GIÁO LÝ VỀ PHÉP RỬA

1. Bí tích Rửa tội "kitô hóa" mỗi người chúng ta

(11-4-2018)

Anh chị em thân mến.

Năm mươi ngày của phụng vụ mùa phục sinh thích hợp cho việc suy tư về đời sống kitô giáo, theo bản chất, nó phát xuất từ chính Chúa Kitô. Thật vậy, chúng ta là những người tín hữu theo mức độ chúng ta để Chúa Giêsu Kitô sống trong chúng ta. Ý thức này khơi lại từ đâu nếu không phải từ khởi đầu, từ Bí tích đã thắp lên trong chúng ta đời sống kitô hữu? Đó là bí tích Rửa tội. Sự Phục sinh của Chúa Kitô, với sự mới mẻ của Ngài, đến với chúng ta qua Bí tích Rửa tội để biến đổi chúng ta theo hình ảnh của Ngài. Những người được rửa tội là của Chúa Giêsu Kitô, Ngài là Thiên Chúa của cuộc sống họ. Phép rửa là “nền tảng của mọi đời sống kitô giáo” (GLCG 1213). Đó là các Bí tích đầu tiên trong các Bí tích, là cánh cửa cho Chúa Kitô cư ngụ trong con người chúng ta và cho chúng ta được đắm chìm trong mầu nhiệm của Người.

Động từ “rửa tội” theo tiếng hy lạp nghĩa là “nhận chìm” (x. GLCG 1214). Tắm với nước là một nghi thức thông thường của nhiều niềm tin khác nhau để diễn tả chuyển bước từ tình trạng này sang tình trạng khác, dấu chỉ của việc thanh tẩy cho một khởi đầu mới. Tuy nhiên đối với chúng ta là những người kitô hữu, chúng ta không phải tránh né, nếu thân xác chúng ta được nhận chìm trong nước, thì linh hồn chúng ta được nhận chìm trong Chúa Kitô để lãnh nhận ơn tha tội và được ánh sáng thiêng linh chiếu dọi (Tertulliano, bàn về sự phục sinh và sự chết, VIII, 3: CCL 2, 931; PL 2, 806). Nhờ Chúa Thánh Thần, Bí tích Rửa tội nhận chìm chúng ta trong cái chết và phục sinh của Chúa, dìm trong giếng rửa tội con người cũ bị tội lỗi thống trị, ngăn cách chúng ta khỏi Thiên Chúa, và làm tái sinh chúng ta trong con người mới, được tái tạo trong Chúa Giêsu. Trong Người, tất cả mọi con cháu của Ađam được kêu mời đến đời sống mới. 

Bí tích Rửa tội, là một sự tái sinh. Tôi chắc chắn, và tin chắc rằng tất cả chúng ta nhớ ngày sinh của mình. Nhưng tôi tự hỏi, một chút nghi ngờ, và cũng hỏi anh chị em: Anh chị em có nhớ ngày mình được rửa tội không? Một số người nói có nhớ - rất tốt. Nhưng mà câu trả lời nghe hơi yếu một chút, bởi vì hầu như anh chị em không nhớ đến ngày này. Nhưng nếu chúng ta mừng ngày sinh ra, làm sao không mừng được, ít ra là nhớ ngày mình được tái sinh? Tôi cho anh chị em một bài làm về nhà, một bài làm về nhà hôm nay. Những ai trong anh chị em không nhớ ngày chịu phép rửa thì hỏi mẹ, hỏi cậu dì, hỏi các cháu: “có biết ngày rửa tội không?” và đừng bao giờ quên điều đó. Đó là ngày tạ ơn Thiên Chúa, vì chính ngày đó Chúa Giêsu bước vào trong tôi, Chúa Thánh Thần bước vào trong tôi. Anh chị em hiểu bài làm về nhà chưa? Tất cả mọi người phải biết ngày mình được rửa tội. Đó là ngày sinh nhật thứ hai: mừng ngày được tái sinh. Anh chị em làm ơn đừng quên điều này. 

Chúng ta hãy nhớ những lời sau cùng của Đấng Phục sinh nói với các Tông đồ, rõ ràng đó là một lệnh truyền: “Anh em hãy đi và hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Matt 28,19). Qua việc rửa tội, ai tin vào Chúa Kitô thì được nhận chìm trong chính đời sống của Ba Ngôi. Thực vậy, không phải bất cứ nguồn nước nào của Phép rửa, nhưng là nước trong đó đã được khẩn nài Chúa Thánh Thần “Đấng ban sự sống” (Kinh Tin kính). Chúng ta nghĩ đến điều mà Chúa Giêsu đã nói với Nicôđêmô khi giải thích cho ông ta về việc tái sinh đối với sự sống thần linh: “không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí (Ga 3,5-6). Vì vậy phép rửa còn được gọi là “tái sinh”. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã cứu chuộc chúng ta “nhờ vào lòng thương xót của Ngài, với nước tái sinh và đổi mới trong Chúa Thánh Thần” (Tt 3,5). Phép rửa là dấu chỉ hiệu quả của việc tái sinh, để bước đi trong cuộc sống mới. Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma nhắc đến điều đó: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới (Rm 6, 3-4). Khi chúng ta được dìm trong Chúa Kitô, Bí tích Rửa tội cũng làm cho chúng ta thành chi thể của Thân thể Chúa, là Giáo hội, và thông phần vào sứ mạng của Ngài ở trần gian (x. GLCG 1213). 

Là những người đã chịu phép rửa nên chúng ta không hề cô đơn: chúng ta là chi thể của Thân thể Chúa. Sức sống tuôn ra từ giếng rửa tội được minh họa bởi những lời của Chúa Giêsu: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái (Ga 15,5). Chính cuộc sống ấy, cuộc sống của Chúa Thánh Thần, tuôn chảy từ Chúa Kitô sang những người chịu phép rửa, hiệp nhất mọi người trong cùng một Thân thể (1 Cor 12,13), được xức dầu thánh và được nuôi dưỡng nhờ bàn tiệc Thánh Thể. Bí tích rửa tội cho phép Chúa Kitô sống trong chúng ta và để chúng ta sống kết hiệp với Ngài, để cộng tác với Giáo hội, mỗi người tùy theo khả năng của mình, làm biến đổi thế giới. Được lãnh nhận một lần duy nhất, phép rửa chiếu soi toàn thể cuộc sống của chúng ta, đưa dẫn từng bước chân của chúng ta hướng về Giêrusalem trên trời. Bí tích Rửa tội có khởi đầu và có kết thúc. Bí tích ví như một lộ trình đức tin, mà chúng ta gọi là giai đoạn dự tòng, hiển nhiên khi họ là người trưởng thành đến xin Phép rửa. Nhưng kể cả các trẻ nhỏ, từ thời xưa, cũng được rửa tội nhờ đức tin của cha mẹ (Nghi thức Rửa tội trẻ em, phần dẫn nhập, 2). Và dựa vào điều trên tôi muốn nói với anh chị em một chuyện. Một số người cho rằng: không hiểu tại sao lại rửa tội cho trẻ nhỏ?. Chúng ta hy vọng rằng, đứa nhỏ lớn lên, nó hiểu biết và chính nó đến xin Rửa tội. Nhưng làm điều này có nghĩa là không tin vào Chúa Thánh Thần, bởi vì khi chúng ta rửa tội cho một em nhỏ, Chúa Thánh Thần bước vào trong nó, và Chúa Thánh Thần làm lớn lên trong nó các nhân đức kitô giáo, ngay từ khi còn nhỏ, để rồi sinh hoa kết trái. Chúng ta phải luôn trao cơ hội này cho tất cả mọi người, tất cả các trẻ nhỏ, để có trong họ Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn họ trong suốt cuộc đời. Anh chị em đừng quên rửa tội cho các trẻ em! Không ai là người xứng đáng nhưng Phép rửa luôn ban nhưng không cho tất cả mọi người, người lớn và trẻ sơ sinh. Như đã xảy ra đối với hạt giống tràn đầy sự sống, ơn sủng này bén rễ và mang lại hoa trái nơi mảnh đất được nuôi dưỡng bởi đức tin. Những lời hứa rửa tội mà hằng năm chúng ta tuyên hứa lại trong đêm Vọng Phục sinh phải được làm sống lại từng ngày để cho Bí tích Rửa tội “kitô hóa”: chúng ta không sợ những lời này: Bí tích rửa tội “kitô hóa” chúng ta, ai đã lãnh nhận phép rửa thì được “kitô hóa” nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, được biến đổi trong Chúa Kitô và làm cho người ấy thực sự thành một Kitô khác. 

2. Bí tích Rửa tội, dấu chỉ đức tin Kitô giáo.

(18-4-2018)

Anh chị em thân mến.

Trong mùa Phục sinh này, chúng ta tiếp tục những bài giáo lý về Bí tích Rửa tội. Ý nghĩa của Bí tích rửa tội nổi bật cách rõ ràng do việc cử hành của nó, do đó chúng ta chú ý đến Bí tích này.

Khi nhìn lại những cử chỉ và lời nói của phụng vụ chúng ta có thể gặt hái được ơn thánh và sự dấn thân của Bí tích này, một bí tích luôn cần được tái khám phá. Chúng ta nhớ lại bí tích này lúc rảy nước thánh mà ta làm vào ngày Chúa nhật khi bắt đầu thánh lễ, cũng như việc lặp lại lời hứa rửa tội trong đêm Vọng Phục sinh. Thật vậy, những gì xảy ra trong khi cử hành Bí tích Rửa tội khơi dậy một sự năng động tinh thần xuyên qua toàn bộ cuộc sống của những người chịu phép rửa; nó là khởi đầu của một tiến trình qua đó cho phép một người sống kết hiệp với Chúa Kitô trong Giáo hội. Bởi thế, khi trở lại với nguồn mạch của đời sống kitô hữu, mang lại cho chúng ta sự hiểu biết đúng đắn về ơn đã lãnh nhận trong ngày chúng ta chịu Phép rửa và làm mới lại sự dấn thân của chúng ta sao cho phù hợp với điều kiện mà hôm nay chúng ta thấy mình đang có. Đổi mới sự dấn thân, hiểu đúng ơn này, đó là Bí tích Rửa tội, và nhớ đến ngày chúng ta chịu Phép rửa.

Thứ tư tuần trước tôi đã xin mọi người làm bài tập về nhà, nhớ lại ngày Rửa tội, ngày tôi được Rửa tội là ngày nào. Tôi biết rằng một số người trong anh chị em biết ngày đó, số khác thì không; những người không biết ngày này, thì hỏi cha mẹ, hỏi mọi người, hỏi cha mẹ đỡ đầu rằng: “con được rửa tội vào ngày nào?”. Bởi vì Bí tích Rửa tội là một sự tái sinh và nó giống như là sinh nhật lần thứ hai. Anh chị em hiểu không? Hãy làm việc này ở nhà, hãy hỏi cho biết : “Tôi được rửa tội vào ngày nào?”.

Trước hết, trong nghi thức đón nhận, có hỏi tên của ứng viên, bởi vì cái tên cho thấy được căn tính của một người. Khi chúng ta giới thiệu về mình, chúng ta nói ngay tên của mình: “Tên tôi là thế này”, như thế là thoát ra khỏi cái vô danh. Người vô danh là người không có tên. Để bước ra khỏi cái vô danh đó chúng ta giới thiệu ngay tên của mình. Không có tên thì bạn vẫn chưa được biết đến, không có quyền và nghĩa vụ gì. Thiên Chúa kêu gọi mỗi một người qua cái tên, Người yêu thương từng người chúng ta trong cái cụ thể của lịch sử đời ta. Bí tích Rửa tội thắp lên ơn gọi nơi từng người để sống như người kitô hữu, sẽ được phát triển trong suốt cuộc đời. Nó bao hàm một sự đáp trả cá nhân và không vay mượn theo kiểu “cắt và dán”. Thật vậy đời sống người tín hữu được dệt nên bằng một chuỗi những lời kêu gọi và đáp trả: Thiên Chúa tiếp tục kêu tên chúng ta qua từng năm tháng, bằng cách làm vang lên lời mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, Con của Ngài, bằng trăm phương nghìn cách. Vì vậy cái tên thật là quan trọng.! Nó rất quan trọng! Những bậc cha mẹ nghĩ đến cái tên để đặt cho con trước khi nó chào đời: đó cũng là một phần của sự mong đợi một đứa trẻ, theo tên của mình, sẽ có được căn tính ban đầu, cũng như đối với cuộc sống kitô hữu gắn bó với Thiên Chúa.

Dĩ nhiên, để trở thành người kitô hữu là một ơn đến từ trên cao (x. Ga 3,3-8). Đức tin không thể mua được, nhưng phải xin, và lãnh nhận như một ơn. “Lạy Chúa, xin ban tặng cho con ơn đức tin”, đó là lời cầu nguyện tuyệt vời. “Ước gì con có đức tin” đó là lời cầu nguyện tuyệt vời. Ơn thánh phải xin chứ người ta không thể mua được. Cho nên, “Bí tích rửa tội là bí tích của đức tin, qua đó con người được ơn sủng của Chúa Thánh Thần chiếu dọi, hầu đáp lại Tin mừng của Chúa Kitô” (Nghi thức rửa tội trẻ em, phần dẫn nhập, số 3). Việc đào tạo những người dự tòng và chuẩn bị cho các bậc cha mẹ, chẳng hạn như lắng nghe Lời Chúa trong chính việc cử hành Phép rửa, hướng tới việc khơi dậy và đánh thức một đức tin chân thành hầu đáp trả Tin mừng.

Nếu những người dự tòng trưởng thành bày tỏ trực tiếp những gì mà họ muốn nhận lãnh từ Giáo hội như một ơn, thì các trẻ em được cha mẹ và những người đỡ đầu trình bày điều ấy. Cuộc đối thoại với họ, cho phép họ bày tỏ ý muốn cho những đứa trẻ lãnh nhận Bí tích Rửa tội và ý định cử hành phép rửa đối với Giáo hội .

“Biểu hiện của tất cả các điều trên là dấu thánh giá. Vị chủ tế và cha mẹ ghi dấu thánh giá trên trán của các em” (Nghi thức rửa tội trẻ em, phần dẫn nhập, số 16). “Dấu thánh giá diễn tả dấu ấn của Chúa Kitô nơi những ai đang thuộc quyền sở hữu của Ngài và là biểu hiện ơn cứu chuộc mà Chúa Kitô giành được cho chúng ta nhờ thập giá của Ngài”. (GLCG 1235). Trong nghi thức rửa tội chúng ta làm dấu thánh giá cho các em. Nhưng tôi muốn trở lại với một đề tài mà tôi từng nói với anh chị em. Những đứa trẻ của chúng ta có biết làm dấu thánh giá không? Không ít lần tôi thấy các em không biết làm dấu thánh giá. Và anh chị em, cha mẹ, ông bà nội ngoại, những người đỡ đầu phải dạy cho chúng biết làm dấu thánh giá vì nó lặp lại những gì đã làm trong Bí tích rửa tội. Anh chị em hiểu chưa?. Hãy dạy cho chúng biết làm dấu thánh giá tốt hơn. Nếu các em học được điều này khi còn nhỏ, sau đó nó sẽ thực hiện tốt điều này khi lớn lên.

Thánh giá là dấu hiệu cho biết chúng ta là ai: chúng ta nói, nghĩ suy, nhìn ngắm, hành động dưới dấu thánh giá, nghĩa là hành động dưới dấu thánh tình yêu của Thiên Chúa cho đến trọn đời. Những đứa trẻ thì được ghi dấu trên trán. Những người dự tòng trưởng thành cũng được ghi trên các giác quan, bằng những lời sau: “Con hãy lãnh nhận dấu thánh giá trên tai để lắng nghe tiếng Chúa”; “trên mắt để thấy được gương mặt sáng ngời của Thiên Chúa”; “trên miệng để đáp lại Lời Chúa”; “trên ngực, để Chúa Kitô cư ngụ nhờ đức tin trong tâm hồn con”; “trên vai để mang lấy ách nhẹ nhàng của Chúa Kitô” (Nghi thức gia nhập kitô giáo cho người lớn, số 85).

Chúng ta được trở thành Kitô hữu theo mức độ mà thập giá được ghi dấu nơi chúng ta như một dấu hiệu “vượt qua” (x. Kh 14,1; 22,4), bằng cách làm cho nó hữu hình, ngay cả bên ngoài, cách mà người kitô hữu đối mặt với cuộc sống. Hãy làm dấu thánh giá khi chúng ta vừa thức dậy, trước bữa ăn, khi đứng trước nguy hiểm, bảo vệ chống lại sự dữ, ban đêm trước khi đi ngủ, nghĩa là tự nói với chính mình và cho người khác, chúng ta thuộc về ai, người mà chúng ta muốn là ai. Đó là lý do rất quan trọng để dạy cho trẻ con biết làm tốt dấu thánh giá. Và giống như chúng ta làm khi bước vào nhà thờ, chúng ta cũng có thể làm dấu khi ở nhà, bằng cách giữ bình nước thánh nhỏ - như một số gia đình đã làm. Như thế, mỗi lần chúng ta vào hay ra khỏi nhà chúng ta làm dấu thánh giá với nước ấy, nhắc cho chúng ta biết rằng chúng ta đã được rửa tội. Đừng quên, tôi lặp lại: dạy cho các em nhỏ làm dấu thánh giá. 

3. Sức mạnh để chiến thắng sự dữ

(25-4-2018)

Anh chị em thân mến

Trong ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta tiếp tục suy tư về Bí tích Rửa tội. Tin mừng soi sáng cho các ứng viên và khơi dậy sự gắn kết đức tin: “Bí tích Rửa tội, theo cách đặc biệt, là “bí tích đức tin”, vì nó đánh dấu việc gia nhập vào trong đời sống đức tin (GLCG 1236). Và tin là trao hiến chính mình cho Chúa Giêsu, Đấng được chân nhận như “mạch nước tuôn trào […] sự sống đời đời’’ (Ga 4,14), “ánh sáng cho thế gian” (Ga 9,5), “sự sống và là sự sống lại” (Ga 11,25), như người dẫn đường, ngay cả hôm nay, cho những người dự tòng sắp lãnh nhận việc khởi đầu kitô giáo.

Được giáo dục bằng cách lắng nghe Chúa Giêsu, từ giáo huấn và những việc làm của Ngài, điều đó làm sống lại nơi các dự tòng kinh nghiệm của người phụ nữ Samaritana khát nước hằng sống, của người mù từ khi mới sinh được nhìn thấy ánh sáng, của lazaro, người được ra khỏi mộ. Tin mừng mang trên mình sức mạnh để biến đổi những ai đón nhận bằng đức tin, bằng cách tháo gỡ họ ra khỏi sự thống trị của sự dữ để học cách phục vụ Thiên Chúa với niềm vui và mới mẻ của cuộc sống.

Không ai đến giếng rửa tội một mình bao giờ, nhưng được đồng hành bởi lời cầu nguyện của toàn thể Giáo hội, như Kinh cầu Các thánh, trước lời nguyện trừ tà và xức dầu trước khi rửa tội cho các dự tòng cho biết. Đó là những cử chỉ, ngay từ xưa, bảo đảm cho tất cả mọi người đang chuẩn bị được tái sinh làm con cái Chúa mà lời cầu nguyện của Giáo hội giúp họ chiến đấu chống lại sự dữ, đồng hành với họ trên đường lành, giúp họ thoát khỏi quyền lực tội lỗi để bước sang vương quốc ân sủng của Thiên Chúa.

Lời cầu nguyện của Giáo hội. Giáo hội cầu nguyện và cầu nguyện cho tất cả mọi người, cho tất cả chúng ta. Chúng ta là Giáo hội, chúng ta cầu nguyện cho người khác nữa. Cầu nguyện cho người khác là điều tốt. Biết bao lần chúng ta không có nhu cầu cấp thiết nào nên chúng ta không cầu nguyện. Chúng ta phải cầu nguyện, hiệp với Giáo hội, để cầu cho người khác: “Lạy Chúa, con xin Chúa cho những người túng thiếu, cho những người không có đức tin…”. Anh chị em đừng quên rằng : lời cầu nguyện của Giáo hội luôn được thực thi. Nhưng chúng ta phải bước vào trong lời cầu nguyện và cầu nguyện cho toàn thể dân của Chúa và cho những người đang cần lời cầu nguyện. Vì vậy, con đường của các dự tòng trưởng thành được ghi dấu bởi việc linh mục lặp đi lặp lại lời nguyện trừ tà (GLCG 1237), hoặc bằng việc cầu nguyện xin ơn giải thoát khỏi mọi điều vốn ngăn cách khỏi Chúa Kitô và ngăn cản ta kết hiệp mật thiết với Chúa. Đối với các trẻ em cũng vậy, ta cầu xin Thiên Chúa giải thoát chúng khỏi tội nguyên tổ và thánh hiến chúng thành nơi cư ngụ của Chúa Thánh Thần (nghi thức rửa tội trẻ em, số 56). Các trẻ em. Hãy cầu nguyện cho chúng, có sức khỏe về tinh thần và thể xác. Đó là cách thức bảo vệ chúng bằng lời cầu nguyện. Như các Tin mừng đã chứng minh, chính Chúa Giêsu đã chiến đấu và trục xuất ma quỷ để biểu lộ sự xuất hiện của Nước Thiên Chúa (x. Mt 12,28): cuộc chiến thắng của Chúa trên quyền lực sự dữ nhường chỗ cho uy quyền của Thiên Chúa, Đấng  làm cho người tín hữu vui lòng và hòa giải họ với sự sống.

Bí tích Rửa tội không phải là một công thức ma quái nhưng là ơn huệ của Chúa Thánh Thần, Đấng cho phép những ai đón nhận Ngài “chiến đấu chống lại thần dữ”, bằng cách tin rằng “Thiên Chúa đã sai Con của Ngài vào thế gian để hủy diệt quyền lực của satan và đưa con người từ bóng đêm vào trong vương quốc sáng lạng vô biên của Ngài. (Nghi thức Rửa tội cho trẻ em, số 56). Nhờ kinh nghiệm chúng ta biết rằng cuộc sống người kitô hữu luôn bị cám dỗ, nhất là cám dỗ tự tách mình ra khỏi Thiên Chúa, khỏi lòng muốn của Ngài, khỏi sự thông hiệp với Chúa, để rồi lại ngã vào trong những mối quan hệ ràng buộc của thế gian. Và Bí tích Rửa tội chuẩn bị cho chúng ta, đem lại cho chúng ta sức mạnh để chiến đấu mỗi ngày, cả cuộc chiến chống lại ma quỉ,  như thánh Phêrô đã nói : ma quỉ như sư tử chờ chực để cắn xé và để hủy diệt chúng ta.  

Bên cạnh lời cầu nguyện, còn có việc xức dầu trên ngực cho các dự tòng, qua đó họ nhận được sức mạnh để từ bỏ ma quỉ và tội lỗi, trước khi tiếp cận với nguồn mạch và tái sinh trong cuộc sống mới (làm phép dầu, lời tựa số 3). Bởi vì tính chất của dầu là thấm nhập vào trong các mô mạch của thân thể hầu đem lại cho nó các lợi ích. Các đấu sĩ ngày  xưa đã dùng dầu xoa lên da để làm các cơ bắp săn chắc và để thoát ra một cách dễ dàng khi bị đối thủ nắm chặt. Dưới ánh sáng của biểu tượng này các tín hữu ở các thế kỷ đầu đã áp dụng việc dùng dầu bôi vào thân thể các dự tòng khi Rửa tội bằng dầu được chúc lành bởi Giám mục, muốn nói rằng, qua “dấu chỉ cứu độ này”, nhờ sức mạnh của Chúa Kitô Cứu thế, củng cố để chống lại sự dữ và chiến thắng sự dữ (Nghi thức rửa tội cho trẻ em số 105).

Thật khó để chiến đấu chống lại sự dữ, khó để mà thoát ra khỏi những lừa gạt, nhằm lấy lại sức mạnh sau cuộc đấu tranh mệt mỏi, nhưng chúng ta phải biết rằng, tất cả đời sống Kitô giáo là một cuộc chiến đấu. Cho nên, chúng ta phải biết rằng chúng ta không đơn côi, Mẹ Giáo hội cầu nguyện cho con cái của mình, tái sinh chúng trong Bí tích Rửa tội, để chúng ta không bị khuất phục đối với cạm bẫy của ma quỉ nhưng là chiến thắng quyền lực ma quỉ bằng sức mạnh của Chúa Kitô Phục sinh. Được gia tăng sức mạnh từ Chúa Phục sinh, Đấng đã đánh bại hoàng tử của thế gian này (x. Ga 12,31). Cũng vậy, chúng ta có thể nhắc lại với niềm tin của thánh Phaolô: “Tôi có thể chịu được tất cả trong Đấng đã ban cho tôi sức mạnh” (Phil 4,13). Tất cả chúng ta có thể chiến thắng, chiến thắng tất cả, nhưng phải với sức mạnh đến từ Chúa Giêsu.

4. Nước là nguồn mạch sự sống

(02-5-2018)

Anh chị em thân mến

Tiếp tục suy tư về Bí tích Rửa tội, hôm nay tôi muốn dừng lại ở những nghi thức chính, giải thích về nguồn gốc Bí tích Rửa tội. 

Trước hết chúng ta nói về nước, nước mà chúng ta đã khẩn cầu quyền năng của Thánh Thần để có được sức mạnh tái sinh và đổi mới (x. Ga 3,5; Tt 3,5). Nước là nguồn gốc của sự sống và sung túc, khi thiếu nước sẽ làm mất đi mọi phong phú, như đã từng xảy ra trong sa mạc. Tuy nhiên, nước có thể là nguyên nhân của sự chết, khi nó nhận chìm giữa những cơn sóng của nó hay khi sóng lớn đánh tan tác mọi sự;. Cuối cùng, nước có khả năng rửa sạch và thanh tẩy.

Khởi đi từ biểu tượng tự nhiên được nhận biết cách rộng rãi này, Kinh thánh diễn tả những can thiệp và lời hứa của Thiên Chúa qua dấu chỉ của nước. Tuy nhiên, khả năng tha thứ tội lỗi tự nó không có trong nước, như thánh Ambrôsiô đã giải thích cho những người mới được rửa tội: “Anh đã thấy nước, nhưng không phải mọi thứ nước đều chữa lành: nước chữa lành được là nhờ ơn của Chúa Kitô. […] hành động là của nước, hiệu quả của Chúa Thánh Thần (De sacramentis 1,15).

Cho nên, Giáo hội cầu xin hoạt động của Thánh Thần trên nước “để những người lãnh nhận Bí tích Rửa tội, được chôn vùi với Chúa Kitô trong cái chết và cùng sống lại trong sự sống bất diệt với Ngài” (Nghi thức rửa tội trẻ em, số 60). Lời cầu ban phép nước nói rằng: Thiên Chúa đã chuẩn bị nước “để trở nên dấu chỉ cho Bí tích Rửa tội” và nhắc đến những hình ảnh báo trước trong Kinh thánh: trên nguồn nước Thần Khí đã bay lượn để đem lại cho nó hạt mầm của sự sống  (cfr Gen 1,1-2); Nước lụt hồng thủy đã đánh dấu sự kết thúc của tội lỗi và bắt đầu cuộc sống mới (x. St 1,1-2); qua nước Biển đỏ con cái của Abraham được giải phóng khỏi kiếp nô lệ Ai cập (x Xh 14,15-31). Trong tương quan với Chúa Giêsu, nước nhắc đến phép rửa ở sông Giordan (x. Mt 3,13-17) máu và nước đã đổ ra từ cạnh sườn (x. Ga 19, 31-37), và lệnh truyền cho các môn đệ làm phép rửa cho tất cả mọi dân tộc nhân danh Ba Ngôi (X. Mt 28,19). Được củng cố trong tưởng niệm này, chúng ta cầu xin Thiên Chúa đổ tràn trong nguồn nước này ơn thánh của Chúa Kitô chịu chết và sống lại (x. Nghi thức rửa tội trẻ em, số 60). Như thế, nước này đã biến đổi thành nước mang trong mình sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Và cùng với nước này, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta rửa tội cho mọi người, rửa tội cho người lớn, cho trẻ em và cho tất cả mọi người.

Giếng nước đã được thánh hóa, giờ đây cần phải chuẩn bị tâm hồn để đón nhận Bí tích Rửa tội. Điều này xảy ra qua việc từ bỏ sa tan và tuyên xưng đức tin, hai hành động liên kết chặt chẽ với nhau. Trong phạm vi mà qua đó tôi nói “không” đối với những khuyến dụ của ma quỉ - kẻ chia cách – tôi có thể nói “có” với Thiên Chúa, Đấng mời gọi tôi trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong tư tưởng và hành động.

Ma quỉ chia rẽ, còn Thiên Chúa luôn hiệp nhất cộng đoàn, hiệp nhất mọi người thành một dân duy nhất của Ngài. Không thể kết hợp với Chúa Kitô bằng cách đặt ra những điều kiện. Cần phải cắt ra khỏi những mối ràng buộc chắc chắn để có thể thực sự ôm lấy tha nhân; hoặc là ở trong tình trạng tốt với Thiên Chúa, hoặc trong tình trạng tốt với ma quỷ. Vì thế việc từ bỏ và hành động của đức tin đi đôi với nhau. Cần phải cắt bỏ những nhịp cầu, để nó lại phía sau, để bắt đầu con đường mới là Chúa Kitô.

Trả lời những câu hỏi “anh chị có từ bỏ ma quỷ, tất cả mọi việc làm của nó, và tất cả mọi cám dỗ của nó không?”, đó là công thức ở ngôi thứ nhất số ít : “con từ bỏ”. Đồng thời niềm tin vào Giáo hội được tuyên xưng, khi nói: “con tin”. Tôi từ bỏ và tôi tin: đây là nền tảng của Bí tích Rửa tội. Đó là một sự chọn lựa trách nhiệm, đòi hỏi phải được thực hiện bằng những hành động cụ thể của niềm tín thác vào Thiên Chúa. Hành động của đức tin giả thiết một cam kết rằng chính Bí tích Rửa tội sẽ giúp duy trì lòng kiên vững trong mọi hoàn cảnh và mọi thử thách khác nhau của cuộc sống. Chúng ta nhớ lại sự khôn ngoan của người Israel xưa: “Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa, thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách (Hc 2,1), tức là chuẩn bị để chiến đấu. Và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để chiến đấu thành công.

Anh chị em thân mến, khi chúng ta nhúng tay vào trong nước phép – khi bước vào trong nhà thờ chúng ta chạm vào nước thánh – và chúng ta làm dấu Thánh giá, chúng ta nghĩ đến niềm vui và biết ơn Bí tích Rửa tội mà chúng ta đã lãnh nhận – nước được làm phép này nhắc chúng ta về Bí tích Rửa tội – và làm mới lại tiếng “Amen” của chúng ta – “tôi hài lòng” –, để sống chìm đắm trong tình yêu của Ba ngôi rất thánh.

5. Sự Tái sinh.

(09-5-2018)

Anh chị em thân mến

Bài giáo lý về Bí tích Rửa tội hôm nay nói về việc thanh tẩy đi kèm với lời khẩn cầu Ba Ngôi Chí Thánh; nghi thức trung tâm đúng là việc “rửa tội”– tức là dìm mình - trong Mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô (GLCG 1239). Ý nghĩa của hành động này được thánh Phaolô nhắc lại cho các tín hữu Roma, trước hết ngài hỏi họ như sau: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, trong Chúa Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao?” và sau đó ngài trả lời: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,1-4). Bí tích Rửa tội mở cửa sự sống phục sinh cho chúng ta, không phải là cuộc sống trần tục, nhưng là một cuộc sống theo Chúa Giêsu.

Giếng rửa tội là nơi mà chúng ta cử hành lễ Phục sinh với Chúa Kitô! Con người cũ bị chôn vùi với những đam mê dối trá của nó (x. 2Cor 5,17), để tái sinh trong một thụ tạo mới. Thật vậy những cái cũ đã qua đi và những cái mới xuất hiện (x. 1 Cor 5, 17). Trong những bài “giáo lý” được cho là của thánh Cirillo thành Giêrusalem đã giải thích cho những người mới được rửa tội những gì đã xảy ra trong nước của Bí tích Rửa tội. Giải thích của thánh Cirillo rất hay: “Chính lúc anh em chết đi và được sinh ra, và chính làn sóng cứu rỗi trở thành nấm mộ và mẹ cho anh em” (n. 20, Mistagogica 2, 4-6: PG 33, 1079-1082).

Việc tái sinh trong con người mới đòi buộc con người bị hư hoại do tội lỗi phải biến thành tro bụi. Những hình ảnh giữa ngôi mộ và cung lòng người mẹ nhắc về giếng rửa tội, chúng thực sự quan trọng, nhằm diễn tả về những điều tuyệt vời xảy ra qua những cử chỉ đơn sơ của bí tích rửa tội. Tôi thích câu khắc mà người ta thấy trong nhà nguyện rửa tội rôma cổ xưa của đền thờ Laterano, ở đó người ta đọc được những diễn tả bằng tiếng Latinh, được cho là của Đức Giáo Hoàng Sistô III: “Mẹ Giáo hội sinh ra một cách đồng trinh nhờ nước mà các người con được thụ thai nhờ hơi thở của Thiên Chúa. Những người được tái sinh từ giếng này, hãy hy vọng vào nước trời”. Thật tuyệt: Giáo hội làm cho chúng ta được tái sinh, Giáo hội là cung lòng, là người mẹ của chúng ta nhờ Bí tích Rửa tội.

Nếu cha mẹ của chúng ta đã sinh ra chúng ta trong cuộc sống trần thế, thì Giáo hội tái sinh chúng ta vào sự sống vĩnh cửu trong Bí tích Rửa tội. Chúng ta trở nên con cái Chúa trong người Con Giêsu (Rm 8,15; Gal 4,5-7). Mỗi người trong chúng ta, cũng được tái sinh bởi nước và Thánh Thần. Chúa Cha trên trời đã làm vang lên tiếng của Ngài với tình yêu vô biên khi nói: “Con là con yêu quý của ta” (x. Mt 3,17). Tiếng Chúa Cha không thể cảm nhận được bằng tai nhưng được nghe từ con tim của những người tin, tiếng ấy đồng hành với chúng ta suốt đời,  không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Thiên Chúa Cha nói với chúng ta trong suốt cuộc đời: “Con là con trai ta yêu dấu, con là con gái ta dấu yêu”. Thiên Chúa yêu thương chúng ta rất nhiều, giống như người Cha, và không bỏ chúng ta đơn côi.

Từ lúc rửa tội, Chúng ta được tái sinh làm con Thiên Chúa mãi mãi!. Thật vậy, Bí tích Rửa tội không lặp lại lần hai, vì nó được ghi dấu thiêng liêng không thể xóa : “Ấn tích này không thể xóa bởi bất cứ tội lỗi nào, dù tội lỗi ngăn cản Bí tích này mang lại hoa trái ơn cứu độ” (GLCG 1272). Ấn tích rửa tội không bao giờ phai mờ! “Ôi thưa Cha, nếu một người nào đó trở thành tên cướp, rất nổi tiếng, giết rất nhiều người, làm những điều bất công, ấn tích ấy có mất không? Không!. Thực sự là xấu hổ cho người con của Chúa vì đã làm những điều ấy. Nhưng ấn tích không bao giờ mất. Anh ta vẫn tiếp tục sống làm con Thiên Chúa; chống lại Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con cái mình. Chúng ta cùng nhau lặp lại: “Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con cái mình”. Mạnh lên chút nào : “Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ con cái mình”.

Được kết hiệp với Chúa Kitô nhờ phép rửa, vì thế những người được rửa tội được nên đồng hình đồng dạng với Chúa là “trưởng tử giữa những đàn em đông đúc” (Rm 8,29). Nhờ hành động của Chúa Thánh Thần, Phép rửa thanh tẩy, thánh hiến, công chính hóa, để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, tuy nhiều, nhưng chỉ một thân thể (x. 1 Cor 6,11; 12,13). Việc xức dầu thánh diễn tả hành động ấy, “đó là dấu chỉ của chức tư tế vương giả của người được rửa tội và của việc kết nạp vào cộng đoàn dân Thiên Chúa (Nghi thức rửa tội trẻ em, phần dẫn nhập số 18,3).

Bởi thế Vị linh mục xức dầu thánh trên đầu của người được rửa tội, sau khi công bố và giải thích ý nghĩa những lời sau : “Chính Thiên Chúa thánh hiến anh em bằng dầu cứu độ, để khi được tháp nhập vào trong Chúa Kitô, là tư tế, vương đế và ngôn sứ, anh chị em luôn là chi thể của thân thể Ngài cho sự sống vĩnh cửu (Sđd số 71)

Anh chị em thân mến, ơn gọi Kitô hữu bắt đầu từ đây: sống kết hiệp với Chúa Kitô trong Hội thánh, thông phần vào chính sự thánh hiến để thi hành cùng một sứ mạng, ở thế gian này, để mang lại hoa trái muôn đời. Được linh hoạt nhờ Chúa Thánh Thần, vì thế, toàn bộ Dân Thiên Chúa thông dự vào các chức vụ của Chúa Kitô “Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế” và mang lấy những trách nhiệm đối với sứ mạng và phục vụ mà nó bắt nguồn từ đó (GLCG 783-786). Thông phần vào chức tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô là gì? Nghĩa là tự hiến mình như của lễ đẹp lòng Thiên Chúa (Rm 12,1), làm chứng cho Ngài nhờ cuộc sống đức tin và bác ái (LG 12), đặt mình phục vụ tha nhân theo mẫu gương của Chúa Giêsu (cfr Mt 20,25-28; Gv 13,13-17).

6. Mặc lấy Đức Kitô

(16-5-2018)

Anh chị em thân mến

Hôm nay chúng ta kết thúc chu kỳ giáo lý về Bí tích Rửa tội. Những kết quả thiêng liêng của bí tích này tuy vô hình đối với con mắt nhưng hoạt động trong tâm hồn của người đã trở nên thụ tạo mới, được nên sáng tỏ rõ ràng qua việc trao chiếc áo trắng và ngọn nến cháy sáng.  

Sau việc thanh tẩy để tái sinh, ta có khả năng tái tạo lại con người theo Thiên Chúa trong sự thánh thiện đích thực (x. Eph 4,24). Tất nhiên, từ những thế kỷ đầu, những người mới được rửa tội mặc một chiếc áo mới, tinh trắng, tựa như sự rạng ngời của cuộc sống bước theo Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Chiếc áo trắng, diễn tả cách biểu tượng điều đã xảy ra trong bí tích, cho thấy khả năng của sự biến đổi trong vinh quang Thiên Chúa. 

Mặc lấy Đức Kitô nghĩa là gì? Thánh Phaolô nhắc đến khi giải thích về những nhân đức mà những người được rửa tội phải trau dồi: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Col 3,12-14).

Nghi thức trao ngọn lửa được lấy từ cây nến Phục sinh, cũng gợi lại hiệu quả của Bí tích Rửa tội. Vị linh mục nói “Anh em hãy lãnh nhận ánh sáng Chúa Kitô”. Những lời trên muốn nói rằng chúng ta không phải là ánh sáng, nhưng ánh sáng chính là Chúa Giêsu Kitô (Ga 1,9;12,46), Đấng đã sống lại từ cõi chết, đã chiến thắng bóng đêm sự dữ. Chúng ta được kêu mời lãnh nhận ánh sáng của Thiên Chúa! Như ngọn lửa của cây nến phục sinh đã thắp lên ánh sáng cho từng ngọn nến thế nào thì đức ái của Chúa Phục sinh thắp lên trong con tim của những người được rửa tội, đổ đầy ánh sáng và sức nóng cho nó như vậy. Và vì thế, từ những thế kỷ đầu, Bí tích Rửa tội cũng được gọi là “sự soi sáng” và những người được rửa tội được gọi là những “người được soi sáng”.

Thực vậy, đó là ơn gọi kitô hữu: “luôn bước đi như những người con của ánh sáng, bằng cách kiên trì trong đức tin” (xem Nghi thức gia nhập kitô giáo của người lớn, số 226; Ga 12,36). Nếu đó là các trẻ em thì bổn phận là của những bậc làm cha mẹ, cùng với cha mẹ đỡ đầu, chăm sóc để nuôi dưỡng ngọn lửa của ơn rửa tội nơi con cái họ, bằng cách giúp chúng kiên trì trong đức tin (x. Nghi thức rửa tội cho trẻ em, số 73). “Việc giáo dục kitô giáo là quyền của các em; nó hướng đến việc giúp đỡ các em dần nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô: như thế đích thân chúng có thể xác nhận đức tin qua việc chúng được rửa tội (sđd, dẫn nhập, số 3).

Sự hiện diện sống động của Chúa Kitô, qua việc gìn giữ, bảo vệ và mở rộng trong chúng ta, là ngọn đèn rọi chiếu cho những bước đường của chúng ta, là ánh sáng hướng dẫn những chọn lựa của chúng ta, là ngọn lửa nung đốt mọi tâm can để đi đến gặp gỡ Thiên Chúa, đem lại cho chúng ta khả năng giúp đỡ những người đang cùng đi với chúng ta, cho đến sự hiệp thông không thể tách rời khỏi Ngài. Vào ngày đó, sách Khải huyền nói, “Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần ánh sáng của đèn, cũng chẳng cần ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời” (Kh 22,5).

Việc cử hành Bí tích rửa tội được kết thúc bằng kinh Lạy Cha, đó là đặc trưng của cộng đoàn con cái Chúa. Thực vậy, các em được tái sinh nhờ Bí tích Rửa tội, chúng lãnh nhận đầy tràn ơn của Chúa Thánh Thần trong Bí tích Thêm sức và thông phần vào Bí tích Thánh Thể, bằng cách khám phá ra việc hướng về Thiên Chúa khi gọi Ngài là “Cha” là như thế nào.

Kết thúc những bài giáo lý về Bí tích Rửa tội, tôi nhắc lại cho từng người trong anh chị em lời mời mà tôi đã trình bày trong Tông huấn Gaudete et exultate: “Hãy để cho ơn của Bí tích Rửa tội sinh hoa kết quả trên nẻo đường thánh thiện. Hãy để cho mọi sự mở ra với Thiên Chúa và luôn chọn Ngài, chọn Thiên Chúa. Đừng nản chí, bởi vì bạn có sức mạnh của Chúa Thánh Thần để làm cho nó có thể, và tóm lại, sự thánh thiện là hoa trái của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời bạn” (x. Gal 5,22-23) [số 15].


Tủ Sách Giáo Lý