TÓM LƯỢC SÁCH “HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT VIỆC DẠY GIÁO LÝ 1997” CỦA BỘ GIÁO SĨ (2)

(giaolyductin.org) 14 / 04/ 2015, 11:04:04

2. Nguồn mạch của việc dạy giáo lý

Nguồn mạch chính của giáo lý là Lời Chúa được trình bày trong Thánh Kinh và Thánh Truyền: “Việc dạy giáo lý luôn luôn kín múc nội dung nơi nguồn mạch sống động là Lời Chúa, được loan truyền trong Thánh Truyền và Thánh Kinh”.[1] Lời Chúa là nguồn quan trọng nhất để loan truyền và giáo dục đức tin, vì nó thực sự là lời của Thiên Chúa.

Những nguồn mạch sống động của việc dạy giáo lý xuất phát từ Lời Chúa và giải thích Lời Chúa như những bản văn của phụng vụ, những tác phẩm của các Giáo Phụ, những hướng dẫn của Huấn Quyền, những biểu thức đức tin, những chứng tá của các Thánh và những suy tư thần học…, tất cả đều cung cấp cho việc dạy giáo lý những tiêu chuẩn để truyền đạt sứ điệp của mình.[2]

3. Nội dung của việc dạy giáo lý

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo là “điểm quy chiếu để giáo lý viên trình bày một cách chính thống nội dung đức tin”,[3] vì sách giáo lý này “trình bày một cách có hệ thống và tổng hợp những nội dung cốt yếu và căn bản của đạo lý công giáo về mặt đức tin cũng như về mặt luân lý, dưới ánh sáng của Công Đồng Vaticanô II và toàn bộ Truyền thống của Hội Thánh”.[4] Sách này “xoay quanh bốn chiều kích cơ bản của đời sống Kitô hữu: tuyên xưng đức tin, cử hành phụng vụ, đời sống luân lý theo Tin Mừng và việc cầu nguyện”.[5] Bốn chiều kích này đều phát xuất từ mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô “là đường, sự thật và sự sống” (Ga 14,6), đường dẫn chúng ta tới đời sống mới trong Ba Ngôi Thiên Chúa.[6]

4. Sư phạm Đức tin

Việc dạy giáo lý vừa phải trung thành với Lời Chúa vừa phải trung thành với con người, cho nên phương pháp và nội dung giáo lý liên hệ mật thiết với nhau. Phương pháp trình bày Đức Tin phải “thích hợp với bản chất của sứ điệp, với nguồn gốc và ngôn ngữ của nó, với những hoàn cảnh cụ thể của cộng đoàn Hội Thánh và điều kiện của mỗi người tín hữu mà việc dạy giáo lý nhắm đến”.[7]

Nhiệm vụ của việc dạy giáo lý không những làm cho Lời “vang dội” nơi con người, nhưng còn trợ giúp họ tích cực đáp lại Lời: “Một đàng, giáo lý viên giúp cho con người mở ra với chiều kích tôn giáo của đời sống, đàng khác, một cách nào đó họ giới thiệu Tin Mừng, để rồi Tin Mừng thấm nhiễm và biến đổi những thái độ của trí tuệ, lương tâm, tự do, hành động của con người, làm cho cuộc đời trở thành một hiến thân, theo gương Chúa Giêsu Kitô. Với mục đích ấy, giáo lý viên cũng cần đến những khoa về giáo dục, phù hợp với tinh thần Kitô giáo”.[8]

Trong việc gặp gỡ Lời, thái độ căn bản của con người là lắng nghe; đó chính là thái độ của người vâng phục: “Đối với Thiên Chúa, Đấng mạc khải, con người phải bày tỏ “sự vâng phục bằng đức tin” (DV 5). Cuộc gặp gỡ như thế được thực hiện khi mà người ta dành một khoảng không gian cho Đấng muốn đến gặp gỡ con người. Vì thế, một đàng, giáo lý viên phải trình bày Lời trong tính tổng thể và quy mô, toàn bộ và không thay đổi, không được chắp vá hoặc dùng Lời Chúa như phương tiện; đàng khác, phải lưu ý đến nhân cách và khả năng của tham dự viên để Lời Chúa có thể chạm đến tâm hồn của họ, nơi mà toàn bộ sức mạnh được thâu tóm nên một.

Giáo Hội không dùng một phương pháp nào duy nhất, mà dùng nhiều phương pháp miễn là chúng phù hợp với phương pháp sư phạm của Thiên Chúa, thích hợp với nội dung giáo được giảng dạy. Qua nhiều thế kỷ, nhiều phương pháp khác nhau đã được sử dụng tùy theo tài năng của các giáo lý viên và các học viên.

Khi nói về cách dạy giáo lý, người ta thường nói đến phương pháp quy nạp và diễn dịch. Phương pháp quy nạp hệ tại trình bày những sự kiện trong lịch sử cứu độ cũng như trong cuộc sống thường ngày để khám phá ra mạc khải của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Phương pháp diễn dịch hệ tại giải thích các sự kiện khởi đi từ các nguyên nhân của chúng. Phương pháp trước bắt đầu từ những vấn đề và những hoàn cảnh của con người, được soi dẫn bằng ánh sáng Lời Chúa; phương pháp sau bắt đầu từ việc loan báo sứ điệp, đem ra thực hành trong cuộc sống. Cả hai phương pháp, hai cách tiếp cận đều hợp pháp và bổ túc cho nhau.[9]

Chúng ta phải phân tích và định giá cẩn thận vai trò của kinh nghiệm con người trong việc dạy giáo lý vì kinh nghiệm giúp người ta hiểu giáo lý đức tin dễ dàng. Thiên Chúa cũng tỏ mình ra cho mỗi người qua kinh nghiệm sống của họ. Giáo Lý viên có nhiệm vụ giúp học viên nhìn đến các kinh nghiệm sống hằng ngày dưới lăng kính của Tin Mừng và giáo huấn Hội Thánh. Chỉ có như thế việc dạy giáo lý mới dẫn đến một cuộc sống nội tâm Kitô sâu xa.

Việc học thuộc lòng giúp học viên thu nhận vào bản thân các chân lý đức tin. Việc học thuộc lòng các công thức chính yếu của đức tin rất hiệu quả sau khi đã hiểu tường tận chúng. Trong số các công thức của đức tin, học viên cần phải nhớ những đoạn Thánh Kinh chính, các kinh quan trọng trong Phụng Vụ, và các kinh thường nhật (Dấu Thánh Giá, Kinh Tin Kính của các Tông Đồ, Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Ăn Năn Tội …).

5. Chủ thể của việc dạy giáo lý

Giáo Hội là chủ thể đầu tiên của việc dạy giáo lý, cụ thể trong Giáo Hội địa phương thì “các giám mục là những người có trách nhiệm đầu tiên về việc dạy giáo lý và phải là những giáo lý viên tuyệt vời”.[10] “Trong giáo phận, dạy giáo lý là một công việc duy nhất, được hoàn thành nhờ sự hợp tác giữa các linh mục, phó tế, tu sĩ và giáo dân, trong sự thông hiệp với giám mục. Tất cả cộng đoàn phải cảm thấy có trách nhiệm đối với công việc này”.[11]

6. Đối tượng của việc dạy giáo lý

Mọi tín hữu đều có nhu cầu và quyền lợi được tiếp nhận một nền giáo lý vững chắc:[12] “Mọi người đã được rửa tội, vì được Chúa mời gọi tiến đến một đức tin trưởng thành, đều cần và có quyền được tiếp nhận một huấn giáo thích hợp. Vì thế, bổn phận hàng đầu của Giáo Hội là phải cung cấp theo nhu cầu. Về vấn đề này, nên nhắc lại ngay rằng đối tượng đón nhận Tin Mừng ‘là một con người cụ thể, trong lịch sử đã bén rễ sâu vào một hoàn cảnh nhất định và không ngừng chịu ảnh hưởng bởi những hoàn cảnh tâm lý, xã hội, văn hóa và tôn giáo, dù họ có ý thức hay không. Trong việc dạy giáo lý, người đón nhận phải có thể tỏ ra là một chủ thể tích cực, ý thức và cùng chịu trách nhiệm, chứ không như một máy thu thanh im lặng và thụ động”.[13] Muốn được như thế, việc dạy giáo lý phải được tổ chức theo những cấp độ khác nhau (từ căn bản đến chuyên sâu), theo sự phát triển tâm sinh lý của học viên (theo lứa tuổi), và theo những bối cảnh văn hóa, xã hội khác nhau (theo từng hoàn cảnh khác nhau).

(còn tiếp)


[1] DGL 27; x. HDTQ 94.

[2] x. HDTQ 96.

[3] HDTQ 120.

[4] HDTQ 121.

[5] HDTQ 122.

[6] HDTQ 123.

[7] HDTQ 149.

[8] HDTQ 147.

[9] HDTQ 148.

[10] HDTQ 222.

[11] HDTQ 219.

[12] x. LBTM 49-50; DGL 14. 35tt.

[13] HDTQ 167.

 


Tủ Sách Giáo Lý