TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM

--------------

 

NGHỆ THUẬT TIẾP XÚC CÁ NHÂN

CỦA CÁC CÁN BỘ TRUYỀN GIÁO

 

VÀO ĐỀ

Trong bài trước tôi đã trình bày đề tài: "Tiếp Xúc Cá Nhân là một Đường Lối Truyền Giáo đơn sơ và dễ thực hiện nhất" Thật vậy, bất kỳ người Công giáo nào cũng có thể tiếp xúc với những người không công giáo ở nhiều nơi khác nhau như trong khu xóm, ngoài chợ, trong công ty xí nghiệp, bệnh viện, trường học, quán ăn v.v… Nhưng nếu bạn là cán bộ truyền giáo và nhất là nếu bạn thật sự muốn có kết quả trong việc tiếp xúc với những người chưa nhận biết Chúa thì những gì được trình bày trong bài trước là chưa đủ.

 

Trong khi suy nghĩ và tìm tài liệu để viết thêm về đề tài này thì tôi gặp được bài TIẾP XÚC CÁ NHÂN, một tài liệu của Phong Trào Cursillo tại Hoa Kỳ, ngành tiếng Việt (1). Tôi mạn phép sử dụng tài liệu này để soạn bài 17, chỉ nhắm mục đích giúp cho các anh chị em cán bộ truyền giáo có thêm Phương Pháp và Kỹ Năng trong Nghệ Thuật Tiếp Xúc Cá Nhân mà thôi. 

 

TRÌNH BÀY

I. TIẾP XÚC CÁ NHÂN LÀ MỘT NGHỆ THUẬT MÀ CÁC CÁN BỘ TRUYỀN GIÁO CẦN CÓ.  

1.1 Chỉ có tình bạn chân thành mới mở lối cho đối thoại và mở được cửa lòng người. Nghệ thuật tiếp xúc cá nhân bao gồm việc tạo cơ hội, sự lịch thiệp và cung cách tiếp xúc theo tinh thần tông đồ. Người tiếp xúc làm bạn với tất cả mọi người để mọi người sẽ trở thành bạn của Chúa Kitô. Điều cần lưu ý là người nói và cách nói quan trọng cho người nghe hơn là điều được nói ra.

1.2 Tiếp xúc cá nhân là một nghệ thuật mang thiên hình vạn trạng, với nhiều cung cách, âm điệu cần thiết được áp dụng tùy theo hoàn cảnh và phải trải qua một tiến trình có lớp lang thứ tự đàng hoàng. Tiến trình tiếp xúc cá nhân gồm 2 phần cũng là 2 giai đoạn là “đánh động” và “chuyển thông”.

Giai đoạn đầu là đánh động. Theo ngôn ngữ và văn hóa Tây Ban Nha  là "sounding" = thăm dò, có thể được hiểu là thăm dò thái độ một người để người ấy phản ứng, nói lên ý kiến, cảm nhận của mình về một sự việc nào đó; hoặc tác động một người để xác định tâm tư người đó. Giai đoạn này giúp ta biết rõ đối tượng, tức biết vị thế của người đối thoại một cách chính xác và giúp ta khám phá được tư tưởng của họ.

Đây là giai đoạn tìm hiểu cẩn trọng, tạo ảnh hưởng nơi mỗi cá nhân và trong mỗi trường hợp để biết rõ sự giao động trong tâm hồn của người chúng ta tiếp xúc, thái độ và hoàn cảnh sống của họ để giúp ta hiểu rõ đối tượng, thông cảm với họ và đem chân lý đến với họ một cách hữu hiệu hơn.  

Giai đoạn đánh động này có 2 tác dụng là tìm hiểu và lượng giá, được thực hiện dè dặt, cẩn trọng, tương kính và yêu thương. Nếu ta để cho người ta tiếp xúc nhận thấy mình là nạn nhân của một cuộc chất vấn, tệ hại hơn nữa là cuộc tra hỏi, và không được chia sẻ trong tình bằng hữu, người  ấy sẽ khép kín tâm hồn lại, chỉ hé mở cho chúng ta biết chút ít về họ mà thôi. 

Tìm hiểu và lượng giá là một việc làm tế nhị, không thúc bách và phải biết tự chế ngự chính mình, tránh tò mò và hiếu kỳ. Chúng ta phải có trực giác bén nhậy và nhận thức đầy đủ về tha nhân để có thể đặt họ vào đúng chỗ mà không cần đi sâu vào chi tiết.  

Tóm lại giai đoạn đánh động nhằm mục đích: quan sát - nghiên cứu - định vị trí và mở lối khai thông.

1.3 Giai đoạn hai của nghệ thuật tiếp xúc cá nhân là thông chuyển  mà ngôn từ Tây Ban Nha gọi là "stabbing" hay đâm thọc, tựa như động tác dùng mũi lao phóng vào con bò ở đấu trường.

Đối với chúng ta, thông chuyển là một việc làm chuyển giao chân lý để cho chân lý in sâu vào lòng đối tượng, như là mũi tên được phóng ra và đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề, hầu khuấy động lương tri của người ta tiếp xúc.

Nói một cách đơn giản, một khi ta quen một người nào đó, biết tính tình, sở thích và lối sống của người ấy, ta tìm cách chinh phục người ấy bằng cách nói chuyện với người ấy và nói những điều gì để ảnh hưởng tới người ấy. Sứ mạng của ta là làm sao chuyển dịch một người từ một vị trí họ đang đứng sang vị trí họ phải đứng.

 

          1.4 Nếu muốn việc tiếp xúc cá nhân của chúng ta thành một hoạt động đồ nghiêm túc và có đầu có đuôi, chúng ta sẽ cẩn thận ghi lại các sự kiện liên quan tới cá nhân và gia đình người ta tiếp xúc, các vấn đề đã trao đổi, các phản ứng thái độ của người ta tiếp xúc trong một cuốn sổ tay như một thứ NHẬT KÝ TRUYỀN GIÁO.

         

          1.5 Trước và sau khi tiếp xúc với một người nào đó, chúng ta cầu nguyện đặc biệt cho người ấy và gia đình người ấy bằng cách dâng người ấy và gia đình người ấy cho Chúa và xin Chúa chúc lành và hướng dẫn cuộc gặp gỡ tiếp xúc của chúng ta.

 

II. MỘT VÀI THÍ DỤ RÚT RA TỪ CÁCH TIẾP XÚC CÁ NHÂN CỦA CHÚA GIÊSU TRONG PHÚC ÂM.  

2.1 Trường hợp ông Gia kêu: 

(1) Tường thuật của Phúc Âm Mátthêu 19,1-10:  ''Sau khi vào Giêrikô, Đức Giêsu đi qua thành phố ấy. Và kìa, có một người tên là Giakêu; ông đứng đó xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được vì dân chúng thì đông mà ông lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: "Này ông Gia kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!". Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy mọi người xầm xì với nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!". Còn ông Gia kêu thì đứng mà thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, này đây phân nữa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn. Đức Giêsu nói với ông ta rằng: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất."

(2) Diển giải để hiểu rõ hơn: Chúa Giêsu thấy ông Giakêu, người giầu có và tội lỗi nhưng khao khát nhìn thấy Chúa. Khi đến chỗ cây sung, Người ngẩng mặt và lên tiếng trước: "Này ông Gia kêu, xuống mau đi vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!". Ông mừng rỡ và đột nhiên biến đổi con người, theo chân Chúa và Chúa đã nói một điều quan trọng: " Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất".

(3) Bài học:  Bài học quý giá ta học được nơi Chúa là sự quan tâm của Ngài dành đối tượng tiếp xúc cùng cách Ngài chuyển thông ơn hoán cải cho ông Gia kêu một cách rất đơn sơ nhưng đầy hiệu quả.

 

2.2 Trường hợp người phụ nSamari: 

(1) Tường thuật của Phúc Âm Gioan 4,7-10:   ''Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước. Đức Giêsu nói với người ấy: "Chị cho tôi xin chút nước uống!". Quả thế, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Samari liền nói: " Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao? ". Quả thế, người Do Thái không được giao thiệp với người Samari. Đức Giêsu trả lời: "Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị: "cho tôi chút nước uống ", thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị nước hằng sống." 

(2) Diển giải để hiểu rõ hơn:  Để đáp lại câu hỏi về nước hằng sống, Đức Giêsu trả lời: "Ai uống nước này sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời." (Ga 4,13-14).

Sau cùng "Người phụ nữ đó để vò nước lại vào thành và nói với người ta: "Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao? " Họ ra khỏi thành và đến gặp Người.” (Ga 4,28-30).

(3) Bài học:  Trong cuộc tiếp xúc này, ta thấy Chúa đã lên tiếng trước như thể muốn làm quen. Chúa xin người phụ nữ Samari nước uống. Nghe lời ấy chị cảm thấy mình được chú ý, được kính trọng, là người có thể làm ơn và là người có tiềm năng tốt.

Đó là một Tin Mừng lớn lao đối với chị, một Tin Mừng giải thoát chị  khỏi mặc cảm, mở lòng trí chị  hướng về Đấng có sức giải thoát chị khỏi tội lỗi và dẫn chị đến sự sống đời đời. Thế rồi cuộc trao đổi đi từng bước đi lên.

Sau cùng, người đàn bà tội lỗi ấy đã trở thành kẻ loan Tin Mừng rất nhiệt tình cho dân ngoại: "Truyền giáo như vậy là dùng chính những người tội lỗi, yếu đuối hèn hạ làm người cộng tác để rao giảng ơn tha thứ, sự phục hồi nhân phẩm và niềm tin vào Chúa Kitô; chính họ là người đưa tin hấp dẫn khiến nhiều người suy nghĩ chú ý " 

 

THAY LỜI KẾT

Trong thực tế, việc tiếp xúc cá nhân có nhiều cách mà mỗi hoàn cảnh, mỗi cá nhân, nhờ sự khôn ngoan và nhất là nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Linh. Muốn cho việc tiếp xúc cá nhân đạt được thành quả, điều cốt yếu là sự cầu nguyện và hi sinh. Ta nói với Chúa về người bạn trước khi nói với bạn về Chúa. Sự học hỏi trau dồi kiến thức thần học giáo dân là một khía cạnh cần cố gắng. Thái độ khiêm cung, nhã nhặn, lịch thiệp, vồn vã và chân tình là những đức tính cần có của chúng ta mỗi khi giao tiếp để, qua mỗi người, mọi người cùng dắt tay nhau phục vụ anh chị em và phụng sự Chúa.

 

 

          Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.

          Kansas City (MO/USA) ngày  01.11.2006

          Lễ Kính Các Thánh Nam & Các Thánh Nữ.

 

…………

Ghi Chú:

(1) Tài liệu này do Ông Nguyễn Đức Tuyên ở Quận Cam (California/USA) trình bày.


Trở về Trang Mục Lục