TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM

--------------

 

VIỆC GIẢNG DẬY VÀ HỌC HỎI GIÁO LÝ

LÀ ĐƯỜNG LỐI TRUYỀN GIÁO KHÔNG ĐƯỢC XEM NHẸ

 

VÀO ĐỀ

Những ai quan tâm đến sự tồn vong và phát triển của Giáo Hội Việt Nam không thể không vui mừng khi biết rằng mới đây Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc lần thứ nhất (chắc tính từ 1975!) đã được tổ chức tại Nha Trang. Đúng ra Đại Hội này đã phải được tổ chức từ lâu, vì chưng, khách quan mà nói, thì không có gì quan trọng cho sự tồn vong và phát triển của Giáo Hội cho bằng việc giảng dậy và học hỏi Giáo lý.    

 

Trong bài này tôi sẽ đề cập đến việc giảng dậy và học hỏi Giáo lý như một Đường Lối Truyền Giáo mà Giáo Hội Việt Nam không được xem nhẹ, nếu chúng ta không muốn Giáo Hội mai một và có hàng giáo dân dốt nát về Giáo Lý, Thánh Kinh, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và tôi sẽ nêu lên một số việc mà tôi cho là quan trọng và cấp bách liên quan tới mục vụ huấn giáo mà Giáo Hội Việt Nam cần làm, để mọi người, nhất là những người có trách nhiệm lớn trong Giáo Hội, cùng nhau suy nghĩ và tìm cách thực hiện.

    

 

TRÌNH BÀY

I. GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI VỀ VIỆC GIẢNG DẬY VÀ HỌC HỎI GIÁO LÝ VÀ VIỆC HUẤN LUYỆN GIẢNG VIÊN GIÁO LÝ

1.1 Của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI về việc giảng dậy và học hỏi giáo lý.

"Một cách truyền giáo (loan báo Tin Mừng) không thể bị xem nhẹ là việc giảng dậy và học hỏi giáo lý. Trí khôn, nhất là của trẻ em và người trẻ, cần được học hỏi - thông qua việc giảng dạy và học hỏi một cách có hệ thống - những giáo huấn căn bản là nội dung sống động của chân lý mà Thiên Chúa đã muốn đem đến cho chúng ta, và Giáo Hội đã diễn tả một cách phong phú trong dòng lịch sử lâu dài. Không ai chối cãi được rằng việc giảng dậy và học hỏi này cần được tổ chức bằng những hình thái cụ thể của đời sống Kitô hữu và không chỉ ở trong ý niệm mà thôi. Thật ra nỗ lực truyền giáo sẽ được hưởng lợi rất nhiều - trong các lớp giáo lý ở nhà thờ, hay ở trường học (những nơi có thể thực hiện được) và trong mọi trường hợp là ở trong gia đình người Kitô hữu - nếu những người dạy giáo lý có được những bản văn thích hợp và được cập nhật với sự khôn ngoan và chuyên môn, dưới quyền giảng dạy của các Giám Mục. Các phương pháp phải được thích nghi với lứa tuổi, nền văn hóa và thái độ của những người liên hệ. Các phương pháp luôn phải tìm cách ghi sâu vào trí nhớ, trí hiểu và tâm hồn những chân lý cơ bản là những chân lý phải thâm nhập vào toàn bộ cuộc sống. Trước hết cần phải chuẩn bị cho có những nhà giáo dục tốt - giáo lý viên của giáo xứ, thày cô giáo, các người làm cha làm mẹ là những người ao ước chính họ trở nên hoàn thiện trong nghệ thuật cao trọng này - là điều hết sức cần thiết và đòi hỏi phải có học hỏi về tôn giáo. Hơn nữa không được xem thường bất kỳ phương pháp huấn luyện trẻ thơ  nào, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay là lúc việc giảng dậy giáo lý đã trở nên cấp bách, dưới hình thái các lớp giáo lý, cho rất nhiều người trẻ và người trưởng thành, là những người một khi được tác động bởi ơn thánh, sẽ dần dần khám phá ra dung mạo của Chúa Kitô và cảm thấy nhu cầu phải hiến thân cho Người” (1).

 

1.2 Của Công  Đồng Vatican II về việc huấn luyện giảng viên giáo lý.

Cũng thế, có một đạo binh thực sự đáng khen và rất đáng thưởng công nhờ việc truyền giáo nơi muôn dân, đó là đạo binh các giảng viên giáo lý nam cũng như nữ; là những người đã thấm nhuần tinh thần tông đồ, họ vất vả rất nhiều để mang lại sự trợ giúp đặc biệt và hoàn toàn cần thiết cho việc bành trướng đức tin và Giáo Hội.

“Trong thời đại chúng ta, chức vụ của các giảng viên giáo lý rất quan trọng vì số giáo sĩ ít oi không đủ để rao giảng Phúc Âm cho quần chúng quá đông đúc cũng như để thi hành mục vụ. Vì thế, việc huấn luyện những giảng viên này phải được kiện toàn và thích nghi với tiến bộ văn hóa, để như những cộng tác viên đắc lực của chức linh mục, họ có thể hoàn thành đến mức tối đa nhiệm vụ của họ, nhiệm vụ đang đặt nặng trên vai họ những trọng trách mới mẻ và rộng lớn hơn.

“Bởi vậy phải tăng thêm nhiều trường học thuộc giáo phận và miền, để các giảng viên giáo lý tương lai vừa được học hỏi về giáo lý công giáo, nhất là về môn Thánh Kinh và Phụng Vụ, vừa được học hỏi về phương pháp dạy Giáo lý và thực hành mục vụ, lại được tự luyện theo luân lý Kitô giáo (2) trong khi không ngừng cố gắng trau dồi đời sống đạo đức và thánh thiện. Ngoài ra còn phải có những buổi hội thảo hay những khóa học tập định kỳ, để các giảng viên giáo lý được cải tiến trong những môn học hay nghệ thuật hữu ích cho thừa tác vụ cũng như để nuôi dưỡng và củng cố đời sống thiêng liêng của mình nữa. Thêm vào đó, đối với những ai hoàn toàn tận hiến cho công cuộc này, phải cung cấp cho họ một khoản thù lao cân xứng để họ có một mức sống xứng đáng và được bảo đảm về mặt xã hội (3).

“Ước mong rằng Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin đặc biệt trợ cấp cách thích đáng cho công cuộc đào tạo và nâng đỡ các giảng viên giáo lý. Nếu thấy cần và thích hợp, phải thành lập một Tổ Chức giúp các giảng viên này.

“Ngoài ra các Giáo Hội cũng nên biết ơn nhìn nhận công việc quảng đại của các giảng viên giáo lý trợ tá mà Giáo Hội đang cần họ giúp đỡ. Chính các giảng viên giáo lý chủ sự các buổi đọc kinh chung trong cộng đoàn và giảng dạy giáo lý. Cũng phải đặc biệt lo cho họ được huấn luyện về giáo lý và đường thiêng liêng. Hơn nữa, ước mong rằng nơi nào thấy thuận lợi, nên công khai cử hành một nghi lễ phụng vụ để ủy thác sứ mệnh pháp lý (4) cho các giảng viên giáo lý đã được huấn luyện đầy đủ, ngõ hầu họ được thêm uy tín với dân chúng mà phục vụ đức tin” (5).

 

II. MỐI QUAN TÂM CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM VỀ VIỆC GIẢNG DẠY VÀ HỌC HỎI GIÁO LÝ  VÀ VỀ VIỆC ĐÀO TẠO GIẢNG VIÊN GIÁO LÝ

2.1 Giáo Hội Việt Nam luôn quan tâm đến việc giảng dậy và học hỏi giáo lý:

Ở thành phố cũng như ở nông thôn Việt Nam, hoạt động nổi bất nhất của các giáo xứ, sau việc cử hành Các Bí Tích, là việc giảng dậy và học hỏi Giáo Lý. Sau Thánh Đường thì Phòng Giáo Lý cũng là mối quan tâm thứ hai trong kế hoạch xây cất cơ sở ở đại đa số các giáo xứ. Đó là hai sự việc nói lên sự quan tâm đến vấn đề huấn giáo của Giáo Hội Việt Nam. Nhưng hai sự kiện đó chưa thể nói hết được tất cả mối quan tâm của Giáo Hội Việt Nam về công tác mục vụ quan trọng này như chúng ta sẽ thầy ngay sau đây. 

 

2.2 Giáo Hội Việt Nam chưa quan tâm đủ đến mục vụ huấn giáo

Đi sâu vào đời sống các giáo xứ và các giáo phận chúng ta sẽ thấy rằng, trong lãnh vực giảng dậy và học hỏi giáo lý, còn rất nhiều điều Giáo Hội Việt Nam chưa làm hoặc chưa có thể làm để thực hiện những chỉ đạo của Giáo Hội về huấn giáo. Chúng ta có thể tìm thấy những bằng chứng "không thể chối cãi được" về khẳng định ấy, chẳng hạn như:

 

(1) Việc giảng dậy Giáo Lý ở các Giáo Xứ Việt Nam hiện nay

Việc giảng dậy giáo lý ở hầu hết các nơi là công việc gần như được khoán trắng cho giáo dân. Ở một số ít nơi  thì việc điều hành tổ chức mục vụ này được giao cho các nữ tu (nam tu sĩ rất ít người nên không đóng vai trò lớn trong mục vụ huấn giáo này). Thậm chí có nơi linh mục coi xứ chẳng ngó ngàng gì đến công việc hệ trọng này. Trong bản đúc kết đợt thường huấn của các linh mục của giáo phận X, về việc giảng dạy giáo lý ở các giáo xứ, ban thư ký đã ghi lại ý kiến của các linh mục như sau :

“Khi giảng dạy, thường thì không dọn bài  vì nhận thấy trình độ người giáo dân thấp, cho nên không muốn dành thời giờ dọn bài, cho đó là việc dư thừa vô ích. Có những nơi, linh mục khoán trắng cho giáo dân, mà quên rằng, linh mục chính là thầy dạy giáo lý đầu tiên” (6).

Một sự kiện khác: Nếu việc giảng dậy và học hỏi Giáo Lý có được quan tâm thì các giáo xứ cũng chỉ mới quan tâm đến các thiếu nhi và thiếu niên. Còn với thanh niên và người trưởng thành thì chưa mấy giáo xứ có chương trình và các lớp khóa/thích hợp  trừ khóa giáo lý hôn nhân cho những người trẻ sắp lập gia đình, để nâng cao và đào sâu vốn liếng sống Đạo của người giáo dân.

 

(2) Việc đào tạo Giáo Lý Viên cho các giáo xứ, giáo phận ở Việt Nam

Việc thu nhận và đào tạo các giáo lý viên cũng là vấn đề lớn còn bỏ ngỏ. Có một ít giáo phận đã cố gắng tổ chức chương trình đào tạo giảng viên giáo lý với các khóa. Nhưng nhiều nơi vẫn phải chấp nhận tình trạng "có sao làm vậy". Nhiều giáo lý viên chỉ có lòng nhiệt thành mà không được đào tạo chính quy, không có đủ vốn giáo lý, sư phạm và tâm lý cần thiết. Vì thế mà việc giảng dậy và học hỏi giáo lý còn mang tính "từ chương" học sinh học thuộc lòng và thụ động. 

 

3. Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin toàn quốc và của các giáo phận Việt Nam

Nếu Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã thiết lập Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin toàn quốc, thì Ủy Ban này cũng mới chỉ bắt đầu hoạt động vài năm nay. Công việc thì nhiều chẳng khác chi dẫy núi Trường Sơn mà số thành viên thì đếm trên đầu ngón tay và không chuyên nghiệp. Hơn nữa tất cả các linh mục thành viên đều là những chánh phó xứ hay các giáo sư đại chủng viện bận bịu với trăm công ngàn việc của giáo xứ hay của chủng viện, nên thời gian và công sức dành cho Ủy Ban chẳng được bao nhiêu. Ở cấp toàn quốc cũng như ở cấp các giáo phận, còn thiếu những vị chuyên trách, chỉ lo một công việc là Giáo Lý của Hội Đồng Giám Mục hay của giáo phận mà thôi.

Xuống cấp các giáo phận thì chúng ta thấy không phải giáo phận nào cũng đã có Ban Giáo Lý Giáo Phận. Và lại thường có tình trạng "hữu danh vô thực" nghĩa là trên giấy tờ thì có ban có bệ đầy đủ nhưng trên thực tế thì không có người làm việc (7).

 

4. Chương trình Giáo Lý thống nhất và các thủ bản sách Giáo Lý

Ở các giáo phận Miền Bắc thì tôi không rõ, còn trong Nam thì có ba bộ Sách Giáo Lý được nhiều người biết đến và sử dụng nhiều nhất là Bộ Sách Giáo Lý của Sàigòn, bộ sách Giáo lý của Xuân Lộc và Bộ Sách Giáo lý của Nha Trang.

 

Việc có một Chương Trình Giáo lý thống nhất và có thủ bản thống nhất cũng là một vần đề lớn. Dĩ nhiên công việc này cũng không dễ dàng gì vì sự khác nhau và chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, giữa Miền Bắc (trên vĩ tuyến 17) và Miền Nam (dưới vĩ tuyến 17). 

 

5. Các Trung Tâm Giáo Lý và Mục Vụ của các Giáo Phận ở Việt Nam

Ở cấp toàn quốc cũng như ở cấp giáo phận chúng ta chưa có một trường hay trung tâm đào tạo Giảng Viên Giáo Lý và đảm trách về huấn giáo của Giáo Hội Việt Nam hay của giáo phận. Từ ít năm nay một số giáo phận đã có Trung Tâm Mục Vụ hay Tòa Giám Mục mới được xây dựng có thể dùng làm nơi tổ chức các khóa/đợt huấn luyện giáo dân nói chung, Giảng Viên Giáo Lý nói riêng; nhưng cũng mới ở bước đầu, còn thiếu nhân sự và tài chánh, thiếu kế hoạch và chương trình. 

 

THAY LỜI KẾT

          Chúng ta có thể nói rằng Giáo Hội Việt Nam tuy có quan tâm đến việc giảng dậy và học hỏi Giáo Lý và đến việc đào tạo Giảng Viên Giáo Lý, nhưng quả thật là Giáo Hội Việt Nam chưa quan tâm đủ đến mục vụ huấn giáo quan trọng này, vì còn rất nhiều việc cần làm như vừa trình bày ở trên. Theo quan điểm cá nhân tôi thì vấn đề phải giải quyết trước hết là não trạng và cách làm việc của lãnh đạo thượng tầng của Giáo Hội Việt Nam từ cấp toàn quốc đến cấp giáo phận. Nếu Giáo Lý là vấn đề quan trọng bậc nhất thì vốn đầu tư vào lãnh vực mục vụ này cũng phải đứng hàng đầu trong các đầu tư của Giáo Hội hay giáo phận. Đầu tư từ con người, cho đến cơ sở vật chất và phương tiện làm việc. Bên lề Hội Nghị Thần Học Thường Niên từ 22 đến 26 tháng 4 vừa qua của các nhà thần học Ấn Độ, với chủ đề “GIÁO DÂN TRONG GIÁO HỘI: CĂN TÍNH VÀ SỨ MẠNG TẠI ẤN ĐỘ NGÀY NAY”, bà Valerie D'Souza, một nhà thần học giáo dân, đã nói với Thông Tấn Xã Công Giáo Á Châu rằng: "Giáo hội cần phải ưu tiên đầu tư vào việc đào tạo giáo dân. Trong khi Giáo hội chi những khoản khổng lồ cho việc đào tạo các linh mục và tu sĩ, thì Giáo hội không chịu tốn kém gì cho giáo dân cả.” Một thành phần giáo dân xứng đáng được Giáo Hội ưu tiên đầu tư là Các Giảng Viên Giáo Lý với các Trung Tâm Đào Tạo Giảng Viên Giáo Lý và hoạt động của các Ban Giáo Lý giáo phận hay toàn quốc.

        Ưóc mong các Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và các linh mục Việt Nam đồng tình với quan điểm trên của bà Valerie D'Souza và tìm cách thực hiện điều ấy ngay từ bây giờ, để củng cố và phát triển Cộng Đồng Dân Chúa tại Việt Nam là Cộng Đồng đã được xây dựng bằng Xương Máu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam mà chúng ta mừng kính hôm nay.

 

 

          Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

          Ontario (CA.USA) ngày 19.11.2006

          Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

         

 

.........................

Ghi chú:

(1) Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng, số 44.

(2) Xem Gioan XXIII, Tđ. Princeps Pastorum, 28-11-1959 : AAS 51 (1959), trang 855.

(3) Ở đây nói những người vẫn được gọi là "catéchistes à plein temps", "full time catechists" (những thầy giảng, kẻ giảng).

(4) Sứ mệnh pháp lý theo giáo luật là quyền hành do Giáo Quyền có thẩm quyền ban cho, như quyền dạy dỗ, quyền cử hành các nghi thức để phục vụ Giáo Hội.

(5) Công Đồng Vaticanô II, Sắc Lệnh Truyền Giáo, số 17.

(6) Xem Bản đúc kết thường huấn linh mục của giáo phận X., tháng 10.2003.

(7) Xin nêu lên trường hợp của giáo phận Sàigòn, một giáo phận lớn và nhiều nhân sự:  Thời Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, (kể từ 1975 trở về sau) trên danh nghĩa thì có một linh mục có chức vụ Trưởng Ban Huấn Giáo giáo phận. Nhưng vị linh mục này chẳng có cộng tác viên để lập thành Ban Huấn Giáo và  thật ra ngài cũng chẳng làm gì nhiều, một phần vì hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ, một phần vì cá tính của ngài. Trong khi đó có một nhóm linh mục, tu sĩ và  giáo dân cảm thấy nhu cầu phải có bộ Giáo lý thích hợp với hoàn cảnh mới thay thế cho cuốn Giáo Lý Tân Định (dưới dạng hỏi thưa) nên tình nguyện làm việc chung với nhau, soạn ra bộ Giáo Lý Khai Tâm, Rước Lễ và Thêm Sức, được đấng bản quyền chấp nhận. Nhưng sau khi Đức Tổng Bình qua đời, thì Đức Giám Quản lại giao việc soạn Giáo Lý cho một linh mục không ở trong nhóm này và nhóm này cũng không được mời hợp tác. Còn từ ngày Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn nhậm chức Tổng Giám Mục Sàigòn cho đến nay thấm thoát đã hơn 8 năm rồi, Ban Giáo Lý vẫn chưa được thành lập. Hình như vì Tòa Tổng Giám Mục chưa tìm được một linh mục để giao trách nhiệm Trưởng Ban (!).


Trở về Trang Mục Lục