THÁNH
THỂ GIÚP MỞ RA HƠN NỮA CHO THA NHÂN
(xuanbichvietnam.net)
Dưới đây là bài giáo lý về bí tích Thánh Thể của Đức Phanxicô vào ngày 12/2/2014:
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em !
Trong bài giáo lý mới đây, tôi đã làm sáng tỏ sự kiện rằng Thánh
Lễ/Thánh Thể dẫn đưa chúng ta vào sự hiệp thông thực sự với Chúa Giêsu và mầu
nhiệm của Ngài. Bây giờ, chúng ta
có thể đặt ra một vài câu hỏi về mối tương quan giữa Thánh Lễ mà chúng ta cử
hành và đời sống của chúng ta, xét như Giáo Hội và bản thân, xét như là
Kitô hữu. Chúng ta tự hỏi : làm thế nào chúng ta sống Bí tích Thánh
Thể ? Khi chúng ta đi lễ, làm thế nào chúng ta sống nó ? Phải chăng
đó chỉ là một thời điểm lễ hội, một truyền thống thành lệ, một cơ hội gặp nhau
hay cảm thấy mình đúng luật, hay là điều gì hơn nữa ?
Có những dấu hiệu rất cụ thể cho phép chúng ta hiểu làm thế
nào chúng ta sống điều đó, làm thế nào chúng ta sống Thánh Lễ ; những dấu
hiệu vốn nói với chúng ta liệu chúng ta sống đúng Thánh Lễ không, hay liệu
chúng ta không sống tốt lắm Thánh Lễ.
Dấu hiệu thứ nhất là cách chúng ta nhìn xét người khác. Trong Thánh
Lễ, Chúa Kitô thực hiện, một cách luôn mới mẻ, ân huệ mà Ngài đã hiến mình trên
Thập giá. Tất cả cuộc đời của Ngài là một hành vi chia sẻ hoàn toàn chính mình
vì tình yêu ; chính vì thế mà Ngài đã muốn ở với các môn đệ của Ngài và
với những người mà Ngài biết đến. Đối với Ngài, điều đó có nghĩa là chia sẻ ước
muốn của họ, những vấn đề của họ, những gì đang khuấy động tâm hồn và
cuộc sống của họ. Phần chúng ta, khi chúng ta tham dự thánh lễ, chúng ta gặp gỡ
nhiều người khác nhau : người trẻ, người già, trẻ em, người nghèo và người
khá giả, những người bên lề xã hội hay ở xa, trong gia đình hay một mình…Nhưng
Thánh Lễ mà tôi cử hành có giúp tôi nhìn họ hết thảy thực sự như là anh
chị em không ? Nó có làm cho lớn lên trong tôi khả năng vui mừng với người
vui và khóc với người khóc không ? Nó có thúc đẩy tôi đến với người nghèo,
bệnh tật, những người bên lề xã hội không ? Nó có giúp tôi nhận ra nơi họ
khuôn mặt của Chúa Giêsu không ?
Tất cả chúng ta đi lễ bởi vì chúng ta yêu mến Chúa Giêsu và
chúng ta muốn chia sẻ, trong Thánh Lễ, sự thương khó và sự phục sinh của Ngài.
Nhưng chúng ta có yêu mến, như Chúa Giêsu muốn, những anh chị em nghèo khổ này
không ? Chẳng hạn, ở Rôma, trong những ngày này, chúng ta đã chứng kiến
nhiều bất ổn xã hội, do mưa gây ra nhiều thiệt hại nơi các khu phố, hay do
thiếu việc làm là hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới. Tôi đặt
câu hỏi, và mỗi người trong chúng ta có thể đặt ra câu hỏi : tôi đi lễ,
làm thế nào tôi sống tất cả điều đó ? Có phải tôi bận tâm giúp đỡ
những ai đang bị những vấn đề này chạm đến, đến gần học, cầu nguyện cho
họ ? Hay là tôi là một người dửng dưng ? Hay có thể tôi thích những
điều ba hoa: mày thấy có đó ăn mặc thế nào, con đó, hay máy thấy thằng đó
không, nó ăn mặc thế nào ? Đối khi đã là những gì diễn ra sau thánh lễ, và
không nên như thế ! Chúng ta phải quan tâm đến anh chị em chúng ta đang
khó khăn do bệnh tật hay một vấn đề nào đó…
Một dấu hiệu thứ hai, rất quan trọng, là ơn cảm thấy mình được tha
thứ và sẵn sàng tha thứ. Đôi khi, chúng ta nghe câu hỏi này : « Tại
sao phải đi nhà thờ, vì những người thường tham dự thánh lễ đều là tội lỗi như
người khác ? » Biết bao lần chúng ta đã nghe điều đó ! Thực ra,
người cử hành Thánh Lễ không làm thế bởi vì họ tự xem mình hay họ muốn tỏ
ra tốt hơn người khác, nhưng vì họ nhận ra rằng họ luôn cần được đón nhận và
tái sinh nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa đã làm người trong Chúa
Giêsu-Kitô. Nếu người nào trong chúng ta không cảm thấy cần đến lòng thương xót
của Thiên Chúa, không cảm thấy mình tội lỗi, thì tốt hơn người đó đừng đi
lễ ! Chúng ta đi lễ bởi vì chúng ta là những tội nhân và chúng ta muốn
lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa, tham dự vào ơn cứu độ của Chúa Giêsu, vào
ơn tha thứ của Ngài.
Lời xưng thú « Tôi thú nhận » mà chúng ta đọc vào
đầu thánh lễ không phải « vì hình thức », đó là một hành vi sám
hối đích thực ! Tôi là tội nhân và tôi xưng thú điều đó, chính như thế mà
thánh lễ bắt đầu ! Chúng ta không bao giờ được quên rằng Bữa Tiệc Ly của
Chúa Giêsu đã diễn ra « vào đêm Ngài bị nộp » (1Cr 11,23). Trong bánh
và rượu mà chúng ta dâng lên và xung quanh đó chúng ta tụ tập, được làm mới lại
mỗi lần việc trao ban mình và máu của Chúa Giêsu để thứ tha tội lỗi chúng ta.
Chúng ta phải đi lễ cách khiêm tốn, như những tội nhân, và Chúa giao hòa chúng
ta. Điều đó diễn tả tốt nhất ý nghĩa sâu xa nhất của hy tế của Chúa
Giêsu, và đến lượt mình mở rộng tâm hồn chúng ta cho việc tha thứ cho anh em và
cho việc hòa giải.
Một dấu hiệu sau cùng và quý giá được đem lại cho chúng ta qua mối
tương quan giữa việc cử hành thánh lễ và đời sống của các cộng đoàn kitô
hữu của chúng ta. Cần phải luôn giữ trong tâm trí rằng Thánh Lễ không phải là
điều gì đó mà chính chúng ta làm ra ; chúng ta không thể hiện một sự tưởng
nhớ những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm. Đó đích thực là một hành động của
Chúa Kitô ! Đó là chính Chúa Kitô đang hoạt động ở đây, ngay trên
bàn thờ. Đó là một ân huệ của Chúa Kitô, Đấng đang hiện diện và nối kết chúng
ta xung quanh Ngài, để nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời của Ngài và bằng chính sự
sống của Ngài.Điều đó có nghĩa là sứ mạng và căn tính của Giáo Hội phát sinh từ
đó, từ Thánh Thể, chính ở đó là sứ mạng và căn tính được nền hình nên dạng. Một
việc cử hành có thể là không chê vào đâu được xét theo quan điểm bề ngoài, rất
đẹp, nhưng nếu nó không dẫn chúng ta đến gặp gỡ Chúa Giêsu, thì nó có
nguy cơ không mang lại lương thực nào cho tâm hồn và cuộc sống của chúng ta.
Trái lại, xuyên qua Thánh Lễ, Chúa Kitô muốn đi vào trong cuộc sống của chúng
ta và làm cho cuộc sống chúng ta thấm nhiễm ân sủng của Ngài để, trong mọi cộng
đoàn kitô hữu, có một sự mạch lạc giữa phụng vụ và cuộc sống.
Tâm hồn chúng ta đầy tin tưởng và hy vọng khi nghĩ đến những lời
nói của Chúa Giêsu được tường thuật lại trong Tin Mừng : « Ai ăn thịt
Ta và uống máu Ta sẽ có sự sống đời đời và Ta sẽ cho người ấy sống lại trong
ngày sau hết » (6,54). Chúng ta hãy sống Thánh Lễ trong tinh thần đức tin
và cầu nguyện, tha thứ, sám hối, niềm vui cộng đoàn, quan tâm đến những người
khó khăn và những nhu cầu của tất cả anh chị em của chúng ta, với xác tín
rằng Chúa sẽ thực hiện những gì người đã hứa với chúng ta : sự sống đời
đời. Ước gì được như thế !
Tý Linh chuyển ngữ