GIÁO HỘI KITÔ, BÍ TÍCH CỦA ƠN SIÊU ĐỘ

(giaolyductin.org08/03/13, 7:56 pm)

Để có thể nắm bắt được vấn đề nầy, có 3 vấn đề cần phải giải quyết :

(1)  Về hạn từ và khái niệm “Bí Tích”;

(2)  Về khái niệm “Siêu Độ”;

(3)  Giáo Hội, Thân Mình của Đức Kitô, Bí Tích của Ơn Siêu Độ.

I- VỀ HẠN TỪ VÀ KHÁI NIỆM BÍ TÍCH

Từ Điển của Paulus Huỳnh Tịnh Của, xuất bản năm 1896, định nghĩa hạn từ Bí Tích là “DẤU NHIỆM”, nhằm phản ảnh hạn từ Hy ngữ “mysterion” mà đã được La ngữ chuyển dịch ra thành hai hạn từ : a) “sacramentum” (= serment), để được gia nhập vào một tổ chức hay một hội kín nào đó, người ta phải có lời cam kết thề nguyền qua một nghi thức nào đó với những cử chỉ được qui định nào đó ; b) “mysterium”, là một mầu nhiệm tôn giáo (“mysterium”), tức là một dấu chỉ linh thánh dẫn đưa người ta đến được một thực tại ẩn dấu nào đó…

Trong Tân Ước, trong cùng lúc vừa có nghĩa đó là hành vi tiết lộ một bí mật (mysterium) [“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” (Lc 10, 22)]; vừa có nghĩa đó là kế đồ bí mật của Thiên Chúa (sacramentum) [“Đức Giêsu đáp : ‘Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không.” (Mt 13, 11)].

Nơi Phaolô, Bí Tích được hiểu như là mặc khải một mầu nhiệm. Khái niệm bí tích ở đây đề cao sự hiểu biết và, vì thế, đề cao sự hiện thực hóa, sự hoàn tất kế đồ của Thiên Chúa.

-   Ep 1, 9 : “Ngài cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý nầy là kế hoạch yêu thương Ngài đã định từ trước trong Đức Kitô.”

-   Ep  3, 9  : “… và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài. Mầu nhiệm nầy đã được giữ kín từ muôn thưở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật.”

Khởi đi từ thế kỷ IV scn, cùng với Justinô và Augustinô, cả hai từ đó đều nhằm để diễn đạt một thực tại mà thôi : “kế đồ vĩnh hằng và thần linh được tỏ bày và được hiện thực nơi chính ngôi vị Đức Giêsu” (Justinô); “mầu nhiệm của Thiên Chúa không là gì khác ngoài Đức Kitô” (Thánh Augustinô).

Thế kỷ XII, Hugues de Saint Victor ghi dấu ấn của mình trong lịch sử thần học bí tích với việc ấn định ba yếu tố cấu thành bí tích : “Bí tích phải có đặc tính là một dấu chỉ, được thiết lập bởi Đức Kitô, thánh hóa qua ân sủng mà nó mang trong mình”.

Việc sử dụng từ bí tích để chỉ “bảy” bí tích chỉ mới xuất hiện ở thế kỷ XII. Từ bí tích ngày càng được dành để chỉ riêng 7 thực tại liên quan đến bảy bí tích mà thôi,  đến độ làm lu mờ đi chính sự kiện tạo ra nền tảng cho bảy bí tích nầy, đó là vai trò mang tính bí tích của Ngôi Lời nhập thể và Giáo Hội.” (P. Woillez, 2009, Mystère et sacrement).

Về khái niệm Bí Tích, nói chung, Sách GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (từ nay sẽ được viết tắt là GLHTCG) sử dụng lại quan điểm của Justinô và Thánh Augustinô : “Từ mysterion trong tiếng Hy Lạp được dịch sang tiếng La tinh bằng hai từ là mysterium (mầu nhiệm) vàsacramentum (bí tích).. Trong cách giải thích về sau nầy, từ sacramentum (bí tích) diễn tả dấu chỉ hữu hình của thực tại ẩn dấu của ơn cứu  độ, thực tại ẩn dấu đó được diễn tả bằng từmysterium (mầu nhiệm). Theo nghĩa nầy, chính Đức Kitô là mầu nhiệm của ơn cứu độ : ‘Mầu nhiệm của Thiên Chúa không là gì khác ngoài Đức Kitô’.” (GLHTCG, 774).

Công trình siêu độ do nhân tính thánh thiện và có sức thánh hóa của Đức Kitô thực hiện là bí tích của ơn siêu độ. Bí tích nầy được biểu lộ và hoạt động trong các bí tích của Giáo Hội (mà các Giáo Hội Đông phương cũng gọi là các ‘mầu nhiệm thánh’). Bảy bí tích là những dấu chỉ và là những dụng cụ Chúa Thánh Thần dùng để tuôn đổ ân sủng của Đức Kitô là Đầu, trên Giáo Hội là là Thân Thể của Ngài. Như vậy, Giáo Hội chứa đựng và truyền thông ân sủng vô hình mà mình là dấu chỉ. Trong ý nghĩa loại suy nầy, chính Giáo Hội được gọi là một ‘bí tích’.” (GLHTCG 774).

II- VỀ KHÁI NIỆM “SIÊU ĐỘ”

Khi khẳng định “Chính Đức Kitô là mầu nhiệm của ơn siêu độ” (GLHTCG, 774), Sách GLHTCG cho chúng ta thấy toàn bộ con người và cuộc đời của Đức Giêsu-Kitô là mầu nhiệm siêu độ. Như vậy, ơn siêu độ trong cùng lúc vừa như là một Ngôi Vị mà con người cần có tương quan với (chính Đức Giêsu-Kitô, Con và Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, và qua Ngài, với Thiên Chúa-Ba Ngôi), vừa như là một Ân Sủng được ban cho (trong Đức Giêsu-Kitô, con người được thông phần sự sống vĩnh hằng, tư cách là con Thiên Chúa và là anh em của mọi người).

Vì thế, được siêu độ có nghĩa là được “ở trong Đức Giêsu-Kitô” và được “Đức Giêsu-Kitô ở cùng với”, đến nỗi có thể nói được như Phaolô : “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2, 20).

Để có thể cùng “tương ngụ” và “tương tại” (circumincescio) trong nhau với Đức Giêsu-Kitô, con người cần phải tin yêu Ngài, bởi vì chỉ có tình yêu mới có thể khiến cho người ta luôn hiện diện đối với nhau và “ở trong nhau”.

Tất cả những gì chính Ngài đã sống, Đức Kitô làm cho chúng ta được sống những điều đó trong Ngài, và Ngài sống những điều đó trong chúng ta. ‘Khi nhập thể, Con Thiên Chúa một cách nào đó đã nên một với mọi người’ (Gaudium et Spes, 22). Chúng ta được kêu gọi nên một với Ngài; chính Ngài làm cho chúng ta, với tư cách là những chi thể của Thân Thể Ngài, được hiệp thông với những gì Ngài đã sống trong thân thể Ngài vì chúng ta và nên như mẫu mực cho chúng ta.” (GLHTCG  521).

Nếu bí tích là hành vi làm cho mầu nhiệm hay kế đồ của Thiên Chúa-Ba Ngôi trở nên hiện thực, thì Đức Kitô là bí tích duy nhất của Thiên Chúa. /…/ Đức Kitô là sự tỏ bày ơn siêu độ cách hữu hình nơi trần gian. Con người cụ thể đó, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã được Cha đồng ý chọn như là cửa ngõ tiếp cận duy nhất với thực tại siêu độ; Ngài là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người /…/ Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Kitô đã làm cho Thánh Ý Siêu Độ của Cha trở nên hiện thực và hiện diện trong thế gian nầy : Ngài tỏ bày cho thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người và tình yêu của con người đối với Thiên Chúa. /…/ Mầu nhiệm tình yêu của Đức Kitô đối với Cha là nền tảng chắc chắn của sự thông ban ân sủng. Đức Kitô phải thần linh hóa và canh tân đổi mới cách hoàn toàn toàn thể nhân loại, cho đến ngay cả thực tại thân xác của nó.” (P. Woillez).

III-   GIÁO HỘI, THÂN MÌNH CỦA ĐỨC GIÊSU-KITÔ, BÍ TÍCH CỦA ƠN SIÊU ĐỘ :

Ở đây, chúng tôi sẽ cố gắng tiếp cận vấn đề từ ba góc độ : a) Đức Giêsu-Kitô là Đấng siêu độ duy nhất và phổ quát; b) Giáo Hội là Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô; c) Giáo Hội là bí tích của ơn Siêu Độ của Đức Kitô.

III.1 - Đức Giêsu-Kitô, Đấng Siêu Độ duy nhất và phổ quát:

Tuyên ngôn DOMINUS JESUS của Bộ Giáo Lý Đức Tin ban hành ngày 6 tháng 8 năm 2000 đã viết :

 Phải xác tín vững vàng, như một yếu tố kiên định trong đức tin của Giáo Hội, chân lý về Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, là Chúa và là Đấng Cứu độ độc nhất, Đấng qua biến cố nhập thể, tử nạn và phục sinh của mình, đã hoàn thành lịch sử cứu độ, trong đó, Ngài chính là sự sung mãn và là tâm điểm.” (Dominus Jesus, số 13).

 Do đó, phải xác tín vững vàng điều nầy như một chân lý thuộc đức tin công giáo, đó là ý muốn cứu độc phổ quát của Thiên Chúa Duy nhất và Ba Ngôi được ban tặng và hoàn tất một lần là đủ trong mầu nhiệm nhập thể, tử nạn và phục sinh của Con Thiên Chúa.” (Dominus Jesus, số 14).

Và Tuyên Ngôn gửi tới các nhà thần học lời nhắn nhủ nầy :

Khoa thần học ngày nay được mời gọi, trong khi suy tư về sự hiện hữu và về ý nghĩa của những kinh nghiệm tôn giáo khác trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, hãy ghi nhớ định thức đức tin nầy và khám phá xem những dạng thức lịch sử và các yếu tố tích cực của các tôn giáo có nằm trong chương trình cứu rỗi của Chúa hay không và bằng cách nào.” (Dominus Jesus, số 14).

Vấn đề, quả thực, không đơn giản chút nào.

Ở đây, trong tư cách một người con của Giáo Hội, chúng tôi mạo muội chia sẻ với quí vị một vài suy tư mang tính gợi ý sau đây của mình : 

Trong tư cách vừa là Nguyên Lý, vừa là Trung Gian, vừa là Cùng đích của toàn thể Thụ Tạo, đặc biệt, con người (hay loài người), Đức Giêsu, Con và là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, chính là Nguyên Lý, là Trung Gian và là Cùng Đích của toàn thể nhân loại (humanité), hiểu theo nghĩa cá nhân cũng như tập thể.

1- Trên cơ sở mầu nhiệm Sáng Tạo: khi nói con người được tạo dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1, 26-27), thế mà hình ảnh Thiên Chúa chính là Đức Giêsu-Kitô (Cl 1, 15; 2 Cr 4, 4), điều nầy, vì thế, có nghĩa Nguyên Lý hiện hữu và Cùng Đích phải hoàn thành của con người không chỉ là trở nên giống như Đức Giêsu-Kitô mà còn là hiệp nhất nên một với Ngài và trong Ngài…

2- Trên cơ sở mầu nhiệm Ngôi Hiệp: sự hiệp nhất toàn thể nhân loại nên một với Đức Giêsu-Kitô và trong Ngài được dựa trên cơ sở mầu nhiệm Ngôi Hiệp, tức là bởi vì nhân tính (humanité) của Đức Giêsu-Kitô là hiện thân của toàn thể nhân loại mọi nơi và mọi thời, vì thế, khi nhân tính của Ngài được siêu độ, hay được thần linh hóa qua biến cố Thập Giá (Chết và Phục Sinh), điều đó có nghĩa toàn thể nhân loại mọi nơi và mọi thời đều được siêu độ, được thần linh hóa, được giao hòa lại với Thiên Chúa trong Đức Giêsu-Kitô… Đó chính là cơ sở cho thấy tại sao Giáo Hội công giáo trước sau như một vẫn khẳng định Đức Giêsu-Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất và phổ quát giữa Thiên Chúa và loài người và ngược lại, giữa loài người và Thiên Chúa, hay nói cách khác, là Đấng Siêu Độ duy nhất và phổ quát…Và điều đó còn cho thấy tình yêu nhưng không, vô điều kiện, vô vị lợi và vô biên của Thiên Chúa đối với các thụ tạo, đặc biệt, con người, nơi Đức Giêsu-Kitô, Con và Ngôi Lời Thiên Chúa làm người của Ngài…

III.2 - Giáo Hội, Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô

Có thể nói rằng về tương quan giữa Đức Giêsu-Kitô và Hội Thánh, Thánh Phaolô là tác giả có nhiều đóng góp suy tư độc đáo và sâu sắc nhất.

Về tương quan giữa Đức Kitô Giêsu và Giáo Hội, Thánh Phaolô sử dụng hai hình ảnh khá độc đáo : a) Giáo Hội là Thân Thể (hay Thân Mình) của Đức Giêsu-Kitô (Ep 1, 23; Cl 1, 18.24) ; b) Giáo Hội là Hiền Thê của Đức Kitô (2 Cr 11, 2; Ep 5, 25-29; 21, 9).

III.2.A – Giáo Hội là Thân Mình của Đức Kitô Giêsu:

Khi sử dụng hình ảnh nầy, có vẻ như Thánh Phaolô trong cùng lúc muốn nhấn mạnh vừa sự khác biệt giữa nhau vừa sự liên kết hiệp nhất nên một, như tương quan giữa các chi thể của cùng một thân thể.

Về vấn đề nầy, Tuyên Ngôn DOMINUS JESUS sử dụng một số hạn từ mang hơi hám mầu nhiệm ngôi hiệp :

Chúa Kitô và Giáo Hội không thể lẫn lộn với nhau, cũng không thể phân ly nhau, và tạo thành một “Chúa Kitô toàn thể” (Dominus Jesus, số 16).

 “Không thể lẫn lộn với nhau”, bởi vì đó là hai thực thể khác biệt nhau : Đức Kitô và Giáo Hội. “Cũng không thể phân ly nhau”’ bởi vì Đức Kitô và Giáo Hội hiệp nhất với nhau nên một.

Đức Kitô cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh” (Cl 1, 18).

Mà Hội Thánh là thân thể của Đức Kitô, là sự viên mãn của Ngài, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.” (Ep 1, 23).

Ngoài ra, khi gọi Giáo Hội là thân mình của Đức Kitô, trong đó Đức Kitô là “đầu”, có lẽ Thánh Phaolô còn muốn cho thấy có một sự hiệp nhất không chỉ trên cơ sở tương quan mà còn có cái gì đó trên cơ sở “ngôi vị” (personne), điều mà tuyên ngôn DOMINUS JESUS gọi cách mơ hồ là “Chúa Kitô toàn thể” (Dominus Jesus, số 16).

Để bổ sung cho những hình ảnh nầy, Thánh Phaolô còn dùng hình ảnh phu-thê để diễn tả tương quan mật thiết giữa Đức Kitô và Hội Thánh.

III.2.B – Giáo Hội là Hiền Thê của Đức Kitô Giêsu:

Thật thế, vì anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa, bởi tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em cho Ngài như một trinh nữ thanh khiết.” (2 Cr 11, 2).

Trên cơ sở St 2, 24 : “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt (hay một thân xác)”, Thánh Phaolô đã có những suy tư táo bạo và độc đáo về tương quan giữa chồng-vợ và giữa Đức Kitô và Hội Thánh :

Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh…Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Ngài. Sách Thánh có lời chép rằng : Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một thân xác. Mầu nhiệm nầy thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh.” (Ep 5, 24-25.28-32).

Khi nói “Chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình” hay “yêu vợ là yêu chính mình”, Thánh Phaolô làm vọng lại điều mà Đức Giêsu đã nói về tương quan giữa con người với nhau (Mc 12, 33; Mt 19, 19), và về tương quan giữa Đức Giêsu-Kitô và mọi người (xem Mt 25, 40.45). Để có thể cả hai đều “là mình” như thế, cũng như trong mầu nhiệm ngôi hiệp, có hai hành vi diễn ra : a) từ phía Đức Kitô, đó là sự thông truyền cho nhau (communications) và sự nhận nhau là mình (appropriations); b) từ phía con người, đó là sự đón nhận (reception)…

III.2.C – Những hành vi thông truyền cho nhau (communications) và  nhận nhau là mình (appropriations):

Khi nhận nhau là mình, Đức Kitô Giêsu thông truyền cho các thụ tạo những yếu tố đặc thù riêng của Ngài, vốn là Thiên Chúa, và nhận những yếu tố đặc thù của các thụ tạo làm của mình, ngoại trừ tội lỗi (Dt 4, 15) : đó là những hành vi thông truyền cho nhau những yếu tố đặc thù giữa các đối tác trong tình yêu (communication des idiomes).

Đối tượng của những hành vi nầy có thể là :

1-  Một sự vật tầm thường, như tấm bánh miến và chén rượu nho, trong Bí tích Thánh Thể :

Và đang lúc họ ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, chúc tụng, rồi bẻ ra và ban cho họ và nói : ‘Hãy cầm lấy ! Nầy là Mình Thầy’. Đoạn cầm lấy chén, tạ ơn, Ngài ban cho họ và họ uống chén ấy hết thảy. Và Ngài nói với họ : ‘Nầy là Máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì nhiều người…” (Mc 14, 22-24; xem thêm Mt 26, 26-29; Lc 22, 19-20; 1 Cr 11, 23-26).

2-  Một kẻ đi theo Ngài, như một tông đồ hay một môn đệ của Ngài, trong Bí tích truyền chức và đặt tay :

Kẻ tiếp đón các ngươi là tiếp đón Thầy; và kẻ tiếp đón Thầy là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” (Mt 10, 40; Mc 9, 37).

Ai nghe các ngươi là nghe Thầy, và ai thảy bỏ các người là thảy bỏ Thầy, mà ai thảy bỏ Thầy là thảy bỏ Đấng đã sai Thầy.” (Lc 9, 16).

Đức Giêsu nói với ông Phêrô : ‘…Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá nầy, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời : dưới đất, anh cầm buộc điều gì trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16, 17a.18-19).

“…Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói : ‘Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em; anh em hãy làm việc nầy, mà tưởng nhớ đến Thầy. Cũng thế, sau bữa ăn, Ngài cầm lấy chén rượu và nói : ‘Chén nầy là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc nầy, mà tưởng nhớ đến Thầy.” (1 Cr 11, 23b-25).

3-  Tất cả mọi người :

Đức Vua sẽ đáp lại rằng : ‘Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy…Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25, 40.45).

Cũng như trong Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô Giêsu nhận tấm bánh là Thịt của mình và nhận chén rượu là Máu của mình, hay trong Bí tích Truyền chức, Ngài nhận ai đó là mình, cũng vậy, trong mầu nhiệm Giáo Hội, Ngài nhận mọi chi thể là mình : đó là những hành vi nhận nhau là mình giữa Đức Kitô và các thụ tạo nói chung (appropriations).

Các hành vi “thông truyền cho nhau” và “nhận nhau là mình” nầy đều là những hành vi phát xuất từ tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Vấn đề của các thụ tạo là đón nhận những ân huệ nhưng không đó của Thiên Chúa hay không và như thế nào.

III.2.D – Sự đón nhận trong tự do từ phía con người:

Qua mầu nhiệm Thập Giá (chết và Phục sinh), thần tính và nhân tính của Đức Giêsu-Kitô hoàn toàn hiệp nhất nên một trong Ngôi Vị Con, trong cùng lúc toàn thể nhân loại trong nhân tính của Ngài, về mặt cấu trúc hữu thể học, cũng được hiệp nhất với Ngài, được ở trong Ngài, được siêu độ, được hòa giải lại với Thiên Chúa, với nhau và với mình. Đây là ân huệ hoàn toàn nhưng không từ phía Thiên Chúa-Ba Ngôi.

Công trình siêu độ do nhân tính thánh thiện và có sức thánh hóa của Đức Kitô thực hiện là bí tích của ơn siêu độ. Bí tích nầy được biểu lộ và hoạt động trong các bí tích của Giáo Hội (mà các Giáo Hội Đông phương cũng gọi là các ‘mầu nhiệm thánh’). Bảy Bí tích là những dấu chỉ và là những dụng cụ Chúa Thánh Thần dùng để tuôn đổ ân sủng của Đức Kitô là Đầu, trên Giáo Hội là Thân Thể của Ngài. Như vậy, Giáo Hội chứa đựng và truyền thông ân sủng vô hình mà mình là dấu chỉ. Trong ý nghĩa loại suy nầy, chính Giáo Hội được gọi là một ‘bí tích’.” (GLHTCG 774).

 

Vì là một đối tác tình yêu có tự do, nên con người có thể đón nhận ân huệ nhưng không nầy như thế nào là tùy và điều đó sẽ tạo nên căn tính của nó. Tuy nhiên, cũng như trong quan hệ phụ-tử, dù hoặc do không biết, hoặc do có biết mà người cha có từ con hay người con có từ cha, thì quan hệ phụ-tử giữa họ về mặt huyết tộc vẫn không có gì thay đổi. Trong tương quan của các thụ tạo nói chung, và đặc biệt con người, với Thiên Chúa cũng vậy. Dù con người, với tự do của mình, hoặc do không biết hoặc có ý từ khước hay phủ nhận Thiên Chúa và các công việc của Ngài, thì các tương quan dựa trên cấu trúc hữu thể học giữa Thiên Chúa và các thụ tạo vẫn không có gì thay đổi.

Vai trò của Giáo Hội, Thân Mình của Đức Kitô, ở đây, là làm sao để cho người ta nhận biết được những điều đó, bằng lời rao giảng cũng như bằng những hành động. Ơn đức tin của những người kitô-hữu, của Giáo Hội kitô, như vậy, không hẳn chỉ là đặc ân, mà còn là một sứ vụ.

Đó chính là cơ sở cho việc Giáo Hội, Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô, là Bí tích của ơn Siêu độ.

III.3 – Giáo Hội, Thân Mình của Đức Kitô Giêsu, Bí tích của ơn Siêu độ độc nhất và phổ quát:

Về vấn đề nầy, Tuyên ngôn DOMINUS JESUS viết :

Chúa Giêsu, Đấng Cứu độ độc nhất, không chỉ kiến tạo Giáo Hội như một cộng đồng đơn giản gồm các môn đệ, nhưng đã thiết lập Giáo Hội là một mầu nhiệm cứu rỗi : chính Ngài ở trong Giáo Hội và Giáo Hội ở trong Ngài (x. Ga 15, 1tt; Ga 3, 28; Ep 4, 15-16; Cv 9, 5). Do đó, sự sung mãn nơi mầu nhiệm cứu rỗi của Chúa Kitô cũng thuộc về Giáo Hội, được liên kết bất khả phân ly với Chúa của mình. Thật vậy, Chúa Giêsu-Kitô tiếp tục hiện diện và thực hiện công trình cứu rỗi trong Giáo Hội và bằng các phương thế của Giáo Hội (x. Cl 1, 24-27), là thân thể của Ngài (x. 1 Cr 12, 12-13.27; Cl 1, 18).” (Dominus Jesus, số 16).

Ở đây, có ba vấn đề cần được làm sáng tỏ : a) Đức Giêsu-Kitô “ở trong” Giáo Hội và Giáo Hội “ở trong” Đức Giêsu-Kitô; b) Chúa Giêsu-Kitô tiếp tục hiện diện và thực hiện công trình cứu rỗi trong Giáo Hội và bằng các phương thế của Giáo Hội là thân thể của Ngài; c) Giáo Hội là sự Viên Mãn của Đức Giêsu-Kitô.

III.3.A – Đức Giêsu-Kitô và Giáo Hội “ở trong nhau”:

Những khái niệm “ở trong nhau” không đon giản chỉ được hiểu qua phạm trù không gian, mà đúng hơn cần phải được hiểu qua phạm trù tình yêu. Trong lãnh vực tình yêu, những hạn từ nầy vốn đồng nghĩa với nhau : “là nhau”, “là của nhau”, “hiện diện đối với nhau”, “hiện diện trong nhau”, “có nhau”, “ở trong nhau”, v.v…

Khi viết : “Do đó như đầu và các thành phần của một thân thể sống động, tuy không đồng nhất, nhưng không thể chia cắt nhau, thì cũng thế, Chúa Kitô và Giáo Hội không thể lẫn lộn với nhau, cũng không thể phân ly nhau, và tạo thành một “Chúa Kitô toàn thể”. Tính cách bất khả phân ly nầy cũng được diễn đạt theo ý nghĩa loại suy trong hình ảnh Giáo Hội là Hiền Thê của Chúa Kitô (x. 2 Cr 11, 2; Ep 5, 25-29; 21, 9).” (Dominus Jesus, số 16), hẳn Tuyên Ngôn muốn cho chúng ta hiểu tương quan giữa Đức Kitô và Giáo Hội trong chân trời tình yêu đó.

Thật vậy, kinh nghiệm cho thấy khi người ta yêu nhau thực sự thì người ta luôn hiện diện đối với nhau, luôn có nhau, luôn ở trong nhau, như dân gian thường nói “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng.”. Đó là điều mà trong ngôn ngữ thần học về mầu nhiệm Ba Ngôi, các Giáo phụ vẫn thường gọi là “circumincescio” (“tương tại trong nhau”) hay “inhabitation réciproque” (“tương ngụ trong nhau”).

Thánh Phaolô đã diễn đạt được mối tương quan nầy cách tuyệt vời khi nói : “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2, 20). Liệu Giáo Hội, Thân Mình của Đức Kitô cũng có thể nói : “Chúng tôi sống, nhưng không còn là chúng tôi, mà là Đức Kitô sống trong chúng tôi” ?

III.3.B – Chúa Giêsu-Kitô tiếp tục hiện diện và thực hiện công trình cứu rỗi trong Giáo Hội và bằng các phương thế của Giáo Hội là thân thể của Ngài:

 Khi nói về nhu cầu đối thoại liên tôn và truyền giáo, Tuyên Ngôn DOMINUS JESUS viết :

Trong nỗ lực đối thoại liên tôn, sứ vụ đến với muôn dân (ad gentes) ‘ngày nay và luôn mãi vẫn còn hoàn toàn có hiệu lực và cần thiết’ (Ad gentes, số 7). Thật vậy, ‘Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý’ (1 Tm 2, 4); nghĩa là Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ nhờ nhận biết chân lý. Ơn cứu độ được gặp thấy trong chân lý. Những ai vâng theo sự thúc đẩy của Thánh Thần chân lý thì đã ở trên con đường cứu độ. Nhưng chân lý được ủy thác cho Giáo Hội, nên Giáo Hội phải ra đi để đáp ứng khát vọng của con người, để mang chân lý đến cho họ. Vì tin vào kế hoạch cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, nên Giáo Hội phải truyền giáo. (Giáo lý Hội Thánh Cong Giáo, số 851).” (Dominus Jesus, số 22).

Trước tiên, chúng tôi cần lưu ý ngay rằng việc Tuyên Ngôn số 22  giải thích 1 Tm 2, 4 là hơi tùy tiện, và có nguy cơ làm hạn chế những nội hàm phong phú trong tư tưởng của Thánh Phaolô. Thật vậy, khi thay thế giới từ “” (“et”, “and”) trong 1 Tm 2, 4 bằng giới từ “nhờ” hay “qua”, “bởi” (“par”, “through”), Tuyên Ngôn đã giải thích không chính xác tư tưởng sâu sắc của Thánh Phaolô. Khi sử dụng giới từ “và”, Thánh Phaolô có lẽ muốn cho thấy giữa việc được cứu độ và được nhận ra sự thật không nhất thiết phải là tương quan nhân-quả, có điều kiện, mà đúng hơn là trình tự và cấp độ tương quan. Và đây là một vấn đề rất quan trọng trong suy tư thần học, bởi vì tình yêu của Thiên Chúa luôn là một thứ tình yêu nhưng không, vô vị lợi, vô điều kiện và vô biên.

Để tiện bề theo dõi, chúng tôi mạn phép trích dẫn ra đây phân đoạn quan trọng nầy, theo ba ngôn ngữ :

a-  Bản Pháp ngữ : “En effet, ‘Dieu veut que tous les hommes soient sauvésetparviennent à la connaissance de la vérité’ (1 Tm 2, 4). Dieu veut le salut de tousparla connaissance de la vérité. Le salut se trouve dans la vérité” (Dominus Jesus, 22).

b-  Bản Anh ngữ : “Indeed, God ‘desires all men to be saved andcome to the knowledge of the truth’ (1 Tm 2, 4); that is, God wills the salvation of everyonethroughthe knowledge of the truth. Salvation is found in the truth” (Dominus Jesus, 22).

c-  Bản Việt ngữ tạm thời của UBGLĐT của HĐGMVN : “Thật vậy, ‘Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ nhận biết chân lý’ (1 Tm 2, 4); nghĩa là, Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ nhờnhận biết chân lý. Ơn cứu độ được gặp thấy trong chân lý” (Dominus Jesus, số 22).

Như chúng tôi đã có lưu ý trên đây, qua mầu nhiệm Thập Giá (chết và Phục sinh), Đức Giêsu-Kitô đã làm cho nhân tính của Ngài được thần linh hóa và hiệp nhất nên một trong Ngôi Vị Con của Ngài, và qua nhân tính của Ngài toàn thể nhân loại mọi nơi và mọi thời được siêu độ, được thần linh hóa, được trở nên giống như Thiên Chúa, một lần là đủ. Tình trạng được siêu độ nầy vốn nằm trong cấu trúc hữu thể học của con người, mọi nơi và mọi thời. Sứ mạng của Giáo Hội kitô, vốn không ai có thể thay thế, vì thế, đúng hơn không phải là tạo ra ơn siêu độ mà Đức Giêsu-Kitô đã mang lại một lần là đủ, mà là làm cho người ta nhận biết tình trạng mình được siêu độ đó, và nhận biết Thiên Chúa là Ai, Đức Giêsu-Kitô là Ai và con người cùng các thụ tạo là ai, để đáp trả lại tình yêu nhưng không đó của Thiên Chúa với tâm tình tri ân và cảm tạ.

Để được ơn cứu độ, điều quan trọng trước tiên đó là được Thiên Chúa chủ động đến viếng thăm và ở cùng, như trong trường hợp của ông Dakêu [“Đức Giêsu mới nói về ông ta rằng : ‘Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà nầy, bởi người nầy cũng là con cháu tổ phụ Apraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất’.” (Lc 19, 9-10)], chứ không nhất thiết là do người ta đã biết được sự thật về Ngài. Vấn đề sự thật về Thiên Chúa, về Đức Giêsu-Kitô, về con người và các thụ tạo sẽ từ từ được khám phá ra sau, theo trình tự và cấp độ mà Đức Kitô đã nói về mình : “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Ngài và đã thấy Ngài.” (Ga 14, 6-7); hay : “Mà sự sống vĩnh hằng đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô.” (Ga 17, 3).

Như vậy, vai trò của Giáo Hội, Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô, trước tiên, cũng phải là “con đường”, không hẳn là để dẫn đưa nhân loại đến với Thiên Chúa mà đúng hơn là để Thiên Chúa đến với nhân loại (đặc biệt, qua các bí tích), cũng phải là “sự thật” mặc khải cho biết Thiên Chúa là Ai và con người là ai (đặc biệt, qua nỗ lực loan báo Tin Mừng Tình Yêu và đời sống chứng tá của mình), cũng phải là “sự sống” tình yêu qua đó nhân loại khi hiệp thông với Giáo Hội được thông phần vào sự sống tình yêu vĩnh hằng của Thiên Chúa (đặc biệt, qua đời sống chứng tá bằng yêu thương và phục vụ)...

Ngoài ra, những nỗ lực Tin Mừng hóa muôn dân, hay những nỗ lực xây dựng Nước Thiên Chúa chính là những nỗ lực Giáo Hội tự hoàn thiện mình, tự làm cho mình hoàn hảo hơn, trưởng thành hơn, sung mãn hơn và tạo điều kiện cho biến cố Quang Lâm của chính Đức Giêsu-Kitô, hay nói theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô :

Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Ngài là Hội Thánh.” (Cl 1, 24).

Mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Ngài, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.” (Ep 1, 23).

Giáo Hội, - mà tất cả chúng ta đều được mời gọi trong Đức Kitô và mà trong đó chúng ta có được sự thánh thiện nhờ ân sủng Thiên Chúa, - chỉ đạt đến tình trạng viên thành trong vinh quang thiên quốc mà thôi /…/ Đức Kitô khi bị cất lên khỏi đất đã lôi kéo tất cả mọi người đến được với Ngài; được phục sinh từ giữa những kẻ chết, Ngài đã sai phái Thần Khí sự sống của Ngài đến trên các tông đồ, và nhờ Thần Khí đó, Ngài đã tạo nên Thân Mình của Ngài, là chính Giáo Hội, như bí tích phổ quát của ơn siêu độ; ngự bên hữu Cha, Ngài vẫn không ngừng tiếp tục tác động lên thế giới để dẫn đưa con người về với Giáo Hội, nhờ Giáo Hội hiệp nhất họ lại với nhau ngày càng thắt chặt hơn, và làm cho họ được tham phần sự sống vinh quang của Ngài, qua việc nuôi sống họ bằng chính Mình và Máu của Ngài.” (Lumen Gentium, 48).

III.3.C – Giáo Hội là sự Viên Mãn của Đức Giêsu-Kitô:

1 Ga 3,2 đã viết một cách bí hiểm : “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Ngài, vì Ngài thế nào, chúng ta sẽ thấy Ngài như vậy.”

Ở đây, có vẻ như 1 Ga 3, 2 muốn cho chúng ta hiểu Ngày Quang Lâm của Đức Giêsu-Kitô cũng chính là lúc nhân loại thành toàn, tức là trở nên giống như Ngài (St 1, 26-27), và đó cũng là lúc Giáo Hội trở nên Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô, như dưới tác động của Chúa Thánh Thần, tấm bánh thánh trở nên Thân Mình của Ngài và chén rượu trở nên Máu của Ngài. Quá trình phát triển của Giáo Hội-Thân Mình của Đức Kitô, hay của Nước Thiên Chúa, như vậy, cũng giống như quá trình phát triển của hạt giống. Trong suốt quá trình phát triển đó, chính Đức Kitô là Đấng “nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Ngài” (x. Ep 5, 28-32) bằng chính Ngài (Lời Chúa và các Bí tích, đặc biệt Bí tích Thánh Thể).

Trên cơ sở đó, chúng ta hiểu được phần nào tại sao Thánh Phaolô lại phát biểu : “Vì mỗi lần anh em ăn bánh ấy và uống chén ấy, anh em loan báo sự chết của Chúa, cho tới lúc Ngài đến.” (1 Cr 11, 26). Và chúng ta cũng có thể nói việc cử hành Bí tích Thánh Thể mà qua đó Giáo Hội loan báo sự chết của Chúa, như vậy, sẽ chấm dứt vào lúc Đức Kitô Quang Lâm, hay có thể nói, vào lúc toàn thể thụ tạo, đặc biệt, con người, hay toàn thể Giáo Hội, như tấm bánh và chén rượu, trở nên Thân Mình và Máu của Đức Giêsu-Kitô. Và chính trong tư cách đó, Giáo Hội kitô mới có thể được gọi là “Thành thánh”, “Giêrusalem mới”, “tân nương trang sức chờ đón đức lang quân” :

Và tôi đã thấy một trời mới và một đất mới, vì trời cũ và đất cũ đã qua, và biền không còn nữa. Và Thành thánh, Giêrusalem mới, tôi đã thấy tự trời xuống từ nơi Thiên Chúa, chỉnh tề như tân nương trang sức chờ đón đức lang quân.” (Kh 21, 1-2).

Một tấm bánh tầm thường, một chén rượu bình thường, khi Ngài muốn, và đưới tác động của Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu đã làm cho chúng trở nên Thân Mình của Ngài và Máu của Ngài, chẳng lẽ, nếu Ngài muốn và dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu-Kitô lại không thể làm cho toàn thể thụ tạo, đặc biệt, toàn thể nhân loại, trở nên Thân Mình của Ngài hay sao !

Và Đức Giêsu nói với các môn đệ : ‘…Thầy bảo thật anh em : chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nầy nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa.” (Mc 14, 24a.25; xem thêm Mt 26, 29; Lc 22, 18).

Nhìn từ những góc độ đó, người ta sẽ có thể nhận ra rằng Ngày Quang Lâm cũng sẽ là ngày hoàn tất các Công trình Sáng tạo, Mặc khải và Siêu độ của Thiên Chúa-Ba Ngôi; hoặc nói theo ngôn ngữ của Mt 6, 9-10, đó là Ngày mà “Danh Cha cả sáng”, “Nước Cha trị đến”, “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”; hoặc theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô trong 1 Cr 15, 24.28 : “Rồi sẽ là cùng tận, lúc Đức Kitô trao trả vương quyền cho Thiên Chúa và là Cha, sau khi đã hủy ra không, mọi thiên phủ, mọi uy thế và quyền năng…Vì khi mọi sự đã phục quyền Ngài, thì bấy giờ Con cũng sẽ phục quyền Đấng đã bắt mọi sự phục quyền mình, ngõ hầu Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự.”…

Chủng Viện Thánh Nicôla, ngày 4 tháng 3 năm 2013

Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung

 


Tủ Sách Giáo Lý