(dongten.net)
Trước hơn 100 ngàn tín hữu và du khách hành hương trong buổi Tiếp Kiến Chung sáng thứ Tư, ngày 22-5-2013, tại Quảng trường thánh Phê-rô, ĐTC Phan-xi-cô tiếp tục loạt bài Giáo Lý về Năm Đức Tin kỳ thứ 26 với chủ đề “Tôi Tin Vào Thánh Thần: Sứ Mạng Truyền Giảng Tin Mừng của Giáo Hội”. Bằng lối biểu đạt gần gũi, ĐTC
Phan-xi-cô trình bày các điểm giáo lý ngang qua những câu hỏi có tính phản tỉnh nơi người nghe: Ai mới là động cơ đích thực của việc truyền rao Tin Mừng trong đời sống chúng ta và
trong đời sống Giáo Hội? Đâu là hiệu ứng của hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa, Đấng đang hướng dẫn và linh hoạt lời loan báo Phúc Âm?
Tôi đã để cho Thần Khí Thiên Chúa đưa dẫn như thế nào để đời tôi và chứng tá đức tin của tôi là tình hiệp nhất và sự thông hiệp? Tôi có mang lời hoán cải, lời yêu thương, nghĩa là mang Phúc Âm vào trong
môi trường sống của tôi hay chưa? Thế thì tôi làm gì với cuộc sống của tôi bây giờ?… Dưới đây là phiên bản Việt-ngữ toàn bộ bài Huấn Giáo của ĐTC trong buổi Yết Kiến Chung sáng thứ Tư, ngày 22-5-2013.
Anh chị em thân mến!
Trong Kinh Tin Kính, ngay liền sau khi tuyên xưng niềm tin vào Chúa Thánh Thần, chúng ta nói: “Tôi tin có một Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Có một sự gắn bó sâu xa giữa hai thực tại đức tin: Chúa Thánh Thần và Giáo Hội. Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống cho Giáo Hội và hướng dẫn các nhịp bước của Giáo Hội. Không có sự hiện diện và hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa, thì Giáo Hội sẽ chẳng thể nào sống, và cũng chẳng thể nào thực hiện công trình mà Chúa Giê-su phục sinh đã phó cho Giáo Hội là “hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy…” (x. Mt 28,18). Truyền rao Tin Mừng là sứ mạng của Giáo Hội, chứ không phải của riêng ai, tuy nhiên sứ mạng ấy cũng chình là sứ mạng của tôi, của bạn và của hết thảy chúng ta. Thánh Phao-lô Tông Đồ đã thốt lên “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16). Mỗi người phải là một nhà truyền giảng Tin Mừng, trước tiên là bằng chính cuộc sống mình! ĐGH
Phao-lô VI đã nhấn mạnh rằng “truyền rao Tin Mừng … chính là một ơn ban và là ơn gọi riêng của Giáo Hội, truyền rao Tin Mừng là căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu là để truyền rao Tin Mừng” (Esort. ap. Evangelii nuntiandi, 14).
Thế nhưng ai mới là động cơ đích thực của việc truyền rao Tin Mừng trong đời sống chúng ta và
trong đời sống Giáo Hội? ĐGH Phao-lô VI đã ghi rõ:
“Thưa, đó chính là Thần Khí Thiên Chúa, ngay hôm nay cũng như lúc khởi đầu Giáo Hội, Thánh Thần đang hoạt động nơi tất cả những nhà truyền giảng Tin Mừng, họ là những người biết để mình cho Ngài chiếm hữu và đưa dẫn. Chính Thánh Thần đề xướng cho họ những lời mà tự sức mình họ chẳng thể nào tìm gặp, đồng thời đưa đến động lực linh hoạt những ai biết lắng nghe, để họ được mở lòng ra mà đón nhận Tin Tốt Lành và Nước Trời đã được loan báo” (nt., 75)
Như vậy, để truyền rao Tin Mừng, một lần nữa điều cần thiết là phải biết mở mình ra với chân trời của Thần Khí Thiên Chúa,
chứ không hề sợ hãi đối với điều đang đòi hỏi chúng ta, và sợ cái nơi đang hướng dẫn chúng ta. Chúng ta hãy tín thác nơi Thần Khí! Chính Thần Khí Thiên Chúa sẽ khiến cho chúng ta có khả năng sống và làm chứng cho đức tin của chúng ta, và
cũng chính Thánh Thần sẽ soi sáng cõi lòng
của những ai mà chúng ta gặp gỡ. Điều này đã là kinh
nghiệm của Lễ Hiện Xuống, nghĩa là khi mà các Tông Đồ cùng với Đức Maria đang tụ họp nhau trong Nhà
Tiệc Ly “rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo
khả năng Thánh Thần ban cho” (Cvtđ
2,3-4). Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống trên các Tông Đồ, và chính Thánh Thần đã làm cho họ thoát ra khỏi tình trạng chán chường mà họ tự khép mình trong đó vì sợ hãi, chính Thánh
Thần đã làm cho họ được thoát ra khỏi chính mình, và chính Thánh Thần đã biến họ thành những nhà loan báo Tin Mừng và biến họ thành chứng nhân của “những kỳ công của Thiên Chúa” (câu 11). Và cuộc biến đổi này đã được Thần Khí Thiên Chúa thực hiện, và đã tác động trên đoàn người đang tuôn đến nơi các ông đang ở, và đoàn người này thì “từ các dân thiên hạ đổ về”(câu 5), bởi mỗi người đều lắng nghe những lời của các Tông Đồ được công bố theo ngôn ngữ riêng của dân mình (câu 6).
Chúng ta thấy ở đây hiệu ứng quan trọng đầu tiên của hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa, Đấng đang hướng dẫn và linh hoạt lời loan báo Phúc Âm, chính là tình hiệp nhất và sự hiệp thông. Với Tháp Babele, thể theo trình thuật Thánh Kinh, thì sự phân tán giữa muôn dân nước đã bắt đầu, cùng với sự rối loạn về ngôn ngữ, là kết quả của sự ngạo mạn và kiêu căng của con người, muốn tự mình xây tháp chọc trời bằng sức riêng mà chẳng cần đến Thiên Chúa “một thành phố và một tháp có đỉnh chọc trời” (St 11,4).
Ngược lại, nới Lễ Hiện Xuống sự phân tán này đã được khắc phục. Chẳng còn nữa sự ngạo mạn với Thiên Chúa, chẳng còn nữa sự khép kín giữa người này với người kia, thay vào đó chính là sự mở toan ra với Thiên Chúa, là một cuộc ra khỏi mình để ra đi loan báo Lời Thiên Chúa: một ngôn ngữ mới, ngôn ngữ tình yêu mà Thần Khí Thiên Chúa gợi dậy trong cõi lòng (x. Rm 5,5), một ngôn ngữ mà tất cả mọi người có thể hiểu được và một ngôn ngữ có thể được diễn tả trong mọi cuộc sống và cho mọi nền văn hóa để mọi người có thể nghe hiểu được. Ngôn ngữ Phúc Âm chính là ngôn ngữ của sự thông hiệp, nó mời gọi chúng ta hãy vượt qua mọi sự khép kín và dửng dưng, mọi chia rẽ và đối nghịch. Chúng ta hãy tự vấn mình xem: tôi đã để cho Thần Khí Thiên Chúa đưa dẫn như thế nào để đời tôi và chứng tá đức tin của tôi là tình hiệp nhất và sự thông hiệp? Tôi có mang lời hoán cải, lời yêu thương, nghĩa là mang
Phúc Âm vào trong môi trường sống của tôi hay chưa? Xem ra nhiều lần ngày nay sự sụp đổ của cái Tháp muốn lặp lại những điều này, đó là “chia
rẽ, phân tán, không có khả năng để hiểu nhau, sự cạnh tranh, ghanh tỵ, ích kỷ.
Thế thì tôi làm gì với cuộc sống của tôi bây giờ?
Tôi đang gây tình hiệp nhất giữa tôi với người khác hay là đang chia cắt, phân tán, chia
rẽ, rồi chia rẽ với việc nói sau lưng, rồi chỉ trích, rồi ganh tỵ…? Anh em chị hãy nghĩ về điều này coi!
Việc mang Phúc Âm chính là việc, trước tiên là nơi chúng ta, hãy loan báo và sống cái cuộc hoán cải, sống sự thứ ta, sống hòa bình, sống tình hiệp nhất và tình yêu thương mà Thần Khí Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.
Chúng ta nhớ lại lời của Chúa Giê-su: “Nhờ điểm này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).
Tôi muốn đề cập đến một yếu tố thứ hai, đó là vào
ngày Lễ Hiện Xuống, Tông Đồ Phê-rô được đầy Thần Khí, đang đứng chung với “nhóm Mười Một” và rồi “lớn tiếng” (Cvtđ 2,14) và
“với sự mạnh dạng” (câu 29), ngay lúc đó Phê-rô đã
loan báo Tin Mừng Giê-su, Người là Đấng đã hiến mạng vì ơn cứu độ của chúng ta, Người là Đấng đã được Thiên Chúa cho
chỗi dậy từ cõi chết!
Và đây là một hiệu ứng khác của hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa,
đó là lòng can đảm để truyền rao Phúc Âm Chúa Giê-su cho hết thẩy mọi người, với một sự mạnh dạng, giọng cất cao, mọi lúc mọi nơi. Và cái điều này hôm nay cũng xảy đến cho Giáo Hội, cho mỗi người chúng ta: lưỡi lửa của Lễ Hiện Xuống, chúng phát
sinh từ hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa, tự chúng luôn mãi phát ra nguồn năng lượng mới cho sứ mạng, nảy ra những nẻo đường mới để loan báo sứ điệp ơn cứu độ, khơi lên lòng quả cảm để truyền rao Phúc Âm. Chúng ta đừng bao giờ khép mình lại với hoạt động này! Chúng ta hãy sống Phúc Âm với lòng quả cảm và khiêm nhu! Chúng ta hãy làm chứng cho tin mới, làm chứng cho niềm hy-vọng, làm chứng cho niềm vui mà chính Đức Chúa đã mang vào cuộc sống. Chúng ta hãy cảm nơi mình “vị ngọt ngào và niềm vui êm ái của việc truyền rao Tin Mừng” (Paolo VI,
Esort. ap. Evangelii nuntiandi, 80).
Bởi lẽ loan truyền Tin Mừng, loan báo Chúa Giê-su, là Đấng đã ban cho chúng ta niềm vui, trong khi
cái tôi, cái-mình của chúng ta chỉ mang lại cho chúng ta đắng cay, buồn thảm, và chính nó dìm
chúng ta xuống, còn truyền rao Tin Mừng thì lại kéo chúng ta lên!
Tôi xin đề cập đến yếu tố thứ ba, một yếu tố đặc biệt quan trọng, đó là cuộc truyền giảng tin mừng mới, một Giáo Hội rao giảng tin mừng luôn phải khởi đi từ việc cầu nguyện, từ việc khẩn nài lưỡi lửa Thần Khí Thiên Chúa, y như các Tông Đồ ở trong Nhà Tiệc Ly đã làm hôm Lễ Hiện Xuống vậy! Chỉ trong tương quan tin tưởng và thắm thiết với Thiên Chúa thì nó mới cho phép chúng ta ra khỏi sự khép kín của chính mình và làm cho chúng ta có thể loan báo Phúc Âm với sự mạnh dạn. Không có cầu nguyện, không được Thần Khí Thiên Chúa linh hoạt, thì hành động của chúng ta sẽ trở nên rỗng tuếch và lời loan báo của chúng ta trở nên vô hồn.
Anh chị em thân mến! Cũng như Đức Benedicto XVI đã
tín thác, Giáo Hội hôm nay “tiên vàn phải cảm được luồng gió Thần Khí Thiên Chúa, Đấng đang đỡ nâng chúng ta, Đấng chỉ cho chúng ta con đường đúng đắn, và như thế, cùng với lòng hăng say mới, chúng ta tấn tới trong cuộc hành trình cùng tán tạ Thiên Chúa chúng ta (Huấn từ cho Hội Nghị Khoáng Đại Thường Kỳ của Thượng HDDGMTG, 27-9-2013).
Mỗi ngày chúng ta hãy làm mới lòng tin tưởng vào hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa.
Hãy làm mới lòng tín thác mà Thánh Thần đang hành động nơi chúng ta!
Ngài đang ở “đằng sau” chúng ta!
Ngài ban cho chúng ta lòng nhiệt quyết tông đồ! Ngài ban cho chúng ta bình an, ban
cho chúng ta niềm vui! Eh!
Chúng ta hãy canh tân lòng tín thác ấy!
Chúng ta hãy để cho Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta, chúng ta những con người người cầu nguyện nam cũng như nữ, những người đang làm chứng cho Phúc Âm, hãy trở thành khí cụ của tình hiệp nhất và sự thông hiệp với Thiên Chúa cho thời đại chúng ta.
Cám ơn anh chị em.
Từ RadioVaticana, ngày 22-5-2013
Thái Hiệp chuyển ngữ và giới thiệu