I. TIẾN TRÌNH DỰ TÒNG
Tiến trình khai tâm Kitô giáo chú
ý đến những bước tiến tuần tự từ việc huấn luyện đến việc tham gia vào mầu
nhiệm cứu độ, tiến trình này đã được tài liệu của Thánh bộ Phụng tự gọi là Nghi thức khai tâm Kitô
giáo dành cho người lớn mô tả một cách chính xác và có giá trị qui
phạm cho những ai muốn trở thành Kitô hữu. Chúng ta cùng xem xét những yếu tố
cơ bản và những thực hành trong mỗi giai đoạn.
1. Những nguyên tắc
qui phạm của Nghi thức khai tâm Kitô giáo
dành cho người lớn
Những nguyên tắc chính yếu của Nghi thức khai tâm Kitô
giáo của người lớn dựa trên mô hình huấn luyện Kitô hữu theo bốn
điểm nhấn sau:
- Việc loan báo Tin Mừng là
việc ưu tiên cần thiết;
- Sự liên hệ giữa việc khai
tâm với cộng đoàn Kitô hữu;
- Mối liên kết chặt chẽ và
có tổ chức giữa ba bí tích khai tâm: Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể;
- Sự khai dẫn vào năm phụng
vụ mà trọng tâm là việc cử hành “ngày Chúa Nhật (dies dominicus)”.
Các nghi thức gia nhập Kitô giáo thích
ứng với con đường thiêng liêng của người lớn. Con đường này rất đa diện, tùy
thuộc vào nhiều hình thức khác nhau của ơn Chúa, tùy thuộc sự cộng tác tự do
của các đương sự, tùy hoạt động của Hội thánh và hoàn cảnh thời gian cũng như
văn hóa địa phương của mỗi ứng viên. Trên con đường này, ngoài thời gian tìm
hiểu và trưởng thành, người dự tòng phải tiến dần từng ‘giai đoạn’ tựa những
nấc thang và đòi hỏi phải trải qua ‘những thời gian’ cần thiết cho việc tìm
hiểu và trưởng thành (NGKL, 5-6).
Thật vậy, việc gia nhập Kitô giáo không
chỉ là một điểm đến mà là một tiến trình, trải qua ba giai đoạn được hình thành
trong bốn thời (gian) liên tiếp. Chúng ta cùng xem xét ở phần dưới đây.
2. Ba giai đoạn khai
tâm Kitô giáo
Đây là ba giai đoạn quan trọng của tiến
trình gia nhập Kitô giáo. Mỗi giai đoạn đều được biểu thị bằng một nghi thức
phụng vụ: giai đoạn thứ nhất có nghi thức tiếp nhận người dự tòng, giai đoạn
thứ hai có nghi thức tuyển chọn và giai đoạn thứ ba có việc cử hành các bí
tích.
- Giai đoạn thứ nhất là khi đương
sự khởi đầu việc trở lại, muốn tòng giáo và được Hội Thánh nhận làm người dự
tòng;
- Giai đoạn thứ hai là khi đương
sự đã có lòng tin khá vững, và đã gần xong thời dự tòng, được chấp nhận để tích
cực chuẩn bị lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo;
- Giai đoạn thứ ba là khi
đương sự đã được chuẩn bị chu đáo về mặt thiêng liêng để lãnh nhận các bí tích,
bắt đầu đời sống Kitô hữu.
3. Bốn thời gian dành
cho việc khai tâm Kitô giáo
Bốn thời gian hay bốn giai đoạn làm
thành hành trình hay tiến trình khai tâm Kitô giáo, bao gồm: thời gian tiền dự
tòng, thời gian dự tòng, thời gian thanh tẩy và soi sáng, thời gian nhiệm huấn.
1) Thời gian tiền dự tòng
Đây là thời gian khởi giảng Tin Mừng và
chuẩn dự tòng. Thời gian này sẽ chấm dứt khi đương sự gia nhập bậc dự tòng (xem
cử hành gia nhập dự tòng).
a) Thời gian này kéo dài
trong bao lâu?
Thời gian dành cho giai đoạn tiền dự
tòng tùy thuộc vào ân sủng của Thiên Chúa và sự cộng tác của mỗi ứng viên. Vì
thế không thể ấn định một cách tiên thiên cho hành trình huấn luyện này, cũng
không thể ấn định trước ngày kết thúc. Trong suốt thời gian của tiến trình khai
tâm Kitô giáo, nhất là trong giai đoạn đầu tiên này, cần có sự linh động, uyển
chuyển, thích nghi, kiên nhẫn chờ đợi và tôn trọng tự do cũng như thời gian
tăng trưởng nơi mỗi ứng viên. Ước mong là thời gian tiền dự tòng nên kéo dài
một vài tháng để bảo đảm cho một chọn lựa đầy trách nhiệm, một đức tin chân
thực và một sự hối cải đích thực đầu tiên.
b) Mục đích của thời gian
này là gì? Nhắm đến những ai?
Thời gian này nhằm giúp cho việc mở ra
và sẵn sàng đón nhận ơn đức tin, đồng thời giúp thỉnh nhân bày tỏ khuynh hướng
chọn lựa sống theo Tin Mừng.
Việc chăm sóc mục vụ hướng đến những
người có thiện cảm (với đạo công giáo) nhằm cống hiến một sự đón tiếp huynh đệ
chân thực, đầy nhiệt tình nhân bản, cũng như sự quan tâm đến cuộc sống và lịch
sử cá nhân của mỗi người, can đảm và xác tín đề nghị sống Tin Mừng với họ, tuy
nhiên cũng cần kiên trì chờ đợi. Trong giai đoạn này đòi hỏi sự chú ý đến nét
văn hóa và tôn giáo của đương sự (họ đến từ đâu, thuộc thành phần nào, lối sống
nào, tôn giáo nào…), để biết rõ lý do và động lực thúc đẩy họ tìm đến đạo công
giáo để có cách loan báo Tin Mừng phù hợp với những mong đợi và vấn đề của họ.
c) Ai đón tiếp? Đón tiếp như thế
nào?
Đây là lần đầu tiên cộng đoàn giáo xứ
được mời gọi dấn thân cho việc cổ võ một hoạt động truyền giáo xứng hợp để làm
chứng đời sống Kitô hữu, để gặp gỡ những người còn ở xa đức tin tiến gần đến
Đức Kitô, để cổ võ những bước đầu tiên trong đức tin của họ. Vì thế, bên cạnh
sự đón tiếp cá nhân thì đây cũng là cơ hội mà cộng đoàn Kitô giáo đón tiếp
người có ý định tìm hiểu đức tin. Giai đoạn này không có một nghi thức đặc biệt
nào, nhưng người muốn tìm hiểu đạo sẽ được cha xứ giới thiệu trong một buổi họp
của cộng đoàn, buổi họp này gồm có người đồng hành, các giáo lý viên, bạn bè
hoặc người thân, một vài thành viên của giáo xứ…Người tìm hiểu được ân cần đón
tiếp trong tình huynh đệ, trong bầu khí thân thiện, đối thoại và cầu nguyện.
Trong lúc này cha xứ có thể giao người tìm hiểu cho giáo lý viên phụ trách việc
rao giảng Tin Mừng đầu tiên.
d) Ai là những người có trách
nhiệm trong giai đoạn này?
Lộ trình huấn luyện trong thời kỳ đầu
tiên của việc khai tâm Kitô giáo là sự huấn luyện cá nhân, vì thế cần thích
nghi với hoàn cảnh xã hội, văn hóa và tôn giáo của từng người. Giáo lý viên và
vị chủ chăn có một vị trí quan trọng trong việc gặp gỡ cá nhân này với mục đích
giúp ứng viên phân định việc chọn lựa Kitô, để khích lệ, soi sáng và nâng đỡ
hành trình khai tâm đức tin của họ. Cha xứ là người có nhiệm vụ và quyền hạn
đầu tiên để kiểm chứng và cải chính những động lực theo đạo của người mới tìm
hiểu.
Sự đồng hành của người bảo lãnh và của
giáo lý viên, những buổi gặp gỡ giữa ứng viên với vị linh mục, thầy phó tế, với
các gia đình Kitô hữu và với những đoàn thể, các nhóm Kitô hữu trong giáo xứ là
những kinh nghiệm khác nhau và bổ sung cho nhau trong việc tăng trưởng đời sống
tâm linh của người ước muốn trở thành Kitô hữu. Thật vậy, những cuộc gặp gỡ này
giúp làm sáng tỏ và thúc đẩy việc chọn lựa Kitô giáo, là những cơ hội đối chiếu
và đối thoại về những nội dung và cách sống theo Tin Mừng, trở thành sự nâng đỡ
và khích lệ hướng đến hành trình hoán cải, trợ giúp việc khám phá Thiên Chúa
trong cầu nguyện và gặp gỡ, hình thành những kinh nghiệm khởi đầu về cộng đoàn
Kitô hữu. Toàn thể Dân Thiên Chúa, cùng dấn thân để hỗ trợ hành trình tìm kiếm
của những người tìm hiểu thông qua việc làm chứng, việc đón tiếp và lời cầu
nguyện.
e) Đâu là những nội dung cơ bản
của việc loan báo Tin Mừng đầu tiên?
Nét cơ bản của giai đoạn này là việc
loan báo đầu tiên một cách rõ ràng sứ điệp cứu độ. Vì vậy, tiền dự tòng là thời
gian của việc loan báo Tin Mừng, với mục đích dẫn đưa, bằng sự trợ giúp của
Thánh Thần, những người chưa phải là Kitô hữu đến một đức tin chân thực đầu
tiên-gắn bó với Thiên Chúa trong Đức Kitô, dẫn đến sự hoán cải tiên khởi, đến
sự thấu triệt những yếu tố đầu tiên về giáo huấn Kitô giáo, đồng thời làm chín
muồi ước muốn theo Chúa Kitô và ước muốn xin chịu phép Rửa một cách nghiêm túc.
Đây là thời gian của việc “loan báo đầu tiên”, của việc loan báo “tin vui”, đó
là loan báo về Thiên Chúa hằng sống, về Đức Kitô đã chết và sống lại và về ơn
cứu độ của Người.
Trong việc loan báo đầu tiên này không
thể thiếu một số nội dung cơ bản: Đức Giêsu Kitô là người thật và là Thiên Chúa
thật, là Đấng mạc khải về Chúa Cha, về tình yêu và ơn cứu độ của Ngài, về tình
yêu vô bờ của Ngài đối với những người bé nhỏ, người nghèo và người tội lỗi, về
cái chết và sự sống lại của Ngài cho chúng ta, lời hứa ban Thánh Thần, sự hiệp
thông và tình huynh đệ giữa những người gắn kết với Ngài, sự cần thiết tin
tưởng vào Ngài để có sự sống đời đời. Những điều này có thể thực hiện tùy mức
độ ứng viên tiếp cận với Tin Mừng như thế nào.
f) Huấn luyện theo phương
pháp nào?
Việc huấn luyện trong giai đoạn đầu tiên
này là loan truyền những nội dung của việc loan báo Tin Mừng đầu tiên, điều này
đòi hỏi một sự thích nghi xứng hợp với điều kiện của mỗi người: trình độ giáo
dục và văn hóa, điều kiện tinh thần, những hoài nghi và định kiến. Nhất là phải
phân biệt việc trình bày sứ điệp Kitô giáo theo cách mà người tìm hiểu đến từ sự
vô tín, từ một tôn giáo độc thần, từ các tôn giáo khác nhau, từ những phong
trào tôn giáo hay các giáo phái khác.
Cử hành gia nhập dự tòng
Chỉ khi ứng viên đã đạt đến một sự khởi
đầu xứng hợp, nghĩa là có biểu hiện trưởng thành về mặt tinh thần và thể hiện
một ước muốn nghiêm túc được trở nên tông đồ của Đức Kitô và có ý muốn xin chịu
phép Rửa, thì người ấy mới được công khai tiếp nhận như một người dự tòng: qua
nghi thức gia nhập dự tòng “những người ứng viên bày tỏ ước muốn của mình với
Giáo Hội và Giáo Hội…đón nhận những người có ước muốn trở nên thành viên của
mình” (NGKL, 14).
Cũng có thể ứng viên bày tỏ chọn lựa của
mình với cha xứ hoặc với Giám Mục giáo phận để được ghi danh trở thành Kitô
hữu, với ước muốn hoàn toàn tự do, xác định những động lực và trách nhiệm đào
sâu sự huấn luyện để lãnh nhận Bí tích Rửa tội.
Trước khi cử hành nghi thức gia nhập đòi
hỏi ứng viên phải hội đủ điều kiện, nghĩa là được kiểm định về những lý do chọn
lựa trở thành Kitô hữu, nhất là sự trưởng thành tâm linh theo những đòi hỏi của
Nghi thức gia
nhập Kitô giáo dành cho người lớn. Sự thẩm định thuộc về trách
nhiệm của cha xứ, với sự giúp đỡ của người bảo lãnh, giáo lý viên và các thầy
phó tế. Điều này được thực hiện theo cách thức và những tiêu chuẩn cụ thể của
việc đánh giá mà bộ phận chăm lo cho người dự tòng của giáo phận đề nghị.
Nghi thức gia nhập dự tòng “bao gồm việc
đón tiếp các ứng viên, phụng vụ lời Chúa và giải tán” (NGKL, 72). Sau khi đón
tiếp, các ứng viên nhận dấu Thánh giá trên trán và trên các giác quan, biểu
tượng bảo vệ của Đức Kitô và là dấu chỉ Giáo Hội đầu tiên của sự trực thuộc
Thiên Chúa. Kết thúc phần phụng vụ lời Chúa là nghi thức trao sách Tin Mừng,
biểu thị lời mời gọi người dự tòng lắng nghe lời Chúa và làm theo lời chỉ dạy
đó trong chính cuộc sống của mình. Nên cử hành nghi thức này giữa cộng đoàn
hoặc giữa những người trong gia đình, bạn bè, giáo lý viên và các vị chủ chăn.
(còn tiếp).
Md Phạm Thúy
Ban Giáo lý Tgp Tp.HCM