Tài Liệu Chúa Nhật Giáo Lý 2009

Lex Orandi, Lex Credendi

Luật Cầu Nguyện là Luật Đức Tin:

Lời Chúa trong việc Cử Hành các Bí Tích

 

Lời dịch giả: Hội Thánh luôn khẳng định rằng “Bí Tích Thánh Thể là trung tâm và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu” bởi vì trong Bí Tích Thánh Thể người tín hữu được nuôi dưỡng bằng hai bàn tiệc: Bàn Tiệc Lời Chúa và Bàn Tiệc Thánh Thể. Lời Chúa dạy chúng ta phải sống thế nào để mỗi ngày một trở nên giống Đức Kitô hơn. Thánh Thể nuôi dưỡng chúng ta và ban sức mạnh để chúng ta sống những điều Chúa dạy. Tóm lại Bí Tích Thánh Thể đem chúng ta đến gặp gỡ Đức Kitô để được Người ban Lời Hằng Sống và Bánh Trường Sinh. Muốn cho các tín hữu nhận thức được tầm quan trọng của các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể, trong đời sống, thì chính những người có bổn phận dạy Giáo Lý cũng phải ý thức điều này và đem ra thực hành trong đời sống của mình, đặc biệt là trong việc cử hành Phụng Vụ.  

 

 

Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời.

          Ngôi Lời ở cùng Thiên Chúa,

          và Ngôi Lời là Thiên Chúa.

Người vẫn ở cùng Thiên Chúa ngay từ đầu.

Ngôi Lời đã trở thành người phàm

và ở giữa chúng ta.

Chúng tôi đã thấy vinh quang của Người,

như vinh quang của Con Một Chúa Cha,

Ðầy ân sủng và chân lý.

(Ga 1:1-2, 14)

 

Phần mở đầu của Tin Mừng Thánh Gioan nói lên thật chính xác thần học về Nhập Thể: Chúa Giêsu làm một với Đức Chúa Cha từ nguyên thủy (là Thiên Chúa thật), và Người đã trở thành người phàm và đã sống như một người trong chúng ta (người thật). Kinh Tiền Tụng Lễ Giáng Sinh cũng xác nhận rõ ràng về mầu nhiệm Nhập Thể: Vì nhờ mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, một luồng sáng mới từ vinh quang Chúa chiếu rọi vào tâm trí chúng con, để khi nhận biết Thiên Chúa xuất hiện hữu hình, và nhờ Người lôi cuốn, mà chúng con yêu mến Ðấng vô hình” (Sách Lễ Rôma). Khi Hội Thánh gặp gỡ Đức Kitô trong việc cử hành các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể, một “cuộc nhập thể” xảy ra; “một Lời” làm “người”. Và khi một lời đặc biệt được nói lên, thì một bình diện của Đức Tin được xác nhận trong vật thể và hình dạng. Đó là bản chất của Phụng Vụ Hội Thánh, mà trong đó các tín hữu gặp gỡ Đức Kitô trong những dấu chỉ bí tích; những sự diễn tả hữu hình hay “sự nhập thể” của sự hiện diện của Đức Kitô. Bài này tìm hiểu vai trò của Lời Chúa trong đời sống Phụng Vụ của Hội Thánh, chú trọng đặc biệt đến hai bình diện: việc công bố và làm chứng cho Đức Tin trong phạm vi Phụng Vụ, và việc sử dụng Thánh Kinh trong việc cử hành Phụng Vụ.

 

Lex orandi, lex credendi đã trở thành một loại giáo điều của thần học phụng vụ, nhất là trong những năm sau Công Đồng Vaticanô II. Dịch theo nghĩa đen, câu này có nghĩa là “Luật cầu nguyện là Luật Đức Tin”. Châm ngôn này phỏng theo những lời của Thánh Prosper thành Aquitaine, một tác giả đương thời với Thánh Augustinô. Câu gốc là, ut legem credendi lex statuat supplicandi (rằng luật cầu nguyện thiết lập luật Đức Tin), nhấn mạnh đến sự hiểu biết rằng giáo huấn của Hội Thánh (lex credendi) được công bố và bày tỏ rõ ràng trong việc cử hành Phụng Vụ và cầu nguyện (lex orandi). Chúng ta hiểu điều này có nghĩa là cầu nguyện và phụng tự là cách bày tỏ Đức Tin đầu tiên. Phụng vụ làm cho người ta tham dự vào Đức Tin bằng một cách mà việc chỉ nghĩ về Thiên Chúa hay học về Đức Tin không thể tự nhiên thực hiện được. Nói cách khác, trong các tác động phụng tự, các tín hữu gia nhập cuộc đàm đạo với Thiên Chúa và tham gia vào một liên hệ linh hoạt và cá nhân với Đức Chúa Giêsu Kitô, đồng thời từng phần tử của cộng đồng trong Phụng Vụ liên kết với nhau như những phần tử của Nhiệm Thể Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần, trong khi họ cùng nhau mong đợi niềm hy vọng ơn Cứu Độ mà Thiên Chúa đã hứa trong Nước Trời. Thần học, Kitô học, Giáo hội học, Thần Khí học và Cánh chung học tất cả đều được diễn tả trong lời nói và việc làm, dấu chỉ và biểu tượng, trong các cử chỉ Phụng Vụ.

 

Việc rao giảng Lời Chúa đầu tiên của các Tông Đồ, kerygma, được hiểu ngầm là xảy ra cách đặc biệt trong Phụng Vụ, trong việc cử hành Thánh Lễ. Thánh Phaolô diễn tả chức năng này của Phụng Vụ: “Vì mỗi lần anh em ăn Bánh và uống Chén này là anh em loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới ngày Chúa đến” (1 Cor 11:26). Ngay cả ngày nay, Hội Thánh vẫn hiểu sự liên quan mật thiết giữa Phụng Vụ và Đức Tin. Trong Chỉ Nam Quốc Gia về Dạy Giáo Lý (National Directory for Catechesis - NDC), Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (HĐGMHK) nói rằng: “Đức Tin và phụng tự liên quan mật thiết với nhau như trong thời Hội Thánh Sơ Khai: Đức Tin tập họp cộng đồng lại để thờ phượng, và việc thờ phượng canh tân Đức Tin của cộng đồng” (NDC, số 32).

 

Giáo Lý dự tòng được phục hồi trong Nghi Thức Khai Tâm Kitô Giáo cho Người Trưởng Thành (RCIA) trù liệu một giáo huấn mà “trong đó việc trình bày toàn thể giáo huấn Công Giáo cũng làm sáng tỏ Đức Tin, cùng hướng tâm hồn người ta về Thiên Chúa, bồi dưỡng việc tham gia Phụng Vụ, gợi hứng cho hoạt động tông đồ, và nuôi dưỡng một đời sống hoàn toàn theo tinh thần của Đức Kitô” (số 78). Như thế mục đích của giai đoạn dự tòng là quảng bá sự hiểu biết rằng Phụng Vụ và Bí Tích không những chỉ dạy Giáo Lý trong việc công bố Lời Chúa và bài giảng, mà còn cả trong việc cử hành các nghi thức. Nghi Thức Khai Tâm phục hồi một phong tục cổ kính dành cho việc dạy Giáo Lý về các Bí Tích, mà nhiều nơi trong Hội Thánh ngày nay hầu như không biết đến. Nếu chúng ta làm theo truyền thống cổ truyền, thì việc dạy Giáo Lý về các Bí Tích không những chỉ được cung cấp trong giai đoạn dự tòng mà còn cả trong giai đoạn ngay sau khi họ đã lãnh nhận các Bí Tích gọi là “Giáo Lý Nhiệm Hiệp” (Mystagogical Catechesis), là Giáo Lý mở ra “những mầu nhiệm” mà họ đã cử hành. Chương Trình Khai Tâm giải thích rằng trong giai đoạn học Giáo Lý Nhiệm Hiệp, những người tân tòng được “dẫn vào một sự hiểu biết đầy đủ và có hiệu quả hơn về những mầu nhiệm mà họ đã học qua sứ điệp Tin Mừng và trên hết qua kinh nghiệm của họ về những Bí Tích mà họ đã lãnh nhận” (số 245). Tiến trình này nhấn mạnh đến chính những mầu nhiệm là nguồn gốc của việc rao giảng và giáo huấn về Đức Tin. 

 

Thánh Cyrillô thành Giêrusalem, Giám Mục Giêrusalem vào thế kỷ thứ tư, đã viết và ban hành những bài Giáo Lý dài xoay quanh các Bí Tích Khai Tâm. Một số bài được đưa cho các ứng viên Rửa Tội trong những tuần lễ trước ngày Rửa Tội, một số bài khác được trao cho họ sau khi đã Rửa Tội. Trước khi Rửa Tội, các bài của ngài đặt trọng tâm vào Kinh Tin Kính. Các bài Giáo Lý hậu Rửa Tội, Giáo Lý Nhiệm Hiệp của Thánh Cyrillô, dạy họ về bản chất của chính các Bí Tích. Mở đầu bài thứ nhất của các bài ấy, Thánh Cyrillô viết:

 

“Các con cái quý yêu thật sự được sinh ra của Hội Thánh. Từ lâu cha vẫn ước ao nói với các con về những Mầu Nhiệm thuộc về tinh thần và Thiên Quốc; nhưng vì biết rõ rằng, được thấy thì dễ thuyết phục hơn là được nghe, nên cha đã đợi đến mùa này; rằng thấy các con mở lòng ra hơn để đón những ảnh hưởng của lời cha vì các con kinh nghiệm điều này, cha phải dẫn các con đến đồng cỏ sáng lạn và thơm tho hơn của thiên đàng hiện tại; đặc biệt là như các con đã được trở nên xứng đáng hơn để lãnh nhận những Mầu Nhiệm thánh, đã được coi là xứng đáng với Bí Tích Rửa Tội ban sự sống của Thiên Chúa. Cho nên việc còn lại là dọn cho các con một bảng giáo huấn hoàn hảo hơn, vậy bây giờ hãy dạy các con chính xác về những điều này, để các con biết được ý nghĩa sâu xa hơn về những gì được làm trong buổi tối các con Rửa Tội” (Th. Cyrillô thành Giêrusalem, Giáo Lý Nhiệm Hiệp).

 

Điều mà Thánh Cyrillô chứng tỏ là giáo huấn về các Bí Tích có ích lợi từ bối cảnh là đã cử hành chúng. Ân sủng được Thiên Chúa ban từ các Bí Tích là điều soi sáng người ta; chỉ nói về các Bí Tích mà thôi thì chưa đủ. Mặc dù ngài giảng dạy cho những người trưởng thành vừa được Rửa Tội, phương pháp của Thánh Cyrillô có thể được áp dụng cho các Bí Tích Khai Tâm được cử hành với những người trẻ (trẻ em trong tuổi học Giáo Lý và các thanh thiếu niên) và rộng ra là việc đào luyện các tín hữu cũng như Giáo Lý viên cách trương kỳ. ĐTC Bênêđictô XVI, trong Tông Huấn Sacramentum Caritatis đã giải thích tường tận về liên hệ giữa các Bí Tích và sự hiểu biết của chúng ta về Đức Tin:

 

Đức tin của Hội Thánh tự bản chất là Đức Tin vào Thánh Thể và được nuôi dưỡng cách đặc biệt nơi Bàn Tiệc Thánh Thể. Đức tin và các Bí Tích là hai bình diện bổ túc cho nhau của đời sống Hội Thánh. Được đánh thức bằng việc công bố Lời Chúa, Đức Tin được nuôi dưỡng và lớn lên nhờ cuộc gặp gỡ đầy ân sủng với Chúa Phục Sinh, là cuộc gặp gỡ xảy ra trong các Bí Tích. “Đức Tin được diễn tả trong nghi lễ và nghi lễ củng cố cùng làm cho Đức Tin được thêm vững mạnh” (số 6).

 

Cộng với chính các nghi lễ (lex orandi), là điều thông truyền những gì Hội Thánh tin (lex credendi), Phụng Vụ cũng sử dụng rất nhiều Lời Chúa trong Thánh Kinh. Mỗi nghi thức Phụng Vụ (kể cả việc cử hành Thánh Lễ và các Bí Tích khác, Phụng Vụ Giờ Kinh, và những nghi lễ khác trong Nghi Thức Rôma – Rituale Romanum)  bao gồm việc công bố một hay nhiều bài đọc trong Thánh Kinh, đặc biệt là những bài đọc trích từ các sách Tin Mừng. Chính những bản văn Phụng Vụ - các lời cầu nguyện, khuyến dụ và các lời chúc tụng - đều cũng được rút ra từ Thánh Kinh: các hình ảnh đặc biệt, các lời nói, và những lời diễn tả thường được trích ra trực tiếp từ các bản văn Thánh Kinh. Sách Thánh Vịnh, “sách kinh nguyện” đầu tiên của Hội Thánh, luôn luôn là nguồn mạch của ngôn ngữ cầu nguyện trong Phụng Vụ. Tuy nhiên mối tương quan giữa Phụng Vụ và Lời Chúa được viết trên văn tự không ngừng lại ở đây. Có bằng chứng là chính một số bản văn trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước chịu ảnh hưởng bởi việc phụng tự theo Phụng Vụ. Thí dụ, trong Cựu Ước, câu chuyện về Lễ Vượt Qua đầu tiên trong sách Xuất Hành được truyền lại trước tiên qua truyền thống trong việc cử hành nghi lễ Vượt Qua trước khi được viết thành văn. Trong Tân Ước, các Thư của Thánh Phaolô chứa đựng những lời diễn tả có lẽ đã được dùng trong kinh nguyên Phụng Vụ, như tường thuật về Thánh Thể trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrinthô (11:23-26), và những bài thánh thi chúc tụng thời sơ khai như Thánh Thi về Kitô học trong Thư gửi tín hữu Phlipphê (2:6-11).

 

Trong số nhiều thay đổi mà việc canh tân Phụng Vụ của Công Đồng Vaticanô II đem lại là việc mở rộng vai trò của Thánh Kinh trong Phụng Vụ. Hiến Chương về Phụng Vụ Thánh, Sacrosanctum Concilium (SC), ghi nhận cách đặc biệt chỗ đứng của Thánh Kinh trong Phụng Vụ:

 

“Thánh Kinh giữ vai trò tối quan trọng trong việc cử hành Phụng Vụ. Thực vậy, người ta trích từ Thánh Kinh những bài để đọc, và để giải thích trong các bài giảng, cùng những Thánh Vịnh để hát. Chính từ Thánh Kinh mà những lời kinh, lời cầu nguyện, và các bài Thánh Ca rút ra được nguồn cảm hứng cùng sức mạnh, và các động tác và các biểu hiệu trở thành có ý nghĩa. Vì vậy, để đạt được việc canh tân, phát triển và thích ứng Phụng Vụ, cần phải phát huy lòng mộ mến Thánh Kinh nồng nhiệt và sống động, đã được truyền thống khả kính của các nghi lễ Ðông phương và Tây phương minh chứng” (SC, Số 24).

 

Hiến Chương Phụng Vụ Thánh  sau đó đưa ra mục tiêu của việc hình thành Sách Bài Đọc cho Thánh Lễ: “Phải mở rộng kho tàng Thánh Kinh ra hơn nữa để bàn tiệc lời Chúa được bày dọn cách phong phú hơn cho các tín hữu. Nhờ thế, một phần tiêu biểu hơn của Thánh Kinh sẽ được đọc cho dân chúng trong khoảng một số năm ấn định” (SC, số 51). Kết quả là quyết định mở rộng chu kỳ của các bài đọc Thánh Kinh ngày Chúa Nhật từ một năm ra thành ba năm, cũng như việc thêm vào đó các bài đọc từ Cựu Ước, để rồi giờ đây có ba bài đọc Thánh Kinh (cộng thêm Bài Đáp Ca bằng Thánh Vịnh) trong Thánh Lễ Chúa Nhật và các Lễ Trọng.

 

Phần lớn Phụng Vụ Lời Chúa trong việc cử hành Thánh Thể (Thánh Lễ) là việc công bố các bài đọc Thánh Kinh. Bài giảng đi theo sau các bài đọc dùng để mở Thánh Kinh ra và liên kết bài đọc với đời sống củ các Tín Hữu. Bài giảng được dùng để “nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu” (Chỉ Dẫn Chung và Sách Lễ Rôma [GIRM], số 65). Tuy nhiên, Phụng Vụ Lời Chúa không phải chỉ có việc công bố. Hội Thánh mời gọi các tín hữu đáp lại Lời Chúa trong tác động Phụng Vụ đi theo sau đó, khi họ “xác nhận việc tuân theo Lời Chúa bằng cách Tuyên Xưng Đức Tin. Cuối cùng, sau khi đã được Lời Chúa nuôi dưỡng, họ dâng lên những lời cầu xin trong Lời Nguyện Giáo Dân” (GIRM, số 55). Trong những tác động Phụng Vụ này, việc Chúa chữa lành con gái ông Giairô và người phụ nữ bị băng huyết được diễn lại - rằng “Lời” làm “người” – khi cộng đồng Phụng Vụ tuyên xưng Đức Tin và tìm Ơn Cứu Độ trong đó: “Đức Tin của con đã chữa con” (x. Mt 5:21-43; Mt 9:18-26; Lc 8:40-56).

 

Lex orandi, lex credendi diễn tả cách chính xác sự liên hệ giữa việc cử hành Phụng Vụ trong phụng tự và việc đào luyện (dạy Giáo Lý) các tín hữu. Một đàng, Phụng Vụ công bố Lời Chúa, không những chỉ bằng lời nhưng còn bằng dấu hiệu và biểu hiệu. Các tín hữu tuyên xưng Đức Tin của họ trong việc cử hành Phụng Vụ. Cho nên những người có nhiệm vụ dạy Giáo Lý có thể dùng kinh nghiệm cầu nguyện như là khởi điểm cho việc nhiệm hiệp, như Chỉ Nam Quốc Gia về Dạy Giáo Lý (NDC) giải thích: “[việc dạy Giáo Lý] phát sinh từ Phụng Vụ nếu nó giúp người ta thờ phượng Thiên Chúa và suy nghĩ về những cảm nghiệm của họ về những lời nói, dấu hiệu, nghi thức, và biểu hiệu được diễn tả trong Phụng Vụ; để phân biệt sự quan hệ đặc biệt của việc tham gia của họ trong Phụng Vụ; và để đáp lại lời mời gọi truyền giáo, để làm nhân chứng và để phục vụ” (NDC, số 33). Đàng khác, để cho Phụng Vụ trở thành nguồn mạch của việc đào luyện cách hiệu quả, các tín hữu phải được sửa soạn để gặp gỡ Đức Kitô trong các mầu nhiệm và đào sâu chính sự hiểu biết của họ về Đức Tin ấy. Việc dạy Giáo Lý phải chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này (x. NDC, só 33). Những người có nhiệm vụ dạy Giáo Lý không nên cố gắng giải thích quá chi tiết mọi sự để làm giảm hiệu năng của kinh nghiệm của các tín hữu đối với mầu nhiệm này. Việc chuẩn bị cho các Bí Tích phải giúp các tín hữu cảm nghiệm được ân sủng của những mầu nhiệm đang được cử hành. ĐTC Bênêđictô XVI gọi các Bí Tích, đặc biệt Bí Tích Thánh Thể, là “cuộc gặp gỡ Chúa Phục Sinh” (Sacramentum Caritatis, số 6). Như thế, việc chuẩn bị cho các Bí Tích phải sửa soạn các ứng viên để gặp gỡ Đức Kitô.

 

Việc cử hành chính các nghi thức phải được thực thi cách nào đó để giúp các tín hữu gặp Đức Kitô. Việc chúng ta chuẩn bị, diễn lại, và cử hành các nghi thức có thể góp phần vào việc giúp các tín hữu cảm nghiệm được sự linh thánh. Các Bí Tích không phải là những trò ma thuật, mà là những phương tiện giúp người ta cảm nghiệm.  Như ĐTC Bênêđictô XVI giải thích trong Sacramentum Caritatis, “‘Bài Giáo Lý hay nhất về Bí Tích Thánh Thể chính là Thánh Lễ, được cử hành cách chu đáo’. Tự bản chất, Phụng Vụ có thể có hiệu quả sư phạm trong việc giúp các tín hữu đi sâu hơn vào mầu nhiệm được cử hành. Đó là lý do tại sao truyền thống cổ truyền nhất của Hội Thánh, tiến trình đào luyện các Kitô hữu luôn luôn có đặc tính cảm nghiệm” (số 64). Công Đồng Vaticanô II gọi việc “tham dự cách trọn vẹn, có ý thức và linh hoạt” trên hết là sự tham dự nội tâm trong việc gặp gỡ mầu nhiệm được cử hành” (x. Sacramentum Caritatis, số 52). Việc đào luyện và chuẩn bị bằng cách học Giáo Lý phải giúp người ta tham dự cách nội tâm, ở tầm mức của tâm hồn và linh hồn.

 

Trong Hội Thánh thời sơ khai, chính việc cử hành Phụng Vụ và các kinh nguyện của Hội Thánh đã đưa đến việc phát huy những lời trình bày Đức tin cách mạch lạc - chứ không phải ngược lại. Theo sự phát triển ấy, thì rõ ràng là nếu các Bí Tích được cử hành cách chu đáo và được cảm nghiệm cách sâu xa có quyền năng soi sáng, giáo huấn, làm chứng cho những gì Hội Thánh tuyên xưng và tin khi chúng ta mừng Đức Kitô và quyền năng cứu độ của cái chết và sự Phục Sinh của Người trong đời sống mình. Những người chuẩn bị và cử hành Phụng Vụ, lex orandi, cũng như những người có nhiệm vụ dạy Giáo Lý, lex credendi, cần phải tin tưởng rằng các Bí Tích có thể và sẽ làm được như thế: rằng Lời Hằng Sống của Thiên Chúa sẽ làm cho các tín hữu được hứng khởi để sống một đời Kitô hữu chân chính, lex vivendi.

 

LM. Rick Hilgartner

Trong tài liệu về Chúa Nhật Giáo Lý 2009 của HDGMHK.

 

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ


Tủ Sách Giáo Lý