TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT
NAM
--------------
LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN
CŨNG LÀ MỘT ĐƯỜNG LỐI TRUYỀN GIÁO
VÀO ĐỀ
Trong đời sống người Công Giáo có hai hình thái cũng
là hai lãnh vực biểu lộ biểu lộ lòng tin và phụng thờ Thiên Chúa: trong cử hành
Phụng Tự chính thức của Giáo Hội và trong thực hành lòng đạo đức bình dân. Cả hai
hình thái hay hai lãnh vực trên đều quan trọng và cần thiết, nên cả hai đều cần
được hiểu rõ và thực hành đến nơi đến chốn.
Trong loạt bài TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM, chúng ta đã
có hai bài 19 & 21 đề cập đến Phụng Vụ Lời Chúa và bài giảng Chúa Nhật và
việc cử hành các Bí Tích và Á Bí Tích như là đường lối Truyền Giáo chính thống
của Giáo Hội Công Giáo. Bài 22 này sẽ nói về giá trị của “lòng đạo đức bình dân”
như là một đường lối khác của công cuộc loan báo Tin Mừng.
TRÌNH BÀY
I. TÌM HIỂU VỀ LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN.
1.1 Mối tương quan giữa đời sống cầu nguyện và lòng đạo đức bình dân
của người Ki-tô hữu.
Theo Công Đồng Va-ti-ca-nô II thì đời sống cầu nguyện
của Giáo Hội tập trung vào mọi cử hành Phụng Vụ, vì đó là “hành động của Đức Ki-tô
linh mục và của thân thể Người là Giáo Hội”, không một hình thức phụng tự nào
khác có thể thay thế được, “mọi việc cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh
và không một hành vi nào khác của Giáo Hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu
lẫn đẳng cấp” (Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, số 7) Tuy nhiên các nghị phụ Công Đồng
cũng công nhận rằng: “đời sống thiêng liêng không chỉ giới hạn trong việc tham
dự Phụng Vụ Thánh. Bởi vì người Ki-tô hữu được mời gọi cầu nguyện chung, nhưng
cũng phải vào phòng riêng âm thầm cầu nguyện cùng Chúa Cha, hơn nữa phải cầu
nguyện không ngừng như lời vị Sứ đồ đã dạy” (Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, số 12).
Những hình thức cầu nguyện riêng tư đó được gọi là: lòng đạo đức bình dân (1).
1.2 Thế nào là Lòng Đạo Đức Bình Dân?
Lòng đạo đức bình dân
không phải là một hình thức cầu nguyện dành cho dân dã thuộc giới bình dân,
nhưng là một phương thức cầu nguyện dành cho hết mọi tín hữu, dù tín hữu đó là
một nhà bác học hay nông dân, là giáo hoàng hay người giáo dân bình thường.
Gọi là đạo đức bình
dân để phân biệt với Phụng Vụ Thánh là “sinh hoạt tột đỉnh mà Giáo Hội hướng tới”
và là “nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội” (Hiến Chế Phụng Vụ Thánh,
số 10).
Phụng Vụ Thánh bao gồm
việc cử hành Bí Tích Thánh Thể, các bí tích và các Á Bí tích, các cử hành khác
của Giáo Hội như đọc kinh theo Các Giờ Kinh Phụng Vụ, những nghi thức mai táng
Ki-tô hữu, nghi thức cung hiến thánh đường hay nghi thức tuyên khấn dòng dành
cho các tu sĩ nam nữ. Chính Đức Ki-tô hành động trong Phụng Vụ, cho nên hành động
của Giáo Hội như là Thân thể của Người trong Phụng Vụ chính là tham gia vào
hành vi cứu rỗi của Chúa Ki-tô thượng tế (x. Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, số 7) (2).
1.3 Những hình thái thông thường của Lòng Đạo Đức Bình Dân.
Lòng đạo đức bình dân
là phương cách cầu nguyện nhằm “biểu lộ đức tin nhờ những
yếu tố văn hóa của môi trường cụ thể, qua việc diễn tả và khơi gợi một cách mạnh
mẽ và hữu hiệu tình cảm của những ai cùng sống trong môi trường đó”, bởi
đó lòng đạo đức bình dân được diễn tả qua nhiều hình thức đa dạng và biến đổi
hoặc nẩy sinh thêm tùy theo suy tư thần học hay hoàn cảnh chính trị, xã hội của
từng thời đại nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống thiêng liêng của người tín hữu. Ít
người biết đến nguồn gốc lòng đạo đức bình dân mang tính cổ xưa. Có thể ghi nhận
sự hiện hữu của lòng đạo đức bình dân trong thế hệ Ki-tô tiên khởi: “những thứ
này trước hết phát xuất từ truyền thống Do Thái; hơn nữa phù hợp với gương sáng
của Chúa Giê-su và của Thánh Phao-lô, những sáng kiến này của các Ki-tô hữu
tiên khởi khơi nguồn cảm hứng từ những lời khuyên của các Ngài là phải dâng lời
cầu nguyện liên lỉ (x. Lc 18,1; Rm 12,12; 1 Tx 5,17) lên Thiên Chúa để đạt được
hoặc khởi sự mọi điều trong việc tạ ơn (x. 1 Cr 10, 31; 1 Tx 2, 13; Cl 3,17).
Người Do Thái đạo đức bắt đầu ngày sống của mình bằng việc ngợi khen và cảm tạ
Thiên Chúa, và họ làm mọi việc trong tinh thần đó suốt cả ngày. Như thế mọi thời
điểm, dù vui dù buồn, đều là cơ hội để dâng lên một lời kinh ca ngợi, cầu xin
hay tạ lỗi. Các sách Tin Mừng và những bản văn khác trong Tân Ước đều chứa đựng
những lời khẩn nài dâng lên Chúa Giê-su; và khi những lời ấy được tín hữu lập
đi lập lại bên ngoài bối cảnh Phụng Vụ, thì đã ít nhiều trở thành các kinh nguyện
tắt, nhờ đó họ bày tỏ lòng sùng mộ của họ tập trung vào Chúa Ki-tô. Ta có thể
nghĩ rằng các tín hữu đã có thói quen lập lại những cụm từ trong Kinh Thánh
như: ‘Lạy Chúa Giê-su, con vua Đa-vít, xin thương xót con’ (Lc 18,38); ‘Lạy
Chúa Giê-su, nếu Chúa muốn, Chúa có thể chữa lành con’ (Mt 8,1); ‘Lạy Chúa Giê-su,
xin nhớ đến con khi Chúa vào Nước Chúa’ (Lc 23,42); ‘Lạy Chúa và là Thiên Chúa
của con’ (Ga 20,28); ‘Lạy Chúa Giê-su, xin đón nhận linh hồn con’ (Cv 7,59).
Hình thức đạo đức này sẽ trở nên khuôn mẫu, từ đó triển khai nên vô vàn lời
kinh mà tín hữu ở mọi thời dâng lên Đức Ki-tô”.
Một ít hình thức lòng
đạo đức bình dân như kinh Mân Côi và áo Đức Bà được thích nghi từ những thực
hành trong dòng tu. Thí dụ như một lời kinh ca tụng Đức Ma-ri-a được trước tác
từ trình thuật Truyền Tin của Lu-ca được khám phá trên các mảnh gốm vào thế kỷ
III tại một di tích lịch sử của tu viện Coptic: “Kính
mừng Ma-ri-a, đầy ơn phúc, Chúa ở cùng bà, cả Chúa Thánh Thần nữa. Thầy cả của
bà mặc áo công chính. Những kẻ tôn kính bà sẽ vui mừng hớn hở. Lạy Chúa, vì Đa-vít
tôi tớ Chúa, xin Chúa hãy cứu vớt dân Người; hãy chúc phúc phần dân Chúa chọn.
Kính mừng Đấng đồng trinh vinh hiển, Ma-ri-a đầy phúc. Chúa ở cùng bà. Bà có
phúc hơn mọi người nữ. Và phúc thay hoa quả lòng bà; vì Đấng bà thụ thai chính
là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc linh hồn chúng con”.
Một số thực hành lòng đạo đức bình dân nhằm đến việc sùng
kính Thánh Tâm Chúa Giê-su và Ảnh tượng hay Ảnh Làm Phép Lạ, được xem như có
nguồn gốc trong những mặc khải tư, có nghĩa là qua một số thị kiến hay sứ điệp
được trao ban cho một người tín hữu.
Vì lòng đạo đức bình
dân được nẩy sinh nhằm đáp ứng những nhu cầu thiêng liêng của người tín hữu
trong những nền văn hóa khác nhau, nên lòng đạo đức bình dân mang nhiều sắc
thái đa dạng thay đổi theo thời gian và tùy theo nền văn hóa. Khi nói về sự đa
dạng trong việc sùng kính Đức Ma-ri-a, Đức Phao-lô VI đã giải thích rằng: Giáo
hội “không tự trói mình với bất cứ một sự diễn tả riêng
tư nào của một thời kỳ văn hóa cá thể hay là với những ý niệm nhân loại học
riêng biệt làm nền tảng cho những sự diễn tả ấy. Giáo Hội hiểu rằng một sự diễn
tả tôn giáo bên ngoài, tuy tự nó là hoàn toàn đúng, nhưng có thể ít thích hợp
hơn cho những người nam và người nữ của những thời đại và của những nền văn hóa
khác nhau”.
Các hình thức của Lòng
đạo đức bình dân qui chiếu vào những đối tượng sau đây:
II. GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI VỀ LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN
2.1 Giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI:
“Ở đây chúng ta đụng chạm đến một khía cạnh của công cuộc
Loan Báo Tin Mừng mà chúng ta không thể không quan tâm. Chúng tôi muốn nói đến điều
mà ngày nay thường được gọi là LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN (popular religiosity).
Lòng đạo đức bình dân tìm ra những cách biểu lộ đặc biệt của
việc tìm kiếm Thiên Chúa và của lòng tin, cả trong những vùng mà Giáo Hội đã được
thành lập hàng trăm năm, cả trong những vùng mà Giáo Hội đang được hình thành. Trong
một thời gian dài, những cách diễn tả này đã được xem là thiếu tinh tuyền và đôi
khi bị khinh thường, nhưng ngày nay chúng đã được tái khám phá ở khắp mọi nơi. Trong
Thượng Hội Đồng Các Giám Mục mới đây các Giám mục đã nghiên cứu ý nghĩa của những
cách diễn tả lòng đạo đức bình dân với tinh thần thực tế và lòng nhiệt thành mục
vụ rất đáng kể.
Hẳn nhiên là lòng đạo đức bình dân có giới hạn của nó. Lòng
đạo đức bình dân thường bị xâm phập bởi những méo mó về tôn giáo và mê tín dị đoan
nữa. Thường nó dừng lại ở mức độ của hình thái phụng tự không phải do lòng tin.
Nó cũng có thể đưa đến chỗ phát sinh những giáo phái và làm nguy hại cho cộng đoàn
Giáo Hội đích thực.
“Nhưng nếu được hướng dẫn cách đúng đắn, nhất là bằng khoa
sư phạm về Truyền Giáo, lòng đạo đức bình dân sẽ có nhiều giá trị. Nó diển tả sự
khao khát Thiên Chúa mà chỉ những người đơn sơ và nghèo khó mới có thể biết đến.
Nó làm cho người ta có khả năng sống quảng đại và hy sinh đến độ hy sinh anh dũng
khi liên quan tới việc biểu lộ lòng tin. Nó bao hàm một ý thức sắc bén về những
thuộc tính của Thiên Chúa như tình phụ tử, sự quan phòng, sự hiện diện yêu thương
và lien lỉ. Nó làm phát sinh những thái độ nội tâm ở mức độ cao không tìm thấy ở
bất cứ đâu: sự kiên nhẫn, cảm thức về thập giá trong đời sống thường ngày, sự
siêu thoát, thái độ rộng mở với tha nhân, lòng mộ đạo. Vì những khía cạnh trên,
chúng tôi sẵn lòng gọi là: “lòng đạo đức bình dân” (popular piety), có nghĩa là
tôn giáo của người dân.
“Đức Ái Mục Vụ truyền cho những người mà Chúa đã đặt làm lãnh
đạo các cộng đoàn Giáo Hội phải có thái độ thích hợp đối với thực tại này là một
thực tại rất phong phú nhưng đồng thời cũng rất dễ bị tổn thương. Trên hết là những
người ấy phải nhậy bén với lòng đạo đức bình dân, biết cách cảm nghiệm những
chiều kích nội tâm và những giá trị không thể chối cãi được của lòng đạo đức bình
dân ấy, sẵn sàng giúp nó vượt qua những nguy cơ lạc hướng. Khi được hướng dẫn một
cách đúng đắn, lòng đạo đức bình dân có thể giúp càng ngày càng nhiều người thực
sự gặp được Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô” (4).
2.2 Giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II:
Đức Giáo Hoàng Gio-an
Phao-lô II trong tông thư Vicesimus Quintus Annus đã nói: “Lòng đạo đức bình dân không thể bị làm ngơ,
hay bi đối xử một cách dửng dưng, khinh miệt, vì giá trị của nó rất phong phú
và tự thân nó diễn tả nền tảng tín ngưỡng của con người trước Thiên Chúa. … Các
việc đạo đức của Dân Chúa, cũng như những hình thức sùng mộ khác đều được đón
nhận và cổ vũ, miễn là chúng không thay thế và không lẫn lộn với những cử hành Phụng
Vụ” (5).
2.3 Giáo huấn của Thánh Bộ Phượng Tự và Kỷ Luật Bí Tích:
Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ
Luật Bí Tích cũng đã khẳng định: “Theo huấn quyền, lòng
đạo đức bình dân là một thực tại sống động ở trong lòng Giáo Hội: lòng đạo đức ấy
có nguồn gốc trong sự hiện diện liên tục và tích cực của Thánh Thần, Đấng ban sự
sống cho toàn thể Giáo Hội.…
Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ
Luật Bí Tích ghi nhận: “không thể nào bỏ qua những việc
đạo đức được tín hữu thực thi trong một số miền một cách sốt sắng và với ý ngay
lành đến cảm động. Cũng thế, ta có thể khẳng định rằng cảm thức tôn giáo lành mạnh
của người bình dân, nhờ vào cội rễ rất Công giáo của họ, có thể là một liều thuốc
giải độc đối với các giáo phái và là một bảo đảm cho lòng trung thành đối với sứ
điệp cứu rỗi. Lòng đạo đức bình dân cũng là công cụ Chúa ban để giữ gìn đức
tin, trong những miền mà các Ki-tô hữu thiếu sự giúp đỡ mục vụ; hơn nữa ở những
nơi mà việc loan báo Tin Mừng chưa được đầy đủ, dân chúng biểu lộ phần lớn đức
tin của họ nhờ lòng đạo đức bình dân. Cuối cùng, lòng đạo đức bình dân là một
khởi điểm thích hợp và không thể thay thế, giúp giáo dân đạt tới một đức tin
chín chắn và sâu sắc hơn” (6).
III. LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN TRONG LÒNG GIÁO HỘI VIỆT NAM
Liên quan tới việc thực hành lòng đạo đức bình dân,
có thế nói Giáo Hội Việt Nam cũng có điểm mạnh và điểm yếu riêng của mình.
2.1 Điểm mạnh của Giáo Hội Việt Nam
Là lòng đạo dức bình dân được phát triển rất mạnh trong
đời sống đạo của người giáo dân, thậm chỉ đôi khi long đạo đức bình dân lấn át
cả việc Phụng Vụ chính thức. Trong những năm gần đây ở một số nơi chúng ta ta
thấy một số thực hành mới được du nhập vào đời sống cầu nguyện, nhưng lại chỉ là
những kinh mới thêm vào những kinh cũ, những sùng mộ mới thêm vào những sùng mộ
đã có từ trước. Tôi không có ý nói là những kinh mới, những sùng mộ mới kia là
không có giá trị. Ý tôi muốn nói là không thấy có những cung cách hay hình thái
đột biến làm thay đổi cuộc sống đức tin của giáo dân ở chiều sâu tâm linh.
2.2 Điểm yếu của Giáo Hội Việt Nam
Là nhiều người Công Giáo Việt Nam thực hành lòng đạo
đức bình dân mà không hiểu ý nghĩa, khiến những thực hành ấy dễ trở thành “hình
thức” chỉ có ở bên ngoài. Nhiều người khác coi nhẹ việc học hỏi, đào sâu giáo lý,
không quan tâm đến việc đọc và suy niệm Lời Chúa để cầu nguyện nên dễ rơi vào cách
sống đạo hời hợt, vẫn nặng đọc kinh và trọng các hình thức bề ngoài mà thiếu lòng
đạo sâu xa, thiếu đời sống kết hợp riêng tư với Thiên Chúa.
THAY LỜI KẾT
Vấn đề của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chúng ta là
làm sao một đàng duy trì, đào sâu và thanh luyện các cách thể hiện lòng đạo đức
bình dân, một đàng phải đẩy mạnh việc học hỏi Thánh Kinh và Giáo lý trong hàng
ngũ giáo dân. Tại Sài-gòn từ ngày đi vào hoạt động, Học Viện Mục Vụ Giáo Phận
(nay đổi thành Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận) đã cho những tín hiệu hết sức đáng mừng:
Ngoài những khóa tín lý cơ bản, kinh thánh
nhập môn, luân lý, phụng vụ, bí tích … còn có những khóa Thánh Kinh một trăm tuần
(7) thu hút khoảng trên dưới 400 anh chị em giáo dân tham dự mỗi lớp tối thứ năm
và thứ sáu hàng tuần. Ước chi các trung tâm khác, các giáo phận khác cũng nỗ lực
theo cùng một chiều hướng chung là nâng cấp và thăng tiến giáo dân.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
Sài gòn ngày 31.12.2006
.........................
Ghi chú:
(1) Lm Hà Văn Minh, “LÒNG
ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN”, bài thuyết trình tại
Tọa Đàm “SỐNG ĐẠO THEO CUNG CÁCH VIỆT NAM” do Ủy Ban Giám Mục về Giáo Dân phối
hợp với Tòa Tổng Giám Mục Huế tổ chức tại
Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Huế trong ba ngày 20, 21 và 22 tháng 4 năm 2004.
(2) Như trên.
(3) Như trên.
(4) Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI, Tông Huấn “Loan Báo Tin Mừng”,
số 48.
(5) Xem số (1).
(6) Xem số (1).
(7) Khóa Thánh Kinh 100 tuần được
tổ chức (chia sẻ và giảng dậy) theo phương pháp và tài liệu THE BIBLE IN 100
WEEKS của linh mục Marcel le Dorze, MEP. Tài liệu và phương pháp này đã rất phổ
biến trong các Giáo Hội Nhật Bản và Hàn Quốc, nay mới được du nhập vào Việt
Nam.