Lịch Sử Những Cuộc Phân Ly Và Hợp Nhất

Giuse Phan Tấn Thành, OP.

https://catechesis.net/

Thời sự Thần học, Số 63 (tháng 2/2014) trang 23-45.

Nội dung

I. Lịch sử những cuộc phân ly

A. Cuộc phân ly năm 431

B. Cuộc phân ly năm 451

C. Cuộc đại phân ly năm 1054

D. Phong trào Cải cách năm 1517

II. Lịch sử phong trào đại kết

A. Hội nghị truyền giáo thế giới (1910)

B. Hội đồng đại kết các giáo hội (1948)

————————–                                                

      Trong bài này, chúng ta hãy ôn lại lịch sử những cuộc phân ly trong Giáo hội và lịch sử những nỗ lực tái lập sự hợp nhất.

I. Lịch sử những cuộc phân ly

      Tin mừng thánh Gioan đã ghi lại lời nguyện của Đức Giêsu tại nhà Tiệc ly như sau: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một. Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17,20-23).

      Lời nguyện tha thiết này đã là động lực mạnh thôi thúc các Kitô hữu đầu thế kỷ XX tìm cách thể hiện sự hợp nhất mà Chúa Giêsu mong mỏi. Nhưng dưới một khía cạnh khác, người ta có cảm tưởng rằng lời cầu này phản ánh mối đe dọa phân ly vào cuối thế kỷ I. Điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi vì đó là thực trạng cho bất cứ một nhóm người nào (bá nhân bá tính) và cách riêng là các đoàn thể tôn giáo (có đạo nào không nếm cảnh phân ly?). Đặc biệt, khi đọc lại lịch sử Kitô giáo, người ta nhận thấy khó duy trì sự thăng bằng giữa hai động lực trái nghịch: hợp nhất và đa dạng. Hội thánh muốn ôm ấp hết mọi dân tộc trên thế giới (khác với đạo Do thái, chỉ giới hạn vào một dân tộc) vốn khác biệt về phong tục văn hóa nhưng vẫn duy trì sự hợp nhất. Trong thư gửi Ephêsô, thánh Phaolô đã liệt kê rất nhiều yếu tố liên kết các tín hữu (một thân thể, một thần khí, một niềm hy vọng, một Chúa, một niềm tin, một phép rửa, một Thiên Chúa, Cha của hết mọi người) và đồng thời cũng nhìn nhận nhiều đặc sủng được Chúa ban để chứng tỏ sự sung mãn trong Hội thánh (X. Ep 4,4-6.11-13). Như vậy, sự hợp nhất được quan niệm như là “duy nhất trong đa dạng”, ví như sự phối hợp của nhiều chức năng khác biệt trong một thân thể với Đức Kitô là đầu (x. 1 Cr 12,12-21).

      Phải nhìn nhận đó là một “phép lạ” của Thánh Linh, như đã xảy ra ngay từ lúc khai sinh Hội thánh, khi các dân tộc thuộc các ngôn ngữ khác nhau đều tuyên xưng cùng một đức tin duy nhất (x. Cv 2,5-12), đối lại với thảm trạng tháp Babel xưa kia đã gây sự chia rẽ giữa các dân tộc (x. St 11,1-9). Nếu không có sự can thiệp từ trên cao đổi mới con người ngay tự thâm tâm,  thì các xu hướng chia rẽ sẽ bùng nổ bất cứ lúc nào. Điều này đã xảy ra ngay từ thời các thánh tông đồ. Ở sách Tông đồ công vụ, ta đã thấy hai nhóm rõ rệt: một bên là những người gốc Do thái, một bên là những người gốc “dân ngoại”. Giáo đoàn Corintô đã phân thành bốn phe (1Cr 1,12). Nguồn gốc của những chia rẽ có thể là yếu tố tự nhiên (chủng tộc, tham vọng cá nhân), hoặc do quan điểm đạo lý sai lạc. Vào lúc từ giã các kỳ mục tại Ephêsô, thánh Phaolô đã cảnh giác họ về những “sói dữ” sẽ gieo rắc những điều sai lạc để lôi cuốn môn đệ (Cv 20,29-30); điều này cũng được nhấn mạnh trong chúc thư gửi cho Timotê (2 Tm 4,3-5). Khi đọc các lá thư gửi đến bảy giáo đoàn trong sách Khải huyền (chương 2-3), người ta thấy hình như ở đâu nạn bè phái cũng hoành hành[1][1].

      Tuy nhiên, những phe nhóm vừa nói xem ra chỉ là hiện tượng “thường tình”, nổi lên và tan biến trong một thời gian ngắn. Vết thương nặng nề gây ra cho Hội thánh là những cuộc phân ly được ví như xé rách chiếc áo dài của Chúa Giêsu (x. Ga 19,23-24) cho đến ngày nay. Đây không chỉ là hiện tượng một vài cá nhân lìa bỏ Hội thánh, nhưng cả một khối các giáo hội cắt đứt dây hiệp thông, hoặc tạo ra những giáo hội mới.

      Các sử gia nói đến bốn đợt phân ly chính: 1/ sau công đồng Ephêsô năm 431; 2/ sau công đồng Calxêđônia năm 451; 3/ sự phân ly giữa Giáo hội Rôma và Giáo hội Constantinopolis năm 1054; 4/ sự phân ly giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Cải Cách vào thế kỷ XVI, thường lấy mốc là năm 1517[2]. Như sẽ thấy, các nguyên nhân đưa đến sự phân ly không nguyên chỉ vì lý do thần học mà còn do nhiều yếu tố khác nữa. Ở đây chỉ cần ghi nhận rằng bốn đợt phân ly không có tầm quan trọng như nhau. Hai cuộc phân ly đầu tiên diễn ra trong thế kỷ V, và giới hạn trong mạn Đông của Đế quốc Rôma. Vào thời ấy, sự hiệp nhất của Giáo hội được diễn tả qua sự thông hiệp giữa 5 tòa thượng phụ: Rôma, Constantinopolis, Alexandria, Antiôkia, Giêrusalem; vì thế sự ly khai chỉ ảnh hưởng đến nội bộ của ba tòa thượng phụ Constantinopolis, Alexandria và Antiokia[3][1]. Cuộc ly khai thứ ba xảy ra giữa hai thượng phụ Constantinopolis và Rôma, gây ra sự chia rẽ giữa Đông và Tây. Cuộc phân ly thứ bốn xảy ra bên Tây phương, gây ra sự chia rẽ giữa các Giáo hội Cải cách với Giáo hội Công giáo do Đức thánh cha lãnh đạo; sau  đó, đến lượt các Giáo hội Cải cách cũng trải qua những cuộc phân ly khác ngay trong nội bộ của mình.

A. Cuộc phân ly năm 431

      Trước khi đi vào vấn đề, thiết tưởng nên nhắc lại một dữ kiện lịch sử quan trọng đối với lịch sử Hội thánh:  sau khi Kitô giáo được hoàng đế Constantinô ban quyền tự do hành đạo trong đế quốc Rôma (năm 313), tôn giáo này đã nhận được nhiều ưu đãi và cũng sớm được hoàng triều “bảo hộ”. Hoàng đế đã triệu tập các giám mục đến họp công đồng Nixêa (năm 325) để xác định đức tin về bản thân Đức Kitô, chống lại ông Ariô; nhưng không bao lâu sau, hoàng đế lại ủng hộ phe Ariô và bắt các giám mục chính thống phải lưu đày. Các công đồng kế tiếp (Constantinopolis năm 381 và Ephêsô năm 431) cũng có sự can thiệp của Hoàng triều để giải quyết các cuộc tranh chấp thần học, cách riêng giữa hai trường phái Alexandria và Antiokia. Hai trường phái này có hai lối trình bày khác nhau về tương quan giữa thiên tính và nhân tính của đức Kitô. Trường Alexandria đề cao thiên tính đến nỗi coi nhẹ nhân tính; trường Antiôkia bảo vệ nhân tính đến nỗi lúng túng khi giải thích sự kết hợp với thiên tính.

      Công đồng Ephêsô bị áp đảo bởi thượng phụ Cyrillô của Alexandria, và đã kết án thượng phụ Nestôriô của Constantinopolis (nhưng thuộc trường phái Antiôkia) là rối đạo vì không tuyên nhận Đức Maria là Thân mẫu Thiên Chúa (Theotokos; kẻ sinh hạ Thiên Chúa). Công đồng đã bỏ phiếu biểu quyết trước khi phái đoàn Antiôkia đến họp. Phái đoàn này nêu vấn nạn chung quanh việc sử dụng từ ngữ của ông Cyrillô: Đức Kitô chỉ có một physis(natura: bản tính)[4]. Cuộc tranh luận kéo dài kể cả sau khi công đồng đã bế mạc: nhiều giám mục của Antiôkia tổ chức các công đồng để phản biện Ephesô. Nhờ trung gian của hoàng đế, vào năm 433,  thượng phụ Cyrillô của Alêxanđria và thượng phụ Gioan của Antiokia đã đạt đến một thỏa hiệp về đạo lý và từ ngữ: đức Kitô có một hypostasis (ngôi vị) và hai physis (bản tính).

      Tuy nhiên, nhiều giám mục ở các giáo phận Đông Syria và trong lãnh thổ đế quốc Persia đã bác bỏ công đồng Ephêsô cũng như thỏa hiệp năm 433. Các giáo phận này nằm ngoài biên cương của Đế quốc Rôma và họp thành một miền tự trị, (gọi là “giáo hội bên  Đông”: The Church of the East) dưới sự lãnh đạo của giám mục thủ đô Seleucia-Ctesiphon, mang danh hiệu Catholicos. Họ không muốn lệ thuộc vào các giám mục “quốc doanh” của triều đình Constantinopolis. Sự rạn nứt trở thành đổ vỡ trầm trọng vào các thế kỷ sau này, khi công đồng Constantinopolis II (năm 553) kết án các nhà thần học Diadore Tarsus và Theodore Mopsuestia thuộc trường phái Antiokia, cũng như do chiến tranh xảy ra giữa đế quốc Rôma và đế quốc Persia trong thế kỷ VI.

      Các “giáo hội bên Đông” được đặt tên là “giáo hội Nestôriô” (Nestorian Church) hoặc “giáo hội Assyria” (Assyrian Church). Họ phát triển công cuộc truyền giáo sang Ấn độ, Trung hoa (người ta đã tìm thấy một tấm bia tại Sizanfu năm 635).

B. Cuộc phân ly năm 451

      Tại công đồng Ephêsô, trường phái Alexandria thắng thế, với nguy cơ nhấn mạnh đế thiên tính của Đức Kitô mà coi nhẹ nhân tính. Điều này đưa đến lạc thuyết “nhất tính” (monophysism) của ông Eutykês, và được ủng hộ bởi một công đồng họp tại Ephêsô họp năm 449. Đức giáo hoàng Lêô Cả đã phản đối, và thúc đẩy hoàng đế triệu tập công đồng Calxêđônia vào năm 451. Công đồng đã tìm được một công thức tránh những cực đoan của hai trường phái Alexandria và Antiokia, và tuyên xưng rằng: Đức Kitô có hai physis (bản tính) họp thành một prosopon (ngôi vị) và một hypostasis (chủ thể)[5].

      Tuy nhiên, không phải tất cả các giáo hội đều chấp nhận Calxêđônia. Trường Alexandria phê bình rằng khi công đồng nói đến hai “bản tính” là rơi vào lạc giáo Nestoriô. Nhưng yếu tố đạo lý không phải là lý do duy nhất dẫn đến các sự phân ly sau công đồng Calxêđônia; yếu tố văn hóa chính trị còn quan trọng hơn. Thật vậy, sự kiện công đồng không được chấp nhận tại các Giáo hội bên Ai cập (Coptô), Đông Syria, Armenia có lẽ vì các miền này muốn thoát khỏi sự kiểm soát của Constantinopolis, một thành phố vừa là tòa thượng phụ vừa là thủ đô chính trị. Trên bản đồ địa lý, Ai cập là cửa ngõ của châu Phi, Armênia thì nằm ngoài biên cương của Đế quốc Rôma (đúng hơn phải nói là đế quốc Byzantium).

      Các công đồng kế tiếp (Constantinopolis II năm 553 và Constantinopolis III năm 681) tìm cách hòa giải các khuynh hướng khác nhau, nhưng không thành. Những giáo hội tẩy chay Calxêđônia được đặt tên là “nhất tính” (monophysist). Ngược lại, họ gọi những giáo hội chấp nhận Calxêđônia là “bảo hoàng” (melkite). Sự xuất hiện của Islam vào thế kỷ VII đã khiến cho những liên lạc giữa các giáo hội này trở nên khó khăn.

      Ngày nay, dựa theo công đồng Calxêđônia, người ta phân biệt hai khối bên các Giáo hội Đông phương: 1/ The (Eastern) Orthodox Churches: các Giáo hội chấp nhận Calxeđônia (và ba công đồng kế tiếp). 2/ The Oriental Orthodox Churches : các Giáo hội phi- Calxêđônia (Nên lưu ý rằng xét về từ ngữ thì Eastern và Oriental đều là “bên Đông”). Nhờ những cuộc đối thoại, cả hai khối nhìn nhận rằng sự khác biệt về cách diễn tả mầu nhiệm Đức Kitô không ảnh hưởng gì đến niềm tin duy nhất vào đạo lý về Ngôi Lời nhập thể.

C. Cuộc đại phân ly năm 1054

      Hai cuộc phân ly bắt nguồn hồi thế kỷ V đều diễn ra ở mạn Đông của Đế quốc Rôma. Bước sang thiên niên kỷ II, hai cuộc phân ly gây ra nhiều hậu quả khốc liệt hơn: trước là cuộc phân ly giữa Đông phương và Tây phương, kế đó là cuộc phân ly trong nội bộ của giáo hội Tây phương, với những hậu quả lan rộng sang những lục địa mới (châu Mỹ, châu Phi).

      Sự phân chia giữa các Giáo hội Đông phương và Tây phương bắt nguồn từ sự phân chia lãnh thổ đế quốc Rôma thành hai khu vực hành chánh bắt đầu từ năm 286 và kiện toàn năm 395: mạn Tây với thủ đô là Rôma, và mạn Đông với thủ đô là Constantinopolis. Tuy nhiên, dưới mặt tổ chức nội bộ của Giáo hội, thì mạn Tây chỉ có một tòa Thượng phụ Rôma và một ngôn ngữ Latinh, còn bên Đông có nhiều tòa Thượng phụ (Alêxandria, Antiôkia, Giêrusalem, Constantinopolis) với nhiều nghi điển. Chúng ta đã thấy những phân ly nảy lên giữa các Giáo hội bên Đông từ thế kỷ V tiếp theo những cuộc tranh luận về Kitô học. Dù sao, với sự xuất hiện của đạo Islam, hầu hết các Giáo hội bên Đông đã bị tiêu diệt, và sang thiên niên kỷ thứ hai, thì chỉ còn tòa thượng phụ Constantinopolis vững mạnh. Sự tuyệt thông giữa tòa này với tòa Rôma có nghĩa là sự xẻ đôi Giáo hội.

      Người ta thường lấy năm 1054 làm mốc cho sự phân ly này, khi đại biểu của đôi bên ra vạ tuyệt thông cho nhau. Thực ra, những mầm mống được nhen nhúm từ lâu rồi; mặt khác, mối liên hệ giữa đôi bên vẫn còn được duy trì cho đến nhiều thế kỷ sau. Nói khác đi, lịch sử cuộc chia ly giữa Constantinopolis và Rôma kéo dài nhiều thế kỷ (từ thế kỷ IX đến thế kỷ XV), trong đó nhiều yếu tố văn hóa chính trị còn nặng hơn các yếu tố thần học. Chúng ta hãy ôn lại vài nét chính.

      1/ Dưới con mắt của Constantinopolis, biến cố Charlemagne lên ngôi hoàng đế năm 800 đã đánh dấu sự thống trị của “quân man di” bên Tây phương. Đó là một yếu tố văn hóa chính trị không nên bỏ qua. Tiếp theo đó, do lệnh của Charlemagne, bên Tây phương đưa cụm từ Filioque (Thánh Linh phát xuất “bởi Cha và Con”) vào Tín biểu Constantinopolis (381), một tập tục đã lưu hành bên Tây ban nha từ thế kỷ VI. Bên Đông phản đối, viện lẽ là duy chỉ một công đồng phổ quát mới có quyền sửa tín biểu của một công đồng. Đàng sau câu chuyện từ ngữ là lối quan niệm khác nhau về mầu nhiệm Ba ngôi giữa thần học Đông phương và Tây phương. May thay một công nghị do thượng phụ Photios triệu tập tại Constantinopolis năm 879 với sự hiện diện của đại biểu Rôma đã dàn xếp ổn thỏa sự xung khắc này.

      2/ Một lý do khác dẫn đến sự ly khai là quan niệm về quyền bính trong Giáo hội. Constantinopolis nhìn nhận một vị trí đặc biệt của tòa Rôma giữa các giám mục, nhưng thượng phụ Rôma không phải là một “siêu giám mục” có quyền hành trên những tòa khác. Các quyết định quan trọng cần được sự thỏa thuận giữa 5 thượng phụ, như đã nói trên. Nhưng dần dần tòa Rôma có khuynh hướng trung ương tập quyền, tiếp theo những diễn tiến chính trị ở mạn Tây; vì thế coi các giám mục (kể cả các thượng phụ bên Đông) như là thuộc cấp[6].

      Những nhân tố này đã dẫn đến sự tuyệt thông giữa Constantinopolis và Rôma năm 1054. Giáo hoàng Leo IX cử ba đại biểu do hồng y Humbert Silva Candia dẫn đầu sang Constantinopolis để giải quyết những điểm tranh chấp giữa đôi bên về thần học và kỷ luật phụng vụ. Phái đoàn Rôma ra như muốn ra lệnh hơn là đối thoại. Phía bên kia cũng coi nhẹ quyền hành các đại biểu Rôma. Ngày 16 tháng 7, Hồng y Humbert đặt lên trên bàn thờ nhà thờ chính tòa Santa Sophia lá thư ra vạ tuyệt thông cho thượng phụ Micae và các người thân cận, với nhiều buộc tội sai lầm về đạo lý. Thượng phụ Micae ra vạ tuyệt thông cho hồng y đặc sứ và những người thân cận (chứ không ra vạ cho Giáo hoàng, có lẽ vì họ cho rằng lá thư buộc tội do đặc sứ thảo ra, chứ không do giáo hoàng bởi vì ngài đã băng hà hồi tháng 4 cùng năm).

      Dù giá trị pháp lý của sự tuyệt thông thế nào đi nữa, đôi bên vẫn tiếp tục thông thương với nhau. Hố ngăn cách thực sự trở nên sâu đậm với những cuộc thập tự chinh ở thế kỷ XIII. Năm 1204, thập tự quân (bên Tây) chiếm đóng Constantinopolis cho đến năm 1261[7][1], và bổ nhiệm các giám mục thân Tây phương tại đây, như đã làm ở Giêrusalem năm 1099 và Antiôkia năm 1100.  Các giám mục Đông phương bất mãn trước sự lộng hành của tòa Rôma. Hai bên càng ngày càng đâm ra nghi kỵ lẫn nhau. Vì thế tuy đã có những cuộc gặp gỡ để giải quyết những xung khắc về đạo lý (các công đồng Lyon II năm 1274, Firenze năm 1434), nhưng những thỏa hiệp này không bền. Cách riêng Constantinopolis tố cáo Tây phương đã không tiếp viện khi thành phố này bị Thỗ nhĩ kỳ tấn công năm 1453. Sự thất thủ của thành phố đã hạn chế hoạt động của tòa thượng phụ, còn bên Tây phương thì cũng chẳng quan tâm đến số phận của các giáo hội Đông phương nữa bởi vì phải đương đầu với những khó khăn nội bộ do cuộc phân ly với nhóm Cải cách từ thế kỷ XVI.

D. Phong trào Cải cách

      Lịch sử của sự “phân ly Tây phương” phức tạp hơn những sự phân ly trên đây[8]. Một đàng, nguyên nhân không chỉ là thuần túy thần học, nhưng còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố văn hóa chính trị. Đàng khác, những nhóm tách rời ra khỏi Giáo hội Công giáo cũng lần lượt tách ra thành nhiều nhóm khác. Thật vậy, các “giáo hội” phát sinh từ cuộc Cải cách không họp thành một “giáo hội” hay một “liên minh giáo hội”, nhưng nảy ra cả trăm “giáo phái tự trị”. Ở đây, chúng ta chỉ có thể tóm tắt khái lược sự thành hình của vài nhóm chính.

      1/ Martin Luther (1483-1546)

      Phong trào Cải Cách bắt đầu ngày 31/10/1517, khi Martin Luther (thường được chuyển sang tiếng Việt là Lutêrô), một linh mục dòng Augustinô và giáo sư đại học Wittenberg dán 95 luận đề đả kích việc buôn bán ân xá để được tha tội. Đàng sau việc chỉ trích một tập tục này là quan niệm của Luther về ơn cứu độ. Theo ông, xưa nay người ta nhấn mạnh đến các việc lành mà bỏ qua vai trò của đức tin vào ơn cứu độ. Con người được cứu độ chỉ dựa vào đức tin mà thôi: đó là cốt lõi của Tin mừng Kitô giáo. Oâng nêu ra ba nguyên tắc căn bản cho việc cải cách trong Giáo hội: sola fides, sola gratia, sola scriptura (duy đức tin, duy ân sủng, duy Kinh thánh), đề cao địa vị tối thượng của Thiên Chúa trong việc cứu độ; từ đó, ông đòi xét lại vai trò của truyền thống và quyền bính trong Giáo hội (cụ thể là Giáo hoàng)[9].

      Thế nhưng cuộc tranh luận này không chỉ giới hạn trong phạm vi thần học. Nó diễn ra vào lúc đang có những cuộc nổi dậy của các ông hoàng bên Đức chống lại Hoàng đế Charles V, cũng như đang nổi lên ý thức quốc gia qua việc dịch thuật Kinh thánh và các thánh thi từ tiếng Latinh sang tiếng Đức. Giáo sư  Philip Melanchton (1497-1560), đồng nghiệp với Luther, tìm cách dung hợp những quan điểm thần học khác biệt giữa Luther với Giáo hội Công giáo qua bản “Tuyên xưng Augsburg” (Augsburg Confession 25/6/1530), thì những cuộc đụng độ giữa các ông hoàng đã đưa tới việc  cắt đứt sự thống nhất bên Đức. Hòa ước năm 1555 (được ký tại Augsburg để chấm dứt cuộc nội chiến bộc phát từ năm 1546), quyết định rằng người dân ở vùng nào theo đạo của ông hoàng ở vùng ấy. Hậu quả là miền Bắc Đức và miền Bắc Âu (Đan mạch, Thụy điển, Phần lan) cũng theo Luther và tuyệt giao với Công giáo.

      2/ Các giáo hội Cải Cách (Reformed Churches)

      Tuy ông Luther được coi như người xướng xuất phong trào cải cách, nhưng các giáo hội Luther thích được gọi là “Tin lành” (Evangelical), còn từ “Cải cách” (Reformed)  được dành cho những nhóm theo Ulrich Zwingli (1484-1531) và Jean Calvin (1509-64).

      Zwingli là một linh mục tại Zurich (Thụy sĩ). Ông tha thiết với việc cải cách, và chủ trương phải trở về với Kinh thánh. Từ năm 1519, trên tòa giảng, ông đòi xét lại đạo lý về luyện ngục, việc tôn kính các thánh, đời sống tu trì, sự độc thân của giáo sĩ. Đến năm 1524, ông đòi thay thế Thánh lễ bằng một nghi thức biểu tượng giống với một bữa tiệc, và đòi cất bỏ các ảnh tượng ra khỏi các thánh đường ở Zurich. Một cuộc gặp gỡ với Luther vào năm 1529 đã cho thấy sự khác biệt quan điểm thần học giữa các nhà Cải cách.  Zwingli đã gây được nhiều  ảnh hưởng ở Zurich, và dần dần lan sang các bang khác của Thụy sĩ, nhưng cũng có những bang không chấp nhận ông, đưa đến cuộc nội chiến năm 1531 và ông đã tử trận tại Kappel.

      Calvin là một luật gia người Pháp, đến Genève năm 1536 khi luồng gió Cải cách đã lan đến đây dưới sự lãnh đạo của Guillaume Farel (1489-1565). Genève trở thành một thành phố “phản kháng” từ năm 1535. Calvin đã gây ảnh hưởng đến một số bang ở Thụy sĩ, Pháp, Hà Lan, Scotland. Ông đã thảo Quy luật (Ordonnances) cho thành phố này, và đặc biệt là soạn bộ sách diễn tả thần học cho các giáo hội Cải cách (Christianae Religionis institutio viết bằng tiếng Latinh năm 1536 và dịch sang tiếng Pháp năm 1541: Institution de la religion chrétienne). Ông muốn thiết lập một chế độ thần quyền (théocratie), áp đặt một nền luân lý nghiêm nhặt. Ông chủ trương đặt Kinh thánh làm trung tâm cho đạo lý, phụng vụ, và kể cả cho các thể chế giáo hội và xã hội. Đặc trưng của thần học Calvin là đạo lý về sự tiền định (predestination). Theo ông, sự cứu độ không phải là kết quả của sự chọn lựa về phía con người, nhưng đã được Thiên Chúa ấn định ngay từ ngàn xưa. Điều này có nghĩa là một số người được Chúa tuyển chọn để được cứu độ, còn những người khác thì đã bị luận phạt, bất chấp lòng tin và lối sống của họ thế nào đi nữa. Dĩ nhiên những ai được tuyển chọn thì phải tránh xa tội lỗi; tuy rằng không hẳn tất cả mọi người lương thiện đều ở trong số người được tuyển. Mặc dù đời sống lương thiện không phải là yếu tố quyết định cho sự cứu độ, nhưng là một dấu chỉ tốt đẹp.

      Quan điểm của Zwingli và Calvin được ủng hộ tại Thụy sĩ. Phong trào này  sang Pháp được đặt biệt danh là Huguenots, lúc thì bị đàn áp lúc được chấp nhận. John Knox đã đưa phong trào sang Scotland và giữ vị trí ưu thế tại đây.

      3/ Anh Quốc

      Cuộc ly khai ở nước Anh không bắt nguồn từ những luận đề thần học, nhưng từ một chuyện giáo luật. Vua Henri VIII (1491-1547), lúc đầu được đức thánh cha Lêô X tặng danh hiệu Defensor Fidei (người bảo vệ đức tin) bởi vì đã chống lại những sai lệch của Luther, nhưng sau đó lại đoạn giao với Tòa thánh vì không được phép ly dị hoàng hậu Catherine Aragon để kết hôn với Anne Boleyn. Thủ tướng Thomas Cromwell xúi giục nhà vua thành lập Giáo hội độc lập, và tuyên bố mình làm nguyên thủ (1534). Lúc đầu, nhà vua không muốn thay đổi đức tin trong Giáo hội; nhưng do ảnh hưởng của phong trào Cải Cách, ông cũng dịch Sách thánh và các sách phụng vụ sang tiếng Anh. Những hố chia rẽ được đào sâu thêm do những người kế vị, chẳng hạn như nữ hoàng Elizabeth I (1559), trong đó các yếu tố chính trị đã gây ảnh hưởng không nhỏ. Dù sao cũng nên biết là trong nội bộ của Giáo hội Anh quốc dung hợp hai khuynh hướng chính: a) khuynh hướng công giáo, muốn duy trì các cơ cấu và phụng vụ cổ truyền (mang tên là High Church); b) khuynh hướng tin lành, du nhập các nguyên tắc của phong trào Cải cách (mang tên là Low Church).

      Đó là nguồn gốc của ba ngành chính của phong trào Cải cách hồi thế kỷ XVI. Sang các giai đoạn kế tiếp, nhiều người muốn đi xa hơn nữa trong việc cải tổ Giáo hội. Trong số này phải kể đến phái Anabaptist, chủ trương không rửa tội cho các nhi đồng, cũng như không hợp tác với Nhà Nước. Một lãnh tụ của phái này là Thomas Munzert (1490-1525), nguyên là một linh mục công giáo, nhưng ông chống cả Công giáo lẫn Luther. Ông lãnh đạo trong cuộc nổi dậy của nông dân (1524-26), nhưng bị phái Luther đàn áp; ông bị bắt và hành quyết. Tuy nhiên, phái Anabaptist lan rộng khắp nước Đức, Thụy sĩ, Moravia, Hà Lan, nơi mà họ nhập với nhóm Mennonites (lấy tên của lãnh tụ Menno Simons).

      Như đã nói, Luther đã khơi lên phong trào Cải cách (Reformation). Để phản ứng lại, Giáo hội Công giáo cũng phát động một cuộc Cải Cách, điển hình là qua công đồng Trentô; nhưng cũng có sử gia đặt tên là Phản-Cải-cách (Counter Reformation).

      Sang các thế kỷ sau, những sự chia rẽ giữa các Giáo hội sẽ đi theo những đoàn di dân và thuộc địa  được “xuất khẩu” sang Mỹ châu (cách riêng tại Hoa kỳ), với cấp độ gia tăng, bởi vì các cộng đoàn ở đây không muốn chịu lệ thuộc vào “mẫu quốc” nữa. Chuyện ly khai xem ra diễn ra cách “tự nhiên”, và người ta không còn bận tâm đến việc duy trì sự hợp nhất của Hội thánh như các thế kỷ đầu nữa. Một nhân tố góp phần vào các cuộc phân ly là quan niệm về Giáo hội của các phái này: Hội thánh không được hiểu từ trên cao đi xuống, nhưng được đồng hóa với các cộng đoàn địa phương (congregation), mỗi cộng đoàn là một giáo hội.

II. Lịch sử phong trào đại kết

      Trong mục vừa rồi, chúng ta đã nhìn lại những cuộc phân ly trải qua lịch sử Giáo hội. Bây giờ, chúng ta theo dõi chuyển động ngược chiều của những nỗ lực tái lập sự hợp nhất.

      Trong quá khứ, không thiếu những cuộc gặp gỡ đối thoại nhằm giải quyết những tranh chấp, chẳng hạn như các công đồng Lyon II và Firenze tìm về sự hợp nhất giữa . Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống. Theo lối nhìn ngày nay, đó là những cuộc đối thoại “song phương”. Phong trào đại kết ở thế kỷ XX mang tính cách đa phương, bao gồm nhiều Giáo hội.

      Người ta thường lấy Hội nghị Truyền giáo họp ở Edinburgh năm 1910 làm khởi điểm cho phong trào đại kết vào thời cận đại. Cần thêm rằng phong trào này bắt nguồn từ các giáo hội Tin lành.

      Trên đây, chúng ta đã thấy sự phân ly của các nhóm Tin lành, đặc biệt là tại Anh và Hoa kỳ. Khi các nhóm này đi giảng đạo bên Phi châu và Á châu, họ cũng “xuất khẩu” các sự chia rẽ giữa các nhóm tuy rằng tất cả đều rao giảng Tin mừng của Chúa Giêsu.

      Tuy nhiên, sang thế kỷ XIX, một chuyển động ngược chiều nảy sinh, nghĩa là tìm về sự thống nhất. Nhiều yếu tố văn hóa xã hội đã góp phần không ít cho trào lưu này. Nhờ những phương tiện thông tin và vận chuyển giữa các quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế ra đời nhằm đáp ứng với những nhu cầu của nhân loại, chẳng hạn như tổ chức Hội chữ Thập đỏ (1865), Hiệp hội Pháp luật quốc tế (1873), Thế vận hội (1896). Trào lưu này cũng thúc đẩy thành lập những “Liên minh” các giáo đoàn địa phương thuộc cùng một ngành của Hội thánh Tin lành trên toàn thế giới, đó là “Thông hiệp Anh giáo” (Anglican Communion: 1867), “Liên minh thế giới các giáo hội Cải cách” (Alliance Réformée Mondiale, 1875), Hội nghị Methodist toàn cầu (Ecumenical Methodist Conference, 1881), Liên minh Baptist thế giới (Baptist World Alliance 1905), Thỏa ước Luther thế giới (Lutheran World Convention,1923). Các liên minh này mang hình thức “liên hiệp” giữa các giáo hội, chứ không thống nhất thành một Giáo hội duy nhất với một cơ cấu trung ương (như vậy là khác với cơ cấu “công đồng phổ quát” của Giáo hội Công giáo được triệu tập tại Vaticanô năm 1870).

      Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến khác muốn vượt lên khuôn khổ của “liên minh nội bộ” hình thức liên kết còn mang tính cách “nội bộ”, chẳng hạn như “Hiệp hội các thanh niên Kitô hữu” (Young Men’s Christian Association, 1855), các Hiệp hội Kinh thánh (Biblical Associations). Chúng ta cũng không nên bỏ qua những phong trào công nhân thế giới đã ra đời để tranh đấu cho giới lao động chịu thiệt thòi bởi cuộc cách mạng kỹ nghệ. Đó là những trào lưu thúc đẩy việc thành lập những phong trào quốc cổ võ sự hợp nhất các giáo hội trên toàn thế giới.

A. Hội nghị Truyền giáo thế giới 1910

      Các sử gia thường coi ngày khai sinh của phong trào đại kết là Hội nghị truyền giáo thế giới (World Missionary Conference) tổ chức  tại Edinburgh từ ngày 14 đến ngày 23 tháng 6 năm 1910, quy tụ 1200 đại biểu của các Giáo hội Tin lành (các giáo hội Công giáo và Chính thống vắng mặt). Động lực chính là phối hợp các hoạt động truyền giáo, tránh cảnh chia rẽ trong việc loan báo Tin mừng. Hội nghị còn đề ra một tham vọng lớn hơn nữa, đó là đem Tin mừng cho khắp thế giới trong vòng một thế hệ sắp tới. Tuy lý tưởng này không đạt được (thế chiến thứ nhất bùng nổ năm 1914), nhưng nó đã gieo một hạt giống cho những nỗ lực kế tiếp, không chỉ nhằm phối hợp việc truyền giáo mà còn tìm cách giải quyết những dị biệt đạo lý cũng như thực hiện những hành động chung để phục vụ nhân loại.

      Tiếp theo hội nghi Edinburg, nhiều tổ chức khác đã được thành lập, chuẩn bị cho Hội đồng đại kết các Giáo hội.

1. Sau khi bế mạc Hội nghị Edinburgh, ban tổ chức quyết định thiết lập một uỷ ban thường trực để tiếp tục thực hiện những mục tiệu của Hội nghị. Uỷ ban đã xuất bản một tờ báo “The International Review of Missions” nhằm truyền bá những ý tưởng về sự cần thiết phải hợp nhất. Sau thế chiến thứ nhất, một Đại hội tại Granzies-Geneve, tiến tới sự thành lập một cơ quan thường trực tại Lake Mohonk vào năm 1921, lấy tên là “Hội đồng quốc tế truyền giáo” (International Missionary Council). Hội nghị lần thứ hai họp tại Jerusalem năm1928, lần thứ ba tại Tamberam-Madras (Ấn độ) năm 1938, rồi đến Whitby (Ontario-Canada) năm 1947, Willingen (Đức) năm 1952, Ghana (1958). Chủ đề nổi bật của các Hội nghị là mối liên hệ giữa chứng tá và hợp nhất.

2. Phong trào “Sống và Làm” (Life and Work) được thành lập để đáp ứng những hậu quả tang thương của cuộc thế chiến thứ nhất, nhằm cỗ vũ hòa bình trên thế giới. Động lực chính mang lại sự đoàn kết các Kitô hữu là sự phục vụ những thành phần đau khổ của xã hội. Người khởi xướng phong trào này là Nathan Soderblom, một giáo sư lịch sử tôn giáo và cũng là tổng giáo mục Luther tại Uppsala (Thuỵ điển). Năm 1914, Soderblom hô hào tất cả các Giáo hội hãy đoàn kết với nhau trên thực hành, bỏ qua những khác biệt về đạo lý, để phối hợp các hoạt động của tất cả các Kitô hữu hướng đến hoạt động xã hội. Một hội nghị được tổ chức tại Stockholm vào năm 1925, với sự tham dự của 600 đại biểu thuộc 57 quốc gia, để thảo luận về những chuyện thực tế về quyền tư hữu, sự hợp tác kỹ nghệ, lao động của các thiếu nhi, nạn thất nghiệp, vv. Hội nghị lần thứ hai được tổ chức tại Oxford năm 1937.

3. Phong trào “Đức tin và Định chế” (Faith and Order / Foi et Constitution) nhắm đến các cuộc đối thoại thần học giữa các giáo hội. Ý tưởng này do một giám mục Anh giáo Charles Brent đề xướng. Ngài thâm tín rằng các giáo hội không thể xích lại gần nhau nếu không cất đi những điểm đạo lý nhằm ngăn trở sự hợp nhất. Phong trào này muốn tiến đến một chứng tá chung của tất cả các Kitô hữu trong một việc tuyên xưng một đức tin duy nhất. Như vậy, ta thấy khuynh hướng của Phong trào này ngược lại với phong trào “Tin và Làm”: một bên chủ trương rằng cần dẹp qua một bên những khác biệt đạo lý và tìm cách hoạt động chung; một bên chủ trương rằng để hoạt động chung cần giải quyết những khác biệt đạo lý cả. Uỷ Ban “Đức tin và Định chế” họp lần đầu tiên tại Lausanne (Thuỵ sĩ) năm 1927 và tại Edinburgh năm 1937.

      Ba phong trào vừa rồi cho thấy ba chiều hướng thúc đẩy các Giáo hội xích lại với nhau, đó là: a) truyền giáo; b) hoạt động xã hội; c) đạo lý. Đó là những tiền đề tiến đến Hội đồng đại kết các Giáo hội.

B. Hội đồng đại kết các Giáo hội

      Ý tưởng thành lập Hội đồng Đại kết các Giáo hội được phát động từ năm 1919 do Nathan Soderblom, giám mục Luther tại Stockholm (Thụy điển). Đề nghị này ra đời vào lúc châu Âu vừa kết thúc trận thế chiến thứ I và đang khao khát hòa bình. Năm 1920, thượng phụ Constantinople cũng viết một thông điệp kêu gọi thành lập một sự hiệp thông giữa các giáo hội (Koinonia ton Ekklesion). Cũng năm đó, hội nghị các giám mục Anh giáo họp tại Lambeth cũng kêu gọi sự hợp nhất các Kitô hữu.

      Những ước vọng nói trên đã được thảo luận tại nhiều buổi họp giữa các đại biểu các Giáo hội, họp tại Utrecht (1938), Saint-Germain-en-Laye (1939) và đưa đến dự án sẽ triệu tập một Hội nghị quốc tế vào tháng tám năm 1941. Tiếc rằng vì thế chiến thứ hai bùng nổ cho nên mãi đến năm 1948 mới có thể thực hiện Hội nghị họp tại Amsterdam (Hà Lan) với đại biểu của 147 giáo hội. Một cơ quan mang tên là “Hội đồng đại kết các Giáo hội” (Pháp: Conseil Ecumenique des Eglises, viết tắt CEE. Anh: World  Council of Churches, viết tắt WCC), được thành hình qua việc sát nhập hai phong trào “Life and Work” và “Faith and Order“. (Còn “Hội đồng quốc tế truyền giáo” mãi đến năm 1961 mới sát nhập).

      Vào lúc đầu các thành viên gồm đa số các Giáo hội Tin lành, nhưng không phải tất cả: ngày nay nhiều Giáo hội Tin lành không gia nhập Hội đồng đại kết đã liên minh với nhau thành “Liên minh Tin lành Thế giới” (World Evangelical Alliance) năm 1951. Các Giáo hội Chính thống gia nhập muộn hơn. Giáo Hội Công giáo không tham gia vì những lý do sẽ được trình bày trong bài tới. Cho đến cuối năm 2012, đã có 345 giáo hội thành viên.

      Sau Amtersdam (22/8-4/9/1948), các đại hội kế tiếp đã họp tại Evanston, Hoa kỳ (15-31/8/1954); New Delhi, Ấn độ (19/11-5/12/1961); Uppsala, Thụy điển (4-20/7/1968); Nairobi, Kenya (23/11-10/12/1975); Vancouver, Canada (24/7-10/8/1983);

Canberra, Australia (7-21/2/1991); Harare, Zimbabwe (3–14/12/1998); Porto Alegre, Brazil, (14–23/2/2006); Busan, Hàn quốc (30/10-8/11/2013).

      1/ Bản chất

      “Hội đồng đại kết các giáo hội” không phải là một cơ quan “siêu giáo-hội”. Vào lúc đầu, Hội đồng chỉ là một “hội nghị” để các Giáo hội có dịp gặp gỡ nhau. Tại phiên họp đầu tiên ở Amsterdam, Hội đồng đã tự định nghĩa như là “một cộng đồng các Giáo hội nhìn nhận Đức Giêsu Chúa chúng ta là Thiên Chúa và Đấng Cứu thế“. Tại hội nghị New Delhi (1961), Hội đồng đã xác định rõ hơn căn cước để được thâu nhận làm hội viên: “Hội đồng đại kết các Giáo hội là một cộng đồng những Giáo hội trung thành với Kinh thánh, nhìn nhận Đức Giêsu Chúa chúng ta là Thiên Chúa và là Đấng Cứu thế, và do đó, nhắm chu tòan sứ mạng được kêu gọi, nhằm tôn vinh Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Linh“. Điều kiện căn bản để gia nhập Hội đồng là tuyên xưng hai tín điều căn bản liên quan đến Đức Kitô (là Thiên Chúa, Đấng Cứu thế) và Thiên Chúa Tam vị. Hội đồng chấp nhận những quan điểm khác biệt về Giáo hội, các bí tích, tác vụ.

      2/ Mục tiêu

      Mục tiêu của Hội đồng là thúc đẩy sự hợp nhất mà Chúa Kitô mong muốn, tuy mỗi Giáo hội có thể vẫn có quan niệm riêng của mình cách thức thể hiện sự hợp nhất ấy (như sẽ được bàn trong phần tới về mô hình hợp nhất). Điều quan trọng là các hội viên chấp nhận lắng nghe để học hỏi lẫn nhau về những điều hay điều tốt trong đạo lý và kỷ luật của các Giáo hội khác, và duy trì những tương quan huynh đệ với nhau.

      Các mục tiêu này đã được phác họa do hai phong trào sáng lập (Life and WorkFaith and Order):

      – Cỗ võ những họat động chung của các Giáo hội trên thế giới.

      – Cổ võ việc nghiên cứu thần học chung.

      – Phát triển tâm thức đòan kết giữa các tín hữu của tất cả mọi Giáo hội.

      – Thiết lập tương quan với các Liên minh quốc tế và các cơ quan đại kết khác.

      – Nâng đỡ các Giáo hội trong họat động loan báo Tin mừng và chứng tá.

      – Dấn thân phục vụ các nhu cầu của nhân lọai, dẹp bỏ những bức tường ngăn cách giữa các dân tộc.

       3/ Tổ chức

      Trụ sở Trung ương của Hội đồng đặt tại Genève[10], và gồm nhiều ủy ban (commission): chẳng hạn như: Ủy ban về thanh niên, Ủy ban về phục vụ và phát triển, Ủy ban về Công lý Hòa bình và Tạo dựng, Ủy ban về giáo dục và đào tạo, Ủy ban về truyền giáo, Ủy ban về các vấn đề quốc tế, Ủy ban Đức tin và Định chế, Ủy ban liên lạc với Giáo hội Công giáo, vv.

      Ngoài ra, còn có những Hội đồng đại kết được thiết lập ở cấp vùng (lục địa, chẳng hạn ở Âu châu) hay cấp quốc gia (National Council of Churches).

      Để kết thúc, cũng cần lưu ý rằng không phải tất cả các giáo hội đều tham gia tổ chức Hội đồng đại kết các giáo hội. Giáo hội công giáo không phải là hội viên vì những lý do sẽ được trình bày trong bài kế tiếp. Ngay cả nhiều tông phái Cải cách cũng không tham gia, không những bởi vì họ không gia nhập tổ chức nào cao hơn “cộng đoàn địa phương” (congregation), mà còn vì họ không chấp nhận quan điểm thần học “cấp tiến” của WCC.

—————————–

Thư tịch

Lịch sử phong trào đại kết

Rouse & S.C. Neill (eds.), History of the Ecumenical Movement 1517-1948, WCC, Geneva, 1986, 3rd ed.; H.E. Fey (ed.), The Ecumenical Advance. A History of the Ecumenical Movement 1948-1968, WCC, Geneva, 1986, 2nd ed.

Lossky et al., Dictionary of the Ecumenical Movement, WCC, Geneva, 2002, 2nd ed.

Barrett, G. Kurian and T. Johnson, eds, The World Christian Encyclopedia,, Oxford University Press, Oxford 2001, 2nd ed.

E. Fitzgerald, The Ecumenical Movement: An Introductory History, Praeger, Westport, 2004.

———————–

[1] X. Phan Tấn Thành, Về nguồn, tập I, Học viện Đa Minh 2013 trang 332-337 (thời các tông đồ); tập II, Học viện Đa Minh 2013, trang 181-187 (thời các giáo phụ 3 thế kỷ đầu); trang 306-326; 491-498 (thời các giáo phụ từ thế kỷ IV đến thế kỷ VIII.

[2] T. E. Fitzgerald , The Ecumenical Movement: An Introductory History, Praeger. Westport, 2004.

[3] Chúng tôi bỏ qua những nhóm ly khai khác vào thời các giáo phụ, chẳng hạn như nhóm Priscilla, Đônatô, xem Về nguồn, quyển II (2013), trang 315-321.

[4] X. Về nguồn quyển II (2013), trang 478-482 (công đồng Ephesô); trang 520-523 (Kitô luận của hai trường phái).

[5] X. Về nguồn, quyển II (2013), trang 482-486 (công đồng Calxêđônia).

[6] Thực ra, sự phát triển của quyền bính Giáo hòang phát triển mạnh mẽ hơn ở các thế kỷ sau này, khi tòa Rôma tự coi là “Caput“, “Mater (et magistra)” trên mọi giáo hội. Sự củng cố quyền hành không nhắm tới các giáo hội Đông phương cho bằng nhắm đến Hòang đế Tây phương cũng như cuộc cải tổ nội bộ Giáo hội latinh. Dù sao, đây là thời cực thịnh của “giáo luật” với nguy cơ là chú trọng đến khía cạnh cơ chế của Giáo hội hơn là khía cạnh “huyền nhiệm” (Giáo hội là Thân thể Đức Kitô).

[7] Cuộc thập tự quân năm 1204, dưới sự lèo lái của cộng hòa Venise, thay vì đánh Saladin đang chiếm đóng Thánh địa, thì lại quay sang cướp phá Constantinopolis. Biến cố này đã để lại vết thương sâu đậm bên Đông phương, khi thấy lòng tham lam được đặt lên trên ích chung là bảo vệ đức tin chống lại người ngoại.

[8] Nên lưu ý là có những tác giả đã đặt tên “ly gíao Tây phương” cho thời kỳ có hai (hay ba) giáo hòang (Avignon-Roma: 1378-1417). May thay thời kỳ ấy đã kết thúc.

[9] Nên biết là những tư tưởng Cải cách liên quan đến các bí tích và quyền bính đã được đề xướng non hai thế kỷ trước đó, do John Wycliff (1324-1384) và Jan Hus (1369-1415).

[10] Địa chỉ: 150 Route de Ferney, Grand-Saconnex (Geneva), Switzerland.  Internet http://www.oikoumene.org

 


Tủ Sách Giáo Lý