TỰ SẮC OMNIUM IN MENTEM

CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

VỀ VIỆC THAY ĐỔI MỘT VÀI ĐIỀU KHOẢN TRONG BỘ GIÁO LUẬT

(gpquinhon.org) Thứ sáu - 15/01/2016 04:54

Tông hiến Sacrae Disciplinae Leges (Các luật lệ của kỷ luật thánh) được ban hành vào ngày 25 tháng Giêng năm 1983, đã làm cho mọi người quan tâm(Omnium in Mentem) thấy rằng Giáo Hội, xét như là một cộng đoàn vừa tinh thần đồng thời vừa hữu hình và được tổ chức theo phẩm trật, cần thiết có luật pháp “để thi hành các nhiệm vụ được Thiên Chúa trao phó, cách riêng những nhiệm vụ của thánh quyền và của việc cử hành các bí tích, có thể được tổ chức cách thích hợp”. Những lề luật nầy luôn luôn cần phải thể hiện, một mặt, sự đồng nhất trong đạo lý thần học và lập pháp; và mặt khác, ích lợi mục vụ của những lề luật, nhờ đó những định chế của Giáo Hội đem lại lợi ích cho các linh hồn.

Nhằm bảo đảm cách hiệu quả hơn cho sự đồng nhất đạo lý và cho mục đích mục vụ, đôi khi thẩm quyền tối cao của Giáo Hội, sau khi đã cân nhắc các lý do, đưa ra những quyết định điều chỉnh thích hợp trong giáo luật hoặc bổ túc vài điểm nào đó. Đó là lý do thúc đẩy Tôi ra văn thư nầy với hai vấn đề chính sau đây.

Trước hết, trong Bộ Giáo Luật các điều 1008 và 1009 bàn về bí tích truyền chức thánh, đã xác định sự khác nhau căn bản giữa chức tư tế cộng đồng của các tín hữu và chức tư tế thừa tác; đồng thời cũng làm rõ sự khác nhau giữa chức giám mục, linh mục và phó tế. Vì vậy, sau khi lắng nghe ý kiến của các nghị phụ trong Bộ Giáo Lý Đức Tin, vị tiền nhiệm của Tôi, Đức Gioan Phaolô II đã ấn định rằng sẽ phải thay đổi nội dung số 875 trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo để phù hợp hơn với giáo lý về chức phó tế theo Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium (số 29) của Công đồng Vaticanô II. Tôi cũng chú ý rằng cần phải làm hoàn thiện quy định giáo luật về vấn đề nầy. Bởi vậy, sau khi lắng nghe ý kiến của Hội Đồng Giáo Hoàng Về Văn Bản Luật, Tôi quyết định rằng nội dung của các điều luật nói trên phải được thay đổi theo như dưới đây.

Ngoài ra, bởi vì chính các bí tích là cho toàn Giáo Hội, và chỉ duy quyền bính tối cao mới có quyền duy nhất chuẩn nhận và ấn định những yêu cầu về sự hữu hiệu của bí tích và cũng như xác định những gì liên quan đến nghi lễ cần phải giữ khi cử hành các bí tích đó (x. đ. 841), bởi vậy các điều đó chắc chắn cũng phải được áp dụng đối với thể thức phải giữ khi cử hành hôn phối, nếu một trong hai người phối ngẫu được rửa tội trong Giáo Hội công giáo (x. đ. 11 và đ. 1108)

Tuy nhiên Bộ Giáo Luật quy định rằng các tín hữu đã lìa Giáo Hội bằng một “hành vi chính thức”, thì không cần tuân giữ những luật Giáo Hội liên quan đến thể thức giáo luật của hôn nhân (x. đ. 1117), đến chuẩn chước ngăn trở khác đạo (x. đ. 1086), và đến việc xin phép đối với hôn nhân hỗn hợp (x. đ. 1124). Lý do và mục đích của luật trừ nầy đối với quy định tổng quát của điều 11 là nhằm tránh những kết ước hôn nhân của các tín hữu có thể bị vô hiệu vì thiếu thể thức hôn nhân hoặc vì bị ngăn trở khác đạo.

Tuy nhiên, kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy ngược lại, luật mới nầy đã làm nảy sinh không ít những vấn đề mục vụ. Trước tiên, trong các trường hợp cá nhân, xuất hiện sự khó khăn về việc quy định và thể thức thực hiện hành vi chính thức rời bỏ Giáo Hội xét về khía cạnh bản chất thần học lẫn khía cạnh giáo luật. Hơn nữa, nổi lên rất nhiều khó khăn vừa trong hoạt động mục vụ, vừa trong hoạt động của các tòa án. Thực vậy, người ta nhận xét rằng trong luật mới dường như nảy sinh ít là gián tiếp, một sự dễ dãi nào đó hoặc, có thể nói như thế, một sự khích thích bỏ đạo tại những nơi người công giáo quá ít ỏi hoặc những nơi hiệu lực luật hôn nhân không được tôn trọng, đã tạo nên các phân biệt đối xử giữa những công dân vì lý do tôn giáo; ngoài ra nó gây ra khó khăn cho sự trở lại của những người đã được rửa tội, sau khi thất bại trong hôn nhân trước, họ rất muốn được tái kết hôn theo giáo luật; cuối cùng, ngoài những khó khăn khác, trong thực tế có rất nhiều hôn nhân kiểu đã xảy ra, đối với Giáo Hội được gọi là hôn nhân “bí mật” (clandestino).

Sau khi cân nhắc và đánh giá kỹ lưỡng các ý kiến các nghị phụ của Bộ Giáo Lý Đức Tin và của Hội Đồng Giáo Hoàng Về Bản Văn Luật và cũng như của các Hội Đồng Giám Mục được tham khảo về lợi ích mục vụ việc phải giữ hay bãi bỏ luật trừ đối với quy định tổng quát trong điều 11, đều cho thấy rõ cần thiết bãi bỏ quy tắc hiện hành nầy trong Bộ Giáo Luật.

Vậy thì trong chính Bộ Giáo Luật, Tôi quyết định tại điều 1117, bỏ cụm từ «và đã không rời bỏ Giáo Hội ấy bằng một hành vi dứt khoát» (neque actu formali ab ea defecerit); tại điều 1086§1 bỏ cụm từ «và không rời bỏ Giáo Hội ấy bằng một hành vi dứt khoát» (nec actu formali ab ea defecerit); cũng như trong điều 1124 bỏ cụm từ «và đã không từ bỏ Giáo Hội ấy bằng một hành vi dứt khoát» (quaeque nec ab ea actu formali defecerit).

Do vậy, sau khi lắng nghe vấn đề nầy của Bộ Giáo Lý Đức Tin và Hội Đồng Giáo Hoàng Về Văn Bản Luật cũng như hỏi ý kiến các Hồng y tổng trưởng các cơ quan giáo triều Rôma, Tôi quyết định những điểm sau đây:

Điều 1. Bản văn điều 1008 trong Bộ Giáo Luật từ đây về sau được đổi thành như sau :

Sacramento ordinis ex divina institutione inter christifideles quidam, charactere indelebili quo signantur, constituuntur sacri ministri, qui nempe consecrantur et deputantur ut, pro suo quisque gradu, novo et peculiari titulo Dei populo inserviant”. Do bí tích truyền chức thánh đã được Thiên Chúa thiết lập, một số Kitô hữu được đặt làm thừa tác viên có chức thánh, nhờ được ghi ấn tích không thề xóa nhòa, như thế họ được thánh hiến và được chỉ định, mỗi người tùy theo cấp bậc của mình, với cách thức mới và đặc thù, để phục vụ Dân Thiên Chúa.

Điều 2. Điều 1009 của Bộ Giáo Luật từ đây về sau sẽ có 3 triệt, triệt 1 và triệt 2 sẽ giữ nguyên như cũ trong giáo luật hiện hành, trong khi đó thêm mới triệt 3, và bản văn 1009§3 như sau:

Qui constituti sunt in ordine episcopatus aut presbyteratus missionem et facultatem agendi in persona Christi Capitis accipiunt, diaconi vero vim populo Dei serviendi in diaconia liturgiae, verbi et caritatis”. Những người chịu chức giám mục hoặc linh mục nhận lãnh sứ mạng và năng quyền hành động trong cương vị (in persona) của Chúa Kitô thủ lãnh, trái lại các phó tế được năng quyền phục vụ dân Thiên Chúa bằng việc phục vụ phụng vụ, Lời Chúa và bác ái.

Điều 3. Bản văn điều 1086§1 của Bộ Giáo Luật được thay đổi thành như sau:

Matrimonium inter duas personas, quarum altera sit baptizata in Ecclesia catholica vel in eandem recepta, et altera non baptizata, invalidum est”. Hôn nhân giữa một người đã được rửa tội trong Giáo Hội công giáo hoặc đã được nhận vào Giáo Hội ấy và với một người không được rửa tội, thì bất thành.

Điều 4. Bản văn điều 1117 của Bộ Giáo Luật được thay đổi thành như sau:

Statuta superius forma servanda est, si saltem alterutra pars matrimonium contrahentium in Ecclesia catholica baptizata vel in eandem recepta sit, salvis praescriptis can. 1127, § 2. Phải tuân giữ thể thức ấn định ở trên, nếu ít là một trong hai bên kết ước đã được rửa tội trong Giáo Hội công giáo hay đã được nhận vào Giáo Hội công giáo, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định ở điều 1127 §2.

Điều 5. Bản văn điều 1124 của Bộ Giáo Luật được thay đổi thành như sau:

Matrimonium inter duas personas baptizatas, quarum altera sit in Ecclesia catholica baptizata vel in eandem post baptismum recepta, altera vero Ecclesiae vel communitati ecclesiali plenam communionem cum Ecclesia catholica non habenti adscripta, sine expressa auctoritatis competentis licentia prohibitum est”. Nếu không có phép minh nhiên của thẩm quyền, cấm kết hôn giữa hai người đã được rửa tội, mà một người đã được rửa tội trong Giáo Hội công giáo hoặc đã được nhận vào Giáo Hội công giáo sau khi được rửa tội, còn người kia đã gia nhập vào một giáo hội hoặc một giáo đoàn không thông hiệp trọn vẹn với Giáo Hội công giáo.

Những gì Tôi đã quyết định trong tự sắc nầy, Tôi truyền phải tuân giữ và có hiệu lực, bất chấp những gì trái ngược, và những quyết định nầy cần được đăng trong công báo Tòa Thánh Acta Apostolicae Sedis.

Làm tại Rôma, cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô, ngày 26 tháng 10 năm 2009, năm thứ năm trong triều đại Giáo Hoàng của Tôi.

Đức Giáo Hoàng BÊNÊĐICTÔ XVI

Bản văn gốc của Motu Proprio Omnium in Mentem lấy từ:

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/apost_letters/documents/hf_ben-xvi_apl_20091026_codex-iuris-canonici_it.html

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ chuyển ngữ 

 


Tủ Sách Giáo Lý