Bài 4 :

 

NĂM PHỤNG VỤ

 

 

“Năm Phụng Vụ khai triển mầu nhiệm Vượt qua dưới nhiều khía cạnh, đặc biệt là chu kỳ các lễ xoay quanh mầu nhiệm Nhập thể (Truyền Tin, Giáng sinh, Hiển Linh) gợi lại những biến cố khởi đầu ơn cứu độ và cho chúng ta hưởng nhờ hoa trái đầu mùa của mầu nhiệm Phục sinh”. (GLHTCG 1171)

 

Năm phụng vụ là chu kỳ thời gian trong một năm về sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại, trong quá khứ cũng như hiện tại. Theo cái nhìn của lịch sử cứu độ, phụng vụ không chỉ tưởng niệm các biến cố đã xảy ra, nhưng còn hiện tại hóa, làm cho các biến cố ấy đi vào đời sống hôm nay một cách mầu nhiệm.

I. LỊCH PHỤNG VỤ

Lịch là một hệ thống đo thời gian cần thiết cho cuộc sống con người thành năm, tháng, tuần, ngày... Âm lịch là lấy một vòng quay của mặt trăng chung quanh trái đất làm một năm, còn Dương lịch lấy một vòng quay của trái đất chung quanh mặt trời làm một năm. Người Rôma sử dụng Dương lịch từ thế kỷ VII trước Đức Giêsu Kitô, nhưng một năm chỉ có 304 ngày và một năm chỉ có 10 tháng, tháng đầu năm là tháng Ba và ngày đầu năm là mồng 1 tháng 3. Bằng chứng là tháng 9, 10,11,12 của chúng ta ngày nay theo La ngữ hay Pháp ngữ : Septembre là tháng Chín (nhưng septem theo Latinh lại là số 7, nghĩa là tháng thứ bảy theo lịch cũ của Rôma), Octobre là tháng Mười (octo : 8), Novembre là tháng 11 (novus : 9), Décembre là tháng 12 (decem : 10).

Năm 46 trước Đức Giêsu Kitô (AC), Jules César đã cải cách lịch Rôma thành một năm có 365 ngày với 12 tháng (thêm tháng 1 và tháng 2 vào đầu năm), ngày đầu năm là mồng 1 tháng Giêng và cứ 4 năm có một năm nhuận 366 ngày (năm nhuận là năm chia chẵn cho 4). Nhiều quốc gia đã sử dụng lịch này nhưng ngày đầu năm (Tết) vẫn chưa mừng vào 01/01.

Sang thế kỷ XVI, các nhà thiên văn và làm lịch nhận thấy 1 năm trung bình có 365 ngày và 6 giờ là có vòng quay chậm hơn vòng quay của trái đất chung quanh mặt trời là 11 phút và 12 giây. Như thế là cho đến năm 1582, so với lịch Jules César, bị chậm mất 10 ngày. Do đó ngày 24/2/1582, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XIII ban hành sắc chỉ lấy ngày 04/10/1582 làm ngày 15/10/1582; mỗi năm vẫn có 365 ngày, và cứ 4 năm lại có một năm nhuận nhưng những năm cuối thế kỷ (1700, 1800, 1900...) được coi là những năm thường (365 ngày) trừ những năm chia chẵn cho 400 (vd : năm 1600, 2000, 2400 vẫn là những năm nhuận).

Lịch cải cách của Đức Grêgôriô có lợi điểm là phải 4000 năm mới có sự sai biệt 1 ngày, và đã được thế giới sử dụng. Năm 1918, nước Nga mới nhìn nhận lịch Grêgôriô, vì thế cuộc cách mạng 1917 của Nga được gọi là Cách Mạng Tháng Mười theo cách gọi của lịch cũ, còn chính xác thì cuộc cách mạng xảy ra vào ngày 07/11/1917 theo lịch Grêgôriô.

Về niên biểu, mỗi nước có một cách tính niên hiệu riêng, thường là dựa vào triều đại của các vua. Đức Giêsu sinh vào thời mà dân tộc Do Thái đang sử dụng Âm lịch và đế quốc Rôma đang sử dụng Dương lịch. Đất nước Do Thái đang bị đô hộ bởi đế quốc Rôma, cho nên các tác giả sách Phúc Âm xác định niên biểu theo niên hiệu của các hoàng đế Rôma (x. Lc 3,1) hoặc tính từ năm thành lập thành Rôma. Vào thế kỷ VI, một tu sĩ tên là Điônixiô đã quy định thời đại Kitô giáo, lấy năm Đức Giêsu sinh ra làm năm thứ nhất, tương ứng với năm 754 kể từ năm lập quốc Rôma. Tu sĩ này đã dựa vào Lc 3,1 (Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô) để xê dịch các niên hiệu Rôma thành niên hiệu Chúa Giêsu Kitô (trước Đức Giêsu viết là AC hoặc sau Đức Giêsu là PC), nhưng cách tính của ông có sự sai sót vài năm. Thế nên, Đức Giêsu phải sinh ra trước đó vài năm, khoảng năm 6 - 4 AC.

Hội Thánh Công Giáo có lịch riêng là lịch Phụng vụ, bắt đầu từ Chúa Nhật I mùa Vọng (khoảng cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12) cho tới tuần cuối cùng của mùa thường niên. Tuy nhiên trong các sinh hoạt, Hội Thánh vẫn theo lịch dân sự đang thịnh hành ngày nay, và ghi thêm vào đó các ngày lễ Công Giáo.

II. NGÀY CHÚA NHẬT

“Theo truyền thống tông đồ bắt nguồn từ chính ngày Chúa Kitô sống lại, Hội Thánh cử hành mầu nhiệm Phục sinh vào mỗi ngày thứ tám, ngày thật đáng được gọi là ngày của Chúa hay ngày Chúa Nhật’ (PV 106). Ngày Chúa Kitô Phục sinh vừa là ‘Ngày thứ nhất trong tuần’ vừa gợi lại ngày đầu của công trình sáng tạo, vừa là ‘Ngày thứ tám’, sau khi ‘an nghỉ’ trong ‘ngày Sa-bát vĩ đại’, Chúa Kitô khai mạc ‘ngày Chúa đã làm nên’, ‘ngày không còn đêm tối’. Bữa tiệc của Chúa là trọng tâm của ngày này, ở đó tất cả cộng đoàn tín hữu được gặp Chúa Kitô Phục sinh, Đấng mời gọi họ vào dự tiệc : ‘Hôm nay là Ngày của Chúa, ngày của các Kitô hữu, cũng là ngày của chúng ta. Hôm nay được gọi là ngày của Chúa, vì là ngày Đức Giêsu khải hoàn lên với Chúa Cha. Nếu người ngoại giáo gọi là ‘ngày mặt trời’, chúng ta cũng sẵn sàng chấp nhận: vì hôm nay, muôn dân được thấy Ánh Sáng, hôm nay Mặt Trời Công Chính mang lại ơn cứu độ xuất hiện’ (Th Giêrimô).

Ngày Chúa Nhật là ngày tuyệt hảo để cộng đoàn tín hữu tập họp cử hành Phụng Vụ, ‘để lắng nghe Lời Chúa và tham dự vào Bí tích Thánh Thể, để kính nhớ sự Thương Khó, Phục sinh và Vinh quang của Chúa Giêsu, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa, vì Người đã dùng sự Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô từ trong kẻ chết mà tái sinh họ trong niềm hy vọng sống động’ (PV 106)” (GLHTCG 1166-1167)

Họp nhau cử hành mầu nhiệm Vượt Qua vào ngày Chúa Nhật là một truyền thống sống động bắt nguồn từ thời các tông đồ, nên nó không chỉ là luật buộc, mà còn là một nhu cầu sinh tử của Kitô giáo và là một đòi hỏi nội tại của đức tin các Kitô hữu. Nếu các Kitô hữu họp nhau vào một ngày khác mà lại không phải là ‘Ngày của Chúa’, ngày truyền thống của Hội Thánh, thì còn gì là hiệp thông nữa ! Vì thế Hội Thánh không bao giờ bỏ mất ngày Chúa Nhật của mình vì Hội Thánh không thể từ khước bản chất của mình là cộng đoàn họp mừng mầu nhiệm Vượt Qua của những kẻ tin vào Chúa Phục Sinh.

Giáo Luật điều 1248 khỏan 1 quy định :

“Ai tham dự thánh lễ vào chính ngày lễ hay vào chiều ngày trước lễ, thì người ấy đã chu toàn việc buộc dự lễ”.

Vì thế, thánh lễ chiều thứ Bảy và chiều trước ngày lễ trọng sẽ phải cử hành cho long trọng và đầy đủ mọi yếu tố của ngày chính lễ. Nếu lễ trọng có lễ vọng thì chiều hôm trước phải cử hành lễ vọng, còn nếu không có lễ vọng thì chiều hôm trước cử hành bản văn của chính ngày lễ trọng hôm sau.

III. TÂM ĐIỂM CỦA NĂM PHỤNG VỤ

Năm phụng vụ diễn tả lịch sử cứu độ, và tuyệt đỉnh của lịch sử này là cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô. Các lời rao giảng tiên khởi của các tông đồ (kerygma) đều xoay quanh mầu nhiệm Tử Nạn và Phục sinh của Đức Giêsu Kitô (Cv 2,14-36; 3,12-26; 4,1012; 5,29-32) như một mẫu số chung cho các lời rao giảng và cử hành phụng vụ. Ban đầu, phụng vụ của Hội Thánh tiên khởi chỉ triển khai mầu nhiệm Vượt Qua như là tâm điểm của phụng vụ và là nội dung căn bản của sứ điệp Tin Mừng. Dần dần, phụng vụ thêm vào những mầu nhiệm khác của Chúa Giêsu nhưng tất cả đều tập trung vào mầu nhiệm Tử Nạn và Phục sinh là nội dung duy nhất của phụng vụ.

Công đồng Nixê (325) đã quyết định thống nhất ngày cử hành lễ Phục sinh trong toàn Hội Thánh vào ngày Chúa Nhật sau ngày 14 tháng Nisan của người Do Thái. Do đó, lễ Phục sinh không cố định mà xê dịch hàng năm.

Năm Phụng Vụ bắt đầu với Chúa Nhật I mùa Vọng và kết thúc bằng lễ Chúa Kitô Vua, xen kẽ với việc mừng kính các mầu nhiệm về Chúa, Đức Maria và các thánh, và đỉnh cao là Tam Nhật Vượt Qua.

IV. MÙA PHỤNG VỤ

Năm Phụng Vụ chia làm 5 mùa:

1) Mùa Vọng :

- Mùa Vọng (Adventus) là mùa hướng lòng về ngày Chúa Kitô sẽ lại đến trong vinh quang để xét xử thế giới và con người, nhưng gần hơn cả là chuẩn bị tâm hồn và đời sống để mừng mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh. Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta nhìn lên Chúa, Đấng đang đến với chúng ta mỗi giây phút và một cách đặc biệt khi ‘Người sẽ lại đến trong vinh quang’.

- Mùa Vọng kéo dài trong khoảng 4 tuần lễ, bắt đầu từ Chúa Nhật I đến chiều ngày 24/12. Từ đầu mùa Vọng đến hết ngày 16/12 nhằm hướng đến ngày cánh chung; còn từ ngày 17/12 nhằm chuẩn bị mừng đại lễ Giáng Sinh. Trong suốt mùa Vọng, lễ phục mang màu tím nói lên sự hoán cải trông đợi ơn cứu độ của Thiên Chúa.

2) Mùa Giáng Sinh :

- Mùa Giáng Sinh mừng kính mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa làm người. Lễ Giáng sinh đầu tiên được cử hành trọng thể vào khoảng năm 300, nhằm ngày 25/12 là ngày lễ thờ Thần Mặt Trời của dân ngoại. Đây là ngày trong năm có đêm dài nhất (Đông Chí) và bắt đầu ngày mặt trời đi lên quỹ đạo cao nhất mang ánh sáng chiếu soi vạn vật. Hội Thánh muốn nhân cơ hội lễ này để xác định Chúa Kitô là ‘ánh sáng chiếu soi trong đêm tối’ và là ‘mặt trời công chính soi sáng muôn dân’ (Ga 1,5 ; Lc 1,79).

- Mùa này kéo dài khoảng hơn hai tuần, từ ngày 25/12 (lễ Giáng sinh bắt đầu từ chiều hôm trước) đến hết lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Mùa Giáng Sinh có tuần bát nhật Giáng Sinh nhưng không được long trọng mừng kính cùng mức độ như tuần bát nhật Phục sinh, vì các ngày trong tuần bát nhật Phục Sinh đều được mừng như lễ trọng.

3) Mùa Chay :

- Mùa Chay là mùa thống hối, trở về với Chúa để sửa soạn tâm hồn đón mừng lễ Phục Sinh, một thời gian rất quan trọng cho đời sống thiêng liêng của Hội Thánh và của mỗi tín hữu. Mùa Chay cũng là mùa chuẩn bị trực tiếp cho các dự tòng lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo trong đêm Vọng Phục Sinh. Mùa Chay, theo nguyên nghĩa, là mùa 40 ngày, con số này mang ý nghĩa biểu tượng Kinh Thánh : 40 năm dân Do Thái đi trong hoang địa để vào đất hứa, 40 ngày Môsê ở trên núi Giao Ước Sinai, 40 ngày Êlia chạy trốn lên núi Horeb, 40 ngày Đavít phải đối đầu với Gôliát, 40 ngày Giôna rao giảng sám hối ở Ninivê và 40 ngày chay tịnh của Chúa Giêsu.

Có lẽ ban đầu mùa Chay khởi sự từ Chúa Nhật I mùa Chay đến chiều ngày Thứ Năm Tuần Thánh (Chúa Nhật I – V cộng thêm 5 ngày của Tuần Thánh = 40 ngày). Thế nhưng ngày Chúa Nhật là ngày kính Chúa Phục sinh không được phép ăn chay, nên mùa Chay đã sớm bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro, trước Chúa Nhật I. Dù vậy cũng chưa đủ 40 ngày ăn chay (mới có 38 ngày chay), lẽ ra phải bắt đầu mùa Chay vào ngày thứ Hai mới đủ 40 ngày nhưng truyền thống đạo đức xem ngày thứ Tư và thứ Sáu là ngày sám hối. Tuy nhiên nếu cộng thêm 2 ngày chay thánh nữa của Tam Nhật Vượt Qua là Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh thì vẫn đủ 40 ngày ăn chay.

- Chuyển tiếp giữa mùa Chay và mùa Phục Sinh là TAM NHẬT VƯỢT QUA THÁNH. Tam Nhật Vượt Qua là ngày Thứ Sáu, Thứ Bảy và Chúa Nhật Phục Sinh, bắt đầu từ chiều Thứ Năm Tuần Thánh (vì ngày đại lễ đối với người Do Thái được bắt đầu từ chiều ngày hôm trước) cho đến hết ngày Chúa Nhật Phục sinh. Cũng có người chủ trương Tam Nhật Vượt Qua là ngày Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh, nhưng như vậy thì chưa nói lên ý nghĩa đầy đủ của mầu nhiệm Vượt qua : vượt qua từ sự chết đến sự sống, từ cuộc sống trần thế về với Chúa Cha trên trời.

Trong Tam Nhật Vượt Qua không được cử hành thánh lễ ngoại lịch, kể cả lễ an táng, ngoại trừ :

Sáng Thứ Năm Tuần Thánh, trong một giáo phận chỉ có một Thánh Lễ làm phép Dầu Thánh do Đức Giám Mục cử hành, có sự đồng tế của linh mục đoàn, để sử dụng cho cả năm. Chiều Thứ Năm Tuần Thánh cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly, tưởng niệm việc Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể, sau lễ có Chầu Thánh Thể cho đến nửa đêm. Ngày thứ Sáu và Thứ Bảy tuần Thánh không cử hành Thánh Lễ, nhưng chiều Thứ Sáu có nghi thức Hôn Kính Thánh Giá để tưởng nhớ cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Chiều tối thứ Bảy Tuần Thánh là đã bắt đầu ngày đại lễ nên có cử hành Thánh Lễ Vọng Phục Sinh.

4) Mùa Phục Sinh :

“Phục sinh không chỉ là một ngày lễ như bao lễ khác, nhưng là ngày ‘lễ trên hết các lễ’, cũng như Bí tích Thánh Thể là ‘bí tích trên các bí tích’. Mầu nhiệm Phục sinh, mầu nhiệm Đức Kitô toàn thắng sự chết, đem lại cho thời gian già cỗi của chúng ta, sức sống mãnh liệt, cho đến khi mọi sự phải quy phục Đức Kitô”. (GLHTCG 1169)

- Lễ Phục sinh được ấn định vào một Chúa Nhật sau lễ Vượt qua của người Do Thái nên lễ này thay đổi hàng năm. Mùa Phục sinh kéo dài 50 ngày, bắt đầu từ Chúa Nhật Phục Sinh cho đến hết lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, thời gian này được cử hành trong niềm hân hoan phấn khởi, và được coi như một ngày lễ duy nhất, hơn nữa như một Đại Chúa Nhật. Các ngày thường trong tuần Bát nhật phục sinh được cử hành như lễ trọng kính Chúa (không đọc kinh Tin Kính), vì thế không được phép cử hành bất cứ thánh lễ ngoại lịch nào, ngoại trừ thánh lễ an táng.

5) Mùa Thường Niên :

- Mùa thường niên gồm 34 tuần (lễ phục màu xanh lá cây), xen kẽ giữa mùa Giáng Sinh và mùa Chay (khoảng 8, 9 tuần), giữa mùa Phục Sinh và mùa Vọng (các tuần còn lại). Giáo Hội không cử hành một khía cạnh đặc biệt nào về mầu nhiệm Chúa Kitô, nhưng lại tôn kính chính mầu nhiệm Chúa Kitô trong toàn bộ.

Ngoài ra, trong Năm Phụng Vụ, Hội Thánh còn ‘tôn vinh Đức Maria vinh hiển, Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã nối kết với công trình cứu chuộc của Con Người bằng mối dây bất khả phân ly’ (PV 103-104). Đồng thời, Hội Thánh cũng kính nhớ các thánh Tử Đạo và các thánh khác; qua đó, Hội Thánh công bố mầu nhiệm Phục Sinh nơi các ngài và trình bầy cho các tín hữu những gương mẫu tuyệt vời, lôi kéo họ đến với Chúa Cha qua Chúa Kitô.

Muốn biết hôm nay là ngày lễ gì, thuộc mùa gì, tuần mấy... thì phải mở Lịch Công Giáo của từng năm.

V. LỄ TRỌNG, LỄ KÍNH & LỄ NHỚ

Lịch phụng vụ chia làm ba bậc lễ để kính nhớ các mầu nhiệm của Chúa, các đặc ân của Đức Maria và các thánh :

1) Lễ trọng chia làm hai loại : lễ trọng chung và lễ trọng riêng.

-Lễ trọng chung là các lễ trọng được xác định rõ trong sách phụng vụ mà toàn thể Hội Thánh phải mừng kính. Có 15 lễ trọng chung cho Giáo Hội toàn cầu: 10 lễ kính Chúa, 3 lễ kính Đức Maria và 4 lễ kính các thánh. Lễ Phục sinh và Giáng Sinh là hai lễ trọng đặc biệt, kéo dài trong 8 ngày gọi là tuần Bát Nhật, tuy nhiên tuần Bát Nhật Giáng Sinh không được ưu tiên như tuần Bát nhật Phục sinh.

-Lễ trọng riêng chỉ được mừng kính trong một Hội Thánh địa phương. Chẳng hạn lễ Các thánh tử đạo Việt Nam (24/11) là lễ trọng riêng đối với Hội ThánhViệt Nam vì là lễ bổn mạng Hội Thánh Việt Nam, còn đối với Hội Thánh toàn cầu chỉ là lễ nhớ.

Tất cả các lễ trọng chung hay riêng đều được bắt đầu từ Kinh Chiều I ngày hôm trước, nghĩa là ngày mừng lễ sẽ dài hơn một ngày bình thường. Vì thế thánh lễ chiều hôm trước (sau Kinh Chiều I) đều phải cử hành lễ trọng kính của ngày hôm sau, nghĩa là ngày chính lễ, ngọai trừ một vài lễ có lễ vọng thì phải cử hành lễ vọng (Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đức Maria lên trời, Sinh nhật Gioan Tiền Hô, Phêrô và Phaolô).

Ngoài ra,còn có thánh lễ được kính trọng thể, nghĩa là mừng kính cách đặc biệt hơn vào ngày Chúa Nhật thường niên trước hay sau đó vì lợi ích mục vụ của các tín hữu nơi đó (ví dụ: lễ Các Thánh tử đạo Việt Nam 24/11 được rời lên Chúa Nhật trước vì Chúa Nhật sau đó thường là lễ Chúa Kitô Vua; lễ Mân Côi tuy là lễ nhớ buộc nhưng được mừng kính trọng thể vào Chúa Nhật).

2) Lễ kính ở bậc thấp hơn lễ trọng và chỉ giới hạn trong một ngày bình thường nên không có Kinh Chiều I, trừ lễ kính Chúa trùng vào ngày Chúa Nhật thường niên. Lịch phụng vụ đề ra ba loại lễ kính : 6 lễ kính Chúa, 2 lễ kính Đức Maria, 17 lễ kính các thánh (Giáo Hội Việt Nam mừng thêm 2 lễ kính riêng: Têrêxa và Phanxicô Xaviê).

3) Lễ nhớ chia làm hai loại : lễ buộc nhớ và lễ nhớ tùy ý. Các ngày lễ nhớ buộc trong mùa Chay thì chỉ mừng như lễ nhớ tùy ý, không bó buộc phải cử hành. Khi lịch chung để tên nhiều vị thánh kính nhớ tùy ý trong cùng một ngày thì chỉ chọn một vị thánh để mừng, còn những vị khác được bỏ.

4) Lễ theo nhu cầu :

Có ba loại lễ theo nhu cầu :

-Lễ có nghi thức riêng thường đi kèm với việc cử hành một bí tích nào đó: Hôn Phối, Truyền Chức, Thêm Sức ...

-Lễ do nhu cầu tùy theo hòan cảnh : lễ tạ ơn, lễ cầu mùa

-Lễ ngoại lịch là do lòng đạo đức của giáo dân đòi hỏi : thứ Sáu kính Thánh Tâm, thứ Bảy kính Đức Mẹ ...

Tuy nhiên, các lễ theo nhu cầu được cử hành hay không, còn tùy thuộc vào các mùa hoặc lịch phụng vụ.

Ví dụ :

* Không được cử hành bản văn và bài đọc thánh lễ Hôn Phối vào các lễ trọng, các Chúa Nhật mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục sinh, thứ Tư lễ Tro, Tuần Thánh, lễ 2/11, tuần Bát nhật Phục Sinh, nhưng được cử hành nghi thức bí tích Hôn Phối trong các ngày lễ Chúa Nhật (sau bài giảng) và được phép đọc lời chúc hôn sau kinh Lạy Cha và ban phép lành riêng ở cuối lễ.

Trong các Chúa Nhật mùa Giáng Sinh và mùa thường niên : vẫn phải cử hành lễ Chúa Nhật nhưng có thể thay đổi bằng một bài đọc sách thánh về Hôn phối. Nếu không có cộng đoàn Giáo Xứ tham dự mà chỉ có gia đình hôn lễ thì được phép cử hành toàn bộ bản văn và bài đọc riêng của lễ Hôn phối.

* Thánh lễ an táng được cử hành bất cứ ngày nào, trừ ngày lễ trọng buộc, thứ Năm tuần thánh, Tam nhật Vượt Qua và các Chúa Nhật mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục Sinh. Nếu cử hành an táng vào các ngày này, người ta buộc phải dùng bản văn và bài đọc của ngày lễ đó, và sau lời nguyện hiệp lễ được làm nghi thức từ biệt.

PHỤ LỤC

Thứ tự ưu tiên trong việc cử hành các ngày phụng vụ phải nhất thiết căn cứ vào bảng quy định sau đây :

I

1* TAM NHẬT VƯỢT QUA tưởng niệm cuộc Thương khó và Phục sinh của Chúa.

2* Lễ Giáng Sinh, Hiển Linh, Thăng Thiên và Hiện Xuống.

Các Chúa Nhật mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục sinh.

Thánh lễ an táng (QCTQ 380 : cấm cả sáng và chiều thứ Năm Tuần Thánh)

Thứ Tư Lễ Tro.

Các ngày trong Tuần Thánh từ thứ Hai đến hết thứ Năm.

Các ngày trong Tuần Bát Nhật Phục sinh.

3* Các lễ trọng kính Chúa, Đức Mẹ và các Thánh có ghi trong lịch chung.

Lễ cầu cho mọi tín hữu đã qua đời (2/11).

4* Các lễ trọng riêng, tức là :

a) Lễ trọng thánh bổn mạng chính của địa phương, thành phố hay quốc gia;

b) Lễ trọng Cung hiến thánh đường, hay ngày kỷ niệm cung hiến thánh đường đó.

c) Lễ trọng mừng tước hiệu của nhà thờ.

d) Lễ trọng của dòng tu hay tu hội mừng tước hiệu, hoặc thánh sáng lập dòng, hay bổn mạng chính của dòng.

II

Thánh lễ có nghi thức riêng (QCTQ 372)

Thánh lễ tùy nhu cầu và ngọai lịch theo lệnh của đấng bản quyền địa phương (QCTQ 374)

5* Các lễ kính Chúa có ghi trong lịch chung.

6* Các Chúa Nhật mùa Giáng Sinh và Thường niên.

7* Các lễ kính Đức Mẹ và các thánh có ghi trong lịch chung.

8* Các lễ kính riêng, tức là :

a) Lễ bổn mạng của chính địa phận.

b) Lễ kỷ niệm cung hiến nhà thờ Chánh Tòa.

c) Lễ kính bổn mạng chính của miền, tỉnh, nước hay một vùng rộng lớn.

d) Lễ kính của dòng tu hay tu hội và tỉnh dòng mừng tước hiệu, thánh sáng lập, thánh bổn mạng, trừ những điểm đã nói trong số 4.

e) Các lễ kính khác có ghi trong lịch địa phận, dòng tu hay tu hội.

Thánh lễ cầu hồn khi vừa được tin một người qua đời hay trong ngày giỗ đầu (QCTQ 381)

9* Các ngày trong tuần thuộc mùa Vọng từ 17/12 đến hết 24/12.

Các ngày trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh.

Các ngày trong tuần mùa Chay.

III

Thánh lễ tùy theo nhu cầu và ngoại lịch theo sự xét đoán của vị phụ trách thánh đường hay của chính linh mục chủ tế (QCTQ 376)

10* Các lễ nhớ bắt buộc có ghi trong lịch chung.

11* Các lễ nhớ bắt buộc riêng, tức là :

a) Các lễ nhớ bổn mạng phụ của địa phương, địa phận, miền hay tỉnh, quốc gia, một vùng rộng lớn, của dòng tu hay tu hội và tỉnh dòng.

b) Ít nhiều lễ nhớ bắt buộc riêng của một vài nhà thờ.

c) Các lễ nhớ không bắt buộc đã nói tới một cách đặc biệt trong Quy chế tổng quát về thánh lễ và thần vụ, thì có thể xảy ra vào cả ngày đã nói ở số 9. Cũng vì lý do đó, khi những lễ nhớ bắt buộc trùng với những ngày trong tuần mùa Chay, thì có thể cử hành như lễ nhớ không bắt buộc.

13* Các ngày trong tuần, từ đầu mùa Vọng đến hết 16/12.

Các ngày trong tuần mùa Giáng Sinh từ 2/1 đến thứ bảy sau lễ Hiển Linh.

Các ngày trong tuần thuộc mùa Phục sinh, từ thứ Hai sau tuần Bát Nhật Phục sinh đế thứ Bảy trước lễ Hiện Xuống.

Thánh lễ tùy nhu cầu và ngọai lịch theo lòng đạo đức của giáo dân (QCTQ 377).

Thánh lễ cầu hồn hằng ngày (QCTQ 381)

Các ngày trong tuần thuộc mùa thường niên.

TÓM LƯỢC :

1* H. Ngày Chủ Nhật có tầm quan trọng thế nào ?

-T. Ngày Chủ Nhật được gọi là ‘Ngày của Chúa’, ngày Chúa Kitô sống lại từ cõi chết, và theo truyền thống từ thời các tông đồ, các tín hữu tụ họp nhau lại lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể; và đây cũng là luật kiêng việc nặng nhọc ngày Chúa Nhật.

2* H. Tâm điểm của Năm Phụng vụ là gì ?

-T. Tâm điểm của năm Phụng vụ là mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, khởi đầu năm phụng vụ với CN I mùa Vọng và kết thúc với lễ Chúa Kitô Vua, xen kẽ vào các mầu nhiệm kính Chúa, Đức Maria và các thánh, và cao điểm vẫn là Tam Nhật Vượt Qua.

3* H. Các mùa phụng vụ được sắp xếp nhu thế nào ?

-T. Các mùa phụng vụ được sắp xếp như sau : cao điểm là mùa Phục sinh rồi đến Giáng Sinh, và được chuẩn bị bằng mùa Chay và mùa Vọng, còn xen kẽ giữa các mùa gọi là mùa thường niên.

4* H. Lễ trọng, lễ kính và lễ nhớ khác nhau thế nào ?

-T. Lễ trọng ở bậc cao nhất chia làm hai loại : lễ chung cho toàn cầu và lễ riêng cho địa phương; và thời gian mừng lễ trọng dài hơn một ngày bình thường, nghĩa là luôn bắt đầu từ chiều hôm trước.

Lễ kính chỉ gói gọn trong một ngày bình thường, và thấp hơn lễ trọng.

Lễ nhớ ở bậc thứ ba và có hai loại : lễ nhớ bắt buộc và lễ nhớ không bắt buộc.

CẦU NGUYỆN :

Lạy Chúa, khi đến với Chúa,

con tháo cởi đôi giầy là những tham vọng của con;

cởi bỏ đồng hồ là thời khóa biểu của con;

con đóng lại bút viết là các quan điểm của con;

con bỏ xuống chìa khóa là sự an toàn của con,

để con được ở một mình với Ngài,

lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.

Sau khi được ở với Ngài,

con sẽ xỏ giày vào để đi theo con đường của Chúa;

con sẽ đeo đồng hồ để sống trong thời gian của Chúa;

con sẽ đeo kính vào để nhìn thấy thế giới của Chúa;

con sẽ mở bút ra để viết những tư tưởng của Chúa;

con sẽ cầm chìa khóa lên để mở những cánh cửa của Chúa.

Graham Kings


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà