Xây Dựng Xã Hội Công Bằng Theo Học Thuyết Xã Hội Công Giáo
(catechesis.net)
Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc,
Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Sài Gòn.
DẪN NHẬP
Sống trong thời đại tin học
và toàn cầu hoá, mỗi con người, mỗi tổ chức xã hội, mỗi đất nước càng có nhiều
cơ may để gặp gỡ nhau và càng có điều kiện để “nối vòng tay lớn”. Những chiếc cầu
nối liên hai bờ sông cả. Những con đường cao tốc nối gần những miền đất xa xôi.
Những tuyến bay dài nối những phương trời xa lạ. Những hợp đồng kinh tế nối kết
đời sống các dân tộc. Những gặp gỡ nối kết con người. Những giao lưu văn hoá nối
kết các truyền thống. Những đối thoại tôn giáo nối kết niềm tin. Mọi cố gắng hợp
tác và nối kết đều nhằm mục đích giúp con người xích lại gần nhau và sống chung
với nhau.
Chủ đề Hội thảo khoa học quốc tế “Công bằng xã hội, trách nhiệm
xã hội và đoàn kết xã hội” của chúng ta là một cố gắng gặp gỡ và nối kết những
quan điểm về xây dựng xã hội con người, từ đó mở ra cơ hội hợp tác với nhau nhằm
mục đích phục vụ con người trong xã hội một cách hữu hiệu.
Được vinh dự góp phần trong cuộc hội thảo này, tôi xin được giới
hạn nội dung bài thuyết trình vào cụm từ thứ nhất là “công bằng xã hội”. Và xây
dựng công bằng xã hội ở đây được trình bày theo Học Thuyết Xã Hội Công Giáo.
Tuy nhiên, học thuyết này không hiểu như là một ý thức hệ, một lý thuyết xã hội,
một dự án riêng cho một hệ thống kinh tế hoặc xã hội, cũng không phải là một lý
thuyết luân lý trừu tượng cho các tập thể con người, nhưng là suy tư của Giáo hội
về các thực tại con người và xã hội trong thời đại chúng ta nhờ lý trí và các
ngành khoa học nhân văn, và dưới ánh sáng của Phúc Âm, từ đó đề nghị những
nguyên tắc chỉ dẫn đời sống thực tiễn cho xã hội. Vì thế bài thuyết trình này
được trải dài trong ba phần cụ thể như sau:
I. Con người và xã hội
II. Giáo Hội và Nhà Nước
III. Các nguyên tắc lớn của Học Thuyết Xã Hội Công Giáo
-----***-----
I. CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI
1. Quan niệm đúng đắn về con người
đưa tới quan niệm đúng đắn về xã hội
Một quan niệm đúng đắn về con người sẽ đưa đến một quan niệm
đúng đắn về xã hội. Trái lại một quan niệm sai lạc về con người chắc chắn sẽ
đưa đến một quan niệm sai lạc về xã hội. Ví dụ có thứ triết học (Nieztsche) cho
rằng điều cơ bản và quan trọng nhất nơi con người là ý chí quyền lực, con người
sẽ thành công khi phát huy được tối đa ý chí quyền lực của mình. Một triết học
như thế sẽ dẫn tới một quan niệm về xã hội xây dựng trên ý chí quyền lực. Kẻ mạnh
sẽ thắng và người yếu sẽ phải phục tùng.
Một quan niệm quân bằng, cởi mở về con người, biết nhận ra ý
nghĩa đích thực của đời sống con người, biết rõ con người là ai, sống ở trần
gian để làm gì. Nhận ra những giá trị cao cả nhất trong đời sống con người như
là Tình yêu, là chân lý, là cái đẹp; nhận ra con người là nguồn gốc, là nguyên
lý và là cứu cánh của xã hội, sẽ dẫn đến một quan niệm đúng đắn về xã hội. Một
quan niệm đúng đắn về xã hội, sẽ giúp rất nhiều cho việc tổ chức xã hội, vì nó
là một nền tảng lý thuyết cần thiết để người ta dựa vào mà xây dựng xã hội.
Khi dựa trên một quan niệm đúng đắn về con người và xã hội, người
ta giảm bớt được rất nhiều trục trặc cho xã hội, và nhất là những thiệt hại cho
con người, người ta sẽ phục vụ tốt cho con người và xã hội. Một quan niệm đúng
đắn về xã hội sẽ giúp cho xã hội thực hiện được chức năng của mình cách tốt đẹp,
và nhờ đó có được trật tự xã hội, những ích lợi chung, sự phân phối hợp lý các
ích lợi chung đó, có được công bằng xã hội.
2. Làm thế nào để có quan niệm đúng đắn
về con người?
Làm thế nào để có một quan niệm thật đúng đắn về con người?
Chính kho tàng về sự khôn ngoan của nhân loại giúp cho chúng ta có câu trả lời
về con người. Nhân loại cần phải học hỏi với nhau rất nhiều, trao đổi với nhau
rất nhiều, mới có thể hiểu sâu rộng về con người, giúp nhau phát huy cái phẩm
chất người. Chúng ta phải giúp nhau làm người. Trong cơ bản, sự liên đới nằm
trong chính bản chất người của chúng ta.
Thực sự nhân loại có biết về mình không? Chúng ta là ai? Con người
là ai? Chúng ta cứ phải trả lời cho câu hỏi này mãi mãi, vì con người vừa biết
về mình, vừa không biết. Con người cần phải được soi chiếu bởi ánh sáng bên
trên để có thể giác ngộ, nhận ra chân tướng của mình. Nhưng con người không chỉ
nhìn lên trên, mà còn phải nhìn ra chung quanh, để khám phá chỗ đứng của mình.
Con người không là một hữu thể cá vị tuyệt đối (cá nhân chủ
nghĩa), có do chính mình và dựa trên chính mình, không tuỳ thuộc vào ai khác,
chỉ tuỳ thuộc vào chính mình. Con người cũng không giống một tế bào của một cơ
quan, một bộ phận, được cơ quan ấy nhìn nhận chức năng và thực hiện chức năng ấy
nội tại trong hệ thống hay guồng máy.
Những quan niệm giản lược về con người rất nguy hiểm và có hại,
vừa cho con người, vừa cho xã hội. Chúng ta hãy luôn hướng tới chân lý toàn vẹn
về con người, để khỏi làm thiệt hại cho bản thân, cho tha nhân và cho xã hội.
Hãy học hỏi nơi mọi người: những gì tốt thì giữ lấy, những gì xấu thì tránh cho
xa (1 Tx. 5, 21).
Mỗi người sinh ra ở đời đều có trách nhiệm về chính mình và về
tha nhân, có nghĩa vụ tìm cho ra lẽ sống, để sống xứng đáng là con người, có bổn
phận đi tìm chân lý tối hậu của đời người.
3. Quan niệm kitô giáo về con người
Theo niềm tin kitô giáo, Chúa Giêsu xuống thế làm người, để dạy
cho loài người biết Thiên Chúa là ai, và con người là ai, bởi đâu và đi về đâu.
Theo giáo huấn của Chúa Giêsu, thì mọi người trong nhân loại, sinh ra bất cứ ở
đâu, bất cứ thời đại nào, không phân biệt màu da hay tiếng nói, không phân biệt
dân tộc hay văn hoá, không phân biệt giàu hay nghèo, sang hay hèn… đều là con của
một Cha trên trời. Tất cả đều là anh chị em, tất cả đều bình đẳng với nhau.
Chúa Giêsu đã dạy đừng có gọi ai dưới đất là cha, đừng đòi hỏi ai gọi mình là
thầy hay là người chỉ đạo. Tất cả mọi người làm thành một gia đình nhân loại
duy nhất có chung một người Cha là Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,
nhưng cũng là con người, trong tư cách là người, ngài là Anh Cả của chúng ta.
Không ai tự mình mà có, nhưng đều do Thiên Chúa sáng tạo từ hư
vô, vì trước đó không có, và được Thiên Chúa làm cho có. Mọi người được tạo dựng
theo hình ảnh của Thiên Chúa, giống Thiên Chúa (St 1, 26-27). Thiên Chúa tạo dựng
con người có nam có nữ. Adam và Eva là đôi nam nữ đầu tiên, là gia đình đầu
tiên, là xã hội đầu tiên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Vì giống Thiên Chúa, nên
mỗi người đều là một ngôi vị, một ngã vị có ý thức và tự do, trong tương quan với
Thiên Chúa và những người khác. Con người chỉ thực sự triển nở, lớn lên và được
hạnh phúc trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.
Đáng lẽ ra mọi sự nơi con người đều tốt, vì Thiên Chúa tạo dựng
mọi sự tốt lành, nhất là con người. Nhưng con người đã phạm tội từ thuở ban đầu,
vì bị thần dữ cám dỗ mà bất tuân với Thiên Chúa. Tội lỗi ấy đã để lại hậu quả
đen tối trong nhân loại, trong từng người, nên nơi mỗi người chúng ta, đều có sự
nghiêng chiều về sự dữ. Chính vì thế, muốn nên tốt con người phải được gột rửa
khỏi tội lỗi và không ngừng chiến đấu chống lại điều ác, chống lại sự dữ nơi bản
thân mình và nơi môi trường xã hội.
Điều cần nhấn mạnh là con người, dù đã sa ngã phạm tội và không
còn giống Thiên Chúa, nhưng trong cái nhìn của Thiên Chúa, vẫn là chóp đỉnh của
vũ trụ, vẫn là thụ tạo đáng yêu nhất, vẫn là hình ảnh của Thiên Chúa, nên không
bao giờ trở thành phương tiện cho bất cứ ai, bất cứ chương trình hay kế hoạch
nào, mà luôn là mục đích phải nhắm tới. Thiên Chúa sáng tạo muôn loài vì con
người và cho con người.
Con người là một nhân vị có ý thức và tự do, được sáng tạo vì
chính mình, không vì ai khác. Thiên Chúa không cần con người để được vinh danh,
mặc dù Ngài vui sướng khi làm bạn với con người. Con người sinh ra ở đời để được
hạnh phúc ngay ở trần gian này. Nhưng hạnh phúc cuối cùng và trọn vẹn nhất của
con người là được trở về Cội Nguồn, trở về với Thiên Chúa. Vận mệnh cuối cùng của
con người là được phục sinh vinh quang cùng với Chúa Kitô trong ngày hoàn tất lịch
sử.
4. Con người là hữu thể tương quan
Con người là một hữu thể tương quan. Đời sống con người dệt bằng
các tương quan. Con người lớn lên nhờ các tương quan và trong các tương quan
(trong gia đình, ngoài xã hội, trên bình diện quốc gia và quốc tế). Con người
là ngã vị trong tương quan với các ngã vị khác. Cụ thể con người là tôi, là
anh, là chị, là bạn, là người yêu, là vợ, là cha, là mẹ, là ông, là bà, là đồng
nghiệp, là đồng môn. Mọi ngã vị đều là liên ngã vị. Không ai là một hòn đảo.
Trong thần học kitô giáo, chúng tôi thường phân biệt hai loại
tương quan, và hai thứ tương quan này không loại trừ nhau, nhưng nâng đỡ nhau
và củng cố cho nhau, đó là các loại tương quan chiều đứng (tương quan với Thiên
Chúa, với thế giới vô hình), và các loại tương quan chiều ngang (tương quan với
tha nhân, với thế giới hữu hình).
Xin ra một ví dụ: yêu Chúa là tương quan chiều đứng, yêu tha
nhân là tương quan chiều ngang. Chính việc yêu Chúa làm cho chúng tôi yêu người
khác, nhất là những người hoạn nạn khổ đau, những con người nghèo khó và bất hạnh.
Vì yêu Chúa, chúng tôi muốn giống Chúa, mà bản chất của Thiên Chúa là yêu
thương. Đảo ngược lại, nhờ yêu người khác, yêu tha nhân, mà tình yêu của chúng
tôi dành cho Chúa mới là chân thật, như nhà thần học Gioan đã viết: “Nếu ai
nói; tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối;
vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến
Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4, 20).
Đối với chúng tôi, tương quan chiều đứng là tương quan tôn giáo,
và tương quan chiều ngang là tương quan xã hội. Không thể loại trừ một trong
hai loại tương quan, mà phải duy trì và phát triển cả hai.
Khoa tu đức hay linh đạo kitô giáo ngày nay nhấn mạnh nhiều đến
tương quan, thay vì quá lưu tâm đến nội tâm của cá nhân. Bản chất của đời sống
thiêng liêng hay đời sống đạo của người kitô hữu chính là sống tốt ba thứ tương
quan: tương quan siêu vị (transpersonal relationship: với Chúa), tương quan
liên vị (interpersonal relationship: với tha nhân), tương quan bản vị
(intrapersonal relationship: với chính mình). Nên thánh là yêu Chúa và yêu người,
và là yêu cho đến cùng (usque ad finem), yêu đến mức tự hiến chính mình, hy
sinh chính mình cho Đấng mình yêu, cho những người mình yêu. Tình yêu là điều
cao đẹp nhất nơi con người, lại là một tương quan. Các hành vi nhân linh (hành
vi có ý thức và tự do) của con người đều thể hiện trong tương quan và tạo ra
tương quan.
Chính các tương quan dệt nên đời sống xã hội, đồng thời xã hội
cũng tạo điều kiện cho người ta có tương quan với nhau, xã hội là bối cảnh của
các tương quan giữa cá nhân với nhau, giữa cá nhân và tập thể, giữa tập thể với
tập thể.
5. Bản chất xã hội của con người
Vì con người là một hữu thể tương quan, nên là một hữu thể xã hội.
Nếu muốn dựa vào ngôn ngữ tiếng Việt để suy tư triết học về con người, thì các
chữ người đời và đời người, là những từ ngữ rất sâu sắc giúp cho chúng ta suy
nghĩ về ý nghĩa của con người và xã hội, về tương quan hữu cơ giữa con ngườì và
xã hội.
Không có con người nào, mà không là người đời, dù là tu sĩ hay
linh mục, giám mục. Mọi người đều sinh ra ở đời, gắn bó với đời, hiện hữu ở đời.
Đảo ngược lại để nhìn cuộc đời, thì ta cũng nhận thấy đời đích thực phải là đời
người. Đời phải có bộ mặt người, xã hội phải có bộ mặt người. Nếu xã hội không
có bộ mặt người đúng nghĩa thì xã hội không còn là xã hội con người mà là địa
ngục trần gian.
Theo giáo lý công giáo, thì con người tự bản chất là một hữu thể
xã hội, vì được Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh của Người. Mà Thiên Chúa, tuy
là Thiên Chúa Duy nhất, không là một vị Thiên Chúa cô đơn, lẻ loi một mình,
nhưng là Thiên Chúa Tam vị; Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Từ muôn thuở
đã có Tình Yêu giữa các ngôi vị Thiên Chúa (In the beginning is communion). Từ
muôn thuở đã có yêu thương nhau, gắn bó với nhau, kết hợp với nhau, và nên một
với nhau. Tình yêu đó là nguồn gốc của mọi loài thụ tạo.
Nhưng chỉ có con người mới là hình ảnh của Thiên Chúa, chỉ con
người mới có tình yêu như Thiên Chúa. Chính vì thế Tình Yêu là điều đẹp nhất,
cao cả nhất nơi con người. Có một sự tương đồng nào đó giữa sự Duy nhất giữa Ba
Ngôi Thiên Chúa và tình huynh đệ mà loài người phải kiến tạo cho nhau trong
tình yêu và chân lý (x. GLHTCG, số 1878).
Từ khởi thuỷ loài người đã sống thành tập thể, hoặc là tập thể
nhỏ như gia đình huyết tộc, hay là tập thể lớn hơn như làng xóm, tập thể lớn
hơn nữa như quê hương đất nước. Con người không những sống chung với nhau thành
tập thể, mà còn chung sống trong gia đình, ngoài xã hội, trong cùng một quốc
gia. Chung sống là cùng nhau chia sẻ của cải vật chất, chia sẻ những giá trị tinh
thần, những tình tự quê hương, cùng nhau xây dựng đời sống chung. Và đó là đời
sống xã hội.
Con người cần đến đời sống xã hội. Đời sống này không phải là một
cái gì thêm vào nhưng là một đòi hỏi của bản tính con người. Nhờ trao đổi với
người khác, nhờ phục vụ lẫn nhau và nhờ đối thoại với anh em, con người phát
triển các tiềm năng; nhờ đó họ đáp trả lại ơn gọi làm người (x.GLHTCG số 1879).
Xã hội là một cộng đồng vừa hữu hình, vừa thiêng liêng, tồn tại
trong thời gian; tiếp nhận quá khứ và chuẩn bị tương lai. Mỗi người đều là thừa
tự, nhưng phải đóng góp cho cộng đồng mà mình là thành viên, và phải tôn trọng
các người cầm quyền có trách nhiệm mưu cầu công ích (x. GLHTCG, số 1880).
Mỗi cộng đồng được định nghĩa bởi mục đích của nó; do đó phải
tuân theo những quy luật đặc thù, nhưng nhân vị chính là và phải là nguyên lý,
là chủ thể và là cứu cánh của mọi tổ chức xã hội (x. GLHTCG, số 1881).
Có những thực thể xã hội, như gia đình và đất nước, phù hợp tức
thời với bản tính của con người. Những thực thể ấy cần thiết cho con người. Những
tổ chức xã hội khác có thể rất hữu ích cho con người, để giúp con người đạt những
mục tiêu mà tự sức mình không thể đạt được. Nhưng cũng có những tổ chức xã hội
có những mục tiêu xấu, trái với luật luân lý và gây thiệt hại cho con người.
Người công giáo không được phép tham gia những tổ chức xã hội đen.
6. Vai trò của Cộng đồng chính trị
Khi đã sống cộng đoàn với nhau, thì cá nhân, gia đình cũng như
các thứ tập thể, đều nhận thấy rằng: một mình không đủ sức để thể hiện đời sống
con người cho thật đầy đủ. Họ thấy cần có một cộng đoàn rộng lớn hơn, để thường
xuyên phối hợp nỗ lực của mỗi người, nhằm mưu cầu công ích ngày càng hoàn hảo
hơn.
Chính vì những lý do đó mà họ lập nên những cộng đồng chính trị
dưới nhiều hình thức khác nhau. Cộng đồng chính trị là để phục vụ công ích.
Công ích là lý do tồn tại, là ý hướng và là căn bản pháp lý của cộng đồng chính
trị.
Quyền bính, Công ích và Trách nhiệm tham gia của mọi người dân
là những yếu tố cơ bản làm nên Cộng đồng chính trị.
Quyền bính:
Xã hội loài người sẽ không có trật tự và phồn vinh, nếu thiếu những
người cầm quyền hợp pháp để bảo tồn các định chế và phục vụ công ích cách đầy đủ.
Quyền bính chỉ phẩm cách của những con người hay định chế, nhờ
đó họ ban hành lề luật và mệnh lệnh cho con người, và buộc phải tuân phục.
Mọi cộng đồng nhân loại đều cần có một quyền bính để quản trị.
Quyền bính đặt nền tảng trên bản tính con người. Quyền bính cần thiết để tạo ra
sự thống nhất cho cộng đồng. Vai trò của nó là bảo đảm cho công ích xã hội. Quyền
bính đích thực quy hướng mọi nỗ lực của con người về với công ích.
Có quyền bính là do Thiên Chúa an bài, nhưng việc định đoạt những
thể chế chính trị hay cắt cử người cầm quyền, vẫn là quyền tự do của mọi công
dân.
Về mặt luân lý, không phải người cầm quyền làm gì cũng hợp pháp.
Họ không được xử sự cách chuyên chế, nhưng phải hành động cho công ích vì quyền
bính là một sức mạnh tinh thần đặt nền tảng trên tự do và ý thức trách nhiệm: “luật
pháp của loài người chỉ là luật khi phù hợp với lẽ phải” (Tôma Aquinô, I. II,
93, 3.2).
Tốt nhất mọi quyền lực đều giữ quân bằng cho nhau trong những giới
hạn chính đáng. Đó là nguyên tắc Nhà Nước pháp quyền; theo đó luật pháp chi phối
tất cả, chứ không phải ý muốn độc đoán của một số người (x. GLHTCG, các số
1897-1904).
Công ích:
Con người có tính xã hội, nên lợi ích cá nhân phải đặt trong
tương quan với lợi ích chung. Phải hiểu công ích là toàn bộ những điều kiện của
đời sống xã hội cần thiết cho các tập thể cũng như cá nhân có thể phát triển đầy
đủ và dễ dàng hơn (x. GS số 26). Công ích ngày hôm nay không chỉ dừng lại bình
diện quốc gia, mà phải hiểu trên cả bình diện quốc tế. Công ích liên quan tới đời
sống của mọi người, đòi hỏi mỗi người phải thận trọng, nhất là những ai đang cầm
quyền (x. GLHTCG, số 1906).
Dù mỗi cộng đồng xã hội nhằm một lợi ích chung để thể hiện chính
mình, chỉ trong cộng đồng chính trị, công ích mới được thể hiện trọn vẹn nhất.
Nhà Nước có nhiệm vụ bảo vệ và thăng tiến công ích của xã hội dân sự, của các
công dân và các tập thể nhỏ hơn.
Con người trên địa cầu ngày càng lệ thuộc lẫn nhau. Gia đình
nhân loại gồm những con người có phẩm giá bình đẳng, đòi phải có một nền công
ích toàn cầu. Nền công ích này đòi hỏi phải có những tổ chức quốc tế liên kết
nhiều quốc gia, để có khả năng đáp ứng những nhu cầu muôn mặt của con người
trong xã hội.
Công ích hướng tới việc thăng tiến con người; “trật tự của muôn
vật phải lệ thuộc vào trật tự của các nhân vị chứ không ngược lại”. Trật tự này
đặt nền tảng trên chân lý, được thiết lập trong công bằng, được sinh động bởi
tình yêu (x. GLHTCG, các số 1910-1912).
Trách nhiệm và tham gia:
Tất cả mọi người phải tham gia, tuỳ theo địa vị và vai trò của
mình, để mưu cầu công ích. Bổn phận này gắn với phẩm giá con người.
Con người tham gia bằng cách làm tròn trách nhiệm cá nhân của
mình: khi chăm lo giáo dục gia đình và làm việc có lương tâm, con người góp phần
mưu ích cho tha nhân và xã hội.
Các công dân phải tích cực tham gia càng nhiều càng tốt vào đời
sống xã hội. Các phương thức tham gia co thể thay đổi tuỳ từng Nước, từng nền
văn hoá.
Thật là phù hợp với bản tính con người, nếu có được những cơ cấu
chính trị và pháp lý giúp cho mọi công dân, không phân biệt ai, có thể mỗi ngày
một có cơ hội tham gia cách tự do và tích cực vào đời sống của cộng đồng chính
trị. Tham gia vào việc thiết lập nền tảng pháp lý cho cộng đồng, cũng như việc
điều hành quốc gia.
Những ai để tâm lo việc Nước và vì công ích, lãnh lấy trách nhiệm
để phục vụ con người, thì đó là những hoạt động mà chúng ta hằng khuyến khích
và quý trọng.
Cũng như mọi bổn phận luân lý khác, việc mọi người tham gia vào
công trình công ích, cũng đòi các thành viên của xã hội hoán cải không ngừng.
Phải kết án nghiêm khắc những thủ đoạn dùng để tránh né luật pháp và tránh né
trách nhiệm đối với xã hội, vì chúng trái với đòi hỏi của công bằng.
Bổn phận của công dân là phải nuôi dưỡng lòng yêu quê hương, với
một tâm hồn đại lượng và trung kiên mà không hẹp hòi. Làm sao để đồng thời vẫn
yêu chuộng được lợi ích của toàn thể gia đình nhân loại bao gồm nhiều giống
nòi, dân tộc và quốc gia.
Những người cầm quyền có bổn phận củng cố các giá trị đem lại sự
tín nhiệm nơi các thành viên trong cộng đồng và khuyến khích họ tham gia phục vụ
đồng bào. Cũng cần phải chăm lo phát triển những định chế nhằm cải thiện điều
kiện sinh sống của con người (x. GLHTCG, các số 1913 - 1917; GS, các số 73-75).
II. GIÁO HỘI VÀ NHÀ NƯỚC
1. Giáo hội và Cộng đồng chính trị
Tương quan giữa Đạo và Đời, Tôn giáo và Chính Trị, Thần quyền và
Thế quyền, Giáo hội và Nhà nước từ trước đến nay vẫn là một vấn đề rất tế nhị,
nhạy cảm. Trong lịch sử thế giới, cũng như lịch sử các tôn giáo, tác động qua lại
giữa hai bên có những lúc rất tích cực, nhưng cũng những giai đoạn đen tối.
Những khó khăn thường phát xuất từ sự lẫn lộn hai lãnh vực tôn
giáo và chính trị, sự giẫm chân lên nhau giữa thần quyền và thế quyền, sự lợi dụng
lẫn nhau vì ích lợi của mỗi bên. Tiến trình thế tục hoá đã góp phần giải thiêng
nhiều lãnh vực trần thế, mà trước đây người ta cứ lầm tưởng là của tôn giáo.
“Hãy trả cho César những gì của César, và cho Thiên Chúa những
gì của Thiên Chúa” là câu nói thời danh của Chúa Giêsu, phải luôn là kim chỉ
nam cho lập trường và đường lối của Giáo hội trong tương quan với Nhà nước. Từ
câu nói đó của Chúa Giêsu, chúng ta có thể suy ra rằng không được lẫn lộn Giáo
hội với bất cứ cộng đồng chính trị nào và không được trói cột Giáo hội vào bất
cứ hệ thống chính trị nào. Cộng đồng chính trị và Giáo hội là hai thực thể tự
trị và độc lập với nhau trong lãnh vực riêng của mình. Khi có sự phân biệt giữa
tôn giáo và chính trị, thì mới có tự do tôn giáo (TYHTXHCG, số 50).
Tại một số quốc gia trên thế giới, vì không có sự phân biệt giữa
tôn giáo và chính trị, nên chưa có tự do tôn giáo, nhất là đối với những tôn
giáo thuộc thành phần thiểu số. Từ Công đồng Vatican II trở đi, Giáo hội Công
giáo luôn khẳng định rõ rệt quyền tự do tôn giáo là quyền cơ bản nhất của con
người, và không ngần ngại đấu tranh cho tự do tôn giáo. Quyền tự do tôn giáo trở
thành tiêu chuẩn quan trọng nhất để cho nhân loại đánh giá về sự tự do đích thực
của người công dân trên một đất nước.
Càng ngày Giáo hội càng ý thức một cách rõ rệt công việc của
Giáo hội là Công việc Mục vụ, chứ không phải là làm chính trị. Giáo hội không
muốn xen vào nội bộ của bất cứ một quốc gia nào. Giáo hội được tổ chức theo những
cách thức có thể đáp ứng các nhu cầu tâm linh của các tín hữu, còn các cộng đồng
chính trị tạo ra các quan hệ và cơ chế nhằm phục vụ những gì có liên quan tới
công ích trên trần gian.
Vì tôn trọng tự do tôn giáo, cộng đồng chính trị phải bảo đảm
cho tôn giáo có đủ không gian cần thiết để thi hành sứ mạng của mình. Về phần
mình, Giáo hội không có thẩm quyền chuyên môn nào đối với các cơ chế của cộng đồng
chính trị: Giáo hội tôn trọng sự tự trị chính đáng của trật tự dân chủ và không
có tư cách nào để ủng hộ ưu tiên cho giải pháp này hay giải pháp kia, liên quan
tới định chế hay hiến pháp (Gioan Phaolô II, Centesimus Annus, số 47).
Sự tự trị của Giáo hội và Cộng đồng chính trị không có nghĩa hai
bên khai trừ nhau, không hợp tác. Dù với danh nghĩa khác nhau, nhưng cả hai bên
đều phục vụ thiên chức con người vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính xã hội.
Giáo hội và cộng đồng chính trị biểu hiện chính mình qua các cơ chế có tổ chức;
các cơ chế này tự chúng không phải là mục đích, mà nhằm phục vụ con người, giúp
con người thi hành các quyền của mình cách trọn vẹn, những quyền nằm trong
chính con người vừa là công dân của một nước, vừa là kitô hữu (x. TYHTXHCG, số
424 - 425).
2. Giáo hội và Nhà nước trước vấn đề
Công bằng xã hội
Giáo hội luôn quan tâm tới con người, vì xác tín rằng Thiên Chúa
đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài và thực sự muốn cho con người được
hạnh phúc. Thiên Chúa yêu thương con người đến nỗi đã hy sinh Người Con Một để
cứu chuộc con người khỏi tội lỗi và sự chết. Chính vì thế Giáo hội luôn trân trọng
mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ, không phải để duy trì sự nghèo khổ,
nhưng để thăng tiến họ, để xoá đói giảm nghèo, theo kiểu nói thường xuyên của
xã hội chúng ta.
Các công việc bác ái từ thiện của Giáo hội không nhằm duy trì những
cơ chế bất công như trong quá khứ đã bị ngộ nhận. Thánh giáo phụ Gioan Kim Khẩu,
từ cuối thế kỷ IV, đã nói rằng “bố thí, giúp đỡ người nghèo đúng lúc, chưa đủ,
cần phải tạo ra một cơ chế mới, một mẫu xã hội mới”. Vì yêu thương con người,
Giáo hội luôn đả phá những bất công chống lại con người.
Thật ra Bác ái không loại bỏ sự Công bằng, nhưng nhằm cứu giúp
những con người gặp hoạn nạn khổ đau. Bác ái kitô giáo còn giúp người ta khám
phá ra những gì là công bằng, vì công bằng là tôn trọng những quyền lợi chính
đáng của người khác. Tình yêu tha nhân giúp cho con người khám phá các nhu cầu,
các quyền lợi của tha nhân để có thể tôn trọng. Về phương diện này, phải công
nhận tính xúc tác của bác ái kitô giáo đối với những khám phá mới mẻ và đúng đắn
về công bằng. Tình yêu chân thực cho chúng ta “đôi mắt sáng” để nhận ra đòi hỏi
của phẩm giá con người, nhất là nơi những người nghèo.
Có người nói rằng: Điều gì hôm qua là bác ái, hôm nay là công bằng,
và điều gì hôm nay là bác ái, sẽ là công bằng đối với những thế hệ mai sau. Khẳng
định này có vẻ quá đáng, nhưng thật ra có một ý nghĩa rất sâu sắc. Những cải
cách đích thực trong xã hội đều tuân theo quy luật này, dù đôi khi người ta
không minh nhiên ý thức. Lãnh vực công bằng mỗi ngày một nới rộng, và ngày hôm
nay hơn bao giờ hết, khi đề cập đến công bằng, người ta phải nói tới công bằng
xã hội.
Ngày trước, người ta quan niệm “của ai trả cho người đó” là công
bằng. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Ngày nay, người ta khẳng định “mỗi người phải
có phần của mình trong xã hội”, để sống xứng đáng là con người. Xã hội phải được
tổ chức cách nào để bảo đảm cho con người quyền sinh tồn và phát triển.
Thần học luân lý phân biệt công bằng giao hoán và công bằng phân
phối. Hai thứ công bằng này phải đi đôi, không thể tuyệt đối hoá một thứ và
tách rời khỏi thứ công bằng kia. Tuyệt đối hoá công bằng giao hoán, mà không
lưu tâm tâm đến hoàn cảnh nghèo đói của người khác là xúc phạm công bằng. Tuyệt
đối hoá công bằng phân phối và coi thường công bằng giao hoán cũng là bất công,
vì khuyến khích sự lười biếng, do đó làm cho con người và xã hội chậm phát triển.
Trong thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu”, phần bàn về tương
quan giữa Công bằng và Bác ái, Đức Thánh cha Bênêđictô XVI khẳng định rất rõ
ràng và dứt khoát rằng Trật tự công bằng của xã hội và Nhà nước là nhiệm vụ chủ
yếu của chính trị (x. TĐ/TCLTY, 28).
Công bằng là mục đích và từ đó cũng là tiêu chuẩn nội tại của
chính trị. Chính trị không đơn thuần là một kỹ thuật sắp xếp trật tự công cộng:
nguồn gốc và mục đích của chính trị là công lý, là sự công bằng, và công bằng
thuộc bản chất đạo đức. Do đó người làm chính trị phải có đạo đức. Nhà nước
luôn phải đối diện với câu hỏi: trong thực tế phải thể hiện công bằng như thế
nào? Nhưng câu hỏi này giả thiết một câu hỏi khác cơ bản hơn: công bằng là gì?
Đây là một vấn đề thuộc lý trí thực tiễn. Nhưng để có thể hành động cách đúng đắn,
lý trí thực tiễn cần phải được thanh luyện không ngừng, vì nó có thể trở thành
mù quáng về mặt đạo đức, do những cám dỗ về lợi nhuận và quyền lực.
Về điểm này, chính trị và đức tin (Công giáo) gặp nhau. Đức tin
hay đạo đức tôn giáo là một sức mạnh tinh thần giúp thanh luyện lý trí. Đức tin
giúp lý trí thực tiễn có khả năng thực hiện công việc của mình tốt hơn. Chính
đây là chỗ đứng của học thuyết xã hội công giáo. Theo lời của Đức Thánh Cha, học
thuyết này không nhằm tạo cho Giáo hội một quyền lực bên trên Nhà nước; cũng
không muốn áp đặt cho những người không cùng một niềm tin những quan điểm và những
cách thức riêng của Giáo hội; nhưng chỉ muốn đóng góp vào việc thanh luyện lý
trí và giúp lý trí nhận ra điều gì là công bằng trong cụ thể.
Học thuyết xã hội của Giáo hội lập luận dựa trên lý trí và luật
tự nhiên, có nghĩa là từ những gì thích hợp với bản tính con người. Giáo hội
không muốn áp đặt học thuyết xã hội này bằng chính trị, chỉ muốn phục vụ và
giúp đỡ việc giáo dục lương tâm trong chính trị, giúp nhận thức rõ ràng những
đòi hỏi đích thực của công bằng.
Giáo hội không thể và cũng không được phép dành quyền đấu tranh
chính trị để thực hiện một xã hội công bằng nhất. Giáo hội không thể và không
được phép thay thế vị trí của Nhà nước. Nhưng cũng không thể và không được phép
đứng bên ngoài cuộc đấu tranh cho công bằng. Giáo hội phải dấn thân vào cuộc đấu
tranh này bằng con đường lý luận dựa trên lý trí và phải đánh thức những sức mạnh
tinh thần, mà nếu không có thì sự công bằng, vốn luôn đòi hỏi những hy sinh từ
bỏ, sẽ không được thực thi và phát triển. Xã hội công bằng không thể là công
trình của Giáo hội, nhưng là công việc của chính trị (x. TĐ/TCLTY, 28).
Tuy rất thực tế và khiêm tốn, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI vẫn mạnh
dạn giới thiệu học thuyết xã hội công giáo cho thế giới, vì đó cũng là một phần
quan trọng của Tin mừng Chúa Giêsu, là khía cạnh xã hội của Tin mừng. Đức Thánh
Cha viết: “Trong hoàn cảnh khó khăn mà chúng ta đang sống vì việc toàn cầu hoá
kinh tế, học thuyết xã hội của Giáo hội sẽ trở thành điểm quy chiếu căn bản, đề
nghị các định hướng có giá trị vượt quá ranh giới của Giáo hội. Đối diện với sự
phát triển càng ngày càng nhanh, các định hướng này cần được trao đổi với những
người thực sự quan tâm đến con người và thế giới (x. TĐ/TCLTY, 27)
Trách nhiệm trực tiếp hoạt động cho một trật tự công bằng trong
xã hội là điều đặc thù của người giáo dân. Là công dân họ được kêu gọi tham gia
cách cá nhân vào đời sống cộng đồng. Họ không được phép từ chối tham gia vào “những
sáng kiến đa dạng và khác nhau trên những bình diện kinh tế, xã hội, luật pháp,
hành chính và văn hoá, tất cả các bình diện này đều phục vụ cho việc thực thi
công ích có tổ chức và cơ chế.
Giáo hội không phải là cơ chế trực tiếp hoạt động cho công bằng
xã hội. Nhưng cơ chế để thực hiện công việc bác ái từ thiện thì Giáo hội phải
có, vì nó là dấu chỉ hữu hình cho Tình yêu của Thiên Chúa mà Giáo hội muốn rao
giảng và làm chứng.
Đức Thánh cha viết: “Tình yêu vẫn luôn cần thiết, ngay cả trong
xã hội công bằng nhất. Không có một trật tự công bằng nào của Nhà nước có thể
xem công tác bác ái là thừa thãi. Ai muốn loại bỏ tình yêu thì đồng thời không
xem con người là con người nữa. Vẫn luôn có khổ đau cần đến sự an ủi và trợ
giúp. Vẫn luôn luôn còn có sự cô đơn. Vẫn luôn còn có những trường hợp thiếu thốn
vật chất, nơi mà sự trợ giúp theo nghĩa thể hiện tình yêu tha nhân là cần thiết”
(x. TĐ/TCLTY, 28).
III. CÁC NGUYÊN TẮC LỚN CỦA HỌC THUYẾT
XÃ HỘI CÔNG GIÁO
Học thuyết xã hội công giáo là một toàn bộ, không thể tách ra từng
mảng, hoặc đề cập đến một vài nguyên tắc riêng lẻ, và từ đó phê phán một cách
riêng lẻ, hoặc lợi dụng một vài nguyên tắc và đưa đến các chủ trương cực đoan.
Trái lại cần phải nhấn mạnh các đặc tính: thống nhất và liên tục, chứ không đứt
đoạn hoặc mâu thuẫn nhau, luôn cởi mở và lưu tâm tới các vấn đề thời đại, những
điều mới mẻ.
Học thuyết xã hội của Giáo hội là một tri thức được soi sáng bởi
đức tin: các nguyên tắc cơ bản của nó được rút ra từ những suy tư vừa dựa trên
lý trí, vừa dựa trên mạc khải thánh kinh và truyền thống của Giáo hội. Đối tượng
và nội dung của suy tư này là đời sống con người trong xã hội, các tương quan
giữa con người và xã hội. Về lãnh vực này, có rất nhiều điều thiết thực để suy
nghĩ. Do đó những nguyên tắc lớn của học thuyết xã hội công giáo không chỉ nằm
trên bình diện lý thuyết suông, nhưng chúng nhằm hướng dẫn đời sống thực tế của
con người và xã hội.
1. Nguyên tắc nhân vị và công bằng xã
hội
Nguyên tắc đầu tiên và cơ bản nhất là nguyên tắc nhân vị. Con
người chính là trọng tâm và linh hồn của tư duy xã hội công giáo. Toàn bộ học
thuyết xã hội công giáo chẳng qua chỉ là sự triển khai nguyên tắc: con người có
phẩm giá bất khả xâm phạm. Giáo hội luôn cố gắng bênh vực phẩm giá con người mỗi
khi có toan tính xác định lại hay bóp méo hình ảnh của phẩm giá ấy (x.
TYHTXHCG, số 107).
Người nam và người nữ có cùng một phẩm giá và ngang bằng nhau. Từng
người và cùng nhau họ là hình ảnh của Thiên Chúa. Người nam và người nữ quan hệ
với người khác trước hết như những người chịu trách nhiệm về sự sống của người
khác: “Ta sẽ đòi ngươi tính sổ về máu của anh em mình” (St 9, 5). Người nam và
người nữ cũng đặt mình đối diện với các loài thụ tạo khác, dựa vào chính ơn gọi
phải sống của mình, họ có quyền và bổn phận sử dụng chúng để phục vụ mình.
Nhưng việc con người làm chủ vũ trụ cũng đòi hỏi trách nhiệm, chứ không được
quyền tuỳ tiện và khai thác cách ích kỷ (x. ibid. số 111 – 113).
Con người được Thiên Chúa tạo dựng thành một thể thống nhất gồm
xác và hồn. Nhân vị con người bao gồm cả thân xác, được trao phó trọn vẹn cho
chính con người. Và con người với cả hồn lẫn xác là chủ thể chịu trách nhiệm về
các hành vi luân lý của mình. Thông qua thân xác, con người thống nhất nơi mình
các yếu tố của thế giới vật chất. Còn thông qua sự linh thiêng của mình, con
người vượt lên trên thế giới các sự vật và đi vào nơi sâu thẳm nhất của thực tại.
Bởi đó con người có hai đặc điểm khác nhau: là hữu thể vật chất có liên quan với
thế giới này qua thân xác mình, và là hữu thể thiêng liêng, mở ra với siêu việt.
Con người mở ra với Đấng Vô biên và với toàn thể các thụ tạo, mở
ra với sự hữu viên mãn, với chân trời vô biên của sự hữu. Con người hiện hữu
như một hữu thể độc đáo và không thể sao chép, như một cái “tôi’ có khả năng hiểu
chính mình, làm chủ chính mình và tự quyết về mình. Con người hiện hữu trước hết
như một thực thể làm chủ thể, như một trung tâm của ý thức và tự do.
Một xã hội công bằng chỉ trở thành hiện thực khi được xây dựng
trên việc tôn trọng phẩm giá siêu việt của con người. Con người là mục tiêu tối
hậu của xã hội; xã hội được tổ chức là nhắm tới con người. Bởi đó không bao giờ
người ta được lèo lái con người vào những mục tiêu xa lạ với sự phát triển của
chính con người. Không thể lấy con người làm phương tiện để thực hiện những dự
án kinh tế, xã hội hay chính trị.
Tự do đích thực không phải là “muốn làm gì thi làm’, không cần để
ý tới ai, không lưu tâm tới điều gì khác. Muốn thực hành đúng đắn ‘tự do cá
nhân”, đòi hỏi phải có những điều kiện đặc thù liên quan tới trật tự kinh tế,
xã hội, luật pháp, chính trị và văn hoá. Thực thi tự do, con người làm những
hành vi tốt về mặt luân lý, có giá trị xây dựng con người và xã hội, nếu con
người biết tuân theo sự thật. Người ta nhận ra sự thật liên quan đến điều tốt xấu
một cách hết sức cụ thể dựa vào phán đoán của lương tâm khiến con người sẵn
sàng chịu trách nhiệm về điều tốt và điều xấu đã làm.
Khi thực thi sự tự do, chúng ta gián tiếp liên hệ đến luật luân
lý tự nhiên, có tính phổ quát, đi trước và liên kết mọi quyền lợi và nghĩa vụ của
con người. Luật tự nhiên “chẳng là gì khác hơn chính ánh sáng của trí khôn được
Thiên Chúa dọi vào lòng chúng ta. Nhờ đó chúng ta biết phải làm điều gì và
tránh điều gì. Trong tình trạng có nhiều nền văn hoá khác nhau, luật tự nhiên
chính là điểm liên kết mọi dân tộc, thống nhất các nguyên tắc chung (x. ibid.
các số 129 – 141).
Thiên Chúa không thiên vị ai, vì mọi người đều có cùng phẩm giá
của những thụ tạo được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa.
Phẩm giá của mỗi người trước mặt Thiên Chúa chính là nền tảng đem lại phẩm giá
của con người trước mặt người khác.Và đó cũng là nền tảng tối hậu đưa tới sự
bình đẳng và tình huynh đệ căn bản giữa mọi người, bất kể chủng tộc, giới tính,
nguồn gốc, văn hoá hay giai cấp.
Chỉ khi nào phẩm giá con người được nhìn nhận mới có thể có sự
phát triển riêng và chung của mọi người (Gc 2, 1-9). Để khuyến khích sự phát
triển này, cần đặc biệt giúp đỡ những người kém nhất, bảo đảm cho cả nam lẫn nữ
có những điều kiện phát triển đồng đều, cũng như sự bình đẳng khách quan giữa
các giai cấp xã hội khác nhau trước mặt luật pháp.
Trong các quan hệ giữa các dân tộc và các quốc gia, cũng cần phải
có những điều kiện bình đẳng và giống nhau thì cộng đồng quốc tế mới phát triển
đích thực (x. ibid. các số 143-145).
Ứng dụng nguyên tắc nhân vị vào đời sống xã hội đưa tới đòi hỏi
không thể thoái thác, là mọi người phải tôn trọng quyền làm người của nhau, xã
hội và cộng đồng chính trị phải tôn trọng quyền con người. Giáo hội công giáo
đánh giá rất cao bản tuyên ngôn nhân quyền của Liên hiệp quốc, được công bố
ngày 10 tháng 12 năm 1948. Thật ra, nguồn gốc của các quyền con người nằm trong
chính phẩm giá của mỗi một con người. Nhưng nguồn gốc tối hậu của chúng không ở
trong ý muốn thuần tuý của con người, trong thực thể quốc gia hay chính quyền,
nhưng là trong chính bản thân con người và trong Thiên Chúa, Đấng tạo dựng con
người.
Phải bảo vệ các quyền con người không chỉ một cách riêng lẻ mà
còn như một tổng thể: bảo vệ chỉ một phần các quyền này thôi là một cách không
công nhận chúng. Các quyền ấy tương ứng với phẩm giá con người, và trên hết
chúng đáp ứng các nhu cầu căn bản của con người, vật chất cũng như tinh thần của
con người. Những quyền này áp dụng cho mọi giai đoạn của cuộc sống, mọi hoàn cảnh
chính trị, xã hội, kinh tế và văn hoá.
Thông điệp Bách chu niên (Centesimus annus) của Đức Thánh cha
Gioan Phaolô II liệt kê một số quyền rất cụ thể: “Quyền được sống”, và phần bổ
sung của quyền ấy là quyền của thai nhi được lớn lên trong bụng mẹ từ lúc thụ
thai; quyền được sống trong một gia đình hợp nhất và trong một môi trường luân
lý giúp phát triển nhân cách của đứa trẻ; quyền được phát huy trí khôn, được
tìm biết chân lý; quyền được chia sẻ công ăn việc làm, được sử dụng các thành
quả rút ra từ đó để lo cho bản thân và những người thân; quyền được tự do thành
lập gia đình, quyền có con hoặc hoãn lại bằng việc sinh đẻ có trách nhiệm. Theo
một nghĩa nào đó, nguồn gốc và tổng hợp các thứ quyền ấy là quyền tự do tôn
giáo, được hiểu như là quyền sống trong chân lý đức tin của mình và phù hợp với
phẩm giá siêu việt của một nhân vị” (Gioan Phaolô II, CA, số 47).
Liên kết hết sức chặt chẽ với đề tài quyền lợi là vấn đề nghĩa vụ
của con người. Trong xã hội loài người, quyền của người này là nghĩa vụ cho hết
mọi người khác: cụ thể là nghĩa vụ phải nhìn nhận và tôn trọng các quyền ấy.
Khi khẳng định các quyền lợi mà không nhìn nhận các trách nhiệm tương ứng là một
sự mâu thuẫn nội tại.
Phạm vi nhân quyền được mở rộng ra để bao gồm cả quyền lợi của
các dân tộc và các quốc gia. Luật quốc tế dựa trên nguyên tắc phải tôn trọng một
cách bình đẳng đối với các quốc gia, đối với quyền tự quyết của mỗi dân tộc và
đối với sự hợp tác tự do nhằm đạt được công ích cao ơn cho cả nhân loại. Hoà
bình được xây dựng không chỉ dựa trên quyền con người, mà còn trên sự tôn trọng
các quyền của các dân tộc, nhất là quyền độc lập (x. ibid. các số 152-157).
2. Nguyên tắc công ích và công bằng
xã hội
Nguyên tắc công ích là một nguyên tắc mà mọi khía cạnh trong đời
sống xã hội đều có liên quan để có ý nghĩa trọn vẹn, xuất phát từ chính phẩm
giá, sự duy nhất và bình đẳng giữa hết mọi người.
Công ích không chỉ đơn giản là tổng cộng các của cải riêng (vật
chất và tinh thần) của mỗi người trong xã hội. Dù là của mọi người và của mỗi
người, công ích vẫn là ích lợi chung, vì nó không thể phân chia được và vì phải
gộp chung như thế mới có được, phát triển và bảo vệ được cách hữu hiệu, đồng thời
hướng về tương lai.
Một xã hội muốn và có ý định tiếp tục phục vụ con người ở mọi cấp
độ là một xã hội phải lấy công ích - tức là lợi ích của hết mọi người và của
con người toàn diện - làm mục tiêu tiên quyết của mình. Con người không thể tìm
được sự phát triển mỹ mãn chỉ nơi bản thân mình, nếu bỏ qua sự kiện con người
hiện hữu với người khác và cho người khác.
Những đòi hỏi của công ích tuỳ thuộc vào những điều kiện xã hội
của mỗi giai đoạn lịch sử và có liên quan chặt chẽ với việc tôn trọng và thăng
tiến con người toàn diện cũng như các quyền căn bản của con người. Những đòi hỏi
này trước hết bao gồm việc dấn thân xây dựng hoà bình, tổ chức các cơ sở quyền
lực của quốc gia, xây dựng một hệ thống tư pháp lành mạnh, bảo vệ môi trường và
cung cấp các dịch vụ thiết yêu cho hết mọi người.
Công ích có liên quan tới mọi thành phần trong xã hội, không ai
được miễn cộng tác vào việc thực hiện và phát huy công ích, tuỳ theo khả năng của
mỗi người. Mỗi người cũng có quyền hưởng những điều kiện của đời sống xã hội do
công ích đem lại. Ngày nay tài sản của thế giới đang được phân phối dưới ảnh hưởng
của những tệ đoan nặng nề xuất phát từ chỗ có sự chênh lệch khổng lồ giữa một
thiểu số giàu có quá mức và vô số người không có tài sản. Cần phải tổ chức lại
sự phân phối ấy cách hiệu quả và phù hợp với các chuẩn mực về công ích, tức là
công bằng xã hội.
Trách nhiệm đạt tới công ích không những thuộc về các cá nhân,
mà là trách nhiệm của Nhà nước, vì công ích là lý do tồn tại của quyền bính
chính trị. Nhà nước phải bảo đảm cho xã hội dân sự được trật tự, thống nhất và
có tổ chức, để công ích được thể hiện với sự cộng tác của mỗi công dân. Để bảo
đảm công ích, chính phủ mỗi nước có nghĩa vụ đặc biệt là làm hài hoà các quyền
lợi khác nhau của các thành phần xã hội với các đòi hỏi của công lý. Điều hoà
cách thích hợp các lợi ích của các tập thể với các lợi ích của cá nhân là một
trong những nhiệm vụ tế nhị nhất của chính quyền.
Công ích xã hội không phải là một mục tiêu tự thân; nó chỉ có
giá trị khi có liên quan tới việc thực hiện các mục tiêu tối hậu của con người
và ích lợi chung của toàn thể thụ tạo (x. ibid. các số 164 - 170).
3. Nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của
cải và công bằng xã hội
Nguồn gốc và ý nghĩa của nguyên tắc mục
tiêu phổ quát của của cải:
Trong số những điều bao hàm trong nguyên tắc công ích, quan trọng
nhất là nguyên tắc của cải có mục tiêu phổ quát. Thiên Chúa đã tiền định cho
trái đất và tất cả những gì chứa đựng trong đó đều dành cho mọi người và mọi
dân tộc, ngõ hầu mọi sự vật được tạo thành được chia sẻ cách tốt đẹp cho hết mọi
người dựa vào sự công bằng được điều tiết bởi đức ái (Vat. II, GS, số 69).
Quyền sử dụng của cải trên trái đất là quyền dựa trên nguyên tắc
“mục tiêu phổ quát” của của cải. Mỗi người phải đạt được mức an sinh cần thiết
để có thể phát triển trọn vẹn. Quyền sử dụng chung các của cải là “nguyên tắc đầu
tiên của toàn bộ trật tự đạo đức và xã hội” và là nguyên tắc tiêu biểu của học
thuyết xã hội công giáo. Trước hết đó là một quyền tự nhiên, được khắc ghi nơi
bản tính con người, chứ không phải là một quyền do xã hội thiết định. Đó là một
quyền bẩm sinh nơi mỗi người… có trước bất cứ hệ thống pháp luật nào liên quan
đến vấn đề này, có trước bất cứ hệ thống kinh tế hay xã hội nào.
Nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải chính là một lời mời gọi
chúng ta hãy triển khai một nhãn quan kinh tế, gợi hứng từ các giá trị luân lý,
làm cho con người luôn nhìn thấy nguồn gốc và mục tiêu của của cải, để từ đó tạo
ra một thế giới công bằng và liên đới (x. TYHTXHCG, các số 1171 - 175).
Muốn thực hiện mục tiêu phổ quát của của cải, cần phải có nỗ lực
chung hầu tạo cho mỗi người và mọi dân tộc những điều kiện cần thiết để phát
triển toàn diện, hầu ai ai cũng có thể góp phần làm cho thế giới nhân bản hơn. “Trong
thế giới ấy mỗi cá nhân có thể cho và nhận, sự tiến bộ của người này không cản
trở sự phát triển của những người khác…” (Thánh bộ giáo lý đức tin, Libertatis
conscientia, số 90, năm 1987).
Mục tiêu phổ quát của tài sản và quyền
tư hữu:
Nhờ lao động và nhờ tận dụng khả năng trí tuệ, người ta có thể
làm chủ trái đất và biến nó thành một nơi ở thích hợp, con người biến một phần
trái đất thành của mình; đây chính là nguồn gốc của tư hữu. Nhờ tư hữu và các
hình thái khác nhau trong việc làm chủ của cải cách cá nhân, con người bảo đảm
cho mình có một không gian hết sức cần thiết để thực hiện sự độc lập của cá
nhân và gia đình, có thể coi đó là sự nối dài của tự do… thúc giục con người
thi hành trách nhiệm, và là một trong những điều kiện để có được sự tự do dân sự
(x. GS, số 71).
Học thuyết xã hội công giáo đòi việc làm chủ của cải phải được mở
ra một cách đồng đều cho hết mọi người, để mọi người đều có thể trở thành chủ
nhân, ít là trong một chừng mực nào đó, và tránh tình trạng phải chấp nhận những
hình thức “làm chủ một cách chung chạ và hỗn độn”.
Truyền thống kitô giáo chưa bao giờ công nhận quyền tư hữu là
quyền tuyệt đối, không được phép đụng chạm. Ngược lại, truyền thống ấy luôn
luôn hiểu quyền này trong khuôn khổ rộng lớn hơn là quyền của hết mọi người được
sử dụng tài nguyên của toàn thể vũ trụ (Gioan Phaolô II, Laborem exercens, số
14).
Học thuyết xã hội công giáo còn kêu gọi nhìn nhận vai trò xã hội
của quyền tư hữu dưới bất cứ hình thức nào, đó là một cách nhắc tới tương quan
tất yếu giữa tư hữu với công ích. Không được để tài sản mình đang giữ hoá thành
vô ích, nhưng phải làm sao hướng chúng đi vào hoạt động sản xuất, thậm chí còn
giao các tài sản ấy cho những người nào có ước muốn và khả năng đưa chúng vào sản
xuất.
Giai đoạn lịch sử hiện nay xếp đăt cho xã hội sử dụng nhiều thứ
của cải mới mẻ và trước đây chưa từng được biết đến. Tình hình này bắt chúng ta
đọc lại nguyên tắc mục tiêu phổ quát của tài sản một cách mới mẻ và cần phải mở
rộng nguyên tắc ấy cho nó bao gồm cả những sự phát triển mới nhất do các tiến bộ
kinh tế và công nghệ mang lại. Phải đặt các hiểu biết mới mẻ về công nghệ và
khoa học phục vụ các nhu cầu căn bản của con người, làm cho gia sản chung của
nhân loại càng ngày càng tăng lên.
Cần phải phá các hàng rào và các tổ chức độc quyền, đã khiến cho
nhiều nước phải đứng bên lề chương trình phát triển, phải cung cấp cho các cá
nhân và quốc gia các điều kiện căn bản, giúp họ tham gia vào sự phát triển
(Gioan Phaolô II, CA, số 35).
Được thi hành quyền làm chủ dưới nhiều hình thức khác nhau sẽ
giúp cho các chủ thể, cá nhân hay cộng đồng, hưởng thêm nhiều lợi ích khách
quan như điều kiện sống tốt hơn, tương lai an toàn hơn, và khả năng để lựa chọn
có nhiều hơn. Nhưng của cải cũng có thể mang lại nhiều hứa hẹn hão huyền, nguồn
gốc của nhiều cám dỗ. Những người nào và xã hội nào đi xa đến mức tuyệt đối hoá
vai trò của của cải không sớm thì muộn sẽ kinh nghiệm thế nào là bị nô lệ một
cách cay đắng nhất (x. TYHTXHCG, các số 176 - 181).
Mục tiêu phổ quát của tài sản và sự lựa
chọn ưu tiên dành cho người nghèo:
Nguyên tắc của cải vốn có mục tiêu phổ quát bắt chúng ta phải
coi người nghèo, người bị gạt ra bên lề và người bị ngăn cản không phát triển
được do các điều kiện sống của họ, là những tiêu điểm cần quan tâm đặc biệt. Muốn
vậy cần phải tái xác nhận cách mạnh mẽ sự lựa chọn ưu tiên dành cho người
nghèo. Đây là một sự lựa chọn hay là một hình thức ưu tiên trong khi thi hành đức
ái kitô giáo, như toàn bộ truyền thống Giáo hội đã làm chứng.
Hơn thế nữa, hiện nay, với chiều kích toàn cầu mà các vấn đề xã
hội đều có, tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo và các quyết định rút ra từ
đó chắc chắn bao trùm vô số người đói khát, túng thiếu, không nhà ở, người
không được chăm sóc y tế và trên hết, người không hy vọng, sẽ có một tương lai
tốt đẹp hơn (Gioan Phaolô II, SRS, số 42).
Lòng yêu thương mà Giáo hội dành cho người nghèo được cảm hứng từ
Tin mừng Tám mối phúc, từ đời sống khó nghèo của Chúa Giêsu và từ sự quan tâm của
Người đối với người nghèo. Lòng yêu thương này không những liên quan tới sự khó
nghèo vật chất, mà còn liên quan tới nhiều hình thức khác nhau của sự nghèo nàn
về văn hoá và tôn giáo (x. TYHTXHCG, các số 182 - 184).
Trong giáo huấn của mình, Giáo hội thường xuyên nhắc tới mối
tương quan giữa lòng bác ái và sự công bằng: “Khi chúng ta chăm lo các nhu cầu
của những người đang cần là chúng ta trả lại cho họ cái của họ, chứ không phải
của chúng ta. Chúng ta không chỉ làm các việc bày tỏ lòng thương xót mà là đang
trả một món nợ công bằng” (Thánh Grêgôriô Cả, Regula pastoralis, 3,21).
4. Nguyên tắc bổ trợ (principle of
subsidiarity)
Nguyên tắc bổ trợ là một trong những định hướng bền vững và đặc
thù nhất của học thuyết xã hội công giáo, đã có mặt trong học thuyết ấy ngay từ
văn kiện xã hội đầu tiên (Lêô XIII, Rerum novarum).
Để phát huy phẩm giá con người cần phải quan tâm tới gia đình,
các tập thể, các hiệp hội, các thực thể địa phương, phải quan tâm tới toàn bộ
các biểu hiện kinh tế, xã hội, văn hoá, thể thao, giải trí, nghề nghiệp… mà dân
chúng đã tự động tạo ra, vì chúng giúp họ thể hiện việc tăng trưởng xã hội cách
có hiệu quả. Đó chính là lãnh vực của xã hội dân sự, có thể hiểu là tổng số các
mối quan hệ giữa các cá nhân với các tập thể xã hội trung gian. Nhờ mạng lưới
các quan hệ ấy, cơ cấu xã hội mới vững mạnh và cộng đồng các nhân vị mới có nền
tảng.
Giáo hội từng nhấn mạnh tới nhu cầu cần bảo vệ và phát huy các
biểu hiện nguyên thuỷ của đời sống xã hội (x. Quadragesimo Anno). Giáo hội cũng
cho thấy nguyên tắc bổ trợ là nguyên tắc quan trọng nhất của triết học xã hội.
Thật là một sai lầm trầm trọng khi rút khỏi tay các cá nhân những
gì họ có thể làm được dựa vào sáng kiến và sự chuyên cần của mình, để trao cho
cộng đồng; cũng vậy thật là bất công và tai hại nghiêm trọng, làm trật tự đúng
đắn bị xáo trộn, khi giao cho một tổ chức cao hơn và lớn hơn những gì mà tổ chức
nhỏ hơn và cấp dưới có thể làm được.
Dựa trên nguyên tắc này, mọi xã hội thuộc trật tự cao hơn phải
có thái độ giúp đỡ - tức là hỗ trợ, đẩy mạnh, phát triển - các xã hội thuộc trật
tự thấp hơn. Nhờ nguyên tắc bổ trợ dân chúng có thể được bảo đảm khỏi những sự
lạm quyền của chính quyền cấp cao hơn và chính quyền này cũng được mời gọi giúp
đỡ các cá nhân, các gia đình và các tập thể trung gian chu toàn nghĩa vụ.
Nguyên tắc này là bó buộc, vì mỗi con người, mỗi gia đình và tập thể trung gian
đều có một điều gì độc đáo có thể đóng góp cho cộng đồng.
Nguyên tắc bổ trợ chống lại một số hình thức trung ương tập quyền,
quan liêu giấy tờ, cũng như sự can thiệp vô lý và thái quá của Nhà nước trong
guồng máy công cộng. Để áp dụng nguyên tắc bổ trợ trong thực tế, có một nhu cầu
tương ứng cần thoả mãn: đó là tôn trọng và thăng tiến con người và gia đình;
trân trọng ngày càng nhiều hơn các hiệp hội và các tổ chức trung gian trong những
lựa chọn căn bản của họ; cổ võ các tổ chức tư nhân sao cho bất cứ đơn vị xã hội
nào cũng phục vụ công ích, mỗi tổ chức với nét riêng của mình.
Một số trường hợp cụ thể có thể khiến Nhà nước hỗ trợ thực hiện
một vài chức năng. Có những tình huống mà trong đó Nhà nước cần phải đích thân
đứng ra khởi động nền kinh tế vì xã hội dân sự nơi đó không đủ sức hỗ trợ các
sáng kiến kinh doanh. Cũng có thể có trường hợp vì tình trạng mất cân đối xã hội
hay bất công xã hội quá nghiêm trọng mà chính quyền cần can thiệp để tạo ra những
điều kiện bình đẳng hơn, để có công lý và hoà bình. Tuy nhiên, theo nguyên tắc
bổ trợ, sự thay thế mang tính cơ chế này không được tiếp tục khi không thực sự
cần thiết nữa.
Một hệ luận điển hình của nguyên tắc bổ trợ là sự tham gia, được
thực hiện chủ yếu qua một loạt hoạt động mà nhờ đó các công dân - trong tư cách
cá nhân hay liên kết với người khác- góp phần vào đời sống văn hoá, kinh tế,
chính trị và xã hội của cộng đồng dân sự mà mình là thành viên. Tham gia là
nghĩa vụ mà mọi người phải chu toàn một cách ý thức, với tinh thần trách nhiệm
và nhắm tới công ích.
5. Nguyên tắc liên đới (principle of
solidarity)
Nguyên tắc liên đới là nguyên tắc hiện nay được nhấn mạnh nhiều
nhất trong học thuyết xã hội công giáo, và cũng là nguyên tắc được đưa vào ứng
dụng thực tế nhiều nhất trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế.
Ý nghĩa của sự liên đới:
Liên đới không chỉ là một đồng cảm mơ hồ hay xúc động hời hợt
trước những đau khổ của bao người xa gần. Nhưng đó là quyết tâm chắc chắn và bền
vững lo cho công ích, nghĩa là cho lợi ích của tất cả và của từng người, bởi vì
tất cả chúng ta thực sự đều có trách nhiệm về mọi người. Đây là một thái độ
hoàn toàn có tính chất phúc âm: dấn thân lo cho ích lợi của tha nhân, sẵn sàng
như Tin mừng nói, “chết đi” cho người khác, thay vì bóc lột họ, “phục vụ” người
khác thay vì đàn áp họ để mưu lợi ích riêng (x. Mt 10, 40 - 42; Mc 10, 42 - 45;
Lc 22, 25 - 27).
Việc thực thi tình liên đới trong mọi xã hội sẽ đạt được giá trị
trọn vẹn của nó, khi mọi người biết nhìn nhận nhau như là những con người. Những
ai có khả năng hơn vì có nhiều của cải và hưởng nhiều dịch vụ chung hơn, phải cảm
thấy có trách nhiệm đối với những người yếu kém hơn, và phải sẵn sàng chia sẻ
cho họ những gì mình có. Về phần mình, những người yếu kém hơn, trong cùng một
hướng liên đới, không nên có một thái độ thuần tuý tiêu cực hoặc phá hoại xã hội,
nhưng hãy làm những gì thuộc về phần mình nhằm ích lợi cho mọi người, trong khi
vẫn bênh vực những quyền chính đáng của mình (x. SRS, các số 38 - 39).
Sự liên đới làm nổi bật cách hết sức đặc biệt bản chất xã hội của
con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và quyền lợi, cũng như con đường
chung cho các cá nhân và các dân tộc bước vào để tiến tới sự thống nhất với một
ý thức càng ngày càng cao hơn.
Ngày nay hơn bao giờ hết, có một sự nhận thức phổ biến rộng rãi
về sự lệ thuộc lẫn nhau (interdependence) giữa các cá nhân và các dân tộc. Sự
tiến bộ nhanh chóng về phương tiện truyền thông, về công nghệ điện toán, sự gia
tăng của khối lượng thương mại và thông tin, đã biến thế giới trở thành như một
ngôi làng. Mặc dù người ta ở cách nhau rất xa và có khi không quen biết nhau,
người ta vẫn có thể nói tới một ngôi làng thế giới.
Đứng trước hiện tượng “lệ thuộc lẫn nhau” càng ngày càng rộng lớn,
ở mọi nơi người ta đều thấy vẫn còn sự bất bình đẳng sâu sắc giữa các nước đã
phát triển và các nước đang phát triển, những sự bất bình đẳng do các hình thức
bóc lột, đàn áp và tham ô gây ra, từng gây ảnh hưởng tiêu cực trên đời sống quốc
nội cũng như quốc tế của nhiều nước. Chính vì thế mà việc gia tăng các quan hệ
hỗ tương giữa các cá nhân và các dân tộc cần phải có những nỗ lực kèm theo về
phương diện đạo đức xã hội, khẩn trương không kém (x. TYHTXHCG, số 192).
Liên đới là một nguyên tắc xã hội và
là một nhân đức luân lý:
Quan hệ lệ thuộc lẫn nhau giữa các cá nhân và các dân tộc, chính
là những hình thức liên đới trong thực tế, phải được biến thành những quan hệ
hướng về sự liên đới đích thực trên bình diện đạo đức xã hội. Đây là một đòi hỏi
luân lý tiềm tàng trong mọi quan hệ con người. Bởi đó cần phải nhìn sự liên đới
dưới hai khía cạnh bổ sung cho nhau: liên đới là một nguyên tắc xã hội, cũng là
một nhân đức luân lý.
Trước hết phải nhìn sự liên đời trong giá trị riêng của nó như
là một nhân đức luân lý nhằm xác định trật tự của các cơ chế. Không phải cơ chế
nào cũng tốt, có những cơ chế dung dưỡng sự bất công và sự áp bức bóc lột, mà
trên bình diện thần học, chúng ta gọi là “những cơ chế của tội”. Các cơ chế ấy
cần được thanh lọc và biến thành “cơ chế liên đới”. Liên đới là một “nhân đức
xã hội” cơ bản, vì đó là nhân đức nằm trong phạm vi của sự công bằng. Đó là một
nhân đức ưu tiên nhắm tới công ích và được gặp thấy nơi những người “dấn thân
lo cho ích lợi của người khác” (x. TYHTXHCG, số 193).
Giáo hội cảm thấy được mời gọi đứng về phía đám đông những người
nghèo, công nhận tính cách chính đáng của những yêu sách của họ, góp phần thoả
mãn những yêu sách đó. Sự “tuỳ thuộc lẫn nhau” phải biến thành liên đới, dựa
trên nguyên tắc là của cải được tạo dựng dành cho mọi người: những gì mà công
nghệ sản xuất bằng cách biến cải các nguyên liệu với sự đóng góp của lao động,
cũng phải được để cho mọi người sử dụng (x. SRS, các số 38 - 40).
Dưới ánh sáng đức tin, sự liên đới không chỉ để mà liên đới,
nhưng còn hướng tới chiều kích đặc thù kitô giáo, đó là sự hoàn toàn vô vị lợi,
sự tha thứ và hoà giải. Lúc đó tha nhân không chỉ là một người có những quyền lợi
và được bình đẳng với mọi người, nhưng còn là hình ảnh sống động của Thiên Chúa
là Cha, được máu Chúa Kitô cứu chuộc, và là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Do đó,
tuy thuộc phạm vi “công bằng xã hội”, liên đới có nhiều điểm tương đồng với “bác
ái kitô giáo”, mà ngày nay người ta nhấn mạnh nhiều đến khía cạnh xã hội (bác
ái xã hội).
Người có nhân đức liên đới luôn hướng tới công lý và ước ao thiết
lập công lý trên khắp mặt địa cầu, và đặc biệt là công lý dành cho những người
nghèo khổ, không tiền bạc, không địa vị, không quyền lực, không tiếng nói. Nơi
sự liên đới, bác ái và công bằng gặp gỡ nhau, và trở thành hiện thực trên bình
diện xã hội. Dấu hiệu đáng mừng nhất của thế giới còn đầy dẫy những bất công và
tranh chấp, chính là hiện tượng liên đới càng ngày càng lan rộng và thực sự trở
nên toàn cầu.
Liên đới và sự phát triển chung của
nhân loại :
Thông điệp của học thuyết xã hội công giáo về sự liên đới cho thấy
rõ có một mối tương quan mật thiết giữa liên đới và công ích, giữa liên đới và
mục tiêu phổ quát của tài sản, giữa liên đới với bình đẳng, giữa liên đới với
hoà bình trên thế giới.
Thuật ngữ “liên đới” diễn tả cách tóm tắt sự cần thiết phải nhận
ra trong những mối giây liên kết con người với nhau, các tập thể xã hội với
nhau có cả một không gian cho con người được tự do xây dựng sự phát triển
chung, trong đó ai ai cũng có phần và ai ai cũng tham gia.
Nguyên tắc liên đới đòi con người hôm nay phải ngày càng nhận thức
rõ hơn rằng họ chính là những người mắc nợ xã hội mà họ đang tham gia. Họ là những
người “mắc nợ” vì tất cả những điều kiện đã làm cho cuộc sống của họ trở nên
đáng sống, và vì những di sản không thể phân chia nhưng rất cần thiết do văn
hoá, do sự hiểu biết khoa học và kỹ thuật, do của cải vật chất và tinh thần
mang lại (x. Ủy ban Giáo hoàng về Công lý và Hòa Bình, TYHTXHCG, các số 194 -
195).
Sự liên đới là con đường đi tới hoà bình, và đồng thời cũng là
con đường đi tới phát triển. Mục tiêu của hoà bình mà mọi người hằng trông đợi,
chắc chắn sẽ đạt được nhờ việc thực thi công bằng xã hội trên bình diện quốc
gia và quốc tế, đồng thời cũng nhờ việc thực thi các nhân đức để khuyến khích “chung
sống”.
Sự quan tâm tích cực đến người nghèo phải được thể hiện ở mọi mức
độ, bằng những hành vi cụ thể để đạt được một số những cải cách cần thiết. Tuỳ
theo từng hoàn cảnh, người ta ấn định các cải cách cấp bách nhất, và những phương
tiện để thực hiện. Trên bình diện quốc tế, thông điệp Quan tâm đến vấn đề xã hội
của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhấn mạnh đến những cải cách sau đây cần phải
có: - cải cách hệ thống thương mại quốc tế; - cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế;
- lưu tâm nhiều hơn đến việc trao đổi kiến thức kỹ thuật; - xét lại cơ cấu của
các tổ chức quốc tế hiện hữu (x. SRS, các số 41 - 45).
KẾT LUẬN
Xây dựng xã hội công bằng theo Học Thuyết Xã Hội Công Giáo không
gì khác hơn là nhìn nhận, tôn trọng và thăng hoa phẩm giá của con người, bởi vì
“Con người là con đường của Giáo Hội” (x. RH, số 14).
Mục đích chung của tất cả chúng ta là con người, khát vọng chung
của chúng ta là mong muốn điều tốt nhất cho mỗi con người và mọi con người
trong xã hội Việt Nam hôm nay. Tôi tin rằng định hướng này của chúng ta là thật.
Và đây là một cơ may cho tất cả chúng ta để mở ra với viễn tượng hợp tác và
phát triển bền vững ở hiện tại và trong tương lai.
Vấn đề đặt ra có thể là sự khác biệt giữa chúng ta trong cách
nhìn về con người. Quan niệm rõ ràng và toàn vẹn về con người là hình ảnh Thiên
Chúa theo kitô giáo làm biến đổi mọi khía cạnh của đời sống cá nhân và xã hội của
con người. Và đó là động lực giúp chúng tôi dấn thân phục vụ con người trong xã
hội qua việc đối thoại với nền văn hoá và xã hội Việt Nam hôm nay.
Đối thoại là tên gọi mới của niềm hy vọng. Chúng tôi xác tín rằng
chỉ có đối thoại mới mở đường cho con người, cho xã hội, cho đất nước, cho Giáo
hội hướng tới một tương lai tươi sáng hơn, công bằng hơn. Chúng tôi đặt nền tảng
của đối thoại trên tình yêu và chân lý: tình thương dành cho con người và sự thật
về con người toàn vẹn. Đó là niền hy vọng của chúng tôi.
Niềm hy vọng của chúng tôi cũng là niềm hy vọng muốn chia sẻ với
tất cả những người thiện chí muốn góp phần xây dựng xã hội công bằng hơn và văn
minh hơn. Niềm hy vọng đó thúc đẩy chúng tôi đối thoại và hợp tác cùng với mọi
người nhằm tìm ra hướng đi đúng đắn cho xã hội và đồng hành với mọi người để
xây dựng xã hội.
Để đối thoại chúng ta cần lắng nghe nhau. Chúng tôi xin cám ơn
vì ý nghĩa của việc xây dựng xã hội công bằng theo Học Thuyết Xã Hội Công Giáo
được lắng nghe trong Hội thảo này.
----------------
NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT
CA: Centesimus Annus -
Thông điệp “Năm thứ 100” của ĐGH Gioan Phaolô II
GLHTCG: Giáo Lý Hội Thánh
Công Giáo
GS: Gaudium et Spes -
Hiến chế về mục vụ “Vui mừng và hy vọng” của Công đồng Vatican II
LE: Laborem exercens -
Thông điệp “Lao động của con người” của ĐGH Gioan Phaolô II
QR: Quadragesimo Anno
- Thông điệp “Tứ thập niên” của ĐGH Piô XI
RH: Redemptor Hominis
- Thông điệp “Đấng Cứu Chuộc con người” của ĐGH Gioan Phaolô II
RN: Rerum Novarum -
Thông điệp “Tân sự” của ĐGH Leo XIII
SRS: Sollicitudo rei
socialis - Thông điệp “Quan tâm đến vấn đề xã hội” của ĐGH Gioan Phaolô II
TĐ/TCLTY: Thông điệp “Thiên
Chúa là Tình Yêu” của ĐGH Bênêđíctô XVI
TYHTXHCG: Toát Yếu Học
Thuyết Xã Hội Công Giáo