CHƯƠNG XIII
PHƯƠNG PHÁP THẢO LUẬN
TRONG TIẾT BÀI HỌC NHÂN BẢN
Ngoài phần thảo luận mà chúng ta sẽ trình bày chi tiết trong
chương này, phần còn lại trong diễn tiến một tiết học bài học nhân bản chúng ta
sẽ theo phương pháp của tiết dậy bài học Kinh Thánh đã trình bầy ở mục I. Nhưng
xin lưu ý tới vài điểm sau đây :
- Phần Lời Chúa được
công bố sau khi hội thảo : Lời Chúa được xem như là một
lời mời gọi các em hãy sống, hãy làm điều các em vừa nhận định trong phần thảo
luận.
- Phần Sống Lời Chúa
(dốc lòng) : Chúng ta lấy phần “LÀM” trong phần thảo luận của các em làm
phần Sống Lời Chúa chứ không thảo luận
các câu hỏi trong phần bài học tâm linh như trong loạt bài Giáo lý Kinh Thánh. Từ
những điều phải làm trong phần LÀM Giáo lý viên mới đề ra một việc làm cụ thể trong tuần tới.
Nếu như trong loạt bài Giáo lý Kinh Thánh, các em học sinh thảo
luận bản văn Kinh Thánh, thì trong loại bài học nhân bản, học sinh sẽ thảo luận
theo đề tài bài học. Lý do là vì bài “Dậy
Men Tin Mừng” là hệ quả của các bài Giáo lý trước đó. Chúng ta có thể xem bài
“Dậy Men Tin Mừng” như là một điều
quyết tâm sống rút ra từ Lời Chúa, bài học trước nó.
II. PHƯƠNG PHÁP THẢO LUẬN
1. Giải thích bài học.
Trước khi các em thảo luận, Giáo lý viên dẫn vào bài học trong sách
học sinh và lấy thêm bài học lần trước (vì
bài “Dậy Men Tin Mừng” liên hệ với bài trước nó), để gợi ý và hướng dẫn các
em thảo luận.
2. Đề tài thảo luận
:
Đề tài thảo luận là đề tài bài học. Do đó, Giáo lý viên có thể tìm
trong phần các câu hỏi suy nghĩ và thảo luận ở sách học sinh bao quát được cả đề
tài để các em thảo luận. Nếu không có, Giáo lý viên đặt ra một câu hỏi bao quát
cả đề tài bài học để các em thảo luận. Câu hỏi thảo luận phải rất cụ thể, liên
hệ tới các em.
3. Phương pháp thảo
luận : XEM - XÉT – LÀM.
Để giúp các em thảo luận cách dễ dàng, hiệu quả chúng ta áp dụng phương
pháp XEM - XÉT - LÀM.
Xuất xứ :
Phương pháp Xem - Xét- Làm là một phương pháp làm tông đồ môi
trường của phong trào công giáo tiến hành : Thanh lao công, Thanh sinh công,
vv…
Kinh nghiệm :
Có lẽ trong đời sống hằng ngày chúng ta đã sử dụng phương pháp
Xem - Xét -Làm mà chúng ta không để ý.
Ví dụ :
¶ - Bạn đang lái
xe, bỗng thấy 3 vật cản xuất hiện cùng một lúc (XEM).
- Bạn suy tính rất nhanh : còn
một lối thoát duy nhất (XÉT)
- Bạn bẻ tay lái vô hướng đó, vượt ra khỏi
nguy hiểm (LÀM)
¶ - Trước một cánh cửa, ta
nhìn ổ khoá (XEM)
- Chọn đúng chìa (XÉT).
- Và mở của (LÀM).
¶ - Bác sỹ theo dõi các triệu
chứng (XEM).
- Định bệnh (XÉT).
- Cho thuốc (LÀM).
Định nghĩa:
Phương pháp Xem - Xét
- Làm là một phương pháp thảo luận được tiến hành qua 3 bước : XEM - XÉT - LÀM.
Ø XEM : Quan sát, gom góp các sự kiện mà mỗi người quan sát và ghi nhận được.
Việc này phải cụ thể, chính xác, khách quan và đầy đủ. Phải nhìn vào những sự
kiện cụ thể khách quan, chứ không phải chỉ nêu lên những cảm tưởng hay ý tưởng,
nếu chỉ tuyển một số sự kiện ta thích và bỏ hẳn một số sự kiện ta không thích, kết luận của ta sẽ không
trung thực. Phải tránh lối trình bầy sự kiện cách mập mờ, mông lung như : “giả
tỷ như là”…”chẳng hạn”…
Ø XÉT : Là thái độ suy xét trên sự kiện mình đã XEM thấy, phân tích, tìm lý
do sâu xa của các sự kiện trên và phê phán để tiến đến một kết luận. Sự phê phán
đánh giá phải hết sức vô tư, dưới ánh sáng Tin Mừng và các giáo huấn của Hội Thánh.
Cụ thể như sau:
- Suy xét những sự việc các em đã xem trên có ý
nghĩa gì ?
- Do đâu ? Nguyên nhân bên ngoài, nguyên nhân bên
trong ?
- Ảnh hưởng của nó thế nào ?
- Trong Tin Mừng có sự kiện hay lời nói nào của
Chúa Kitôâ có liên quan đến hoàn cảnh này ?
Chúa nghĩ gì ? Muốn gì về hoàn cảnh hoặc biến cố ấy ?
Ø LÀM : Là thái độ dấn thân của một người hay một nhóm sau khi đã cùng xem
xét và khám phá được tiếng Chúa mời gọi qua những sự kiện, những hoàn cảnh sống,
hành động này, thái độ dấn thân này là kết quả của việc XEM và XÉT.
Tóm lại, phương pháp XEM -XÉT -LÀM đòi các em phải quan tâm tới
thực tế đời sống : mở mắt nhìn XEM vào đời sống của mình và các bạn mình; động
não suy XÉT đời sống ấy dưới ánh sáng Tin Mứng và khám phá trong đời sống ấy tiếng Chúa gọi để cùng nhau mở rộng con
tim và vòng tay để phục vụ (LÀM). Đây là phương pháp làm việc tông đồ chuẩn bị
cho các bạn trẻ vào đời.
Ví dụ :
Bạn nghĩ sao về tình
trạng tham dự Thánh lễ của giới trẻ ở các giáo xứ ?
- XEM : Nhiều anh chị em giới trẻ đi Lễ đứng ngoài, nói chuyện, hút
thuốc.
- XÉT : Hội Thánh dạy khi tham dự phụng vụ đặc biệt Thánh lễ phải
tham dự cách tích cực, thành kính,đầy đủ và yêu mến. Do đó, việc đi Lễ đứng ngoài
nói chuyện, hút thuốc là không tham dự Thánh lễ cách tích cực, thành kính, đầy đủ
…
Như thế cách tham dự
Thánh lễ này chưa được.
- LÀM : Muốn tham dự Thánh lễ cách đúng nhất là vào nhà thờ, chăm
chú, tích cực, thành kính cùng với mọi người tham dự Thánh lễ.
Bài mẫu
Sách Giáo lý Kinh Thánh 2, bài 16
Dậy men Tin Mừng 3
HỌC ĐỂ PHỤC VỤ HỮU HIỆU
I. Cầu nguyện đầu giờ.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cám ơn Chúa đã ban cho chúng con
trí hiểu, sức khoẻ, thời gian. Chúng con
xin dâng lên Chúa bài học Giáo lý hôm nay với tất cả lòng biết ơn và yêu mến của
chúng con.
Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con để Ngài soi sáng, chúc lành, và thánh hoá chúng
con, giúp chúng con học giờ này đạt kết quả tốt đẹp.
Hát : Cầu xin Chúa
Thánh Thần.
II. Giải thích bài học.
Các em thân mến, trong bài học tuần trước, bài 15, chúng ta đã được biết Đức Giêsu là Đấng Kitôâ,
Con Thiên Chúa hằng sống nhờ lời tuyên xưng của Thánh Phêrô. Lời tuyên xưng ấy
không phải một sớm một chiều mà thánh Phêrô tuyên xưng và thực hiện được, nhưng
do Chúa Thánh Thần soi sáng và với những ngày tháng đã được ở cận kề bên Chúa, được
Chúa dạy dỗ, chứng kiến những việc Chúa làm, và thánh nhân vẫn phải học hỏi suốt
đời ngay trong vai trò của vị Đại diện Chúa ở trần gian này. Trong bài 14 : Sáng
suốt nhận định, chúng ta đã biết để lựa chọn điều tốt nhất hãy lựa chọn theo ý
Chúa muốn.
Là Kitôâ hữu chúng ta cũng tuyên xưng Đức Kitôâ là Đấng Kitôâ,
Con Thiên Chúa hằng sống. Và để lời tuyên xưng niềm tin của chúng ta đi đôi với
cuộc sống, chúng ta có bổn phận làm chứng cho Chúa ngay trong quê hương, đất nước
chúng ta. Chúng ta phải trở nên những người công dân, người Kitôâ hữu tốt.
Làm người công dân tốt là chúng ta yêu quê hương, dân tộc, ta muốn góp phần phục vụ, giúp cho dân mình
phát triển, nước mình thịnh vượng. Làm người Kitôâ hữu tốt là chúng ta yêu mến
Chúa, yêu mến Hội Thánh, ta muốn góp phần phục vụ, rao giảng Tin Mừng.
Tuy nhiên sẽ không thể phục vụ tốt nếu thiếu hiểu biết. Gương
những người đi trước cho thấy : yêu quê hương dân tộc thì phải học.
1. Yêu quê hương dân tộc thì phải học.
Trong bài 10 : “Con có
một Tổ Quốc”, chúng ta đã cảm nhận được niềm hạnh phúc được là người Việt
Ngày nay, đất nước ta đã hoà bình, thế nhưng chiến tranh đã để
lại cho ta cái nghèo, cái dốt, cái chậm
tiến… Muốn giúp cho dân giầu nước mạnh, cần phải học. Và không phải chỉ học cho
qua chuyện, nhưng cần học hành đến nơi đến chốn, học thành tài.
Bạn có yêu quê hương dân tộc không ? Nếu thực sự yêu nước thương
nòi hãy quyết chí học tập.
2. Yêu Chúa hãy chăm học.
Chúa Giêsu, dù là Con Thiên Chúa, nhưng để rao giảng trong 3
năm, Ngài đã chuẩn bị bằng 30 năm học hành, rèn
luyện bản thân. Và khi khởi sự cuộc đời rao giảng, một trong những việc đầu
tiên Ngài làm là đào tạo môn đệ : “Ngài lập
Nhóm Mười Hai để các ông ở với Ngài và để Ngài sai các ông đi rao giảng” (Mc 3,
14).
Là người Kitôâ hữu, hẳn chúng ta yêu mến Chúa, yêu mến Hội Thánh,
yêu mến các linh hồn ? Vậy thì chúng ta hãy quyết chí học tập : học văn hoá và
học Giáo lý.
Một Đức Giám Mục phía Bắc đã có lần nói :
“Rất nhiều bạn trẻ
nhiệt tình, muốn tham gia dạy giáo lý nhưng không được vì bản thân họ học thấp
quá”.
Vâng, để nói được về Thiên Chúa, cần học biết Ngài là ai, Ngài
làm gì cho ta, yêu thương ta thế nào. Không biết rõ, ta sẽ không dám nói.
Muốn nói với con người thời nay, phải học để biết cách nói
cho thích hợp. Khoa học ngày càng tiến bộ. Phương tiện đi lại dễ dàng giúp cho
người dân các nước gặp gỡ nhau ngày càng nhiều, khiến cho cuộc sống ngày càng
phong phú. Nhờ học hỏi, ta sẽ biết cách vận dụng tất cả để nói cho con người biết
về Chúa.
Khi được ơn trở lại,
thánh Ignatio Loyola (I-Nhã) nhận ra rằng muốn rao giảng hữu hiệu cần phải học.
Dù đã hơn 30 tuổi, ngài vẫn vui vẻ ngồi cùng lớp cùng bàn với trẻ em để học tiếng
Latinh. Nhờ đó, về sau ngài đã góp phần cho Hội Thánh hết sức hữu hiệu.
3. Học nhờ lòng yêu mến.
Việc học không phải một sớm một chiều nhưng là cả một quá
trình lâu dài, vì thế đòi hỏi phải kiên trì và chấp nhận vất vả.
Có những thầy, cô giáo vì yêu mến xóm làng của mình, thấy được
cái nghèo làm cho dân làng thất học nên đã quyết chí vượt bao gian khổ để học
thành tài về giúp ích cho xóm làng.
Có những linh mục, tu
sỹ, giáo lý viên vì yêu mến Chúa, yêu mến Giáo Hội đã cố công học tập để phục vụ
hữu hiệu.
Bạn có biết Trần Quốc Toản đã làm gì khi nghe người lớn bàn chuyện chống ngoại xâm, bảo vệ đất
nước ? Cậu đã bóp nát quả cam lúc nào không hay, rồi đi rủ đồng bạn lập một đội
quân thiếu niên, cùng nhau học tập và rèn luyện để “Phá cường địch, báo hoàng ân”. Phải học tập và rèn luyện, nếu không, dù có yêu nước sục sôi, nhóm bạn ấy đã chẳng
làm nên trò trống gì. Đáng khen thay, họ
đã khiêm nhường cố công học tập, và đã được vinh dự góp phần vào việc chung của
Đất nước.
Việc học ngày nay của bạn có khó hơn thời Trần Quốc Toản vì có
nhiều điều hơn cần phải học, phải tập để thêm hiểu biết và khả năng. Thêm vào đó,
xung quanh lại có đủ các thứ hấp dẫn, quyến rũ, lôi cuốn ta bỏ học. Thế nhưng dù
việc khó, bạn sẽ làm được, vì bạn cũng yêu nước như Trần Quốc Toản. Hơn nữa, bạn còn có sức mạnh
của lòng yêu mến Chúa và các linh hồn.
Hãy cầu xin Chúa ban cho bạn thêm lòng yêu mến. Hãy học vì yêu
mến. Hãy yêu mến mà học. Tâm trí bạn sẽ được mở mang, phẩm giá bạn sẽ thêm sáng
chói.
4.
Các học sinh thảo luận :
- Câu hỏi thảo luận
:
Để phục vụ Hội Thánh, quê hương hữu hiệu, chúng ta cần phải học
tập. Tại sao ?
Ø Thảo luận :
Xem :
Tình trạng nông nghiệp, công nghiệp, các sinh họat trong Hội
Thánh Việt nam.
- Tình trạng ‘con trâu đi
trước cái cày’ vẫn còn phổ biến. Công nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công
nghệ cao : điện tử, máy móc, thiết bị khám chữa bệnh, máy bay, phi thuyền … chưa
có hoặc chỉ mới chập chững bước đầu.
- Trong Hội Thánh Việt nam : cơ sở, việc đào tạo nhân sự,
chuyên viên, còn rất thiếu thốn : chưa có một viện đại học, cao đẳng đào tạo các
linh mục, tu sĩ, giáo dân về các chuyên môn. Muốn học phải ra nước ngoài. Các
nhân sự chuyên môn đi học ở nước ngoài còn rất ít.
Xét :
Muốn có một nền nông nghiệp, công nghiệp phát triển phải có những nông
dân có kiến thức, phải có những kỹ sư, chuyên viên giỏi …
- Muốn các sinh hoạt tôn giáo hữu hiệu, phát triển trong Hội
Thánh chúng ta, chúng ta cầøn có linh mục, tu sĩ giáo dân có chuyên môn.
Muốn thế cần phải có người học. Để rao
giảng trong ba năm, Chúa Giêsu đã chuẩn bị 30 năm; để có các Tông đồ rao giảng
Tin Mừng, Chúa Giêsu đã huấn luyện họ trong ba năm. Cũng vậy, để góp phần vào
việc xây dựng quê hương, Hội Thánh cách hữu hiệu, chúng ta phải học, học cách
chăm chỉ các môn học đạo, đời.
Làm :
Muốn tiến bộ trong
việc học, ta phải làm gì ?
- Cần có mục đích cụ
thể và rõ ràng.
- Cần quyết tâm, kiên
trì.
- Cần có tâm tình yêu
mến Chúa và người khác.
- Cần học có phương
pháp và giúp nhau học.
III. Dẫn vào Lời Chúa
Chiều cuối năm, những vạt nắng nhạt dần trên con đường dẫn ra
ngoại ô. Người người hối hả, tất bật lo toan cho cái tết đã gần kề. Cũng là chuẩn
bị cho ngày tết, nhưng lại là những buổi tập dượt, những bài văn, câu thơ được
chau chuốt để làm quà biếu cha mẹ và những người thân ở quê nhà. Những điều ấy đang
được diễn ra ở mái ấm Thiên An, nơi mà 12 em vừa trai, vừa gái và cả chủ hộ đều
khiếm thị. Tất cả đều sống trong bóng đêm giữa ban ngày. Mái ấm tình người ấy là
một căn hộ nhỏ nằm trong hẻm thuộc phường 16, quận Tân Bình, Thành Phố Hồ chí
Minh.
Thầy giáo Nguyễn Quốc Phong chủ hộ,nguyên trước đây là một tu
sĩ dòng Salêsien. Năm 1991, trên đường từ ngoại thành vào nội ô, thầy bị tai nạn
do sự bất cẩn của một người lái xe tải chở lồ ô đậu ven đường, không có đèn báo
hiệu trong đêm. Cả vùng mặt, vùng ngực bị tổn
thương nặng. Sau hơn một năm chữa trị, sức khoẻ gần hồi phục. Nhưng người tu sĩ ấy đã mất đi đôi mắt. “Thấm thoát mà đã hơn chục năm rồi anh ạ”.
Thầy Phong kể lại chuỗi ngày đã qua : “Lúc
đầu bước vào thế giới người mù, mình rất buồn, thất vọng vì ngày ấy mới 33 tuổi.
Sau này có dịp tiếp xúc với những người cùng hoàn cảnh, thấy họ vẫn phấn đấu đời
sống, mình tự nhủ phải thích nghi với cuộc đời mới. Bây giờ mình thấy vẫn còn
có ích cho đời”.
“Còn có ích cho đời”.
Đó là điều mà mọi người đã nhận ra nơi thầy Phong trong cuộc
sống hôm nay tại mái ấm Thiên Ân và từ nhiều năm trước. Nơi đây, thầy đang nuôi
dạy các cháu thuộc đủ mọi trình độ bị khiếm thị từ nhiều nơi gửi đến.
(Trích Nét xuân ở Thiên Ân, báo
CGDT số 1391, trang 16).
“Còn có ích cho đời”.
Đó là cách xử dụng những nén bạc Chúa trao một cách tốt nhất
nơi Thầy Phong. Ai cũng được Chúa trao cho những nén bạc và Chúa mời gọi mỗi người hãy làm sinh lợi ra cho Ngài
vì theo khả năng Ngài ban cho từng người như trong đoạn Tin Mừng chúng ta sẽ lắng
nghe giờ đây :
IV. Công bố Lời Chúa : Mt 25, 14-30
Thinh lặng giây lát.
V. Cầu nguyện giữa giờ
LaÏy Chúa Giêsu, Chúa đã ban cho chúng
con những nén bạc là sức khỏe, đức hạnh, tài năng, trí khôn, kiến thức… xin Chúa
giúp chúng con biết chăm chỉ học hành, rèn luyện thân xác, trau dồi tâm hồn bằng
những đức tính tốt, những kiến thức đạo, đời. Để chúng con có thể làm sáng Danh
Chúa, và giúp ích cho chính bản thân, cho gia đình, cho giáo xứ, Giáo hội, cho
Tổ quốc và cho cả loài người chúng con. Chúng con cầu xin, vì Chúa là Đấng Hằng
Sống …
VI. Sinh hoạt Giáo lý
Hát : Mỗi chúng ta là một món qùa …
VII. Bài tập:
Hãy chọn câu đúng nhất :
1. Để phục vụ hữu hiệu, ta cần học đến nơi đến chốn :
a. Những kiến thức khoa học.
b. Những môn học đạo và đời.
c. Những kiến thức về Giáo lý.
(câu b)
2. Muốn tiến bộ trong việc học tập ta cần :
a. Có mục đích cụ thể và rõ ràng.
b. Có quyết tâm, kiên trì.
c. Cần học có phương pháp và biết giúp nhau học.
d. Cả ba câu đều đúng.
(Câu d)
VIII. Sống Lời Chúa
Trong tuần này em bớt xem tivi để
có thêm thời gian học tập.
IX. Cầu nguyện cuối giờ
Lạy Chúa Giêsu, chúng con
cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con giờ học Giáo lý hôm nay, xin giúp chúng
con ý thức hơn giá trị và sự cần thiết phải học tập. Xin Chúa giúp chúng con biết
chăm chỉ học hành và xin Chúa mở lòng cho nhiều người quảng đại giúp đỡ những
người bạn nghèo của chúng con có cơ hội để học tập, góp phần phục vụ thế giới
ngày càng hữu hiệu hơn. Amen.