HOÀN CẢNH MỚI VÀ HƯỚNG ĐI ĐANG
HÌNH THÀNH (www.giaolyductin.net/
07/08/11, 12:11 pm)
(Trích TRẦN VĂN TOÀN (Lambersart), Thần
học sau Công Đồng Vatican II (1963-1965). Chuyển
biến và tác động của nó trong đời sống Kitô hữu ở châu Âu, đăng
trong Hiệp thông. Bản tin của HĐGMVN, số 63 (tháng 1
& 2 năm 2011, trang 162-197).
Những hoàn cảnh mới mà
Công đồng chưa biết tới
Công đồng bế mạc được ba năm thì ở Âu Mỹ
có cuộc cách mệnh văn hóa: năm 1968, thanh niên, nhất là trong giới sinhviên,
đứng lên phản đối các thứ uy quyền.
Vẫn biết là uy quyền của Giáo Hội ở Pháp
thì đã mất dần từ khi có Cách Mệnh Pháp năm 1789. Xã hội dân sự thì thành ra
thế tục hóa, và đến năm 1905 thì nhà nước và Giáo Hội được tách rời ra như hai
thực tế biệt lập: ở Pháp cũng như ở nhiều nước Âu châu thì không còn có quốc
giáo, như hiện có trong nhiều nước khác, nhất là trong các nước theo Hồi giáo,
hay là như có một số người đó đây vẫn đang mơ ước.
Nhưng nay thì cả uy quyền của nhà nước
cũng bị sút giảm, lớp người làm thầy dậy học, kể cả ở cấp đại học, cũng mất uy
quyền. Tất cả các uy quyền đều bị hạ bệ, các định chế thì bị nghi kỵ là áp chế
tự do cá nhân. Cho đến nay xã hội Âu châu vẫn còn tìm tiêu chuẩn pháp lý và đạo
đức rõ rệt để người ta có thể chung sống với nhau. Đó là một kinh nghiệm đã
đánh mạnh vào tâm tư vị giáo sư Joseph Ratzinger, hiện nay là Đức Giáo Hoàng
Biển Đức thứ XVI. Mất uy quyền rồi thì từ nay ai nấy phải tìm gây lại uy tín
nhờ vào sở trường và vào cách ăn ở của mình mà thôi.
Thêm vào đó thì công giáo lại bị khủng
hoảng nội bộ: một số khá đông linh mục cũng hồi tục. Từ nay số chủng sinh học
tập làm linh mục, số người vào nhà tập của các nhà dòng nam nữ cũng đều xuống
dốc. Do đó các chủng viện và nhà tập để trống đã được đổi thành những trung tâm
tổ chức những khóa hội thảo, những lớp huấn luyện thích thời (hợp với hoàn cảnh
kinh tế, xã hội và văn hóa) về Thánh Kinh, giáo lý, về việc đối thoại giữa các
tôn giáo. Những trung tâm đó ngày nay do giáo dân đảm nhiệm, có linh mục hay
thầy dòng làm cố vấn về tôn giáo, và hoạt động có kết quả, thu hút được nhiều
người đến học hỏi.
Từ mấy chục năm nay ở Pháp, tôi nhận
thấy rằng đại đa số các chủng sinh đều vào nhà trường muộn, sau khi họ đã có
nghề nghiệp làm ăn, hay là đã có bằng cấp đại học. Họ muốn làm linh mục không
phải là vì ở ngoài đời họ không làm được nghề ngỗng gì. Tôi biết có người đã
làm kỹ sư có lương cao, khi nghe tiếng Chúa gọi, họ biết rõ là họ sẽ chỉ sống
bằng đồng lương tối thiểu, do một thiểu số người công giáo đóng góp cung cấp mà
thôi, nhưng họ vẫn quyết định. Trong hoàn cảnh như thế, những người có chí thì
càng có ý thức hơn.
Từ nay những người có ăn học, biết tự
lập và ý thức được tự do như thế, không phải là hạng người bảo sao nghe vậy, không phải là đầy tớ để sai vặt. Muốn bảo được giáo dân,
hàng giáo sĩ phải có uy tín, muốn bảo được các linh mục thời nay, hàng giám mục
cũng phải có uy tín. Có uy tín mới thuyết phục được những con người tự do. Vì
thế việc truyền đạo đang chuyển sang hướng mới.
Cũng nên chú ý là: chính vì tình trạng
văn hóa Âu Mỹ: 1) đã phân biệt tôn giáo với các phạm vi thế tục khác, 2) đã đề
cao tự do và trách nhiệm của cá nhân, 3) đã duy lý về mặt tư tưởng và 4) duy
nghiệm về mặt thực hành, cho nên đòi phải có lối tư giáo mới như thế. Chứ ở
những nước mà tôn giáo vẫn còn lẫn lộn với văn hóa và chính trị, người dân chưa
ý thức được tự do, chưa tự lập về mặt suy tư, thì xã hội, tập tục và người cầm
quyền định đoạt về tất cả nếp sống cũng như về tôn giáo, về quốc giáo.
Hướng đi đang thành hình
Hướng đi mới đã manh nha từ lâu, do sáng
kiến của nhiều người có lòng ưu tư về đạo Chúa. Từ hơn mười năm nay nhiều giáo
phận, như Tournai (Bỉ),
Lối đi này vừa là hội nhập văn hóa, đi
vào văn hóa mới, lại vừa là trở về nguồn đã có trong Phúc âm. Tôi xin giới
thiệu, nhưng không thể trình bầy tỉ mỉ về hướng đi này, chỉ xin tóm tắt mấy
điểm chủ chốt.
Một là: Nhận định lại tình thế
Thoạt nhìn vào đạo công giáo ngày nay ở
Âu châu, thì thấy không có vẻ gì là khả quan. Sau Cách Mệnh Pháp và sau khi
tách rời tôn giáo với chính trị, người ta không cần bám vào tôn giáo mới làm ăn
nên, mới lên thang trong xã hội. Mà ngược lại thì có. Cho nên uy quyền của Giáo
Hội đã mất, số người giữ đạo cũng bớt đi nhiều. Trong khi đó thì thấy nhiều tôn
giáo hay Giáo Hội khác đang ồ ạt lôi cuốn quần chúng, có vẻ là rất thịnh hành,
căn cứ vào một vài khẩu hiệu đơn sơ, theo phương pháp chiêu hàng ngày nay. Có
điều dị biệt thật là quan trọng, nhưng ít ai để ý trong khi so sánh, là người
Âu châu đã ý thức được tự do cá nhân, tự do tôn giáo: ngày nay người ta theo
đạo Kitô không còn phải là vì thói quen, vì áp lực xã hội, hay là vì quyền lợi,
vì danh lợi, như trường hợp ở nhiều xã hội xưa nay. Hiện nay có nhiều người
biết rõ như thế, nhưng vẫn xin tòng giáo, và nhẫn nại học tập hai năm, cho nên
lễ nhập đạo của họ có ý nghĩa sâu xa, chứ không còn phải như kiểu “nước đổ đầu
vịt” nữa. Như vậy cũng đủ thấy Giáo Hội công giáo không phải là không còn uy
tín.
Những người chủ trương lối đi mới thì
nhận định rằng đây là “một cơ hội mới cho Phúc âm”, vì nó hợp với quyền tự do
tôn giáo: tôn giáo không còn phải là một yếu tố mà nhà nước hay xã hội bắt buộc
người ta phải theo, như các định chế hay tập quán thế tục khác. Cũng là hợp với
ý của Đức Giêsu chủ trương tách rời tôn giáo với chính trị. Và cũng đúng như
quan niệm của vị giáo phụ Tertullianô (thế kỷ II-III): “người ta là môn đồ của
Đức Kitô không phải là do bẩm sinh, nhưng là vì đã trở thành như thế
(Christiani non nascuntur, fiunt)”. Cho nên việc theo đạo là do niềm thâm tín
của cá nhân, và việc truyền giáo là việc lấy nếp sống mà chứng thực, lấy lời lẽ
mà thuyết phục từng người, chứ không phải là tuyên truyền ầm ĩ như chiêu hàng,
để lôi cuốn từng loạt quần chúng, càng không phải là dùng áp lực bắt người dân
phải theo.
Có mấy điều có vẻ đáng lo ngại, là: đạo
công giáo, tuy trước đây đã định hình sâu đậm cho văn hóa Âu châu, nhưng nay cả
người ngoại cuộc lẫn người trong cuộc (sécularisation interne) đều kể như là
đạo đã ra ngoài văn hóa đó. Nhưng cũng phải nhận rằng những lối hội nhập trước
đây đã thích thời trong văn hóa cũ, thì chưa hẳn là bây giờ còn thích thời. Vấn
đề không phải là chú trọng vào những bản thống kê hiện nay về tình hình tôn
giáo, theo một số tiêu chuẩn bề ngoài như xưa, rồi thất vọng trong tinh thần
hoài cổ, mà không xét đến những hình thức sống đạo sâu xa của giáo dân đang nảy
nở. Cho nên, nay có cơ hội mới để trở về nguồn là Phúc âm, và dùng lối mới để
đưa Phúc âm vào văn hóa mới, đang đề cao con người cá nhân biết suy nghĩ, biết
phê bình và định đoạt lấy cho mình.
Hai là: Xét lại con đường đã đi
Cần phải nhận định ngay là những hình
thức sống đạo và truyền đạo trước đây là những nỗ lực hội nhập văn hóa đã thành
công ở Âu châu.
“Gặp thời thế thế thì phải thế”. Thực
vậy, từ thế kỷ V trở đi, đạo và đời hợp nhất ở Âu châu, tôn giáo không tách rời
ra khỏi chính trị và văn hóa chung, cho nên người ta truyền đạt văn hóa theo
lối “encadrement”, là tập cho ai nấy “vào khuôn vào phép” bề ngoài. Trong tổ
chức “tư giáo” (équipe d’animation pastorale), thì khuôn phép của đạo Kitô gồm
có ba yếu tố: a) một số tín điều cần phải biết, tóm tắt
trong Kinh Tin Kính, và trong Sách Bổn; b) một số điều luật phải
giữ trong đời sống cá nhân và trong tổ chức Giáo Hội; c) một số
nghi lễ phụng tự phải cử hành cho phải phép, cho thành
phép. Tất cả đều dựa vào Phúc âm, chứ không phải do ai tự tiện đặt ra. Điều
thiều sót là ít ai để ý đến kinh nghiệm và niềm thâm tín của cá nhân. Tuy
nhiên, cũng như trong các xã hội khác, khi đa số dân chúng còn nghèo đói và
thiếu học, thì dễ tin theo tôn giáo của những người lãnh đạo, hoặc là vì họ có
uy tín, hoặc là vì họ có uy quyền hay võ lực bắt buộc phải theo, cho nên người
ta “vào khuôn vào phép” đã có sẵn một cách rất tự nhiên.
Khi dân trí tới mức độ cao hơn, khi cá
nhân có học thức, biết suy luận và tự do định đoạt lấy cho mình, thì tất nhiên
phải trình bầy tôn giáo sao cho hợp lý hợp tình. Loại văn “minh giáo”
(apologétique) đã được phát triển ngay từ khi đạo được truyền vào xã hội Hy
Lạp, thì lại càng thích thời. Từ Cách Mệnh Pháp trở đi, thì đạo công giáo đã
phải nghĩ đến những đường lối mới để truyền đạo, nhất là để ý đến việc giáo dục
thanh thiếu niên, và việc bênh vực cho lớp công nhân trong chế độ tư bản đang
lên.
Sau Thế Chiến thứ II, thì đường lối “tư
giáo” là đón tiếp (accueil): là phải gần gũi với người
ta, tìm hiểu lối suy luận, ước vọng bên trong của những cá nhân tự do, mà không
ai lấy khuôn phép bên ngoài mà bắt buộc được. Có một đường lối khiêm tốn hơn,
mà tôi thấy các linh mục làm công nhân, cũng như hội dòng tiểu đệ và tiểu muội theo
tinh thần Charles de Foucauld, đã dùng, là chôn vùi (enfouissement),
nghĩa là làm chứng nhân sống đạo ở giữa lớp dân nghèo, một cách âm thầm như hạt
giống chôn vùi trong đồng ruộng, như Đức Giêsu đã sống ở Nazareth (30 năm ở
cùng Đức Mẹ), chờ ngày Chúa cho đâm hoa kết quả.
Vào năm 1996 thì Hội đồng Giám mục Pháp
viết một lá thư cho giáo hữu trong đó có đưa ra phương pháp “tư giáo” mới, là đề
nghị (proposition). Đề nghị tức là muốn lên tiếng, chứ không im
lặng nữa. Cũng là hợp lẽ, vì không nói ra thì ai biết mình muốn gì, nhưng đối
với người có tự do, thì mình chỉ có thể đề nghị niềm tin của mình mà thôi. Thế
nhưng các tác giả theo hướng đi mới thì lại cho rằng như thế vẫn còn là bất
cập, vì với thái độ đó, mình vẫn còn vô tình cho rằng mình ở vị trí cao hơn, có
những điều muốn chia sẻ với những người không biết, mình không hỏi han đối
thoại, mà đã biết sẵn câu trả lời rồi!
Ngoài ra trong thư vừa nhắc tới còn đưa
ra một phương pháp nữa là đưa đường (initiation): làm sao cho xứ đạo
có một nếp sống cộng đồng trong tình anh em, rồi đưa đường cho người ta tham
gia vào đó, cũng như vào các lễ nghi, để dần dần kinh nghiệm được thế nào là
nếp sống của đồ đệ của Đức Giêsu (Xem trong thư, trang 99-100).
Vấn đề bây giờ không phải là lôi cuốn
người ta vào khuôn vào phép của tổ chức Giáo Hội, như là những hội viên vô
danh, nhưng là làm cho người ta phát huy được cá tính trong khi đối
thoại, trao đổi với người khác, và cùng sinh lại thành người mới.
Vì thế những người chủ trương hướng đi mới muốn là phải đi ngược qua những yếu
tố “khuôn phép”, để trở về nguồn, trở về những câu truyện được kể lại trong Tin
Mừng Phúc Âm, có thể đem lại sinh khí cho đời người.
Ba là: Hướng đi mới
Như ai nấy đều biết, cái tình trạng mới
của xã hội Âu châu bây giờ là: Tổ chức xã hội đã thế tục hóa, cho nên không còn
phải là tay vịn cho tôn giáo nào cả, vì cá nhân đã tự lập, suy nghĩ và tự do
định đoạt lấy cho mình về niềm tin. Trong tình trạng đa nguyên trong phạm vi
tôn giáo, việc “tư giáo” không còn phải là sản xuất một loạt tín đồ giống nhau như
cùng đúc theo một cái khuôn đã có sẵn.
Lối “tư giáo” theo hướng đi mới này gọi
là “pastorale d’engendrement”. Chính từ ngữ tiếng Pháp dùng đây, tự nó cũng
chưa rõ nghĩa. Dự định muốn đưa ra là: đối thoại, trao đổi với người
khác, và cùng sinh lại thành người mới, trong niềm tin mới. Thoạt
nhìn thì nó gợi cho ta hai chữ “born again” của một nhóm Giáo Hội Tin Lành phát
nguồn từ miền Nam Hoa Kỳ và lan sang Nam-Mỹ và Phi-châu. Nhưng về đạo lý và về
phương pháp thì khác xa, cho nên các Giáo Hội Tin Lành đã có lâu đời ở Âu châu
cũng lấy làm nghi ngại, vì như đã nói trên đây, có nhiều mục sư, mỗi ông đều có
thể tự tiện đứng ra lập ra một Giáo Hội, truyền giáo ầm ĩ như trong hội
chợ, theo kiểu chiêu hàng và kinh tài lối Mỹ, và lại còn hay dùng tôn giáo để
làm chính trị nữa.
Tư tưởng làm nền tảng cho hướng đi mới ở
đây là: phải căn cứ vào niềm tin tưởng tự nhiên mà ai sống ở đời
cũng đã sẵn có, rồi mới cùng đào sâu thêm, làm cho người ta khám phá ra Tin
Mừng Phúc Âm như là đã có mầm mống trong hướng mình ước vọng. Vì lẽ
rằng: nếu tự nhiên mà đã không tin được những người chứng nhân mà mình trông
thấy, thì làm sao có thể tin được vị Thiên Chúa mà chưa ai thấy bao giờ, nhưng
chỉ nghe qua những chứng nhân mà thôi.
Ba tiêu chuẩn trong hướng đi đang thành hình
Hướng đi này được thành hình, khi người
ta lấy quan điểm Phúc Âm mà nhìn vào xã hội. Vì thế có ba tiêu chuẩn cần phải
liên kết với nhau: Tin Mừng Phúc âm là tiêu chuẩn chính, Giáo Hội là chứng nhân
loan báo Tin Mừng, và xã hội là môi trường hành động.
Thứ nhất: Tin Mừng Phúc âm
Tin Mừng mà Thiên Chúa muốn thông báo
cho mọi người đó là gì? Đó là tin rằng: xét cho cùng thì đối với mọi
người cuộc đời là tốt đẹp. Thực vậy, đọc Thánh Kinh thì ta thấy là
từ đầu đến cuối đều có cái nhìn lạc quan về cuộc đời. Từ đầu trong Sách Sáng
Thế, ta đã thấy rằng tất cả các vật được tác tạo nên, thì Thiên Chúa đều bảo là
tốt cả. Lịch sử dân Chúa có lúc thăng lúc trầm, nhưng bao giờ cũng có hy vọng
tìm ra giải pháp tốt đẹp. Có lạc quan, có hy vọng, mới sống được.
Cuộc đời là tốt đẹp? Thực ra cái đó xem
chừng không có gì là hiển nhiên cả: người ta có nhiều lý do để không tin như
thế. Có điều là một việc xẩy ra một cách tự nhiên hay tất nhiên, thì không ai
nghĩ là đáng đưa tin, ví dụ: nước Arập vừa bầu một người Arập làm quốc trưởng.
Trái lại nếu nước Arập vừa bầu một người Do-thái làm quốc trưởng, thì đó là một
việc rất đáng đưa tin. Kinh nghiệm của ta cho thấy là ở đời ta gặp nhiều cái
không tốt, và nhà Phật, như ta biết, cũng đã tổng quát hóa kinh nghiệm hạn hẹp
của tất cả chúng ta trong câu: vạn sự khổ, đời là bể khổ.
Hiển nhiên quá. Nhưng xét cho cùng nếu mà cuộc đời đối với mọi người là tốt
đẹp, thì đó thực là một tin đáng mừng, đáng thông báo. Có điều là khi phải chạm
trán với thực tại, thì lại thấy rằng cái Tin Mừng đó rất là mong manh, rất khó
tin! Lấy gì, lấy ai, mà bảo đảm được?
Tuy vậy nếu không có niềm tin, niềm hy
vọng phổ thông lạc quan như thế, thì làm sao trong cõi người ta lại có những cố
gắng để sống, để đối phó với bao nhiêu trở ngại? Nói cách khác, sống tức là tín
cẩn vào cuộc sống, tuy biết là nó chưa hoàn hảo, vì từ khi sinh ra ta đã tín
cẩn vào người khác rồi. Nếu không tin được vào ai, thì làm sao sống được, nếu
không có hy vọng thì lấy đâu làm lẽ sống? Thà đi ra ngoài cuộc đời còn hơn.
Niềm tin này là niềm tin tự nhiên cần
phải có để sống, nhưng chưa tất nhiên đã là niềm tin tôn giáo.
Thứ hai: cộng đồng Giáo Hội
Nói đến Tin Mừng, thì cũng phải nói có
ai đưa tin. Vấn đề bao giờ cũng là: người đưa tin có đáng tin hay không?
Người đưa tin đầu tiên là Đức Giêsu
Kitô. Nếu cho đến nay đạo của người còn được truyền bá, thì là vì đã có những
người thấy là đáng tin, rồi truyền lại tiếp đi cho người khác. Ngoài cái nội
dung Tin Mừng có thể làm cho người ta sống có ý nghĩa, thì còn có ba lý do đã
làm cho người ta tín cẩn vào Người. Một là: Người có uy
tín, vì nói sao làm vậy, mà không sợ lụy đến thân. Hai là: Người
biết chờ cho người khác dần dần nhận ra mình là ai, vì Người thường hỏi: thiên
hạ nghĩ tôi là ai? các anh nghĩ tôi là ai? Ba là: niềm tin vào
Đức Giêsu không phải là từ ngoài ép vào, nhưng từ trong thâm tâm tự do của
người ta mà phát ra, sau khi đã nghe báo Tin Mừng; nói cách khác, Người không
tấn công từ ngoài vào để bó buộc người đuối lý phải chịu phục, nhưng đánh thức
niềm tin đã có sẵn bên trong, đang mặc nhiên hướng ra ngoài về ai khác (Thiên
Chúa).
Nhưng cái niềm tin ấy cũng rất là mong
manh. Vì khi Người còn bình sinh, thì chỉ có một thiểu số tín cẩn vào Người,
còn đa số những chức sắc về phần đạo đều không tin, lại còn cho rằng Người đáng
tội tử hình. Thế rồi cái thiểu số tin như thế cũng không có bề thế vững chãi:
họ không phải là chức sắc có uy tín trong đạo Do Thái, cũng không phải là vương
tướng có uy quyền trong đế quốc Rôma, lại còn gặp nhiều trở ngại. Tin là dám
tin, dám hy vọng. Nhưng chính cái mong manh đó là bảo đảm cho tính cách tự do
của niềm tin.
Cái chuỗi người cho đến nay đã kế tiếp
nhau làm chứng nhân cho cái Tin Mừng rất mong manh mà Người giảng giải, trong
những hoàn cảnh lúc thuận, lúc nghịch, đó là Giáo Hội của Người. Khi người ta
đọc Kinh Tin Kính thì nói lên là mình tin Giáo Hội, tin Hội Thánh, là thân thể
Chúa Kitô, tức là nơi Chúa Kitô hiện hình và loan báo Tin Mừng của Người. Tuy
được Chúa hứa là sẽ cho Giáo Hội được trường tồn, nhưng Giáo Hội không phải là
một pháo đài cố định. Thực ra Giáo Hội gồm những chứng nhân sống trong cái thân
phận mong manh, có nhiều quyến rũ, cho nên chỉ là hình thức lịch sử chưa hoàn
thành, nhưng đang cố gắng mang sứ mệnh là truyền bá cái Tin Mừng, có thể gây ra
cho mọi người một nếp sống có ý nghĩa, có hy vọng. Thế nghĩa là Tin Mừng đã tồn
tại, qua nhân chứng của những con người mà nhiều khi “lực bất tòng tâm”, nhưng
muốn chia sẻ với người khác một lối nhìn và một lối sống trong các hình thức
văn hóa khác nhau.
Thứ ba: xã hội
Xã hội là môi trường sống, gồm tất cả tư
tưởng, hành vi, ước vọng của người ta. Phải biết môi trường ấy là thế nào mới
có thể đưa Tin Mừng cho thích hợp.
Như ta vừa thấy trước đây, trừ Đức Giêsu
là người đầu tiên đưa Tin Mừng, thì những người đưa tin tiếp theo (Giáo Hội)
không hoàn toàn vững tâm, vì chính cái Tin Mừng đó cũng khó tin. Chỉ biết một
điều là nó hợp với hy vọng của người muốn đạt thân trong đời, vì nếu không tin,
không tín cẩn được vào đâu, không hy vọng rằng dù sao đi nữa đời người cũng vẫn
là tốt đẹp, thì khó mà tìm ra lý do để có can đảm đối phó với các trở ngại
trong đời, nghĩa là trong cái xã hội biến chuyển mà không ai đoán trước được.
Người ta mong muốn một xã hội đại đồng,
trong đó con người hòa hợp được với thiên nhiên và với người khác, nhưng cái
mong muốn ấy vừa khó tin, vừa gặp nhiều trở ngại. Ví dụ nước Pháp đã nêu ra từ
hơn hai thế kỷ cái khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Huynh đệ”, nhưng vẫn chưa thực
hiện được nhiều, vì ai nấy đều có tính ích kỷ. Cái Tin Mừng mà đồ đệ đức Giêsu
cố gắng giới thiệu là: cái ước vọng đó có thể thực hiện được, vì cuộc đời là
tốt đẹp, đồng thời cũng giới thiệu quan điểm có thể giúp thực hiện, là coi mọi
người là anh em, vì cùng là con của một cha chung. Vì lẽ rằng nếu không có cha
chung thì cũng không có anh em. Cái hy vọng đó tự nó vẫn là mong manh, khó tin,
nhưng nó không phải là ảo vọng vì có những người đáng tin đã dám tin và làm như
thế.
Đi vào thực hành
Đi theo hướng mới không phải là phế bỏ
tất cả ba yếu tố của khuôn phép cũ, nhưng là tương đối hóa, để trở về nguồn là
Thánh Kinh nói chung và Phúc Âm nói riêng. Tương đối hóa là chấp nhận rằng có
nhiều thể thức sống đạo. Những yếu tố thần học và lễ nghi nào đã thích hợp với
văn hóa cũ, nhưng không hợp với tâm thức người bây giờ, thì sẽ dần dần nhường
chỗ cho những sáng kiến mới, làm cho người ta sống đạo một cách thích thời hơn.
Có điều nên chú ý là: khi đi truyền đạo
thì các giáo sĩ Tin Lành thường đưa sách Phúc Âm ra giảng ngay từ đầu. Ngược
lại, các giáo sĩ công giáo thì mang khuôn phép đã có sẵn ra dậy, là: Sách
Bổn, Sánh Kinh, Sách các phép, và ít sách nguyện gẫm. Đó là cái
khuôn do người Âu châu sáng tạo ra trong văn hóa riêng của họ. Thành ra người
công giáo Việt
Nếu ta nhìn vào Giáo Hội buổi sơ khai
thì theo như Sách Công Vụ Tông Đồ ta thấy là sau khi Đức Giêsu khuất đi thì các
đồ đệ đọc và suy gẫm Thánh Kinh, nhớ lại nếp sống của Người và được Thần Khí
của Chúa giúp sức, nhưng họ phải tùy theo các biến cố bất ngờ trong xã hội
chung quanh mà tìm ra đường lối hoạt động.
Đọc Thánh Kinh, đọc Phúc âm không phải
là đóng cửa đọc một mình, chờ Thánh Thần hay Thần Khí của Chúa soi sáng riêng
cho mình. Như thế có cái nguy hiểm là mỗi người đọc một “phách”, rồi không ai
chịu nghe ai, và người ngoại cuộc sẽ có thể nghĩ rằng tôn giáo chỉ là do mỗi
người tự tạo ra cho mình. Đọc ở đây là đọc trong Giáo Hội (en Église), là cùng
đọc với nhiều người khác (tính cách cộng đồng), và đặt lời Tin Mừng vào trong
hoàn cảnh cụ thể của mỗi người. Có thế mới nhận thức được cái âm vang của Tin
Mừng trong lòng mình và trong lòng người khác. Có thế, những điều ta nói lên
mới thực là do niềm thâm tín của ta, chứ không còn phải là bài học thuộc lòng
mà thiên hạ tới tấp nhồi sọ cho nhau. Rồi sau đó ta phản ứng bằng lời nguyện và
bằng hành động thích hợp. Có thế ta mới thực là chứng nhân, là người làm chứng
cho Tin Mừng. Vì người làm chứng không phải là người nhắc lại điều đã nghe,
nhưng chứng thực về điều mình đã chứng kiến hay là tin chắc.
Dĩ nhiên là có nhiều ý kiến, nhưng có
trao đổi với nhau mới tương đối hóa được cái nhìn chủ quan của mình. Đồng thời
cũng phải so sánh với cái nhìn và hành động của những người trong Giáo Hội đã
sống trong hoàn cảnh văn hóa khác ta (tính cách lịch sử). Trao đổi về những
hình ảnh và quan niệm về Thiên Chúa, về nhân sinh, và về truyền thống, làm cho
ta học lẫn nhau, kèm cho nhau, để giúp nhau tự nhận ra đường lối, giúp
nhau sinh lại thành người mới theo tinh thần Phúc âm. Đó là lối “tư
giáo” gọi là “engendrement”. Tôi xin đề nghị tạm phiên dịch là “tương sinh”.
Có lẽ chính vì đã quá quen với lối “tư
giáo” cũ, mà ta thường muốn người khác cũng tin và làm y như ta, và như thế ta
truyền bá đức tin theo kiểu “đúc theo khuôn” hay là đòi phải bắt chước ta. Cần
phải nhìn nhận một cách khiêm tốn là khi đi kèm cho người xin tòng giáo thì ta
đánh thức niềm tin vào cuộc đời đã sẵn có, nhưng không biết trước được cái kết
quả của sự cộng tác giữa Thần Khí có sức sáng tạo của Chúa và quyết định tự do
của người ấy.
“Tư giáo” theo lối “tương sinh” này bắt
đầu được áp dụng đó đây, không những trong khi gặp gỡ những người xin tòng
giáo, mà cả trong sinh hoạt của xứ đạo nữa. Giám mục Albert Rouet, giáo phận
Hiện nay có một việc rất đáng chú ý, đó
là hội đồng các giám mục tại Rôma trong tháng 10 năm 2008, để bàn về đề tài
“Lời Chúa”. Các vấn đề đã được đề cập là: chỗ đứng của các chuyên gia về Thánh
Kinh, việc phiên dịch Thánh Kinh, các bài giảng trong thánh lễ. Hội đồng cũng
tiếp tay với Đức Giáo Hoàng để nhấn mạnh vào ba nền tảng không thể rời nhau của
đời sống của đồ đệ Chúa Giêsu, là: Lời Chúa, Lễ Đại-tạ (Eucharistia) và các
việc bác ái. Hội đồng này rất quan trọng, vì nó sẽ có ảnh hưởng nhiều lên đời
sống người công giáo toàn cầu.