Tài Liệu Chúa Nhật Giáo Lý

Dạy Giáo Lý và Việc Công Bố Lời Chúa:

Một Suy Tư Thần Học

 

Trong lịch sử, sự tham gia của giáo dân Công Giáo vào việc học Thánh Kinh, trừ một vài trường hợp ngoại lệ, thường thì thận trọng và bất thường. Trong khi nhiều giáo sỹ và giáo dân đồng ý rằng cơn đói “nghe Lời Chúa”, được ngôn sứ Amos công bố, đang đổ trên chúng ta (8:11), thì ít người có thì giờ hay được huấn luyện để theo đuổi khoa Thánh Kinh. Đương nhiên là có các lớp học cấp văn bằng hay không cấp văn bằng, hoặc những chương trình giáo dục dựa trên Thánh Kinh từ những nhóm học hỏi Thánh Kinh hay những trang web. Hằng năm có những sách chú giải mới xuất hiện, đặc biệt nhằm đến những độc giả giáo dân. Chưa bao giờ mà những tài liệu Giáo Lý lại phong phú về Thánh Kinh như thế. Tuy vậy, đám dân chúng ngồi dưới những hàng ghế nhà thờ vẫn còn đói khát không phải “lương thực hay hư nát nhưng lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6:27). Như một bà mẹ trẻ phát biểu, “Tôi không muốn ghi danh học chương trình cao học, mà tôi chỉ muốn có thể đọc Thánh Kinh.”

Sự thất vọng của bà mẹ trẻ này cũng phản ảnh mối quan tâm mà ĐTC Bênêđictô XVI đã đưa ra tại Thượng Hội Đồng Giám Mục vừa qua: “Tuyệt đối cần phải khắc phụ sự nhị phân giữa khoa chú giải Thánh Kinh và Thần Học” (Tháng 8/2008). Nói tóm lại, điều chúng ta phải làm là lấy Thánh Kinh ra khỏi thư viện và đem vào phòng khách, là nơi mà gia đình tề tựu. Các công tác mà phép so sánh này đề ra phải được hướng dẫn bằng ba nguyên tắc làm việc:

Nguyên tắc thứ nhất là xem xét vai trò của những phương pháp văn chương và lịch sử trong việc giải thích Thánh Kinh.  Thánh Kinh là Lời của Thiên Chúa được diễn tả bằng những ngôn từ của loài người. Công Đồng Vaticanô II đưa ra tính cách nhập thể này của Thánh Kinh trong Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải (Dei Verbum): “Quả thật những lời của Thiên Chúa được diển tả bằng những ngôn từ của loài người, trong mọi cách giống như ngôn ngữ loài người, cũng như Lời của Chúa Cha Hằng Hữu, khi tự mình mặc lấy sự yếu đuối của bản tính loài người, đã trở nên giống người ta” (số 13). Bởi vì Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa được nhập thể trong ngôn ngữ loài người, những phương pháp phân tích lịch sử và văn chương là điều “không thể thiếu được” trong việc cắt nghĩa Thánh Kinh (x. UBGHTK, Giải Thích Thánh Kinh theo Hội Thánh).

Nguyên tắc thứ nhì để phổ biến Thánh Kinh cho giáo dân là giúp cho các gia đình quý trọng vai trò của Thánh Kinh trong Hội Thánh, đặc biệt là trong Phụng Vụ. Thánh Kinh là cuốn sách của Hội Thánh, là tập “ảnh gia đình” của cộng đồng đức tin. Nghĩa là, như ông Michael Gorman nói, “rằng dù Thánh Kinh đã không được viết để gửi cho chúng ta, nhưng được viết cho chúng ta” – nói cách khác, Thánh Kinh được viết “cho tất cả Dân Thiên Chúa trong mọi thời đại và ở mọi nơi.” (Elements of Biblical Exegesis [Peabody, MA, Hendrickson, 2009], 150). Hơn nữa, bởi vì Thánh Kinh là cuốn sách của Hội Thánh, khung cảnh tốt nhất để giải thích Thánh Kinh là trong các buổi tụ họp Phụng Vụ, là nơi mà công đồng đức tin tụ họp lại như một gia đình để được Lời Chúa và Bí Tích nuôi dưỡng.

Hai nguyên tắc nói lên một sự giằng co không thể tránh được mà mọi Kitô hữu tìm cách giải thích Thánh Kinh đều phải chạm trán. Một đàng, việc giải thích Thánh Kinh đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, cả về lịch sử lẫn văn tự; đàng khác, Thánh Kinh thuộc về tất cả mọi phần tử đã được rửa tội trong Hội Thánh, dù có khả năng chú giải hay không. Đây là sự giằng co mà bài góp ý của ĐTC ở Thượng Hội Đồng Giám Mục đã cố gắng phục hồi. Sự giằng co này cần thiết và phải được duy trì. Đó là công trình của Chúa Thánh Thần.

Hoạt động của Chúa Thánh Thần là nguyên tắc làm việc thứ ba.  Một đàng, Chúa Thánh Thần là Đấng thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa" (1 Cor 2:10) hướng dẫn những nghiên cứu về Thánh Kinh. Đằng khác, cũng một Chúa Thánh Thần đến giúp đỡ những người đói khát Lời Chúa. Sự đói khát của họ được diễn tả bằng “những tiếng rên siết khôn tả” của Thần Khí là Đấng bầu cử cho chúng ta “theo Thánh Ý Thiên Chúa” (Rom 8:26-27).

Việc rao giảng Lời Chúa cách hiệu quả trong việc dạy Giáo Lý tùy thuộc vào cả ba nguyên tắc làm việc này, và việc lệ thuộc vào Thánh Thần cũng như trung thành cách có sáng kiến với sự giằng co giữa Thánh Kinh của học giả và Thánh Kinh của Hội Thánh.

Từ “Dạy Giáo Lý” được bắt nguồn từ một từ Hy Lạp ít khi được gặp trong Tân Ước và không bao giờ có trong Bản Bảy Mươi, bản Hy Lạp của Cựu Ước, được Hội Thánh thời sơ khai sử dụng cách rộng rãi. Động từ “dạy Giáo Lý” được tìm thấy trong các Thư của Thánh Phaolô và Sách Tông Đồ Công Vụ của Thánh Luca.  Đối với Thánh Phaolô, từ  này được coi là từ chuyên môn dành cho việc giáo huấn dựa vào Tin Mừng.  Trong TĐCV 18:24-25, từ này được dùng để nói về ông Appolô, “thông thạo Kinh Thánh. Ông đã được học Đạo Chúa [được học Giáo Lý]; với tâm hồn nồng nhiệt, ông thường lên tiếng giảng dạy chính xác những điều liên quan đến Đức Giêsu.” Rõ ràng là học giả Thánh Kinh này đã cùng Thánh Phaolô dạy Giáo Lý cho dân Côrinthô, như Thánh Phaolô đã cho chúng ta biết khi ngài viết: “Tôi đã trồng, Appolô đã tưới, và Thiên Chúa làm cho lớn lên” (1 Cor 3:6). Tuy nhiên, ngoài hai đoạn Thánh Kinh trên thì người ta biết rất ít về việc mục vụ của ông Appôlô hoặc ông ấy sử dụng Lời Chúa thế nào trong việc dạy Giáo Lý. Về phần Thánh Phaolô, một Giáo Lý viên nhiệt thành, các học giả hầu như chỉ biết mỗi ngày một đánh giá cao sự mạnh dạn trong việc giải thích của ngài. Nhưng sự táo bạo của Thánh Phaolô chỉ làm lộ ra sự hèn nhát của chúng ta trong liên quan đến bản văn Thánh Kinh. Có thể khi dùng Lời Chúa trong việc dạy Giáo Lý, ông Môsê, “con người hiền lành nhất trên mặt đất” (Ds 12:3), giúp chúng ta hiểu dễ hơn. Hãy chú ý đến những câu mà Thánh Kinh nói về việc ông Môsê nói với “toàn thể dân Israel”:

“Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em. Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh em phải nói: ‘Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành?’ Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh em phải nói: ‘Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành?’ Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành.” (Đnl 30:11-14).

Trong những dòng này, ông Môsê bảo đảm với dân Israel rằng Lời Chúa ở trong tầm tay của họ. Họ chỉ cần “đem ra thực hành” những gì “đã ở ngay trong miệng và trong lòng họ.” Điều ấy có thật đơn giản như thế không?

Các Giáo Phụ là những vị mà công trình chú giải Thánh Kinh đã bị nghành nghiên cứu Thánh Kinh hiện đại không mấy lưu tâm đến, xem ra cũng nghĩ như thế. Các ngài tiếp cận Thánh Kinh không như những nhà chuyên môn, nhưng như những Giáo Lý viên và những chuyên viên về nghi lễ, là những người tin tưởng rằng “Lời Chúa thì sống động và linh nghiệm” (Dt 4:12). Đối với các ngài cuốn sách Thánh Kinh đã không bao giờ rời phòng khách. Các Giáo Phụ không phải không biết về sự cần thiết của những nghiên cứu có tính cách phân tích. Các ngài nhận ra tầm quan trọng của nghĩa văn tự của Thánh Kinh, nhưng các ngài cũng ý thức rằng Lời Hằng Sống có nhiều ý nghĩa. Đối với các ngài, sự giằng co giữa việc chú giải Thánh Kinh và thần học không phải là chỉ được giải quyết mà còn được phân giải như ánh sáng chiếu qua một lăng kính. Cách đọc các bản văn Thánh Kinh của các ngài không những uyên bác mà còn giàu tưởng tượng.

Trong khi đọc Lời Chúa, người Công Giáo nói chung, đặc biệt là các Giáo Lý viên nói riêng, sẽ hiểu rõ hơn khi tái khám phá ra những sự khôn ngoan của các Giáo Phụ, cũng như chứng từ của Thân Mẫu của Chúa. Vì trong việc chú giải Thánh Kinh, cũng như trong toàn thể đời sống Kitô hữu, Đức Mẹ Maria là mẫu gương và là Đấng chỉ dạy chúng ta. Câu truyện Truyền Tin trong Tin Mừng Thánh Luca đưa chúng ta đến trọng tâm của việc đọc Thánh Kinh. Lời mà Mẹ đón vào cuộc đời Mẹ qua tiếng “xin vâng” không những chỉ thành nhục thể trong lòng Mẹ, mà còn hình thành trong đời sống Mẹ. Và vì thế Mẹ trở thành một Kitô hữu môn đệ đầu tiên. Nhưng còn hơn thê nữa. Trong câu chuyện Thăm Viếng, Người Kitô hữu môn đệ đầu tiên này đã trở thành người Kitô hữu truyền giáo đầu tiên, đã vội vã ra đi chia sẻ - không phải tin mừng của Mẹ mà Tin Mừng của Thiên Chúa - với người chị em họ mình là bà Elidabeth. Còn bà Elidabeth thì đã công bố rằng Đức Maria đã được chúc phúc bội phần vì đặc ân riêng của Mẹ là được làm Mẹ Chúa (Lc 1:42-43), nhưng hơn nữa vì đức tin của Mẹ vào Lời mà Chúa của Mẹ đã phán hứa (1:45).

Khi Đức Mẹ Maria đáp lại lời chào mừng của bà Elidabeth bằng bài Thánh Thi mà chúng ta biết là bài Magnificat, Mẹ đã chứng tỏ rằng Mẹ không những chỉ là người Kitô hữu môn đệ và nhà truyền giáo đầu tiên, mà cũng là người Kitô hữu Giáo Lý viên đầu tiên. Kinh Magnificat là một bài Giáo Lý gương mẫu. Trước hết vì dựa vào Thánh Kinh. Kinh này vọng lại thánh thi của bà Hannah (1  Sm 2:1-10), và cũng gợi lên câu truyện Xuất Hành trong việc công bố “những kỳ công mới” mà Đấng Toàn Năng đã làm, trong Mẹ và qua Con Mẹ, để cứu độ Dân Thiên Chúa. Kinh Magnificat là một bài ca chúc tụng, một kinh nguyện và một lời rao giảng. Kinh ấy cũng là một lời kêu cứu đầy tin tưởng cho công lý dành cho những người yếu thế, những người ghèo khó, chúc tụng Thiên Chúa vì đã nâng người hèn mọn lên và cho những người đói khó được dư đầy phúc lộc (1:52-53). Sau cùng, toàn thể bài Thánh Thi chứa đầy niềm hy vọng vui mừng khi nhìn đến tương lai cánh chung.

Đức Mẹ Maria ôm ấp Lời Chúa, không phải là không thắc mắc hay không đắn đo. Thánh Luca nói đến việc Mẹ suy nghĩ, không chỉ một lần, mà suy đi nghĩ lại, mặc khải được tỏ bày đã thay đổi cuộc đời Mẹ (Lc 2:19, 51). Thánh Luca cũng viết về việc Mẹ xuất hiện với gia đình Mẹ ở ngoài vòng một đám đông đang lắng nghe Chúa Giêsu (Lc 8:19-21). Khi ấy, Người đang dùng dụ ngôn mà giảng dạy, và vừa so sánh những ai nghe Lời Chúa, “ấp ủ Lời ấy bằng một tâm hồn quảng đại và tốt lành” với “những hạt giống rơi vào đất tốt” (8:15). Rồi khi biết rằng Mẹ Người đang ở trong đám đông, Người đã công bố, “Mẹ Tôi và anh em Tôi là những ai nghe và thực thi Lời Thiên Chúa” (8:21). Chớ gì chúng ta học từ Mẹ Maria để Chúa cũng nói về chúng ta như thế.

 

----------------------------------------

Phiên dịch từ tài liêu “Catechesis and Proclaimation of the Word: A Theological Reflection” của HĐGMHK, Ngày Chúa Nhật Giáo Lý 2009.

 

Phaolô Phạm Xuân Khôi

 


Tủ Sách Giáo Lý