Bài Giáo Lý Thứ 36
của ĐTC Bênêđictô XVI về Cầu Nguyện:
Lời « Có » của Thiên Chúa và
«Amen» của Chúng Ta trong Cầu Nguyện
“Trong lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta được mời gọi để thưa
“vâng” với Thiên Chúa, và để trả lời bằng từ “amen” của việc gắn bó, của lòng
trung thành với Ngài bằng toàn thể cuộc sống chúng ta.”
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý thứ 36 về cầu nguyện của ĐTC
Bênêđictô XVI ban hành trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư ngày 30 tháng 5
năm 2012 tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC tiếp tục bàn về việc cầu
nguyện trong các Thư của Thánh Phaolô.
* * *
Anh chị em thân mến,
Trong bài giáo lý này, chúng ta suy niệm về cầu nguyện trong các
thư của Thánh Phaolô, và tìm cách nhìn đến việc cầu nguyện Kitô giáo như một
cuộc gặp gỡ cá nhân thực sự với Thiên Chúa Cha trong Đức Kitô nhờ Chúa Thánh
Thần. Hôm nay, trong buổi gặp gỡ này, lời “có” trung tín của Thiên Chúa và lời
“amen” đầy tin tưởng của các tín hữu đi vào cuộc đối thoại. Và tôi muốn nhấn mạnh
đến động lực này, bằng cách ngừng lại ở Thư Thứ Hai gửi tín hữu Côrinthô. Thánh
Phaolô gửi bức thư tha thiết này đến một giáo đoàn đã nhiều lần thách thức chức
vụ Tông Đồ của ngài, và ngài mở lòng ra với những người nhận thư để đảm bảo với
họ về lòng trung thành của ngài với Đức Kitô và Tin Mừng. Thư Thứ Hai gửi tín
hữu Côrinthô này bắt đầu bằng một trong những lời cầu nguyện chúc tụng đẹp nhất
của Tân Ước. Thư nói: “Chúc tụng Thiên
Chúa là Thân Phụ Đức Giê- su Ki- tô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ
bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an.” 4”Người
luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã
được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian
nan khốn khó”(2 Corinthians 1:3- 4).
Thánh Phaolô đã chịu nhiều gian khổ lớn lao, ngài đã trải qua rất
nhiều khó khăn và đau khổ nhưng không bao giờ đầu hàng sự chán nản, vì nhờ được
nuôi dưỡng bởi ân sủng và sự gần gũi của Chúa Giêsu Kitô, mà ngài đã trở thành
một tông đồ và nhân chứng của Người qua việc hiến trọn cuộc đời của ngài cho
Người. Chính vì lý do ấy mà Thánh Phaolô bắt đầu Thư này với một lời cầu nguyện
chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa, vì không có giây phút nào trong cuộc đời như là
một Tông Đồ của Đức Kitô, mà ngài cảm thấy sự nâng đỡ của Chúa Cha đầy lòng
thương xót, của Thiên Chúa đầy an ủi, bị suy giảm. Ngài đã phải chịu đau khô
khủng khiếp. Đó là những điều mà ngài đã nói trong Thư này, nhưng trong tất cả
những hoàn cảnh ấy, khi mà con đường tiến lên dường như không mở ra trước mặt
ngài, ngài đã nhận được sự an ủi và vỗ về từ Thiên Chúa. Để loan báo Đức Kitô,
ngài cũng bị ngược đãi và thậm chí còn bị giam cầm, nhưng ngài đã luôn cảm thấy
tự do trong tâm hồn, được sinh động hóa bởi sự hiện diện của Đức Kitô, và đầy
khát vọng rao giảng Tin Mừng hy vọng. Do đó, từ ngục tù, ngài đã viết cho
Timôthê, cộng tác viên trung thành của ngài. Trong khi bị xiềng xích, ngài
viết: “Nhưng lời Thiên Chúa không bị
xiềng xích. Cho nên cha chịu đựng mọi sự vì những người được tuyển chọn, để họ cũng
được hưởng ơn cứu độ trong Ðức Giêsu Kitô, cùng với vinh quang muôn đời.” (2 Timothy 2:9b- 10). Trong đau khổ vì Đức Kitô,
ngài đã cảm nghiệm sự an ủi của Thiên Chúa. Ngài viết: “Vì như sự khổ đau của Ðức Kitô đổ tràn trên chúng
ta thế nào, thì nhờ Ðức Kitô niềm an ủi của chúng ta cũng được tràn trề như
vậy” (2 Corinthians 1:5).
Trong lời cầu nguyện chúc tụng mở đầu Thư Thứ Hai gửi tín hữu
Côrinthô, bên cạnh chủ đề gian khổ, là chủ đề về sự an ủi vỗ về, điều không nên
hiểu chỉ là sự an ủi, nhưng cũng là một sự khuyến khích và khuyên nhủ đừng để
mình bị chinh phục bởi những gian khổ và khó khăn. Đây là một lời mời để sống
bất kỳ hoàn cảnh nào trong Đức Kitô, là Đấng gánh trên mình tất cả đau khổ và
tội lỗi của thế gian để mang lại ánh sáng, hy vọng và ơn cứu độ. Và như thế,
Chúa Giêsu ban chúng ta, đến lượt mình, cũng có khả năng an ủi những người đang
phải chịu bất kỳ sự đau khổ nào. Việc kết hợp sâu xa với Đức Kitô trong cầu
nguyện, tin tưởng vào sự hiện diện của Người, dẫn đến việc sẵn sàng chia sẻ những
đau khổ và ưu phiền của anh em mình. Thánh Phaolô đã viết: “Có ai yếu đuối mà tôi lại không yếu đuối chăng? Có
ai vấp phạm mà tôi lại không nóng lòng sao?” (2 Cr 11:29). Việc
chia sẻ những đau khổ của người khác không chỉ là kết quả của lòng nhân từ đơn
sơ hoặc sự rộng lượng của con người hoặc tinh thần vị tha, nhưng phát ra từ sự
an ủi của Chúa, từ sự nâng đỡ không hề lay chuyển của “quyền năng siêu việt” đến từ Thiên
Chúa “chứ không đến từ chúng ta”
(2 Cr 4: 7).
Anh chị em thân mến, cuộc sống và cuộc hành trình Kitô hữu của
chúng ta thường được đánh dấu bằng những khó khăn, hiểu lầm và đau khổ. Chúng
ta đều biết điều đó. Trong một mối liên hệ trung thành với Chúa qua việc cầu
nguyện liên tục hàng ngày, chúng ta cũng có thể cảm nhận được sự an ủi đến từ Thiên
Chúa một cách cụ thể. Điều này củng cố đức tin của chúng ta, bởi vì nó cho phép
chúng ta kinh nghiệm cụ thể câu trả lời “có” của Thiên Chúa đối với con người,
với chúng ta, với tôi, trong Đức Kitô. Điều đó làm cho chúng ta cảm thấy sự
trung tín của tình yêu Ngài trải rộng đến nỗi ban tặng Con Ngài trên thập giá.
Thánh Phaolô nói: “Vì Con Thiên Chúa, Ðức
Giêsu Kitô, là Ðấng mà chúng tôi, kể cả tôi, Silvanô, và Timôthê, rao giảng
giữa anh em, đã không vừa là “có” vừa là “không”, nhưng nơi Người luôn chỉ là
“có.” Vì mọi lời hứa của Thiên Chúa nơi Người đều là “có.” Vì thế trong Người
chúng ta thưa “Amen” cho vinh quang Thiên Chúa” (2 Corinthians 1:19- 20). Lời “có” của Thiên
Chúa không phải là “có” nửa chừng; không phải là lưng chừng giữa “có” và
“không”; nhưng là “có” đơn thuần và chắc chắn. Và chúng ta trả lời cho lời ‘có’
này với lời “có” hay “vâng” của chúng ta, bằng từ “Amen” của chúng ta và bằng
cách này chúng ta ở lại trong từ “có” của Thiên Chúa.
Đức tin không chủ yếu là một hành động của con người, mà là một món
quà nhưng không (hồng ân) của Thiên Chúa, được bắt nguồn từ lòng trung tín của
Ngài, trong từ “có” của Ngài, là điều làm cho chúng ta hiểu phải sống cuộc đời
mình bằng cách yêu mến Ngài và yêu thương anh chị em mình như thế nào. Toàn bộ
lịch sử cứu độ là một sự tự mặc khải cách tiệm tiến của lòng trung tín của
Thiên Chúa, bất chấp sự phản bội và chối từ của chúng ta, trong sự chắc rằng “hồng ân và ơn kêu gọi của Thiên Chúa không thể thu
hồi được” như Thánh Tông Đồ nói trong Thư Rôma (11:29).
Anh chị em thân mến, cách hành động của Thiên Chúa, rất khác với
cách hành động của chúng ta, ban cho chúng ta sự an ủi, sức mạnh và hy vọng,
bởi vì Thiên Chúa không thu hồi câu trả lời “có” của Ngài. Trước những va chạm
trong sự liên hệ con người, ngay cả vời những phần tử trong gia đình, chúng ta
có khuynh hướng không kiên trì trong tình yêu vô vị lợi, là điều đòi hỏi quyết
tâm và hy sinh. Trái lại, Thiên Chúa không bao giờ chán nản đối với chúng ta;
Ngài không bao giờ mệt mỏi vì kiên nhẫn đối với chúng ta, nhưng luôn luôn đi
trước chúng ta với lòng nhân từ của Ngài. Ngài đến gặp chúng ta trước. Tiếng
“có” của Ngài đáng cho chúng ta tin cậy một cách tuyệt đối. Trong biến cố Thập
Giá, Ngài cho chúng ta thấy mức độ của tình yêu Ngài, là tình yêu không tính toán
hoặc đo lường. Trong Thư gửi Titô, Thánh Phaolô nói “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng
nhân hậu và lòng yêu thương của Ngài đối với nhân loại” (Titus 3:4). Và để cho lời “có” được nhắc lại
mỗi ngày, Ngài “đã xức dầu cho chúng ta” và
“đã đóng dấu trên chúng ta cùng đổ Thần
Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” (2 Corinthians 1:21b- 22).
Thực ra, chính Chúa Thánh Thần là Đấng đã làm cho lời “có” của
Thiên Chúa, trong Đức Chúa Giêsu Kitô, liên tục hiện diện cùng sống động, và
chính Ngài tạo ra trong tâm hồn chúng ta ước muốn đi theo Người, để một ngày
nào đó được trọn vẹn bước vào tình yêu của Người, khi chúng tôi nhận được ở
trên trời một ngôi nhà, không phải do tay phàm nhân làm ra. Không có người nào
mà không được tình yêu chuung thủy này tìm kiếm và kêu gọi, một tình yêu có thể
đợi chờ, đợi chờ ngay cả những người tiếp tục trả lời bằng chữ “không” của chối
từ hoặc cứng lòng. Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta. Ngài không ngừng tìm kiếm
chúng ta và muốn đón nhận chúng ta vào sự hiệp thông với Ngài để ban cho mỗi
người trong chúng ta tất cả sự viên mãn của đời sống, niềm hy vọng và bình an.
Lời thưa “amen” của Hội Thánh, vang vọng trong mỗi hành động phụng
vụ, được ghép vào lời “có” của Thiên Chúa: “amen” là đáp trả của đức tin thường
được dung để kết thúc lời cầu nguyện cá nhân và cộng đồng của chúng ta, và diễn
tả lời thưa “xin vâng” (“có”) của chúng ta với sáng kiến của Thiên Chúa. Trong cầu nguyện, chúng ta
thường trả lời “amen” vì thói quen, mà không hiểu biết ý nghĩa sâu xa của nó.
Từ này xuất phát từ ‘aman’ trong tiếng Do Thái và tiếng Aram, có nghĩa là “làm
cho vững chắc”, “củng cố” và, do đó là “chắc chắn”, “nói sự thật.” Nếu chúng ta
nhìn vào Thánh Kinh, chúng ta thấy rằng từ “amen” này được công bố vào cuối các
Thánh Vịnh chúc tụng và ngợi khen, thí dụ, trong Thánh Vịnh 41: “Vì sự vô tội của con mà Chúa đỡ nâng con, và cho
con đứng vững trước mặt Chúa muôn đời. Chúc tụng Đức Giavê, Thiên Chúa Israel,
từ muôn đời và cho đến thiên thu. Amen, Amen!” (Các câu 13- 14).
Hoặc diễn tả sự gắn bó với Thiên Chúa, khi dân Israel trở về với đầy niềm vui
từ cuộc lưu đầy ở Babylon và thưa lời “xin vâng”, “amen” với Thiên Chúa và Lề
Luật của Ngài. Sách Nehemia nói rằng, sau cuộc trở về này, “Ông Edra mở sách ra trước mặt tất cả dân chúng, vì
ông đứng cao hơn dân chúng, nên khi ông mở sách ra, thì tất cả dân chúng đều
đứng lên. Khi ấy ông Edra chúc tụng Giavê, Thiên Chúa cao cả, và tất cả dân
chúng liền giơ tay lên, mà trả lời, ‘Amen, Amen!’” (Neh 8, 5- 6).
Cho nên, ngay từ thủa ban đầu, từ “amen” của phụng vụ Do Thái đã
trở thành từ “amen” của các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi. Và sách phụng vụ Kitô
giáo xuất là Sách Khải Huyền của Thánh Gioan bắt đầu với từ “amen” của Hội
Thánh: “Kính Ðấng đã yêu thương chúng ta
và rửa sạch tội lỗi chúng ta trong chính máu của Người, và đã làm cho chúng ta
trở nên một vương quốc và các tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người,
kính dâng Người vinh quang và chủ quyền đến muôn muôn đời. Amen!”
(Kh 1:5b- 6). Đây là chương đầu tiên của Sách Khải Huyền. Và cùng một cuốn sách
ấy kết thúc bằng lời khẩn cầu “Amen, Lạy
Chúa Giêsu xin ngự đến” (Kh 22:20).
Các bạn thân mến, cầu nguyện là một cuộc gặp gỡ với một Người sống,
với Đấng mà chúng ta phải lắng nghe và thân thưa; nó là một cuộc gặp gỡ với
Thiên Chúa là Đấng nhắc lại lòng trung tín không hề lay chuyển của Ngài, câu
trả lời “có” của Ngài ban cho chúng ta sự an ủi của Ngài giữa những giông tố
của cuộc đời và giúp chúng ta sống trong sự kết hợp với Ngài, một cuộc sống đầy
niềm vui và sự tốt lành, là những điều sẽ được thỏa mãn trong cuộc sống đời
đời.
Trong lời nguyện cầu của chúng ta, chúng ta được mời gọi để thưa
“vâng” với Thiên Chúa, và để trả lời bằng từ “amen” của việc gắn bó, của lòng
trung thành với Ngài bằng toàn thể cuộc sống chúng ta. Lòng trung thành này,
chúng ta sẽ không bao giờ có thể đạt được bằng sức riêng của mình; nó không chỉ
là hoa quả của quyết tâm hàng ngày của chúng ta; nó đến từ Thiên Chúa và được
thiết lập trên lời “xin vâng” của Đức Kitô, Đấng nói: “Lương thực của Tôi là làm theo ý của Chúa Cha”
(x. Ga 4:34). Chúng ta phải đi vào chính trong lời “xin vâng” của Đức Kitô,
trong sự vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa, để có thể cùng nói với Thánh Phaolô rằng
không còn là chúng ta sống, nhưng Chính
Đức Kitô sống trong chúng ta. Vì vậy, chữ “amen” của lời cầu nguyện
cá nhân và cộng đồng của chúng ta sẽ bao phủ và biến đổi toàn thể cuộc sống
chúng ta thành một cuộc sống đầy an ủi của Thiên Chúa, một cuộc sống chìm đắm
trong Tình Yêu vĩnh cửu và vững bền. Cảm ơn anh chị em.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ (giaoly.org)