TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT
NAM
--------------
TRUYỀN GIÁO QUA VIỆC CỬ HÀNH
VÀ ĐÓN NHẬN CÁC BÍ TÍCH & Á BÍ TÍCH
VÀO ĐỀ
Đời sống của người Công Giáo thì ngoài
những chân lý phải tin, còn có những việc phải thực hiện như sống bác ái, yêu
thương và những bí tích phải đón nhận. Khi đón nhận các bí tích là như chúng ta
mở rộng tâm hồn đón nhận hồng ân Chúa.
Vì thế mà việc cử hành và đón nhận các bí
tích và á bí tích cũng được Giáo Hội coi la một Đường Lối Truyền Giáo.
TRÌNH BÀY
I. GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI VỀ ĐƯỜNG LỐI TRUYỀN GIÁO QUA VIỆC CỬ HÀNH
VÀ ĐÓN NHẬN CÁC BÍ TÍCH VÀ Á BÍ TÍCH
1.1 Giáo lý cơ bản về các Bí Tích và Á Bí Tích nói chung.
(1) Các Bí tích
là những dấu chỉ khả giác và hữu hiệu của ân sủng, do Đức Ki-tô thiết lập
và ủy thác cho Hội Thánh; qua các Bí Tích, sự sống thần linh được trao ban cho
chúng ta. Có bảy Bí Tích: Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Thể, Thống Hối, Xức Dầu Bệnh
Nhân, Truyền Chức Thánh và Hôn Phối (1).
(2) Các Á Bí Tích
là những dấu chỉ thánh thiêng do Hội Thánh thiết lập để thánh hóa một số hoàn cảnh
trong cuộc sống. Các Á Bí Tích gồm một lời cầu nguyện, kèm theo là dấu thánh
giá và những dấu chỉ khác. Trong số các Á Bí Tích, quan trọng nhất là các phép
lành. Các phép lành này là một lời ca ngợi Thiên Chúa và một lời khẩn nguyện để
kêu xin những hồng ân của Thiên Chúa; cũng có những việc thánh hiến con người cũng
như các đồ vật được dùng vào việc thờ phượng Thiên Chúa (2).
1.2 Giáo huấn của Công Đồng Va-ti-can II.
(1) Trong số 6 của Hiến Chế Phụng Vụ
Thánh của Công Đồng Va-ti-can II, có đoạn sau đây nói về công cuộc cứu chuộc do
Giáo Hội thực hiện trong Phụng Vụ và Bí Tích để tiếp nối công việc của Chúa Ki-tô:
“Vì vậy, như Chúa Ki-tô được Chúa Cha sai
đi thế nào, thì chính Người cũng sai các Tông Ðồ đầy tràn Thánh Thần đi như vậy,
không những để trong khi rao giảng Phúc Âm cho mọi thụ tạo (3) các Ngài loan
báo Con Thiên Chúa đã dùng cái chết và sự sống lại của Người để giải thoát
chúng ta khỏi quyền lực Sa-tan (4) và sự chết, đồng thời dẫn đưa chúng ta vào
nước Chúa Cha, nhưng còn để các Ngài thực thi công cuộc cứu chuộc mà các Ngài
đã loan báo, nhờ Hiến Tế và các Bí Tích, trung tâm điểm của toàn thể đời sống
phụng vụ. Như vậy, nhờ phép Rửa Tội, con người được tháp nhập vào mầu nhiệm phục
sinh của Chúa Ki-tô: cùng chết, cùng chịu mai táng, cùng sống lại (5), được
lãnh nhận tinh thần dưỡng tử, "do đó chúng ta xưng hô Chúa là Áp-ba,
Cha" (Rm 8,15) và như thế được trở nên kẻ phụng thờ đích thực mà Chúa Cha
tìm kiếm (6). Cũng thế, mỗi khi ăn tiệc của Chúa, họ loan truyền việc Chúa chịu
chết cho tới khi Chúa lại đến (7). Do đó, chính trong ngày Hiện Xuống, ngày
Giáo Hội xuất hiện nơi trần gian, "những người suy phục lời giảng" của
Phê-rô, "đều chịu phép Rửa Tội". Họ "kiên tâm theo lời giáo huấn
của Tông Ðồ, thông công trong việc bẻ bánh và cầu nguyện... ngợi khen Thiên
Chúa, lại được lòng toàn dân" (Cv 2,41-42; 47). Kể từ đấy, Giáo Hội không
bao giờ bỏ việc cùng nhau qui tụ để cử hành mầu nhiệm phục sinh: bằng việc đọc
"những lời chỉ về Người trong bộ Thánh Kinh" (Lc 24,27), bằng việc cử
hành Lễ Tạ Ơn trong đó hiện tại hóa "sự vinh thắng và khải hoàn nhờ cái chết
của Người" (8), đồng thời "cảm tạ Thiên Chúa về ân điển khôn tả của
Ngài" (2 Cr 9,15) trong Chúa Giê-su Ki-tô, "để ca tụng sự vinh hiển của
Ngài" (Ep 1,12) nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.
(2) Cũng trong Hiến Chế Phụng Vụ Thánh nói
trên, các số 59, 60 và 61 nói về Bản Chất và Phụng Vụ các Bí Tích khác và các Á
Bí Tích như sau:
* Bản tính các bí
tích: “Các Bí Tích có mục đích thánh hóa con người, xây dựng thân thể Chúa
Ki-tô, và sau cùng là thờ phương Thiên Chúa. Tuy nhiên, là những dấu chỉ, các
Bí Tích còn giữ vai trò giáo huấn nữa. Không những các Bí Tích giả thiết phải
có đức tin, mà còn dùng lời nói và sự vật để nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả đức
tin đó. Do đó, được gọi là các Bí Tích Ðức Tin. Thực ra các Bí Tích ban ân sủng,
nhưng việc cử hành các Bí Tích còn là việc chuẩn bị các tín hữu đón nhận ân sủng
đó một cách hữu hiệu để thờ phượng Chúa đúng cách và để thực thi đức bác ái.”
“Do đó, việc rất quan trọng là làm sao cho các
tín hữu dễ dàng hiểu được những dấu chỉ của các Bí Tích, và hết sức siêng năng
lui tới đón nhận các Bí Tích, là những Bí Tích được lập ra để nuôi dưỡng đời sống
Ki-tô hữu.” (số 59).
* Các Á Bí Tích: “Ngoài ra, Giáo Hội Mẹ
Thánh còn thiết lập những Á Bí Tích. Ðó là những dấu chỉ thánh, vì một phần nào
phỏng theo những Bí Tích, nhờ đó biểu trưng những hậu quả - nhất là những hậu
quả thiêng liêng - và thông ban hậu quả đó nhờ sự bầu cử của Giáo Hội. Nhờ các
Á Bí Tích ấy, con người được chuẩn bị lãnh nhận hậu quả chính yếu của các Bí
Tích và thánh hóa những hoàn cảnh khác biệt trong cuộc sống.” (số 60).
* Phụng vụ các
Bí Tích và Á Bí Tích: “Vì thế, Phụng Vụ các Bí Tích và Á Bí Tích mang lại
những hiệu quả này là: đối với các tín hữu đã được chuẩn bị chu đáo, thì hầu hết
mọi biến cố trong đời sống sẽ được thánh hóa nhờ thánh ân xuất phát từ mầu nhiệm
phục sinh của Chúa Kitô chịu thương khó, chịu chết và sống lại, vì Người là nguồn
mạch ban năng lực cho tất cả các Bí Tích và Á Bí Tích. Hầu như không có việc xử
dụng của cải vật chất một cách chính đáng nào lại không có thể đưa tới mục đích
thánh hóa con người và ca khen Thiên Chúa.” (số 61).
1.3 Giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI.
“Không ai nhấn mạnh đủ là việc loan báo Tin Mừng
không chỉ cốt yếu ở việc giảng dậy giáo lý. Vì loan báo Tin Mừng phải đụng đến đời
sống: đời sống tự nhiên sẽ mang một ý nghĩa mới nhờ vào các viễn tượng mà việc
loan báo Tin Mừng mở ra cho thấy; và đời sống siêu nhiên không chỉ là không có tội
mà còn là sự thanh tẩy và nâng cao đời sống tự nhiên lên nữa.
“Đời sống siêu nhiên này tìm thấy cách diễn tả sống
động trong bẩy bí tích và trong sự tỏa sáng tuyệt vời của ơn thánh và sự thánh
thiện mà các bí tích ấy sở hữu.
“Vì thế việc loan báo Tin Mừng (hay Phúc âm hóa)
thể hiện hết khả năng của mình khi việc ấy thực hiện mối tương quan mật thiết,
hoặc mối hiệp thông liên lỉ và không hề
bị sứt mẻ, giữa Lời Chúa và các Bí Tích. Trong một nghĩa nào đó thì khi đối nghịch
việc loan báo Tin Mừng với việc đón nhận các Bí Tích - như người ta thường làm -
là người ta phạm một sai lầm. Quả đúng là
việc ban phát Bí Tích mà thiếu sự hỗ trợ vững chắc của sự hiểu biết về giáo lý
liên quan tới các Bí Tích ấy và sự thiếu trình độ tổng quát về giáo lý có thể làm
cho các Bí Tích mất đi tính hiệu quả sâu rộng. Vai trò của loan báo Tin Mừng cốt
yếu là giáo dục Đức Tin cho dân Chúa bằng cách hướng dẫn mỗi người Ki-tô hữu sống
các Bí Tích như là Bí Tích của Lòng Tin, mà không đón nhận các Bí Tích một cách
thụ động hay một cách miễn cưỡng.” (9).
II. GIÁO HỘI VIỆT NAM VỚI VIỆC CỬ HÀNH VÀ ĐÓN NHẬN CÁC BÍ TÍCH VÀ Á
BÍ TÍCH
Liên quan tới việc cử hành và đón nhận các
Bí Tích và Á Bí Tích, có thế nói Giáo Hội Việt Nam có điểm mạnh và điểm yếu riêng
của mình.
2.1 Điểm mạnh của Giáo Hội Việt Nam
Là các Bí Tích và Á Bí Tích rất được đề
cao trong trong đời sống đạo của người giáo dân, thậm chỉ việc siêng năng “chịu”
các Bí Tích và “nhận” các Á Bí Tích đã nghiễm nhiên trở thành tiêu chuẩn phân
biệt người đạo đức, sốt sáng với người khô khan, nguội lạnh.
2.2 Điểm yếu của Giáo Hội Việt Nam
Mặc dầu nhiều người Công Giáo Việt Nam
quan niệm cách sai lầm rằng chỉ phải học giáo lý để “chịu” các Bí Tích, thì trình
độ hiểu biết của đại đa số giáo dân về các Bí Tích và Á Bí Tích còn rất hạn chế
khiến việc “chịu” các Bí Tích và “nhận”
các Á Bí Tích trở thành máy móc và hình thức.
THAY LỜI KẾT
Cùng với đà phát phiển đáng mừng về nhiều
mặt của xã hội và con người Việt Nam hiện nay, ước chi về các mặt riêng của mình,
người Công Giáo Việt Nam cũng có những phát triển rõ rệt như trình độ hiểu biết
về Giáo Lý, Thánh Kinh, Thần Học, Phụng Vụ và Bí Tích của giáo dân được nâng
cao và đào sâu; sự dấn thân phục vụ con người và xã hội của mọi thành phần Dân
Chúa được đẩy mạnh.
Giêrônimô Nguyễn
Văn Nội
Garden Grove
(CA.USA) ngày 13.12.2006
.........................
Ghi chú:
(1) Toát yếu Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo số
224; Xem GLHTCG số 1113-1131.
(2) Toát yếu Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo số
351; Xem GLHTCG số 1667-1672, 1677-1678.
(3) Xem Mc 16,15.
(4) Xem Cv 26,18.
(5) Xem Rm
6,4 ; Ep 2,6 ; Cl 3,1 ; 2 Tm 2,11.
(6) Xem Ga 4,23.
(7) Xem 1 Cr 11,26.
(8) Công Ðồng Trentô, khóa
13, 11-10-1551, Sắc lệnh De SS. Euch., ch. 5: Concilium Tridentinum, Diariorum
Actorum, Epistolarum, Tractatuum nova collectio, x.b. Soc. Goerresiana, bộ VII.
Actorum phần IV, Friburgi Brisgoviae 1961, trg 202.
(9) Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI, Tông Huấn “Loan
Báo Tin Mừng”, số 47.