BÀI THUYẾT TRÌNH 2B:
DẠY GIÁO LÝ, PHƯƠNG THẾ GIÁO DỤC VÀ CỦNG CỐ ÐỨC TIN (09/08/11, 5:11 pm)
Thuyết trình viên : Nt
Maria Nguyễn Thị Bạch Tuyết, MTG Thủ Thiêm
Ðức tin là ân huệ Thiên Chúa ban
cho tất cả mọi người, nhưng con người có tự do để đón nhận hay từ chối. Tư
tưởng này được Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI giải thích rõ hơn: “Niềm tin tôn
giáo luôn có sẵn trong tâm hồn mỗi người, nhưng bộ phận cảm ứng nội tâm dành
cho Chúa trong ta không đương nhiên hoạt động như một cái máy kỹ thuật mà nó
như một thứ sống động, hoặc là cùng lớn lên với con người, hay là chai cứng đến
độ có thể gần như chết khô. Nếu nội tâm ta luôn làm việc với bộ cảm ứng đó, nó
càng ngày càng trở nên sắc bén, bằng không nó sẽ teo lại và như bị chôn vùi
dưới ảnh hưởng của thuốc tê.”[1] Như vậy, đức tin chính là sự chấp nhận
của trí tuệ đối với chân lý mà Thiên Chúa đã mạc khải cho loài người trong Ðức
Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần và qua Giáo hội. Đức tin là một tiến trình thăng trầm
trong phận người. Quả thật, có những lúc con người đầy xác tín nhưng không
thiếu những khi khắc khoải đi tìm lời giải đáp cho vấn nạn đức tin. Chúng ta
thấy rõ điều này khi đọc lại Lịch Sử Cứu Ðộ: dân Itraen đã phải trải qua biết
bao thử thách để đi đến xác tín vào Thiên Chúa độc nhất; các Tông đồ đã theo
Thầy Giêsu một thời gian khá lâu, cứ ngỡ rằng mình đã hoàn toàn tin tưởng vào
Thầy, nhưng rồi các ông đã phải xin với Thầy “Xin ban thêm đức tin cho chúng
con”, hạnh các Thánh cũng chứng minh rất rõ điều này.
Ðức tin là một tiến trình. Nói
cách khác, “đức tin là một con đường và bao lâu còn sống thì con người còn đi
trên đường, và vì vậy, đức tin vẫn luôn bị đe dọa và chèn ép […]. Ðức tin chỉ
có thể trưởng thành, khi trong mọi giai đoạn cuộc sống, nó đủ sức chấp nhận và
chịu đựng sức mạnh cũng như sự o ép của không tin, cuối cùng thắng vượt chúng
để lại bước đi tiếp trên một đoạn đường mới.”[2]Chính vì thế đức tin cần được giáo dục và được
tôi luyện để trở nên trưởng thành. Dạy giáo lý chính là phương thế hữu hiệu để
giáo dục đức tin.
Kể từ sau Công Ðồng Vaticanô II,
Hội Thánh Công giáo đã tái khám phá ra rằng truyền bá đức tin hay giáo dục đức
tin là một cuộc gặp gỡ cá vị với Ðức Kitô, được thực hiện nhờ Thánh Kinh và
Thánh truyền sinh động của Hội Thánh, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.[3] Ðiều này đã được Thánh Bộ Giáo Sĩ nhấn mạnh:
“Mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là làm cho con người không những được
tiếp xúc, mà còn được thông hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô.”[4]Ðây chính là nét độc đáo của giáo dục đức tin.
Nội dung bài chia sẻ trình bày
bốn điểm sau đây:
- Nét độc đáo của sư
phạm đức tin;
- Những bước cơ bản
trong tiến trình khai tâm Kitô giáo;
- Nhìn lại tình hình
chung việc thực hiện giáo dục đức tin;
- Hướng giải quyết.
1. Nét độc đáo của
sư phạm đức tin: gặp gỡ Thiên Chúa
Như chúng ta đã biết, việc học
giáo lý không giống như việc học các bộ môn văn hóa khác. Chính Ðức Giáo Hoàng
Bênêdictiô XVI đã khẳng định trong tác phẩm “Thiên Chúa và Trần Thế”: “Niềm tin
vào Thiên Chúa không phải là một kiến thức mà tôi có thể học được, như tôi học
toán hay hóa học […]. Bởi đức tin đòi hỏi toàn lực đời sống, ý chí, tình yêu và
bước ra khỏi mình”. Quả thật, việc giáo dục đức tin có một nét độc đáo riêng.
Người thụ huấn được mời gọi đi vào cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa một cách tự do
bằng đối thoại
với Ngài và nhận ra những giáo huấn của Ngài để hoán cải nội tâm. Nhờ đó, họ
cảm nhận niềm hạnh phúc của người có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa vàbày tỏ
những cảm nhận sâu sắc này raqua lời nói cũng như hành động. Chúng tacó thể tóm
tắt tiến trình gặp gỡ Thiên Chúa qua 3 chữ: mở trí (đối thoại, tìm hiểu), mở
tâm (mở lòng để đón nhận, đi đến hoán cải nội tâm) và mở tay (đáp trả bằng cuộc
sống và lời rao giảng).
a. Mở trí: đối thoại
Qua những cuộc gặp gỡ giữa Ðức
Giêsu và các nhân vật trong Tin Mừng, chúng ta nhận ra Ðức Giêsu luôn mời gọi
con người đi vào cuộc đối thoại để đón nhận mạc khải của Thiên Chúa. Ví dụ: trong
cuộc gặp gỡ với người phụ nữ Samari, hoặc với ông Giakêu, người thu thuế, Ðức
Giêsu đã có cuộc đối thoại, trò chuyện và mạc khải về Thiên Chúa, Ðấng Cứu độ
đầy yêu thương và tha thứ.
Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở gặp
gỡ và đối thoại thì chưa đủ. Có rất nhiều người đã nghe và đối thoại với Ðức
Giêsu, nhưng tâm hồn họ vẫn còn đóng kín. Như vậy, mở trí làbước khởi đầu
củatiến trình gặp gỡ với Thiên Chúa. Mở trí chuẩn bị cho bước chính yếu kế
tiếp, mở tâm (hoán cải).
b. Mở tâm: hoán cải
Từ sự gặp gỡ và đối thoại với
Ðức Giêsu, con người cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu mời gọi họ
nhận ra tình trạng hiện tại của bản thân và hoán cải. Khi gặp gỡ Giakêu, Ðức
Giêsu đã không đòi hỏi ông bất cứ điều gì, ngoài lời đề nghị: “Hôm nay tôi phải
ở lại nhà ông!”Lời đề nghị này đã làm ông rung chuyển cõi lòng. Thật vậy,
Giakêu đã cảm nhận được tình yêu thương của Thiên Chúa một cách sâu sắc. Thiên
Chúa đã không chê ghét ông như những người đồng hương sống chung quanh ông. Ðối
với họ, ông chỉ là kẻ tội lỗi. Cuộc đối thoại với Ðức Giêsu đã giúp ông Giakêu
bắt gặp chân dung một Thiên Chúa từ nhân. Cảm nhận được Thiên Chúa yêu thương,
Giakêu đã hoán cải và thay đổi cuộc sống. Khi gặp gỡ người phụ nữ Samari, Ðức
Giêsu đã đưa chị đi vào cuộc đối thoại về một đề tài rất đời thường, đề tài
“nước”. Qua hình ảnh quen thuộc này, Ngài hướng dẫn chị hiểu biết về một loại
nước khác, “Nước Hằng Sống”. Ðức Giêsu còn mạc khải cho chị rằng chính Ngài là
Ðấng ban nước hằng sống, là Ðấng Messia là Ðấng Kitô. Từ cảm nghiệm về cuộc gặp
gỡ này, người phụ nữ Samari đã bày tỏ lòng sám hối cách tự nguyện như ông
Giakêu đã làm. Sự chân thành đối thoại và ước muốn thay đổi đời sống đã đưa dẫn
đưa họ đến với đức tin. Họ chọn lựa thay đổi và sẵn sàng chấp nhận trả giá cho
những chọn lựa của chính họ.
Qua những ví dụ nêu trên, chúng
ta thấy giai đoạn nội tâm hóa rất quan trọng trong tiến trình giáo dục đức tin.
Đây chính là giai đoạn mà bản thân người thụ huấn phải quyết định cho việc hoán
cải chính họ. Theo tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới,
cuộc hoán cải trong việc giáo dục đức tin rất quan trọng và cần được duy trì[5] để giúp con người ngày càng đạt đến sự hoàn
thiện như lời mời gọi của Ðức Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em
trên trời là Ðấng hoàn thiện”(Mt 5, 48). Và Ðức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI cũng
nhấn mạnh: “Sẽ không có được thật nhiều tín hữu, nếu nội dung rao giảng không nhập
được tâm của họ, để họ có thể thốt lên rằng: Ðúng, những gì tôn giáo nói quả là
những điều tôi cần”[6]. Đức Thánh Cha đưa ra ví dụ cụ thể tại chính
quê hương của ngài, nơi chương trình và việc dạy giáo lý trong trường học đều
do các giáo phận đảm trách: “Ở nước Ðức, các em từ 9 tới 13 tuổi được học giáo
lý trong trường học. Nhưng rồi tại sao chẳng còn gì đọng lại nơi các em, thật
không hiểu nổi!”[7]Như vậy, Ðức Thánh Cha muốn nhấn mạnh, nội tâm
hóa những điều đã học trong giáo lý là yếu tố thiết yếu trong giáo dục đức tin.
Như vậy chúng ta có thể hiểu được nguyên nhân sâu xa tại sao cùng một bài
giảng, cùng một thầy dạy là Ðức Giêsu nhưng người này tin, kẻ khác lại chống
đối. Thực tế cho chúng ta thấyrằng cùng được giáo dục như nhau, có người có đức
tin, nhưng vẫn có người thờ ơ và vô tâm.
c. Mở tay: đáp
trả
Ðức tin được biểu hiện ra bằng
hành động cụ thể. Thánh Giacôbê đã khẳng định: “Ðức tin không có việc làm là
đức tin chết.”Thật vậy, những người đã tin phải có cuộc sống đi đôi với điều họ
tin. Khi cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa và tin vào lòng nhân hậu và tha thứ
của Ngài, Giakêu đã tự thay đổi để sống đúng phẩm giá, đúng lẽ công bình và bác
ái. Khi nhận ra được chân dung của Thiên Chúa và yêu mến Người, người phụ nữ
Samari đã trở thành môn đệ đích thực của Chúa: “Có nhiều người Samari trong
thành đó đã tin vào Ðức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng”(Ga 4,39). Quả
thật, khi cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời, con người
không thể im lặng để chỉ giữ riêng cho bản thân nhưng họ có nhu cầu chia sẻ
niềm vui này cho mọi người bằng nhiều cách, bởi vì “Niềm vui được chia sẻ là
niềm vui được nhân đôi”. Tuy nhiên, chia sẻ niềm vui được ơn đức tin không phải
là một việc tùy ý nhưng là một trách nhiệm của mọi người, vì đã là Kitô hữu có
nghĩa là phải truyền giáo. Nếu là người yêu mến đức tin, người Kitô hữu có
trách nhiệm phải làm chứng cho đức tin, thông truyền đức tin đến người khác để
có thêm nhiều người tham dự vào niềm tin Kitô. Thiếu nhiệt huyết truyền giáo là
thiếu nhiệt tình với đức tin[8].
Như vậy, giáo dục đức tin là
cuộc gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa, đối thoại với Ngài, cảm nhận được tình yêu
của Ngài để rồi sống và loan báo niềm vui được yêu thương cho anh chị em xung
quanh.
2. Bảy bước căn bản
của phương pháp Khai tâm Kitô giáo[9]:
Trong Huấn giáo, cuộc gặp gỡ
Thiên Chúa được xem là những bước trong tiến trình khai tâm Kitô giáo. Khai tâm
Kitô giáo chính là mở lòng con người ra đón nhận mạc khải: Thiên Chúa tỏ mình
ra nơi Ðức Giêsu, nhờ Thánh Thần và qua Giáo hội, mà biến cố trọng tâm của kinh
nghiệm Kitô giáo là cái chết và sự phục sinh của Ðức Kitô, để hoán cải đời sống
và hiệp thông trong đời sống mới nơi Ðức Kitô.
Khi áp dụng phương pháp khai tâm
Kitô giáo, người giáo lý viên cần lưu ý bảy điểm sau:
a. Việc khai tâm đòi hỏi sự tự do của con người (chủ động, ý thức và có trách nhiệm[10]): Giáo lý viên phải tôn trọng học viên giáo
lý nhưlà anh chị em trong đức tin trên đường bước theo Ðức Kitô.
b. Việc khai tâm đòi hỏi một lộ trình (lộ trình lâu dài và mạo hiểm): Giáo lý viên là người cùng đi với
học viên trên lộ trình, nhưng người học không thuộc về giáo lý viên. Mặc
dù chia sẻ những kinh nghiệm bản thân về các vấn đề trong cuộc sống cho học
viên, nhưng giáo lý viên phải nhớ “Vai trò riêng biệt của việc dạy giáo lý là
tỏ cho biết Chúa Giêsu Kitô là ai, về đời sống mầu nhiệm của Người, cũng như
trình bày đức tin Công Giáo như là việc bước theo Người”[11]. Lộ trình này được thực hiện dưới tác động
của Chúa Thánh Thần.
c. Việc khai tâm lấy nguồn từ Kinh Thánh (qua đó cho thấy Thiên Chúa luôn hiện diện với con người): Chính
Chúa Thánh Thần ban sự hiểu biết thiêng liêng về Lời Chúa cho người đọc cũng
như người nghe tùy theo sự chuẩn bị tâm hồn[12]. Qua Mạc Khải, Thiên Chúa ngỏ lời và đối
thoại với con người như bạn hữu để họ hiệp nhất với Ngài[13].
d. Việc khai tâm đòi hỏi kinh nghiệm của một truyền thống sống động(cộng đoàn sống đức tin): Cần có sự lưu truyền từ truyền thống,
kinh nghiệm của cộng đoàn và những chứng từ sống động từ các thánh.[14]
e. Việc khai tâm đòi hỏi những bước theo tiến trình giáo lý dự tòng(tiền dự tòng, dự tòng: nhận biết -hoán cải -gia nhập cộng đoàn
-cầu nguyện -sống bí tích -làm chứng cho niềm tin, cảm nghiệm được Chúa yêu và
được nâng đỡ qua giáo lý. Sau khi thấm nhuần tình yêu và ân sủng, sẽ đem tình
yêu và ân sủng Chúa đến cho anh chị em).
f. Việc khai tâm đòi hỏi một động lực của sự chọn lựa (đáp trả tình yêu và ân huệ của Thiên Chúa qua cuộc Tử Nạn và Phục
Sinh của Ðức Kitô, bằng sự tín thác vào Chúa và sống đời sống luân lý Kitô giáo
và yêu thương anh em).
g. Việc khai tâm đòi hỏi một sự cởi mở đối với sự da dạng văn hóa (“-đánh giá cao về phương tiện truyền thông đại chúng, tùy theo chức
năng chuyên biệt của truyền thông mà giữ sự quân bình giữa ngôn ngữ hình ảnh và
ngôn ngữ lời nói ; - bảo vệ ý nghĩa tôn giáo đích thực ; khuyến khích
việc tạo nên phương tiện huấn giáo dành cho việc truyền thông đại chúng”[15], nhằm khám phá căn tính của mình và tìm ra ý
nghĩa cuộc sống để dẫn đưa đến tương quan mới trong thời khoa học hiện đại,
nghệ thuật…).
3. Tình hình chung
hiện nay
a. Thuận lợi:
Giáo lý viên: Nhìn chung, việc giáo dục đức tin tại các giáo phận đã được tổ chức
một cách hệ thống tương đối chặt chẽ. Có nhiều yếu tố tích cực: Đội ngũ giáo lý
viên đông, việc huấn luyện giáo lý viên dần dần có quy trình rõ ràng, trình độ
giáo lý viên nâng cấp bằng những khóa thần học tại các giáo phận. Nhiều nơi các
cha xứ mời các chuyên viên giáo lý để tổ chức các khóa huấn luyện nhằm giúp
giáo lý viên học tập và đào sâu sự hiểu biết về giáo lý. Riêng tại giáo phận
Kontum việc đào tạo các giáo phu để dạy giáo lý cho các dân tộc thiểu số cũng
được quan tâm. Việc dạy giáo lý có nhiều khởi sắc. Phần đông, anh chị em giáo
lý viên đã cố gắng ứng dụng các phương pháp quy nạp, diễn giải hoặc trực giác
vào giờ dạy giáo lý. Một số nơi vẫn áp dụng phương pháp giáo lý hỏi -thưa.
Phương pháp hỏi -thưa rất thích
hợp cho người bình dân, bởi vì phương pháp này không nhằm giải thích toàn bộ
tín điều Kitô giáo, hay giải thích những điều cao siêu, nhưng là dạy cho các
tín hữu những mầu nhiệm đức tin, những luật lệ và truyền thống của Giáo Hội
Công Giáo mà họ phải theo. Phương pháp này đã được một số đông anh chị em giáo
lý viên phối hợp thêm những phương pháp khác như: diễn giải, chủ động… để giờ
học được sinh động và bản thân người học được tham gia tìm hiểu Lời Chúa, cũng
như đưa ra những điều cần thực hiện trong cuộc sống của mình.
Học viên: Các học viên tham gia rất đông và theo hạng tuổi, đa số là các em
thiếu nhi và thiếu niên. Ngoài ra một số nơi đã tổ chức cho giới thanh niên và
trưởng thành cũng như các thành viên trong các hội đoàn Công giáo. Các lớp giáo
lý dự tòng và giáo lý hôn nhân cũng được tổ chức thường xuyên tại một số giáo
xứ.
b. Khó khăn:
· Giáo lý viên: Tình trạng di dân
ảnh hưởng đến nhân sự dạy giáo lý tại các giáo xứ. Một số rất đông thanh thiếu
niên rời bỏ làng quê lên thành phố sinh sống đã tạo ra một lỗ hổng trong động
ngũ giáo lý viên vùng nông thôn. Ngoài ra, một số giáo lý viên thiện nguyện
chưa được đào tạo chuyên môn đầy đủ cũng ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy
giáo lý. Hơn nữa, giáo lý viên cũng đối diện với gánh nặng giáo huấn trước sự
thờ ơ của gia đình học viên hoặc sự thiếu quan tâm tạo điềukiện cho việc dạy
giáo lýcủa một số cha xứ. Giáo lý viên cảm thấy nặng nề khi thi hành nhiệm vụ
cao cả này. thêm vào đó, một số giáo lý viên chưa nhận thức đủ vài trò huấn
giáo của chính họ, nên họ dạy giáo lý với thái độ thất vọng, thiếu nhiệt huyết,
thiếu niềm vui và hy vọng khi trình bày về Chúa. Thậm chí, có những giáo lý
viên thiếu đời sống chứng tá tông đồ, điều không thể thiếu nơi người làm công
tác giáo dục đức tin. Điều này gây ra những hậu quả nghiêm trọng đôi khi dẫn
đến phản chứng. Chính Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã khẳng định: “Con người thời
nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn nghe những thầy dạy, và nếu họ có nghe
những thầy dạy thì đó là vì những thầy dạy này là những chứng nhân”[16]. Về phương pháp, giáo lý viên đã áp dụng
sáng tạo những phương pháp và kỷ thuật mới vào tiết học. Tuy nhiên có nhiều
giáo lý viên quá chú trọng đến hình thức nhưng thiếu quan tâm đến nội dung bài
học. Từ đó dẫn đến hiệu quả của giờ dạy giáo lý chưa cao.
· Học viên: Một số người cho
rằng: học giáo lý để giữ đạo; chỉ cần lãnh các bí tích cần thiết là đủ. Vì vậy
rất nhiều bạn trẻ hài lòng với vốn liếng giáo lý “Xưng tội, Rước lễ, Thêm sức”.
Họ không chịu tìm hiểu và học hỏi thêm về đời sống đức tin nhờ đó họ sẽ trưởng
thành hơn trong đời sống đức tin. Chính đức tin có thể giúp họ đứng vững trong
một xã hội mà vật chất đang chiếm ưu thế.
· Ảnh hưởng cách giáo dục xưa: Người
Việt
· Ảnh hưởng của xã hội thiếu tôn trọng sự
thật: Bản chất con người luôn hướng về sự thật. Khi con người không
tôn trọng và bóp méo sự thật, con người sẽ trầm mình trong dối trá. Điều này
gây ra những hậu quả khôn lường cho người khác cũng như chính đương sự. Trong
một xã hội mà sự gian dối xảy khắp nơi đến mức báo động, không chỉ nơi thương
trường mà cả nơi học đường, những người làm công tác giáo dục đức tin cần quan
tâm đặc biệt đến giáo dục lòng yêu mến sự thật.
Thật vậy, việc giáo dục sự thật
và ý nghĩa cuộc sống sẽ giúp đào luyện cho cá nhân khả năng sống một cách sung
mãn, cống hiến phần độc đáo của mình cho lợi ích chung, và giúp họ có một đời
sống trưởng thành trong đức tin. Tin vào Thiên Chúa đồng nghĩa với việc khước
từ một cuộc sống bình lặng. Những người tin vào Thiên Chúa phải có một tương
quan sâu xa vào Ngài, như thân cây chỉ có thể sống trong giông bão nếu rễ của
nó đã đâm sâu và mạnh vào lòng đất, người có niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa
cũng có khả năng vượt qua thách đố của cuộc đời.
Giáo dục sự trưởng thành đức tin
rất quan trọng. Một soeur đã chia sẻ như sau: Có một cậu bé học viên được soeur
dạy giáo lý tại giáo xứ. Sau một thời gian, soeur đi tu và giúp xứ ở những nơi
khác nên không gặp lại em. Khi về phép trong dịp xuân năm 2010, ba của soeur đã
nói với soeur cậu bé năm xưa muốn gặp và nói chuyện với soeur. Được soeur đồng
ý, em đã gặp và thông báo cho soeur biết rằng mùa hè này em sẽ thi vào chủng
viện, và em đã xin soeur cầu nguyện cho em. Em thêm rằng: nếu thi không đậu vào
chủng viện, em sẽ khó có thể sống tốt được trong xã hội ngày nay. Em đã lo ngại
khi làm việc chung với những người không sống thật, từ từ em sẽ nên giống họ.
Soeur đã lắng nghe và khuyên bảo em nhiều điều. Trường hợp này làm cho soeur
suy nghĩ nhiều về cách thức giáo dục đức tin của mình khi dạy giáo lý. Soeur
nhận ra rằng soeur đã chưa làm tròn trách nhiệm của giáo lý viên. Soeur chưa
giúp cho đức tin của học viên trưởng thành đủ mạnh để đương đầu với những thách
đố và đứng vững trong xã hội hôm nay.
Cũng như bao nhiêu giáo lý viên
khác, soeur đặt lại vấn đề về phương pháp dạy giáo lý thực hành và mong muốn
thay đổi cách thực hành cho có hiệu quả.
4. Hướng giải
quyết
Qua một số dẫn chứng về thuận
lợi và khó khăn trong chương trình giáo dục đức tin hiện nay, chúng ta nhận ra
một lỗ hổng khá lớn cần khắc phục cả nơi người dạy lẫn người học giáo lý. Tuy
nhiên, phạm vi bài chia sẻ này chỉ lưu ý đến những điểm cần khắc phục nơi người
dạy.
Nhìn chung còn nhiều giáo lý
viên chưa được huấn luyện đầy đủ về:
a. Kiến thức thần học
Để dạy giáo lý đạt kết quả tốt,
giáo lý viên cần phải có kiến thức thần học vững chắc.
b. Nguyên tắc sư phạm và tâm lý
Để biết cách truyền đạt hữu
hiệu, giáo lý viên cần phải hiểu biết và ứng dụng thành thạo những nguyên tắc
sư phạm và tâm lý. Với sự phát triển các phương tiện nghe nhìn, giáo lý viên
nên học hỏi ứng dụng công nghệ mới đểgiúp cho buổi học sinh động hơn. Tuy
nhiên, khi sử dụng các phương pháphiện đại vào giáo lý, người dạy giáo lý phải
biết chọn lọc và phải nhằm mục đích thiêng liêng. Chính Ðức Giáo Hoàng
Bênêdictô XVI đã lưuý:“Nếu tiến bộ kỷthuật không đi đôi với tiến bộ trong giáo
dục đạo đức conngười, trong sự tăng trưởng con người nội tâm, thì đó chẳng phải
là sự tiến bộ, nhưng là một mối đe dọa đối với con người và thế giới.”[17]
c- Niềm tin và xác tín niềm tin vào Thiên Chúa
Ðiều thiết yếu là giáo lý viên
phải có kinh nghiệm cá nhân với Thiên Chúa một cách sâu sắc. Bằng cách lắng
nghe Lời Chúa mỗi ngày, giáo lý viên đi sâu vào cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa,
gặp gỡ Ngài trong cử hành Thánh Thể, cảm nghiệm tình yêu tha thứ của Ngài nơi
Bí Tích Hòa Giải và sống chan hòa tình bác ái với mọi người.
Ngoài ra, khi muốn thay đổi cách
thức truyền đạt, giáo lý viên phải quy về Phúc Âm và giáo huấn đức tin để xét
lại: Trước hết,
cần phân biệt đâu là chân lý đức tin (bất biến), và những ý kiến riêng của các
nhà thần học hay trường phái thần học đang trên đường nghiên cứu học hỏi[18]. Thứ đến là điều gì là cái có thể thay đổi
theo thời gian? Kế
tiếp là điều gì không phải là thành tố thiết yếu? Cuối cùng, điểm
quyết định là phải có sự phân định đúng nghĩa (muốn có một giải pháp mới cần có
sự phân định đúng đắn: xem, xét, làm).
Tóm lại, cho dù áp dụng bất cứ
phương pháp nào, giáo lý viên cần phải biết cách nội tâm hóa và đi theo một
luật cơ bản là trung thành với Thiên Chúa và trung thành với conngười[19].
Trung thành với
Thiên Chúa: là trung thành với Lời Chúa. Tài liệu
Hướng Dẫn Tổng Quát việc Dạy Giáo Lý nhấn mạnh: “Không có việc rao giảng Tin
Mừng thực sự nếu danh tánh, giáo huấn, đời sống, các lời hứa, Nước Trời, mầu
nhiệm của Chúa Giêsu Nagiarét, Con Thiên Chúa, không được loan báo. Ngay cả
những người đã là môn đệ của Ðức Kitô cũng cần được Lời Chúa thường xuyên nuôi
dưỡng, để đời sống Kitô hữu của họ được tăng trưởng.”[20]
Trung thành với con
người: khi nói đến con người, giáo lý viên cần
quan tâm đến một con người cụ thể, trong một hoàn cảnh cụ thể. Giáo lý viên cần
hiểu biết tâm lý lứa tuổi, hoàn cảnh sống và nhu cầu của học viên để có thể
giúp họ nhận ra ý nghĩa của Lời Chúa trong đời sống thường ngày. Nhất là giáo
lý viên phải giúp học viên ý thức và chịu trách nhiệm về đời sống cá nhân của
chính học, tránh tình trạng học tập một cách thụ động.[21]
Hy vọng sự ý thức và những nỗ
lực sáng tạo của các giáo lý viên trong chương trình giáo dục đức tin sẽ giúp
xã hội thăng tiến và phù hợp với tinh thần của Tin Mừng.
[1]Bênêdictô XVI, Thiên Chúa và trần thế,
tr. 29.
[2]Bênêdictô XVI, ibid, tr.
33-34.
[3]Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về
Mặc Khải Dei Verbum số 7tt.
[4]Hướng dẫn Tổng Quát việc dạy
Giáo lý, số 80.
[5]Tài liệu “Thượng Hội Ðồng Giám
Mục thế giới thường niên lần XII”, số 19.
6ÐGH Bênêdictô XVI, Ánh sáng thế gian,
nhà xuất bản tôn giáo, tr. 174.
7 ÐGH Bênêdictô XVI,
ibid,
tr. 180.
[8]Tài liệu “Thượng Hội Ðồng Giám
Mục thế giới thường niên lần XII”, số 10.
9 Texte national
pour l’orientation de la catéchèse en
10 Hướng dẫn Tổng Quát
việc dạy Giáo lý, số 167.
11 Hướng dẫn Tổng
Quát việc dạy Giáo lý, số 41.
[12]Giáo Lý Công Giáo, số 1101.
13 Công Ðồng
Vaticanô II, Dei Verbum, số 2.
14Hướng dẫn Tổng
Quát việc dạy Giáo lý, số 95.
15Hướng dẫn Tổng
Quát việc dạy Giáo lý, số 209.
[16]Phaolô VI, Tổng Huấn Evangelii
nuntiandi (8-12-1975) 41: AAS 68 (1976) 31, 32
[17] ÐGH Bênêđictô XVI, Thông
điệp Spe Salvi, số 22.
[18]Catechesi Tradendae, số 61.
[19]Tài liệu “Thượng Hội Ðồng Giám
Mục thế giới thường niên lần XII”, số 14.
[20]Hướng Dẫn Tổng Quát việc dạy
Giáo lý, số 50.
[21] X. Hướng Dẫn Tổng Quát
việc dạy Giáo lý, số 167.