Có thể có ơn cứu độ nơi các tôn giáo chăng?
18/05/2012
Sống là đi tìm sự giải thoát. Trong dòng lịch sử, loài
người đã thể hiện việc tìm kiếm đó qua các tôn giáo khác nhau. Các tôn giáo
tiêu biểu cho khát vọng sâu xa đó của kiếp người. Có thể nói rằng: có bao nhiêu
quan niệm về cứu rỗi, thì cũng có bấy nhiêu tôn giáo.
(hinh)
Vậy có thể có ơn cứu độ nơi các tôn giáo chăng?
Bài viết này sẽ trình bày những suy tư thần học về ơn cứu
độ nơi các tôn giáo.
1. Ý niệm cứu độ
Cứu độ, theo nguyên ngữ Hy Lạp là sôzô, có nghĩa là được
giải thoát khỏi một sự dữ có thể làm nguy hiểm đến tính mạng. Từ nghĩa thông
thường đó mà người ta dùng để diễn tả kinh nghiệm tôn giáo: Thiên Chúa cứu rỗi
loài người, thần minh cứu độ chúng sinh (1).
Người ta thường nghĩ cứu độ là giải thoát khỏi một thực tại
tiêu cực. Tuy nhiên, sự cứu thoát này tự nó không phải là điều cốt yếu: nó chỉ
là bước chuyển biến để đạt tới tình trạng viên mãn. Bởi vì, cứu độ có nghĩa là
đạt tới sự viên mãn, trọn vẹn, đầy đủ, thực sự là chính mình, là hoàn thành hoá
chính mình.
Nói chung, các tôn giáo quan niệm cứu độ là con người được
đưa đến cùng đích của đời mình, giúp họ hoàn thành chính mình, tìm thấy thân
phận của mình. Con người đang sống là một hữu thể chưa thành toàn, luôn luôn ao
ước một cái gì hơn và một cái gì tốt hơn. “Theo kiểu nói của thánh Augustin,
đối với một thụ tạo, Thiên Chúa là hạnh phúc, sung mãn, mục đích cuối cùng.
Được thông hiệp với Ngài là được tất cả, là thiên đàng, là cứu độ. Kinh thánh
dùng nhiều hình ảnh và ẩn dụ để diễn tả trạng thái được cứu độ: yến tiệc, hôn
lễ, đời sống vĩnh hằng, bất tử, không còn bị huỷ hoại, ánh sáng, bình an, an
toàn, toại nguyện, viên mãn, hài hoà với mọi thụ tạo, trở về nhà Cha, quê hương
đích thực, hiển trị với Thiên Chúa, diện kiến Ngài, tham dự sự sống vĩnh hằng
và nhiệm màu của Thiên Chúa, hiệp thông trọn vẹn với các thiên thần, anh chị em
đồng loại và vũ trụ vật chất.” (2)
Để đạt được tình trạng như thế, tự sức con người không thể
vươn tới được, mà phải cần sự tác động của thần linh. Theo Kitô giáo, ơn cứu độ
được thực hiện trước tiên nơi con người Đức Giêsu Nazareth; nó đồng hoá với
chính con người đó. Và để dự phần vào ơn cứu độ, cần phải tiến vào sự thông
hiệp với Ngài. Kinh nghiệm cứu độ trực tiếp gắn liền với việc tuyên xưng Đức
Giêsu là Chúa, là Đấng cứu độ.
2. Giáo lý cổ truyền: “Ngoài Giáo hội không có
ơn cứu độ”
Trong bối cảnh tranh luận về giá trị của phép rửa trong các
lạc giáo giữa thế kỷ thứ 3, thánh Syprien, giám mục thành Carthage, đã đưa ra
câu châm ngôn trứ danh: “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ”.
Thánh Augustin cũng đồng ý với Syprien. Hai vị thánh đã áp
dụng thành ngữ này cho trường hợp của những người Kitô lìa bỏ Giáo hội mà theo
các lạc giáo; lý do là vì họ phạm đến đức ái, nên đã mất ân sủng.
Một nhân vật khác là Fulgence, giám mục thành Ruspe, là
người bảo toàn di sản của thánh Augustin, ra sức chống lại xu hướng lạc đạo.
Ông đồng ý với thánh nhân cho rằng việc gia nhập Giáo hội Công giáo là điều
kiện để được cứu độ. Ngoài Giáo hội có thể có phép rửa, nhưng phép rửa chỉ đem
lại ơn ích bên trong Giáo hội mà thôi. Ai lãnh nhận phép rửa tội ngoài Giáo hội
Công giáo là lãnh nhận một bí tích nguyên vẹn, nhưng người đó không được hưởng
hiệu quả của bí tích là ơn cứu độ (3), bởi vì “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu
độ”.
Thành ngữ này thường bị tách rời khỏi bối cảnh lịch sử, đã
chi phối truyền thống Kitô giáo cho đến thời Trung cổ và gần như đạt được tính
chất tín lý. Các giáo phụ và các nhà thần học thời Trung cổ đã phổ quát hóa và
đem thành ngữ ấy áp dụng vào trường hợp người Do Thái và lương dân. Trong một
thế giới toàn tòng Kitô giáo, các ngài tưởng là mọi người trong thế giới đều đã
nghe biết về Tin mừng, vì thế các ngài suy luận theo nghĩa đen và áp dụng chặt
chẽ những lời Chúa Giêsu: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được ơn cứu độ; còn ai
không tin sẽ bị kết án” (Mc 16,16). Không vào Giáo hội tức là đã từ chối Lời
Chúa, và vì thế không thể được cứu rỗi.
Giáo thuyết này đã được huấn quyền phê chuẩn. Công đồng
Latran IV (năm 1215) tuyên bố: “Chỉ có một Giáo hội toàn cầu: ở ngoài Giáo hội
này, chẳng có ơn cứu độ” (Dz 802).
Năm 1302, trong tự sắc Unam sanctam, Đức Boniface VIII đã
so sánh Giáo hội với tàu Noê, và khẳng định là không ai ở ngoài Giáo hội Công
giáo hoặc thuộc Giáo hội Công giáo nhưng lại không vâng phục giám mục Roma mà
có thể được cứu rỗi (Dz 870, 875).
Công đồng Firenze (năm 1442) trích dẫn và phê chuẩn luận đề
của Fulgence de Ruspe: “Giáo hội Công giáo Rôma xác tín, tuyên xưng, và rao
giảng rằng chẳng một ai trong những người ở bên ngoài Giáo hội Công giáo –
không phải chỉ những người ngoại giáo mà cả những người Do thái giáo hay lạc
giáo và ly giáo nữa – được tham dự vào cuộc sống vĩnh cửu, mà trái lại sẽ đi
vào lửa đời đời đã dành sẵn cho cho ác quỉ và các sứ thần của nó, nếu như ít
nhất trong giây phút cuối đời không gia nhập vào Giáo hội” (Dz 1351).
3. Quan niệm mới: Ơn cứu độ không biên giới
Nhờ việc khám phá ra châu Mỹ (1492), người châu Âu mới biết
rằng rất nhiều dân tộc ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ chưa hề nghe nói đến Đức
Kitô. Phần lớn trong số họ đều thuộc về một tôn giáo khác. Vì thế, vấn đề đặt
ra là quan niệm thế nào về số phận của những người ngoài Kitô giáo. Không thể
giữ vững lập trường kết án và loại trừ như trước đây. Bởi vì, không ai có thể
bị kết án nếu không cố ý phạm tội. Đức Piô IX viết: “Phải tin chắc rằng những
người không biết đạo thật, nếu là vô tri bất khả thắng, thì
không thể coi họ là có tội trước mặt Chúa vì sự vô tri đó”. (4)
Chúng ta có thể tìm hiểu xem Kinh thánh quan niệm thế nào
về vấn đề này. Trong trình thuật về biến cố dâng trẻ Giêsu vào đền thánh, Tin
mừng Luca viết: “Ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân; đó là ánh sáng soi
chiếu mọi nước” (Lc 2,30-31).
Thánh Phaolô quả quyết: Thiên Chúa “muốn tất cả mọi người
được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Khi nói về sự phán xét của Thiên
Chúa, thánh nhân tin rằng phần thưởng được ban cho mọi người làm điều thiện sẽ
giống nhau cho tất cả chứ không phân biệt gì: “Người sẽ ban vinh quang, danh dự
và bình an cho tất cả những ai làm điều thiện, trước là người Do Thái, sau là
người Hy Lạp, vì Thiên Chúa không thiên vị ai” (Rm 2,10-11).
Căn cứ vào ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, công đồng
Vaticanô II dạy rằng: “Nếu biết thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động
của ơn thánh, biết cố gắng chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong hành động của mình
theo sự hướng dẫn của tiếng lương tâm, thì cả những kẻ không biết đến Phúc âm
của Đức Kitô và Giáo hội Người, nhưng lại không do lỗi mình, cũng có thể được
cứu rỗi” (LG 16). Sự chu toàn thánh ý Thiên Chúa, được nói ở đây, có nghĩa là
làm điều thiện và tránh điều ác, là gắn bó với sự thật, là hoà hợp giữa niềm
tin và cuộc sống, là tuân theo lương tâm ngay thẳng.
Nơi khác, công đồng dạy: “Giáo hội Công giáo không hề phủ
nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo. Với lòng kính trọng
chân thành, Giáo hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những
huấn giới và giáo thuyết kia, tuy có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo hội
duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của chân lý, chân lý chiếu soi hết
mọi người” (NA 2).
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô, trong thông điệp Redemtoris
Missio, đề cập đến sự hiện diện phổ quát của Chúa Thánh Thần: “không phải chỉ ở
trong những người thiện chí với tư cách cá nhân, mà còn ở trong xã hội và lịch
sử, trong các dân tộc, các nền văn hóa, các tôn giáo – và tất cả điều đó luôn
qui chiếu về Đức Kitô” (số 82).
Như thế, Thần Khí cũng có thể hoạt động ngoài các bí tích,
và cả bên ngoài Giáo hội nữa. Và Thần Khí cũng có thể dùng những tôn giáo khác
nhau làm khí cụ cứu rỗi cho tín đồ của mình trong mức độ chỉ một mình Ngài
biết.
4. Vai trò của các tôn giáo trong chương trình
cứu độ
Các tôn giáo có phải là những trung gian cứu độ cho các tín
đồ của mình không? Các nhà thần học không nhất trí với nhau, và lập trường của
họ có thể phân chia thành hai nhóm.
Nhóm thứ nhất, đại diện là Jean Daniélou và Henri de Lubac,
chủ trương các tôn giáo chỉ là những hình thái biểu lộ việc con người đi tìm
chính lộ. Nói cách khác, các tôn giáo không phải là dụng cụ cứu rỗi do Chúa
thiết lập, mà chỉ là sản phẩm phát sinh từ tâm tình đạo giáo của con người.
Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho tín đồ các tôn giáo, nhưng không qua trung gian
các tôn giáo. Giá như các tôn giáo có vai trò gì trong chương trình cứu rỗi,
thì vai trò đó chấm dứt khi Đức Kitô hoàn tất việc cứu rỗi.
Nhóm thứ hai, đại diện là Karl Rahner và Ramond Pannikkar,
cho rằng các tôn giáo nằm trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Giáo lý và lễ
nghi của các tôn giáo có thể ví như là những phương tiện Thiên Chúa dùng để ban
ơn cứu rỗi cho các tín đồ. Các tôn giáo là những lối diễn tả có tính cách xã
hội của con người với Thiên Chúa, nên có khả năng giúp tín đồ của họ tiếp nhận
ân sủng. Như thế, mặc dù chúng còn chứa đựng những yếu tố bất toàn, nhưng các
tôn giáo có thể có một giá trị cứu độ.
5. Kết luận
Trong chương trình của Thiên Chúa, bất cứ ai cũng có thể
được cứu độ. Các tôn giáo có thể dẫn đưa con người đón nhận các phương thức cứu
độ phù hợp với ý định của Thiên Chúa.
Vì thế, cần phải tránh thái độ quá khích, hay coi rẻ các
tôn giáo khác. Trái lại, cần phải nhận định và đánh giá cho đúng những gì là
chân thực, thánh thiện tiềm ẩn nơi các tôn giáo, cũng như phải nhận ra những
dấu chỉ hoạt động của Chúa Thánh Thần, đang gieo rắc vô vàn mầm mống chân,
thiện, mỹ nơi các tôn giáo.
Do đó, công cuộc truyền giáo không đồng nghĩa với việc
chiêu mộ tín đồ, nhưng là nhằm làm triển nở các mầm
mống đó tới mức sung mãn. Truyền giáo là làm cho các các tín đồ khác vượt qua
chính mình, vượt qua các nền văn hóa và tôn giáo, để vươn lên tới Đấng Tuyệt
Đối.
Lời nhận định sau đây của Benneth L. Woodward cũng đáng cho
chúng ta tâm niệm: “Mẹ Teresa Calcutta, tuy là nữ tu thừa sai của Chúa Kitô, mẹ
nhấn mạnh rằng Thiên Chúa muốn người Ấn giáo phải là một tín đồ Ấn giáo đạo
hạnh, người Hồi giáo phải là một tín đồ Hồi giáo tốt lành, người Phật giáo phải
là một phật tử hiền hòa”.
Đó phải là tinh thần của chúng ta khi sống trong một xã hội
đa tôn giáo.
Chú thích
1. Xem Điển ngữ Thần học Thánh kinh, mục từ cứu
rỗi trang 399.
2. P. Nguyễn Thái Hợp, OP, Đường vào thần học
về các tôn giáo, Dấn thân – Houston 2004, trang 106.
3. Tham khảo Peter Neuner, Giáo hội học qua các
tác giả, trang 124-125
4. Piô IX, diễn từ Singulari Quadam ngày
9-12-1854.