VIỆC
KÍNH HÀI CỐT CÁC THÁNH CÓ TỪ BAO GIỜ?
(catechesis.net)
November 1, 2021
Giuse Phan Tấn Thành, OP
Tại
nhiều nơi có thói hôn kính xương thánh vào dịp lễ kính vị thánh đó. Và đôi khi
người ta còn trưng bày hài cốt các thánh trên bàn thờ. Tục lệ kính hài cốt các
thánh có từ bao giờ? Có luật lệ gì về vấn đề này không?
Vấn đề
tôn kính hài cốt các thánh tử đạo đã có một lịch sử lâu đời. Và trong phạm vi
này, luật lệ của Giáo hội cũng không thiếu. Nói chung, thì luật được đặt ra
không phải để bắt buộc các tín hữu phải tôn kính hài cốt các thánh, cho bằng để
bài trừ những tệ đoan, hoặc phòng ngừa những lệch lạc. Chúng ta hãy đi ngược
dòng lịch sử, để theo dõi tập tục cũng như là luật lệ của Giáo hội. Các Kitô
hữu tiên khởi, cũng giống như các người Do thái và Rôma, có thói tục tôn kính
thi hài người chết, theo nghĩa là họ không vứt bỏ thây ma người chết ở giữa
trời cho chim muông thú rừng tới cắn xé, nhưng mà chôn cất tươm tất trong nghĩa
trang. Vào những ngày giỗ, gia đình thân nhân tụ họp lại cạnh ngôi mộ để đọc
kinh cầu nguyện. Tuy nhiên, đang khi mà đối với các người qua đời nói chung, thì
các tín hữu tưởng nhớ đến họ và cầu nguyện cho họ; nhưng mà đối với các người
chết vì đạo, thì các tín hữu lại có tâm tình và thái độ khác. Họ coi cái ngày
mà các vị bị giết như là ngày sinh nhật, nghĩa là được sinh vào nước trời. Vì
thế, ngày giỗ của các vị được tưởng nhớ không phải với tâm tình thương tiếc
khóc lóc như kiểu các người quá cố khác, mà là như buổi lễ. Vào dịp đó, người
ta đọc lại hạnh tích của các vị, cách riêng là cuộc tuẫn đạo của các vị. Dù
sao, thì cũng nên biết là trong các thế kỷ đầu tiên, các Kitô hữu chưa được
phép xây cất những nơi thờ tự. Vì thế, ngoài những buổi họp nhau ở tư gia để
cầu nguyện, một địa điểm khác để gặp gỡ là ở ngoài nghĩa trang, trên mồ của các
vị tử đạo. Nhà cầm quyền Rôma tôn trọng tính cách thánh thiêng của các nghĩa
trang, cho nên họ làm ngơ cho các buổi phụng tự đó.
Như vậy
là các Kitô hữu bày tỏ lòng tôn kính với các vị tử đạo, chứ đâu có gì liên can
tới hài cốt của các ngài đâu?
Đúng
như vậy. Như vừa nói, luật Rôma rất nghiêm ngặt đối với các nghĩa địa, coi như
là nơi bất khả xâm phạm. Vì thế không ai được đụng tới các ngôi mộ của người
chết và dĩ nhiên là không được đụng tới xác chết. Thế nhưng, từ thế kỷ IV trở
đi, một khúc quặt đã xảy ra. Các Kitô hữu được tự do hành đạo. Các thánh đường
được cất lên. Tìm địa điểm nào để cất? Nếu mà hỏi các Đức Giám mục hay các cha
xứ ngày nay, thì chắc chắn chúng ta sẽ được trả lời là tìm chỗ nào thuận tiện
cho bổn đạo tới dâng lễ, thí dụ ở trung tâm thành phố hay ở giữa làng. Thế
nhưng, vào hồi thế kỷ IV thì người ta nghĩ khác. Bên thánh địa, thì người ta
cất nhà thờ tại các nơi mà Chúa đã đi qua (thí dụ: Nadarét, Bêlem, vườn cây
dầu, núi Golgôta, mộ Chúa vv). Còn ở Rôma, thì người ta cất nhà thờ tại những
nơi mà các thánh tông đồ đã hy sinh vì đức tin. Đó là tiêu chuẩn để cất các đền
thờ kính thánh Phêrô, Phaolô, Lôrenxô, cũng như hàng chục đền thờ khác tại
Rôma. Người ta trù tính làm sao để cho bàn thờ được xây liền trên ngôi mộ của
thánh tử đạo, để khi dâng Thánh lễ, chúng ta tưởng nhớ cuộc Tử nạn của đức Kitô
cũng như những môn đệ đã đi theo chân của Ngài. Từ đó việc cất nhà thờ, hay bàn
thờ trên mồ các thánh tử đạo trở thành một tiêu chuẩn được chấp nhận. Thế nhưng
một vấn đề cụ thể được đặt ra. Có nơi thì có cả chục vị tử đạo được chôn tại
một nghĩa trang. Có nơi thì chẳng có vị tử đạo nào hết. Vì vậy mà có chuyện
phải cải hài cốt của các vị, hoặc là để tôn kính ở một chỗ xứng đáng hơn, hay
là dành cho những thành phố nào muốn cất nhà thờ mà không có mộ của thánh tử
đạo. Tóm lại, trong khi mà việc tôn kính các vị tử đạo đã có từ thời cổ, nhưng
việc tôn kính hài cốt của các vị bắt đầu từ thế kỷ IV; hay muốn chính xác hơn,
từ khi có những chuyện di chuyển hài cốt của các thánh tử đạo, mới có luật về
vấn đề này.
Luật do
Giáo hoàng ra hay là của các công đồng?
Theo
các sử gia, những luật đầu tiên là của Nhà nước. Bởi vì như đã nói trên đây, cổ
luật Rôma rất nghiêm ngặt trong việc bảo vệ các nghĩa trang và thi hài người
chết. Vì thế, bây giờ muốn đào mả để lấy hài cốt thì phải sửa lại pháp luật.
Tiếp đó, mới tới luật của Giáo hội, nhằm tới nhiều phương diện: thí dụ, cần
phải bảo đảm tính cách xác thực (bởi vì thời nào cũng có đồ giả mạo, kể cả
xương thánh), và nhất là tránh những thứ dị đoan mê tín cũng như những chuyện
buôn thần bán thánh. Trong lịch sử, có những công đồng sau đây đã ra những quy
định cho vấn đề này: công đồng Lateranô IV (năm 1215), công đồng Trentô (khóa
25, năm 1563), và công đồng Vaticanô II, trong hiến chế về Hội thánh số 51;
hiến chế về phụng vụ số 111; 125.
Những
luật vừa nói chỉ liên can tới hài cốt của các thánh tử đạo mà thôi hay sao?
Vấn đề
dần dần được mở rộng tới tất cả di tích của các thánh nữa. Trở lại lịch sử của
Giáo hội, chúng ta thấy rằng tiếp theo các thánh tử đạo, lịch phụng vụ thêm
danh sách các giám mục, tu sĩ nữa. Các tín hữu cũng bày tỏ lòng tôn kính với
thi hài các vị ấy. Thế nhưng có lúc mà lòng ngưỡng mộ không phải chỉ dành cho
đời sống đạo hạnh của các vị, nhưng mà lan rộng tới hết những gì có liên hệ xa
gần tới các vị: từ thi hài, cho tới áo quần, giày dép, vật dụng, cho tới nhà ở,
những nơi mà các vị hoạt động, vân vân. Thực ra, thì nguồn gốc của thói tục này
có lẽ bắt đầu từ thánh địa; như vừa nói trên, từ thế kỷ IV, vào lúc mà tại Rôma
người ta cất nhà thờ trên mồ các thánh tử đạo, thì bên thánh địa, người ta cất
nhà thờ tại những chỗ mà Chúa Giêsu, Đức Mẹ đã sống: nhà ở, nơi làm việc, nơi
biến hình, nhà tiệc ly, vân vân. Dĩ nhiên, người ta cũng cố gắng đào bới các di
tích thánh, nổi bật nhất là cây thánh giá, rồi tới vòng gai, những cây đinh,
khăn liệm, rồi tới máng cỏ. Chắc chắn rằng đầu óc tưởng tượng sẽ còn phịa ra
nhiều thứ khác, thí dụ tấm tã mà Đức Mẹ đã vấn bọc, cái cưa và dùi đục của
thánh Giuse… Đại khái, thì lập luận bình dân cho rằng những gì mà Chúa, Đức Mẹ
và các thánh đã đụng chạm tới thì cũng được lây cái chất thánh sang. Không nói
ai cũng thể đoán được, cái lập luận đó mang theo nhiều hệ luận thực hành không
nhỏ. Vì vậy, mà các nhà chức trách trong Giáo hội đã phải can thiệp dưới tựa đề
chung là “di tích của các thánh” (de reliquiis sanctorum).
Những
điểm chính mà giáo quyền muốn lưu ý trong vấn đề này không?
Chúng
ta có thể phân biệt ba khía cạnh: tín lý, phụng vụ và kỷ luật.
1) Về
tín lý, các công đồng không ngừng nhắc nhở rằng hết mọi thứ tôn kính đều phải
nhằm tới Thiên Chúa, nguyên ủy của mọi sự trọn lành thánh thiện. Khi tôn kính
các thánh, chúng ta ca ngợi công trình mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi những con
người mỏng dòn. Thứ đến, sự tôn kính các di tích của các thánh phải đưa chúng
ta tới chỗ ái mộ bắt chước các vị chứ không nên coi đó như là cái bùa chú. Một
thí dụ cụ thể: mục đích tôi đặt di ảnh của mẹ tôi là để nhắc nhớ tôi tới công
ơn sinh dưỡng của bà; chứ nếu mà tôi chỉ ôm chặt và suốt ngày hôn hít cái bức
hình và tấm khảm thì sớm muộn gì cũng có người sẽ đưa tôi vào bệnh viện tâm
thần.
2) Từ
những nguyên tắc về tín lý, phụng vụ đã đặt ra những tiêu chuẩn trong việc tôn
kính, cách riêng khi có tính cách công khai. Phải làm cách nào để làm nêu bật
sự tôn thờ tuyệt đối dành cho Thiên Chúa, và sự cung kính dành cho các tôi tớ
của Chúa. Do đó mà trong cách bày biện các di tích của các thánh, chúng ta
không thể đặt ngang hàng bên cạnh Mình Thánh Chúa hay Thập giá của Chúa. Cũng
vậy, cũng phải trưng bày thế nào để cho người ngoài Công giáo khi vào nhà thờ
sẽ không choáng váng trước một rừng các hình tượng và di tích của các thánh: họ
sẽ có cảm tưởng là lạc vào một đền đa thần!
3) Sau
cùng, về khía cạnh kỷ luật, cần phải kiểm chứng về tính cách xác thực của các
di tích đó. Như chúng ta đã biết, vô tình hay hữu ý, không thiếu người lạm dụng
sự dễ tin để bịa ra các di tích của các thánh. Một điểm nữa về kỷ luật liên hệ
tới vấn đề mua bán các di tích này, vừa lo tránh chuyện mua đồ giả, lại vừa lo
tránh chuyện buôn thần bán thánh! Bộ giáo luật hiện hành chứa đựng rất ít điều
khoản về vấn đề này (đ.1186-1190). Bởi vậy, chúng ta cần phải quy chiếu tới các
luật lệ của Toà thánh (cách riêng là Bộ phong thánh và bộ phụng tự) và của Bản
quyền địa phương.
———————–
II. Khi
nào buộc phải đọc Kinh cầu các thánh?
Hôm nay
là lễ kính các thánh nam nữ. Phụng vụ có buộc phải đọc kinh cầu các thánh vào
lễ này không, tựa như đọc kinh cầu Đức Bà và kinh cầu thánh Giuse vào dịp lễ
của các vị ấy ?
Thiết
tưởng nên xác định cho rõ: Phụng vụ không buộc phải đọc kinh cầu Đức Bà hoặc
kinh cầu thánh Giuse vào dịp lễ kính các ngài. Điều đó để tùy thuộc lòng đạo
đức của cá nhân hoặc của cộng đoàn thôi. Một cách tương tự như vậy, lễ kính các
thánh hôm nay là cơ hội thích hợp để đọc kinh cầu các thánh, nhưng phụng vụ
không buộc.
Có lúc
nào buộc phải đọc kinh cầu các thánh không?
Có
nhiều trường hợp. Theo các sử gia, chứng từ cổ điển nhất về kinh cầu các thánh
trong phụng vụ Rôma là vào thời thánh giáo hoàng Grêgôriô Cả: các tín hữu kêu
cầu các thánh đang khi đi kiệu để cầu xin cho khỏi bệnh dịch năm 590, và về sau
được hát vào ngày 25 tháng 4 để cầu cho mùa màng. Có lẽ vì phải hát trong suốt
cuộc rước kiệu dài, cho nên kinh cầu các thánh dài nhất trong số các kinh cầu.
Dần dần, kinh cầu các thánh cũng được đọc trong dịp lãnh nhận các bí tích rửa
tội cho người lớn và truyền chức thánh. Theo đà đó, người ta cũng đọc kinh cầu
các thánh vào dịp khấn dòng, và gần đây bên Italia, kể cả trong lễ hôn phối
nữa.
Như vậy
kinh cầu các thánh dài nhất và xưa nhất trong các kinh cầu phải không?
Kinh
cầu các thánh được coi là xưa nhất theo nghĩa là có trước các kinh cầu khác và
trở thành khuôn mẫu cho các kinh cầu (điển hình là kinh cầu Đức Bà). Tuy nhiên
trải qua thời gian, đã có nhiều mẫu thức được soạn ra. Vào thế kỷ IX, mẫu thức
của vua Ludovicus Germanicus gồm 532 thánh (277 tử đạo, 153 hiển tu, 102 đồng
trinh). Mẫu thức hiện hành được dùng trong phụng vụ do Bộ phụng tự ban hành năm
1969 (nghĩa là cách đây 52 năm) cùng với việc cải cách lịch phụng vụ, dựa theo
các chỉ thị mà công đồng Vaticanô II đã đề ra (ở số 111 của Hiến chế về phụng
vụ). Một vài tiêu chuẩn đã được đặt ra trong việc duyệt lại kinh cầu các thánh
là: 1/ loại bỏ những trùng hợp (nghĩa là những sự lặp lại lời cầu hoặc ngay
trong kinh cầu, hoặc khi đọc kinh cầu trong Thánh lễ; vì thế khi đã đọc kinh
cầu các thánh thì bỏ lời nguyện giáo dân); 2/ duyệt lại danh mục các
thánh (loại bỏ những thánh mà lịch sử không chính xác, chẳng hạn như hai thánh
tử đạo Gioan và Phaolô, Giêvaxiô và Phôtaxiô, Nicôla); thêm vào những vị thánh
thuộc các châu Á, Phi, Mỹ, Úc để biểu lộ tính cách hoàn vũ của Hội thánh; ngoài
ra danh sách các vị thánh cũng mang tính cách uyển chuyển: có thể thêm tên
thánh của các thánh thuộc về địa phương, dòng tu, hoặc thánh bổn mạng tùy theo
trường hợp; 3/ loại bỏ hoặc sửa đổi những lời cầu khẩn không còn thích
hợp với thời đại (chẳng hạn: “Xin Chúa chữa chúng con cho khỏi tai ương đất
động”, “Xin Chúa hạ kẻ làm nghịch cùng Hội thánh xuống”, “Xin Chúa cho các kẻ
lầm lạc trở về cùng một Hội thánh và đem các người ngoại giáo vào đạo thánh Đức
Chúa Giêsu); 4/ tính cách uyển chuyển, theo nghĩa là có thể thêm bớt các vị
thánh tùy theo hoàn cảnh, cũng như thêm bớt các ý chỉ cầu cho các nhu cầu tùy
nơi tùy thời. Trong tinh thần đó, bộ phụng tự cũng soạn ra ba mẫu khác nhau của
Kinh cầu các thánh.
– Mẫu
một dài nhất, dành cho những lần cầu khẩn trọng thể (litaniae in sollemnibus supplicationibus
adhibendae) đặc biệt vào dịp đi kiệu cầu mùa, hoặc những buổi rước
kiệu trong mùa Chay.
– Mẫu
thứ hai gọn hơn (pro ritibus
in quibus consecrationes et sollemnes benedictiones), được dùng
trong nghi thức ban bí tích khai tâm đêm Vọng phục sinh, và các nghi thức thánh
hiến (chẳng hạn lễ truyền chức, khấn dòng, thánh hiến trinh nữ, hôn phối).
– Mẫu
thứ ba ngắn hơn cả, được dùng trong nghi thức phó linh hồn của người mới qua
đời. (Thành thực mà nói, còn một mẫu ngắn hơn nữa, đó là trong nghi thức rửa tội
các nhi đồng, chỉ gồm có 5 lời cầu).
Cấu
trúc của kinh cầu các thánh như thế nào?
Cấu
trúc rõ nét nhất của Kinh cầu các thánh được nhận thấy nơi mẫu thứ nhất. Kinh
cầu được chia thành 4 phần: 1/ Van xin Thiên Chúa (supplicatio ad Deum), 2/ Kêu cầu các thánh (invocatio sanctorum), 3/
Kêu cầu Chúa Kitô (invocatio
ad Christum), 4/ Van xin cho những nhu cầu khác nhau (supplicatio pro diversis
necessitatibus).
Phần
thứ nhất (nghĩa là mở đầu), gồm hai công thức tùy ý lựa chọn.
(a) “Xin Chúa thương xót chúng con, xin Chúa Kitô thương xót chúng con, Xin
Chúa thương xót chung con” hoặc (b): “Đức Chúa Cha ngự trên trời, Đức Chúa Con
chuộc tội cứu thế, Đức Chúa Thánh Thần, v.v. thương xót chúng con”.
Phần
thứ hai là “kêu cầu các thánh” được phân làm bảy nhóm. Đứng đầu là
Đức Trinh nữ Maria rồi đến ba tổng thiên thần và kết thúc với “tất cả các thánh
thiên thần”. Nhóm thứ hai là các thánh tổ phụ và ngôn sứ (Abraham, Môsê, Elia,
Gioan Tẩy giả, Giuse, các thánh tổ phụ và ngôn sứ), Nhóm thứ ba gồm các thánh
tông đồ và môn đệ (Phêrô và Phaolô, Anrê, Gioan và Giacôbê, Tôma, Matthêu, tất
cả các thánh tông đồ; Luca, Marcô, Barnaba, Maria Mađalêna, tất cả các thánh
môn đệ của Chúa). Nhóm thứ tư gồm các thánh tử đạo (Stêphanô, Ignaxiô Antiokia,
Polycarpô, Giustinô, Laurensô, Cyprianô, Bonifaxiô, Tôma Becket, Gioan Fisher
và Tôma More, Phaolô Miki, Isaac Jogues và Gioan Brébeuf, Phêrô Chanel, Carôlô
Lwanga, Perpetua và Felicita, Agnes, Maria Goretti). Chúng ta thấy sự hiện của
các vị tử đạo tại Nhật, Canada, Đại dương châu và Uganda. Nhóm thứ năm gồm các
thánh giám mục và tiến sĩ (Lêô và Grêgôriô, Ambrôsiô, Hierônimô, Augustinô,
Athanasiô, Gioan Kim khẩu, Martinô, Patrixiô, Cyrillô và Mêtôđiô, Carlô
Borrômêô, Phanxicô de Sales, Piô X). Nhóm thứ sáu là các thánh linh mục và tu sĩ
(Antôn, Bênêđictô, Bênađô, Phanxicô và Đaminh, Tôma Aquinô, Ignaxiô Loyola,
Phanxicô Xavie, Vinhsơn Phaolô, Gioan Maria Vianney, Gioan Boscô, Catarina
Siena, Têrêsa Giêsu, Rosa Lima). Sau cùng là các thánh giáo dân (Luy, Monica,
Elizabeth Hungari), và lời cầu: “tất cả các thánh nam nữ của Thiên Chúa”, kết
thúc phần thứ hai.
Phần
thứ ba mang tiêu đề là Kêu cầu Đức Kitô: Xin Chúa cứu chữa (giải
thoát) chúng con: khỏi mọi sự dữ, khỏi mọi tội lỗi, khỏi những mưu chước ma
quỉ, khỏi giận dữ hận thù và ác ý, khỏi án chết đời đời. Vì mầu nhiệm Chúa nhập
thể, giáng sinh, lãnh phép rửa và chay tịnh, thập giá và khổ nạn, cái chết và
mai táng, sự sống lại và lên trời hiển vinh, trút ban Thánh Thần, quang lâm.
Phần
thứ bốn là những lời van xin cho các nhu cầu khác nhau, cộng đoàn
đáp lại “Xin Chúa nghe cho chúng con” tiếp theo những ý nguyện xin Chúa tha thứ
tội lỗi, ban cho chúng ta được thành tâm thống hối, cho chúng ta kiên tâm phụng
sự Chúa, trả ơn cho các ân nhân, cho đất đai mang lại hoa trái dồi dào, xin cai
quản và giữ gìn Hội thánh, xin trợ giúp đức thánh cha và các giáo sĩ
trong tác vụ của mình, xin cho tất cả mọi Kitô hữu được hợp nhất, xin dẫn dắt
tất cả mọi người đến ánh sáng Tin mừng. Sau cùng là phần kết luận.
Thời
Trung cổ, danh sách các thánh trong kinh cầu lên đến hơn 500 vị. Còn bản kinh
hiện hành thì sao?
Con số
các thánh không cố định, bởi vì có thể tăng thêm hoặc giảm bớt tùy hoàn cảnh.
Điều quan trọng là phải tôn trọng thứ tự hàng ngũ các thánh, đó là:
tông đồ, tử đạo, giám mục, linh mục tu sĩ, giáo dân. Trong mỗi hàng ngũ, tôn
trọng thứ tự thời gian tuổi tác. Vì thế ở Việt Nam nếu muốn thêm các
thánh tử đạo vì phải xen vào hàng ngũ tử đạo, nghĩa là trước các thánh hiển tu,
chứ không phải ở cuối sổ. Ta có thể thấy một thí dụ về sự thích nghi nơi
mẫu số 2. Danh sách các thánh đã được rút ngắn vào 25 vị thánh: Micae, Gioan
Tẩy giả, Giuse, Phêrô và Phaolô, Anrê, Gioan, Maria Mađalêna, Stêphanô, Ignaxiô
Antiôkia, Lorensô, Perpetua và Felicita, Agnes, Grêgôriô, Augustinô, Athanasiô,
Basiliô, Martinô, Bênêđictô, Phanxicô và Đaminh, Phanxicô Xavier, Catarina
Siena, Têrêsa Giêsu. Trong nghi thức tấn phong giám mục, danh tánh tất cả các
thánh tông đồ đều được xướng lên theo thứ tự như sau: Phêrô, Phaolô, Anrê,
Giacôbê, Tôma, Giacôbê, Philipphê, Bartôlômêô, Simon, Tađêô, Matthia. Trong lễ
phong chức linh mục thì không thêm vị nào khác, nhưng trong lễ phong chức phó
tế thì thêm hai thánh Vincentê (đi sau thánh Lorensô) và thánh Ephrem (theo sau
thánh Basiliô). Trong lễ khấn trọn đời của các tu sĩ thì bỏ cac thánh Inhaxiô
Antiôkia, Grêgôriô, Atanasiô, Martinô, Phanxicô Xavier, Gioan Maria Vianney, và
nếu là nam tu sĩ thì thêm Bênađô, Ignaxiô Loyola, Vinh sơn Phaolô, Gioan Boscô,
còn lễ khấn các nữ tu thì thêm các thánh nữ Macrina, Clara, Catarina Siena,
Rosa Lima, Gioanna Francisca de Chantal, Louise Marillac. Dĩ nhiên là có thể
thêm các thánh riêng của dòng. Trong nghi lễ chúc phong viện phụ, thì bỏ tên
thánh Catarina Siena, và thêm các thánh Columbanô, Bêđa, Romualđô, Brunô,
Bênađô, hai thánh nữ Scolastica và Clara. Nên biết là các lời khẩn nguyện cho
các nhu cầu trong các dịp truyền chức, khấn dòng cũng được thích nghi theo hoàn
cảnh. Tuy nhiên, có lẽ điều gây ấn tượng cho cộng đoàn là thấy các ứng sinh nằm
phủ phục dưới đất, và xin sự chuyển cầu của các thánh nhân trên trời cũng như
các anh chị em thuộc cùng Hội thánh lữ hành.