TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT
NAM
--------------
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA & BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT LÀ ĐƯỜNG LỐI TỐI ƯU
CỦA VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG VÀ THÁNH HÓA CÁC
TÂM HỒN
VÀO ĐỀ
Nhiều người lầm tưởng rằng truyền giáo là việc làm
chỉ nhằm các người ở bên ngoài Giáo Hội mà quên rằng, truyền giáo có ba đối
tượng rất rõ ràng:
(a) Đối tượng thứ nhất là những người chưa biết,
chưa tin Chúa,
(b) Đối tượng thứ hai là những người đã biết và tin
Chúa nhưng đã bỏ Chúa và Giáo Hội,
(c) Đối tượng thứ ba là những người đang tin Chúa
và đang giữ/sống Đạo, ở nhiều mức độ khác nhau.
Đối với những người đang tin Chúa và đang giữ/sống
Đạo cũng có nhiều cách loan báo Tin Mừng và Phúc Âm hóa khác nhau như các
lớp/khóa giáo lý, các buổi hội thảo, các ngày tĩnh tâm, linh thao, các cử hành
Phụng Vụ và các bài giảng của các Thừa
Tác Viên có chức thánh (hồng y, giám mục, linh mc, phó tế).
Trong bài này chúng ta sẽ đề cập đến Phụng Vụ Lời
Chúa nói chung và bài giảng Ngày Chúa Nhật nói riêng như là một Đường Lối
Truyền Giáo và Thánh Hóa tối ưu của Giáo Hội.
TRÌNH BÀY
I. GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI VỀ PHỤNG VỤ NÓI CHUNG VÀ PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
NÓI RIÊNG
1.1 Của Công Đồng Vatican II:
Công đồng Vatican II đã dành một trong
bốn Hiến Chế cho Phụng Vụ. Với Hiến Chế Sacrosantum Concilium (Phụng Vụ Thánh),
Phụng Vụ của Giáo Hội đã được canh tân một cách toàn diện: từ qui định về Năm
Phụng Vụ (A,B,C) và các bài Thánh Kinh được chọn đọc trong các ngày Lễ Chúa
Nhật và ngày thường cho đến việc ấn định dùng tiếng địa phương và linh mục chủ
tế đứng (ngồi) hướng về cộng đoàn trong cử hành.
Mục tiêu và ý nghĩa truyền giáo của
Phụng Vụ cũng được Công Đồng nhấn mạnh đặc biệt ngay ở Lời Mở Đầu (1) của Hiến
Chế khi đề cập đến "Vai trò của Phụng Vụ trong
mầu nhiệm Giáo Hội":
"Thật vậy, nhờ Phụng Vụ, nhất là trong
hiến tế tạ ơn, mà "công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện" (2).
Phụng Vụ góp phần rất nhiều để giúp các tín hữu đem cuộc sống mình diễn tả và
biểu lộ cho những người khác mầu nhiệm Chúa Kitô và bản tính đích thực của Giáo
Hội chân chính, một Giáo Hội có đặc tính vừa nhân loại vừa thần linh, vừa hữu
hình vừa hàm chứa những thực tại vô hình, vừa nhiệt thành hoạt động vừa chiêm
niệm, vừa hiện diện nơi trần gian nhưng đồng thời cũng là lữ khách. Tuy nhiên,
trong Giáo Hội, yếu tố nhân loại cũng qui hướng và lệ thuộc vào yếu tố thần
linh, những thực tại hữu hình phải qui hướng về những thực tại vô hình, những
hoạt động phải hướng về việc chiêm niệm, và những gì hiện tại phải hướng về
thành đô tương lai là nơi chúng ta đang tìm kiếm (3). Hằng ngày, Phụng Vụ kiến
tạo những người bên trong Giáo Hội thành đền thánh trong Chúa, thành nơi cư ngụ
của Thiên Chúa trong Thánh Thần (4) để đạt tới mức sung mãn của Chúa Kitô (5).
Nhờ đó, Phụng Vụ còn kiện cường sức lực cho họ cách lạ lùng để rao giảng Chúa
Kitô; và như vậy Phụng Vụ cũng bày tỏ cho những kẻ bên ngoài thấy Giáo Hội như
một dấu chỉ nêu cao trước mặt các dân nước (6) ngõ hầu con cái Thiên Chúa đang
tản mác được qui tụ nên một (7) cho tới khi thành một đàn chiên theo một Chúa
chiên (8)".
1.2 Của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI:
"Việc rao giảng Tin Mừng này sẽ mặc nhiều
hình thái khác nhau mà lòng nhiệt thành sẽ tạo nên cảm hứng một cách gần như
bất tận. Quả thật có rất nhiều biến cố trong cuộc sống và hoàn cảnh con người
tạo cơ hội cho việc loan báo - một cách kín đáo nhưng ấn tượng - điều mà Chúa
cần nói trong hoàn cảnh ấy hay một hoàn cảnh đặc biệt nào khác. Chỉ cần có sự
nhậy bén tâm linh để đọc ra sứ điệp của Thiên Chúa trong các biến cố. Nhưng vào
lúc mà Phụng Vụ được canh tân bởi Công Đồng Vatican II đã đề cao giá trị của
Phụng Vụ Lời Chúa thì sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhận ra bài giảng là một công cụ có khả năng và rất
dễ thích nghi cho việc loan báo Tin Mừng. Chắc hẳn cần phải công nhận và tận
dụng những đòi hỏi và những tiềm năng của việc giảng
để bài giảng đạt được tất cả tính hiệu quả về mục vụ. Nhưng nhất là phải xác
tín về giá trị của bài giảng và thực hiện bài giảng ấy với lòng yêu mến.
"Bài giảng kín múc sức mạnh và cường độ
từ cử hành Thánh Thể. Vì được nối kết với cử hành Thánh Thể một cách "có một không
hai", bài giảng chắc chắn đóng một vai trò đặc biệt
trong công cuộc loan báo Tin Mừng nếu bài giảng diễn tả niềm tin sâu sắc
của thừa tác viên và được đượm thấm tình yêu.
Các tín hữu tập hợp thành Hội Thánh của Lễ
Vượt Qua, cử hành Lễ của Chúa là Đấng hiện diện ở
giữa họ, chờ đợi rất nhiều ở bài giảng và sẽ hưởng lợi rất nhiều từ bài giảng nếu
bài giảng được giảng một cách đơn sơ, rõ ràng, trực tiếp, thích ứng với hoàn cảnh, gắn
liền với Giáo Huấn Phúc Âm và trung thành với Quyền Giảng Dạy của Giáo Hội,
được linh động bởi lòng nhiệt thành tông đồ, chan chứa niềm hy vọng, làm nẩy
sinh bình an và hợp nhất. Nhiều cộng đoàn giáo xứ và cộng đoàn khác
sống và được liên kết với nhau nhờ có bài giảng ngày Chúa Nhật khi bài giảng ấy
có được những phẩm chất kể trên.
"Chúng ta nên thêm rằng: nhờ có canh tân
phụng vụ mà việc cử hành Thánh Thể không phải là thời gian duy nhất thích hợp
cho bài giảng. Bài giảng có tầm quan trọng riêng, nên không được coi nhẹ bài
giảng trong các cử hành các bí tích, hoặc trong các cử hành á phụng vụ, trong
các cuộc tập hợp của các tín hữu. Bài giảng luôn là cơ hội đặc biệt cho việc
thông chuyển Lời Thiên Chúa” (9).
II. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA NÓI CHUNG VÀ BÀI GIẢNG NGÀY CHỦ NHẬT NÓI RIÊNG
ĐỐI VỚI GIÁO DÂN VIỆT NAM
2.1 Từ những giáo huấn trên của Công đồng Vatican II và của
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, chúng ta có thể rút ra một số điểm then chốt về Phụng Vụ Lời Chúa nói chung và về bài giảng
Ngày Chúa Nhật nói riêng:
(a) Phụng Vụ nói chung và Phụng Vụ
Lời Chúa nói riêng ngoài mục đích chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa còn nhắm xây
dựng con người Kitô hữu, giúp họ trở nên người tín hữu trưởng thành và người
chiến sĩ trên cánh đồng truyền giáo.
(b) Bài giảng có tầm quan trọng đặc biệt - có thể
nói là không thể thiếu - trong Phụng Vụ Lời Chúa và trong cử hành các Bí Tích,
để giúp đỡ các tín hữu có hiểu biết, yêu mến và thực hành Phúc Âm trong đời
sống cá nhân cũng như cộng đồng xã hội.
(c) Bài giảng, nhất là của Ngày Chúa Nhật, phải đạt
một số yêu cầu để có thể đem lại nhiều ơn ích thiêng liêng cho người nghe
giảng, như:
- Bài giảng phải diễn tả niềm xác tín của thừa tác
viên có chức thánh (hồng y, giám mục, linh mục hay phó tế).
- Lời lẽ của bài giảng phải đơn sơ, rõ ràng và dễ
hiểu, không cầu kỳ, cao xa và phô trương.
- Bài giảng phải là lời của người giảng trực tiếp
nói với người nghe là các tín hữu là anh chị em của mình trong gia đình Chúa là
Giáo Hội.
- Bài giảng phải phù hợp với người nghe (trình độ
văn hóa và đức tin, nhận thức về Đạo cũng như về Đời, nhu cầu tâm linh, vấn đề
khúc mắc) hầu nâng cao dần dần hiểu biết, kinh nghiệm sống Đức Tin của những
người ấy.
- Bài giảng phải thấm nhuần Giáo Lý Phúc Âm, trung
thành với sự giảng dậy của Giáo Hội ngày hôm nay.
- Bài giảng phải có sức đốt cháy các tâm hồn bằng
lửa yêu mến Chúa và đem lại bình an và hy vọng cho các tâm hồn, nhất là cho các
tâm hồn sầu khổ vì yếu đuối, tội lỗi hay gặp khó khăn thử thách.
2.2 Nói chung người giáo dân Việt Nam
ít học, đời sống vất vả, không có thời giờ học hỏi, đào sâu Giáo Lý, Thánh
Kinh. Do đó việc giáo dục đức Tin cậy dựa rất nhiều vào các bài giảng của linh
mục chánh phó xứ. Nhưng nếu theo những tiêu chuẩn vừa nêu trên về Phụng Vụ Lời
Chúa nói chung và về các bài giảng Chúa Nhật nói riêng chúng ta sẽ phải đau
lòng nhìn nhận rằng:
* Có nhiều buổi Phụng Vụ Lời Chúa không
chu toàn được vai trò mà Công Đồng đã đưa ra. Bằng chứng là rất nhiều người
giáo dân không tấn tới về mặt tâm linh và không thay đổi cách sống đức tin dù
họ dự lễ và nghe giảng hằng tuần.
* Có nhiều bài giảng chỉ là những lời
"trống rỗng", không hồn, thiếu lửa, nhưng lại đầy cái "tôi"
của người giảng.
* Có nhiều bài giảng khiến người nghe
có cảm tưởng không được chuẩn bị nghiêm túc, gặp đâu nói đó hay nhai đi nhai
lại những điều sáo
* Thậm chí có một số bài giảng đã bị
biến thành diễn đàn để xỉ vả và làm nhục những "con chiên" đã dám làm
phật lòng, trái ý "chủ chăn".
2.3 Nhận định trên
không chỉ là của nhiều giáo dân mà còn là sự thú nhận của nhiều linh mục. Trong một đợt thường
huấn linh mục của một giáo phận nọ của Việt Nam, ban thư ký đã đúc kết buổi
trao đổi liên quan đến bài giảng như sau:
"Bị cám dỗ truyền
ban một kiến thức hơn là rao truyền Lời Chúa. Do đó bài giảng thiếu cái hồn của
Tin Mừng. Ngoài ra bài giảng còn thiếu chuẩn bị và nội dung bài giảng thường
đặt nặng luân lý, sửa lỗi hơn là đào sâu để khám phá nội dung chủ yếu của Lời
Chúa. Có khi người linh mục nại đến không có giờ, nhu cầu giáo dân thì nhiều,
công việc quá bận rộn, nên việc chuẩn bị cho bài giảng quá lơ là" (10).
THAY LỜI KẾT
Theo truyền thống,
Giáo Hội Việt Nam luôn đề cao việc cử hành và tham dự Bí Tích. Điều này rất
đúng với Giáo Lý, vì Bí Tích và Phụng Vụ có tính sống còn đối với Cộng đoàn Hội
Thánh.
Nhưng trong thực tế
thì việc cử hành Phụng Vụ Lời Chúa và việc giảng dạy Lời Chúa lại chưa được
hàng ngũ Thừa Tác Viên có chức thánh coi
là nhiệm vụ SỐ MỘT của mình. Đã đành rằng hàng ngày có một cử hành Phụng
Vụ Lời Chúa mà phải làm sao cho sốt sáng và hữu ích cho giáo dân, không phải là
việc dễ dàng. Cũng thế mỗi tuần phải soạn một hay nhiều bài giảng đạt yêu cầu
cũng không phải là công việc đơn giản. Có lẽ đây là một gánh nặng của các linh
mục mà ít người giáo dân ý thức và cảm
thông. Nhưng về phía các linh mục có lẽ các cha cũng nên tự hỏi: Có công việc
nào mà mình có thể và nên giao cho giáo dân làm không, để mình có nhiều thời
gian hơn cho NHỮNG ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU trong mục vụ? Nếu giáo dân
thông cảm hơn với những khó khăn của linh mục và đồng thời các linh mục cũng
biết san sẻ một số công việc cho giáo dân, thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn và các
buổi Phụng Vụ Lời Chúa và bài giảng sẽ chất lượng và bổ ích hơn cho người tham
dự và lắng nghe với lòng khao khát.
Giêrônimô Nguyễn Văn
Nội
Garden Grove (CA/USA) ngày 12.11.2006
.........................
Ghi chú:
(1) Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, số 2,
(2) Kinh Dâng lễ Chúa Nhật thứ 9 sau lễ Hiện Xuống.
(3) Xem Dt 13,14.
(4) Xem Ep 2,21-22.
(5) Xem Ep 4,13.
(6) Xem Is 11,12.
(7) Xem Ga 11,52.
(8) Xem Ga 10,16
(9) Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng, 43.
(10) Xem Bản đúc kết thường huấn linh mục của giáo phận X., tháng
10.2003.