chúng ta nói bằng ngôn ngữ văn hoa, trí thức. Với người Miền Bắc thì
dùng kiểu nói khác với người Miền Trung hay người Miền Nam.
Trong Công Giáo Tiến
Hành có Phương Pháp Truyền Giáo dùng người cùng môi trường, cùng nghề nghiệp là
căn cứ vào thực tế này là chỉ những người cùng môi trường, nghề nghiệp mới biết
phải nói gì và phải nói thế nào với những người mà mình muốn đem về với Chúa và
Giáo Hội. Vì thế: y tá, bác sĩ thì truyền
giáo cho y tá, bác sĩ; bệnh nhân thì truyền giáo cho bệnh nhân; học sinh, sinh
viên thì truyền giáo cho học sinh, sinh viên; giáo chức thì truyền giáo cho
giáo chức; công nhân viên, lao động thì truyền giáo cho công nhân viên, lao động;
người buôn bán thì truyền giáo cho người buôn bán; bộ đội thì truyền giáo cho bộ
đội...
Hiện nay ở Việt Nam,
nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sàigòn, Đà Nẵng. Nha Trang... có nhiều
nhóm "đồng đẳng" (tức người cùng môi trường, cùng giới, cùng bệnh)
đang hoạt động tích cực nhằm giúp đỡ các cô gái điếm, các bệnh nhân HIV-AIDS,
các trẻ em đường phố... lấy lại niềm tin và xây dựng lại cuộc sống, sau lỡ lầm
hoặc lây bệnh. Vì những người cùng cảnh ngộ có thể thuyết phục được những người
kém may mắn giống như họ một cách dễ dàng hơn, qua và bằng tiếp xúc cá nhân và
chuyện trò tâm sự.
2.4 Một Đức Tin sống động:
Điều kiện thứ bốn là
điều kiện mang tính quyết định. Đó là một Đức Tin sống động có sức chuyền ánh sáng
và sức nóng vào các tâm hồn những người gặp gỡ, tiếp xúc với chúng ta. Nếu
không có một Đức Tin có sức lan tỏa như thế, người Công Giáo chẳng giúp ích được
bao nhiêu cho những người chưa biết Chúa mà họ gặp và trò chuyện hằng ngày.
THAY LỜI KẾT
Mới đây tôi được nghe
một linh mục già rất đáng kính kể lại câu chuyện này:
Ở Hàn Quốc (tức Nam
Hàn) đã có lúc có cuộc gia nhập Đạo Công Giáo một cách ồ ạt và tập thể, đến nỗi
người Công Giáo không biết phải làm thế nào để giúp những người mới trở lại. Họ
đành phải nói với những anh chị em tân tòng rằng:
"Anh chị em cứ
nhìn chúng tôi sống thế nào thì anh chị em bắt chước mà sống như thế."
Người Công Giáo Hàn Quốc
nói được như vậy quả là tuyệt vời! Vì không
gì bằng gương sáng của một đời sống đức tin lành thánh, yêu thương, bác
ái cụ thể mà người tân tòng cảm nhận được qua TIẾP XÚC CÁ NHÂN với anh chị em cựu
tòng!
Ước chi mỗi người Công
Giáo Việt Nam chúng ta cũng nói được với đồng bào lương dân của mình như thế!
Giêrônimô Nguyễn Văn
Nội
Atlanta (GA/USA) ngày 26.10.2006