Thiên Thần Sêraphim Là Ai?

(daminhvn.net) 03/10/2015

 Hồi cuối tháng 9, phụng vụ đã mừng lễ kính các tổng lãnh thiên thần Micael, Gabriel, Raphael. Vào đầu tháng 10, có lễ kính các thiên thần hộ thủ. Các tổng lãnh thiên thần khác với các thiên thần thế nào? Ở Việt Nam, có nhiều ca đoàn mang tên thiên thần Sêraphim. Tại sao không có lễ kính thiên thần Sêraphim? Sêraphim là ai vậy? Sêraphim và Kêrubim có khác nhau hay không?

Trước nhiều câu hỏi dồn dập như vậy, tôi xin tách ra từng câu hỏi để trả lời, từ dễ đến khó. Câu hỏi dễ nhất là sự phân biệt giữa các tổng lãnh thiên thần với các thiên thần. Đó là hai cấp độ cao thấp: tổng thiên thần (archangelus) thì cao hơn thiên thần (angelus), cũng tựa như tổng giám mục (archiepiscopus) thì cao hơn giám mục (episcopus). Duy có điều là sự phân biệt này không phải do Kinh thánh đặt ra.

Nhưng mà Kinh thánh có nói đến các tổng thiên thần Micael, Gabriel, Raphael đấy chứ?

Đúng rồi. Ba nhân vật ấy đều được Kinh thánh nói đến. Nhưng mà họ được gọi là “thiên thần” chứ không phải là “tổng thiên thần”. Chẳng hạn như khi tả lại cảnh truyền tin cho Đức Maria, thì thánh Luca nói đến một thiên thần (Gabriel). Luôn tiện cũng nên nhắc lại là Kinh thánh không dùng tiếng “thiên thần” (thần trên trời); danh từ angelus trong nguyên bản Hy-lạp (angelos) chỉ có nghĩa “sứ giả” (người đưa tin), cũng tựa như trong tiếng Do thái của Cựu ước (malak). Có điều là các vị được gọi là “sứ giả của Thiên Chúa” (angelus Domini) khác với các sứ giả của loài người. Vì thế mà tại Việt Nam có người dịch là “thiên sứ”. Dĩ nhiên đó chỉ là một chức vụ (nghĩa là họ được Thiên Chúa trao cho một sứ mạng nào đó) chứ chúng ta không biết được tên tuổi căn cước của họ.

Như thế Micael, Raphael, và Gabriel không phải là tên riêng hay sao?

Chị nên biết là không ai có thể xác định được con số của các thiên sứ. Trong số muôn vàn thiên sứ, Kinh thánh có nhắc đến vài vị xem ra có danh tánh riêng, tựa như Micael, Raphael, Gabriel. Nhưng mà các chú giải Kinh thánh cũng hoài nghi, không chắc có phải là tên riêng hay chỉ là biệt hiệu nhằm diễn tả một sứ vụ của họ. Theo nguyên gốc Do thái, Micael có nghĩa là “ai bằng Thiên Chúa?”, được nói tới trong Cựu ước ớ sách Đaniel (10,13), quen được giải thích là vị lãnh đạo các thiên sứ để đương đầu với Satan (Khải huyền 12,7-12). Raphael theo nguyên ngữ, có nghĩa là “Thiên Chúa cứu chữa”, và xuất hiện trong sách ông Tobit. Gabriel có nghĩa là “người của Thiên Chúa” cũng được nói tới ở sách Đaniel (8,16; 9,21-22) và cách riêng trong Tin mừng theo thánh Luca, khi tả lại cảnh truyền tin cho ông Dacaria và cho Đức Maria (Lc 1,19.26). Chính vì thế mà trước đây, phụng vụ đã dành ra ba ngày để kính ba vị: Micael (29 tháng 9), Raphael (24 tháng 10), và Gabriel (24 tháng 3). Với cuộc cải tổ phụng vụ sau công đồng Vaticanô II, chỉ còn một ngày kính chung cả ba vị, (có lẽ tại vì không phải là ba vị khác nhau nhưng chỉ là ba sứ vụ).

Tuy vậy, ba vị được gọi là tổng thiên thần, cao hơn các thiên thần hộ thủ một cấp, phải không?

Như đã nói trên đây, Kinh thánh gọi các vị là thiên thần (hay thiên sứ) chứ chẳng phải là “tổng thiên sứ”. Và theo sách Đaniel (10,21; 12,1) Micae cũng được coi là thiên thần hộ thủ, không phải là của một cá nhân mà thôi nhưng là hộ thủ của toàn thể dân Chúa. Mãi đến cuối thời Tân ước, lá thư của Giuđa (câu 9) mới gọi Micae là tổng thiên sứ. Sang thời các giáo phụ, một tác giả vô danh sống thế kỷ VI, dưới danh nghĩa là Điônisiô, mới bày ra thuyết về 9 phẩm thiên thần trong tác phẩm De Caelesti Hierarchia (Phẩm trẩt trên trời). Dựa theo mô hình của tiến trình hướng về sự toàn thiện (gồm có ba chặng: thanh luyện, soi sáng và hoàn bị), ông chia các thiên sứ thành 3 cấp và mỗi cấp gồm ba đẳng. Từ đó nhân ra thành 9 đẳng, quen gọi là 9 phẩm thiên thần, tương tự với cửu phẩm trong hàng triều thần đời xưa.

Chín đẳng thiên thần gồm các cấp nào?

Ông Điônisiô đặt đẳng thấp nhất là các thiên thần và đẳng cao nhất là thần Kêrubim. Lần lượt đi từ dưới lên, ông bắt đầu với các thiên thần, với nhiệm vụ gìn giữ loài người (quen gọi là thiên thần hộ thủ). Cấp thứ hai là các tổng thiên thần mà chúng ta đã biết danh tánh (Micael, Raphael, Gabriel), được ủy thác vài sứ vụ quan trọng. Cấp thứ ba được gọi là Lãnh thần (Principatus) thống lãnh điều khiển các dân tộc. Cấp thứ bốn mang danh là Quyền thần (Potestates) giao tranh với ma quỷ. Cấp thứ năm được gọi là Dũng lực (Virtutes) bởi dũng cảm thi hành những việc diệu kỳ. Cấp sáu mang danh là Quản thần (Dominationes) quản trị vũ trụ. Ba cấp cuối cùng là: thứ bảy, các Bệ thần (Throni) nổi về trí hiểu; thứ tám, các Sêraphim nổi bật về sốt mến; thứ chín, các Kêrubim rạng rỡ ánh sáng bởi vì sát với toà Chúa.

Dựa vào đâu mà ông Điônisiô lấy tên đặt cho các đẳng trật thiên thần?

Hai cấp ở dưới cùng (thiên thần và tổng thiên thần) thì dễ hiểu rồi. Hai cấp cao nhất (Sêraphim và Kêrubim) thì dựa theo Kinh thánh như sẽ nói sau. Còn danh xưng của 5 cấp độ còn lại thì lấy ở các thư của thánh Phaolô gửi Colosê (1,16; 2,10.15) và Ephêsô (1,21; 3,10; 6,12). Duy có điều là trong các thư của thánh Phaolô, các danh từ ấy ám chỉ các quyền lực chống lại Thiên Chúa và đàn áp các tín hữu. Xem ra thánh Phaolô lấy các từ ngữ này từ văn chương khải huyền Do thái thời đó, ám chỉ các quyền lực thống trị vũ trụ. Thánh tông đồ đã du nhập các từ ngữ đó nhưng thêm rằng các quyền lực đã bị đức Kitô chế ngự rồi, vì thế các tín hữu không còn phải sợ hãi gì nữa! Còn ông Điônisiô thì rửa tội cho chúng, và biến thành các đẳng thiên thần, phụ tá cho Thiên Chúa trong việc điều hành vũ trụ. Nên biết là trước đây các kinh Tiền tụng trong Thánh lễ có nhắc đến các phẩm trật thiên thần trong khúc kết thúc; nhưng với Sách lễ sau công đồng Vaticanô II thì họ đã bị loại. Lý do có lẽ vì chức vụ của các vị không được rõ ràng cho lắm.

Thế còn các thiên thần Sêraphim và Kêrubim thì sao?

Theo mô hình của ông Điônisiô, các cấp thiên thần thuộc hạ đẳng và trung đẳng thì phải phụ trách việc quản trị vũ trụ; còn các cấp thượng đẳng thì phục vụ toà Chúa. Dù sao theo ông ta, càng gần toà Chúa bao nhiêu thì các thiên sứ càng nhận được nhiều ánh sáng và lửa mến bấy nhiêu. Vì thế mà ông đặt hai cấp SêraphimKêrubim ở cấp 8 và cấp 9.

Sêraphim có nghĩa là gì?

Kinh thánh có một lần nói tới các Sêraphim ở sách ngôn sứ Isaia, chương 6. Nên biết là Sêraphim không phải là tên của một cá nhân mà là của một đoàn ngũ (ở số nhiều). Khi kể lại việc được Chúa kêu gọi làm ngôn sứ, ông Isaia thuật lại thị kiến được thấy trong đền thờ: Thiên Chúa ngự trên toà cao, với các sêraphim vây quanh, miệng không ngừng chúc tụng “Thánh, thánh, thánh”. Một vị đã mang một cuc than đỏ đến thanh luyện môi miệng ông để ông xứng đáng công bố lời Chúa. Từ quang cảnh này, người ta đã rút ra hai biểu tượng về Sêraphim. Biểu tượng thứ nhất, khá quen thuộc ở Việt Nam, áp dụng cho các ca đoàn, ca hát chúc tụng Chúa. Biểu tượng thứ hai là lòng sốt mến, dựa theo nguyên ngữ trong tiếng Do thái (serap) có nghĩa là đốt cháy, bừng cháy. Các tu sĩ dòng Phanxicô quen áp dụng nghĩa này cho thánh tổ phụ. Dù sao, cần nhấn mạnh rằng sêraphim ám chỉ một phẩm (một đẳng) thiên thần chứ không là một cá nhân. Vì thế nếu phụng vụ không dành lễ kính chỉ cũng chẳng lạ gì.

Còn các Kêrubim là ai?

Các Kêrubim được nhắc tới nhiều lần trong Kinh thánh. Danh xưng Kêrubim gốc từ tiếng babilon karibu (kẻ cầu nguyện, chuyển cầu, chúc tụng). Nguồn gốc của nó từ miền Cận đông, ám chỉ các thần linh nửa người nửa thú (đầu người, thân sư tử, chân bò, cánh đại bàng; như ông Edekiel tả lại ở chương 1). Các tác giả Kinh thánh đã du nhập từ ngữ này để ám chỉ các cận thần hầu bên nhan Chúa. Ta thấy một kêrubim xuất hiện ở đầu Sách Sáng thế (3,23) đứng gác ngoài vườn địa đàng, ngăn cản không cho nguyên tổ được đụng tới cây trường sinh. Tuy nhiên vai trò của các kêrubim trở nên quen thuộc với dân Do thái từ khi ông Môsê cho phép đúc 2 tượng kêrubim bằng vàng đặt ở đầu của hòm bia. Chính từ đó mà Thiên Chúa đã ban sấm ngôn (Xh 25,18-22; 37,7; Ds 7,89). Vì thế mà có thành ngữ “Thiên Chúa ngự trên các Kêrubim” (1Sam 4,4; 2 Sam 6,2; Is 37,16). Đến khi vua Salomon xây cất đền thờ tại Giêrusalem, ông cũng duy trì tập tục đó, tạc hai tượng Kêrubim bằng gỗ ôliu chạm vàng, đứng hai bên cạnh hòm bia, phủ cánh che rợp hòm bia (1V 6 23-28). Sang Tân ước, ta thấy sách Khải huyền (5,14; 19,4) lấy lại hình ảnh các Kêrubim, và trao cho trách vụ ca hát chúc tụng Thiên Chúa. Họ chiêm ngưỡng nhan Chúa.

Tóm lại, đang khi mà nhiều dân miền Cận đông tôn kính các Kêrubim như là thần linh tối cao, thì Kinh thánh đã du nhập hình ảnh Kêrubim, và đồng thời đã biến đổi chúng, không coi đó là thần linh tối cao mà chỉ là cận thần của Thiên Chúa. Thiên Chúa được hình dung như hoàng đế ngự trong cung điện, với triều thần hầu cận. Đó là nói trong Cựu ước. Còn các tác giả tu đức Kitô giáo, khi chú giải các đẳng trật thiên thần dựa theo mô hình của ông Điônisiô, thì nhấn mạnh rằng thì càng tiến trên thánh thiện, càng gần gũi với Thiên Chúa, thì con người càng được tăng thêm lửa sốt mến (Sêraphim) và sự hiểu biết về Ngài (Kêrubim). Nên biết là các hoạ sĩ vẽ các Sêraphim mặc áo đỏ (tượng trưng cho lửa sốt mến), còn các Kêrubim mặc áo xanh dương (tượng trưng của trời cao).

(Lm Giuse Phan Tấn Thành, OP)

 


Tủ Sách Giáo Lý