Trình bày Bí Tích Thánh Tẩy Cho Người Dự Tòng?

Giuse Vũ Văn Dũng

 

 

 

 

Mục lục

I. Dẫn nhập: 2

II. Từ ngữ. 2

1. Bí tích là gì ?. 2

2. Thánh tẩy là gì ?. 2

III. Nội dung. 2

1. Các hình thức Thánh Tẩy. 2

2. Công Hiệu tha tội của bí tích Thánh Tẩy ?. 3

3. Bí tích rửa tội kết hiệp người dự tòng với Chúa Ki-tô. 3

4. Ấn tích của bí tích Thánh Tẩy. 3

5. Sự Cần Thiết của Thánh Tẩy. 4

6. Hướng dẫn cho người dự tòng cử hành Bí tích Thánh Tẩy. 5

7. Bài học. 5

IV. Kết luận. 6

 


 

I. Dẫn nhập:

Bí tích chính là mùa xuân của đời sống kitô hữu. Để mùa xuân gợi lên trong tâm trí con người, hình ảnh cây cỏ tìm lại được sức sống sau những tháng ngày ngủ yên trong giá lạnh mùa đông. Nhựa sống từ rễ cây được dẫn qua thân cây, rồi lan tới các cành lá làm bừng lên một sức sống mới. Đó là hình ảnh đẹp thích hợp để diễn tả sức sống của Chúa Ki-tô: ơn thánh Ngài được truyền tới cho các chi thể của Giáo Hội.[1] Bí tích Thánh Tẩy làm cho mọi người trở nên con cái của Thiên Chúa và là nguồn ân sủng ban nhưng không cho mọi người. Để được ơn cứu rỗi, mọi người cần phải lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Và Đức Giêsu trong Tin mừng thánh Gioan đã ghi lại cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô, Chúa Giêsu bảo: "Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí" (Ga 3, 5). Trước khi về trời, Chúa truyền cho các Tông đồ rằng : "Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép Rửa cho họ, nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (Mt 28,19). Hai lời này nói lên tầm quan trọng của phép Thánh tẩy, cũng như điều kiện để lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy.

II. Từ ngữ

1. Bí tích là gì ?[2]

Bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng do Đức Ki-tô thiết lập và ủy thác cho Hội Thánh để trao ban sự sống thần linh cho con người.

2. Thánh tẩy là gì ?[3]

Thánh: thuộc về thần linh; tẩy: rửa

Thánh tẩy là bí tích làm cho người lãnh nhận được giải thoát khỏi tội lỗi, được tái sinh làm con Thiên Chúa, trở thành chi thể của Đức Ki-tô, thành viên của Hội Thánh, nhờ nước và Thánh Thần.

III. Nội dung

1. Các hình thức Thánh Tẩy[4]

- Thánh tẩy bằng máu: Là Thánh Tẩy mà Chúa Giêsu đã chịu. Đây là điển hình của Thánh Tẩy vì là chóp đỉnh của tình yêu, là chứng tá đức tin hào hùng. Do vậy những ai chịu tử đạo là đã được Thánh Tẩy bằng máu.

- Thánh Tẩy bằng nước: là Thanh Tẩy theo nghi thức của Hội Thánh; và Thánh Thẩy bằng Thánh Thần (bằng lửa, bằng ước muốn)

- Thánh Tẩy bằng ước ao: không phải là ao ước được Thánh Tẩy, mà là kiên trì thực hiện những gì mình tin là phải làm theo tiếng nói của lương tâm; cho dù lương tâm ấy có dốt nát hay sai lầm chăng nữa thì theo mức độ chủ quan, đó vẫn là chân lý.

2. Công Hiệu tha tội của bí tích Thánh Tẩy [5]?

- Là Bí tích Chúa Giêsu đã lập cho ta được tha tội nguyên tổ và các tội riêng ta phạm trước khi lãnh Bí tích ấy; đồng thời, thông ban sự sống siêu nhiên cho ta được làm con Chúa và con Hội Thánh.

- Làm con Chúa: tội lỗi làm tắc nghẽn mạch sống siêu nhiên Thiên Chúa đổ vào lòng ta. Giờ đây, nhờ phép Rửa, mạch sống ấy được khai thông, sự sống Thiên Chúa lại chạy vào linh hồn ta. Như thế, nhờ Bí tích Rửa tội, ta trở thành con cái Chúa, đáng được hưởng gia nghiệp trên trời.

- Làm con Hội Thánh: Hội Thánh là thân thể mầu nhiệm (nhiệm thể) của Chúa Giêsu, có Chúa là đầu, các tín hữu là chi thể. Khi một người lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, người ấy được tháp nhập vào nhiệm thể. Hơn nữa chính Hội Thánh cử hành Bí tích Thánh Tẩy, thông ban cho người ấy sự sống siêu nhiên. Vì thế, người ấy cũng được làm con Hội Thánh.

3. Bí tích rửa tội kết hiệp người dự tòng với Chúa Ki-tô

Trong phép Thánh Tẩy, sự chết và sự sống lại của Chúa Ki-tô có một quyền lực và một ảnh hưởng trên con người. Sự tháp nhập vào cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Ki-tô, sự tham gia vào hoạt động cứu độ của Ngài, biến đổi người dự tòng chịu phép Thánh Tẩy trở nên hình ảnh của Chúa trên Thập giá và được sống lại với Ngài trong vinh quang. Phép Thánh Tẩy làm cho người dự tòng trở nên giống như Chúa Ki-tô, được tham dự vào đời sống thần linh.

Bí tích Thánh Tẩy liên kết người dự tòng với Chúa Ki-tô trong đời sống mới, vì thế Bí tích Thánh Tẩy chính là nền tảng của toàn thể đời sống của người dự tòng và ban cho người dự tòng phẩm giá cao cả. Toàn thể đời sống của người dự tòng khi được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy thì nhờ đức tin, đức cậy, đức mến bao hàm một sự khổ hạnh, nghĩa là một nỗ lực kiên trì để loại trừ những gì không phù hợp với tinh thần của Chúa Ki-tô, và thực hành các nhân đức tức là cố gắng trở nên giống Chúa Ki-tô và được củng cố trong ơn thánh của Ngài… Đời sống của người dự tòng khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy cũng hệ tại tham gia ngay từ bây giờ vào cuộc sống vinh hiển của Chúa Phục Sinh, dù rằng sự tham gia ấy hiện nay có tính chất tạm thời.

4. Ấn tích của bí tích Thánh Tẩy[6].

Khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy người dự tòng trở thành tín hữu nên giống hình ảnh Chúa Ki-tô, đóng trên họ một dấu ấn không thể xóa nhòa. Nhờ bí tích ấy, người dự tòng trở nên phù hợp với lối sống của Chúa Ki-tô, được tham dự vào cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài.

Dấu ấn của Chúa là dấu ấn mà Chúa Thánh Thần ghi trên những người dự tòng cho ngày cứu độ. Bởi vì bí tích Thánh Tẩy là dấu ấn của sự vĩnh cửu. Người dự tòng nào giữ được dấu ấn cho tới cùng, nghĩa là trong thành với những đòi hỏi của bí tích Thánh Tẩy, thì sẽ có thể ra đi với dấu ấn của đức tin, với niềm tin khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, trong sự chờ đợi diện kiến diễm phúc Thiên Chúa kết thúc niềm tin và trong niềm hy vọng sống lại.

5. Sự Cần Thiết của Thánh Tẩy[7]

Giáo Hội, lắng nghe những lời của Tin Mừng: 3 Đức Giê-su trả lời : “Thật, tôi bảo thật ông : không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” ; 5 Đức Giê-su đáp : “Thật, tôi bảo thật ông : không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.” (Gioan 3, 3. 5), dạy rằng không ai có thể vào vương quốc thiên đàng trừ phi người đó được thánh tẩy. Đòi hỏi dứt khoát này về tính cần thiết của Thánh Tẩy để được cứu rỗi có lẽ xem ra khó hiểu đối với nhiều người. Chẳng phải nó không dẫn tới kết luận là sự cứu rỗi không thể có cho những ai không bao giờ nghe đến Đức Kitô hay sự Thánh Tẩy sao? Đây không hề là một câu hỏi mới. Câu trả lời cũng không phải mới. Không phải tất cả sự Thánh Tẩy là thanh tẩy theo bí tích với nước. Cũng có “thánh tẩy của máu” và “thanh tẩy của lòng khát khao”. Thanh tẩy của máu được lãnh nhận bằng cách chết cho Đức Kitô. Các Thánh Anh Hài: 16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. 17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a : 18 Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ : tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.” (Mat-thêu 2,16-18) đã lãnh nhận sự Thánh Tẩy như thế, những dự tòng thời sơ khai cũng vậy khi học hết mà làm chứng cho Đức Kitô. Thánh tẩy của lòng khao khát có một phạm vi rộng hơn nhiều. Nó hiện diện rõ ràng nhất nơi những ai minh nhiên ước muốn được thanh tẩy nhưng chết trước khi ý định của họ có thể thực hiện được. Vả lại, khao khát Thánh Tẩy không buộc phải minh nhiên. Thánh Tẩy của lòng khao khát có thể hiện diện nơi một người đáp trả ơn sủng của Thiên Chúa có đức tin vào Ngài và yêu mến Ngài. Thánh Tẩy của lòng khao khát chắc chắn được lãnh nhận bởi những ai mặc nhiên hay minh nhiên khao khát Thánh Tẩy nhưng vì một lý do nào đó không thể lãnh nhận nó theo cách bí tích. Ngay cả những ai không biết Đức Kitô và Giáo Hội Ngài nhưng không phải do lỗi của họ thì vẫn có thể được kể như những Kitô hữu vô danh nếu nỗ lực của họ sống một đời sống tốt lành thật sự là sự đáp trả ơn sủng của Ngài, ơn sủng được ban với mức đầy đủ cho tất cả (Hiến chế tín lý về Giáo Hội, 16).

Ngay cả đức tin vô danh này cũng được hướng vào Giáo Hội cách mặc nhiên. Chỉ có một Đức Kitô mà trong Ngài loài người được cứu rỗi. Những ai yêu mến Ngài mà không biết Ngài thật sự ước muốn làm theo toàn bộ ý muốn của Ngài dù một cách lờ mờ. Vậy thì một cách mặc nhiên họ thật sự khao khát Thanh Tẩy, và chúng ta gọi điều này là “thánh tẩy của lòng khao khát”.

6. Hướng dẫn cho người dự tòng cử hành Bí tích Thánh Tẩy[8].

a) Trường hợp thông thường :

Khi cháu bé được chừng một tháng, cha mẹ và người đỡ đầu đưa cháu đến nhà thờ xin cha xứ cho lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Đây là dịp tốt để mọi người ý thức và sống ơn gọi Kitô hữu của mình, nên rất khuyến khích mọi người trong gia đình và trong giáo xứ tham dự. Có thể tổ chức việc mừng “đầy tháng” cho con vào ngày lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy.

b) Trường hợp nguy tử:

Nếu con chưa được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy mà đau nặng, thì cha mẹ cần lo liệu cho con được lãnh bí tích Thánh Tẩy ngay, bằng cách:

- Hoặc chính cha hay mẹ, hoặc nhờ người khác, Thánh Tẩy cho con như sau: lấy nước lã đổ trên trán con, vừa đổ vừa đọc: “T. (tên thánh và tên gọi), cha (mẹ) rửa con: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Khi làm việc này cần làm theo ý của Hội Thánh.

- Ghi vào sổ gia đình Công giáo và sớm trình cho cha xứ.

- Khi con khỏe lại, nên đưa con tới cha xứ xin lãnh nhận các nghi thức bổ túc.

c) Trường hợp tối khẩn:

- Khi khó sinh: Mọi bào thai phải được nhận bí tích Thánh Tẩy dù nó được bao nhiêu tháng. Nếu bào thai chắc chắn còn sống, thì Thánh Tẩy cách tuyệt đối: “...., cha (mẹ) rửa con: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

- Nếu không biết rõ thai còn sống hay chết, thì rửa tội hồ nghi: “...., nếu con còn sống, cha (mẹ) rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

- Khi sẩy thai, thì xé bọc thai rồi đổ nước hoặc dìm vào nước, và đọc: “Nếu còn sống, ta rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

7. Bài học[9]

a. H. Bí tích Thánh Tẩy có cần thiết không ?

T. Bí tích Thánh Tẩy rất cần thiết như lời Chúa phán: "Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí" (Ga 3,5).

b. H. Bí tích Thánh Tẩy ban cho ta những ơn nào?

T. Bí tích Thánh Tẩy tha tội tổ tông và tội riêng, làm cho ta trở nên con cái Chúa và con Hội Thánh.

c. H. Người lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy thề hứa những gì?

T. Họ thề hứa từ bỏ ma quỉ và tin theo Chúa Kitô.

IV. Kết luận

Như vậy, Bí tích Thánh Tẩy tạo nên mối dây hiệp nhất tất cả những kẻ đã được tái sinh. Nhưng Bí tích Thánh Tẩy tự bản tính, mới chỉ là bắt đầu và khởi điểm, vì Bí tích Thánh Tẩy trọn vẹn nhằm đạt tới sự sống sung mãn trong Chúa Ki-tô. Như thế, bí tích Thánh Tẩy qui hướng về việc tuyên xưng trọn vẹn đức tín, sát nhập trọng vẹn vào định chế cứu rỗi. như chính Chúa Ki-tô đã muốn và sau cùng kết nhập trọn vẹn vào sự hiệp thông Thánh Thể.[10]

Nhờ Bí tích Thánh Tẩy người dự tòng trở thành Kitô hữu, thành viên của Giáo Hội. Bí Tích Thánh Tẩy là Bí tích đầu tiên của ơn tha thứ tội lỗi, của việc thông ban ân sủng Thiên Chúa, thông ban bản tính Thiên Chúa, khiến cho người dự tòng có thể sống bền vững trong đức tin, đức cậy và đức mến đối với Thiên Chúa và loài người. Nhưng con người, xét như cá nhân, nhận được ân sủng nội tâm bền lâu, con người vốn là tội nhân mà nay lại được công chính hoá, đó là điều xẩy ra trong Bí tích Thánh Tẩy bởi vì con người, qua nghi thức nhập đạo, được đón nhận vào dân Chúa vốn được tổ chức như một xã hội có phẩm trật, vào một cộng đoàn tín hữu, những kẻ tuyên xưng ơn cứu độ của Thiên Chúa hiện diện trong Đức Kitô. Thiên Chúa thi ân giáng phúc để con người, xét như cá nhân, đạt đến ơn cứu độ trong Bí tích Thánh Tẩy bằng cách đưa người dự tòng nhập vào Giáo Hội.

 


 

________________________________________

 

Tài liệu Tham Khảo

Bearbeitet Von Günter Koch. Bản Việt Ngữ  Bí tích học Qua Các tác giả. Dẫn nhập và  tuyển chọn trong bộ Texte Zur Dogmatik Verlag Styria, Graz, Wien, Köln, 1991.

Giáo lý dự tòng. Tòa Giám Mục Xuân Lộc. NXB Tôn Giáo, 2005.

Giáo Lý Hôn Nhân Và Gia Đình. UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN trực thuộc HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VN. NXB Tôn Giáo, 2004.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin. Từ Điển Công Giáo. NXB Tôn Giáo, 2011.

Phạm Quốc Văn. Từ Cạnh Sườn Bị Đâm Thâu, Giáo Trình bí tích học Chuyên biệt. Lưu hành nội bộ, 2013.

R. VATICAN.  Bí Tích Nguồn Ơn Cứu Độ.

Y Donald W. Wuerl. Các Bí Tích Gặp Gỡ Liên Tục với Đức Kitô. Trần Xuân Tâm dịch, 2010.



[1] R. VATICAN, Bí Tích Nguồn Ơn Cứu Độ, tr. 15.

[2] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Từ Điển Công Giáo, NXB Tôn Giáo, 2011, tr. 26.

[3] Ibid., tr. 309.

[4] Phạm Quốc Văn, Từ Cạnh Sườn Bị Đâm Thâu, Giáo Trình bí tích học Chuyên biệt, Lưu hành nội bộ, 2013, tr. 46.

[5] Giáo lý dự tòng, Tòa Giám Mục Xuân Lộc, NXB Tôn Giáo, 2005, tr. 96-97.

[6] R. VATICAN, Ibids tr. 155, 157.

[7]  Y Donald W. Wuerl, Bản Việt ngữ Các Bí Tích Gặp Gỡ Liên Tục với Đức Kitô, Trần Xuân Tâm dịch, 2010, tr. 65.

[8] Giáo Lý Hôn Nhân Và Gia Đình, Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Vn, NXB Tôn Giáo, 2004, tr. 132-133.

[9] Giáo lý dự tòng, Ibid., tr. 97.

[10] Bearbeitet Von Günter Koch, Bản Việt Ngữ  Bí tích học Qua Các tác giả, dẫn nhập và  tuyển chọn trong bộ Texte Zur Dogmatik Verlag Styria, Graz, Wien, Köln, 1991, tr. 234-235.